Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
6/3/12

Bình sa lạc nhạn - Lý Kim Giai

Bình sa lạc nhạn
Lý Kim Giai
Ngô Tự Lập dịch

Đêm cuối cùng trước khi thành sụp đổ, tướng quân bỗng muốn chơi lại một lần nữa khúc Bình sa lạc nhạn.
Vòng vây của quân rợ xiết chặt đã ba tháng. Trong ba tháng ròng rã ấy, tướng quân không một lần động đến cây đàn, cũng không hề gặp nhạc sư. Nhưng sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng sự chểnh mảng ấy là do cuộc chiến với lũ quân rợ khốn kiếp đã choán hết tâm trí tướng quân, đến mức ngài không còn chút hứng thú nào để tiêu khiển bằng âm nhạc. Nói đúng ra, kể từ đầu cuộc chiến, tướng quân bị rơi vào cảnh ăn không ngồi rồi, một sự nhàn rỗi tuyệt đối và chết chóc. Mọi chiến lược, kế hoạch kế hoạch phản công đều vô nghĩa đối với việc phòng thủ của cái thị trấn biên thuỳ đã bị cắt đứt mọi nguồn tiếp tế, thậm chí đã bị Hoàng Đé lãng quên này. Để chống chọi lại với chừng ba ngàn quân rợ vừa phi nước đại vừa hét vang trên sa mạc, điều duy nhất tướng quân có thể làm là đóng chặt cổng thành và sống thoi thóp đợi lúc rơi vào tay địch. Đúng ra, tướng quân có thể lợi dụng tình cảnh ăn không ngồi rồi này để tập đàn cả ngày cũng được. Việc ngài phải từ bỏ niềm say mê ấy một cách triệt để không phải vì cuộc vây thành, mà vì một lí do hoàn toàn khác.
Thật ra, tướng quân chưa bao giờ nắm được nghệ thuật chơi đàn. Cứ mỗi lần ngài cầm lấy cây đàn trong căn phòng nhỏ trên đài chỉ huy là đám lính hầu và quân cận vệ lại vội vã trốn vào một chỗ thật xa để khỏi bị rách màng nhĩ vì những âm thanh chát chúa. Rất may, vào thời bình, thị trấn là nơi buôn bán nhộn nhịp giữa người Hoa với người rợ. Bên trong tường thành là những khu chợ bán lụa, chè và ngựa. Chỉ ra khỏi đài chỉ huy là tiếng đàn của tướng quân đã chìm ngập trong tiếng rao hàng và bánh xe lăn lóc cóc mà chẳng làm phiền ai cả. Nhưng vòng vây đã biến thị trấn thành một nấm mồ bỏ không câm lặng và chỉ một tiếng động nhỏ cũng vang đi rất xa trên những đường phố hoang vắng. Vì thế, tướng quân tự thấy cần phải ngừng việc tập đàn nếu không muốn gục ngã trước khi thành sụp đổ bởi chính tay những người lính nổi loạn chống lại thứ âm nhạc không sao chịu nổi của ngài. Nhưng đêm cuối cùng đã đến. Tất cả sẽ kết thúc trong vài giờ tới. Giống như một người phu khuân vác vừa trút được gánh nặng trên vai, tướng quân quyết định thoả mãn ước nguyện cuối cùng của đời mình mà không còn lo ngại làm phiền lỗ tai binh sĩ.
- Lính hầu – Ngài gọi và cảm trong lòng lâng lâng nhẹ nhõm – Mời nhạc sư đến đây cho ta !
Bước thấp bước cao, người lính già xuống lầu, đi tìm nhạc sư. Chẳng có việc gì để làm, tướng quân lại gần tường thành, ngắm nhìn hồi lâu qua lỗ châu mai những lều trại của quân rợ trông đầy vẻ yên bình. Ngài trầm ngâm đứng lặng. ý nghĩ rằng chỉ vài giờ nữa mình sẽ bị những kẻ đang mê mệt ngủ dưới kia giết chết khiến ngài không sao chịu nổi. Ngài quay vào phòng, và bất chấp hiểm nguy, mở toang các cửa sổ. Gió đêm lạnh và khô, gần như đă được tẩy sạch mùi máu và mồ hôi ngựa. Tướng quan đốt hương, đặt gần chỗ ngồi, trước cây đàn. Những dây đàn khe khẽ rung lên khi tướng quân chạm tay vào khiến ngài nhớ lại hai câu nói mà vị nhạc sư đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần từ khi ngài bắt đầu học nhạc. Đôi lông mày nhíu lại, ông già mù bao giờ cũng bắt tướng quân dừng lại sau đoạn thứ nhất của khúc Bình sa lạc nhạn, nhận xét bằng một giọng khô như gỗ:
- Chỗ này ngài phải dùng ngón cái lướt nhẹ trên dây, gẩy âm bội và kết thúc bằng nốt xang.
Nhưng tướng quân vừa làm đúng như thế. Ngài đã tưởng mình thực hiện gần như hoàn hảo những kỹ thuật được hướng dẫn trong cuốn sách dạy đàn. Tướng quân ngước cặp mắt bối rối lên nhìn thầy, dò hỏi. ánh mắt trống rỗng của ông già mù khiến ngài chợt xúc động và như được khai sáng, như tìm thấy một thứ ánh sáng lâu nay vẫn ẩn khuất trong tâm hồn. Được nguồn cảm hứng này cổ vũ, tướng quân lại cố tiếp tục chìm đắm vào âm nhạc để chơi lại đoạn đầu với một sự xuất thần ngây ngất không gì sánh được. Lần này, vị nhạc sư kiên nhẫn ngồi nghe từ đầu đến cuối, vừa nghe vừa chớp mắt, nhưng vẫn không nói gì. Giai điệu kết thúc, những dư âm đã tan vào không khí, vị nhạc sư già mới cất tiếng để đưa ra nhận xét thứ hai, cũng vẫn với cái giọng khô như gỗ của mình:
- Tưóng quân đã mô tả rất giỏi cảnh đàn vịt bơi trên mặt nước chứ không phải là cảnh chim nhạn đỗ xuống sa mạc. Khi ngài chơi, khúc nhạc hoá bồng bềnh chứ không đúng như tinh thần của nó.
Nói xong hai nhận xét ấy, vị nhạc sư già đúng dậy ra về, để mặc ngưòi học trò với cây đàn, bối rối và ủ rũ. Ngài không thể hiểu được mình chơi sai ở chỗ nào. Trong lúc chơi, rõ ràng ngài trông thấy quanh mình những cồn cát mênh mông, sáng lấp lánh và trong gió thu, vô vàn cánh chim nhạn chấp chới bay trong ánh hoàng hôn cùng những tiếng kêu buồn bã. Tướng quân cố hình dung và cảm thấy mình đã nắm được cái thần của điệu nhạc. Thế thì tại sao khi đến tai vị nhạc sư già cảnh chim nhạn đỗ xuống sa mạc một cách trang trọng và kiều diễm kia lại hoá thành cảnh vui đùa của một bầy vịt trên sóng nước?
Tướng quân không thể xuất sắc trong nghệ thuật chơi đàn, chắc chắn đó là vì trong sâu xa, Bình sa lạc nhạn không phải là tác phẩm dành cho ngài. Trước khi bị mắc kẹt trong trại lính của cái thị trấn heo hút miền cực bắc này, tướng quân, vốn người miền Nam, chưa bao giờ được trông thấy chim nhạn và sa mạc thực thụ, mặc dù ngài đã từng được nghe khúc nhạc này từ khi còn ở quê nhà. Việc ngài mang theo cây đàn, thứ báu vật của gia đình, đến miền biên giới xa xôi, có lẽ đúng ra là để chơi điệu Sơn Thuỷ hay điệu Tuyết xuân, những điệu nhạc gần gũi, sẽ giúp ngài khuây khoả nỗi nhớ quê hương. Nhưng trong cuốn sách dạy đàn đã bị mủn rách quá nửa mà ngài tìm được trong một căn nhà đóng kín gần chân thành, chỉ có một khúc nhạc duy nhất còn nguyên vẹn, đó là Bình sa lạc nhạn. Cả vị nhạc sư ngài cũng tìm thấy trong căn nhà đóng kín. Không ai biết ông ta từ đâu đến và đến để làm gì, nhưng dân chúng trong thị trấn đều nói rằng ông ta là nhạc sư, người duy nhất hiểu biết về âm nhạc Trung Nguyên, mặc dù ông ta chưa bao giờ hạ cố chơi bất cứ loại nhạc cụ nào.
Bất chấp sự khác nhau về đẳng cấp xã hội, tướng quân, vì muốn có được những lời khuyên của một người thông thái, bèn mời ông thầy mù đến đài chỉ huy để nghe ngài chơi bài Bình sa lạc nhạn. ông già kỳ quặc và thô kệch biết lợi dụng một cách triệt để sự mù loà. Khi bước vào phòng tướng quân, ông ta chỉ phác qua một cử chỉ sơ sài gọi là chào và không bao giờ chịu quì gối. Tướng quân không thể làm gì được để trừng phạt sự hỗn xược ấy. Nếu trừng phạt vị nhạc sư và đuổi ông ta đi, ngài sẽ khó mà tìm được, ở cái xứ biên ải xa xôi này, người thứ hai chịu nghe ngài gẩy đàn. ý thức được vai trò của mình, vị nhạc sư tỏ ra không cần giữ mồm giữ miệng. Một hôm, sau khi nghe tướng quân chơi đàn, ông ta, với thái độ hỗn xược, dám thêm một nhận xét thứ ba:
- Thưa tướng quân, ngài đã bao giờ trông thấy cảnh chim nhạn đậu xuống sa mạc chưa ? Sao tướng quân không hạ cố, chí ít, là trèo lên tường thành để ngắm đàn chim nhạn ? Chúng đến từ độ thu, giờ đang bay về miền Nam tránh rét.
Tuy cảm thấy bị xỉ nhục, tướng quân vẫn đặt cây đàn sang bên cạnh, trèo lên thành và đưa mắt nhìn xa xa. Quanh thị trấn, những cồn cát nhấp nhô như sóng đến tận chân trời. Đột nhiên, trên nền hoàng hôn cháy đỏ, ngài trông thấy một đụn khói bụi chấp chới bay lên trời cao. Hết sức kinh ngạc, ngài tự hỏi, bằng sức mạnh màu nhiệm nào mà bầy chim nhạn có thể làm bốc lên một đám bụi lớn như thế. Phải một phút sau, tướng quân mới nhận ra là mình nhầm. Ngay trước mắt ngài, đám bụi hoá thành một khối cát chuyển động cùng những tiếng gào thét, mũ trụ, quân kỳ và giáo gươm tua tủa. Đám quân rợ theo sau bầy chim nhạn, vượt qua biên giới, đang tiến đến gần thị trấn.
Tiếng chuông reo lên lanh lảnh. Người lính hầu già dẫn vị nhạc sư vào. Quá mải mê suy nghĩ, tướng quân quên cả đứng dậy đón. Ngài sai người lính già pha trà. Hai tay chắp lại, vị nhạc sư già cúi chào vào khoảng không rồi tiến lại chiếc chiếu mây bao giờ cũng đặt đúng chỗ ấy, dành riêng cho ông. Tướng quân bắt đầu so dây. Vị nhạc sư dừng lại giữa phòng và nói:
- Thưa tướng quân, ngày mai ngài sẽ phản công ?
- Đúng vậy.
            - Để phá vòng vây?
            - Không, để phá chính mình.
            Nói xong những lời này, tướng quân đứng dậy, nhìn qua cửa sổ. Trong thành, dưới chân những bức tường đổ nát, binh sĩ đang ăn thịt những con ngựa chiến cuối cùng. Đói ! Sau ba tháng bị vây hãm, lương thảo trong thành đã hoàn toàn cạn kiệt. Tính cả thương binh và những người già cả, tướng quân chỉ còn chưa đầy hai trăm quân lính. Việc chống cự thật là vô vọng.
            Vị nhạc sư mù gật đầu, ngồi xuống. Tướng quân đốt thêm nhang, cắm vào lư rồi ngồi trở lại vào ghế. Lát sau, ngài bình tâm trở lại và bắt đầu chơi. Những âm bội chấp chới. Trong ngoài thành đều lặng như tờ. Tiếng đàn được gió đêm mang đi xa, rất xa. Tướng quân cảm thấy lòng dạ bồn chồn khôn tả. Hết đoạn một, ngài dừng lại để nghe những lời nhận xét quen thuộc của nhạc sư. Nhưng ông già vẫn ngồi im, bất động, tưởng như ông đã thiếp đi cùng tiếng nhạc. Rất đỗi kinh ngạc, tướng quân ngẩng lên, nhưng ngài không thể nhìn rõ mặt ông già khuất sau chiếc cột. Tướng quân chơi tiếp. Giai điệu trầm xuống như tiếng chim nhạn vỗ cánh, những cái bóng xám run rẩy in trên sa mạc. Dần dần, giữa những ngón tay đang lướt nhẹ trên dây đàn, cát bắt đầu lấp lánh trôi đi và nhấp nhô như sóng. Đột nhiên, một đàn vịt hiện ra, bơi đi, dáng vẻ đường bệ nổi bật trên mặt hồ xanh biếc, mênh mông và sâu thẳm. Trời ơi, làm sao mà những hình ảnh đặc thù của phương Nam ấy, những sắc màu vui vẻ và sống động ấy lại có thể xâm nhập được vào màn đêm thê lương của cái thị trấn phương Bắc xa xôi này ? Tướng quân không sao hiểu nổi, cũng không sao xua đuổi được chúng ra khỏi âm nhạc của mình. Ngài cố gắng tìm giữa đàn vịt đang cất lên những tiếng kêu khàn khàn kia bóng dáng một con chim nhạn. Nhưng vô ích. Nhưng rồi giai điệu và tiết tấu nhanh dần. Tướng quân mừng rỡ cảm thấy mình sắp tìm thấy những ngọn gió cát lạnh lẽo của phương Bắc vĩ đại. Nhưng thật kinh ngạc, ngài chỉ nhìn thấy những giọt mưa mau lấp loáng, thứ mưa miền Nam âm thầm rơi xuống dây đàn, xuống đàn vịt bên hồ, xuống mui chiếc thuyền con đen đúa giấu trong lau sậy, xuống những mái chòi lợp rạ run rẩy trên đồng lúa, xuống chiếc mũ nan của cậu bé chăn trâu đang uể oải bước đi trên con đường lầy lội và một ngọn đèn lồng màu đỏ trong xóm nhỏ xa xôi. ánh sáng đùng đục và ẩm ướt của chiếc đèn lồng toả sáng cái cổng làng quen thuộc, nơi người cha già, tay cầm chiếc mũ nan, đang đứng đợi con về. Tướng quân lao về phía chiếc đèn lồng. Đột nhiên, tiếng vịt kêu xé tan bầu trời mưa dầm dề. Tướng quân ngước mắt. Tiếng nhạc ngừng.
            Ngồi như tê liệt trong chiếc ghế, cả người tướng quân đầm đìa mồ hôi. Ngài thậm chí không dám nhìn thẳng vào đôi mắt khô khốc của ông già mù. Thật đáng xấu hổ ! Ngài không biết rằng mọi nỗi lo sợ, mọi hy vọng và tuyệt vọng bấy nay ngài vẫn giấu kín trong đáy lòng giờ phơi bày trần trụi qua khúc nhạc đang được ngài thể hiện, sự thể hiện sai lạc ngàn trùng so với tinh thần của nó. Tính bay bổng siêu thoát của khúc Bình sa lạc nhạn, tướng quân sẽ chẳng bao giờ được biết!
Vị nhạc sư vẫn vẫn ngồi im trong bóng tối, bình thản như một bức tượng phật. Hồi lâu sau ông tỉnh dậy, uống chén trà đã nguội ngắt và nói với một nụ cười thân thiện:
            - Chim nhạn đã đậu xuống, đã nhẹ nhàng in bóng trên sa mạc. Tướng quân đã thể hiện rất giỏi cái thần của khúc nhạc.
            Nói xong, ông đứng dậy, cúi gập người xuống chào rồi đi ra, để mặc tướng quân ngây người vì bàng hoàng.
            - Đợi một lát ! – Tướng quân kêu lên, hoảng hốt vì cảm thấy giọng mình hơi bất nhã.
- Dạ, thưa tướng quân ?.
- Xin thầy đợi cho một chút, tôi có một điều muốn nói với thầy. – Tướng quân trấn tĩnh lại, bước từ trên đài chỉ huy xuống, tay cầm cây đàn – Vậy là tôi được thầy dạy bảo đã hơn một nay trời. ơn này tôi không bao giờ quên được. Tôi chỉ có một điều ân hận là chưa bao giờ được diễm phúc nghe thầy chơi khúc Bình sa lạc nhạn. Ngày mai, thành sẽ rơi vào tay quân Rợ còn tôi sẽ bị giết. Tôi sẽ chỉ còn được thưởng thức âm nhạc trong cõi khác mà thôi. Tôi là một người lính nghèo, chẳng có gì quí giá ngoài cây đàn này, tôi muốn tặng thầy làm vật kỷ niệm. Xin từ biệt thầy và chúc thầy bình an ở lại.
Vị nhạc sư cầm lấy cây đàn, khẽ bấm nhẹ dây. Sau một hồi im lặng, ông nói:
- Ngày mai, khi tướng quân ngã xuống vinh quang giữa trận mạc, tôi sẽ lên thành và chơi khúc nhạc ấy. Chơi lần cuối trong đời.
            Sáng hôm sau, hai trăm quân lính mở toang cổng thành, gào thét một cách tuyệt vọng và xông thẳng tới trại quân rợ. Nhưng trái với những gì họ chờ đợi, chẳng có tiếng kèn báo động nào vang lên, cũng chẳng có mũi tên nào của kẻ thù bay tới. Khi tướng quân vượt qua chiến luỹ của quân rợ và xông vào trại của chúng, ngài chẳng trông thấy một bóng người bóng ngựa nào. Toàn bộ quân rợ đã đột ngột biến đi đúng lúc chạm tay vào chiến thắng ! Phải chăng chúng đã cạn lương thảo và buộc phải nhổ trại trước khi mùa đông đến ? Hay sau khi giành được những gì mình muốn, vua rợ đã nhận lời giảng hoà với Hoàng Đế và lui quân ? Hay là khi nghe tiếng nhạc kỳ lạ và không đúng lúc của tướng quân, tướng rợ ngờ rằng Trung Hoa đã tăng viện và bày ra một mưu kế gì đây nên sợ hãi mà vội vàng rút chạy ? Không ai biết chuyện gì đã xảy ra. Giữa những lều trại trống hoác, tướng quân loạng choạng bước đi dọc theo dấu chân ngựa hướng về phía chân trời. Bằng một động tác mạnh mẽ và dứt khoát, ngài tháo diềm mũ che cổ. Hai trăm quân lính đang đợi cái chết thảm khốc quay lại nhìn nhau, chẳng còn biết phải làm gì trong tình huống bất ngờ. Trong không trung, họ chỉ nghe tiếng gào rú quyết liệt của những trận gió đến từ phương Bắc.
Đột nhiên, từ trên thành có tiếng đàn vọng xuống, run rẩy, trầm buồn và sầu thảm. Những người lính ngẩn đầu lên và trông thấy vị nhạc sư già. Sau những lỗ châu mai, mái tóc bạc của ông bay bay trong gió. Những âm  bội vang lên rồi dừng lại ở nốt xang.
Khi những người lính quay lại để nhận lệnh, họ thấy tướng quân nằm sóng soài trên cát. Ngài đã chết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com