Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
4/3/12

Chúc Tết - Giả Bình Ao

Chúc Tết
Giả Bình Ao
Vũ Công Hoan dịch

Mở đầu
Cả cuộc đời mẹ không sinh con trai, song đã nuôi bốn cô con gái như những bông hoa. Mà nay ba cô đã lấy chồng, bà mẹ có ba chàng rể. “Con rể mồng hai tết chúc tết bố mẹ vợ”. Ngay từ sáng bà mẹ đã bận tíu tít, trong sân đã quét không sót một mẩu gai củi, bệ bếp lau rửa không còn một cái bát bẩn, nhân đã băm, mì đã cán, bánh chẻo đã gói kín đáy sàng, mà con cái vẫn chưa đến. Bà sai cô Tư ra đầu làng đón. Cô Tư ba mươi tuổi, từ công trường thủy lợi về nhà, vừa thay quần áo mới, đang trang điểm từ đầu đến chân trước gương, nghe mẹ nói liền trề môi:
- Người ta đôi nào vào đôi ấy, mẹ còn thương cái nỗi gì? Người cần thương thì chẳng thương?
Mẹ bảo:
- Giầu con út khó con út, ai không thương con, mong chúng nó hôm nay đến, chẳng phải muốn góp ý việc cưới xin cho con là gì?
Cô Tư đỏ mặt, tóc để xõa bước ra cửa. Mẹ cô gọi:
- Quay lại, con điên à!
Cô Tư quay lại, đứng trước gương tết đuôi sam, vặn eo ngắm nghía.
- Rặt ngắm với vuốt, ngắm vuốt thì đẹp được ư?
Mẹ lại trách con, đẩy con đi mau mau, song lại nhét cái gương tròn nhỏ xíu vào lòng bàn tay con gái. Cô Tư nhìn mẹ cười, vù một cái, đã ra khỏi cửa, song lập tức nghe thấy cô gọi lanh lảnh:
- Mẹ ơi, đến rồi, chị Ba đến đây này.
Chị Ba
Chị Ba bước vào cửa cất tiếng “Chào mẹ”, quà tết đặt lên nóc tủ, rồi ngả lưng xuống giường lò, nũn người ra. Bà mẹ ngẩn tò te, giơ tay đang nhào bột, hỏi:
- Đi bộ đến à?
Cô Ba không trả lời, cứ ôm chân trong lòng nắn bóp, mồm cứ suýt xoa thở ngắn than dài. Bà mẹ mềm lòng, đi tới kéo chăn cho con tựa vào, lại bảo:
- Vậy thì thương con chết đi được? Lấy người đàn ông làm cán bộ, thì cái chân cũng yếu ớt mỏng manh. Con Tư đâu, sao không lấy cho chị mày chậu nước nóng hả!
Khi mẹ lại bắt đầu gói bánh chẻo ở trong bếp, thì nghe thấy hai chị em nói chuyện ở nhà trên:
- Em về bao giờ vậy?
- Hôm kia.
- Công việc có vất vả không? Phơi nắng đen hẳn đi.
- Đen thì đen, đen giòn mà lại!
- Lông mày con mắt càng đẹp ra đấy. Có bao nhiêu anh chàng theo đuổi rồi?
- Gớm, chị không sợ xấu hổ à!
- Xấu hổ quái gì? Chị quan tâm tới em mà!
Mẹ cầm cây cán mì gõ vào cửa sổ bếp nói:
- Vì chuyện này, hôm nay cần các người làm anh làm chị bày vẽ cho đấy. Người ta đã giới thiệu cho hai đám, một đám là quân nhân phục viên, hiện nay lái máy kéo của đại đội, một đám là cán bộ, vừa ý con Tư nhà mình, song chê con Tư là nông dân. Nhờ chồng con tìm cho em một việc làm ở huyện. ồ, sao anh ấy không đến?
Cô Ba liền hu hu nức nở khóc.
Mẹ và cô Tư ngã ngửa người, vội vàng hỏi tại sao? Cô Ba mới nói:
- Anh ấy không đến đâu, phải tham dự cuộc họp “khai báo rõ”.
Mẹ “a” lên một tiếng rồi dựa vào cửa sổ. Cuộc họp “khai báo rõ”, bà biết là chuyện gì rồi, cũng biết người thế nào mới phải “khai báo rõ”. Bà liền sa sầm nét mặt, tỏ ra lo sợ, ngắm nhìn cô Ba. Cô Ba của bà: mặc áo kaki, quần dạ, khăn quàng lông cừu, giày da mũi nhọn, khắp người từ trên đến dưới, quần áo là ly thẳng tắp, không bám bụi nước. Bà mẹ thở dài thườn thượt. Chồng cô Ba, vốn là văn thư công xã, người bạc bẽo, cái mồm thì ngọt xớt như mía lùi; khi đính hôn, bà không vừa ý, nhưng cô Ba bảo, anh ấy chẳng phải người thường. Sau khi cưới, quả nhiên anh chàng không yên tâm với công việc văn thư, suốt ngày nào viết báo chữ to, nào phê phán người ta. Bỗng chốc được vào đảng, được đề bạt làm cán bộ, rồi trở thành cục phó cục giao thông công nghiệp huyện. Khi đã làm cục trưởng, thì tâm tính vẫn không biết đủ, đến nhà mẹ vợ, hễ mở mồm là trên mặt báo lại có chiều hướng mới, những ai, những ai là phái đi theo con đường Tư bản chủ nghĩa. Bà đã từng thấy lo, mắng anh ta không yên phận, nhưng cô Ba nói:
- Mẹ ơi, mẹ hiểu thế nào được anh ấy? Anh ấy là người mưu việc lớn đấy mẹ ạ!
Lại thường hay trách mẹ ngày trước đã lãnh đạm với anh ấy.
- Anh ta ấy à - mẹ nói - tao đã bảo từ lâu, không tốt đẹp gì đâu, chúng mày có đứa nào chịu nghe mẹ cơ chứ?
Cô Ba nói:
- Con chỉ bảo thùng rơi xuống giếng, ai ngờ giếng lại rơi vào thùng cơ chứ!
Cô Tư bảo:
- Còn lật ngược được sao? Chị bảo với anh ấy, điều nào không rõ thì nói ra điều ấy.
- Cô em tốt bụng ơi, anh ấy không rõ cái gì nào?
- Dưới đít anh ấy là một chậu cứt, thối um!
Bà mẹ nẹt cô Tư:
- Con Tư, mày nói với ai thế hả!
- Nói với chị con đấy! Chị ấy cứ khen chồng có bản lĩnh, có tiền đồ, có chàng rể tốt.
Cô Ba nói:
- Anh ấy ăn cơm chính trị, em biết thế nào gọi là chính trị không? Trước khi đi, anh ấy bảo chị, mấy năm nay rối ren lớn, rơi xuống, leo lên, anh ấy cũng đâu phải chỉ có một lần...
Cô Tư bảo:
- Chị bảo với anh ấy, lần này thôi quách đi! Anh ấy còn leo lên, thì đứa em này không thông cảm với anh ấy đâu!
Bà mẹ cầm gậy cán mì gõ “cạch cạch cạch” vào cửa sổ. Cô Tư thôi nói, bước tới bưng chậu nước rửa chân của chị hất mạnh ra sân, quay vào lại ngồi cùng bàn luận, thì nghe thấy tiếng cười “khanh khách” ở cổng, vỗ tay reo “Chị Hai đã đến!” Ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, quả thật là chị Hai.
Chị Hai
Chị Hai đèo một cái gùi to, khi đi qua hàng rào ở cổng, hàng rào móc chặt gùi, chị lôi mạnh một cái, hàng rào bị đổ, chị lao theo ngã qụy xuống bậc hè, vừa thở hổn hển, vừa cười khanh khách, cất tiếng:
- Mẹ ơi! Con xin vái mẹ trước.
Cả nhà đều cười. Mẹ bảo:
- Cái con chết dấp này, hễ đến là cười.
Cô Tư đã ra đón từ nãy, giúp chị đặt gùi tử tế: Đẩy một gùi hạt bông, cô nói đùa:
- Chị Hai tốt cực, cõng ngần này hạt bông đến chúc tết cơ đấy!
- Đâu có, - cô Hai nói. - Đây là số hàng tôi đem tới đổi cho trạm nghiên cứu khoa học thôn nhà lấy loại giống “Bạch tuyết số 5”. Nặng thấy bà, dọc đường chẳng thấy lạnh gì hết, chẳng khác gì mặc áo lông chó! Nói rồi cởi cúc lấy vạt áo quạt mát.
Mẹ bảo:
- Tháng giêng đủ, định nhờ mẹ sắc thuốc phải không?
Cô Hai cười:
- Cứ theo mẹ nói, con là người rơm, là bấc đèn không bằng!
Cô Hai đã cởi cúc phanh áo. Cô Ba nhìn thấy chị vẫn mặc áo bông vải thô, ở vai có miếng vá, liền nói:
- Chị Hai ơi, ăn Tết mà cũng không thay bộ quần áo mới ư?
Cô Hai đáp:
- Vậy thì chị không ăn tết nữa, các cậu giữ tớ ở năm cũ vậy.
Cả nhà lại được một trận cười. Cô Ba cởi áo kaki bên ngoài, rồi cởi chiếc áo sơ mi Đacron mặc bên trong, vứt cho cô Hai, cô Hai không nhận. Cô Ba nhặt lên, phủi đất nói:
- Em có bảo chị trả lại đâu mà... Anh Hai ngố thế, trang điểm cho vợ thế này à?
Cô Tư nói:
- Người ta không ngố đâu! Trong đại hội đại biểu tích cực, đã được đeo hoa hồng, đi trên đại lộ thì cài tấm ảnh to bằng cái đấu, thế mới vinh quang chứ! Chị Hai ơi, anh ấy không đến à?
- Anh ấy hả! Người ta lại có “bồ” rồi, quẳng mình ra đằng sau.
Bà mẹ giật mình. Cô Hai nói:
- Gần đây người ta đang trồng giống mạch “Phong sản 3”, từ sáng đến tối không về nhà, bảo năm nay để chị làm đại diện toàn quyền của anh ấy, khấu đầu với mẹ giúp cho.
Bà mẹ thở phào, cười tít mắt:
- Thế nào, đứa nào cũng bận việc à? Vốn dĩ muốn các anh các chị đều đến để bàn việc!
Cô Hai nói:
- Chuyện cưới xin của cô Tư hả mẹ? Em nó xinh gái thế này, việc gì phải lo không có ai lấy cơ chứ? Con mà là đàn ông, thì phải đeo đuổi cho bằng được, có chết cũng không tha.
Cô Tư nói:
- Chị cứ nói vớ vẩn, các chị không khen em, thì ai khen cơ chứ!
Các con gái ngồi trong nhà. Bà mẹ lại gói bánh “chẻo”, ba chị em định mó tay vào, mẹ khăng khăng không chịu, đòi các con ngồi bên cạnh nói chuyện. Ba chị em tán gẫu một chầu, rồi quay sang nói chuyện anh em rể thứ hai. Mẹ liền bảo anh ấy ngố: mồng hai tết năm kia, con gái con rể đều đã đến, ngồi vào mâm chuẩn bị ăn, thì chẳng thấy chàng rể thứ hai đâu, cô Hai nghĩ một lát, rồi đi ra ruộng ương giống bông của thôn, quả nhiên thấy chồng đang đăm chiêu suy nghĩ về ruộng ương giống của người ta, bị con rể cả, con rể ba trêu chọc cho một trận trên mâm cỗ.
- Hắn thật thà đáo để - mẹ nói - hai đứa kia trêu hắn, hắn cứ cười hì hì.
- Anh ấy không khôn ngoan như các anh kia đâu!
Cô Ba không thích nghe, búng đầu ngón tay, phủi tro bụi bám ở mũi giày da, nói:
- Không khôn ngoan như anh ấy, thì con đâu có được hưởng hạnh phúc này. Mẹ ơi, muốn tìm đối tượng cho cô Tư, thì trăm kén vạn kén, cứ phải chọn một người tốt.
Cô Hai nói:
- Thế nào là người tốt cơ chứ? Theo tôi, nhất định phải tìm một người đứng đắn, người yên phận, lòe loẹt phù phiếm, không tin cậy được đâu.
- Ai lòe loẹt phù phiếm cơ chứ? Cô Ba nói thầm trong bụng, nhìn vào mặt cô Hai, cô Hai không nhìn cô Ba. Cô Ba nói:
- Con người ta, khó mà nhìn ra nổi, yên phận hay không yên phận, xét cho cùng chẳng ai đoán được ai tài ai giỏi đâu. Khi tôi tìm hiểu anh ấy, anh ấy còn là một văn thư quèn.
Cô Hai nói:
- Sau này vù một phát, bay tận cành cao chứ gì! Nghe đâu gần đây chú ấy được điều tới chỗ “khai báo rõ”, có phải không?
Cô Ba nói:
- Hừ, mưu việc lớn, cũng nguy hiểm lắm, cứ như anh rể cả lại hóa hay, chẳng đứa nào động đến được, cuộc sống dễ chịu thoải mái vô cùng!
Vừa dứt lời, thì ở ngoài cửa có người nói:
- Ai đang cắn vào lưỡi tôi đấy?
Thì ra chị Cả đã đến.
Chị cả
Chị Cả một tay cặp một cái gói vào nách, một tay dắt đứa con trai năm tuổi Mao Đán. Chị vốn gầy guộc, gần đây gò má càng nhô lên, mồm vêu ra. Mẹ kéo Mao Đán vào lòng, móc táo cho cháu ăn. Chị Cả mở gói lấy ra mười mấy cái bánh bao bày trên mặt tủ, nói:
- Nhà tôi không đến, nói xấu tôi cái gì vậy?
Mẹ bảo:
- Ai nói chị cơ chứ, chúng tôi kén rể cho cô Tư đấy.
- Ai thế?
- Một cán bộ, một nông dân.
Chị Cả bày xong bánh, nhìn quà Tết hai em gái để bên cạnh, nói:
- Mình là nông dân nghèo, không có quà Tết biếu mẹ bằng hai em. Theo con, chuyện của cô Tư, thế nào cũng được.
Bà mẹ buồn rầu nói:
- Ba chị đều lớn cả rồi, không đứa nào được nói bỏ mặc con Tư. Trên không có bố, dưới không có anh em trai, tất cả trông cậy vào chị em chúng mày.
Chị cả nói:
- Việc này, kén chọn thế nào nhỉ? Ngày trước ba chúng con đều chọn đi kén lại, rút cuộc vẫn chẳng phải ai sướng cứ sướng, ai khổ cứ khổ đó sao? Cô Ba lấy được người ăn bột trắng, còn chúng tôi chỉ là nông dân cục mịch!
Cô Ba cười bảo:
- Ai cũng bảo, nông dân như chị đang ăn nên làm ra phải không nào?
- Còn ăn nên làm ra ư? - Chị Cả nhăn nhó bảo. - Tôi đến đây là để cầu cứu cô đó. Cô em gái ngoan ạ, cô nói với chồng cô, để cậu ấy đến công xã chị gỡ cho, chuyện của bố cháu Mao Đán vỡ lở rồi, bị qui là đầu cơ trục lợi, phải trả ra năm trăm đồng, trả thì trả, nhưng chớ có vào tù.
Cô Ba nghe vậy, vội thoái thác:
- Ồ, có chuyện ấy à! Giá như dạo trước, cứ khoán cho em việc này. Bây giờ thì xin chịu. Em rể của chị cũng là Bồ tát bằng đất qua sông - ngay đến bản thân cũng khó giữ được. Nhờ chị Hai vậy, anh Hai hiện giờ đang phất, em cũng định nhờ anh ấy đấy!
- Nhờ cái anh ngớ ngẩn ấy à? - Cô Hai đột nhiên thay đổi nét mặt nói - Chẳng phải tôi cười cợt chị em đâu, chị em thử nghĩ mà xem, thường ngày các người đã làm những chuyện gì nào? Chị Cả này, hai vợ chồng chị ngày thường thấy chỗ nào hở là nhòm ngó, lưỡi câu mắc đầy người, thấy cái gì cũng muốn vơ về nhà mình. Đã đến nước này không ai cứu được các người đâu, chỉ có dựa vào bản thân, khai báo rõ được thì khai báo rõ đi, rửa tay được thì rửa tay đi.
Chị Cả ngượng chín mặt. Cô Ba nói:
- Chị Hai nói cũng đúng, nhưng tôi và chị cả biết làm thế nào được, gặp phải thằng chồng như vậy mà!
Mẹ đột nhiên nói ở ngoài cửa:
- Úi chà, đúng là cái giống thằng bố cháu, thấy cái gì là mê cái đó, lại thó cái đĩa con của bà dấu vào bụng đây này.
Bà nói, rồi lôi cháu Mao Đán vào, dí tay vào giữa hai lông mày, nhưng lại bỏ cái đĩa con vào gói của con gái cả. Chị Cả bước đến nắm vạt áo mẹ, thì thào:
- Mẹ ơi, mẹ cho con vay bốn trăm đồng, sang thu chia lãi, nhất định sẽ trả mẹ!
Cô Hai nói:
- Lưu Bị lại mượn Kinh Châu rồi!
Cô Ba, cô Tư cười hí hí.
Mẹ bảo:
- Hừ! Tiền thì có, nhưng việc hôn nhân của con Tư, thế nào cũng phải tiêu một món đấy!
Chị Cả nói:
- Ô, nhà mình, con gái đi lấy chồng cũng phải tiêu tiền hả mẹ? Đòi phía đàn ông nôn ra chứ! Đòi dẫn một ngàn, anh ta có dám đưa tám trăm không?
Cô Tư thay đổi sắc mặt, chọi lại:
- Làm như bán la bán ngựa không bằng? Tôi là người có phải la ngựa đâu!
Mẹ nghĩ rồi mở hòm, dở gói lấy ra một tệp hai trăm đồng, nói:
- Chị cứ cấu véo thịt tôi mà ăn! Từ nay về sau, anh chị lại làm những chuyện xiên xẹo, là tôi kiện lên tòa án đấy.
Mẹ nói rồi lắc đầu đi vào bếp. Chị Cả vẫn ngồi tại chỗ đếm tiền. Cô Hai nói:
- Cứ từ từ mà đếm, biết đâu mẹ cho thêm mấy tờ.
Mấy chị em phá lên cười. Cô Tư nhổ nước bọt một cái rõ kêu. Cô Ba chỉ cười, miệng làu bàu: “Kẹt xỉ”. Lúc này mẹ đã bưng bánh chẻo lên: Bánh chẻo trắng như tuyết, ớt thì đỏ lựng. Mẹ cứ dứt khoát tự tay đơm cho các con mỗi đứa một bát to, bốn con một cháu ngồi ăn, còn mẹ ngồi xếp bằng khoanh tay, hết nhìn đứa này lại nhìn đứa kia. Các con giục mẹ ăn, bà bảo:
- Mẹ thích nhìn các con ăn cơ!
Mẹ
Mẹ nhìn bốn cô con gái ăn bánh, tự dưng thấy mủi lòng: Năm ngoái con gái, con rể, cả nhà một mâm tám người. Năm nay ba con rể đều không đến. Bốn cô con gái lại bắt đầu hục hặc với nhau. Chị Cả vừa ăn vừa tấm tắc khen bột trắng, dấm chua. Cô Hai đánh một câu: “Không có mùi thơm rượu”. Cô Tư bảo: “Ngon đến mấy cũng chỉ được ăn ở đây, không được đem về”. Cô Ba coi thường chị Cả, lại không ưa cô Hai và cô Tư, ăn rất thong thả, nói:
- Bánh chẻo ở thành phố gói bằng máy, không luộc, mà hấp trong rổ nhỏ, ăn từng rổ một.
Trong bốn cô con gái, cô Ba khảnh ăn ưa diện, mẹ thường mắng: “Sau này đứa nào nó rước cho”. Nào ngờ chàng rể lại thành đạt. Các năm trước đến chúc Tết, chàng rể cả cho vợ con ngồi trên xe cải tiến, lục cà lục cục đẩy đến, lúc về mua một xe lau sậy, bắt vợ con đẩy về, kéo về lại đem bán đi, kiếm chác thêm. Chàng rể thứ ba, thì hai vợ chồng cưỡi xe máy mác “Bồ câu bay”, vào đến thôn, người không xuống xe, bóp còi liên tục, phóng thẳng vào cửa. Còn chàng rể thứ hai thì chân chỉ hạt bột, hai vợ chồng đi bộ đến, cõng nào gùi, nào túi, đi vào trạm nghiên cứu khoa học. Trên mâm cỗ, anh rể cả, cười anh ấy khô cứng quá, anh rể ba bảo anh ấy giác ngộ đường lối thấp. Là mẹ vợ, bà lại bênh vợ chồng nhà này. Chàng rể thứ hai cười hì hì:
- Mẹ ơi, con người ta thường không thể cứ uống gió Tây bắc!
- Anh nhìn chồng cô Ba đấy, người ta lên vù vù thế kia mà!
Mẹ nói. Anh hai đáp:
- Con đâu có bản lĩnh như chú ấy!
Mẹ lại nói:
- Vậy thì cũng nên noi gương anh rể cả, làm cho đời sống khấm khá lên chứ!
- Đầu cơ trục lợi, buôn đi bán lại ấy ư? Con không biết làm đâu.
Chàng rể thứ hai vẫn chỉ một câu ấy.
Cô Hai nói:
- Mẹ ơi, sao mẹ lại bì người ta với anh ấy?
Lúc này, mẹ nín thinh, thở dài, nghĩ bụng:
- Thật ra, mình không tán thành con rể cả, con rể ba. Nhưng nếu bảo thằng cả không tốt, thì đời sống lại khá giả, thằng hai tốt đấy, song cơ cực, còn thằng ba thì... hừ, sự đời này sao đảo điên thế không biết!
Mẹ nghĩ thế rồi nhìn vào cô con gái thứ tư: Cô Tư đang còn trẻ, mớ tóc đuôi sam đen bóng, bộ ngực căng phồng, xinh đẹp như một bông hoa hồng mới nở lúc sáng sớm. Một cô gái lung linh như vậy, nên chọn một chàng rể như thế nào đây?
Chị Cả nói:
- Mình cứ giữ một điều: Con người ta, chỉ cần là con người sống, núi không chuyển thì nước chuyển, đến lúc ấy, cô Tư không bị thiệt, mình là chị cũng được nhờ!
Cô Hai bảo:
- Chị cứ nói thế, tìm được rể cho cô Tư, thì chị đừng hòng được nhờ đâu nhé!
- Tại sao mới được chứ?
- Chị thử nghĩ mà xem, xưa nay ai đã được nhờ ở chị?
Mọi người cùng cười, cô Hai lại nói:
- Theo tôi, cái gốc của con người nhất định phải chọn thẳng.
Cô Ba nói:
- Tìm được một người như chồng em và anh hai gộp làm một thì tốt, vừa ăn ngon, lại không nguy hiểm, vừa có bản lĩnh, lại không phạm sai lầm.
Mẹ gõ miệng bát, bảo:
- Càng nói càng dài dòng, hiện giờ có một là cán bộ, một là quân nhân phục viên, các chị bàn xem anh nào tốt hơn?
Cô Tư nói:
- Mẹ ơi, các chị ấy không tìm hiểu, thì nói thế nào được? Lại chẳng phải mua bán lợn mà mặc cả! Chuyện này mẹ cứ để mặc con.
- Mặc con? - Mẹ bực tức nói. - Tao không quản thì ai quản hả? Từ lúc còn đỏ hon hỏn, nuôi lớn bằng ngần này, có lông có cánh rồi, thì không cần đến tao nữa hả? Mày hỏi ba chị mày xem, có đứa nào dám nói thế không hả?
Cô Tư im lặng. Ba chị gái lại rôm rả. Cô Hai nói:
- Theo con, cậu quân nhân phục viên được đấy. Con biết anh chàng ấy, tư tưởng tốt, lao động giỏi, bụng dạ rất lương thiện...
Cô Ba hỏi:
- Trước mặt người có ăn nói được không?
Cô Hai vênh mặt lên nói:
- Mình có tìm chàng rể vịt đâu nào?
Cả nhà lại cười rộ lên. Cô Ba nói:
- Bây giờ đang mốt nói năng giỏi mà.
Cô Hai đáp lại một câu:
- Chồng em, mồm có khác chi lưỡi dao bào, vậy tại sao lại là người “khai báo không rõ”, hả?
Cô Ba đỏ mặt, cáu tiết, nói với cô Hai:
- Lẽ nào chọn cho cô Tư một anh chàng như “quả bầu không có mồm” của chị?
Cô Hai không hề chịu lép:
- “Quả bầu không mồm” còn mạnh hơn “khai báo không rõ”.
Chị cả vội vàng giàn hòa:
- Thôi nào, thôi nào, hay là không đánh nhau không xong! Lẽ nào cô Tư nhà mình còn đòi thành rồng thành phượng? Chỉ cần lấy một người có ăn có mặc, sống được là được, cậu quân nhân phục viên ấy có thông minh lanh lẹn không?
Mẹ đáp:
- Thông minh lanh lẹn đấy.
- Thế thì được! - Chị Cả nói. - Cứ coi như suốt đời làm nông dân, cũng không bị nghèo đâu, cứ gì phải tìm một anh kiếm ra tiền mới được cơ chứ?
Cô Tư nói:
- Nhưng không được giống kiểu thông minh lanh lợi như anh nhà chị đâu đấy!
Không ai nói gì nữa, không khí trong nhà lắng xuống. Mao Đán từ ngoài cửa chạy vào, len lén dơ bao diêm trong lòng mẹ nói: “Bố con hút thuốc không có lửa mẹ ạ!” Chị Cả chộp luôn bao diêm vứt xuống nền nhà, tát vào đầu cậu ấm một cái. Mao Đán òa khóc, chị mắng:
- Hút thuốc hay không hút thuốc mặc xác bố mày, người ta ăn thơm ăn cay là phần sướng của người ta, việc gì phải rỗi hơi.
Cô Hai bế Mao Đán đi ra. Cô Ba lôi chị cả vào nhà trong. Nhà ngoài chỉ còn lại mẹ và cô Tư. Cô Tư cúi đầu, chỉ cầm đũa khuấy khuấy trong bát.
Kết thúc
Mẹ bảo:
- Con Tư này, xem ra thì ngàn nhát búa mới rèn thành chiêng, một nhát gõ đã thành tiếng kêu, cuối cùng thì người quyết định vẫn là con, xét cho cùng thì con vừa lòng anh nào?
Cô Tư cúi đầu, ngón chân bấm trên đất.
Thật ra, vừa lòng anh nào, cô đã có ý định từ lâu. Cô chỉ nghĩ, cái bàn có mặt, cái ghế có chân, có lẽ chẳng thể đánh đổ cái lý đó. Còn cái lý khác thì sao? Ví dụ như: Con người ta, lý đã đổ rồi, lật lại khó thế đấy? Nhìn gương chị cả đó.
Mẹ đã sốt ruột. Cô Tư nói:
- Mẹ ơi, mẹ để con nghĩ thêm, cứ để con nghĩ thêm...
Trong lòng phấn chấn, mẹ mỉm cười, liền thu dọn bát đũa bưng vào bếp. Mặt trời năm mới tỏa ánh nắng ấm áp, bà đã nhìn thấy con chim khách vắng bóng bao năm nay lại bắt đầu làm tổ trên cây du trước cửa.
(Thôn Phương Gia,
mùa đông năm 1979)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com