Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
9/3/12

Dù nghèo đến mấy cũng không thể để…- Liêu Quân

Dù nghèo đến mấy cũng không thể để…
Liêu Quân
Thúy Ngọc dịch

Chủ tịch huyện Thôi vừa mới nhận chức, ông bèn dẫn theo một số cán bộ cấp dưới và các nhà báo đi thị sát tình hình. Đến trường tiểu học xã Đông Sơn, thấy đám trẻ phải ngồi học trên những chiếc ghế bằng đất nung, ông liền cau mày lại, nói với Chủ tịch xã Lưu cùng đi:
- Các đồng chí làm ăn kiểu gì vậy? Tại sao lại để trường học như thế này?
Chủ tịch xã Lưu nói:
- Báo cáo anh, xã chúng tôi là xã nghèo, thành ra không còn cách nào khác.
Chủ tịch Thôi nói:
- Giáo dục là gốc rễ của một đất nước phát triển. Cho dù nghèo đến mấy cũng không thể để trẻ em phải chịu thiệt thòi… – Chủ tịch Thôi vừa nói xong, trong phòng học vang lên tràng pháo tay hưởng ứng nhiệt liệt.
Ngay ngày hôm sau, câu nói đó của Chủ tịch huyện Thôi đã được in đậm trên trang nhất của các báo trong huyện.
Vài hôm sau, Chủ tịch huyện Thôi lại đến thăm một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đó là nhà ông Vương, công nhân của xưởng cơ khí huyện. Nhà ông Vương chỉ có bốn bức tường trống, trong nhà chẳng có đồ đạc gì cả, vợ ông ốm nằm liệt giường nhưng cũng không có tiền chạy chữa, thật là khó khăn hết mức. Chủ tịch Thôi quay sang nói với Giám đốc xưởng cơ khí cùng đi:
- Đồng chí làm giám đốc kiểu gì vậy? Đến đời sống của cán bộ công nhân cũng không quan tâm?
Giám đốc xưởng cơ khí vội nói:
Báo cáo anh, xưởng cơ khí chúng tôi mấy năm gần đây làm ăn thua lỗ, chúng tôi đang rất nghèo, không còn cách nào khác ạ.
Chủ tịch huyện lại nói:
- Công nhân chính là người chủ của công xưởng, là chủ lực để phát triển sản xuất, cho dù công xưởng có nghèo đến mấy cũng không thể để công nhân rơi vào cảnh nghèo! – Nghe được những lời đó, ông Vương cứ nắm chặt tay Chủ tịch Thôi, xúc động không nói nên lời.
Trong cuộc họp cán bộ toàn huyện, sau khi đọc báo cáo, Chủ tịch huyện Thôi nói tiếp:
- Huyện của chúng ta vẫn còn nghèo, cần phấn đấu xóa đói giảm nghèo, mà cán bộ chính là những nhân tố quyết định. Chúng ta cần phải tăng lương cho cán bộ, nâng cao mọi chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ nhằm cải thiện cuộc sống và điều kiện làm việc cho cán bộ… Tôi xin tổng kết bằng một câu như thế này, cho dù huyện của chúng ta có nghèo đến mấy cũng không thể để cho cán bộ sống nghèo khổ.
- Chủ tịch Thôi vừa dứt lời, các đại biểu đứng hết cả lên, nhiệt tình vỗ tay hưởng ứng.
Sau khi họp xong, Chủ tịch văn phòng Hồ nói với Chủ tịch huyện:
- Báo cáo Chủ tịch, anh phát biểu hay quá! Cần cải thiện cuộc sống cho cán bộ, cho dù nghèo đến mấy cũng không thể để Chủ tịch nghèo, dạ, em thấy xe ô tô mà Chủ tịch đi cũng đã đến lúc phải thay cái mới rồi đấy ạ…
Một năm sau, lũ trẻ ở trường học của xã Đông Sơn vẫn phải ngồi học trên những chiếc ghế bằng đất nung như trước đây; nhà ông Vương vẫn không có tiền chữa bệnh cho vợ; lương và mọi chế độ đãi ngộ đối với cán bộ trong huyện vẫn vậy, chỉ có chiếc xe ô tô của Chủ tịch Thôi là đã được đổi từ xe sản xuất trong nước thành xe đời mới nhập từ nước ngoài về.
Chủ tịch Thôi vẫn thường ngồi trên chiếc ô tô đời mới đi đến các nơi trong huyện thị sát; bất cứ nơi đâu, trong bài phát biểu của mình, ông cũng nhắc đi nhắc lại: “ Dù nghèo đến mấy cũng không thể để…”. Có điều, ông không quay trở lại xã Đông Sơn, không quay lại thăm nhà ông Vương… mà chỉ tiếp tục đi đến những nơi khác.
Và một điều rất kỳ lạ là, ở bất cứ nơi đâu, sau khi phát biểu xong, Chủ tịch Thôi cũng đều nhận được những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com