Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
4/3/12

Lưu Tuệ Phương - Vương Sóc

Lưu Tuệ Phương
Vương Sóc
Lê Vũ dịch

Lời Vương Sóc
Tập truyện này, giống như một con cá, chưa rửa, chưa moi ruột đã đưa lên bàn để người ta phải trả giá cả tiền của con cá, gắp đại cho vào mồm nhưng vẫn có cảm giác mình như bị đánh lừa rồi cảm thấy buồn nôn. Còn riêng truyện này có thể là khúc giữa của con cá, những vây, những mang đã bị chặt bỏ cả rồi.
Những ai mua cả tập thì đừng đọc truyện này nữa. Những ai đời sống khó khăn cũng đừng bỏ tiền ra mua sách này. Những ai đang đầu tắt mặt tối, lo toan kiếm tiền để tậu nhà, mua xe, cũng đừng nên mua sách của tôi. Còn các nhà tư tưởng, các vị khoa bảng đang lập chí thực hiện lý tưởng chính trị hay học vấn để trở thành siêu phàm xuất thánh cũng đừng ghé mắt đọc những chuyện tôi viết kẻo các ngài phải kinh hoàng. Kẻo các ngài lại thất vọng...
Tôi hi vọng những ai mua sách này, đọc truyện tôi viết là những người xui xẻo, vô tích sự, hàng ngày không có gì phải suy nghĩ, không có ý niệm gì về văn học, không cầu tìm gì ở sách của tôi. Nếu được những bạn đọc như thế thì tôi mới không có cái cảm giác đắc tội với các bạn được.
Còn tôi ư?
Tôi chưa từng được giáo dục ở bậc cao đẳng chính quy. Ấy thế mới là chuyện hay. Nếu tôi mà được dậy dỗ để viết đàng hoàng. Có thể tôi sẽ bị làm kẻ nô lệ cho trí thức. Cũng vì thể có kẻ bảo tôi, vì bị mặc cảm thua kém nên hay hắt nước bẩn vào cánh trí thức. Cứ tạm cho là người đó có lý vì quả thực tôi đã từng thề không làm thứ người gọi là trí thức ấy mà!
Bạn hỏi nguyên nhân tại sao ư?
Nguyên nhân đại khái, trước hết xuất phát từ ông thầy giáo của tôi hồi còn trung học:
Sao các thầy không hiểu tình người? Sao các thầy lại có thói tự cao tự đại, cả vú lấp miệng em. Các thầy còn tự cho là mình đã nắm vững toàn bộ kiến thức trên đời. Tri thức ở các thầy đã biến thành các vốn liếng như một loại vũ khí để ỷ mạnh hiếp yếu, mục hạ vô nhân. Còn trong khi đã trưởng thành. Tôi đã thấy tri thức bị lợi dụng, bị sùng bái, bị mê tín, bị xách động...
Đối với tôi mà nói, quá trình trí thức hóa là một quá trình bị khái niệm hóa, là quá trình biến một người tươi rói sức sống thành ra một cái máy.
Tôi không thích làm cái máy nên tôi khinh ghét trí thức!

Lưu Tuệ Phương bước lên chiếc xe buýt. Người không đông lắm, nhưng chỗ ngồi đã hết. Cô đứng ở giữa hai thân xe nối với nhau. Tự nhiên cô có linh cảm có ai đó đang nhìn vào cô. Cô ngước mắt lên, hướng về phía chỗ bán vé. Có một người đàn ông đang nhìn cô. Phải nói là nhìn chăm chăm vào cô. Tuệ Phương khó chịu quay đi, nhưng hễ cô nhìn lại thì y như ánh mắt kia lại cứ như xoáy vào cô.
Tuệ Phương xoay người nhìn ra ngoài xe nhưng cô có cảm nhận ánh mắt của người đàn ông kia đang rọi vào mình. Cô cảm thấy rất khó chịu và căng thẳng khi người đàn ông kia cứ từng bước từng bước tiến gần về phía cô.
Tới một bến khác, xe dừng lại đón khách. Ngay lập tức trong xe đầy ắp những tiếng gọi nhau í ới...Bóng người đàn ông bị đám đông che khuất...
Đến trạm, cô vội nhẩy xuống xe, nhưng cái túi đeo vai bị người đứng sau đè ép vào cửa xe, cô phải kéo mạnh mới dứt ra khỏi. Lúc ấy, một lần nữa cô lại nhìn thấy người đàn ông kia. Như một cái bóng, cô đi nhanh, thì nó cũng đi nhanh. Cô sải bước chân...
Hôm nay là ngày họp của Hội ái hữu những người xuất thân từ trường Ngô Khởi Minh ngày nào...
Tuệ Phương bước vào.
- Ồ! Có phải Tuệ Phương đấy không?
Một người đàn bà mập ù ôm lấy Tuệ Phương. Cả một góc phòng phía trái, mọi người đều hướng mắt về phía cô mỉm cười.
- Tớ là Nhã Lệ đây, Phương không nhận ra mình à? - Một người phụ nữ trát đầy phấn vồn vã.
- Ồ chào bạn, tôi nhớ ra bạn rồi!
Chào Tuệ Phương, mình là Quách Lực Duy đây. Người đàn ông cao gầy, có vẻ một người có chức cấp cao trong xã hội xòe tay ra bắt.
- Bao nhiêu năm rồi nhỉ, có cả năm ấy chứ? Bạn cùng lớp năm của mình thế là lại được xum họp rồi, ôi, thời thơ ấu cứ qua như một giải mây vậy đấy!
Một phụ nữ già, tóc bạc phơ, mặt nhợt nhạt xuất hiện ở cửa. Mọi người ào đến:
- Chào cô giáo Ngô!
Có một tiếng nói to:
- Kìa Lưu Tuệ Phương, không nhận ra mình à?
Người đàn ông nàng gặp trên xe buýt đứng chắn ngay trước mặt nàng.
Phương đăm đăm nhìn anh. Một ký ức lờ mờ. Bỗng cô sờ lên đầu nơi có một cái sẹo lúm sâu. Cái sẹo nằm trong kí ức của ngày xưa, của những giận dỗi vu vơ, của những trò ma quỷ học trò, chính anh đã để lại trên đầu và trong tâm khảm của cô... Cô ngập ngừng:
- Tôi nhớ ra anh rồi, hèn chi trên xe buýt... Có phải anh là Hạ Thuận Khai không nhỉ?
Tuệ Phương lại đưa tay sờ tóc...
- Tôi nhớ ngày xưa Phương bện tóc thành hai cái đuôi chổi. Phương làm trưởng lớp. Cô nghiêm lắm, mỗi lần đi học về, cô thường ghé nhà mình, mách bà mình về việc này hay việc khác, tiếp theo là những roi đòn, những roi đòn nhớ cho tới bây giờ...
Từ Nguyệt Quyên đứng ở bên ngoài góp vào:
- Hạ Thuận Khai ơi! Bạn đừng nói dông nói dài làm chi, bạn là vua nghịch phá, toàn đi ghẹo mấy bạn học nữ, vết sẹo trên đầu Tuệ Phương có phải là cậu nấp dưới gốc cây bằng lăng ném không đấy. Chu choa hôm ấy, nhớ thấy mà ghê... Phương bụm lấy đầu, không một tiếng khóc. Cậu chạy ra, nửa như năn nỉ, nữa như thú tội...
Cô giáo Ngô đứng gần đấy xen vào:
- Bây giờ, bắt đền đi Phương ạ...
... Vào tiệc, không khí càng lúc càng hăng say, người này hỏi thăm người nọ, hỏi những người vắng mặt, hỏi những người đang làm chức vụ cao cấp, hỏi những người đang nằm trong tù vì những tội mánh mung, có cả những người đang bị tội hành sự.
- Ăn đi, uống đi, nói chuyện suông mãi thế này thì chán phèo...
Thuận Khai ngà ngà say, anh nhìn Tuệ Phương:
- Bạn thay đổi quá nhiều rồi đấy - Làm sao? Có lẽ vì uống bia chăng? - Mặt Tuệ Phương ửng đỏ, đôi mắt long lanh. Thuận Khai cười hô hố:
- Bạn Phương của chúng ta biết cười rồi.
.
Tuệ Phương về đến nhà. Cô bỏ giầy, xỏ chân vào đôi dép Nhật, bước vào nhà, có tấm thảm bằng nhựa màu trắng, sạch như lau:
Mẹ nàng, vừa từ trong bếp đi ra:
- Cha chả, hôm nay cô con gái tôi uống rượu cơ à! Sao họp bạn có vui không con?
- Vui lắm mẹ ạ, gặp biết bao nhiêu bạn học cũ, làm đủ mọi chức tước, ngành nghề...
Tuệ Phương ngồi xuống chiếc ghế đẩu, xoa bóp đôi chân.
Bà Lưu nói:
- Bạn bè con làm lớn như thế, sao con không nhờ người ta xin việc gì cho mà làm?
- Bạn bè lâu ngày gặp lại, hàn huyên còn không hết chuyện, ai lại đi nhờ vả vào lúc ấy? Tiểu Phương đâu hở mẹ?
- Chắc nó cũng gần về đến nhà rồi, con lại đau chân hả? Nào mình có xin ai làm giám đốc đâu, chỉ xin một chân giúp việc thôi mà, con vẫn còn cái bệnh sĩ nhiều quá. Mẹ chỉ muốn con có việc làm, ở không dễ sinh ra mặc cảm...
Tuệ Phương hỏi mẹ:
- Hôm nay có thư chưa hở mẹ?
Bà Lưu đưa cho Phương một xấp thư đã cắt cạnh:
- Con đọc cho mẹ nghe với, có cả thư của Yến Tử đấy, mẹ tra tự điển hoài chỉ đọc được mỗi một tiếng mẹ.
Tuệ Phương đọc lướt tất cả một lượt. Nàng bỏ mớ thư xuống, rồi lại lấy tay xoa bóp ống chân:
- Có thư Quốc Cường (Em ruột Phương), nó bảo nó sẽ mở công ty trang trí nội thất.
Bà Lưu:
- Úi dào, nó còn muốn sửa chữa lại cả cái sân vận động Olympic nữa kìa... Ôi, cái tính giống ai thế kìa...
Mười voi không được bát nước sáo...
Tuệ Phương đi tắm, khi gội đầu, cô bất giác đụng vào vết sẹo. Cô nhớ ngay đến cái anh chàng Hạ Thuận Khai, nghịch như quỷ, hay nói chuyện trên trời dưới đất, cô vừa gặp lại sau gần năm...
Cửa sổ phòng của Phương thấp, hôm nay bên ngoài có trăng, ánh sáng nghiêng nghiêng của vầng trăng lệch, làm Phương thấy lòng vui vui...
.
Tiểu Phương khoác túi sách vào sau lưng, nói với Tiểu Vũ:
- Hẹn rồi đấy nhé, sáng mai mình cứ xin nghỉ ốm là xong, không đi uổng lắm. Tập thơ ấy có cả chữ ký của tác giả Sấu Trúc nữa đấy!
Phương vừa tính bước ra cửa, đúng lúc bố Tiểu Vũ đẩy cửa bước vào:
- Chào chú Hạ.
- Sao đã về rồi, không chơi với Tiểu Vũ một lúc nữa à?
- Không ạ, cháu ở đây suốt buổi chiều rồi! Mẹ, bà cháu đang sốt ruột... Thôi mình về, nhớ phải có một giấy xin nghỉ học đấy nhé.
Tiểu Phương đi khỏi. Hạ Thuận Khai nheo mắt nhìn con gái:
- Lại âm mưu trốn học nửa hả?
- Bố kệ chúng con, việc quan trọng đặc biệt mà...
- Này bố nói thật, học phải cho ra học đấy! Bố không thể cứ nói dối cho con nghỉ học mãi được đâu con ạ! Hình như cô giáo của con đã không tin tưởng vào chính những lá đơn xin phép của bố rồi đấy! Bố chỉ muốn nhắc nhở con là:
Đi học không chỉ học kiến thức mà quan trọng là học cách làm sao để sống chung với mọi người kể cả cùng sống được với những người mình không ưa, đấy mới là học vấn lớn...
Tiểu Vũ sà vào lòng bố:
- Thôi, bố viết cho con đơn đi bố, buổi ra mắt thơ hay lắm...
- Con đưa cho bố xem tập thơ của Sấu Trúc đi, xem thơ hay như thế nào mà làm mê mẩn bọn con gái các con như thế..
Vừa thấy Tiểu Phương bước vào đến cửa là Tuệ Phương đã hỏi ngay:
- Tại sao giờ này mới về?
- Con đến nhà bạn học bài...
Treo túi sách trên giá xong là Tiểu Phương ngồi ngay vào bàn ăn. Bà Lưu gắt to:
- Đã bảo nhiều lần trước khi ăn cơm phải rửa tay đã...
- Đến nhà bạn làm bài à?
Tiểu Phương vừa chạy vào buồng tắm vừa ngoái cổ lại:
- Thế mẹ nghĩ con đàn đúm với bọn con trai chắc?
Bà Lưu thở dài:
- Lớn lắm rồi, biết chả cheo rồi! Không biết làm cái gì mà cứ đi suốt cả buổi, con phải kiểm tra bài vở nó mới được.
Có tiếng chuông cửa reo.
Tiểu Phương chạy ra mở cửa rồi reo lên:
- Bà ơi, mẹ trẻ ơi, mẹ già con đến rồi..
Vương Á Nhự tay xách một túi trái cây vào...
Tuệ Phương nói:
- Chị Cả, ăn cơm luôn thể nhé!
Bà Lưu dợm bước đi lấy chén bát, thì Vương Á Nhự vội vã nói:
- Bác ơi! Đừng lấy nữa cháu ăn rồi?
Quay lại Tuệ Phương, Á Nhự hỏi:
- Tiểu Phương gần đây có chịu nghe lời của em không?
- Cũng còn biết nghe lời, chỉ có thói thích cãi với người lớn.
Á Nhự nói:
- Nó đến tuổi dậy thì rồi mà...
- Tuổi trẻ bây giờ có một điều mà em ghét nhất:
Thích sùng bái những ngôi sao điện ảnh, kể cả nhà thơ nữa... Ai bảo bây giờ không có thần tượng chứ?
- Yêu, hay sùng bái cái gì xa xa thôi, về một lãnh vực nào thôi... Cái đó chẳng ngại... Chỉ sợ mê mẩn lý tưởng suông, cương lĩnh hão... thì khốn đấy...
Tiểu Phương khẽ đẩy cửa gọi:
- Mẹ Ơi, mẹ ra đây một lát đi.
Á Nhự nhìn Tuệ Phương:
- Nó gọi mẹ nào thế nhỉ?
- Nó gọi chị đấy ! -Tuệ Phương đáp. -Bây giờ nói chuyện với em nó toàn gọi ềNàyỪ Ở nhà ngoài, Á Nhự nói lớn:
- Như thế không được, mẹ không thể viết thư xin cho con nghỉ được. Mẹ chúa ghét nói dối và luồn lọt...
Vào nhà nhìn thấy Tuệ Phương đang ngồi đan. Á Nhự thương hại:
- Đừng ủ dột như thế. Em còn đẹp lắm. Để chị sẽ làm mối cho?
- Hoàn cảnh em như thế này ai mà ưng chứ?
Hoàn cảnh điều kiện là gì? Tình cảm con người đâu phải cân đo đong đếm đâu! Sao em cứ cố chấp thế !
Em có một ưu điểm:
Chị nhắc lại em còn đẹp lắm, lại thông minh nữa... Nhưng chỉ có hơi khô...
Á Nhự nói như một lời khuyên :
- Em nhớ lời chị nói, phụ nữ muốn có chồng ngoài sắc đẹp, ta phải có chút lẳng lơ !
.
Tuệ Phương mặc quần áo thể thao, chân bó túi cát, tập chạy quanh công viên. Chạy được mấy vòng, cô đã thở hổn hển, mặt đỏ bừng bừng...
Cũng lúc ấy Hạ Thuận Khai đang sãi những bước chân nhanh nhẹn. Thân thể tráng kiện của anh làm căng chiếc áo thể thao mầu trắng:
- Ô! Tuệ Phương, sao lại gặp bạn ở đây nhỉ?
- Tôi cũng hơi ngạc nhiên đấy! Đã lâu tôi không gặp lại những người quen.
Hạ Thuận Khai chỉ về phía trái:
- Tôi ở tòa nhà bên cạnh kia kìa...
Tuệ Phương đang tính chỉ vào nhà của nàng thì Thuận Khai đã vụt chạy mất hút.
Thuận Khai vòng lại rủ Tuệ Phương chạy với mình nhưng chỉ chạy được một chút,Tuệ Phương đã phải dừng lại:
- Thôi chào thua ! Sao bạn hăng như thế?
Mùi mồ hôi trong người của Thuận Khai làm Tuệ Phương cảm thấy lòng mình xao xuyến, cái cảm giác này đã từ lâu lắm rồi cô không hề có. Cô ngứa ngáy khó tả, nhưng cô lại cảm thấy dễ chịu nó như đang len lỏi vào tận các tế bào trong người cô.
Hạ Thuận Khai nhìn ống chân tò vù của Huệ Phương hỏi :
- Ủa bạn buộc cả túi cát vào chân cơ à? Định đoạt chức quán quân hay sao đây?
Đâu có, hồi trước đây chân tôi không ổn, bắp thịt bị teo, bác sĩ bảo phải tăng cường luyện tập.
Thuận Khai bùi ngùi:
- Mấy năm nay, bạn sống thảm đến thế cơ à ? Không đáng như thế mới phải.
Tuệ Phương nhìn đi chỗ khác. Từ ánh mắt chân thành của người bạn cố cựu đã khiến lòng cô chùng hẳn xuống, nhưng miệng vẫn nói cứng.
- Sao lại thảm? Tôi cảm thấy mình sống rất tốt.
- Thôi đi, đừng tưởng tôi không biết. Các bạn khác kể cho tôi nghe về bạn hết cả rồi!
- Kể những gì? Họ bảo tôi thế nào?
- Chẳng cần biết họ kể gì, nhưng nhìn bạn tôi biết bạn sống chẳng ra sao cả!
- Đáng ghét! Thuận Khai này, từ xưa tôi không thích ai nói chuyện sau lưng.
- Ấy là họ quan tâm đến bạn mà thôi. Còn bạn, tôi hiểu bạn quá rõ.
- Bạn hiểu về tôi thế nào?
- Bạn đừng giận Tuệ Phương, bạn lúc nào cũng làm như rèn sắt ấy thôi, cứng cỏi, thích lý luận. Nói thật nhé. Lần đầu tiên gặp lại bạn tôi đã thấy bạn thật đáng thương! - Thuận Khai nheo mắt cười - Thế là làm bộ cứng cỏi đấy! Còn không chịu được một câu phê bình...
.
Hạ Thuận Khai nghiêm trang bảo con gái và Tiểu Phương:
- Bố không thể làm thế được. Xin cho con nghỉ với lý do ốm, bố đã làm nhiều lần rồi. Bố không muốn...
- Thế thì bố cứ viết là bà ngoại con ở tỉnh khác về thăm con vậy.
- Cũng không ổn, thôi thì bố viết là chính bố ốm vậy...
Tiểu Phương cười buồn:
- Bố của bạn dễ thương thật, không như hai bà mẹ của mình, bà trẻ này còn nghiêm hơn bà mẹ kia nữa...
Thuận Khai vội gạt đi:
- Tiểu Phương, cháu không nên nghĩ như thế. Chính chú mới là không đứng đắn, chú biết làm như thế là sai nhưng tình cảm của chú lại bắt chú làm khác...
Hạ Tiểu Vũ bỏ tờ giấy xin nghỉ học vào túi:
- Lần cuối cùng này rồi thôi. Con sẽ không làm bố áy náy nữa đâu bố ạ...
Thuận Khai cười:
- Bao nhiêu lần cuối rồi hở con? Tiết tháo cuối đời của bố coi như hỏng bét vào tay con rồi... À này, thơ Sấu Trúc thì có gì là hay đâu mà làm con mê mẩn đến thế?
.
Tuệ Phương đang buồn bực trong phòng thì nghe thấy chuông cửa reo. Tiếp đó là tiếng của bà Lưu và Hạ Thuận Khai:
- Anh hỏi ai?
- Dạ, bác cho cháu hỏi thăm có phải đây là nhà của cô Phương không ạ?
Lưu Tuệ Phương bước ra giới thiệu với mẹ:
- Mẹ không nhớ sao? Đây là Thuận Tử ở cùng ngõ với nhà mình trước kia đấy.
Bà Lưu vỗ tay lên trán, tròn xoe đôi mắt:
- Ồ, thì ra là đầu sỏ của đám trẻ hư năm nào đấy à?
- Thôi rồi bác ạ. Cháu cải tà quy chánh lâu rồi!
- Mẹ cháu có khỏe không?
- Bả tạ thế năm rồi. Cha cháu cũng không còn nữa!
- Ôi, từ ngày đến tòa nhà này, không có dịp gặp lại bà con chòm xóm ngày xưa. Ở gần thì cãi nhau. Ở xa thì thấy nhớ nhớ...
Tuệ Phương cười lớn:
- Sao mẹ lại khóc thế kia?
- Bác ơi, bác đừng buồn nữa! - Thuận Khai nói. Chẳng phải cháu đã dọn gần bác đó hay sao? Nay mai bác muốn cãi nhau thì bác cứ tìm cháu!
Bà Lưu cười:
Thuận Tử độ này đã biết nói những lời người ta mến rồi nhỉ? Cháu đang làm việc ở đâu đấy?
- Cháu hiện đang làm trong ngành dầu khí bác ạ...
- Sao cháu không đưa vợ cháu về đây.
Thuận Khai lúng túng ra mặt.
- Chưa kiếm được ai à?
- Kiếm được nhưng lại để vuột mất rồi..
- Cũng lại ly dị à? Tụi bay sao ly dị cả lũ như thế? Ai bỏ ai?
- Cô ấy bỏ cháu, cũng có lý của cô ấy, cháu làm ăn có khi cả năm không về nhà. Có ai chịu nổi cái cảnh cứ vò võ chờ trông.
- Ôi dào ! - Bà Lưu chỉ con gái:
- Tuệ Phương cũng ly dị ! Ngày xưa, trai năm thê bẩy thiếp, không thích thì bỏ. Bây giờ ngược đời ! Nữ bỏ nam trước! Lại bỏ toàn những cớ mà người già các bác không thể hiểu được! Trưa nay ở ăn cơm với bác nghe Thuận Tử.
- Cám ơn bác, cháu phải về, ở nhà còn có cháu gái nữa bác ạ.
Bỗng bà Lưu chỉ vào con gái, bà nói với Thuận Khai:
- Bao nhiêu năm không gặp, bây giờ cháu và Tuệ Phương lại kết thân với nhau à?
Hạ Thuận Khai liếc nhìn Phương.
- Mới đây thôi bác ạ, tình cờ gặp lại, rồi thân lúc nào không hay!
Tuệ Phương lườm Thuận Khai, mặt cô đỏ bừng lên...
Bà Lưu đi xuống bếp. Tuệ Phương chỉ chiếc ghế:
- Bạn ngồi đi, uống nước nhá.
Thuận Khai nhấn tay vào cái máy chữ:
- Bạn dựa vào cái này để kiếm sống à! Như thế không phải là việc làm đâu đấy. Phương à. Tôi không muốn nhìn thấy bạn tàn lụi như thế này đâu!
Tuệ Phương thấy đau nhói:
- Không như thế thì làm gì bây giờ cơ?
- Tôi không phải bốc bạn đâu, nhưng một người kiệt xuất như bạn nên cống hiến nhiều hơn cho xã hội mới phải!
- Bạn đừng lôi tôi ra làm trò cười. Kiệt xuất cái gì một ngữ ăn hại như tôi...
Thuận Khai xoay câu chuyện. Anh nửa đùa nửa thật.
- Bạn ạ, bạn còn trẻ, bạn đẹp nữa, tại sao bạn không bước thêm bước nữa, ở cơ quan tôi, thiếu gì nhân tài đã ly hôn, sồn sồn cũng có, trai tân cũng có...
Phương cười lớn:
- Này, tôi chưa ế đến độ phải cần đến bạn làm mai làm mối đâu đấy nhá?
Thuận Khai cười:
- Hồi còn đi học, cho đến bây giờ gặp lại, tôi thấy bạn là người mắc bệnh sĩ kia đấy, bạn thích chơi trội, chỉ cho phép mình giúp người chứ không cho ai giúp bạn bao giờ. Nhưng Phương này, bạn làm hòa thượng mới phải! Bạn đừng cười nhé:
Trong túi tôi bây giờ, có biết bao nhiêu ông chồng tương lai cho bạn đấy!
Tuệ Phương cười lớn:
- Bạn đang mở một trạm gây giống đấy à?
Bà Lưu từ dưới bếp nói vọng lên:
- Này, có nói gì thì nói đừng cãi nhau đấy nhé?
Tuệ Phương nheo mắt nhìn Thuận Khai rồi trả lời mẹ:
- Chỉ có cao giọng chút xíu thôi mà. Mẹ yên tâm, anh Khai bây giờ, chứ không phải Khai phá làng phá xóm như ngày xưa đâu mẹ ạ...
Thuận Khai lại đổi câu chuyện:
- Bạn Phương, bạn có thể cho tôi khuyên bạn một câu không?
- Cứ nói:
- Bạn phải làm lại cuộc đời.
Tuệ Phương nói như hét:
- Tại sao bạn lại nói câu đó. Tôi nào có hư hỏng gì mà phải làm lại cơ chứ? Hay bạn muốn nói tôi phải hoàn lương?
Thuận Khai xua tay:
- Đừng nói nặng như thế, chúng ta mới gặp lại nhau, đừng có câu nói nào làm thương tổn nhau mới được.
Tôi với bạn thân tôi mới nói. Cho tôi xin nói thẳng:
Giá người vợ cũ của tôi mà được như bạn thì tốt biết mấy nhỉ? Xin bạn cho tôi làm người tri kỷ được không?
Tuệ Phương mặt đỏ nhừ:
- Thế thì tôi phải nhận tình cảm ấy của bạn.
Nói chưa dứt lời Tuệ Phương thấy mình đã quá trớn, càng nói càng như có vẻ gợi tình, ánh mắt nàng lúc này, Thuận Khai bỗng nao lòng, có một cái gì như vuốt ve cuộc sống khô khốc của mình...
Tuệ Phương tiễn Thuận Khai ra cửa, vừa lúc Tiểu Phương mặt đỏ bửng chạy về, thấy Thuận Khai cô bé giật nẩy mình:
- Ủa! Ồ! Xin chào chú Hạ.
Thuận Khai cũng ngạc nhiên quay lại hỏi Tuệ Phương:
- Con bạn đấy à?.
Về đến nhà, thấy Hạ Tiểu Vũ đang chúi mặt vào tập thơ. Thuận Khai hỏi con:
- Con đã đưa cho cô giáo giấy xin nghỉ học chưa?
- Chưa ạ?
- Sao vậy?
- Vì Tiểu Phương không có giấy phép, con không thể để một mình bạn ấy bị phạt vì trốn học nên con đã xé tờ giấy ấy đi rồi.
Thuận Khai vỗ vai con:
- Khá lắm, nghĩa hiệp lắm. Mà con có biết mẹ của Tiểu Phương không?
- Biết rất nhiều, gặp quá nhiều rồi ?
- Con thấy cô ấy thế nào?
Tiểu Vũ chỉ lên trời rồi lại chỉ xuống đất:
- Một bà thánh, nhưng là một bà thánh vô dụng.
Thuận Khai cười lớn rồi đứng lên, ngắm nghía mình trong gương:
- Này, Tiểu Vũ, con thấy bố còn khá không?
- À. -Tiểu Vũ bình phẩm:
- Còn tươm lắm!.
Hai bố con đang hát karaoké thì Lưu Tiểu Phương đầy nước mắt bước vào, thì thầm gì đó với Tiểu Vũ.
Thuận Khai quay lại:
- Chuyện trốn học vỡ lở rồi à.
Tiểu Vũ kể:
- Cô giáo mời mẹ Tiểu Phương đến, thế là bạn ấy bị đòn. Bạn ấy muốn ngủ lại nhà mình được không hở bố?
- Bố nghĩ như thế không ổn. Mẹ cháu thế nào cũng sang đây kiếm cháu đấy.
Hạ Thuận Khai nói đến đây, bỗng cửa phòng xịch mở. Tuệ Phương đứng ngoài mặt đầy tức giận.
- Con gái tôi có đây không?
- Có! Thuận Khai nói thật rồi gọi vào trong phòng:
- Ra đi các con.
Tiểu Vũ đưa Tiểu Phương từ trong phòng đi ra giận dữ nhìn cha nghiến răng:
- Phản thùng!
- Bố không thể nói dối được, nhỡ cô ấy khám phòng thì sao?
- Tiểu Phương! Đi về nhà ngay!
Tuệ Phương lạnh lùng ra lệnh. Còn anh đấy, anh Thuận Khai ạ. Tôi sẽ tính sổ với anh...
Tiểu Vũ nhìn cha:
- Cô ấy đẹp và giống nữ thánh, sao lại dữ như thế hả bố ! Mà bố này, con biết bố có cảm tình với cô ta.
Đời bố đã một lần khổ vì mẹ. Bố cẩn thận nghe bố...
Thuận Khai bước vào trong nhà. Anh nhớ đến đôi mắt long lanh của Phương nhưng sao anh thấy nó không dữ dội như con gái anh nói...
.
Tóm tắt của ND:
Trong một bữa sinh nhật của Bà Lưu, có mặt của Quốc Cường (em trai Lưu Tuệ Phương,. Á Nhự (Chị dâu của Tuệ Phương và là mẹ đẻ của Tiểu Phương), Hộ Sinh chồng trước của Tuệ Phương. Hạ Thuận Khai đã quá chén. Anh khoe rằng, anh sẽ đi Kowet để chữa cháy các giếng dầu do chiến tranh vùng Vịnh.
Trong buổi tiệc tất cả mọi người, kể cả chồng cũ của Tuệ Phương đều khen Hạ Thuận Khai đã nên người và có ý gán ghép anh cho Tuệ Phương. Tất cả như muốn hàn gắn nỗi đau của cuộc tình tan vỡ của nàng với Hộ Sinh. Cũng nên tóm tắt thêm, Lưu Tuệ Phương, sau ngày ly hôn đã bỏ việc làm, nàng đang viết những tiểu phẩm cho một tờ báo địa phương. Cũng như biết bao nhiêu triệu dân Trung Quốc dưới chế độ Cộng Sản... Cuộc sống về vật chất của nàng có phần chật vật...Thuận Khai từ khi gặp lại Tuệ Phương, anh như sống lại những kỷ niệm thời học trò, như sống lại sau một thời gian đau khổ vì chia tay với mẹ của Tiểu Vũ. Trái tim lạnh giá của anh như có tia sáng mùa hạ ấm áp đang thấm dần, đang được ươm nóng... Còn với Tiểu Vũ... Anh luôn luôn xa nhà, anh chiều con gái vì muốn bù đắp cho nó nỗi đau không có mẹ... Từ đó anh mượn rượu giải buồn. Hôm nay, anh lại say... _ Tóm tắt của người dịch.
Mời bạn đọc đọc tiếp:
...Tiểu Phương nhếch miệng cười hỏi khẽ Tiểu Vũ:
- Bố cậu lúc nào cũng thế à?
- Bố tớ cô đơn lắm! Hễ khi nào nhớ mẹ mình là bố mình uống rượu, và đã uống là như thế cả, có những buổi chiều buồn, mắt bố mình xa xăm, mình biết bố đang nghĩ về mẹ, mình biết bố sắp uống rượu, mình đã khóc nói với bố:
- Con lậy bố, bố khổ đau vì mẹ nào có ích gì?
Phía bên này, Thuận Khai hai tay nâng cốc rượu ngang đầu, cất tiếng:
......
Lúc đầu mọi người còn cười, sau dần dần cảm động vì tiếng anh hát như mê như say, như rút hết đau khổ trong con tim rớm máu của anh. Giọng anh như kể lể, như thở than. Đôi mắt sáng quắc như hai cánh cửa sổ, giống như anh đang hướng về những làn khói trong những giếng dầu ở cao nguyên Gobi. Ngọn lửa của giếng dầu dài như những lưỡi kiếm cháy, cháy cô đơn trên cánh đồng vắng giữa đêm.
Bất giác, nước mắt chảy dài trên má Tuệ Phương.
.
Dưới ánh đèn đường giữa các cao tầng Thuận Khai với vẻ mặt trầm lắng, hai chân gần như buông thõng..
.
Tuệ Phương xốc nách anh, còn Tiểu Vũ mặt mày nhăn nhó cầm tay bố.
Thỉnh thoảng Thuận Khai vung tay chỉ lên bầu trời:
- Anh đâu có say, này nhá, anh có thể đếm sao trên trên trời:
- Một ông sao sáng... Hai ông sáng sao... Bao nhiêu sao trên trời... Tôi yêu em nhiều như thế Phương ơi...
Đèn trong nhà bật sáng. Thuận Khai mỉm cười hiền lành. Tuệ Phương dìu anh đến ngồi xuống ghế, bỗng anh gạt Tuệ Phương nhẩy bổ về phòng vệ sinh, ngay sau đó là tiếng nôn mửa như bò rống trong đó.
Tuệ Phương quay ra nói với Tiểu Vũ:
- Cháu pha cho bố một ly trà thật đặc.
Nói xong nàng chạy vội vào phòng vệ sinh, xốc Thuận Khai đứng dậy. Thuận Khai mặt xanh như tầu lá...
Miệng luôn luôn lải nhải:
- Anh đúng là thằng xoàng. Phương về đi, cho anh xin lỗi bác gái và cả nhà... Anh làm hỏng cả buổi sinh nhật của cả nhà.
Tiểu Phương cầm khăn mặt cho Thuận Khai. Tiểu Vũ mang vào cái chậu và một ca nước cho bố xúc miệng.
- Nằm xuống nghỉ đi ông thần. Tuệ Phương nói như ra lệnh.
- Không được đâu Phương ạ! Bây giờ tất cả sức nặng của địa cầu dường như đang đè nặng lên cả thân thể của tôi...Tuệ Phương ơi, để Phương thấy bộ dạng của tôi thế này, thật tôi không muốn chút nào.
Anh quờ tay nắm lấy một bàn tay. Tiểu Vũ giật tay ra la lớn:
- Tay con đấy chứ!
Tuệ Phương nháy mắt bảo Tiểu Vũ:
- Cháu đi ngủ đi để sáng mai còn đến trường. Còn anh, đừng nói lảm nhảm nữa...
- Nhưng lúc này tôi mới có đủ can đảm... Tôi nói thật, Phương không thích hợp với bất cứ người nào ngoài tôi ra cả... Tôi mới xứng đáng là chồng của cô...
- Anh có biết anh đang nói gì không? Uống lắm vào rồi ăn nói lung tung...
- Phương không cần trả lời tôi vội, nghĩ kỹ đi rồi hãy trả lời. Đây là một việc hết sức nghiêm túc, không phải như mua đồ, hễ thấy giá cả hợp lý, kiểu dáng vừa ý, chất lượng tốt là móc tiền mua liền. Nhất định phải có cảm xúc mới được Phương ạ.
- Hạ Thuận Khai, đừng có uống nước đái mèo rồi nổi hứng. Mượn rượu để đùa cợt với tôi hay sao? Tôi đâu có phải loại đàn bà để anh mượn rượu bỡn cợt đâu chứ?
- Tôi thật tình mà Phương.
- Hạ Thuận Khai nhoài người ra tính cầm tay Phương.
- Tuệ Phương đứng bật dậy, mặt biến sắc, lạnh lùng nói:
- Anh phải tự trọng mới được.
- Nói xong Tuệ Phương quay ngoắt người đi ra, đóng sầm cửa lại.
- Hạ Tiểu Vũ từ phòng trong bước vội ra ngoài:
- Bố, bố nói không đúng lúc.
- Tuệ Phương chạy xuống cầu thang, nước mắt giàn giụa.
.
Ngày hôm sau, Tuệ Phương đi chợ, cô rẽ vào hàng rau tay đang cầm một mớ tỏi và đang mặc cả thì Hạ Thuận Khai xuất hiện, anh đến ngay bên cạnh Phương. Anh cũng xách một chiếc làn rách, trong làn có mấy quả cà chua và mấy củ hành tây. Anh lên tiếng:
- Hôm qua Phương chắc giận tôi lắm phải không?
Phương lờ đi nói với bà bán hàng:
- Cân đủ vào.
Tuệ Phương, tôi có một chuyện muốn nói với Phương, mình hẹn một chỗ nào đi. Hai giờ chiều nay ở cửa nam Vương Phủ Tĩnh được không?
Tuệ Phương vẫn làm ngơ, cô chọn một ít ớt xanh.
- Tôi nói với Phương đây mà Phương có nghe thấy không?
- Đậu này bán thế nào đây?
Về đến khu tập thể, tới trước tòa nhà Hạ Thuận Khai ở, anh kéo Tuệ Phương vào cửa.
- Lên ngồi một lát đã, cho tôi có chuyện muốn nói.
- Không, không, anh Hạ ạ, chẳng có gì đáng nói cả.
Tuệ Phương nói xong lẳng lặng đi về phía nhà mình. Hạ Thuận Khai đứng sững lại rồi anh cũng xách giỏ đi theo Tuệ Phương.
Đến nhà, Phương xô cửa bước vào Bà Lưu ngạc nhiên:
- Sao thế con?
Thuận Khai đã lách vào nhà. Tuệ Phương nói như gắt:
- Sao mặt dày mày dạn thế này không biết.
- Chuyện tối qua... Chỉ trách là tôi đã chọn không đúng lúc, lại thêm có chút rượu vào nên lời ra không hợp ý Phương.
- Thôi được, tôi tha thứ cho anh, anh có thể về được rồi đấy!
- Không được! Sao lại có thể về ngay được như thế ? Thuận Khai lại cuống quýt lên. Tự tay vung vẩy tiến về phía Tuệ Phương.
- Anh đứng vào phía tường kia rồi tôi sẽ nói cho anh biết.
- Đừng Phương đừng trả lời. Xin Phương hãy thận trọng hãy suy nghĩ rồi mới trả lời tôi. Câu trả lời này quan trọng lắm.
Tuệ Phương cười:
- Xin ông bình tĩnh ông Hạ Thuận Khai ạ. Câu trả lời của tôi không phải là một liều thuốc độc có thể giết chết ông đâu. Tôi trả lời ông sau khi đã suy nghĩ thận trọng, bất kể việc gì tôi làm cũng đều dùng đến đầu óc chứ không phải dùng đến con tim. Tuy dung lượng não của tôi có thể ít hơn ông vài gram.
Này nghe tôi nói:
- Tôi cho rằng tôi không thể chấp nhận thịnh tình của ông được. Vẫn đứng vững đấy chứ. Tôi cảm thấy chúng ta có thể là bạn được, nhưng kết thành đôi thì không thể nhất định là không thể.
Hạ Thuận Khai biến sắc, anh thất vọng, nhưng chỉ một thoáng, anh bỗng thấy Phương như muốn khóc.
Cô ấy, đang nén cảm xúc với mình đây.
Trở nên nhã nhặn và dịu dàng Hạ Thuận Khai hỏi:
- Phương có thể cho tôi biết lý do được không ?
- Dễ thôi, lý do duy nhất chỉ là vì tính cách của tôi và anh hoàn toàn cách biệt Hạ Thuận Khai vỗ tay:
- Những cặp vợ chồng có tính cách khác nhau thường rất... hợp nhau và có thể thuận tiện trong việc phân công trong gia đình...
Tuệ Phương lắc đầu:
- Anh có đủ yếu tố là một người bạn lý tưởng :
Tính tình cởi mở, coi trời bằng vung, có tính khôi hài, thậm chí nói khoác cũng không làm người ta khó chịu. Nhưng là người chồng... Không thể nói thế là khuyết điểm nhưng những đặc tính của anh như thế làm cho tôi khó chịu.
Tôi nói thật với anh, tôi không tìm người chồng có tính trẻ con, không chín chắn, loại mà có thể các cô gái rất thích, nhưng như anh đã biết, tôi đã có một đời chồng...
- Tôi biết Phương muốn gì rồi, Phương muốn người chồng có thể là một chỗ dựa vững chắc, là một cánh tay khỏe mạnh, là một hồ nước không sóng sánh, nhìn vào đấy người vợ có thể quên hết ưu phiền ?
- Đúng thế.
Nhưng tất cả điều ấy Phương tìm thấy trong sách vở phải không nào ?
- Thì đã sao ? sách vở là nơi kết cấu tất cả những kinh nghiệm của thế gian.
- Thế thì tôi có thể hiểu được, nhưng tôi không thể thay đổi theo cách suy nghĩ của Phương.
- Tôi không cần anh thay đổi, nhưng chuyện của chúng ta tôi đã nói hết, cái chân của tôi đứng lâu muốn nhức nhối rồi, tôi nghĩ anh nên về...
Thuận Khai đột nhiên nhìn xuống dưới chân của Phương, anh xúc động :
- Nhưng... Phương đau lắm phải không, anh không thể nói làm sao để cho em tin anh... Cho anh nói một câu, một câu thôi, có chết anh cũng cam lòng :
Anh yêu em Phương ạ.
Phương cúi xuống ôm chân, cô như muốn khóc :
- Ối da, đau quá ! Còn anh, tôi không thể nào tin sự thành khẩn của anh.
Hạ Thuận Khai không quen tiếp nhận sự thảm bại như thế, anh đặt làn rau xuống, quay lại nhìn thẳng vào Tuệ Phương dáng hùng hổ.
Tuệ Phương đứng dậy, dựa hai tay vào vách :
- Anh định làm gì vậy ?
Hạ Thuận Khai không nói một lời, anh sấn tới ôm lấy Tuệ Phương. Tuệ Phương vùng vẫy, cô tát Hạ Thuận Khai mấy cái liên tiếp :
- Đừng, đừng làm cái trò hạ lưu ấy.
Hai người cứ thế giằng co. Phương thoát khỏi cánh tay lực lưỡng của Hạ rồi phóng lên giường, đứng tựa vào vách mặt bừng bừng. Hạ Thuận Khai phóng lên, lại có một cuộc giằng co nữa, có những tiếng đồ vật rơi trong nhà, có cả tiếng thở hỗn hên của cả hai người dùng quá sức.
- Anh buông ngay tôi ra, tôi tri hô lệnh cho mà xem.
- Anh đi tù cũng được nhưng...
Bà Lưu nói vọng vào:
- Có chuyện gì thế Phương?
Tuệ Phương vẫn giằng co, nhưng nói vọng ra:
- Không có gì đâu mẹ ạ... Không có gì đâu!
Cuộc kéo co khiến Hạ Thuận Khai và Phương ngã bịch xuống giường và thật vô tình, Hạ Thuận Khai đè trên tấm thân mềm mại và nóng hổi của Phương. Cô không chống cự nữa, cô nhắm mắt lại, cái cảm giác có một người đàn ông nằm trên cô đã từ lâu cô không còn có, từ ngày cô và Hộ Sinh chia tay, chia tay vì người chồng tội nghiệp ấy, không có cái sức mạnh của Hạ Thuận Khai ngày hôm nay... Cô hầm hập chờ đợi, cái chờ đợi mà đã bao đêm cô phòng nó hành hạ cô. Chỉ một lần thôi, chỉ một lần thôi, rồi ra sao cũng được, cái cảm giác ái ân, cô đọc trong sách vở, cô nghe bác sĩ khuyên, cô thấy dấy lên trong những đêm không ngủ, cô nào thấy bao giờ.
Hạ Thuận Khai cũng bừng bừng, anh là người đã có vợ, cái cảm giác nằm trên người Phương như thế này anh cũng mới thấy, cũng chỉ mới thấy. Nó không giống như với vợ anh, với những cuộc làm tình ăn bánh trả tiền.
Hạ Thuận Khai từ từ cởi cúc áo của Phương, nhưng khi tấm thân của Phương bắt đầu lộ ra, hơi thở của cả hai người như không còn kiềm chế được nữa, thì như có một sức mạnh nào đấy. Hạ Thuận Khai ngồi bật dậy, anh lấy cái mền che vội bộ ngực căng đầy của Phương. Rồi anh chắp tay như tạ tội:
- Xin Phương tha cho tôi. Tôi chưa yêu ai như tôi yêu em, em tha tội cho anh, anh đã lỡ xúc phạm đến em...
Nước mắt Phương giàn giụa, cô vẫn nằm ngửa, cô vẫn như còn trong cơn mê đắm, mà trong đời phụ nữ của cô, chưa bao giờ, cô thấy có hương vị như thế.
Cho đến khi Phương mở mắt ra, cô không thấy Hạ Thuận Khai đâu cả. Chỉ thấy những tia nắng đang reo vui, đang nhẩy nhót, chan hòa trên chăn nệm...
.
Trong nhà thể thao rộng thênh thang, chỉ nghe thấy tiếng dao cắt vào băng nghe soàn soạt, có tiếng cười của những người té xuống mặt băng. Ánh đèn điện quang chiếu xuống sàn làm cho những bộ quần áo của các nam nữ lóng lánh như những sợi kim tuyến.
Một tay dắt con gái, một tay như muốn che cho cái thân thể nhỏ bé của con, Hạ Thuận Khai liên tục đổi chân... Hai bàn tay một trắng một đen nắm chặt lấy nhau. Tiểu Phương cùng Tuệ Phương đi theo lối nhỏ không đèn vào phía trong.
- Con hãy đuổi theo họ đi.
Tiểu Phương đi giầy trượt, đứng trên sân, nhún người lấy đà rồi lướt theo bạn.
Hạ Thuận Khai nghiêng người dẫn con trượt tới Tiểu Phương, anh trao tay anh cho Tiểu Vũ nắm lấy tay bạn rồi anh phóng về phía Tuệ Phương. Hai người tìm chỗ ngồi trên khán đài:
- Cám ơn Phương đã đến với anh.
Tuệ Phương cười phá lên:
- Ô! Sao hôm nay xưng anh ngọt xớt như vậy? Tôi đã tính không đến nhưng Tiểu Phương đi một mình tôi không thấy an tâm chút nào.
Thuận Khai trầm hẳn xuống:
- Có một việc, nếu Phương không đến tôi lại phải đến Phương?
Tuệ Phương lại cười:
- Anh đến tính hãm hiếp tôi nữa hay sao?
Thuận Khai đỏ mặt:
- Tôi không biết nói câu gì cho Phương tha thứ, nhưng tôi sắp đi xa rồi Phương ạ?
Tuệ Phương chấn động:
- Anh đi đâu, tôi tha thứ chuyện ấy cho anh rồi mà.
- Không, tôi đi công tác ở ngoại quốc. Tôi đã nói với Phương, tôi phải đi Kowét để dập lửa...
Phương muốn khóc, cô nhìn Thuận Khai lúc này, cô cảm thấy cô đang nhìn những vẻ đẹp đàn ông của anh.
- Thế bao giờ anh đi...
Tuần sau, có lẽ là tuần sau, hộ chiếu nhập cảnh và vé máy bay đã có sẵn rồi...Tuệ Phương à, có một việc mà tôi đắn đo lắm mới dám nhờ Phương, số là Tiểu Vũ không muốn về ở với mẹ, còn trường học thì sắp nghỉ hè tới nơi rồi...
Hạ Thuận Khai nói như muốn khóc:
- Cha con tôi cô đơn lắm, bây giờ tôi lại đi xa, Phương có thể giúp tôi được không?
Phương nói ngay:
- Anh yên tâm, việc ấy cứ để cho tôi, có thể cho cháu qua tạm bên tôi, chung phòng với tiểu Phương?
- Tôi đã nghĩ chuyện ấy, có điều lòng tự trọng của con tôi nó lại quá cao, đến mẹ nó mà nó không muốn ở. Tôi nghĩ giá như Phương đến chỗ tôi... Phương thế chỗ tôi, nhà cửa, tiền bạc tôi giao hết cho Phương?
- Tôi sẽ gíup cho anh nhưng tiền bạc, anh biết đấy, từ xưa tôi vẫn ghét nó...
- Không Phương đừng hiểu lầm, tôi xin nói, Phương... Phương rất quan trọng đối với tôi bây giờ. Khi tôi uống rượu, khi tôi sắp đi xa, tôi mới dám nói:
Từ ngày mẹ của Tiểu Vũ bỏ tôi ra đi, tôi gà trống nuôi con.
.. Cuộc sống của bố con tôi tuy không cô đơn nhưng vô cùng cô độc... Cho đến khi gặp Phương, thế nhưng, thời gian chúng ta gần nhau, tôi làm ra quá nhiều lỗi lầm, mong Phương đừng để bụng. Tôi biết con người tôi có nhiều điều không tốt, nói thực với Phương, mỗi lần nhớ lại chuyện ấy, nhất là chuyện vừa mới nhất, tôi như bị những mũi kim đâm vào tâm hồn tôi...
- Đừng nhắc lại, tôi đã quên chuyện ấy rồi.
- Phải, phải, đã qua rồi! - Thuận Khai trầm ngâm giây lát rồi nở một nụ cười:
Thôi nhé, Tiểu Vũ phải nhờ Phương đấy, trước khi đi tôi sẽ giao chìa khóa cho Phương?
- Anh cũng nên cẩn thận...
- Sao thế hả Phương?.
- Anh nên bảo trọng.
Hạ Thuận Khai ngẩng lên cười rạng rỡ:
- Lâu lắm rồi tôi mới nghe được một câu thân thiết đến thế. Tôi hứa với Phương, tôi sẽ cẩn thận, bây giờ tôi đã cảm thấy yêu đời quá rồi.
Bỗng Tiểu Vũ lướt qua trước mặt, tay vung lên trời vui vẻ:
- Bố ơi xuống đây với chúng con đi.
.
Hạ Thuận Khai mặc một bộ complet màu thẫm, thắt cà vạt, áo sơ mi trắng tinh, tay sách cặp ngoại giao, thần sắc phấn chấn khác hẳn với một Hạ Thuận Khai hàng ngày lè phè... Từ trong xe, một người đứng tuổi, tóc muối tiêu, dáng bộ của một ông lớn, chính tay ông mở cửa cho Thuận Khai...
Hạ Thuận Khai vỗ vào đầu Tiểu Khương, ôm chầm lấy con gái nhưng con mắt của anh đang tìm về phía bên kia hàng rào sắt. Anh giơ tay vẫy vẫy. Ở bên này, Tuệ Phương lùi xa cửa sổ nàng cố gắng tìm theo bóng Hạ Thuận Khai. Khuôn mặt đoan trang trắng hồng của nàng thoáng vẻ buồn bã.
Trên bầu trời âm u tối đen, từng cuộn khói đen kịt đang lan tỏa như tấm lụa đen trải rộng, trong đám khói đen khổng lồ đó lóe lên những đám lửa hừng hực, nhìn phía dưới người ta thấy những tia lửa như những mũi tên bắn lên trời.
Trên mặt đất, bốn phía sừng sững những giàn khoan, dầu lửa màu đen làm cho một vùng mấy chục cây số trở thành những vũng lầy đầy bùn. Một số dầu hỏa loang trên mặt đất bốc cháy trông như những con rết bằng lửa.
Một số người Trung Quốc mặc quần áo chống lửa, đi giầy ống đến tận đầu gối đang lăng xăng chạy qua chạy lại, trong một biển lửa hoành tráng. Hạ Thuận Khai đã thay xong quần áo, anh trông như một hiệp sĩ trong truyện tranh cũng gần giống như người ngoài hành tinh. Khuôn mặt đen giòn, cặp mặt sáng như sao với cặp môi mím chặt thành một đường thẳng như một vết rìu chém trên thân cây.
Hạ Thuận Khai sải bước trước tiên, lội băng qua vũng bùn lớp nhớp tiến về phía giếng dầu đang bốc cháy. Tóc và lông mày của anh như khô khốc muốn cháy Hạ Thuận Khai ra lệnh:
- Đánh bộc phá.
Trên màn hình TV, Tuệ Phương gián con mắt nhìn bức màn khói đen kịt, màn hình như muốn rung lên vì sức nóng giả tưởng...
Tiểu Vũ và Tuệ Phương ríu rít từ phòng trong đi ra, hai đứa chạy thẳng vào bàn ăn.
- Rửa tay đi nào, đã bảo ngồi vào bàn ăn là phải rửa tay mà.
Hai đứa riu ríu chạy vào phòng tắm.
Hình ảnh trên màn hình lúc này đang là cuộc phỏng vấn của một đài ngoại quốc với ngoại trưởng Mỹ.
Tuệ Phương và hai cô bé ngồi quanh bàn ăn cơm, hai đứa húp canh xì sụp. Tuệ Phương hỏi:
- Tiểu Vũ, toán và văn của cháu đều hơn chín điểm, tại sao hóa chỉ có tám điểm là làm sao?
Tiểu Vũ vừa ăn cơm vừa xem sách:
- Cháu ghét cay ghét đáng môn ấy. Bài mà được tám điểm là đã không phụ lòng thầy giáo rồi đấy cô ạ.
- Thế cháu học cho mình hay cho thầy giáo?
- Cháu đã cố gắng lắm rồi cô à? Với lại bố cháu cũng không mấy phàn nàn về việc học của cháu, cháu tưởng...
- Bây giờ cô phụ trách về việc học của cháu, cháu không thể tự bằng lòng với mình như thế được...
Tuệ Phương đã tính nói:
Bố cháu làm hư cháu đấy nhưng nàng lại thôi, nàng nói:
- Khi ăn cơm cháu không nên đọc sách, hại bao tử...
- Bố cháu cũng vừa ăn vừa đọc sách. Tiểu Vũ nói.
- Cháu chỉ nên học người lớn những điểm tốt, còn những điều không tốt đừng có bắt chước...
- Cô Phương ạ, bố cháu có nói, con người ta phải có chút khuyết điểm để có thể buông thả mình một chút, như thế thì mới được người khác tiếp cận. Có ai muốn ở mãi bên cạnh một vị thánh đâu chứ?.Cô không cảm thấy cô là một vị thánh ư ?
Tuệ Phương tái mặt, nàng thấy đau nhói... Nhưng, nhìn thấy vẻ mặt ngây thơ của Tiểu Vũ, nghĩ đến chính cô, nghĩ đến Hạ Thuận Khai, cô đổi giọng làm lành:
- Thôi đừng tào lao nữa, ăn cơm đi.
Buổi tối, cô giục giã các cô bé tắm rửa rồi lên giường, ra phòng ngoài.
Cô bước vào phòng của Hạ Thuận Khai. Phòng anh không bận bịu gì nhiều. Mấy giá sách lớn, trên ấy còn bầy một số mẫu đất đá, mấy lọ đựng chất gì như dầu hỏa...Tuệ Phương ngắm nghía một hồi, cô cầm từng thứ lên, cô cảm thấy những vật trên hình như có sự mật thiết với mình.
Trên tường một bức hình của Thuận Khai, đang ngửa cổ cười lớn, hàm răng trắng muốt. Cả khuôn mặt anh tỏa ra một vẻ khí phách.
Tuệ Phương chu mỏ vào gần cái miệng trên tấm hình nói như mơ :
- Có cái gì mà vui thế ?
Rồi cô tát nhẹ vào bên má Hạ Thuận Khai:
- Có ông quỷ sứ này mới là vị thánh đấy!
.
           Ầm Một tiếng nổ rất to của một quả bộc phá làm rung rinh cả một góc trời. Ngọn lửa lớn cháy bùng, hừng hực lan tỏa cả một vùng. Giếng dầu như một ngọn nến đang cháy bị thổi tắt. Lửa ở giếng dầu xa xa như những chiếc roi quất mạnh xuống không gian đen thẫm. Có tiếng hét thật to, như từ ở lòng đất dấy lên.
Tuệ Phương choàng tỉnh giấc, cô ôm lấy ngực như chính cô đang bị chấn động bởi tiếng nổ trong cơn ác mộng.
Trong căn phòng tối om, khung treo tấm ảnh của Hạ Thuận Khai sáng lóe lên, khuôn mặt tối sẩm trong ảnh trở nên đáng sợ. Cô lại nằm xuống, cô ôm chiếc gối của anh, tự nhiên nước mắt cô chẩy xuống má.
Cô nức lên.
Cuối Thu, bầu trời Bắc Kinh xanh ngắt, những tia nắng theo những giải mây bay lang thang, bầu trời càng lúc càng ủ dột hắt hiu. Tuệ Phương đang vui vẻ chải đầu, cặp tóc, cô ngắm nghía lại bóng hình mình trong chiếc gương để ngay cửa ra vào. Cô cười một mình khi thấy cô như trẻ hẳn ra.
Cô giục Tiểu Vũ đang cuống quýt mặc quần áo...
- Nhanh lên cháu, cô cháu mình phải ra sân bay trước giờ trưa đấy nghe.
- Cô kéo giùm cháu dây kéo này với...
Kéo xong, cô nhìn thấy Tiểu Phương đang đứng ngần ngừ ở góc nhà.
- Sao con đứng như thế, không đi học sao ?
- Con muốn đi ra sân bay, con cũng muốn đón chú Hạ.
- Người ta đi đón bố, còn con đi làm gì?
- Thế còn mẹ, mẹ cũng đi làm gì ?
Tuệ Phương đỏ bừng mặt, cô chần chừ một lúc rồi nói thẳng :
- Mẹ đưa Tiểu Vũ đi, phải có một người lớn đưa nó đi. Con nhớ phải xin phép cô cho Vũ nhé.
Tiểu Phương vừa đi vừa lẫm bẩm:
- Thế thì cần gì phải son với phấn chứ...
Tuệ Phương bồn chồn, hết nhìn quang cảnh tấp nập của sân bay đến những người thân nhân đi đón người về. Họ cũng lăng xăng ngơ ngác. Nhưng, có lẽ khác với họ, Tuệ Phương chưa bao giờ có một cảm xúc dạt dào như bây giờ.
Qua bức tường kính của phòng chờ, có một chiếc xe cứu thương chạy như bay, xe dừng lại nơi chân cầu thang, những nhân viên y tế mặc đồ trắng. Sao máy bay giờ này chưa hạ cánh hở cô ? - Tiểu Vũ sốt ruột hỏi.
- Còn mấy phút nữa mới tới giờ. Ôi dào, ngay đường bay quốc nội cũng có khi phải chờ cả tiếng. Con có lạnh không?
Chỉ ít phút sau, trong phòng nhỏ vang lên lời báo máy bay hạ cánh. Cả phòng chờ náo động cả lên. Hai cô cháu chen vào phía trong, ngay bức tường kính ngăn cách lối ra, mắt dán vào chỗ các nhân viên hải quan đang làm nhiệm vụ. Chỉ trong một thoáng, một người đàn ông, da ngăm nắng, sách va li bước ra, tiếp theo là những người khác. Tiếng gọi người thân cũng những nụ cười, cái vẫy tay làm không khí càng lúc càng sôi nổi.
Tiểu Vũ nôn nóng nhẩy lên :
- Bố cháu đâu, cô có nhìn thấy bố cháu không ?
Tuệ Phương căng mắt nhìn những người đàn ông bước đến gần, họ giống nhau quá, khỏe mạnh, cao lớn, da ngăm đen như nhau. Cô hầu như sợ là cô không nhận ra được Hạ Thuận Khai nữa. Người cuối cùng đã đi ra, sau đó là một đoàn khác người ngoại quốc :
Sao lại không thấy nhỉ, hay ta nhầm chuyến bay ? - Tuệ Phương cuống quýt...
Bỗng có một người đàn ông chạy đến :
- Hạ Tiểu Vũ, cháu có phải là Hạ Tiểu Vũ không ?
Tiểu Vũ ngơ ngác gật đầu thì người đàn ông đã lôi tuột con bé chen khỏi đám đông. Tuệ Phương chạy theo bén gót. Người đàn ông đưa Tiểu Vũ đến trước mặt mấy vị quan chức cao cấp, Tuệ Phương thấy mấy vị đó bắt tay Tiểu Vũ có vẻ ân cần.
Tuệ Phương tái mặt khi thấy mấy cô y tá khiêng một cái cáng trên có một người nằm bị băng khắp người.
Có tiếng Tiểu Vũ la thất thanh:
- Bố ơi! Bố ơi!
Tiểu Phương không còn cảm giác gì cả, cô chỉ biết nấc lên, trong làn nước mắt cứ trào ra, cô thấy bóng Tiểu Vũ chạy như bay theo cái cáng, với một người nằm bất động, có những bó hoa tươi của những thiếu nữ đang hươ hươ như chào mừng Hạ Thuận Khai...
.
Mặt trời mọc chiếu sáng thế gian rồi mặt trời lại lặn che tối những đớn đau của nhân thế. Sau mấy ngày hôn mê, Hạ Thuận Khai đã tỉnh. Chiếc đầu quấn kín băng trắng đã cựa quậy, kế đến là chiếc đầu gối đã lắc qua lắc lại, nhưng anh không thấy gì cả. Đầu óc anh thì tỉnh táo nhưng toàn thân cho đến lục phủ ngũ tạng như có những mũi kim nhọn đang đâm và người anh.
- Tiểu Vũ ơi, con đấy à ?
- Ồ, anh tỉnh rồi ư ? Cháu đã đi ngủ rồi.
- Tuệ Phương ?
Tuệ phương dáng vẻ mệt mỏi, nhưng cô có vẻ phấn chấn cô cúi đầu xuống :
- Anh có nhìn thấy Phương không anh?
- Chẳng thấy gì cả.
- Anh thấy trong người thế nào ?
- Đau lắm Phương ơi.
- Y tá vừa tiêm thuốc giảm đau cho anh đấy.
- Vẫn đau lắm.
- Hãy nghĩ đến những chuyện vui đi, tự nhiên anh sẽ cảm thấy bớt đau ngay. Tiểu Vũ độ này ngoan lắm, gần đứng đầu lớp rồi.
Cái đầu và toàn thân của Hạ Thuận Khai rung rung :
- Phương ơi ! Phương ơi đau lắm Phương ơi !
Phương bật khóc :
- Có em đang ở bên anh đây này, Hạ Ơi, cố gắng lên anh à! Khi nào anh khỏi chúng mình sẽ làm đám cưới nghe anh ?
- Đau lắm Phương ơi.
Bỗng một vị bác sĩ bước ra:
- Đừng nói chuyện với bệnh nhân, để cho anh ấy có thể ngủ được.
Hạ Thuận Khai lại được truyền nước biển chắc có thuốc ngủ nên toàn thân bất động, có tiếng ngáy như say xưa, thỏa mãn.
Buổi sáng trời Thu có nắng vàng chiếu vào tận giường bệnh cùng với tiếng lá cây lao xao. Tuệ Phương và tiểu Vũ ngồi ngay đầu giường bệnh. Thuận Khai đã có thể nói chuyện, nhưng cả khuôn mặt anh còn băng kín.
- Em không muốn đợi lâu nữa đâu, em nhất định sẽ làm lễ cưới, chúng ta sẽ lấy nhau và đầu năm dương lịch này. Chúng mình sẽ thành hôn ngay trong phòng bệnh này, em sẽ mặc áo cưới bằng voan trắng.
Đừng cười em nghe anh, em sẽ dán chữ Hỉ ngay trên những cửa sổ. Em sẽ sắp đặt lại căn nhà của chúng ta, em sẽ mua một bàn trang điểm, có đặt một chiếc ghế nhỏ cho anh ngồi cạnh xem em làm đẹp... Rồi những ngày lễ, ngày nghỉ chúng ta sẽ dẫn Tiểu Vũ về miền quê có đồi có núi có sông...
Tuệ Phương vừa nói vừa cười như mếu, Tiểu Vũ lắng nghe, nước mắt cứ chẩy dài.
- Ai định kết hôn với Phương chứ. Phương lấy ai tôi cũng chúc cho Phương hạnh phúc.
Dưới hàng băng có tiếng nói nho nhỏ của Hạ Thuận Khai.
- Anh nói gì lạ vậy, Phương lấy anh. Anh đã từng nói, ngoài anh ra Phương không thích hợp với bất cứ một ai mà... Rồi trước anh đi, sau cái ngày anh vật Phương trên giường ấy anh đã cầu hôn với em rồi mà, anh quên rồi sao.
- Chưa bao giờ tôi cầu hôn với Phương cả.
- Anh đừng có chối. Em có Tiểu Vũ làm chứng, có phải không cháu.
Tiểu Vũ vừa khóc vừa gật đầu:
- Đúng, đúng con nghe bố nói nhiều lần, nhất là lúc bố say.
- Thấy không, anh lại định trốn tránh trách nhiệm hẳn? Em không thể lừa dối như vậy đâu. Anh đã cám dỗ em thì em nhất định bám chặt lấy anh. Anh không đồng ý cũng không được đâu. Em phải lấy bằng được anh, nếu không em sẽ thưa anh, kiện anh về tôi bỡn cợt với phụ nữ.
- Như Tần Hương Liên kiện Trần Thế Mỹ đấy à ?
- Đúng, để cho anh thân bại danh liệt? Khổ chưa nào ?
Cả người Hạ Thuận Khai oằn lên oằn xuống như anh đang đè nén một cơn đau:
- Không có ai rước đi thì phải lấy anh vậy, phải không nào ?
- Đúng thế, ai bảo anh không có mắt ? Chịu thua đi thôi, người chồng sắp cưới của tôi ơi!
- Anh biết rồi, chịu thua rồi, nhưng khốn nỗi, anh là một loại tam tứ đổ tường nghiện bia này, hay đánh vợ này, xấu trai này!
- Em chấp nhận hết - Tuệ Phương nhìn cái mặt che kín của Hạ Thuận Khai cười khúc khích:
Anh còn đẹp trai nữa.
- Chửa hết Phương ơi, anh còn ở bẩn này, ăn uống nhồm nhoàm này, thích la cà tán gẫu, ở đâu có con gái đàn bà là anh như như mèo thấy mỡ này.
- Em đã nói rồi mà, em chấp nhận tuốt, cho dù anh có là kẻ xấu xa nhất trên hành tinh này thì em vẫn yêu anh.
- Em nói sao cơ ?
Tiểu Vũ không sao nghe tiếp nữa, ôm mặt chạy ra khỏi phòng.
- Em nói là em mãi mãi yêu anh?
- Nói lại lần nữa đi Phương ơi!
- Em yêu anh, ngàn năm em chỉ yêu có mình anh thôi.
- Cám ơn em, cám ơn em... Nhưng mà anh không muốn em có cơ hội làm thánh mẫu.
- Anh không tin em ư ?
- Anh biết em coi mình là người như thế nào...Trước mắt anh em chỉ là một người đàn bà mà anh thương... Anh bằng lòng lấy em. Phương ơi.
- Cám ơn anh.
- Thế thì hôn anh đi, tìm được môi anh không ?
- Chỗ ướt ướt trên băng ấy mà, đúng không ?
- Đúng rồi chỗ sặc mùi thuốc ấy mà.
Tiếng nói dưới lớp băng trở thành tiếng cười nhẹ, rồi nghèn nghẹn, đứt quãng, rồi im bặt.
Tuệ Phương đặt môi mình thật lâu trên tấm băng ứơt. Cô nấc lên rồi từ từ đứng thẳng người lên, cô vừa khóc vừa kéo tấm mền trắng phủ kín khuôn mặt lấp đầy băng trắng của Hạ Thuận Khai. Cô đi ngược chiều với các y sĩ, y tá đang chạy ùa vào phòng để ra ngoài. Cho đến phút ấy nụ cười mê hôn còn đọng trên môi của cô mới hoàn toàn tắt hẳn.
Tiếng khóc thảm thiết của Tiểu Vũ vang lên trong phòng bệnh. Lưu Tuệ Phương bước nhanh hơn theo hành lang của bệnh viện và ra ngoài. Ánh nắng mang theo cái lạnh căm căm ào tới vây bọc lấy cô. Cô không còn nghe thấy tiếng khóc tuyệt vọng của Tiểu Vũ nữa. Bầu trời như xuống thật thấp. Có một vài nhánh lá chao qua chao lại.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com