Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
9/3/12

Người săn của báu - Nhiếp Hâm Sâm

Người săn của báu
Nhiếp Hâm Sâm
Phạm Tú Châu dịch

Hội quán Giang Tây ở thành cổ Tương Đàm có ba người quê Giang Tây đang nhàn nhã ở đó. Một người là Chu Lý Dương đến đây thăm người nhà và bạn, không có công chuyện gì đặc biệt, chỉ là tiêu dao tháng ngày. Hai người kia là Ô Thiên Kỳ và Khang Lâm Phúc thì có vẻ nhàn nhã nhưng không thật nhàn. Họ đều là lái buôn đồ cổ, hơn nữa chỉ có thể gọi là lái buôn nước bọt vì họ không có cửa hiệu, cũng chẳng có mấy vốn liếng. Họ đến đây chỉ mong săn lùng được đồ cổ, bỏ ra ít tiền mua rồi bán trao tay kiếm bộn tiền. Sở dĩ họ đến Tương Đàm là vì nghe đồn ở đây có một đoạn phố ngắn gọi là phố Đêm, cứ đến lúc lên đèn là họp chợ âm phủ, rạng sáng là tan chợ. Trước khi đến đây, Ô Thiên Kỳ và Khang Lâm Phúc không quen biết nhau.
Chợ âm phủ bán đủ mọi thứ, hàng bày dưới đất, hàng nào cũng chỉ thắp một cây nến trắng, khẽ khàng mặc cả, có khi chỉ lấy tay ra hiệu để mua bán với nhau. Hàng bán ở đây hầu hết không rõ tông tích, hoặc là đồ ăn trộm, đồ lừa gạt mà có, hoặc của nhà giàu nhưng đã suy lúc cần gấp tiền đem ra đây bán cho khỏi mất thể diện. Hàng bán ở đây có cái đặc biệt là rất rẻ, nhưng ngoài đặc điểm đó ra, có lúc bất ngờ người mua lại vớ được một món đồ quý, từ đó không còn phải lo cơm ăn áo mặc nữa. Vì thế người mua cũng phần nhiều là người ít tiền hoặc là người nhiều ảo tưởng. Ô Thiên Kỳ và Khang Lâm Phúc thuộc loại người thứ hai.
Sau tết Trung thu, cả hai đến Tương Đàm cách nhau vài ngày. Ban ngày nhàn rỗi, sẩm tối tách nhau ra mà đi chợ âm phủ. Đó là cái lệ của nghề buôn bán đồ cổ, không bao giờ họ đi đôi với nhau. Tới quá nửa đêm họ mới trở về hội quán. Trong phòng ở hội quán, ngoài họ ra còn có Chu Lý Dương, đến trước họ ít lâu. Ông Chu khoảng sáu chục tuổi, người xương xương, chỉ có một mắt, mắt kia bị mù. Mắt còn lại rất sáng, nhìn vào ai cũng làm người ta thấy khắp người sởn da gà. Đầu giường luôn có những quyển sách lạ, nào là bát quái, nào là lục giáp.
Đêm ấy khi Ô Thiên Kỳ và Khang Lâm Phúc trở về thì Chu Lý Dương vẫn còn thức, khác hẳn mọi ngày. Ông đang ngồi bên bàn với một bầu rượu và ba cái chén. Ông uống một chén, hai chén kia đã rót sẵn rượu như đang chờ ai. Ô Thiên Kỳ chào hỏi: "Ông Chu còn chưa ngủ à? Ông đợi ai thế?". "Tôi đợi hai anh đấy. Hôm nay đi chợ âm phủ có lùng được đồ cổ nào không?" - Ông Chu hỏi.
Hai người kia giật mình. Làm sao ông ta biết nhỉ?
Dường như hiểu ý nghi ngại của hai người, ông Chu nói: "Tôi chẳng có công đâu để ý đến việc của hai anh, chẳng qua hai anh ngủ mê nói ra đấy thôi. Nào, mời hai anh uống rượu, bèo nước gặp nhau, cũng là bạn cả".
Nói xong, ông Chu lôi dưới gầm giường ra một cái tráp gỗ, vốc vài nắm hồ đào bỏ lên mặt bàn. Hồ đào miền núi vừa tròn vừa cứng, có khía rất sâu, nếu không có búa đập thì hạt không vỡ ra được. Ông Dương mỉm cười, hai tay kẹp hai hột, chỉ khẽ bóp một cái, hột đã nứt ra kêu tanh tách. Bỏ hai hột đã vỡ lên bàn, ông kẹp liền cả chục hột rồi bảo: "Thứ hạt này có dầu, nhắm rượu đã lắm".
Kình lực ở ngón tay ông ta mới mạnh làm sao, hai người kia ngẩn mặt ra nhìn, không nói được lời nào. Ông Chu nhẩn nha nói: "Vào núi không hỏi đường, đi quanh mệt chết ngựa. Hai anh mấy hôm nay đi suông về suông vì đi không đúng lúc". "Chúng tôi tối đi, nửa đêm về, sao lại không đúng lúc?". "Tôi muốn nói là không đúng ngày. Các anh cứ nghỉ ngơi đi, cách Tết khoảng một tháng, đúng ngày đúng giờ đi thì mới gặp vận may". "Tại sao ạ?". "Người ta nói qua được Tết như qua được cửa ải. Một số nhà giàu sa sút muốn giữ thể diện ngày Tết, ắt phải đem bán một vài đồ quý. Còn nhà vừa vừa thì có thể cần tiền để trang trải nợ nần, có thể cũng đem bán một số đồ tốt".
Hai người kia nhìn nhau rồi cùng gật đầu. Cả hai đều cảm thấy đêm nay thật có ý nghĩa, nói: "Được quen biết ông Chu, thật là vinh hạnh cho chúng tôi. Chúng tôi xin kính ông Chu một chén! Hẳn ông Chu không phải người tầm thường!". "Sao hai anh biết?". "Nhìn sách chất trên đầu giường ông thì chắc là vậy". Ông Chu đắc ý mỉm cười, sau đó nói: "Tôi cũng biết một số mẹo vặt trên giang hồ. Hôm nay chuyện trò với hai anh rất vui, tôi bói vật cho hai anh, xem sang năm ra sao nhé!".
Nói xong, ông bảo Ô Thiên Kỳ cầm lấy một vật. Ô nhìn quanh rồi nhặt lên một nhân hồ đào. Ông Chu ngẫm nghĩ giây lát, rồi nói: "Vật này nhỏ, nằm trong hột mà sức của anh không kẹp vỡ được hột vì thế năm nay anh chỉ phát tài nhỏ, khó phát được tài lớn". "Phát tài nhỏ thì tôi cũng thỏa lòng rồi!" - Ô Thiên Kỳ đáp.
Khang Lâm Phúc nhặt một hạt hồ đào, ông Chu gật gù nói: "Đại cát! Hạt đào núi này là hạt thứ hai còn lại. Hai chữ núi chồng lên thành chữ xuất, tức là tìm được lối ra. Năm nay anh phát tài to đấy!".
Trời mỗi ngày một rét. Cách Tết chừng hơn hai chục ngày thì tuyết rơi như lông ngỗng, trong chốc lát, trời trắng xóa một màu.
Lúc xẩm tối, Khang đứng ngoài hành lang nhìn tuyết rơi, nghĩ đến vợ con và mẹ già, lòng bồn chồn không yên. Lại thêm người hơi khó chịu nên Khang không đi chợ. Còn Ô cơm tối xong là lỉnh đi chợ ngay. Chỉ một lúc sau, Ô đã rảo bước vào phòng, tuyết bám đầy người chẳng khác nào mặc áo lông trắng. Ông Chu hỏi: "Mua được gì thế, bỏ ra đây xem nào!".
Thấy Khang cũng có mặt, Ô toan không nói, nhưng nể ông Chu đành lấy trong bọc ra bốn viên ngọc lam vừa tròn vừa to. Ô ngồi xuống bên chậu than hồng, uống mấy ngụm trà nóng rồi mới kể. Thì ra lúc đến chợ, trời còn chưa tối hẳn, Ô nhìn thấy một bà già rất đẹp lão, tay xách làn mây nhỏ, trên đậy chiếc khăn xanh. Bà già hỏi Ô có mua thứ trong làn mây không rồi mở khăn ra, trong làn là đôi sư tử đen xì. Ô cầm một con lên thấy rất nặng, điêu khắc rất tinh xảo. Khéo nhất là hai con ngươi của sư tử, có thể tháo, lắp được. Ô lấy hai con ngươi xem xét kỹ, lại cầm nốt con kia lên rồi bảo bà già:
- Tôi chỉ mua bốn con ngươi này thôi, không mua hai con sư tử bằng đồng đâu. Bà đòi bao nhiêu?
Bà già đòi hai chục nguyên, Ô trả tám nguyên, bà già chịu bán. Nghe đến đây, tim Khang nhảy lên một cái, vội nói:
- Ồ, đệ có con mắt tinh thật. Ôi, bụng tôi lại đau nữa, tôi phải đi mua mấy gói Ngũ tích tán về uống mới được!
Nói xong, Khang vội vã đi ngay, cả ô che tuyết cũng không kịp mang. Ô Thiên Kỳ cười hơi khó hiểu.
Dù sao, hôm nay anh đã phát tài, có tám nguyên mà mua được bốn viên ngọc lam, bán trao tay rẻ cũng được vài ngàn bạc tây, quả nhiên phát tài được một món! Nghĩ thế rồi Ô lấy hai đồng bạc tây lại quả cho ông Chu. Ông Chu không nhận bảo: "Đêm nay chúng ta ngồi suông thì nhạt nhẽo quá. Tôi kể cho anh nghe câu chuyện về đồ cổ xảy ra đã lâu để khỏi ngồi buồn chờ anh Khang về nhé!".
Rồi ông Chu kể, hồi quân Tăng Quốc Phiên kéo vào Nam Kinh đánh quân Thái Bình Thiên Quốc, quan quân vớ được rất nhiều đồ quý. Sau con cái họ tiêu xài hoang phí, phải đem bán dần đồ quý đó đi. Ông Lưu, chủ hiệu buôn đồ cổ ở Nam Kinh được quản gia phủ họ Mã báo tin là đại thiếu gia phủ này muốn bán tranh treo tường, mời ông Lưu đến trả giá. Ông Lưu tới thư phòng, thấy tranh, chữ tầm thường, riêng tám bức tranh dán che cửa sổ đều là tranh của họa sĩ nổi tiếng, trong đó có một bức của danh họa Lang Thế Minh vẽ cảnh chăn ngựa. ông Lưu trả năm ngàn mua tranh, chữ treo trên tường, sau đó làm ra vẻ hối, xin bớt. Chủ nhà không chịu bớt, ông Lưu bèn xin thêm tám bức tranh dán cửa sổ cho đỡ lỗ vốn. Đem về bồi dán lại rồi mang lên Bắc Kinh, chỉ riêng bức tranh của Lang Thế Minh đã bán được một vạn.
Ô Thiên Kỳ nghe xong rồi há hốc mồm ra. Cái ông Lưu ấy thật tinh ranh như cáo, chỉ mình anh là ngu. Nếu bà già ấy lúc này còn ở chợ, thế nào tay Khang kia cũng mua hai con sư tử. Câu chuyện ông Chu kể mách bảo cho Ô điều đó. Ngay lúc đó Khang Lâm Phúc trở về, tay xách làn đựng hai con sư tử. Đặt làn xuống bên cạnh chậu than, Khang nói: "Cảm tạ ông Chu đã chỉ bảo. Tôi chợt nghĩ ra, yên vàng không khi nào thắng cho ngựa què. Trên đường về, nhờ ánh sáng một cửa hiệu, tôi lấy ống tay áo chùi kỹ một chỗ trên mình sư tử, quả nhiên lóa sáng. Đó là vàng tía, nhấc lên tay thử xem, mỗi con nặng đến cân rưỡi! Chỉ sợ không có chủ nào đủ tiền mua nổi mà thôi.
Ông Chu bảo hai người thương lượng, nên lắp mắt ngọc cho sư tử vàng thì mới bán được giá. Hai người đồng ý chia 1- 4, ông Chu mách mối cho Charlie, Tổng giám đốc công ty dầu lửa nước Anh, và bán được năm vạn. Ô Thiên Kỳ tiếc rẻ vì để Khang xơi ngon bốn vạn bạc.
Hôm sau, Khang cầm tờ ngân phiếu bốn vạn bạc về quê, trong nhà Hội quán chỉ còn lại Ô và ông Chu. Ông Chu giục Ô nên về quê ăn tết, còn Ô tỏ ý ở lại đến rằm tháng giêng mới về vì muốn hưởng cảnh tết ở thành cổ Tương Đàm. Tết Nguyên tiêu tưng bừng ở thành cổ vừa qua đi thì bất chợt vợ Khang Lâm Phúc đến hội quán tìm chồng, nói là chồng mình chưa về nhà. Người trong hội quán đều bảo Khang đã về quê, vợ Khang không sao hỏi được tin chồng đành khóc mếu trở về.
Ô và Chu nán lại ở Hội quán đến mồng hai tháng hai vẫn không thấy Khang đâu. Nhân tiết mừng hoa, hai người rủ nhau vào vườn hạnh xem hoa. Khắp nơi treo cờ, kết hoa, ngựa giấy, xe giấy treo trên đâu cành, hoa hạnh chúm chím mỉm cười, khắp nơi đều là cảnh tượng vui mừng chúc hoa trường thọ. Ông Chu nói: "Nếu anh Khang ở đây lúc này để cùng xem hoa thì thú biết bao!". "Có lẽ anh Khang không bao giờ trở lại nữa. Mang theo tờ ngân phiếu bốn vạn bạc, trên đường về tuy có nhiều thành phố và thị trấn song cũng nhiều nơi hoang vắng, lại chẳng có người đỏ mắt thèm hay sao? Tôi vì tham vui ở lại mà không mất mạng, ông bảo có may không?".
Thật ra Ô Thiên Kỳ nghĩ nhầm: "Ông Chu giúp cho cuộc buôn bán lớn suôn sẻ đến thế mà không chịu nhận một đồng thù lao nào là điều rất lạ; thêm nữa đã nhiều tuổi rồi mà còn kẹp vỡ được hạt đào hồ đào, như thế chẳng phải là khác thường khiến ta phải lưu tâm đề phòng hay sao?". Mấy hôm sau, ông Chu chia tay Ô, nói là đi thăm cháu. Ông Chu đi rồi, Ô Thiên Kỳ mới thở phào.
Ô ngày càng chắc, thật ra ông ta mới chính là người săn lùng của báu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com