Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
6/3/12

Truyện ngắn khuyết danh - Trang Hạ dịch

Truyện ngắn khuyết danh
Trang Hạ dịch

Lời người dịch:
Truyện dài "Đôi vợ chồng sống trong kho chứa đồ" đăng tải lần đầu trên mạng Văn học mạng Trung Quốc vào tháng 4 năm 2006. Ngay sau đó, nó trở thành một tác phẩm văn học mạng kinh điển, tuy nhiên tác giả truyện này chỉ xuất hiện một lần duy nhất trên mạng và gần một năm nay không quay trở lại trả lời hàng nghìn lời nhắn. Thậm chí một nickname gửi hộ truyện này tham gia cuộc thi Văn học mạng Trung Quốc năm nay, truyện này hiện đã vào đến vòng chung kết nhưng tác giả vẫn chưa xuất hiện.
Và cũng không thể tìm ra dấu vết gì trên mạng sau bài viết này.

            Từ ngày đầu tiên dọn tới ở phòng trọ này, tôi đã bắt đầu nghi ngờ căn phòng chứa đồ sát bên phòngtôi bỏ trống không có người. Suốt từ sáng đến tối, bên đó lặng như tờ.
            Tôi không thích cái ghế Sô pha rách trong phòng, cuối cùng một lần đã đòi chủ nhà trọ xem có thể cho tôi vứt cái sô pha vào kho chứa đồ bên cạnh hay không. Chủ nhà liếc mắt hứ một tiếng:
            - Tôi bảo cô bao lần rồi? Cái kho đó cho một cặp vợ chồng làm thuê ở nhờ, có người ở đó chứ!
            Tôi coi như là gặp phải một bà ki bo đặc trưng dân Quảng Đông, thôi thì lần sau sẽ không bao giờ động đến cái loài hẹp hòi nhà bà nữa nhé!
            Hôm đó, tôi đi đổ rác, qua cửa kho chứa đồ, nghe thấy bên trong lào xào, bực mình không chịu được, tôi biết chắc chắn đó chỉ là chuột đang chạy loạn bên trong ị đầy thôi. Tôi cáu kỉnh đá một cái lên cửa, chưa đã bèn đạp mạnh thêm cái nữa.
            Cửa ọt ẹt hé ra, tôi giật thót cả mình. Tôi tưởng mình đã đạp vỡ cửa mất rồi. Đang lúc phấp phỏng, một cô gái ló đầu ra, nói đúng ra thì phải là một phụ nữ hoặc một thiếu phụ, tôi khó mà xác định được tuổi cô ta từ mái tóc buộc đuôi gà rối phồng lên và khuôn mặt còn quá non nớt.
            Cô gái khẽ hỏi: Chị tìm ai?
            Tôi sững người, đứng đờ ra, không biết nên trả lời thế nào.
            Lúc đó, một người con trai nhếch nhác cũng thò đầu ra, hoài nghi hỏi: Chị ở phòng bên cạnh à? Tôi vội sực tỉnh ra ngay, đáp: Vâng, vâng. Người con trai cười hì hì đắc ý: Lần trước đi làm về em đã thấy chị.
            Bầu không khí xung quanh ngưng đọng rất lâu, có một chút ngần ngại. Tôi vội vã nói: Xin lỗi, xin lỗi, làm phiền đến hai bạn rồi. Rồi tôi vội vã cút thẳng về phòng mình. Tôi nghe thấy tiếng họ nhè nhẹ đóng cửa lại, còn nghe thấy tiếng họ lào thào, dường như đang thì thầm với nhau: Có phải chúng mình làm tiếng động hơi to, ảnh hưởng đến hàng xóm rồi à? Thế thì về sau chúng mình phải cẩn thận khẽ khàng hơn nhé! Đại loại là những lời như thế.
            Tôi uống một ngụm nước, im lặng trở lại, tôi mới tin chắc là, trong gian phòng chứa đồ suốt ngày im ỉm tăm tối đó quả thực có hai người đang ở, có lẽ họ chính là đôi vợ chồng làm thuê mà chủ nhà nhắc đến. Tự dưng tôi cười nhạt, lại còn vợ chồng cơ đấy, nhìn thì biết chỉ khoảng 20, chắc trốn nhà đi bụi? Hay là tảo hôn mới cưới? Tôi bất giác cười, tự hài hước nghĩ: Làm thuê cái gì, nhà quê ra tỉnh thì có, nhà quê toàn cưới sớm. Chắc sau này phải gọi đôi này là, thằng cha đấy, con mẹ đấy. Cứ nghĩ ngợi thế, tôi bất giác cười lên thành tiếng.
            Lần đầu tiên tiếp xúc với đôi vợ chồng này là lần tôi quên chìa khoá, không vào nhà được, đành tìm họ mượn dụng cụ, tôi định phá khoá cửa phòng.
            Đó là lần đầu tiên tôi thật sự gõ cửa phòng họ, cũng là lần đầu tiên tôi quá bộ vào cái phòng chứa đồ u ám đấy.
            Cửa mở, đôi vợ chồng họ nhìn thấy tôi dường như có vẻ kinh ngạc vui sướng, vội vã mời tôi vào. Tôi nói lý do sang đây, vợ chồng họ liền quay người đi tìm cái gì giúp. Cửa để mở, bên trong tối mờ mờ, tôi không kìm được liền bước vào một bước. Không biết có cái gì vướng vào chân tôi, tôi cứ tưởng là chuột, sợ hãi kêu lên "ối trời". Một người trong cặp vợ chồng liền bật đèn sáng. Ngọn đèn nhỏ trên trần phát ra thứ ánh sáng hoàng hôn, tôi dám khẳng định loại bóng đèn này không thể quá 10 Wat. Tôi rất nghi ngờ không biết cặp này mua được cái bóng đèn ở chỗ nào, chứ ở cái đô thị phương Nam này tôi thực sự không thể tưởng tượng được lại có chỗ nào bán loại bóng đèn này. Tôi nghĩ không chừng là bọn họ mang từ quê lên đây.
            Tôi nhìn ước lượng căn nhà kho mà tôi từng định vứt mấy thứ tạp nham đồ cũ vào đây. Tôi tính rộng rãi ra, thì cái phòng này cũng chẳng quá 10 mét vuông. Bốn phía không có bất kỳ một cái cửa sổ nào, cửa ra vào là nơi duy nhất có thể thông gió và đi ra đi vào được. Trong phòng có một mùi ẩm mốc, xộc thẳng vào cổ họng, làm người ta phát ớn. Tôi vội vã lùi ra ngoài. Nhưng tôi đã nhìn thấy rõ, trong phòng ngoài một chiếc giường gỗ cá nhân và vài nồi niêu bát đĩa lỏng chỏng dưới đất ra, thật sự không còn chỗ nào có thể đặt chân vào, tôi thật sự bái phục đôi vợ chồng trẻ này làm sao mà có thể sống ở đây được.
            Cuối cùng, đôi vợ chồng tìm được con dao làm bếp của họ, cũng là thứ duy nhất có thể phá khoá được giúp tôi, kỳ cạch bao nhiêu công sức cuối cùng họ cũng giúp được tôi mở cửa. Cửa mở được rồi, tôi lại không hề có ý định mời họ vào nhà. Họ đứng ở cửa, nắm lấy khung cửa, nhón mũi chân, vẻ bẽn lẽn, nhìn ngắm căn phòng của tôi. Người con gái cuối cùng cũng thốt lên một câu: Sao từ trước đến nay chưa được gặp chồng chị? Tôi cau mặt lại bảo: Tôi chưa kết hôn! Người con gái đỏ mặt lên, có vẻ nói hớ mất rồi, bèn cúi đầu, chẳng dám đáp gì. Người con trai ngại ngần nói, thế một mình chị lại ở cái phòng to thế này ư. Tôi chẳng đáp. Cả hai người, hồi lâu chẳng nói năng gì. Không rõ là ai nhìn thấy cái máy tính tôi để trong phòng khách, bèn buột miệng: Ơ kìa, chị có cả máy tính! Tôi hơi ngạc nhiên, lũ làm thuê mà cũng biết máy vi tính cơ à? Tôi bảo, ờ, thế cậu biết lên mạng à? Người chồng gãi gãi da đầu, nói: Hồi chúng em học đại học, có giờ học vi tính, em đã học vài buổi.
            Tôi giật mình toát cả mồ hôi, đại học? Họ mà là sinh viên ư? Thế mà sao trông chả có vẻ gì cả? Trong lòng tôi có cảm giác bị lừa, nên tôi cố ý nói: Thế các bạn đang làm nghề gì? Các bạn tốt nghiệp trường nào đấy? Học khoa gì? Họ mím môi, có một thoáng ngượng ngùng, tôi tưởng thế là các cậu bị lật tẩy rồi, đồ giả dối!
            Đột ngột người con trai cất lời: Chúng em học trường tầm tầm thôi, loại trường dân lập hạng ba ấy mà, em và vợ em vừa học cùng trường vừa là đồng hương, cô ấy học khoa văn, em học khoa Lý. Giờ em làm chân phân phối hàng, cô ấy làm phục vụ ở quán ăn. Tôi bĩu môi, kêu một tiếng, ồ! "Tôi thì tốt nghiệp Cao học ở Đại học **".
            Khi tôi nói xong câu ấy, tôi mới phát hiện, hai người ở cửa đã đi từ lúc nào chả biết.
            Tôi hơi thất vọng, tôi đoán xem liệu họ có nghe thấy tôi đến tên trường Đại học ** nổi tiếng mà ai cũng biết không.
            Mấy năm nay mở rộng tuyển sinh, ra ngõ là gặp sinh viên. Đại học dễ thi vào quá, nhưng kiếm việc thì lại khó khăn hơn nhiều. Sinh viên tốt nghiệp những trường hạng ba, nói thật còn không bằng cửu vạn ngoài đường, sức vóc thì không có, năng lực thì chẳng bằng được ai. Mà học phí của những trường hạng ba đâu có thấp, thậm chí còn đắt hơn những trường đại học danh giá rất nhiều, tôi biết chắc chắn học phí của những trường đó đắt kinh người.
            Nhìn đôi vợ chồng này, xem ra cũng chỉ là con nông dân thôi, ban đầu hẳn họ không hiểu rằng, dù có tiêu sạch cả gia sản, có nắm được mảnh bằng, thì họ cũng chẳng là cái gì trong xã hội này. Mang theo trên lưng cả một gánh nợ lớn, ra đời kiếm việc thì mới nhận ra rằng, sinh viên tốt nghiệp những trường hạng bét thì cũng chỉ cùng tầng lớp với những người làm thuê chưa tốt nghiệp Tiểu học thôi, dựa vào sức lực mà kiếm sống, mệnh còn bạc hơn giấy mỏng, người còn kém hèn hơn cả mệnh.
            Hôm sau, dù trong đáy lòng tôi vẫn lo âu, hai người kia họ biết cách cầm dao phá khoá nhà tôi được như thế, thì liệu có bữa nào lợi dụng tôi đi vắng sẽ quen mui bén mùi tới kiếm chác? Nhưng tôi vẫn thấy dù sao người ta giúp mình thì mình thấy áy náy, bèn mua vài cân trái cây phương Nam đưa cho họ.
            Hai vợ chồng dường như kinh ngạc vì được ban ơn, nói mãi không dám nhận. Tôi bèn bảo họ đây là thói quen người Quảng Châu, được giúp rồi nhất định phải có gì cảm ơn, không lấy là làm tôi mất mặt. Họ nghe rồi mới nơm nớp trân trọng nhận lấy.
            Được một lúc, họ lại đến gõ cửa phòng tôi. Tôi cứ tưởng họ đem quà trả lại, kết quả mở cửa ra câu đầu tiên họ hỏi:
            - Xin hỏi, chỗ trái cây này có thể để được bao lâu?
            Tôi ngạc nhiên nhìn họ, trong bụng hơi bực tức, nghĩ: Chẳng lẽ họ lại bảo là mình mua hoa quả “hết đát” biếu họ à? Tôi đang định cáu, họ nói thêm một câu:
            - Có thể để đến Tết không?
            Tôi sững sờ, họ nói:
            - Tết đến chúng em chả có quà cáp gì mang theo về quê, chỗ trái cây này chắc là rất đắt? Chúng em định cuối năm mang về quê làm quà Tết.
            Tôi dở khóc dở cười, bảo:
            - Quảng Châu trời nóng, làm sao mà để lâu được, vài tuần là thối hỏng hết đấy!
            Họ hơi buồn bã, cảm ơn tôi, rồi về.
            Nhưng rõ ràng tôi nghe thấy người con trai nói với cô gái: Nếu không thì chúng mình tìm cách để dành đến rằm Trung Thu đi, lúc Tết Trung thu có cái ăn cho đỡ thèm.
            Một tháng sau, Âm lịch là 15 tháng 8, cơ quan tôi phát cho mỗi cán bộ một hộp bánh Trung thu, mang bánh về, tôi mở ra ăn thử một cái, cảm thấy không ngon lắm, định mang vứt đi.
            Lúc đi qua gian nhà kho, tôi đổi ý, tôi nghĩ mang vứt đi thì phí quá, họ thì tội nghiệp như thế, thôi thà mang cho họ ăn Rằm còn hơn.
            Thấy cánh cửa khép hờ, tôi không gõ cửa, cứ thể đẩy thẳng cửa vào, ngọn đèn vàng vọt đang thắp trên trần, hai người ngồi xổm trên đất, người con trai đang cẩn thận cắt nhỏ một cái bánh Trung thu bé xíu, đúng lúc định đưa miếng bánh hơi to một tí cho vợ ăn, nhìn thấy tôi đứng giữa cửa phòng, cậu ta luống cuống chẳng biết làm gì, không nói được câu nào. Người con gái đang cúi đầu gặm một miếng trái cây rõ ràng trông đã có vẻ bị thối, ăn rất ngon lành, tôi nhìn thấy cô không gọt vỏ, lựu và thanh long mà ăn cả vỏ.
            Người con trai đờ ra mất năm giây, rồi cuống quýt mang cái miếng bánh cắt hơi to một tí ấy mời tôi ăn, tôi nói tôi không ăn bánh Trung Thu đâu, rồi tôi nói vì sao tôi sang đây. Tôi đặt hộp bánh xuống cửa rồi chuẩn bị đi ra. Cô gái gọi tôi lại:
            - Chị, em chẳng biết nói thế nào hơn, chị xem, trái cây chúng em ăn cũng là chị cho, chị còn mang bánh Trung thu đến cho chúng em nữa, em không biết làm gì để báo đáp chị, thực ra hôm nay chồng em được công ty phát một chiếc bánh dẻo, chúng em bàn nhau là mang đi biếu chị, nhưng biếu có một cái thì chẳng bõ bèn gì, nên vợ chồng em ngượng, chúng em cũng không có quà gì quý nữa, nếu mà chị có việc gì cần giúp, chúng em sẽ sẵn sàng ngay!

            Lúc đó tôi mới biết, cái bánh Trung thu kia là cậu chồng được công ty phát, tôi cũng lúc đó mới biết, trái cây cô vợ ăn là của tôi tặng tháng trước. Tôi vốn định bảo: Ăn thanh long thì phải bỏ vỏ đi. Nhưng tôi nhịn không nói, tôi ra về.
            Cuối tuần, cô gái sát vách tới gõ cửa, hỏi tôi có việc gì mà họ có thể giúp không, tôi cười bảo không. Cô nhanh mắt nhìn thấy trên sô pha nhà tôi chất một đống quần áo bẩn, nằng nặc đòi giặt giúp, tôi nói tôi có máy giặt rồi, chờ tí nữa đem vứt vào máy giặt là xong, không cần phải nhọc sức. Cô ngần ngại đứng ở đó, có vẻ như áy náy, không biết nên làm gì.
            Lần đầu tiên tôi rất nhiệt tình mời cô vào nhà, ngồi xuống. Cô bỏ giầy, chân trần bước vào nhà. Rón rón rén rén như thể sợ làm bẩn sàn nhà tôi, không dám dẫm cả bàn chân xuống. Cô không biết chứ thực ra tôi đã hơn tuần nay có lau nhà đâu.
            Cô nói cho tôi biết, hôm nay cô xin nghỉ ca, vốn định giúp tôi làm việc nhà, nhưng không ngờ chẳng giúp được gì. Cô có vẻ rất xấu hổ, cứ lí nhí trảlời tôi. Cô ngồi ở nhà tôi nửa tiếng, kể cho tôi hoàn cảnh của hai vợ chồng, khi nói những điều đó giọng cô vô cùng dịu dàng, dường như khi kể câu chuyện, cô không để tôi thấy những oán trách và khổ cực của cô.
            Cốc nước tinh khiết tôi rót cho cô, cô cứ cầm mãi trong lòng tay, lúc sắp về, cô nhìn tôi, tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý, cô liền mang về cả cái cốc nhựa mỏng dùng một lần chứa đầy nước tinh khiết ấy. Tôi đoán, cô sẽ để dành cho chồng về uống.
            Từ hôm đó tôi mới biết, chuyện hai người đó thế này:
            Cả hai đều con nhà nông dân, bố mẹ là nông dân chính gốc suốt đời bám một mẫu ba đất ruộng, thu nhập cả năm của gia đình chưa bao giờ vượt quá 2.000 tệ ( tương đương 4 triệu VND), họ lại thi đậu vào một trường đại học dân lập loại xoàng, học phí mỗi năm bằng bố mẹ không ăn không uống để dành 5 năm. Học không giỏi, không muốn học đại học, nhưng bố mẹ không chịu, nói đây là cơ hội duy nhất để thay đổi số phận nông dân của con, rồi quỳ xuống xin con đi học. Lên đây học rồi, thì không có tiền nộp học phí, may còn được vay nợ ngân hàng trả chậm, khó khăn lắm mới vay được nhờ bảng thành tích học tập khá giỏi. Nhưng khi tốt nghiệp đại học, chỉ vì chưa trả hết nợ ngân hàng nên bị giữ tấm bằng tốt nghiệp lại. Suốt bốn năm đại học sống vất vả dựa vào nguồn tiền vay hỗ trợ học tập, đến giờ, tất cả những công sức bỏ ra không đổi lại được mảnh bằng tốt nghiệp kia. Vì thế họ chỉ còn cách ra đường làm thuê kiếm tiền, nhặt nhạnh gom góp để mong đủ để chuộc lại tấm bằng đại học.
            Họ thuê căn phòng rẻ tiền nhất thành phố, ăn những bữa cơm rau rẻ tiền nhất thành phố, sống một cuộc sống cơ cực nghèo khổ nhất thành phố, nhưng một năm vỏn vẹn chỉ góp lại không đủ một vạn tệ. Cứ thế này, thì trả hết nợ của cả hai vợ chồng còn phải mất 8 năm nữa.
            Tôi không biết 8 năm có ý nghĩa thế nào với tuổi thanh xuân của một con người, cũng không biết sau 8 năm liệu họ có quyền chuộc lại tấm bằng đại học không. Nhưng tôi biết sống như thế này tiếp 8 năm, thì không phải bất kỳ người nào cũng có thể cầm cự được!
            Hôm đó, khi tôi về phòng, hơi muộn, ngọn đèn hành lang toà nhà đã được bật lên, khi đi qua cửa gian chứa đồ sát phòng tôi, nhìn thấy họ đang mở cửa, trong phòng vẫn tối âm u như cũ, người con trai ngồi xổm ở cửa ăn mì sợi, và từng miếng to từng miếng to, say sưa ăn ngon lành. Tôi hỏi một câu:
            - Đèn hỏng rồi à?
            Ban đầu, cậu hơi ngần ngừ một chút, rồi cười ngượng ngùng:
            - Không, tiết kiệm điện, vì đèn cầu thang cũng sáng lắm, mở cửa, trong nhà cũng đủ sáng lắm rồi.
            Tôi cười. Tôi giờ mới biết, chả trách nhà họ suốt ngày chẳng bao giờ bật đèn.
            Đêm đó, cửa phòng họ cứ mở toang đến tận khuya. Tôi ngồi ở phòng khách nghe được tiếng họ thì thầm lúc được lúc mất.
            Đầu tiên họ nói chuyện một lúc, tháng này đã tiêu bao nhiêu tiền, đại loại xà phòng dùng hơi nhanh hết, vừa rồi sinh nhật anh đáng lẽ chúng mình không nên mua 1kg thịt, về sau này nước rửa rau mình có thể rửa mặt, nước rửa mặt mình có thể tắm, rửa chân tay, nước rửa chân mình có thể dùng giặt tất, nước giặt tất mình có thể dùng để dội hố xí… v.v…đại loại là những chuyện như vậy.
            Họ vừa tự ngồi trách mình đã tiêu quá nhiều tiền, vừa không nén được ngồi nghĩ tới một tương lai tươi đẹp.
            Họ tưởng tượng, trong một tương lai nào đó gần thôi, có thể là khi đã trả hết nợ, họ có thể đẻ một đứa con, thậm chí có thể tương lai nào đó, họ sẽ dành dụm tiền để mua một căn phòng.
            Nghe những tiếng thì thầm vui sướng của họ, tôi mãi vẫn không thể nào chợp mắt.
            Nửa đêm, tôi nghe thấy tiếng người con trai kêu đau bụng, dường như có vẻ đau rất kinh khủng, “ái chà, ái chà” cứ thế kêu. Người con gái cuống lên, hỏi anh làm sao đấy? Người con trai nói hình như là tối nay anh ăn no quá, chướng bụng. Cô gái vội kêu, anh mau ra nhà xí đi ngoài thôi.
            Người con trai chần chừ rất lâu, dường như không muốn đi, hồi lâu, tôi nghe người con trai nói: Anh không muốn đi ngoài, chúng mình tiết kiệm nước dội nhà xí vẫn không đủ đâu, thế là tháng này tiền nước lại trội lên thôi. Mà còn nữa, nếu đi ngoài xong, bụng rỗng rồi, thì đêm nay dễ đói lắm!
            Nghe đến đây, đầu óc tôi choáng váng, trống rỗng, trái tim tôi bị thụi một cái đau buốt, câu nói đó trở thành ác mộng suốt đêm của tôi: Đi ngoài hết rồi, anh sợ đói! Nghe câu nói đó, trái tim tôi đau buốt. Tôi nhớ đến ông nội tôi.
            Ông nội tôi sống khổ cực trong xã hội cũ, cái thời ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, quanh năm trẻ con vàng mắt ra đợi Tết, vì Tết được ăn một bữa cơm no!
            Vì thế, mỗi năm vào ngày Tất niên, trẻ con đứa nào cũng ăn no, cái bụng nhỏ tròn căng, bụng có chướng đến thế nào cũng dứt khoát không chịu đi ngoài. Bởi vì, đi ngoài hết, bụng trống rỗng rồi, sẽ dễ cảm thấy cơn đói, nhưng Tết qua rồi, không còn cơ hội được ăn một bữa no nữa! Vì thế đứa trẻ nào cũng nhịn, cũng nín, bởi vì những năm tháng đó, nghèo, người người sợ đói, trẻ con càng sợ đói!
            Nhưng giờ đã là thế kỷ 21, những năm phát tài no đủ, anh lại nghe thấy từ miệng một sinh viên tốt nghiệp đại học cái câu nói đó, anh sẽ có cảm giác gì? Cảm động? Đau khổ? Hay là chua xót? Hay là thương hại nhưng chẳng làm gì được?
            Hay là tất cả mọi cảm xúc đó? Hay là chẳng có cảm xúc nào?
            Tôi không có thời gian để quan tâm đến nỗi lòng một kẻ hèn kém, vì xã hội nó đã như vậy, tôi cũng lực bất tòng tâm thôi. Cái duy nhất tôi có thể biểu lộ, ngoài ái ngại ra thì cũng chỉ có ái ngại.
            Tôi cũng từng khinh bỉ họ, thậm chí còn nhục mạ họ từ trong đáy lòng tôi: Đáng kiếp mày! Ai bảo mày không đủ tài thi vào một trường đại học danh tiếng nhất cơ! Không có tiền thì học đại học cái *** ấy, mình làm thì mình chịu chứ trách ai!
            Nhưng tôi cũng không thể không thừa nhận rằng, một đứa trẻ từ miền sơn cước, nông thôn nghèo khó, không thể chỉ dựa vào trí thông minh mà có thể với tới cánh cổng trường đại học danh tiếng; Nó đòi phải có năng lực và thực lực; Thực lực đến từ một nền giáo dục tốt toàn vẹn, những thầy giáo ưu tú, và còn rất nhiều rất nhiều, như tiền chất thành núi để vào những lớp luyện thi tốt, như một nền giáo dục đa chiều và toàn diện mà chỉ những đứa trẻ thành phố mới được hưởng, như phải có những ông bố bà mẹ có quyền có chức hiểu biết v.v…
            Hai bạn trẻ này đều không có, họ chỉ là những đứa con nông dân, họ không có tư cách cũng như quyền lợi để có, không ai mua sách tham khảo, tài liệu học tập cho họ, cũng không có những thầy cô giáo ưu tú.
            Hai bạn trẻ này đều không có, họ chỉ là những đứa con nông dân, họ không có tư cách cũng như quyền lợi để có, không ai mua sách tham khảo, tài liệu học tập cho họ, cũng không có những thầy cô giáo ưu tú cầm tay chỉ dạ, họ chưa từng được nhìn thấy đàn Dương cầm, họ chưa được thấy máy vi tính. Thậm chí ngoài Bí thư chi bộ thôn, họ chưa từng quen bất kỳ một công chức cán bộ nào.
            Họ từ sáng đến tối chỉ biết đọc mỗi sách giáo khoa, chỉ biết học cật lực, chỉ biết rằng thi đỗ được đại học mới có thể thay đổi được số phận họ.
            Nghe họ ngọng nghịu nói tiếng Anh, trúc trắc tiếng Hoa phổ thông, quần áo hơi nhếch nhác, toàn đồ lỗi thời sờn vai, chúng ta vẫn thường không nén được tiếng cười.
            Chúng ta thích thú đàm tiếu sau lưng những người ấy, thích mỉm miệng giả cười như kiểu thiếu nữ để trêu chọc sự ngốc nghếch của họ, thậm chí chúng ta thích cố tình hỏi họ có đi ăn Mc’Donald với ta không, chúng ta quen nhìn thấy họ phải ngần ngại, quen thấy họ bơ vơ, quen với việc những người nhà quê thua thiệt ấy mất nhiều được ít.
            Khi chúng ta có quá nhiều những thói quen như thế, chúng ta sẽ bắt đầu không để ý xem họ có đói không, lúc chúng ta lãng phí thức ăn thì họ còn nghĩ thầm đâu đó: Không dám đi nhà xí, sợ đi ngoài hết rồi, đói!
            “Một con người có thể đem đi so đọ với một con người không? Không thể so đọ! Một đứa trẻ nông thôn thì nên so sánh cái gì với một đứa trẻ thành phố? Mà không cần so sánh!” Đó là một câu ngày xưa một người bạn tôi hay nói, ngày đó tôi chỉ thấy ngộ nghĩnh, giờ nhớ lại, thấy trong lòng chỉ còn chua chát khó chịu.
            Con người thực sự phân đẳng cấp ư? Ai phân chia? Phải chính là bạn không?
            An ninh ở Quảng Châu càng ngày càng tồi tệ, trọ trong những phòng trọ thế này, thật sự là có vẻ khá liều lĩnh. Tuy nhiên trước mắt tôi không tìm ra nơi nào thích hợp hơn để chuyển đi, đành chấp nhận tạm.
            Chung cư này có mười mấy bà chủ có phòng cho thuê, họ ngày ngày vây quanh bàn mạt chược chầu chực, vả lại có bị trộm cắp gì thì cũng chả phải đồ nhà họ. Cuối cùng, dưới sự đòi hỏi của vài khách trọ chúng tôi, chung cư đành thuê thêm một bảo vệ.
            Lúc tôi tan giờ làm về, thấy dưới nhà đang ồn ào xôn xao, hoá ra bảo vệ bắt được một đứa nghi là trộm. Tôi hiếu kỳ dòm vào, nào phải ai xa lạ đâu, chính là anh chồng dáng vẻ yếm thế trọ bên cạnh phòng tôi. Anh ta đang cúi gằm, cố gắng phân bua: Tôi không phải là kẻ trộm, tôi sống ở đây mà.
            Nhưng không ai tin anh ta, vì khi bảo vệ hỏi trú ở tầng nào, phòng số mấy, anh ta chỉ nói được là ở tầng 6, mà chẳng nói được số phòng. Kho xép chứa đồ làm gì có số phòng!
            Anh ta như một đứa trẻ sợ sệt, mắt hoang mang nhìn khắp mọi người chung quanh, nghe những lời xì xào tiếng Quảng Đông đặc sịt giọng, anh ta cố gắng giải thích như thể kẻ tội đồ giãy giụa lần cuối.
            Tôi định bước qua, anh ta đã nhìn thấy tôi, mắt tràn ngập hy vọng, con ngươi đựng lệ, như ánh lên một thứ cảm kích. Tôi ngẩng cao đầu với ánh nhìn luôn thẳng và xa, phát hiện toàn bộ đám đông đang quay nhìn tôi chằm chằm.
            Tôi do dự, lập tức đứng lại trên đôi giày cao gót đế 8 phân. Tôi khẽ liếc xuống bộ đầm hồng của mình, mặt thoáng qua một vẻ hãi hãi và sợ sợ mà người khác khó phát giác thấy. Tôi định quay đầu đi thẳng về cầu thang, giả như không thấy gì hết. Nhưng không sao nhấc nổi chân lên, tôi chết đứng ở đó nửa giây.
            Tôi cố gắng thấp giọng, lịch sự từ tốn nói: Sao cậu toàn để quên chìa khoá thế nhỉ? Chắc lại vứt đâu rồi chứ gì? Bực mình cậu quá!
            Bảo vệ buông anh ta ra, tôi mỉm cười bảo: Anh này là họ hàng xa của tôi. Xin lỗi bác nhé, phiền bác quá.
            Tôi quay đầu, dẫm gót giầy nhọn lên gác, cầu thang buông lại những tiếng lọc cọc.
            Khi cô vợ quay về, cô cứ đứng mãi trước cửa nhà tôi, cách một cánh cửa và luôn mồm nói: Cảm ơn chị. Tôi không đáp trả. Một lúc sau, dường như cô ta về rồi, tôi mở cửa, bỗng thấy hai vợ chồng vẫn đứng trước cửa, tay nâng một vốc to lạc và táo.
            Tôi nhìn họ, không mở cửa, họ cũng không dám nói là cho tôi. Chỉ một mực giải thích: Lúc chiều, anh chồng định nhặt mấy vỏ chai nước dưới tầng, nếu biết trước là không được nhặt, anh bảo anh hẳn sẽ không xuống nhặt rồi.
            Tôi vốn định ngắt lời cô vợ, bảo họ: Không phải là người ta không cho nhặt, mà bởi trông các bạn không giống vẻ người sống ở nhà này. Nhưng tôi nén được, nghe họ nói tiếp.
Họ bắt đầu cúi gằm, nhỏ nhẹ bảo: Họ cũng biết thói quen ở đây, ai giúp gì thì nhất định phải cảm tạ, nhưng họ chả có gì trong tay, đây là ít đặc sản ở nhà gửi lên, đều là nhà trồng được, chưa hề bón phân hoá học, xin tôi cứ yên tâm ăn.
            Tôi mở cửa, lấy một tờ giấy, bảo họ để các thứ lên trang A6 trắng tinh đấy.
            Chỗ lạ và táo nhỏ đấy tôi không ăn, tôi cứ để đó, nhìn ngắm. Chúng trơn nhẵn, ánh bóng lên, có vẻ mong mỏi, to đều. No căng.
            Chủ nhà trọ rốt cuộc đã mò lên, rất thẳng thừng nói ngay câu đầu tiên: Nhà cô có thêm người mới đến à? Tôi thừ ra một lúc lâu, mới nhớ ra, có lẽ ông cảnh vệ mách ông ta.
            Tôi kể toàn bộ sự tình cho chủ nhà, đồng thời hỏi chủ nhà có thể treo thêm biển số phòng cho phòng bên đó không, chủ nhà miễn cưỡng bảo “Ừ” rồi đi xuống.
            Hôm sau, tôi thấy đúng là trên phòng bên đã dán thêm tờ giấy lên cửa, viết: “Phòng cất dụng cụ vệ sinh”.
            Được vài ngày, lũ bạn thân hồi đại học và thằng người yêu mới tìm xuống Quảng Châu chơi, tôi bị bắt phải nghỉ một ngày phép đón chúng nó.
            Chọn đại một quán định mời chúng ăn đồ ăn Quảng Châu, nhưng bạn tôi chê đồ ăn Quảng Châu nhạt nhẽo, chỉ ăn mấy miếng bèn gọi nhau đi, rồi sang quán bán đồ ăn Hồ Nam, mới vừa miệng chúng nó. Ăn xong, chả có việc gì, lại không dám xách túi dạo phố, chúng tôi tìm quán Karaoke Party World, hát đến nửa chừng, lại ngẫu hứng nhảy sang quán Karaoke Triều Ca, đổi đi đổi lại, hát không mấy bài, lại mất thời gian.
            Tối về nhà, đã rất muộn. Nhưng tôi thấy phòng bên đèn vẫn sáng, trong phòng còn vọng ra tiếng thút thít.
            Tôi kệ âm thanh đó, mở cửa, cho đám bạn vào. Bạn tôi vào phòng liền bật máy tính, mở nhạc bài “Không sợ không sợ” rất to, chấn động cả tầng lầu.
            Dưới nhà cuối cùng cũng không chịu nổi nữa. Lên gõ cửa, bảo lũ chúng tôi khẽ đi. Tôi tắt nhạc, ngồi tám về đôi vợ chồng phòng bên. Lũ bạn cứ tưởng tôi đang kể chuyện, vừa bảo nhảm, vừa tìm thuốc châm hút. Tôi ghét nhất là mùi thuốc lá, vì khói thuốc làm chảy nước mắt. Tôi đuổi bạn khỏi cửa, bảo nó ra ngoài hút đã đi rồi vào.
            Khoảng nửa điếu thuốc cháy, bạn tôi cuống quýt gõ cửa, hào hứng gọi tên anh người yêu, bảo ra đây mau lên nghe ca kịch.
            Hai đứa họ ra ngoài, rồi im ắng như tờ. Rất lâu mới trở lại.
            Bạn tôi quay vào liền tới ghé tai tôi: Mày đừng giả vờ nữa, có phải buổi tối không có việc gì làm, mày toàn sang phòng bên nghe nhạc chứ gì? Tôi còn không kịp định thần, họ đã cười phá lên. Bọn này cứ thế thôi, bực mình lắm chuyện quá.
            Sau tôi biết, hoá ra bọn họ ra ngoài ngóng động tĩnh phòng bên. Nhưng động tĩnh gì thì tôi không hỏi, nhưng tôi nghĩ, có lẽ là gì đó có liên quan đến màu sắc.
            Đêm không ngủ được tôi cầm cuốn “Lolita” xem đôi trang, rồi bắt đầu lơ mơ. Khi mơ mơ hồ hồ vào giấc ngủ, tôi hình như nghe tiếng động phòng bên, tiếng nhỏ nhưng mê ly.
            Bạn tôi ở không đến ba ngày, tôi đã bắt đầu thấy chán, tôi thấy sự yên tĩnh trước đây bị phá vỡ, mà một cô gái độc thân thấy một đôi tình nhân cứ lượn qua trước mắt thân mật, dễ trúng gió mất thôi!
            Tiễn bạn đi, tôi bắt đầu trở nên khó tính, tôi thường cố ý đóng cửa thật mạnh, cố ý đóng mở cửa sắt thật nhiều, cố ý để mọi người biết tôi đang bực, cố ý để bất cứ ai cũng biết tôi đang cau có.
            Đôi vợ chồng trẻ phòng bên mỗi lần gặp tôi vẫn cười, có chút ngượng ngùng bẽn lẽn. Anh chồng trên máy tóc rối bù có dầu vẫn dính ít gàu trên đuôi tóc, đuôi tóc tết của cô vợ vẫn bùng lên đằng sau như cũ, như lá thu bay tơi tả.
            Nhưng tôi thấy họ, tôi không cười, cũng không còn nghiêm mặt như xưa, tôi chỉ lạnh lùng gật đầu, dùng gót giày mình gõ mạnh lên nền, nhanh chóng đi qua họ. Mỗi lần cúi xuống, nhìn đôi giầy gót cao 8cm của mình, tôi mới hoảng hốt thấy, thực ra nếu không có đôi giầy này, dường như tôi cũng chẳng cao!
            Rồi sau đó là một chuỗi những mất mát và u uất triền miên! Tôi đoán, chỗ quà kia hẳn họ từng tỉ mỉ lựa ra. Hẳn phải một bao tải mới chọn được từng đó táo và lạc.
Nghĩ đến đây, tôi bật cười. Chẳng mấy chốc tôi lại hối hận, mình đáng lẽ không nên cười họ!
            Có những ngày thế này, cánh cửa đó khép im ỉm, trong phòng đó không có ánh đèn, tôi úp mặt vào khe cửa dòm, không nhìn thấy bên trong có bất cứ thứ đồ gì. Có mấy lần, tôi thậm chí dán tai nghe, chẳng hề có chút động tĩnh. Tôi bắt đầu lo sợ, lo ngại họ đã lẳng lặng dọn đi rồi.
Thậm chí tôi bắt đầu oán trách, vì sao khi đi chẳng chào hỏi gì. Tôi không biết làm sao, loanh quanh ra vào phòng mình, vầy vò cái gối, mạnh tay gõ vào bàn phím, viết những blog sắc nhọn, dùng ánh mắt miệt thị dòm xung quanh.             Tôi phát hiện đã lâu tôi không còn xúc động, thậm chí có lẽ nói bao năm nay tôi không hề bồn chồn thế này rồi. Bỗng dưng tôi thấy đau buồn. Như thể mất đi thứ gì quý báu, như thể ai cướp mất một cảm xúc của tôi. Tôi bắt đầu nguyền rủa, bắt đầu lăng mạ, bắt đầu chán ghét cái thế giới này.
            Hàng ngày tôi đều đứng dựa cửa, hy vọng đột ngột có người ra trước mặt tôi cười, và không kìm được tôi lại ngó cánh cửa đó, hy vọng chút ánh sáng vàng vọt nào hắt ra nhè nhẹ. Nhưng suốt mấy ngày, chả có gì.    Rốt cuộc, tôi phải chạy đi tìm bà chủ nhà hơi lắm chuyện kia. Tôi nói tôi cần thuê gian phòng chứa đồ. Bà chủ nhà lạ lẫm nhìn tôi: Cô định ở đó sao? Tôi nhíu mày, bảo: Tôi cần đặt sô pha vào đó. Bà chủ nhà dường như hơi gây khó dễ: Thế cô định lúc nào thuê? Tôi ngạc nhiên: Chả lẽ vẫn còn người ở trong đó sao? Không phải đã để không rồi sao? Chủ nhà nói: Cặp thợ thuyền kia tháng sau hết hạn thuê nhà.
            Tôi bỗng nhiên có một niềm vui lạ lùng, hoá ra họ vẫn chưa dọn đi? Tôi lắp bắp nói: Thế thì tháng sau nhé!
            Chờ khi tôi đi qua cánh cửa đó một lần nữa, tôi thấy vui mừng, vì tôi dường như thấy trong phòng có tiếng bát đũa chạm nhau lách cách, bởi dường như tôi có thể nghe thấy tiếng họ đang khe khẽ thủ thỉ. Hôm đó, tôi ngủ sớm, thực ra tôi không buồn ngủ. Nhưng tôi vẫn đi nằm sớm, tôi mở mắt nhìn lên trần nhà, nghĩ liệu có một lần sẽ có người đến gõ cửa phòng tôi.
Một chuỗi tiếng mở cửa làm tôi giật mình, cho dù tiếng mở cửa chỉ nhỏ như thể tiếng muỗi vo ve, nhưng suốt mấy ngày nay tôi đã luyện được một đôi tai thính. Tôi nhảy phóc từ giường xuống đất, chạy ra.
            Cô vợ thấy tôi mở cửa lạch xạch, sợ hãi đứng yên một chỗ. Tôi ngại quá, vội vàng che giấu sự mừng vui của mình: Đã về rồi à? Sao mấy hôm rồi đi vắng? Về quê à? Cô gái nhìn tôi một hồi, lắp ba lắp bắp nói: Còn chưa ngủ ư, chị. Không, không, không về quê. Mấy hôm nay có chuyện.
            Lần đầu tiên cô nói với tôi mà không cười, cũng là lần đầu tiên cô nói dài, rồi bước vào gian phòng cất đồ mà mấy hôm nay tôi vẫn quan sát chặt.
            Tôi lặng đi ở đó, rất lâu, rất lâu, tôi mới sực tỉnh. Tôi tự nhiên muốn khóc, có chút gì như tủi thân, như đã bỏ ra nhiều nhiệt tình nhưng bị lạnh nhạt tới mức đau lòng. Nhưng tôi không khóc, cũng không rơi lệ, tôi chỉ đóng cửa lại, bật máy tính, bắt đầu lên mạng ngao du khắp nơi.
            Tối đó, tôi nghe thấy một mình cô ta bận rộn đến khuya, linh tinh lang tang nghe như tiếng làm cơm hay thu xếp đồ đạc.
            Nghe những âm thanh của một người vọng sang từ phòng bên, tôi tự nhiên lạ lẫm, nghĩ, thế còn người con trai đâu?
            Tôi bỗng cô đơn, cảm thấy nỗi cô quạnh đến đáng sợ, nhất là những âm thanh đơn điệu vọng từ vách sang, làm tôi cảm thấy vô cùng rõ sự lạnh lẽo của mình.
Tôi tự nhiên hiểu ra: Thì ra một mình là nỗi thê lương, hoang lạnh đến buồn bã thế. Tôi quấn chặt áo ngủ, nhưng vẫn không cách nào kháng cự lại được cảm giác cô quạnh lúc nửa đêm.
            Cô ta dường như có vẻ khá ngần ngại, đứng rất lâu ngoài cửa, không gõ cửa, cũng không định bỏ đi, cứ cúi đầu, như suy nghĩ xem nên mở cửa thế nào.
            Thật ra với những lời lẽ giản đơn hôm qua, trong thành phố phương Nam lạnh nhạt này, chả là gì, khách sáo là thứ xa xỉ, đãi bôi là thái độ đương nhiên của mỗi người với mọi người. Nhưng tôi lại nhìn thấy, họ hoàn toàn không thể thích nghi nổi nơi đường lạ người với người nhạt nhẽo. Có lẽ, cô cho rằng, nơi đây vẫn giống quê nhà. Nhưng, cô chất phác quá, làm sao có thể tưởng tượng được nơi đất khách tha hương này người với người chả có gì tình nghĩa để nói.
            Tôi chủ động mở cửa, đi ra, nhìn cô, chờ cô hỏi trước.
            Cô vợ nghe tiếng mở cửa, chợt ngẩng đầu, mắt hơi ngạc nhiên, có vẻ mừng rỡ. Cô cười nhưng rõ ràng tôi thấy mắt cô đỏ hoe, sưng lên, như vừa khóc.
            Cô hơi gật đầu: Xin lỗi chị, bình thường chị vẫn quan tâm tới chúng em, hôm qua em hơi mệt mỏi, có gì không phải với chị, chị đừng để ý nhé. Giờ em còn có việc, phải đi bây giờ, nếu không có gì thì em đi đây.
            Cô quay người, tôi giữ cô lại. Lần đầu tiên tôi hỏi cô thân mật như bạn bè: Có việc gì vậy?
            Cô chững người lại, nước mắt liền rơi xuống thành dòng, rơi lã chã, tất thảy mọi ức chế, tủi thân, và nỗi khổ sở trong đáy lòng đã theo nước mắt rơi xuống. Tôi không ngờ cô gục vào vai tôi, khóc lên thành tiếng. Tôi nhẹ nhàng ôm lấy cô, nghĩ thế này biết đâu chia sẻ được với cô chút đau khổ nào chăng.
            Cô lắp bắp kể lại, tôi mới biết, anh chồng giờ đang nằm trong bệnh viện.
            Anh chồng vốn làm nghề đưa hàng, nhưng vì tính tình chậm chạp, không khéo mồm, thành ra doanh số cứ lẹt đẹt, đành phải bỏ việc, tìm việc cần sức vóc để làm tạm. Nhưng anh chồng vốn chẳng khoẻ gì, lại ăn uống kham khổ, ngày nào làm cũng mệt nhọc, hôm đó đi làm, không may bị gạch rơi xuống vỡ đầu, phải đưa đi nằm viện rồi. Đáng lẽ tưởng đây là tai nạn lao động thì chủ phải lo cho tiền thuốc thang, ngờ đâu chủ mặc kệ, lại sai thải anh chồng ngay. Dành dụm được bao tiền giờ đã tiêu hết, cô chỉ còn nước quay về nhà dọn dẹp, rồi đi đón chồng về nhà nằm.
            Tôi lấy tấm thẻ tín dụng ra, định rút ít tiền cho cô dùng tạm, cô sống chết từ chối, cứ thế chạy xuống lầu đi mất.
            Buổi chiều, hai vợ chồng quay về, trên đầu anh chồng quấn tấm băng trắng, dáng vẻ yếu ớt, nhìn thấy tôi còn cố mỉm cười. Nhìn dáng anh ta gầy gò bé nhỏ, tôi cảm thấy anh chồng nhìn không có vẻ hèn kém, dù hơi bé nhỏ, nhưng có ý chí; cho dù nhút nhát, nhưng vẫn kiên cường. Tôi cười đáp lại anh, lần này, tôi cười thật lòng, chân thành.
            Hôm ấy, cả một ngày, tâm trạng tôi rất vui vẻ. Đó là ngày tôi vui nhất kể từ khi đến thành phố này, lần đầu tiên được cười chân thật, lần đầu tiên để ý chính mình cười có thật lòng không.
            Hôm đó, tôi nhìn thấy cái mặt nạ của tôi rơi xuống, trần trụi rơi trước mặt tôi, lộ ra tiếng thở dài não nuột, những giằng xé vô vọng, kêu gào không hơi.
            Và tôi, đã nhẹ nhõm cầm bật lửa, đốt nó đi.
            Tôi dè dặt gõ cửa phòng họ, cô vợ đi làm vắng rồi, anh chồng liêu xiêu tựa vào cửa, nhìn tôi cười ngờ nghệch, không biết làm thế nào để mời tôi vào nhà.
            Tôi không hề định bước vào, mà cứ đứng ngoài, như thể tán gẫu, như thể nói với người thân bạn bè: Chỗ anh làm là cơ quan nào? Vì sao anh bị thương trong giờ làm nhưng lại không chịu gánh chi phí y tế cho anh? Họ có lý do gì sa thải anh? Theo Luật Lao Động thì anh có quyền… Tôi còn chưa nói xong, anh chồng đã cười ngộc nghệch, chen vào: Em biết, em cũng đã học đại học, em biết luật, nhưng không ích gì đâu! Luật Lao Động có lẽ chỉ bảo vệ được những viên chức như chị thôi, chứ với thợ thuyền bọn em, thì chả có tác dụng gì đâu! Lấy gì để bảo đảm đây? Ai bảo đảm cho? Tìm ai để khiếu nại đây? Cơ quan này tổ chức kia em đều đi cả rồi, nói rách mép ra, có ai thèm để ý đâu! Về chỗ chủ, bọn tay chân của chủ nó không đánh thêm cho thành què quặt ra đã là may rồi, hơn nữa, có cố đấm ăn xôi, thì rồi cũng vẫn phải móc tiền túi ra trả thuốc men, chả bõ bèn gì. Thôi vậy, em chịu thế này vậy, ai bảo chúng em không có địa vị trong xã hội này cơ!
            Nghe anh ta than thân, nghe những lời ấy, tôi như cảm thấy những ấu trĩ của mình, xã hội tàn nhẫn, cuộc đời cũng tàn nhẫn. Mắt tôi hiện lên những tin thợ thuyền hàng năm phản đối đòi tiền lương bị chủ đánh đập, làm cật lực bị nợ lương, bị tai nạn không ai ngó ngàng đăng đầy rẫy trên báo. Tôi hiểu ra, xã hội này vốn thế, anh bắt những kẻ yếm thế đi đòi công bằng, anh để những kẻ ở dưới đáy cùng của xã hội lấy gì để bảo vệ quyền lợi của chính mình?
            Tôi không nói gì nữa, tôi thấy lời nói là thứ hụt hơi yếu đuối, tôi cảm thấy ngôn từ nghèo nàn, tôi cũng thấy những bất bình của tôi mới non nớt bốc đồng sao.
            Tôi thở dài bất lực, lẩm bẩm như mơ: Xã hội ngoài kia bất nhẫn quá, khó khăn quá, hay là quay về đi, chứ chịu đựng và khốn khổ thế này, chi bằng quay về quê, tuy nghèo khổ nhưng được trân trọng.
            Anh chồng vẫn cười, cười méo mó. Anh ta ngẩng đầu, nhìn ra nơi xa, như tự nói: Về ư? Về làm sao được? Học phí nợ còn chưa trả nổi, nhà nước thì sao? Nhà nước đã chìa cánh tay giúp đỡ ra lúc tôi cần nhất, giờ làm sao tôi dám vong ân bội nghĩa, làm người phải giữ đạo! Huống hồ nhà tôi còn em trai em gái đang đi học, bố mẹ lại già rồi, đau yếu luôn, không kiếm ra tiền, lấy gì nuôi các em? Lấy gì nuôi bố mẹ?
            Làm người phải giữ đạo! Nghe câu nói ấy, tôi thẫn thờ, một người sống khổ sở như anh ta, một người đã lăn xuống tận đáy cùng của xã hội, còn nghĩ tới quốc gia, thì anh chồng đã cao thượng hơn bao nhiêu người mũ cao áo dài chúng tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy mình tầm thường, bé nhỏ.
            Tôi mở to mắt nhìn anh, có chút nể phục, anh chồng kể tiếp giọng đều đều:
            Nông thôn nghèo lắm, rất nhiều người bảo, nghèo sao đẻ lắm thế? Thật ra, vì sao lại đẻ đứa này rồi còn sinh tiếp đứa khác? Có ai muốn đã nghèo lại còn phải nuôi thêm mấy đứa con đâu, cuộc sống thêm gánh nặng, nhưng biết làm sao được, người ta buộc phải thế! Ở nhà quê, người ta già rồi, không còn sức lao động, coi như là bắt đầu phải nuôi báo cô, người già ở nông thôn không có lương hưu, không hề có phúc lợi xãhội gì, không có gì đảm bảo cho cuộc sống, nếu không có nhiều con, thì một đứa nuôi làm sao nổi hai bố mẹ già, thế không phải là sẽ cứ thế mà chết đói ư? Vì thế nên phải đẻ thêm vài đứa, chia gánh nặng ra. Đẻ con dưỡng già là một thứ truyền thống bất đắc dĩ của nhà quê!
            Mỗi ông bố bà mẹ ở nông thôn đều mong con mình mở mày mở mặt, mà muốn đổi đời chỉ có mỗi con đường là thi đỗ đại học, nhưng học đại học thì đắt lắm, cho nên trong nhà chỉ cần một đứa đỗ đại học thì cả nhà phải vạ, rồi chổi cùn rế rách bán hết. Nhưng bây giờ sinh viên tốt nghiệp đại học xong khó kiếm việc lắm, nhất là những người học không giỏi, nghề cũng không giỏi, càng khó xin việc; mà không lấy được mảnh bằng đại học thì khác gì chưa học đại học, đi đâu xin việc người ta cũng cần bằng cấp, không bằng, thì chỉ đi làm thợ.
            Nói đến đây, anh chồng ngao ngán lắc đầu, mím môi lại, không nói nữa.
            Tôi cũng im lặng, tôi không biết nên nói gì, bởi một đứa trẻ từ nhỏ sống ở thành phố như tôi khó tưởng tượng nổi, vì thế tôi chọn cách im lặng.
            Buổi trưa, tôi gọi hai suất cơm, tôi mang một suất cho anh ta, anh ta dứt khoát không nhận. Tôi giả bộ giận dữ nói: Tôi làm phiền anh suốt buổi sáng, không cho anh nghỉ ngơi, giờ xin lỗi bằng hộp cơm thôi! Anh ta không chối được, đành nhận lấy.
            Tôi biết, một suất cơm thì đạm bạc quá, nhưng nếu tôi mua những thứ đắt tiền hơn, chắc chắn anh ta không bao giờ chịu lấy.
            Buổi tối, cô vợ rất muộn mới quay về, mệt mỏi rã rời. Tôi nghe thấy anh chồng nói: Anh để phần em cái này ngon lắm, chắc em đói rồi hả, ăn đi. Cô vợ cứ bảo đã ăn rồi, đòi chồng ăn cùng, anh còn đang bị thương, cần tẩm bổ.
            Nghe họ đùn đẩy nhau miếng ăn, nước mắt tôi rơi xuống.
            Tôi biết, tôi lại sai rồi, tôi không hiểu gì về tình yêu của họ, vì tình yêu của họ nhân đôi! Làm sao có thể nhẫn tâm một mình ngồi nuốt một phần ăn mà mình cho là ngon miệng, mà để người còn lại ngồi nhìn nuốt nước bọt?
            Hôm đó, tôi cuối cùng đã hiểu: Bội số của một tình yêu nhân đôi là rất lớn, rất lớn, rất lớn. Tới mức tôi khó nhìn thấy hình dáng nó, không thể biết bề sâu của nó.
            Anh chồng rồi cũng khoẻ dần lên, chờ anh ta khoẻ hẳn, tôi nhờ bạn bè tìm giúp anh một công việc nhẹ nhàng một chút, tuy lương không cao, nhưng dù sao cũng tốt hơn việc cũ. Hai vợ chồng họ đầy cảm kích không rõ đã nhắc lại bao lần chữ cảm ơn. Cho dù tôi nói mãi đó chỉ là việc dễ như trở bàn tay, họ vẫn không ngừng cảm ơn tôi. Làm tôi hơi ngại.
            Một tháng sau, anh chồng cùng cô vợ hớn hở chạy đến kéo tôi đi ra ngoài, tôi còn chưa hiểu việc gì, họ đã lôi được tôi ra khỏi cổng. Xuống đến nhà, tôi mới biết thì ra anh chồng được lĩnh lương, nhất định mời tôi đi ăn. Tôi cười ha ha nói: Thôi đừng khách khí, đều là người đi kiếm sống, giúp nhau là chuyện thường tình, thôi đừng cơm nước gì nhé. Nhưng họ cố chấp cứ lôi tôi lại, mời mọc mãi: Không mời chị, cả tình cả lý đều không xuôi. Thấy tôi có vẻ kiên quyết không đi, họ bắt đầu cuống lên: Hay là chị sợ chúng em mang không đủ tiền theo, xem này, em mang hẳn mấy trăm tệ. Nói đoạn bèn móc tiền ra. Thấy họ đôn hậu lại ngộ nghĩnh, tôi không từ chối nổi, đành nhận lời.
            Tôi vừa đi vừa nghĩ: Làm thế nào để họ mời mình, thoả mãn tâm nguyện của họ mà lại tiết kiệm tiền cho họ nhỉ. Tôi nghĩ tới quán cơm rẻ tiền nhất Quảng Châu, là quán mì sợi.
Vì thế tôi làm vẻ trầm ngâm: Tôi biết có một chỗ đồ ăn vô cùng ngon, tôi thích đi ăn nhất. Không biết 2 người đã ăn mì sợi Lan Châu bao giờ chưa. Họ đều ngỡ ngàng, rồi nói: Sao lại thế được? Sao lại chỉ mời chị đi ăn mì sợi? Kiểu gì cũng phải mời chị một bữa hoành tráng.
            Tôi cố ý ra vẻ giận: Nhưng tôi thích mì sợi, nếu định mời tôi, thì mời mì sợi đi, ăn cái khác tôi không thích lắm.
            Hai người họ thấy tôi giận, chỉ biết dạ dạ, làm theo ý tôi.
            Đến quán mì, tôi gọi một bát mì bò, anh chồng gọi một bát mì suông, một bát thịt bò. Chờ lúc mì bưng lên, anh chồng bưng một bát mì to nhiều thịt bò tới trước mặt tôi, một bát mì ít thịt bò cho vợ, còn anh chỉ ăn một bát mì nhỏ suông.
            Thấy tôi nhìn thắc mắc, anh vội vàng giải thích: Em thích ăn chay. Vết thương cũ chưa lành, em sợ ăn thịt vào sẽ lâu khỏi, thôi ăn chay cho lành.
Thực ra tôi biết, đây đâu phải chuyện vết thương, tôi biết anh ta muốn tiết kiệm tiền, nhưng anh ta không bạc đãi bạn bè, nên chỉ bạc đãi bản thân mình.
Thấy anh ta ăn mì ngon lành từng miếng lớn, thấy vợ anh liên tục gắp thịt vào bát chồng, thấy hai vợ chồng họ không ngừng gắp thịt cho tôi, tôi lại gắp trả họ; cổ họng tôi nghẹn lại ở chỗ nào đó, rất khó khăn cũng không nuốt được một miếng mì xuống. Tôi có thể cảm thấy được trước mắt tôi một màn mờ ảo, không biết là hơi nước nóng đang lơ lửng trước mặt, hay có nước gì đã bao lấy mắt tôi, có thể cảm thấy âm ẩm.
            Lần đầu tiên, tôi học được cách của họ, ăn hết sạch mì trong bát, húp cạn canh trong bát, cho dù tôi đã no căng bụng. Nhưng lần đầu tiên tôi cảm thấy đáy lòng mình quá ấm áp quá thật thà.
            Tuy chỉ là một bát mì tám đồng, nhưng tôi biết bữa ăn đó với họ là xa xỉ. Tiêu mất tiền ăn mấy ngày của họ. Nhưng thứ tôi được nhận không phải là một bữa no, mà là cảm giác thấu hiểu và cảm động mà tôi chưa từng có được. Đó mới là thứ không tiền nào mua nổi, cũng là thứ mà không phải ai cũng may mắn có được, thứ chỉ tới từ tình người.
            Tôi nghĩ, đây là bữa ăn đắt tiền nhất mà tôi từng được mời, nó thật sự rất xa xỉ, rất đáng giá.

Chương Mười Hai

            Một buổi chiều lười biếng, bạn tôi gọi điện tới, khi tôi nghe hết những lời tường thuật của anh ta, tôi kinh ngạc tới mức đờ ra, tôi không biết anh ta nói đúng không, cũng không hiểu rõ sự thể ra sao, tôi chỉ biết, cậu trai sống kề vách phòng tôi đã bị bắt lên đồn công an.
            Anh bạn kia không ngừng trách móc tôi, tại sao lại giới thiệu một người như thế đến làm ở chỗ anh quen, ý anh nói rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, tôi để anh giúp tìm cho họ công việc đó, sự thể tới mức này, anh ta còn mặt mũi nào với ông sếp ở đó nữa. Nghe thấy anh ta hậm hực gác máy điện thoại, tôi biết, về sau coi như là tôi mất người bạn này rồi, chớ có nói còn nhờ vả họ tìm cho đôi vợ chồng kia công việc nào khác.
            Tôi không kịp để ý xem mối quan hệ bạn bè này từ nay còn hay mất, cũng không còn lòng dạ nào đi xin lỗi anh bạn, tôi chỉ còn muốn biết anh hàng xóm giờ ra sao? Tôi chỉ muốn làm rõ xem chuyện gì đã xảy ra. Dường như trong tôi có phần nào thấy phải chịu trách nhiệm với họ, tôi dặn tôi, biết đâu đây chỉ là sự hiểu lầm.
            Tôi xin nghỉ phép, vội vã chạy về nhà, chạy lên lầu, đi gõ cửa phòng kia, nhưng khá lâu, chẳng ai ra mở cửa. Tôi hơi thất vọng, tôi nghĩ có lẽ cô vợ đã ra đồn công an rồi.
            Tôi mệt mỏi tựa vào tường, nhìn sang cánh cửa sát phòng tôi, bỗng thấy tự dưng xót thương. Chợt tôi nhìn thấy trên khung cửa phòng tôi dán một mẩu giấy nhắn, tôi vội tới giật nó ra, là cô vợ nhắn cho tôi. Trên đó chả ghi gì, chỉ có địa chỉ một đồn công an. Tôi chẳng kịp suy nghĩ gì nữa vội vã tới đó ngay.
            Lúc tôi tới, thấy hai cảnh sát đang hỏi han cô gái, cô chỉ cúi đầu, nín tiếng nức nở, đôi vai run bần bật dường như đang kiềm chế những tiếng khóc sắp bật ra. Bên cạnh cô là một bà trung niên đang ngồi. Bà cứ nhíu mày, cố né người sang một bên như sợ bộ quần áo cũ rách của cô gái làm bẩn sang bà. Tôi chạy vào cầm lấy cánh tay cô, hỏi: Thế có chuyện gì vậy?
            Hai cảnh sát nhìn tôi, im lặng, rồi hỏi ôn tồn: Chị là ai? Tôi không nhìn họ, nói liền: Tôi là phóng viên báo buổi chiều, cô này là bạn tôi, tôi muốn đến tìm hiểu sự việc.
            Hai cảnh sát nhìn nhau, bán tín bán nghi, rồi như ngại phiền phức, họ hạ thấp giọng xuống, không nặng lời với cô gái nữa, cũng tỏ ra lịch thiệp với tôi.
            Tôi kéo cô ra một bên, hỏi có việc gì xảy ra vậy, chồng cô đâu? Cô gái nhìn tôi, chưa kịp nói thì nước mắt đã rơi xuống, tôi an ủi cô nín đi, cứ nói rõ đầu đuôi đã, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết.
            Thì ra sự thể thế này, buổi sáng, chồng cô đi đưa hàng cho một khách hàng của công ty, trong lúc chờ xe bus thì thấy một bọn cướp đường giật túi xách của một người phụ nữ. Người phụ nữ cố sức giằng lại cái túi, miệng la lớn nhưng chẳng ai tới giúp bà, đang giằng giật như vậy, chồng cô nhìn thấy bèn không suy nghĩ gì chạy ngay tới, giúp người phụ nữ giữ lại cái túi. Mặc cho bọn cướp đánh anh, rút dao ra, anh vẫn không buông tay, lúc này cảnh sát vừa tới, lũ cướp bị tóm gọn.
            Sự việc chỉ có thế, nhưng lúc cảnh sát tới thấy mấy người đang giằng giật, nghĩ người chồng cũng là kẻ cướp giật, là đồng bọn, nên hỏi người phụ nữ, bà có quen anh này không, người phụ nữ khăng khăng bảo không quen biết gì, còn bồi thêm, bà chẳng biết thằng này là đồng bọn hay là băng đảng khác xông tới cướp hôi, chỉ biết thằng này cũng chạy tới giằng túi xách của tôi. Cảnh sát không nói không rằng tóm luôn anh chồng đi.
            Anh chồng đang vội đi đưa hàng cho khách, nên cũng chẳng có thời giờ giải thích, đã bị bọn cướp đánh thì chớ, còn bị cảnh sát đập cho một trận không cho nói nửa lời. Anh sợ làm lỡ việc của công ty, chỉ biết nói tên công ty ra, tưởng có thể nhanh chóng rút lui để đi làm tiếp, nào ngờ cảnh sát vừa gọi điện tới hỏi công ty, đầu dây kia sợ liên luỵ đã một mực phủ nhận công ty tôi chẳng có người nào tên là như thế này, như thế cũng có nghĩa là anh mất việc từ nay.
            Cảnh sát gọi người vợ tới, với tư cách thân nhân tội phạm. Cô liên tục bị gặng hỏi, cô sợ tới mức chẳng biết nói gì, đầu óc trống rỗng, nếu tôi không tới, có lẽ cô cũng chẳng biết làm thế nào.
            Nghe xong, tôi nổi giận đùng đùng. Tôi đi thẳng tới trước mặt bà kia: Này bà, bà có phải người bị cướp giật không? Tôi sẽ phỏng vấn bà, đây là thẻ nhà báo của tôi. Người đàn bà đó ngớ ra, tôi không để bà ta kịp hoàn hồn đã hỏi luôn: Đề nghị bà thuật lại tình huống lúc đó, vì sao bà cho rằng người giúp bà đánh cướp cũng là kẻ cướp? Vì sao bà không thừa nhận rằng anh này đã giúp mình lấy lại đồ đạc từ tay kẻ cướp?
            Người đàn bà nhìn tôi, lại nhìn cảnh sát, rồi lắp bắp nói: Làm gì có người tốt như thế ở trên đời? Thời buổi này làm gì còn ai thích dây dưa phiền hà? Chả lẽ anh ta không sợ chết? Nếu anh ta giúp tôi đánh cướp thì hoặc là anh ta bị bệnh thần kinh, hoặc anh ta là một thằng ngu. Cảnh sát nghe cũng gật đầu, như thể những gì bà nghĩ là những gì một người bình thường sẽ cư xử.
            Thấy thái độ điềm nhiên của họ, tôi càng giận dữ, tôi hét lên: Nếu nếu anh này là đồng bọn thì tại sao lại bị bọn cướp đánh? Nếu anh ta cũng cướp của bà thì tại sao công an đến anh ta không bỏ chạy? Trong khi anh ta có thể cướp được rồi thì chạy trước khi công an đến? Bà mất cái gì không? Anh ta có đánh bà không? Có ai làm chứng là anh ta cũng đi cướp của bà cái gì không? Các anh công an thử hỏi có chứng cứ gì nói anh này cũng là cướp không? Hay chỉ vì anh ta không có hộ khẩu thành phố? Hay là vì anh ta ăn mặc tồi tàn? Một người quên cả tính mạng mình đi cứu bà, bà lại nói người ta là cướp ư? Thế nếu bà cũng bị oan như anh này thì bà sẽ thế nào?
            Tôi hít một hơi thở sâu: Các anh bắt giữ người trong lúc không có chứng cứ gì cả, mới là giam giữ trái phép, mới là phạm pháp! Tôi chỉ vào người đàn bà: Còn loại người như bà không biết phân biệt tốt với xấu, không biết người ngay kẻ gian, bà không thấy áy náy sao? Hay là bà cũng đi dạy con cái bà rằng, người khác gặp nạn thì mình sẽ cao chạy xa bay?
            Tất cả những người ở đó đều ngẩn ra, không nói được gì, tôi biết, vào thời buổi hỗn loạn mà người ta sống vô tâm này, trong một xã hội mà giữa người với người không có một chút tình người này, với cuộc sống mà người này bị nhục người kia làm ngơ này, không có ai tin vào sự lương thiện nữa, cũng không ai tin người này sẽ giúp đỡ vô tư người kia nữa, thậm chí khi anh mang tấm lòng ra đối đãi người khác, trong mắt mọi người, anh cũng chỉ là một người khoác một tấm áo giả tạo đẹp đẽ.

Chương Mười Ba:

            Cảnh sát có thể bắt nhầm bạn, pháp luật có thể xử oan bạn, nhưng nếu muốn đi đôi co những điều đó chắc chắn không dễ dàng gì.
            Bắt nhầm bạn, có thể là do nghi ngờ bạn, chụp lên đầu bạn cái mũ kẻ tình nghi, có tội hay không có tội thực ra chỉ khác nhau bởi một câu trong văn bản pháp luật thôi, trên thực tế, không bắt oan không bỏ sót có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn xử oan bạn ư, có thể có hàng vạn lý do như đổ lỗi rằng pháp luật không kiện toàn, chứ không ai bảo nếu bạn bị oan, nhà nước phải có trách nhiệm đứng ra bồi thường, có mấy người được xin lỗi công khai sau án oan?
            Tôi biết, muốn cứu anh, tôi phải dốc sức ra giúp, tôi phải có căn cứ để chứng minh anh vô tội, anh là người tốt, lúc đó anh muốn giúp người bị hại.
            Cho dù người phụ nữ kia ăn nói hồ đồ, bà ta chắc chắn không bao giờ thú nhận mình đã lầm, được người ta giúp lại quay lại giở trò cắn một miếng. Cho dù cảnh sát không có chứng cứ để chứng minh anh ta đi cướp, nhưng họ có thể lấy lý do khi họ xuất hiện, anh chồng là người liên quan trong sự việc, để không bao giờ tha ngay cho anh.
            Tôi biết, nếu có lôi hai tên cướp ra làm chứng để trả lại sự trong sạch cho anh, khả năng đó cực kỳ ít ỏi, tôi chỉ còn biết cố gắng nghĩ xem liệu có chứng cứ gì giúp anh. Tôi quay lại hiện trường tìm người làm chứng, may quá tìm được hai người. Một ông lão và một người đàn bà bán hoa quả, họ nói đúng là họ thấy anh thanh niên chạy tới giúp người đàn bà chống cướp giật. Nhưng khi tôi đề nghị họ tới đồn công an làm chứng trước mặt công an, họ cự tuyệt quyết liệt. Họ bảo chẳng thích dây dưa phiền hà.
            Tôi phải nghĩ ra một kế, cũng không phải là mưu mẹo gì, chỉ là bất đắc dĩ.
            Tôi nói tôi là nhà báo, tôi đang viết bình luận cho tờ Quảng Châu buổi chiều, rằng đề tài là người tốt bị vu vạ, người ngoài đứng làm ngơ. Tôi nói tôi sẽ đưa lên nội dung bình luận rằng, trong khi người tốt giúp kẻ khác mà bị vạ, những người còn lại đã không giúp một mảy may. Và tôi sẽ đưa hai người vào, để con cái các vị biết bố mẹ chúng đã sống và cư xử ra sao. Thật may hai người phù hợp với đề tài tôi định viết.
            Hai nhân chứng tỏ ra lưỡng lự, tôi lại bảo, nếu hai người ra làm chứng, thì trong bài báo của tôi, hai vị sẽ được đưa tên lên như những người vì nghĩa mà không ngại khó khăn, vì cái tốt đẹp trong xã hội này vẫn còn tồn tại.
            Họ cân nhắc, bàn với nhau, rồi theo tôi đi.
            Tôi tìm tiếp đến công ty của anh chồng, cho dù người phụ trách rất không vui vẻ gì phải ra đồn công an làm chứng rằng, đúng là hôm đó ông ta cử anh này đi gặp khách hàng, nhưng trước mặt tôi, để giữ thể diện với anh bạn tôi, cuối cùng họ cũng đi. Cho dù anh bạn tôi giờ cũng có thể không còn là bạn tôi nữa.

            Cuối cùng, tôi cũng lôi được anh chồng ra khỏi nơi tạm giữ.
            Lúc rời đồn, công an chẳng một lời xin lỗi. Người đàn bà kia cũng chả một lời cảm ơn. Nhưng tôi thấy, anh chồng không so đo gì cả, anh vừa lòng bởi đã được chứng minh mình là người tốt, mình vô tội.
            Tôi mất một anh bạn tốt, nhưng tôi được một kinh nghiệm, trả lại danh dự cho người có danh dự, và cũng đã giúp đôi vợ chồng hiểu ra một kết quả của việc làm người tốt. Nhưng tôi tin họ không vì thế mà đánh mất đi sự thiện lương của họ.
            Cho dù sau này thế nào, dù anh ta liệu còn rút ra bài học hay không, chúng ta cũng không có quyền đi trách cứ anh ấy, cũng không có quyền bắt một người tốt từng chịu oan phải tiếp tục đi hứng chịu phong ba đầu ngọn gió. Bởi người cầm dao đi làm anh ta bị thương, có phải chính là chúng ta không, những người chúng ta, những người bình thường đang sống trong xã hội này.
            Trời lất phất mưa bụi, hơi âm u, người qua lại vội vã, mang theo những khuôn mặt vô cảm đi lại trong thành phố này, không ai biết đã từng xảy ra chuyện gì, thậm chí cả những người từng tận mắt chứng kiến sự việc có thể cũng đã quên.
            Thế giới đã bỏ quên, nhưng tôi còn nhớ, từ ngày hôm đó, tôi luôn nhớ.

Chương Mười Bốn:

            Sau sự việc đó, đôi vợ chồng sống trong kho chứa đồ có vẻ tự ti hẳn đi, họ luôn có vẻ hàm ơn với tôi, rồi sau đó lại mang tâm trạng yếm thế yếu đuối. Dường như thể tất là cả là lỗi ở họ, như thể họ đã mang cho tôi, cho mọi người vô số phiền nhiễu. Có thể, những người thật sự lương thiện sẽ có tâm trạng ấy, không ngừng đổ lỗi cho bản thân, sao lại để sự việc xảy ra như thế, mà họ sẽ chẳng bao giờ đi trách móc người khác, không trút lỗi lầm lên người khác.
            Tôi thử tìm cách kiếm công việc tốt hơn cho anh chồng, nhưng đôi vợ chồng lại tỏ vẻ khép nép nói: Thôi phiền chị quá, chúng tôi đã tự kiếm được việc rồi, chúng tôi đang có việc làm rồi. Thực ra tôi hiểu vì lần trước đã kéo theo quá nhiều rắc rối làm phiền tôi, giờ họ không dám và cố gắng để cự tuyệt lòng tốt của tôi.
            Người con trai đi sớm về muộn, có vẻ như đúng là đi làm thật. Thấy họ nỗ lực và cần mẫn mỗi ngày, tôi thấy lòng man mác buồn, nhưng cũng không biết giúp họ thế nào. Lần đầu tiên tôi nhận ra: Nỗi phiền muộn vô cớ cũng có thể dày vò ta đến thế.
            Tết đến, tôi gặp họ trên hành lang, hai vợ chồng vui vẻ chào tôi, thông báo họ sẽ đi ăn mừng một bữa thịnh soạn. Thấy họ vui vẻ cười nói đi ra ngoài, tôi cũng mừng lây, biết đâu trong lúc tôi buồn bã thay họ, thì họ đã tìm được niềm vui và hạnh phúc thuộc về chính họ chăng.
            Ngày hôm sau, tôi vừa thấy họ đã chất vấn, hôm qua đi ăn ở đâu vậy? Họ chẳng ngại ngần gì mà còn cười bí mật và ngây thơ. Người vợ ghé vào tai tôi nói khẽ: Chị ơi, chị biết không, có tiệm ăn mà một đồng ăn thoả sức đấy! Tôi kinh ngạc, mở to mắt nhìn họ.
            Những ai từng sống ở Quảng Châu đều biết, có rất nhiều tiệm ăn nhanh, ăn tự chọn, thích dán lên cửa tiệm dòng chữ một đồng ăn no thì thôi, nhưng ai đã vào rồi đều biết, đó chỉ là quảng cáo thôi, chứ vào đó ăn không bao giờ một đồng một bữa. Nói thật, hễ vào là họ tính một người, ăn xong, tính kiểu gì cũng ít nhất 20 đồng. Nữa là hai vợ chồng họ hai người chỉ ăn một đồng?
            Tôi nghi ngờ nhìn họ, họ có vẻ hơi ngượng, anh chồng đành bảo: Thật đấy chị ạ, bọn em không nói dối chị, tối qua bọn em đi ăn rồi, hai người chúng em chỉ tốn hết có 5 đồng thôi! Tôi cười bảo, làm gì có chuyện, chỉ cơm không thôi hai người hai bát đã bốn đồng, thì năm đồng ăn được cái gì?
            Cô vợ cười hì hì: Chúng em vào quán, xem thực đơn, phát hiện ra có một món chỉ có một đồng thôi, đó là lạc rang, một đĩa bé xíu. Vừa nói cô vừa lấy tay vẽ mô tả cái đĩa nhỏ, mà thực ra chả cần cô miêu tả tôi cũng hình dung được cái đĩa nhỏ, hẳn trong lòng đĩa không có quá mười hạt lạc. Bởi cái đĩa lạc ấy chỉ dùng để cho phù hợp với câu quảng cáo “một đồng ăn đến no” ngoài cửa mà thôi. Chứ thực tế nếu có người thật sự gọi món đó, thì hẳn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
            Cô vợ mặt mày vẫn rạng rỡ kể: Nước canh nóng họ cho miễn phí nhé, bọn em lấy đầy một bát to! Còn cơm thì cứ tính đổ đầu mỗi người hai đồng, thế là bọn em gọi một đĩa lạc rồi mỗi người ăn hết bốn bát cơm lèn chặt, chan hết tất cả canh, ăn no nê xong, chỉ hết có năm đồng.
            Nói xong họ nhìn nhau cười, thế mà tôi lại thấy ngượng. Tôi không biết họ dũng cảm nhường nào, khi đi vào một quán ăn đàng hoàng, lại chỉ gọi một đĩa lạc bé xíu, rồi ăn hết bốn bát cơm đầy? Tôi cũng không biết khi họ húp hết bát nước canh miễn phí, rồi mỗi hạt lạc xơi hết cả bát cơm đầy họ mãn nguyện thế nào, vui mừng thế nào.
            Tôi nghĩ, chắc lúc đó, rất nhiều người dùng ánh mắt không thiện cảm nhìn họ, thậm chí sẽ có người thì thào chỉ trỏ cười họ quê mùa, có thể thậm chí họ còn nghe được người ta dè bỉu xúc phạm họ, cũng bắt gặp những ánh mắt khinh bỉ nhìn họ, những họ vẫn tiếp tục ngồi đó, ăn hết bữa cơm của họ, còn vui vẻ phấn khởi ăn hết bữa của họ, rồi lấy ra năm đồng trả cho chủ quán.
            Tôi không nghĩ làm thế là đáng xấu hổ, cũng không nghĩ là không nên dè xẻn như thế, bỏ năm đồng ra thì cũng được là khách hàng rồi, tiêu năm đồng cũng không thấp hèn hơn khách tiêu năm mươi đồng. Nhưng, cho dù thế nào, chúng ta vẫn luôn nhìn vào việc tiêu tiền, như thể tiêu nhiều tiền sẽ được phục vụ chu đáo hơn tiêu ít tiền, như thể hễ có nhiều tiền thì tất nhiên ta sẽ được người khác tôn trọng.
            Tôi thừa nhận, nếu là tôi, trong túi chỉ có năm đồng, tất sẽ không bao giờ dám vác mặt tới những tiệm ăn lớn, tôi không có đủ dũng cảm để gọi một đĩa lạc một đồng, cho dù thực tế sức tôi chỉ ăn hết một bát cơm nhỏ và một đĩa lạc con con, nhưng tôi sẽ vẫn gọi những món đắt tiền hơn cho dù có khi tôi lại không đụng qua đũa. Cho dù trong lòng tôi biết như thế là lãng phí, nhưng có bao nhiêu người lại không chọn cách tiêu lãng phí tiền để mua lấy được thể diện cho mình?
            Trong xã hội này, người có tiền ăn nói vẫn hiên ngang hơn hẳn, người giàu vẫn được người ta tôn trọng hơn hẳn người nghèo, những người thượng lưu ở trên ta đều là những kẻ lắm của, những người dưới đáy xã hội đều khốn cùng túng quẫn. Như thế trong một xã hội tiêu thụ hàng hoá, kinh tế quyết định chúng ta, tiền quan trọng biết bao, tiền biến thành tự trọng, tiền là tên gọi của danh dự. Mỗi ngày chúng ta sống là một ngày ta kiếm tiền để mua thể diện. Vào lúc ta bỏ nhiều tiền ra để mua cái gọi là thể diện ấy, chúng ta có bao giờ nghĩ đến những người đang vật lộn giữa ranh giới đói no?
            Lương không cao bằng người khác thì cảm thấy xấu hổ, chưa có nổi một căn nhà thì thấy xấu hổ, đi làm mấy năm vẫn chưa lên chức sẽ thấy xấu hổ, thấy vợ người khác đẹp hơn vợ mình sẽ tiu nghỉu, thậm chí chỉ vì quần áo người ta là hàng hiệu, hơn mình, mà cũng thấy mất mặt. Chúng ta đang sống trong một thế giới hãnh tiến chuộng bề ngoài, còn lòng tự tôn bé nhỏ thì bị che giấu ở bên trong con người ta yếu đuối. Ngoái nhìn những năm tháng đã qua, mới nhận thấy thì ra ta sống không hề vui, bởi tiền kiếm được thì ít, không mua nổi những thứ thể diện mà mình muốn, hay là bởi những thứ thể diện đã mua bằng tiền, đã che đậy mất lòng tự trọng đầy nhân tính của chính ta?
            Tiền, sinh tồn, thể diện, tự tôn; trên cán cân đời người, bên nào nặng bên nào nhẹ?

Chương Mười Lăm

            Cuối năm, tôi lười biếng uể oải chờ mùa xuân tới, nghĩ bụng có nên về nhà thăm bố mẹ. Vì cứ lần lữa mãi, tôi phát hiện ra chỉ còn mười ngày nữa là Tết, tôi nghĩ có lẽ công ty phải sát Tết mới cho nghĩ, thế này lại phải mua vé máy bay giá cao thôi, nhủ lòng nhất định năm sau phải mua sẵn vé trước Tết hẳn hai tháng, thì mới mua được vé giảm giá còn 40%.
            Vào lúc tôi đang miễn cưỡng trực nốt mấy ngày trước kỳ nghỉ Tết, đang nghĩ tìm cách nào xin nghỉ phép trước về quê sớm thăm bố mẹ, tôi bỗng mất hút bóng dáng đôi vợ chồng sát vách. Tôi cứ tưởng họ đã về quê ăn Tết.
            Nhưng vào một đêm, người vợ gõ cửa nhà tôi. Tôi mắt nhắm mắt mở hỏi: Có việc gì vậy? Cô vợ bẽn lẽn ngại ngần nói: Xin lỗi, em làm phiền chị lúc này, em muốn nhờ chị, nghe nói làm công nhân thì có thể lên mạng đặt vé giá rẻ, chị có thể giúp em không? Tôi đồng ý, cho cô vào nhà, tôi bật máy tính, bắt đầu giúp họ đặt vé tàu hỏa. Nhưng đáng tiếc là trên mạng lại đòi công nhân phải đặt vé tập thể theo từng đơn vị, mà nơi cô và chồng cô làm lại không cho đặt vé, họ không thể mua vé cá nhân trên mạng. Cô đọc quy định, buồn bã đi về. Tôi đang ngái ngủ cũng quên không nói đôi câu an ủi cô.
            Ngày hôm sau, tôi vẫn nhớ việc đó, nghĩ mình phải làm gì đó. Tôi đọc thấy trên báo nói có thể đặt vé qua điện thoại, bèn vội vã bấm số, chuẩn bị tặng họ món quà bất ngờ.
            Chưa đến lúc tan sở, tôi đã vội vàng về nhà, lúc tôi về cô vợ đang có mặt, tôi tò mò sao cô lại không đi làm, nhưng tôi chỉ kịp thông báo việc có thể đặt vé bằng điện thoại, rồi cũng không kịp hỏi. Anh chồng đi vắng, tôi vội vã nói cho cô vợ biết số điện thoại, còn rút máy di động của mình ra giục cô bấm số đặt vé.
            Cô vợ cười buồn, không đón lấy máy di động của tôi. Mắt cô ngập nước mắt, rồi nghẹn ngào nói với tôi: Thì em gọi điện đặt vé tàu đây, cho nên bị chủ đuổi việc rồi. Nói đoạn khóc nấc lên: Tháng này cũng không trả em nửa tháng lương, bảo là em vi phạm quy định, không phạt tiền em là may rồi.
            Thì ra cô vợ cũng nghe người ta nói có thể mua vé qua điện thoại, từ lúc sáng sớm đã đi ra bốt điện thoại công cộng gọi bằng thẻ nhưng tổng đài bận liên tục, vào lúc giờ nghỉ trưa, cô lén ra ngoài gọi điện thoại thì người ta toàn bảo đã bán hết rồi. Cả tuần liền không mua được vé, không còn cách nào khác cô đành lựa lúc trong tiệm không có khách, dùng điện thoại cửa hàng gọi đi đặt vé, lúc tám rưỡi sáng may quá nói được liên lạc với nhà ga, đang vui mừng thì nghe báo là hết vé rồi. Vé không mua được thì chớ, lại bị ông chủ nhìn thấy, mắng tại sao trong giờ làm việc lại gọi điện thoại việc riêng, đuổi việc cô luôn. Mặc cô cầu cứu van xin.
            Tôi vừa an ủi cô vợ rằng, dù sao cũng Tết đến nơi rồi, nghỉ cũng tốt, sau Tết kiếm việc mới, vừa bảo cô dùng điện thoại của tôi mà đặt vé, biết đâu mua được vé.
            Cô gái lắc đầu: Không được đâu, em gọi mười mấy hôm nay rồi mà có đặt được đâu. Kể cả chị gọi vào lúc mở cửa là tám rưỡi sáng, cũng chẳng còn vé đâu. Tuyến tàu đó khách đông lắm, làm sao mua nổi vé.
            Tôi không nghĩ rằng mua vé tàu tết lại khó khăn thế này. Tôi hỏi: Thế ra ga xếp hàng được không? Mua không được thì kiếm vé chợ đen.
            Cô gái trầm ngâm nói: Chồng em đã xếp hàng ngoài ga nửa tháng rồi, chả mua nổi. Ban ngày anh xếp hàng không nổi, ban đêm anh không ngủ ra ngoài đó xếp hàng sẵn, cũng vẫn không mua nổi. Bọn phe vé quen mặt chồng em quá, chủ động ra mời chào anh ấy, nói bọn họ có vé, đảm bảo vé thật, nhưng nó lấy hoa hồng quá đắt, chúng em không dám vung tay quá trán!
            Tôi nói: Hoa hồng bao nhiêu? Chắc chắn không thể đắt hơn vé! Cô vợ mím miệng cười miễn cưỡng: Chúng em về quê, ngồi ghế cứng, vé mới hai trăm thôi, nhưng hoa hồng phải ba trăm, chị bảo hai vé, tiền lẫn hoa hồng lót tay là một nghìn rồi, bằng cả tháng lương của chúng em. Hút máu chúng em sao? Một nghìn đồng, ở quê em là thu nhập tròn một năm rồi, làm sao chúng em dám!
            Nghe cô nói, tôi lặng im. Tôi bỗng cảm thấy tự ti, thấy mình sao hời hợt thế, vô tâm thế.
            Chỉ vì hai tấm vé xe lửa về quê, mất việc, hai người ngày đêm chầu chực xếp hàng, mang tiền ăn đi gọi điện đặt vé mà phí điện thoại còn đắt hơn cả gọi đường dài, nửa tháng nay, kết quả họ có được là: Hết vé!
            Thế bao nhiêu vé tàu đã đi đâu cả rồi? Vì sao ngày đêm xếp hàng vẫn hết vé, phe vé thì lại gọi, bảo đi đâu cũng có vé hết, chỉ cần chi thêm ba trăm?
            Rốt cuộc, vé đã vào tay ai? Sao không tới tay họ? Và số hoa hồng ngất trời kia là để nuôi ai?
            Tôi tức giận đùng đùng gọi ngay số điện thoại phục vụ của nhà ga, tôi vừa nói số tàu, đã bị thông báo: Trước Tết những chuyến đó đều kín chỗ, xin hãy đi chuyến khác.
            Tôi hơi thất vọng, định khuyên cô vợ mua vé tuyến khác rồi đổi xe, hoặc ngồi xe khách về. Cô vợ cười buồn: Chỗ quên chúng em chỉ có đúng tuyến tàu đó đi qua thôi, mà các tuyến tàu khác cũng khó mua vé lắm, xe khách thì đắt quá, giá gần bằng vé máy bay rồi, hay có khi chúng em đi bộ về quê. Cô đùa, như thể đang an ủi tôi.
            Nhìn đôi mày nhíu lại của cô, nghĩ tới anh chồng cô vẫn đang vạ vật ngoài ga ôm hy vọng giữa đám đông xếp hàng, chờ ông trời rủ lòng thương, cho họ hai tấm vé về quê, mà tôi thì lại do dự có nên về nhà thăm bố mẹ hay không, sợ về nhà thì mệt.
            Tôi bắt đầu thấy mình nhỏ bé, thậm chí nhỏ nhen. Họ có thể không về quê, nhưng vẫn kiên quyết về, vì bố mẹ tuổi cao hay về để gánh vác đỡ gia đình? Dù vì lẽ gì, để về quê mà phải trả giá đắt thế này, có đáng không? Có lẽ rất nhiều người cho là thường, nhưng trên cán cân tình người, họ đã nặng tình hơn tôi.
            Một tấm vé tàu về quê ăn tết, chỉ một tờ giấy mỏng manh, không biết tốn bao tâm sức, xếp bao nhiêu hàng mỗi ngày đêm, bỏ bao nhiêu thứ để đánh đổi! Trên tấm vé chứa bao máu và mồ hôi, viết bao nhiêu nước mắt?

Chương Mười Sáu

            Vé máy bay của tôi đã đặt mua rồi, vé giá bán lẻ.
            Mỗi năm tới dịp Tết, hãng hàng không đều bắt đầu kiêu ngạo, có chết cũng không thèm giảm giá, thế nhưng vé luôn không kiếm ra, người Trung Quốc có lẽ quá yêu gia đình nên cuối năm dù có phải tiêu khoản lộ phí khổng lồ cũng hài lòng, coi như là một động tác giúp cho nền kinh tế phát triển.
            Ngành đường sắt, cũng bướng bỉnh nói thì bảo là sẽ mở thêm những tàu tốc hành, tàu thêm chuyến, nhưng làm thì lại xin lỗi khách: Vé đã hết! Đôi vợ chồng sống trong kho chứa đồ cạnh phòng tôi thay nhau xếp hàng để mua vé tàu về cũng không kiếm nổi tấm vé thông hành cho đường về quê mẹ. Họ ngày ngày đi ra quảng trường nhà ga đứng chầu chực, hy vọng một ngày nào may mắn có người nào đó trả lại vé, nhưng vận may đó hiếm hoi lắm, họ dường như cũng đã cảm thấy hết sức lực, trừ phi có một phép màu nào đó, họ chỉ còn biết nhẩm tính liệu có về được hay không.
            Trong lúc đó, tôi liên tục lên mạng tìm kiếm những thông tin về chuyến tàu này. Mỗi lần thấy có tin hành khách chuyển nhượng vé, tôi vội liên hệ ngay, nhưng hoá ra đều là lũ con buôn quảng cáo vé chợ đen, tiền hoa hồng còn đắt hơn tiền vé, mà xem tình hình căng thẳng thế này thì hẳn giá sẽ ngày càng đắt.
            Tôi muốn trả tiền chênh lệch vé chợ đen cho họ, họ chỉ cần bỏ ra tiền vé gốc thôi, nhưng họ có chết cũng không chịu, nói đây là nguyên tắc của chúng em, về quê hay không cũng chỉ mua đúng giá vé quy định thôi. Họ trịnh trọng nói với tôi: Chúng em là công dân Trung Quốc, vì sao ngồi tàu lại phải mua vé đắt? Chúng em đâu thấp kém hơn người khác! Lẽ nào chúng em không có quyền được hưởng giá vé đúng quy định? Nếu đi mua vé chợ đen, sau này chắc chỉ toàn vé giá đắt, không mua được vé gốc, thì những lợi nhuận chênh lệch kia chỉ nuôi béo lũ người xấu, chúng em càng nuôi họ, họ lại càng tham lam.
            Nghe hai vợ chồng nói, tôi trầm ngâm. Tôi bỗng dưng sợ hãi cái xã hội đang ngày càng bệnh hoạn này, tôi sợ bị nhiễm dần những vi khuẩn chết người từ xã hội!
            Tôi buồn bã bất lực, rất muốn giúp họ nhưng tôi lại chẳng giúp được họ điều gì cả, thậm chí chỉ một đôi vé tàu, tôi cũng không giúp được.
            Rốt cuộc tôi đành tìm lối thoát lo liệu. Tôi nhờ bạn, bạn tôi lại nhờ một người quen của một người bạn khác làm trong ga, tốn bao công sức để kiếm được một đôi vé ngồi ghế cứng. Nào mời ăn cơm, nào thù tạc, nào vô số cảm ơn cảm tạ, cuối cùng tôi cũng có được hai chiếc vé trong tay, với giá chỉ chênh lệch so với giá vé gốc 100 tệ một vé.
            Cơm no rượu say, người đó ợ lên cả rượu, vẫn cố nói tiếp, vé này mua là khó khăn lắm, người ta có mất thêm 300 tệ cũng chẳng mua nổi, bởi vì tôi nể bạn bè mới giúp đó nhé!
            Tôi chỉ biết dùng ánh mắt cảm kích nhìn anh ta, cảm tạ rối rít. Anh ta mãn nguyện cười, còn tôi cũng nhẹ nhõm nghĩ, có vé rồi, họ sẽ về quê được rồi.
            Vào lúc tôi đưa hai tấm vé ra trước mặt đôi vợ chồng nghèo, họ đờ ra, họ dùng một ánh mắt nghi ngờ và sùng kính đăm đăm nhìn tôi, rất lâu không nói nổi lời nào. Tôi mỉm cười, tôi cũng không nói câu nào.
            Cô vợ bỗng hỏi: Chị mua vé chợ đen ư? Tôi lắc đầu. Thế vé này từ đâu ra? Tôi cười. Tôi không nói thật, tôi cũng chẳng biết vì sao, trước mặt họ tôi thấy không nên nói ra những lời thật thà sáo rỗng. Tôi chỉ bảo, vé là một người bạn mua, họ định về quê, nhưng công ty có việc đột xuất, họ không về được nữa, đành phải nhượng lại. Kết quả là may sao tôi lại biết tin, tôi vội vàng mua tặng họ. Tôi sợ họ nói đến tiền nên vội bổ sung: vé bạn tôi không lấy thêm đồng nào đâu, họ mà đi ra ga trả lại vé còn bị mất thêm tiền phạt trả vé nữa ấy chứ, hai bạn đương cần, lại cũng là giúp họ đỡ vất vả, giúp họ đỡ mất tiền nữa.
            Hai vợ chồng vui mừng khôn xiết, vừa nhận vé tàu vừa nhìn ngắm nó, vuốt ve tấm vé, rồi rút tiền ra đưa tôi. Tôi nhất định không lấy. Họ vội vàng nghiêm nghị bảo, chị mà không lấy tiền thì chúng em không dám lấy vé. Tôi đành nhận tiền.
            Ngày họ lên đường, họ đi sớm lắm, tôi ra ga tiễn họ. Tôi lặng lẽ mua một ít đặc sản và trái cây của Quảng Châu, vào lúc họ soát vé vào sân ga, tôi mới nhét quà vào túi vải gai đựng hành lý của họ.
            Thấy họ lúc lỉu túi lớn túi nhỏ, bên trong chất chứa có lẽ cũng toàn những đồ ít giá trị, nhưng trên mặt họ tràn trề niềm vui sướng hạnh phúc và nụ cười, tôi cảm thấy giây phút đó thật đáng giá để sống và cảm nhận.
            Họ cứ chốc chốc lại ngoái ra sau nhìn tôi, vừa xách túi vừa giơ tay gắng vẫy tôi thật lực, ngoác miệng cười, mắt lấp lánh vui vẻ, trong lòng tôi có một nỗi cảm động không tên. Lại có nỗi gì như muốn khóc, tôi cũng mỉm cười vẫy lại họ.
            Bóng họ khuất chìm trong đám đông, tôi không bỏ đi, tôi đứng lại, tôi dường như nghe thấy tiếng còi tàu, đó chắc chắn là của đoàn tàu đưa họ về quê, trên chuyến đó chắc chắn họ có hai chỗ.
            Đường về rất mệt mỏi, rất xa, nhưng đường về quê nhà luôn ấm áp.

Chương Mười Bảy

            Lần đầu tiên tôi thấy Tết thật nhạt nhẽo, lần đầu tiên tôi thấy đường về mệt mỏi thế. Suốt cả năm, tôi đã vui vẻ thế cơ mà. Khi tôi từ quê về lại Quảng Châu, tôi thấy đôi vợ chồng kia chưa lên.
            Tôi nghĩ, họ chắc lại không mua được vé tàu, lại chờ qua giai đoạn cao điểm mới lên. Tôi cứ lặng lẽ chờ, tôi ngắm cánh cửa kho chứa đồ cạnh phòng tôi, hy vọng, vào một ngày nào đó, sẽ thấy hình dáng quen thuộc.
            Họ lên rất muộn, một tuần sau Rằm tháng Giêng mới lò dò xuất hiện. Tôi mỉm cười chào họ, bưng bát chè tàu tôi mới mua sang cho họ ăn cùng.
            Cô vợ thảo luận với anh chồng: Cô muốn đẩy xe gỗ ba bánh đi bán trái cây hoặc quà vặt. Hỏi ý kiến tôi, tôi nói tốt lắm. Dù sao so với việc đi làm thuê cực khổ cho người ta thì buôn bán riêng cũng còn tự do hơn.
            Thế là hai vợ chồng họ bắt đầu mua một chiếc xe ba bánh gỗ cũ kỹ, mua một ít dứa, dưa hấu, tập luyện cách gọt dưa hấu và dứa cho nhuần nhuyễn rồi bắt đầu ra phố bán hàng, tằn tiện từng đồng. Ban ngày cô vợ đi một mình, tối đến cả hai vợ chồng đều đi bán, vì Quảng Châu rất lộn xộn, anh chồng không yên tâm, tối nào cũng cùng vợ bán hết hàng mới về. Ngày hôm sau anh lại đi làm từ sáng sớm.
            Thấy họ ân ái yêu thương, ra vào hàng ngày với nhau, tôi vừa ghen tị vừa vui mừng, tôi nghĩ, cho dù khổ sở, hai người cùng nhau gánh chịu, cũng coi như là ngọt ngào! Nếu tương lai có một ai đó nói với tôi rằng: Cho dù khổ sở tai ương, anh cũng ở bên cạnh em. Thì tôi sẽ khóc và sẽ đồng ý làm vợ của người ấy, cho dù tôi không biết tôi sẽ phải chờ người ấy xuất hiện bao lâu nữa.
            Có hôm đêm khuya lắm, họ chưa bán hết chỗ trái cây gọt sẵn, họ bèn mang về mời tôi ăn. Tôi cứ ăn một miếng lại đùa họ rằng, tôi đang ăn mất thêm một đồng của họ rồi.
            Thực ra tôi biết, chỗ chưa bán cũng không nhiều, họ có thể ăn, ngày thường họ cũng đâu dám ăn một miếng. Nhưng tôi biết họ sẵn lòng mời tôi, vì họ cho rằng trái cây ngon và bổ, họ sẵn sàng mời tôi cùng chia sẻ.
            Nhớ ngày xưa, khi đi học, ta thường được học những từ như cống hiến, vô tư, lương thiện. Nhưng không rõ từ khi nào, trong xã hội thay đổi này, từ điển của mỗi chúng ta đã mất đi những từ đẹp đẽ đó. Và tôi, khi đã lâu mới bắt gặp những cảm xúc này, tôi vui mừng khôn xiết, như đứa trẻ nhặt được bảo vật, tôi nghĩ tôi sẽ giữ gìn nâng niu, vào lúc nào tôi quên lãng, tôi sẽ lại lôi ra xem để nhắc nhớ chính mình.
            Hôm đó, tôi về nhà buổi chiều, tôi thấy cô vợ trong nhà, lạ quá sao cô không đi bán hàng. Tôi vừa cười hỏi đùa: Bà chủ, bà nghỉ làm sao? Cô vợ thấy tôi bèn cười buồn buồn, nói: Hôm nay em có đi bán nữa đâu, mất hết rồi!
            Mất hết? Bán rồi ư? Mất cắp? Tôi hỏi dồn dập. Cô trả lời: Tối qua, em bị các bác quản lý đô thị bắt được, họ đập nát xe em rồi.
            Đập nát xe rồi? Sao lại đập? Tôi đùng đùng nổi giận hỏi. Cô buồn bã lắc đầu, nói: Họ bảo ảnh hưởng mỹ quan đô thị, còn ảnh hưởng cả vệ sinh môi trường nữa! Họ có việc gì mà làm nữa đâu, suốt ngày chỉ đi đập các xe hàng rong mà thôi!
            Tôi ngạc nhiên đứng ngớ ra, đi bắt hàng rong? Bỗng dưng tôi thấy cồn lên một nỗi chua xót, cho dù có một trăm lý do để bắt họ, thì cũng có thể đập phá cướp bóc họ như vậy sao? Không thể giải thích cho họ sao? Dùng cái cách của thổ phỉ lâm tặc để hành xử sao?
            Cô vợ nghe tôi nói, cười bò ra, bảo: Em chỉ xót mấy chỗ dưa hấu với dứa thôi, ngon lành thế, gọt sẵn rồi mà còn bị vứt, chỗ chưa gọt thì bị đập nát vứt đầy đường, làm cho em cũng lẫn lộn cả, không biết là bảo bọn em bán hàng rong vứt rác bừa bãi, thì tại sao chính mấy ông này lại đập phá bừa bãi, tung toé khắp nơi?
            Nghe cô vợ nhận xét, tôi chẳng biết trả lời sao!
            Đúng, rốt cuộc ai là kẻ bẩn thỉu vứt rác tung toé? Là người bán dưa ư? Hay là người đập nát cả xe dưa?
            Ai mới là kẻ làm bẩn thỉu tung toé, là ai làm bẩn cả thế giới ta đang sống?

Chương Mười Tám

            Một chiếc xe ba bánh bằng gỗ cũ kỹ đáng giá bằng cả tháng sinh hoạt phí, một đống dứa và dưa hấu trị giá bằng nửa tháng tiền ăn, bỗng chốc giữa ban ngày ban mặt bị một đám cũng được gọi là người, như bạn, đập nát bét, mặc cho bạn kêu gào khẩn cầu, mặc bạn nói hết nước hết cái, mặc bạn nước mắt ròng ròng!
            Những đòn vọt vô tình đập nát tia hy vọng kiếm sống, những lời nói lạnh lùng chà đạp lên lòng tự tôn của bạn, những lời gào thét ra lệnh doạ nạt đáp lại sự khẩn cầu và ánh mắt nhìn đờ đẫn của bạn, như thế, trong một xã hội người với người được bình đẳng, bạn bị người khác xéo lên!
            Tôi có thể hình dung sự tan nát cõi lòng của cô vợ khi ấy, cách tuyệt vọng, lòng tự trọng đáng thương. Nhưng cho dù tôi đi tìm cách hiểu, tôi cũng không thể hiểu được cảm giác đau muốn chết ấy. Có thể, đó là bi kịch của đời sống, một thứ ranh giới bạn cho dù bất chấp cũng không được quyền vượt qua, chỉ có quyền đi tìm hiểu, nhưng không được quyền cảm nhận.
            Tôi nghĩ đến những gì đã xảy ra, nhưng chỉ còn biết cười buồn. Ngay cả việc nói một câu an ủi cô vợ tôi cũng không làm được, tôi thấy sức mình có hạn, thấy như thể sau khi được người khác trao ân huệ mà tôi không thể đền đáp nổi, một nỗi khổ sở đầy mâu thuẫn.
            Tôi rất muốn lại bỏ tiền ra mua cho họ một cỗ xe, nhưng cô vợ bảo cô chẳng dám đi buôn bán trái cây nữa, không phải sợ quản lý đô thị, mà là không chịu được cảnh những trái quả ngon tươi bị dẫm nát đập tung toé.
            Tôi nghĩ ra mấy cách có thể kiếm tiền, cô vợ thì bảo đồng hương đã giúp em một việc phát tờ rơi miễn phí, em thử làm xem sao đã. Tôi nhìn gò má gầy guộc của cô mà thấy đau lòng.
            Tôi bỗng dưng phát cơn đau răng, nửa mặt sưng vù lên, đau tới mức không nuốt nổi gì, mũi cũng bị chảy máu cam. Tôi đành xin nghỉ ivệc, đi khám răng ở bệnh viện.
            Mấy ngày uống thuốc, tiêm thuốc không khỏi, bác sĩ bảo răng sưng dẫn tới mấy bệnh vặt, lại tiêm, lại uống thuốc, vẫn vô hiệu, răng vẫn sưng đau, tôi vẫn bực bội khó chịu.
            Sau cùng, bác sĩ cho tôi nhổ răng trồng răng mới, lại đau đớn vài ngày, cuối cùng cũng khỏi, tính ra một chiếc răng đau tốn của tôi hơn sáu nghìn tệ. Giờ tôi mới biết, hoá ra hai mươi tám cái răng trong miệng mình có khi là hai mươi tám cục vàng đấy, phải giữ gìn.
            Thế nhưng xem tin buổi tối, về mảng tin y học trị liệu, có người đau ốm tốn tới cả triệu đồng tiền thuốc thang, tôi chỉ đau răng và mất có sáu nghìn tệ, còn rẻ chán.
            Tôi liên tưởng, có thể những khoản chi phí y tế khổng lồ kia của người ta, tôi không trả nổi! Có thể khoản sáu nghìn tệ của cái răng đau tôi trả được nhưng người khác lại không trả nổi! Và còn bao người bần cùng hơn tôi, là có bấy nhiêu người xem thường bệnh tật!
            Giá như có một ngày nào đó y tế miễn phí, tôi nghĩ, trên báo sẽ không có bài nói cô bé này mắc bệnh máu trắng cần cứu giúp, cũng không có người kia vì không tiền chữa bệnh nên tự sát, càng không có việc chữa bệnh cho một người xong mà cả gia đình tập trung nhau lại lên đường đi ăn mày.
            Sinh bệnh đâu phải tội? Là tội của thân thể ư? Không tiền cũng là tội? Tội của người nhà ư? Tiền chữa bệnh ngày càng đắt là lỗi của ai, lỗi của bác sĩ ư?
            Có thể ai cũng có lỗi, có thể ai cũng không có lỗi!

Chương Mười Chín

            Hôm đó, tôi ôm má nhịn cơn đau răng, nghĩ thầm chắc sáu nghìn tệ của mình công mất không mà vô ích rồi.
            Cô vợ từ sau khi bị đập xe hàng, chuyển sang làm nghề phát tờ rơi quảng cáo, thế nhưng nguồn sống ấy đâu phải ngày nào cũng có, cho nên bữa đực bữa cái đi làm hoặc ngồi nhà chơi. Hôm đó cô thấy tôi đang quỳ gối xuống ôm lấy cánh cổng bưng má đau, cô sợ hãi.
            Cô đập đập lên vai tôi, tôi ngẩng lên, cô mới thấy mặt tôi sưng vù. Cô xót xa hỏi: Sao vậy chị? Tôi lúng búng than: Xui quá, răng đau muốn chết.
            Cô vợ vội vã hỏi: Thế chị đi khám chưa? Tôi thốt lên qua kẽ răng đau: Khám rồi, mất sáu nghìn tệ rồi, răng vẫn đau, ruột lại xót nữa!
            Cô vợ bắt tôi há to ra cho cô xem, miệng lẩm bẩm: Sưng ghê thật, phải trị từ gốc. Chị cứ chờ em một tí. Nói đoạn cô chạy tuột vào phòng cô.
            Một lúc lâu sau, tôi thấy cô bưng một bát nước đen xịt sang bắt tôi uống, thấy thứ nước bẩn đó tôi nhíu mày. Cô cứ bắt tôi phải uống. Cứ thế, suốt mấy ngày, cô vợ đều bắt tôi uống thứ thuốc ấy. Kết quả là hết sưng, răng cũng không đau nữa. Tôi nghĩ chắc chắn là nhờ thứ thuốc này.
            Thì ra cô vợ sợ nơi đất khách ăn uống không quen thuỷ thổ lại bị nóng sốt, đã mang sẵn thuốc đông y từ quê lên, anh chồng thỉnh thoảng cũng hay bị đau răng nên mang kèm theo thuốc đặc trị. Thấy tôi đau quá, cô đã mang thuốc đó sắc cho tôi uống, không ngờ uống xong bệnh chuyển biến hẳn.
            Tôi nghĩ, thuốc cô đã cho tôi uống rồi, lỡ một mai chồng cô đau răng thì sao đây? Cô vợ cười: Không sao đâu ạ, anh ấy cứ cắn cắn vài cái là lại khỏi. Tôi đã biết thế nào là đau răng, cho nên tôi hối hận lắm vì đã uống mất thuốc của người khác.
            Tôi hỏi thuốc đắt không? Cô vợc cười: Không đáng gì đâu ạ, chỉ là cỏ cây thôi mà, quê em ở trên núi mọc đầy, cũng chẳng cần chế biến gì, mỗi thang thuốc chỉ vài đồng!
            Tôi đùa: Mấy đồng thôi ư? Thế thì sáu nghìn tệ của tôi chắc nuôi đủ? Cô vợ cười: Chúng em nhà nghèo, bệnh cũng không đi khám nổi, chỉ biết tìm những thầy lang, thuốc đông y sắc uống thôi! Sáu nghìn đồng để khám một cái răng sâu, ngay cả trưởng thôn em có cả đời cũng không được cái phúc ấy! Là thu nhập cả năm của bao nhiêu người đấy.
            Tôi nghe cô vợ nói, thấy lòng man mác. Sáu nghìn tệ, con số đó bắt đầu nặng nề trong tâm trí tôi.
            Cô vợ đột ngột hỏi một câu: Sinh con ở bệnh viện ở đây cần bao nhiêu tiền? Tôi trầm ngâm một lúc: Có lẽ phải vài vạn tệ! Cô vợ nhảy nhỏm lên: Vài vạn? Thế nếu chỉ đẻ thôi rồi đi ngay, không nằm viện thì sao? Tôi ngẫm nghĩ: Cũng phải hơn vạn tệ! Cô vợ ngồi thừ ra: Lúc sắp sinh đến nơi mới vào viện, cho bác sĩ đỡ đẻ hộ, đẻ xong em sẽ đi ngay, thế mà vẫn phải hơn vạn cơ ư? Em không dùng bất cứ thứ gì của họ, em chỉ mượn họ một lúc thôi, chỉ đỡ tay cho em là xong thôi mà.
            Tôi chưa hiểu ý cô nói, cũng không nghĩ lâu la, chỉ lo âu những bà vợ người làm thuê thu nhập cả tháng không đủ nghìn tệ kia mà vào thành phố, nếu lỡ có bầu, không kịp về quê sinh nở, thì họ lấy gì để bước qua cánh cổng của bệnh viện, sinh ra một đứa con khoẻ khoắn?
            Sinh tồn là quyền lợi của con người, nếu ngay cả quyền sinh tồn cũng bị tước bỏ, hoặc vì được sinh tồn phải bỏ ra một cái gì đắt như cắt da cắt thịt, cái sinh tồn đó còn xứng đáng với ý nghĩa ban đầu khi con người được trao tặng sự sinh tồn chăng?         
            Một sinh linh, một cái răng, một câu nói, cho tôi biết: sống = gian khó!

Chương Hai Mươi

            Đùi tôi ngày càng tròn, eo ngày càng phì ra, rồi mặt cũng tròn trịa, tôi thấy ngày càng béo ra, nên quyết định phải giảm béo!
            Giảm béo, đối với một người lười biếng vận động như tôi, là một việc khó khăn. Khắc phục được nó phải cần tới một điểm tựa, tôi định kiếm một người đốc thúc tôi, hoặc tìm một người cùng tôi tích cực giảm béo.
            Người đầu tiên tôi nghĩ tới là đôi vợ chồng cạnh nhà, cô ấy dù sao bây giờ cũng không bận bịu đi làm nữa. Tôi không trù trừ gì nói cho cô biết, cô không băn khoăn gì cả, đồng ý ngay.
            Từ đó, mỗi sáng mỗi tối cô đều chạy bộ cùng tôi, đi tập luyện cùng. Lần nào tôi cũng hài hước bảo cô: Tôi tàn nhẫn quá, đi tìm một người gầy da bọc xương như cô để cùng nhau giảm béo! Cô thường động viên tôi: Rèn luyện thân thể có ích cho sức khoẻ, gầy hay béo thì tập luyện cũng đều tốt.
            Tôi thường hơi áy náy mỗi khi thấy cô vợ đi tập luyện với tôi mà ngày càng gầy đi, nhưng mỗi khi thấy nụ cười sáng rạng rỡ của cô tôi lại thấy yên tâm. Tôi chỉ biết lấy cớ là đang giảm béo, mang tất cả đồ ăn ngon sang cho cô, bắt cô phải nhận lấy, mắt cô thường chan chứa sự cảm kích. Và cô lại dốc sức ra kèm tôi tập luyện như để trả ơn.
            Nhưng tôi nằm mơ cũng không ngờ rằng, hôm sau ngày Cá nói dối 1/4, cô đến chào tôi đi: Cô phải về quê! Tôi cứ tưởng cô đùa vì hôm qua ngày Cá nói dối cô chưa kịp đùa tôi, nào ngờ tôi đã nhầm, cô thực sự về quê! Vì cô đã có thai năm sáu tháng rồi!
            Vốn cô vợ định ở lại đây sinh con, nhưng sau đó nghe tôi nói sinh ở thành phố phải trên một vạn tệ, cô quyết định về quê sớm, ở quê chờ sinh. Cô sợ nếu chậm trễ, chờ đến lúc gần lâm bồn thì đi tàu xe về lỡ mất, nên cô phải đi ngay từ bây giờ.
            Tôi kinh hãi, không biết nên nói gì. Trong đầu tôi chỉ có hình ảnh, cô đang mang thai, tôi còn bắt cô phải chạy theo tôi để tập luyện giảm béo! Tôi căm ghét chính tôi, để một người phụ nữ bụng bầu năm sáu tháng chạy theo đằng sau, nhìn mà không phát hiện ra, là do tôi ích kỷ hay tôi chỉ nghĩ đến bản thân tôi? Hay là tôi đã vô tình quên cả người khác?
            Nghĩ tới việc hàng ngày cô vẫn tươi cười, chưa hề có nửa lời trách móc hay oán than tôi, lần đầu tiên tôi thấy mình độc ác quá. Tôi khinh rẻ chính tôi, tôi căm thù thói quen điềm nhiên đón nhận sự nhường nhịn của người khác.
            Nhìn kỹ, thấy cô gầy rõ ràng đi, nên tôi càng ăn năn. Có lẽ mỗi ngày cô đều đùa với tính mệnh khi chạy bên tôi, về nhà lại ăn không đủ no, ngày hôm sau mới sáng sớm vác bụng đói chạy tiếp, đứa bé trong bụng cũng bị đói, sao mà đành lòng nổi?
            Vào lúc tôi ăn to nuốt lớn, dồi dào mỹ vị để mình béo lăn quay, lại bắt một người mẹ mang bầu không đủ cơm ăn cũng phải đi tập cùng mình? Sự tàn nhẫn ích kỷ ấy thuộc về bản chất?
            Tôi thấy từ đầu tới giờ tôi nào có cao thượng gì, tôi vẫn nguyên vẹn là người thô lỗ khinh khi như lúc lần đầu nhìn thấy họ, tôi chỉ dùng họ để lấp vào che đậy tính ích kỷ của tôi, nhưng rồi cũng thất bại, bản chất của tôi đã in dấu rõ ràng, đã in vào sâu trong tâm hồn tôi!
            Tôi bắt đầu hối hận, không tha thứ cho mình, thấy mình thật không xứng làm bạn của họ, dù tôi từng là bạn, nhưng tôi không đủ tư cách là bạn, tôi chỉ là một đứa ích kỷ, không có tư cách đi xin họ tha thứ!
            Cảm giác ấy thật đau, thật tê dại.

Chương Hai Mươi Mốt

            Họ dường như không phát hiện ra những gì tôi đang nghĩ, họ chỉ dùng một giọng buồn bã để tạm biệt tôi.
            Cô vợ một mình về quê, để đỡ tốn tiền, cô không để cho anh chồng đưa đi.
            Tôi không biết một cô gái bụng bầu, xách túi lớn túi nhỏ thế kia, chen chúc trong đám đông nhếch nhác lên được cửa toa tầu, rồi một mình đơn độc về nhà thế nào. Nhưng tôi biết, nếu là tôi, tôi không làm được, tôi không đủ dũng cảm, tôi không đủ sức!
            Mấy hôm sau, anh chồng dọn đi, vì anh thấy một mình ở trong một gian phòng thuê mấy trăm đồng một tháng là quá hoang phí, tiền kiếm được toàn tiêu vào đó hết, để tiết kiệm, anh chọn cách ở miễn phí, tức cùng một đám cửu vạn sống trong túp lều mái phủ bạt dưới gầm cầu. Vào lúc anh chồng sắp đi, tôi đưa cho anh một phong bì, trong phong bì có bức thư tôi viết cho cô vợ và một tấm thẻ rút tiền ngân hàng. Tôi dặn dò anh, bất kể thế nào, lúc về quê cũng phải đưa thư cho vợ. Anh gật đầu nhận lời, nói chắc chắn: Em đảm bảo sẽ hoàn thành nhiệm vụ.
            Từ đó căn phòng trữ đồ cạnh phòng tôi để trống, bà chủ nhà nói có thể vứt cái ghế sô-pha cũ của tôi vào đó, nhưng tôi không cất, mỗi lần đi qua đấy, tôi đều dừng lại, ghé mắt vào trong hoặc nhìn nó rất lâu, rất lâu.
            Từ đó về sau, tôi không còn gặp lại đôi vợ chồng ấy nữa. Tôi không biết anh chồng có còn ở trong túp lều chăng bạt dưới gầm cầu mà anh nói đó không, cũng không biết anh liệu có thời gian về quê để đưa cho vợ bức thư mà tôi dặn không, càng không biết ở nơi quê xa, nơi mà tên là gì tôi cũng không biết ấy, cô vợ liệu có bình an không.
            Chỉ có điều, từ sau ngày họ ra đi, tôi bắt đầu thích đi giày đế bệt, bởi cảm giác rất thật, rất thật, tới mức độ, tôi nghĩ có thể sáng mai ra tôi sẽ học cách dọn nhà cho chính tâm hồn mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com