Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
30/6/12

Thần nữ đi chân không - Trần Thùy Mai

Thần nữ đi chân không
Trần Thùy Mai

            Đêm đã khuya. Nhà vua ngồi trước án thư, nghe quan Thượng thư Trịnh Hoài Đức đệ trình biểu chương từ các tỉnh tâu về. "Tâu Hoàng Thượng, phủ Thừa Thiên đã xây xong đền thờ bà cụ chèo đò; Đã khắc văn bia trong đền, kể chuyện Đức Kim Thượng tẩu quốc qua đây được bà cụ đưa sang sông. Vừa khi đó quân Tây Sơn truy đuổi, cũng bắt chở sang, bà cố ý trùng trình chậm lại, quân Tây Sơn tức giận chém chết...
            - Trẫm nhớ, nhớ rõ lắm...
            Nhà vua gật đầu, trong đôi mắt uy nghi hiện rõ những ngày gian khó năm xưa. Nếu không có lòng nhân từ của bà cụ thì giờ đây chắc gì còn có con người đang ngự trên ngai vàng sập ngự này. Mà lúc đó bà cụ có biết ngài là ai, sẽ làm gì đâu. Chỉ thấy trước mắt một con người đang cần che chở...
            - Tâu Bệ hạ, các tỉnh khác cũng đã có biểu dâng sự tích xin phong. Ở Phú Quốc, có chuyện cá sấu quy phục Bệ hạ, trâu nước chở Bệ hạ qua sông, ở Quảng Nam có con sói và con rái cá cứu Bệ hạ thoát nạn, lại có thần nữ trong núi hiện ra dâng cơm cho ngài...
            Nhà vua lắng nghe, không bỏ sót một chi tiết nào. Tất cả đều là chuyện của ngài. Đa số là do ngài kể, sơ sài thôi, sau đó Trịnh Thượng Thư nhuận sắc lại, cho sao lục gửi các quan ở tỉnh. Có nhiều chuyện được quan Thượng thêm thắt hay đến nỗi ngài không nhận ra chuyện của mình nữa.
            "Tâu Bệ hạ, ở những nơi có sự tích, xin triều đình cho quan địa phương xây đền thờ, tỏ rõ triều đình không quên công nghĩa...”
            Nhà vua ngần ngừ. Quan Thượng Trịnh là người văn nho nổi tiếng. Vì vậy ngài không thể không tự khiêm một chút. Trịnh tô vẽ như thế, biết đâu trong lòng chẳng có chút cười thầm. Phê chuẩn ngay, không chừng trong bụng hắn lại cho ta là gã hoàng đế háo danh, tệ hơn nữa, hắn sẽ nghĩ cái danh này ta có là nhờ ngòi bút trong tay hắn? Vì vậy, ngài nhìn như soi vào mắt quan Thượng Thư:
            - Làm đền rải rác từ Phú Xuân vào đến Phú Quốc như vậy, tất phải hao sức dân. Việc xây kinh thành vừa qua cũng làm tốn công quỹ nhiều rồi, các khoản khác, ta e chưa nên vội.
            Trịnh Hoài Đức rạp mình:
            - Tâu Bệ hạ, cung điện phải uy nghi lớn đẹp, nhưng đền miếu thì không cần phải kỳ vĩ lắm, cốt là việc thờ tự tinh sạch chí thành! Hơn nữa, một ngôi đền dựng lên, việc thờ cúng không phải chỉ đôi năm mà còn diên trì đến một trăm hai trăm năm, có khi cả ngàn năm! Dân chúng rồi đây sẽ mỗi năm cúng tế, truyền tụng về sự tích, sẽ biết bệ hạ có chân mệnh đế vương, được thần giúp, người giúp, cỏ cây muông thú cũng giúp; Dù có yết bảng, rao truyền, chép vào sử, cũng không lời lẽ nào mạnh bằng ký ức của những ngôi đền!
            Trịnh Hoài Đức ngẩng lên, mắt sáng ngời, như muốn nói: "Thần vì nước, nhà, vì uy đức lâu dài của Bệ hạ, chứ có phải là kẻ xu nịnh tầm thường đâu!” Như hiểu ánh mắt ấy, vẻ mặt Nhà vua dịu lại, ngài cầm bút rồng chấm son, phê chuẩn vào bên sớ tấu. Phê xong, ngài nhìn quan Thượng Thư,vẻ mặt hòa dịu, lòng thầm nghĩ "Ta cũng vì nước nhà, vì lợi ích vương triều về sau, chứ có phải thích nghe quần thần xoen xoét ngợi ca những câu chuyện " tẩu quốc" đó đâu!".
            "Chuyện đó có thiệt không má ?" Bé Ngoạn hỏi. "Chuyện chi con?" "Chuyện con chó rừng với con rái cá giúp nhà vua khỏi bị giặc bắt, chuyện thần nữ dâng cơm khi vua qua núi". "Ai nói với con ?" "Quan đòi dân làng mình đi gánh vôi, gánh gạch làm đền, đi về ai cũng kể vậy má à ." Nàng Tấm không dừng tay trên khung cửi, tủm tỉm cười. "Con có tin không?"

            Cả con chó rừng lẫn con rái cá đều được phong chức tước, dù là đã chết. Miếu thờ ở đầu ghềnh, chữ vàng chói lọi. Dân trong vùng trung du này đâu mấy ai biết chữ, chỉ nghe quan trên đọc: "Lang lại nhị đại tướng quân chi từ". Khi xây đền, dân đinh đều phải tề tựu làm thợ, bé Ngoạn mang quà bánh đến bán nên biết. Ngày ấy, đức vua lánh nạn qua đây, gặp khi giặc đuổi kíp quá, phải ẩn mình trong bụi cỏ rậm bên bờ khe. Chó săn của giặc bắt hơi người, xúm lại, giặc hằm hằm kéo nhau xông tới... Vừa lúc đó có con rái cá từ trong bụi nhảy ra, chạy một mạch vào rừng rậm, bầy chó săn chuyển hướng, ào ào chạy theo. Nhà vua thoát nạn, kiệt sức nằm đói lả bên suối. Vừa lúc đó có thần nữ hiện ra dâng cơm, nói rằng vì ngài có chân mệnh đế vương, vì vậy sai rái cá cứu ngài, lại sai chó rừng đưa đường. Ngài ẩn lại trong khe núi thêm ba ngày đêm chờ quân truy lùng rút hết, rồi nhờ con chó rừng dẫn lối, tìm đường lần được vào Nam...
            Bé Ngoạn kể xong cũng vừa lúc Nàng Tấm nấu chín nồi cơm khoai, đặt trên chõng tre. Chút mắm cà, mấy ngọn rau lang luộc bày trên cái mâm nan đã cũ. "Con chó rừng ấy là chó thần, má hỉ ? Nó lanh lợi thông minh biết đưa đường cho vua. Không có lười nhác nghễnh ngãng như con Vàng nhà ni." Như biết người ta đang nhắc tới mình, con chó già nằm trên ngạch cửa quay lui, đôi mắt đầy ghèn hấp háy nhìn. Nàng Tấm phủi chân lên chõng ngồi, bới cơm khoai vào mấy cái bát mẻ, bảo:
            - Đừng nói mà nó tủi. Chính nó đưa đường cho vua chứ còn ai!
            Bé Ngoạn phá ra cười . Chó thần đang được đúc tượng ngoài đền, được người ta rạp mình cúng bái. Con chó này tha thẩn ở bậu cửa, lông rụng gần hết, cả ngày chỉ dỏng tai chờ chủ ném cho nắm cơm...
            Hai má con cứ cãi nhau chuyện con chó. "Con không tin, đợi gặp vua cứ hỏi thì biết !" Nàng Tấm bảo. Nghĩ tới gặp vua, Bé Ngoạn sướng mê người. Nhưng má chỉ nói cho vui, ngay đến quan phủ cũng còn chưa chắc thấy mặt vua nữa là.
            Chỉ hôm sau cả làng đều biết chuyện Nàng Tấm bảo con chó già là Lang tướng quân trong đền thờ!
            "Má mày điên rồi!" Ai cũng nói vậy, khiến Bé Ngoạn không chịu nổi, khóc tấm tức chạy về mách mẹ. Nàng Tấm tức mình: "Đã thế, má con mình dẫn con chó ra kinh thăm nhà vua thật, để cho họ hết nói".
            "Lấy chi mà đi hở má, đường ra kinh xa lắm!"
            Nàng Tấm cười: “Má vừa đi vừa hát rong, múa võ. Bây giờ thời bình, người ta làm ăn khá, nhiều người ngoài chợ có tiền, mình không lo đói đâu con à".
            Bé Ngoạn sướng quá, lại chạy đi rao khắp nơi trong xóm. Ngày mai lại, mẹ con Nàng Tấm lên đường. Cả làng đều cười, bởi Nàng Tấm, con gái nhà họ Tống lâu nay đã được xem là đứa con gái dở hơi, chẳng giống ai.
            Sau chiến tranh, thành Phú Xuân vừa đắp lại xong, cung điện vẫn còn đơn sơ lắm. Phố chợ điêu tàn nay cũng chỉ mới bắt đầu vượng lại. Nhưng cái sinh khí bừng bừng của buổi đầu đế chế như tiềm tàng trong từng chuyến xe, từng phiên chợ, khiến cả kinh thành lúc nào cũng đầy sức sống.
            Quan tướng theo Nhà vua dựng nghiệp đa số là người trong Nam, nay họ ra kinh làm quan trong triều, kinh thành đầy những gia nhân quyến thuộc của họ, giọng Nam bộ vang lên khắp các nẻo đường. Người cả nước làm ăn buôn bán dồn về, thợ khéo các vùng cũng tụ hội. Trong không khí ấy, chuyện một người đàn bà lam lũ dẫn một đứa bé và một con chó gầy đi giữa kinh thành cũng không làm ai ngạc nhiên hay chú tâm cho lắm. Và khi người đàn bà ấy đến thẳng Ngọ Môn, đưa ra một cái túi gấm, đòi vào thăm vua, mà không bị lính canh xua đuổi, lại còn cho người phi báo đến tận ngài ngự, là chuyện chỉ có thể xẩy ra vào buổi đầu đế chế mà thôi.

            Báo là báo thế thôi, chứ tốp lính Dực Chấn giữ cổng kinh thành hôm ấy cũng chẳng tin vua lại cho vời... Vì vậy, khi thấy quân đem kiệu ra rước, cả toán trợn tròn mắt nhìn nhau. Rồi chỉ trong vòng nửa buổi, khắp hoàng cung ai cũng thì thầm rỉ tai cái tin nóng hổi: Người đàn bà ấy là cố nhân của Đức Kim Thượng, ngài đã nhận cả mẹ lẫn con, nay mai sẽ phong mẹ làm phi, con làm công chúa!
            "Còn con chó già thì..."
            Thái giám Mai Hỷ dè dặt hỏi vua. Nàng Tấm nhanh nhẩu:
            - Chó của ta đã là Lang tướng quân, còn phải phong gì nữa.
            Nhà vua hơi lừ mắt, bụng nghĩ: Sao nàng dám cướp lời trẫm, phi tần đâu ai dám thế. Nghĩ vậy nhưng ngài không nói ra, bởi cũng biết tính nàng chất phác, thôi để từ từ sẽ uốn nắn sau.
            Trong khi đó Thượng thư Trịnh Hoài Đức đang chờ trong nội tẩm. Từ khi hòa bình trở lại, Trịnh Thượng Thư đã trở thành bề tôi tâm phúc, việc gì nhà vua cũng hỏi ông, khiến nhiều võ tướng có công đầu trong thời chiến nhiều khi phải chạnh lòng, nghĩ rằng đã đến cái thời binh giáp bị xếp xó, văn thần được trọng vọng.
            Hôm nay khí sắc Trịnh không vui, xem chừng có điều lấn cấn trong tâm tư. "Tâu Bệ hạ, đền đã xây xong. Khắp trong dân gian đã truyền tụng câu chuyện thiêng liêng. Bây giờ lại xuất hiện người thật, chó thật. Rồi thì thiên hạ sẽ nghĩ sao về những miếu đền khác?"
            Nhà vua chưa vội nói ngay. Ngài vẫn giữ cái nết điềm tĩnh thời còn bôn tẩu, vốn làm cho ngài rất được lòng kẻ dưới. Khi nào có xung đột ý kiến, ngài vẫn kiếm chuyện nói đùa cho qua:
            - Người ta vẫn nói dù anh hùng cái thế cũng khó qua cửa ải mỹ nhân.Trẫm cũng là mày râu, chuyện hoa lá bên đường cũng thường thôi mà.
            Ngài là vua, sao có thể là người bình thường được.Trịnh Thượng thư nghĩ thầm, giọng ông nguội lạnh:
            - Thần nghe thái giám Mai Hỷ bảo đang chọn ngày làm lễ nạp phi long trọng. Theo ý thần, việc này chỉ nên làm gọn, xem như chuyện nhỏ trong hậu cung, càng ít người biết càng tốt.
            Nhà vua gật đầu - Gật là gật vậy, nhưng ý ngài lại khác hẳn:
            - Trịnh khanh, trẫm lại có ý thế này...
            Nhà vua hạ giọng: “Năm ngoái, do đình thần sơ suất trong việc ghi công mà thành ra trẫm đã phải mang tiếng vì chuyện quên công của Văn Báo...”
            Trịnh giật mình, rạp người: “Tâu vâng, đó là lỗi của thần.” Văn Báo, người hầu không biết chữ, không chức tước, vào thời Nhà vua còn lẩn lút ở miền Nam đã dùng thân mình che cho vua, lãnh mười mấy nhát dao, khắp thân mình đầy sẹo. Sau khi đại định, vua thưởng công cho các tướng theo phò từ thời nguy khó, thế nào lại quên mất Văn Báo. Cũng dễ hiểu vì mười mấy năm qua, bao nhiêu việc xảy ra, nhiều người theo vua thưở ấy đã thăng tiến đến những chức vụ lớn, trong khi Văn Báo do dốt nát nên chỉ là một người hầu luống tuổi ở lại trong Nam. Trịnh Thượng thư quên, nhà vua làm sao mà nhớ, đến khi Hoàng hậu nhắc, nhà vua cho gọi thì Văn Báo chạnh lòng, lấy cớ lưu luyến mẹ già, nhất định không chịu ra lãnh ơn sủng của triều đình. “Thật là Trẫm ân hận không kể hết. Bây giờ nhân chuyện đền ơnTống thị, vừa là đạo vợ chồng, vừa là việc công nghĩa, cũng tốt đẹp lắm chứ, sao không làm rỡ ràng cho thiên hạ biết ?”
            Là người rất tâm lý, Ngài nói đúng theo cách nghĩ của Trịnh Thượng Thư. Chứ thật ra trong lòng ngài không đến nỗi vụ lợi như thế, lòng ngài vẫn nhớ cái tình nồng nàn của Nàng Tấm cái đêm qua truông ấy.
            Trong một góc viện Đoan Trang, mẹ con nàng Tấm hí hửng vui mừng. Thái giám đã truyền, tối nay sau chuyến đi thăm xưởng đúc súng ở phường Đúc về, Nhà vua sẽ ngự nơi đây.

            Thị nữ mời Nàng Tấm chải đầu, xức dầu, mang áo lụa và hài thêu. Bé Ngoạn nhìn mẹ trong bộ quần áo kiểu cách, cô bé bụm miệng cười nghiêng ngả. Nàng Tấm nhìn mình trong gương rồi cũng bật cười. Nàng tháo hết các thứ y phục lỉnh kỉnh ra, mặc lại bộ bà ba đen.
            - Bẩm bà, đây là quy định trong cung, xin bà đừng sơ suất mà phật ý thánh thượng.
            Thái giám Mai Hỷ nói, mặt mày nặng chình chịch. Ông là một thái giám già từ thời Chúa Nguyễn Phúc Thuần còn sót lại. Hồi còn chiến tranh, vua và cung quyến sống gần dân nên lời ăn tiếng nói, cách xử sự cũng rất đơn giản, những kiểu cách quý tộc giản lược gần hết. Bây giờ, hoàng hậu phải tìm cho được thái giám của tiền triều, giao cho việc khôi phục lại lễ nghi phép tắc ngày xưa.
            Nhưng nàng Tấm chẳng quan tâm gì chuyện đó. Lễ nghi phép tắc gì, nàng đâu cần biết, với nàng chỉ có người đàn ông mà nàng đã cứu sống bên bờ suối, đã giấu trong căn chòi canh bẫy nơi bìa rừng. Khi ông ta nói về ngày “đại định “ nàng đã phá ra cười, khi ông đưa cái túi gấm làm vật ghi nhớ nàng cũng thờ ơ nhét vào dưới chiếu. Đến lúc ông cùng con chó khuất bóng trong rừng rồi, nàng mới òa khóc nức nở, để rồi hơn mười năm sau cứ khư khư giữ mãi cái túi, không phải vì nó làm bằng gấm thất thể hảo hạng mà vì hơi người của ông dường như vẫn còn mãi trên đó không phai.
            Trời tối. Từ điện Càn Thành, một ngọn đèn lồng màu vàng xuất hiện, rồi tiếp theo là hai dãy lồng đèn bánh ú song song đang từ từ di chuyển càng lúc càng đến gần. Nàng Tấm cố nhìn, trong bóng đêm, hiện ra chiếc kiệu ngự sau hai hàng thị nữ cầm đèn soi đường. Nhà vua đã đến!
            Đêm ấy thật là vui. Nàng Tấm và Bé Ngoạn vui đùa ríu rít quên hẳn mình đang ở trong cung điện. Nhà vua cười sảng khoái, tưởng mình đang ở trong cánh rừng ngày xưa. "Này, một ngày nào đó ta sẽ cùng nàng về thăm dòng suối chảy qua làng Hòa, sao lại không nhỉ?"
            Khi Bé Ngoạn đã ngủ gật và được thị tỳ bồng đi nơi khác, những ngọn nến dần tắt. Rất nhiều cành lá được cắm trong phòng, nàng Tấm đã cho cắm nhiều lá xanh để đỡ nhớ rừng. Nhà vua nhìn quanh, cảm thấy như đang nằm trong túp lều bên dòng suối Ồ Ồ ngày trước. Nàng Tấm ở bên ngài, thân thể nàng khỏe mạnh, vóc vạc thô ráp, mùi mồ hôi nồng mặn. Đúng là Nàng Tấm của đêm ấy, nhưng sao hôm nay ngài thấy khang khác. Tay ngài chạm vào lớp vải áo thô. “Áo la nhu của cung phi mặc khi hầu ngự, chúng nó không cấp cho ái khanh sao ?” Nàng Tấm vòng tay ôm chặt mình rồng:”Dạ có, nhưng em mặc không quen.”
            Nhà vua bật cười. Ngài nhớ ra lúc nãy khi vừa đến, thấy nàng đi chân không ra đón. Chân vua chạm vào chân nàng, thấy rõ những cục chai lớn. Bỗng nhiên nàng Tấm ngượng ngùng, rụt chân lại:
            - Em sợ nhất phải đi hài ... Cứ bước đi là chúng rơi ra.
            Vua cười rất to, rồi kéo nàng vào lòng . Bỗng ngài hơi khựng lại. Mười năm trước, trên cái chiếu xô xảm, mà sao da thịt nàng nõn nà như lụa. Bây giờ nằm trên đệm lông chim, thân thể nàng lại không có được cái mát dịu như xưa, là sao nhỉ? Nhà vua chặc lưỡi, mười năm đã qua, nàng khác trước mà mình nay cũng khác trước rồi. Nhưng mấy chữ ân nghĩa thì không thể nào thay đổi.
            Nghĩ thế nhà vua lại ôm chặt nàng vuốt ve, trìu mến vô hạn.
            Những hôm sau Nàng Tấm và Bé Ngoạn vẫn có ý chờ, nhưng chẳng thấy vua quay lại. Ánh đèn lồng mỗi đêm vẫn xuất phát từ điện Cần Chánh rồi đi vào khu vực nội cung, nhưng dừng lại ở nơi khác, không đến chỗ mẹ con nàng. Thái giám Mai Hỷ bảo:
            - Cung phi nhiều lắm, ơn vua phải đều khắp . May lắm thì một tháng sau ngài mới quay lại.
            Nói rồi ông quay đi, lạnh lùng. Ông vẫn còn giữ nhiều thói quen thời tiền triều, trong đó có thói quen nhận tiền trầu nước từ các cung phi, có khi đến vài chục lạng . Khắp nội cung không ai là không biết, trừ Nàng Tấm.
            Nàng Tấm buồn, Bé Ngoạn cũng buồn. "Má ạ, con Vàng đi đâu cũng bị người ta xua đuổi. Người ta bảo nó già, hôi lắm, chắc không để lâu trong cung được." Nàng Tấm bảo: "Cha con đã dặn thị nữ phải phục dịch nó chu đáo mà. Rồi khi nào gặp cha con, má sẽ nhắc".
            Nhưng hai tháng sau vẫn không thấy nhà vua đến.
            Bộ Lễ đã dâng lên nhà vua ngày lành tháng tốt để làm lễ nạp phi. Lễ sẽ được tổ chức long trọng, rình rang hơn hẳn các lễ nạp phi từ trước. Ngày nào Thái giám Mai Hỷ cũng đến, bắt Nàng Tấm đứng lên, quỳ xuống...
            Suốt ba tháng, Nàng Tấm phải tập đi, tập đứng, tập nói, tập quỳ. Nhà vua vẫn không hề đến .Thị nữ an ủi Nàng Tấm: Thánh thượng trăm công ngàn việc...
            Đêm đêm, hai mẹ con ngồi dựa cửa, nhìn hai dãy đèn lồng di chuyển trong sân hoàng cung.
            Ngày lễ đến. Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên từ phía điện Phụng Tiên. Kiệu đỏ dừng trước thềm cung, chờ đón Nàng Tấm đến đền. Nhưng trong cung, cảnh náo loạn đang diễn ra: đoàn thị nữ tìm cuống lên mà chẳng thấy Nàng Tấm đâu cả.
            Nàng Tấm, Bé Ngoạn và con Vàng, cả ba đang trên đường tìm về làng cũ. Một tháng sau về tới quê nhà, họ đi qua miếu thờ Lang lại nhị đại tướng quân, rồi qua đền thờ Khuông Phò Thần nữ. Cuối cùng thì đến gian nhà cỏ chênh vênh bên bờ suối, nơi xuất phát tất cả những chuyện thần kỳ đang được nhang khói ngoài kia.
            Dân trong thôn nghe nói nàng Tấm về, kéo nhau đến hỏi, chuyện kinh thành ra sao ? Nhưng nàng chẳng nói một lời nào, lẳng lặng cầm cây cuốc, bước ra ngoài nương.
            Mấy hôm sau bé Ngoạn khóc mếu bảo mẹ:
            - Má ơi, con nít trong làng xúm nhau nói má con mình nói dóc, đi lang bạt ở đâu đâu rồi về bịa đặt ra chuyện vào cung.
            Nàng Tấm ôm con vào lòng, an ủi:
            - Thì cứ xem như mình chưa hề vào cung, con à.
            Người trong thôn bảo nhau con bé Ngoạn đi giang hồ theo mẹ lâu nay, bây giờ lại sinh cái chứng khùng, lâu lâu hái hoa cài đầy đầu, tự xưng là công chúa. Những lần theo mẹ lên nương, bé Ngoạn ngồi bới khoai dưới nắng, miệng lầm bầm:
            - Tụi nó cứ trêu chọc con, rồi có ngày cha con đến đây tìm, con sẽ cho nó biết.
            Nàng Tấm vung cuốc, cuốc xuống luống đất xốp đầy cát.
            - Nhà vua chắc không nhớ đường vào đây đâu, con à!
            Đúng như vậy, không ai đi tìm họ cả. Tuy vậy sau này trong sử sách cũng còn ghi một dòng trong phần viết về con cái của nhà vua: "Công chúa thứ sáu, mẹ là thứ nhân họ Tống".

27/6/12

Những chuyện cổ về giăng - Vũ Bằng

Những chuyện cổ về giăng
Vũ Bằng

Thằng Cuội
(cổ tích Tàu)
            Có hai anh em nhà kia, một năm trời làm đói kém mất mùa phải rủ nhau đóng một cái bè nhỏ để vào rừng đẵn củi. Trong khi người anh mò mẫm vào rừng và lặn suối trèo đèo tới được chỗ nhiều cây thì người em ngồi ở bờ lau để canh bè và bỗng trông thấy một con hổ nhỏ. Con hổ đó, anh ta lại tưởng là con chó, bèn bắt liền và đem vặt trụi lông để đem thui. Thì vừa may lúc ấy người anh đi kiếm củi về, biết đó là con hổ, anh ta bèn bắt em đem ngay lại chỗ bụi lau vứt đấy, kẻo con hổ mẹ về thấy mất con nó oán thì nguy hiểm lắm.
            Người em vâng lời anh dặn đem con hổ con giả lại bụi lau, thì ngay lúc ấy con hổ mẹ vừa về và trông thấy con nằm giãy chết mà lông thì bị cạo. Lập tức con hổ mẹ bèn ngứt mấy cái lá cây xuống nhai rồi nhổ vào xác con con: một lát sau, con hổ con sống lại và hai mẹ con con hổ đem nhau vào rừng, để lại chỗ lá cây còn thừa ở đó.
            Ngồi rình từ nãy ở trên một ngọn cây cao, người đàn ông kia để cho hai con ác thú đi rồi, bèn leo xuống và nhặt lấy chỗ lá cây kia, trở lại chỗ anh chờ nhưng tuyệt nhiên không kể lại một tí gì về những cái mà anh ta vừa thấy. Chiếc bè lại rẽ sóng mà đi, hai gã thanh niên nọ ra khơi và cứ thẳng đường mà tiến thì bỗng nhiên thấy ở trên mặt nước một con chó chết bập bềnh trôi theo dòng nước trong xanh, mình đã trương lên mà lưỡi thì lè ra, xanh lét như là rêu nước vậy. Tức thì người em cho mấy cái lá cây vào miệng nhai, nhai rồi rịt cho con chó: con chó sống lại liền và theo hai anh em nhà nọ đi về nhà.
            Con chó ấy là một con chó tinh khôn lắm. Một hôm nó nghe thấy một ông lão phú gia than khóc một người con gái vừa mới mất, ông già ấy kể lể rằng nếu ai làm cho con gái mình sống lại thì bao nhiêu của cải sẽ đem biếu hết và gả con gái cho là khác. Con chó bèn về nhà tìm chủ và cắn cái tà áo lôi đến nhà ông lão nọ. Người con gái ông lão sống lại liền, và ông lão giữ lời hứa gả con cho anh chàng nọ và tặng hết cả tiền tài châu báu.
Anh ta bèn dắt vợ về nhà. Và ở giữa sân nhà anh ta, anh ta lấy chỗ lá còn thừa lại đổ giồng xuống đất. Chẳng bao lâu, một cái cây xanh tốt mọc lên, cái cây ấy chính tên là cây đa vậy. Anh ta dặn vợ phải chăm chút cây đa và ngày nào cũng phải tưới, nhất là những ngày anh ta có việc phải đi xa vắng.
            Một hôm anh ta vắng nhà, hàng xóm láng giềng nhân có tính đố kỵ và vẫn thù ghét anh ta vì có cây đa thần cải tử hồi sinh được người đời, họ bèn bảo nhau đến giết vợ anh ta để xem anh ta có cách cải tử hoàn sinh chính vợ mình hay không. Thì y như rằng, anh ta cải tử hoàn sinh được vợ anh ta thực; những người ở chung quanh đấy sợ thất đảm, bèn bảo nhau lánh cả đi, nhưng chẳng bao lâu, họ lại rình giết được người đàn bà khốn nạn đó lần thứ hai và lần này thì cẩn thận hơn lần trước, họ lại mổ bụng ra lấy cả ruột gan đem vứt một chỗ thâm sơn cùng cốc. Đến khi người chồng về thấy vợ chết một cách dữ dội như thế thì trơ ra không biết làm cách nào để cứu sống lại nữa, nhất là nghĩ mãi cũng không ra cách gì để thay gan ruột khác cho người bạc mệnh kia.
            Sau cùng, anh ta gọi con chó lại mà rằng: “Chó ơi, tao nuôi mày và chăm chút mày như thể bố tao; tao cứu sống mày; tao có công ơn với mày. Bây giờ đây vợ tao bị chết một cách rất đau thương, gan ruột đều mất hết, vậy tao xin mày một điều này: mày nằm xuống để tao lấy gan ruột của mày để thay gan ruột của vợ tao”.
            Con chó vâng lời chủ. Chủ nó lấy lá đa rịt cho vợ, làm cho vợ sống lại và viên đất thó giả làm gan ruột cho con chó giả làm gan ruột nó và làm cho nó sống lại cùng một lúc.
            Một hôm người chồng lại có việc phải vắng nhà, anh ta lại dặn vợ phải tưới cây đa nhưng vợ anh ta lại quên bẵng mất và đến tận khi chồng về, mới lấy nước ra tưới cây đa thần nọ. Chẳng ngờ từ khi mang bộ lòng của con chó, người đàn bà kia mất cả sự trong trắng ở trong người, thành ra ô uế, nên vừa ngồi xuống gốc cây một lát thì cây đa thần vù vù rẽ gió bay lên chín từng mây thẳm.
            Thực là tai hại!
            Người chồng không thể nào cứu vãn kịp cái tai nạn gớm ghê kia. Anh ta lấy rìu ra định đẵn lấy vài cành đa để sau này giồng lại, nhưng không được, cái rìu nọ đã mắc vào hẳn thân cây mất rồi, mà chính anh ta cũng theo cây mà bay vút lên mây và hoá ra thằng Cuội ngồi ở dưới gốc đa trong mặt trăng trên trời.
            Từ đó thằng Cuội đâm ra thù ghét người đời vì “cứu vật thì vật trả ân, cứu nhân thì nhân báo oán”, anh ta cải tử hoàn sinh cho con chó thì nó đền đáp công ơn, còn một khi cứu vợ thì vợ anh ta làm mất cây đa than nọ.
            Anh ta tiếc cây đa vô cùng nên quanh năm ngày tháng chỉ ra công mà đẵn lấy vài cành để giữ. Cây đa đó vẫn cứ trơ với phong sương, duy mỗi năm vào ngày rằm tháng tám thì một chiếc lá lại rơi xuống bể và trôi vào miệng ông Hà Bá.

Con ngọc thỏ
(cổ tích Tàu)
            Ngày xưa, từ thủa chưa khai thiên lập địa, Hằng Nga ở cung trăng một hôm sai con chấy xuống dưới trần và mang cái hoả bài này cho người đời: “Người đời đến tuổi già sẽ lột xác và sống mãi không bao giờ chết cũng như là trăng vậy. Chỉ có giống rắn là lúc già không lột được mà phải chui tọt vào săng thôi”.
            Bất ngờ đi đến nửa đường, con chấy gặp một con thỏ, hai con vật ấy lân la trò chuyện với nhau một hồi lâu rồi ăn cắp cái hoả bài của Hằng Nga. Con chấy mù mịt không còn biết ăn nói ra làm sao cả, con thỏ bèn thong dong bảo con chấy rằng: “Anh cứ đi nói to với người đời rằng: Rắn già thì rắn lột, người già thì người không lột mà người chui tọt vào săng”.
            Con chấy cứ theo thế mà rao lên, cho nên từ đấy con rắn sống thiên niên mà chỉ có giống người là chết.
            Hằng Nga thấy vậy giận lắm cho hỏi cả khắp chư tiên ở trên trời thì lúc ấy con thỏ mới nhảy ra nói hết đầu đuôi tự sự.
            Hằng Nga giận không để đâu cho hết, tiện tay có cái chén ngọc ném mạnh vào mõm con thỏ tinh khôn kia và bắt giam nó một chỗ không cho đi đâu nữa.
            Từ đó cái môi trên con thỏ bị thương tích rạch đôi ra và suốt đời cứ phải ở cung giăng không chạy nhảy đi đâu được nữa.

Tại sao giăng đêm rằm lại sáng?
(cổ tích Ấn Độ)
            Người ta kể chuyện rằng thuở trước có vợ chồng nhà kia sinh được một cô con gái rất đẹp và lấy làm yêu quý lắm. Họ định xây cho cô ta một cái lầu rất thần tiên và họ sai người đi vào rừng đẵn những cây gỗ thật quý để cất cái lầu cao quý đó.
            Chẳng may trong rừng đó lại có ba con chó chết: con thứ nhất trắng, con thứ nhì vàng, còn con thứ ba thì đen. Sau khi chúng nó chết rồi, giời hoá kiếp chúng nó thành ra một cái cây có ba thứ hoa, mầu xanh mầu trắng và mầu đỏ.
            Khi người nhà và cả hai vợ chồng người kia trông thấy cây gỗ ấy thì chồng bảo vợ rằng: Cái cây này quý lắm. Khi nào chúng ta cất xong lầu cho con gái quý của chúng ta rồi, chúng ta phải nhớ đánh nó về làm cảnh.
            Hai vợ chồng người đó đánh cây ấy về làm cảnh thực, nhưng ác thay, cây đó lại đứt mất rễ cái nên chẳng bao lâu héo hắt đi rồi chết; người ta đành phải lấy gỗ cây ấy làm then cửa chính.
Bất ngờ trong cái then cửa ấy lại có một con tinh, nó hiện về và đêm chỉ toan hiếp người con gái kia; cô ta hết sức cự tuyệt, nhưng con tinh cũng không chịu thôi, nó hớp hồn cô ta và chẳng bao lâu thì cô ta ốm nặng rồi lịm đi hơn một ngày. Đến khi tỉnh lại thì đành ép lòng để cho định mệnh nó muốn xoay ra thế nào thì xoay. Thân phụ cô nghe thấy tiếng động ở trong buồng con gái bèn rón rén bước lại phòng để xem sao thì con tinh kia lại bắt nốt lấy hồn ông lão và mãi tận lúc con tinh đi khỏi thì ông già kia mới tỉnh lại và kêu lên một tiếng. Nhưng mà từ đó trở đi, ông ta không dám bước chân vào phòng con gái nữa.
            Ít lâu sau, có một thư sinh thi hỏng buồn tình dạo gót lãng du đi lạc lối qua nhà cô con gái bị ma làm và xin ngủ đỗ lại một đêm. Chàng thư sinh ấy hoàn toàn có cái vẻ của con tinh đã bắt hồn cô con gái nọ nên chủ nhà thoái thác rằng nhà không đủ chỗ để người ngoài ở đỡ. Chàng thư sinh bèn nói rằng:
            - Tôi là người đây cụ ạ. Cụ đừng sợ.
            Ông già xua tay vội đáp ngay:
            - Không, không, tôi biết, chính ông, ông đã giết tôi và lại làm cho tôi sống lại. Tôi hãy còn nhớ mặt ông, tôi không thể tiếp ông đêm nay được.
            Chàng thư sinh lại nói:
            - Tôi xin cam quyết với cụ, tôi là một học trò lỡ độ đường. Nếu cụ có việc gì muốn nhờ tôi, tôi xin hết sức giúp cụ, không dám mong gì lợi lộc.
            Ông cụ già bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện đã xảy ra ở nhà ông và đưa tay dắt chàng thư sinh nọ sang buồng cô con gái.
            Lại nói chuyện về ba con tinh ở cửa nhà ông lão khốn nạn kia; con đen thì nằm dài ở lối đi canh giữ, con trắng thì hiện ra hình người mặc quần áo rất sang trọng và ở luôn trong buồng cô gái.
            Thấy chàng thư sinh đi đến, con đen bảo con trắng: “Này, này, đây là một quý nhân đây, chúng ta phải liệu tìm đường tẩu thoát kẻo không có khó mà toàn tính mạng”.
            Ba con tinh nói thế xong bèn tìm đường tẩu thoát liền, nhưng chàng thư sinh nhanh mắt chém đứt chân được một con và đưa cái chân ấy cho ông cụ xem cho biết.
            Ông cụ vui mừng khôn xiết, không biết lấy gì để đền đáp ơn chàng; chàng chỉ xin ông cụ cho cái then cửa và chàng lấy cái then cửa ấy dắt vào trong giây lưng đeo mình rồi cáo lỗi ra đi.
Tháng ngày qua đi được một ít lâu thì ba con tinh ở trong cái then cửa dắt trong mình gã thư sinh thấy bức bối vô cùng, không chịu được bèn van lạy gã thư sinh tha tội và hứa nếu tha ra, chúng sẽ tạ gã thư sinh đó một cái mặt trời, một con ngựa và cái mặt giăng rằm thực sáng. Gã thư sinh bằng lòng và nhận ba cái tặng vật kia. Thì quả là ba vật quý.
            Con ngựa ấy chạy nhanh như gió và đưa gã thư sinh đi khắp chợ thì quê, sau đến đế kinh để thi đỗ bảng vàng, xong lại đem gã về với vợ ở quê nhà để nghỉ ngơi chốc lát.
            Chẳng may bố mẹ gã thư sinh đó ở một cái nhà xóm khác cũng gần ngay ở đấy không biết con về, lại tưởng rằng con dâu mình ở nhà đã bầy trò trên bộc trong dâu với gã trai nào, ông cụ bà cụ kia bèn nộ khí lên chạy đến nhà con dâu vặn hỏi đầu đuôi và tuy rằng người con dâu ấy hết sức nói rằng người đàn ông kia là chồng mình, sáng hôm nay hắn đã phải từ biệt để về triều sớm. Tuy vậy ông cụ bà cụ vẫn không tin là sự thực. Nhưng đêm hôm ấy gã thư sinh lại phóng ngựa về nhà, ông cụ bà cụ thấy tận mặt con bèn hết cả nghi ngờ và hỏi con trai tại sao mà lại có phép về nhanh như thế được.
            - Thưa cha mẹ, con có một con ngựa phóng như là gió vậy. Hồ [1] bảo nó đi đâu thì nó đã tới nơi liền. Con sung sướng lắm, con đã thi đậu rồi, hôm nay con về hầu cha mẹ và khao làng nước đây.
            Người bố thấy nói con ngựa lạ muốn thử xem cho biết bèn trèo lên mình ngựa đi thử một lát. Còn bà mẹ, bà mẹ cũng muốn thử tài ngựa thế nào, cũng định trèo lên thì chẳng may đàn bà ô uế, con ngựa ấy mất hết cả phép thần, cứ đứng trơ ra đấy, không tài nào chạy được.
            Vị tân khoa tiến sĩ lo sợ lắm bởi vì nếu không có con ngựa thì chàng khó mà vào kịp đế kinh bệ kiến. Chàng bèn cầm cái mặt trời mà con tinh đã tặng chàng rồi ra đi; cái mặt trời con còn ở trên tay chàng lúc nào thì ngày còn cứ kéo dài ra đến đó và vì thế, gã thư sinh nọ đến đế kinh còn vừa kịp. Đến lúc ấy, chàng mới cất cái mặt trời đi và đến lúc ấy đêm mới xuống.
            Tuy gã thư sinh nọ đến kinh kịp thực đấy, nhưng vẫn chậm. Nhà vua muốn phạt chàng, liền đem đầy chàng đến một cái làng cô quạnh kia vẫn có tiếng là có lắm tà ma lẩn lút. Những con tinh con ma ở đó làm hại những vị quan đến trọng nhậm ở đấy, duy có vị tân khoa tiến sĩ này có phúc đức nhiều vả lại là một quý nhân nên những con tinh đó không làm gì chàng được.
Những người dân ở trong làng đem gạo bánh và hoa quả đến mừng rất đông, nhưng vị tân khoa đó không nhận của ai cả; chàng cho một người đi theo rình xem bọn người dân kia sẽ xử sự ra thế nào.
            Thì ra những người đó là tinh cả, chúng nó đi đến một cái giếng nọ và chui cả xuống. Người đi theo rình thấy thế vội về phi báo với vị tân khoa và ngay hôm ấy, vị tân khoa sai lính ra tát giếng. Bao nhiêu công trình đều vô ích; không những cái giếng ấy đã không tát cạn được mà thôi, trái lại trời lại còn thảm đất lại còn sầu rồi khắp cả một vùng đó đều bao la một mầu tang tóc, rồi đêm tối thăm thẳm bao trùm cảnh vật với một giải màn đen dằng dặc.
            Vị tân khoa tiến sĩ kia, nhớ đến bọn ba con tinh khi xưa đã tặng mình ba của báu, bèn giở cái vật thứ ba ra cầm ở trên tay; đó là cái mặt trăng.
            Mặt trăng sáng như gương, vị tân khoa hồ cầm ở trên tay thì bóng tối biến đi hết. Cảnh vật lại sáng sủa, nhưng sáng khác hẳn ban ngày, một cái ánh sáng linh lung khả ái hơn, một cái ánh sáng nên thơ hơn và quyến rũ lòng người hơn.
            Người ta còn nhớ đêm đó là một đêm rằm. Thành thử ngày rằm thì mặt trăng sáng rội lên, nhất là ngày rằm tháng tám thì trăng lại càng sáng lắm, càng nên thơ lắm.
            Bọn lính của vị tân khoa tiến sĩ, nhờ có ánh trăng sáng sủa nên hùa nhau lại tát nước giếng lần nữa nhưng cũng vẫn không được, họ bèn quay ra ngủ cả ở dưới ánh sáng giăng thơ mộng.
            Một con tinh, nửa đêm, bèn hiện ra và báo mộng cho một tên lính rằng:
            - Này này, tôi bảo cho các anh biết nhé. Các anh không tài nào tát cạn được cái giếng nước này đâu trừ phi người nào cầm tinh con rồng và tên là Long mới có thể làm nổi công việc ấy.
            Bấy giờ vị tân khoa tiến sĩ lại tuổi thìn mà tên là Vương Long. Người ta bèn về báo với chàng như thế, và quả đúng như lời của con tinh đã nói lúc đêm khuya, Vương Long tát cạn giếng nước một cách dễ dàng và trông thấy ở dưới đáy giếng hai vợ chồng con rắn.
            Hai con rắn ấy nói rằng:
            - Lạy tiên sinh, tiên sinh tha chết cho chúng tôi, chúng tôi ngay ngày hôm nay chúng tôi xin đi nơi khác chứ không dám quấy nhiễu nơi đây nữa.
            Vương Long nghĩ thương tình tha chết cho vợ chồng con rắn và từ đó, cái hạt ngài trọng nhậm không còn bị yêu tinh tác quái như trước nữa.
Trung Bắc chủ nhật, số Trung thu, Hà Nội, s. 29 (16/9/1940)

Nước Nhật với giăng mùa thu - Vũ Bằng

Nước Nhật với giăng mùa thu
Vũ Bằng

            Cũng như ở nước ta, mùa thu ở nước Nhật là mùa của ái tình, mùa nên thơ nhất bởi vì là mùa đẹp nhất

            Các bạn đã biết mùa thu đối với Tàu và ta nó thi vị thế nào và thi sĩ đối với mùa ấy có cảm tình đến thế nào. Giờ ta cũng nên biết một nước đàn anh của ta ở Á Đông là nước Nhật, xưa nay vẫn có tiếng là thượng võ, đối với mùa ấy ra sao và mùa thu nó khác Tàu và ta những gì.
            Thực vậy, các nước ở Á Đông ta, có lẽ nước Nhật là một nước yêu mùa thu nhất, và tuy là một nước thượng võ thực, nhưng đến văn thơ thì rất buồn, và “những ngày thu” và “những buổi chiều thu” vẫn là đầu đề rất thông dụng ở trong thi giới Nhật.
Người Tàu buồn về thu đã có thơ:
Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn lau hiu hắt khí thu mờ,
Lưng trời nhạn liệng dòng sâu thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa…
Khóm trúc như tuôn dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình già.
Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước
Thành Bạch gần xa, bóng ác tà…
            Cái buồn như thế kể đã là sâu sắc và não nuột, nhưng thơ người Nhật cũng não nuột và sâu sắc một cách khác mà lại nhẹ nhàng hơn.
Giữa nơi thanh vắng,
Ở nhà bước ra
Ta nhìn quanh ta
Đó đây chỉ thấy toàn là chiều thu…!
            Văn thơ Nhật, theo như ông Chamberlain đã nói, là một bài văn phong phú nhất. Thi văn Nhật, ta không nói tới thời thái cổ làm gì, cứ xét về thời đại cận kim thì quả có một linh hồn riêng khác hẳn của Tây phương.
            Nhà thi sĩ Nhật có một cảm giác: cũng như nhà nghệ sĩ của Phù tang, nhà thi sĩ ghi cái cảm giác đó lại bằng vài nét mạnh mẽ hay du dương, rồi thôi, không cần diễn tả những cái mà họ nghĩ bằng văn xuôi. Cho nên văn thơ của họ rất ngắn và lối thơ đáng làm tiêu biểu cho thi ca Nhật nhất là lối tannka có 5 câu (5, 7, 5, 7, 5) vị chi là một bài thơ tất cả có 31 chữ.
            Tả cái đẹp của giăng thu, nhà thi sĩ Nhật chỉ vẻn vẹn có mấy câu này, chúng tôi lược dịch sau đây:
Những khi tôi ngắm giăng thanh:
Dầu trăm nghìn vẻ cảnh tình không vui!
Thu đâu riêng một mình tôi,
Thu là của khắp mọi người thế gian.
            Ánh giăng thanh với gió thu và mây thu, những đêm trời đẹp như ngày rằm tháng tám làm cho nhà thi sĩ xúc cảnh sinh tình:
Giăng thanh mọc giữa bầu trời
Qua mây, tia sáng rọi ngời trần gian
Gió thu đưa đám mây tàn.
            Con chim gáy, lúc ấy cũng như người, cất tiếng hót vang:
Nhìn vào cụm cây
Có con chim gáy hót
Ta chỉ còn thấy bóng trăng thu tàn.
            Trai gái đợi chờ nhau ở dưới bóng trăng. Chàng không lại, nàng buồn với bóng trăng thu:
Không chờ anh ở chốn này
Buồng hoa, em đã nhắp say giấc vàng!
Chao ôi, giăng đã gần tàn…
Và trăng thu sẽ trả lời ra thế nào?
Trong khi nặng tấm lòng sầu,
Phải chăng giăng đã bên lầu bảo ta:
− “Khóc đi người đẹp như hoa!”
Mặt buồn phút bỗng chan hoà lệ châu.
            Thôi thế là mất cả một đêm rằm tháng tám:
Trên manh chiếu lạnh đêm thu,
Dế kêu như khóc ở bờ tường hoa,
Nằm lên trên mảnh khăn là,
Giấc cô miên, đến với ta hỡi trời?
            Muốn ngủ mà nào có ngủ được đâu. Từ phía xa xa đưa lại những tiếng vang của ngày hội, khách đa tình lại trở dậy trông trăng:
Theo ngọn gió thu
Lá bay tan tác
Vào chốn nào? Không ai biết!
Đối giăng ta thấy lòng ta âu sầu.
            Một con thuyền đi qua khúc sông ở trước cửa sổ của cô con gái đa tình và ngừng lại:
Cái gì đã giữ mái chèo
Của con thuyền nhỏ đang vèo trên sông,
Phải chăng cây quế trăng trong?
            Trăng lặn là cả một trời buồn. Nhà thi sĩ gửi tâm sự của mình ở trong người đẹp sầu trăng, cảm khái nên một câu tuyệt diệu đêm hôm rằm tháng tám:
Giăng thu lặn ở sau đèo,
Lạnh lùng ngán nỗi sầu gieo bên mành
Chao ôi, ánh sáng giăng thanh,
Ước ao mãi với mình với ta.
TIÊU LIÊU
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 30 (22/9/1940)
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

Thơ khó - Xuân Diệu

Thơ khó
Xuân Diệu

            Ai nấy đều nghe nói đến Mallarmé, người chủ trương rằng thơ phải khó; Mallarmé đã cố ý làm cho thơ của ông tối tăm, bí hiểm; ông đã giấu nghĩa của thơ ông để thiên hạ đi tìm. Người ta vẫn kể mẩu chuyện này về Mallarmé: nhân thấy có người hiểu được một bài thơ mà ông đã quyết tâm làm cho thật khó, ông bèn nói: “Thế là ta chưa thành công” và chữa lại bài thơ cho sâu xa tột bậc. Và ngày nay, bao nhiêu người đương nghĩ vỡ trán để mong hiểu một bài thơ của Valéry!
            Hai nhà thi sĩ kia làm thơ khó và dụng ý, quyết tâm làm thơ khó. Đấy là cả một chủ nghĩa, cả một lý thuyết; cười cợt hay chế giễu sự “bí hiểm” của hai ông, việc ấy rất dễ làm, và chỉ tỏ ra rằng ta có một trí não tầm thường, nông nổi. Chúng ta không hiểu, tốt hơn là ta cứ dừng xem tự và nói: “Đây là thơ Mallarmé, thơ Valéry, đừng động tới!”
            Cái khó của hai ông là cái khó cao kỳ; về ý tưởng đã đành, về hình thức càng nhiều hơn nữa. Chúng ta không hiểu, nhưng khi hiểu được câu nào, thì câu ấy lồ lộ một vẻ đẹp nguy nga. Thơ của hai ông thuộc về lối thơ khó vì rất cố gắng, rất xếp đặt, nhất là có cái đặc biệt: dụng làm cho tối nghĩa.
**
            Còn có một cách khó thứ hai: người thi sĩ làm thơ rất tự nhiên, rất vô tâm, thế mà thơ lại có tính cách khó khăn. Thực ra người làm thơ không cố ý bao giờ; trong khi làm, người thi sĩ quên cả người đọc và chỉ thấy có thơ, chỉ đuổi theo những hình sắc trong trí tưởng, chỉ thu lấy những âm điệu của tâm tư, vội vàng nhón chân lên hái những hoa lạ. Người thi sĩ tìm cái đẹp, chứ có tìm cái khó đâu! Khó hiểu hay dễ hiểu đó là lời bình phẩm của người, chứ trong khi làm, người thi sĩ không ngờ rằng thơ mình lại “khó hiểu”.
            Vả lại, có những điều dễ nói và những điều khó nói: những ý thông thường, hễ nói ra là ai cũng hiểu được và hiểu ngay, còn những ý sâu sắc thì bao giờ cũng phải có sự cố gắng. Lời nói, cũng có ngôi thứ, có bậc, có độ. Vì như những bông hoa, có những hoa vừa tầm tay hái, có những hoa phải vươn cả mình lên mới ngắt được và có những bông hoa phải qua đèo, leo núi, khó nhọc lắm mới mang được về. Và cũng ví như những loài kim: đất bằng thì chân nào mà không dẫm lên được, ai cũng biết, cũng thấy; những vàng ngọc, châu báu thì phải đào sâu.
            Nhiều bài thơ khó chỉ vì nói những điều khó nói, những điều ít ai để ý những chuyện không thông thường. Ta chớ ngạc nhiên rằng tình yêu lại có thể làm đầu đề cho những bài thơ khó: người thi sĩ đã đi tìm kiếm những tình cảm chưa ai đào đến và mong nó ra ánh sáng cho ra trông.
**
            Cái tính cách cốt yếu của thơ là sự khó. Đó là quan niệm mới nhất, mà cũng đúng nhất. Vì sao? Vì thơ thực là thơ thì phải cho “thuần túy”, người thi sĩ gắng sức đi tìm cái thơ thuần túy (la poésie pure), nghĩa là đi thu góp những cái tinh hoa, những cái cốt yếu, cái lõi của sự vật. Vì vậy, thơ phải súc tích, phải sắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần. Những sự vật thường thường vẫn nhạt, vẫn loãng, thi sĩ đem kết lại, đọng lại, tụ lại, làm nên những câu thơ đậm đà; tài liệu thì vẫn lấy trong đời thường, trong cuộc sống hằng ngày, trong những sự rung động của trái tim của xương thịt: nhưng khi đã đem vào thơ, thì tài liệu biến đi, và thành ngọc châu. Vì sao thơ khó? Vì thơ đi xa văn xuôi, thơ ở trong một thế giới riêng: thơ vẫn là sự sống nhưng đây là sự sống đọng lại, kết tinh lại, biến thành cái đẹp. Khó vì nói những điều khó, phải suy nghĩ, phải nghiền ngầm: khó vì nói một cách khác với cách nói thường.

            Một ví dụ tráng lệ nhất của lối thơ khó mà không cốt lý làm cho khó để thiên hạ đừng hiểu, của lối thơ khó một cách rất vô tâm là thơ Baudelaire. Trừ ra dăm ba bài thực bí hiểm, thơ Baudelaire không quyết ý làm cho tối tăm, cho khó khăn: ta thấy khó chỉ vì ta chưa xem kĩ đó thôi, vì ta chưa quen vì ta đọc còn vội. Baudelaire làm thơ để nói tâm hồn mình; chắc rằng khi làm, ông không nghĩ đến độc giả, ông chỉ nghĩ đến thơ; trái lại, tôi chắc khi làm thơ, Mallarmé thỉnh thoảng lại tự hỏi: “đã được chưa? Chỗ này người đọc sẽ đối phó ra sao “sẽ xử trí thế nào? Sẽ nghĩ cách này, cách khác?…”. Cho nên thơ Baudelaire vẫn hiểu được, và có thể hiểu được rất chóng: thơ Baudelaire chỉ “dường như là khó” chứ không khó đến nỗi ai nấy đều phải khoanh tay chịu hàng.

Ngày nay ra ngày thứ Bảy, 14 Janv, 1939 số 145
26/6/12

Ông đồ - Vũ Đình Liên

Ông đồ
Vũ Đình Liên


Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay."
Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy.
Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Mực - Vũ Bằng

Mực
Vũ Bằng

            Một người bán bánh tây, chả trâu sống ở bên cạnh học trò đã ngoại ba mươi năm kể cho tôi nghe những cảm tưởng của anh ta trong những dịp khai trường và nói rõ những vụ khai trường ngày trước khác những vụ khai trường ngày nay ra thế nào?
            - Thế nào, độ này buôn bán có phát tài không bác?
Người bán bánh đương “mổ bụng” một cái bánh tây ra để cho chả vào trong, thấy tôi đi qua hỏi thế bèn toét ngay miệng ra cười:
            - “Te” lắm ông ạ, chán như cơm nếp nát.
            Tôi chắc là người vừa trả lời tôi câu đó không nhớ tôi là ai cả. Nhưng, tự nhiên, như có linh tính bảo, anh ta biết ngay tôi là một người học trò cũ trường Hàng Vôi nên nét mặt hửng lên như một người bạn đã hai mươi mấy năm trời nay không gặp mặt.
            Mà tôi, tôi được gặp mặt người ấy, tôi cũng lấy làm thú lắm.
            Nói riêng với các bạn đọc đây, các ngài đừng thuật lại với những ông giáo đã dạy tôi làm gì cho mất lòng, chứ thực lắm khi nghĩ lại đến hồi hãy còn đi học “trường nhà nước”, người mà tôi nhớ nhất, có lẽ không phải là thày học cũ mà cũng không phải là bạn cũ, nhưng chính là Mực, người bán bánh tây chả mà tôi vừa tươi cười hỏi ở trên kia.
            Anh ta nay đã già. Mái tóc đã bạc rồi, gân guốc đã suy rồi, nhưng nét mặt sạm đen và đầy một vẻ “sửng kền” của anh ta vẫn vui tươi như hai mươi bốn năm qua, không lấy gì làm thay đổi. Duy có đôi mắt thì kèm nhèm đi chút ít mà ở trên mặt thì có một cái gì như là sự chán nản, sự buồn rầu vậy.
            Anh ta thở dài:
            - Cái thời kiếm ăn kha khá này đã qua rồi, ông ạ. Bây giờ buôn bán chỉ là để trợ thời thôi, chứ tôi tưởng đến chết cũng không còn hồi nào làm ăn vui vẻ như hồi tôi bán ở trường Hàng Vôi nữa. Hồi ấy, ông tính, tôi mỗi ngày kiếm được đến dăm sáu đồng bạc một ngày. Ấy là chưa kể nhà tôi lại còn bán bánh tôm để thêm vào, hai vợ chồng hơn kém cũng “xơi” được bẩy tám đồng là ít. Giá phải một người cần cù chịu khó thì có phải cũng đủ ăn tiêu và lại có tiền dành dụm cho con cái rồi không? Chết một cái tính tôi lại hay buồn, nên sẵn tiền đấy, đêm nào cũng đi đánh bạc thành thử cũng chẳng còn gì sót cả. Chỉ có được cái nhà. Vả lại, ông đã rõ, người ta giầu có là có số cả đấy chứ trời không cho mình nhàn thì cựa lắm chỉ tổ sẩy vẩy ra chứ lợi gì…
            Nói đến đấy, Mực ngừng lại bán một cái bánh khách và hai xu thuốc lá lẻ cho một người qua đường rồi lại nói với tôi:
            - Bây giờ thì thôi, hết, ông ạ, tôi không đánh bạc nữa mà cũng không “ăn” ai cả. Mỗi ngày kiếm ăn già lắm chỉ được dăm bảy hào một đồng là may. Ấy chưa nói bây giờ học trò nghỉ hè, tôi chỉ bán quanh quẩn ở phố Bờ Sông, phố Phúc Châu này và khi nào có đá bóng ở dưới bãi thì lại dò xuống “làm một mẻ xoàng xoàng” chơi.
            Nay mai đã khai trường rồi. Tôi cũng mong trời thương thánh độ cho năm học này được khá hơn năm trước, nhưng đó cũng chỉ là hy vọng, chứ tôi chắc cũng không ăn thua gì.
            Ngày xưa, vào thời kỳ các ông khai trường tôi thấy lắm khi bán hàng tối tăm cả mày mặt lại, có khi vì chậm bán làm cho có ông đứng đợi lâu quá tức chửi rầm cả lên mà tôi cũng như thường, mà lại vui vẻ là khác nữa. Đằng này, bây giờ thì buôn bán con ruồi bậu mép cũng không thèm xua đi. Cái gì cũng đắt cả, bán một cái bánh tây chả, không có lợi. Ấy là nói về bọn các cậu học ở những lớp dưới đấy, chứ các cậu “cua Suýp” bây giờ thì lại ít ăn lắm, bởi vì họ nhớn, họ ăn quà ngay ở nhà. Vả lại đồng tiền khó kiếm nữa, các ông bà sinh ra các cậu ấy lại thi hành lối “kinh tế tiết kiệm” bắt con ăn cơm rang ngay ở nhà rồi đi học chứ không cho tiền ăn “quà nhảm” như trước nữa.
            Tôi hỏi đùa:
            - Thế bây giờ có còn bán chịu nữa không?
            Mực giơ tay lên vái tôi một cái mà kêu lên:
            - Lạy bố nhé! Kiếm đã chẳng đủ mà lại còn “chi” rộng cứ cho chịu bứa bừa như trước thì… phá sản ngay. Ấy nói thế mà chơi, chứ không cho chịu cũng không được, tôi hay nể lắm, vả lại ngày nào cũng gặp nhau tự nhiên là anh em phải có thân tình, tôi với các cậu ấy cũng như em trong nhà vậy, nên đôi khi vẫn phải bán chịu và bán chịu vẫn bị mất như ngày trước. Ngày trước, có năm tôi tính mất đến hơn trăm bạc nợ. Giời ơi, tôi tức nhé, tôi đến mách nhà nhé, tôi bắt sách nhé, nhưng nói mách quẻ và doạ dẫm nhau chơi đó mà thôi chứ ông bảo mình thấy người ta van lạy, kêu xin, thì ai lại nỡ vì có mấy hào hay vài đồng mà xử nhọ thế nó vô tình lắm ạ. Hiện giờ tôi có bán chịu cho ai thì chỉ bán đến một đồng mà thôi. Ấy, cái trò thế, không bán chịu cho nhau một cái là họ “tẩy chay” mình ngay. Một phần sự ế hàng cũng do đó mà ra vậy.
            Hàng ế, không ăn thua gì, tôi thành ra chán không muốn buôn gì cả. Còn vài hôm nữa thì khai trường mà cũng chửa có tiền để buôn lấy dăm đồng bánh khách đây. Hàng lơ chơ lỏng chỏng, chán bỏ bu… con chuột bạch. Những vụ khai trường ngày trước, ông phải biết, tôi bỏ hàng tuần ra để sơn xe cũng như những nhà buôn mới khai trương quét vôi và sơn tường cho choáng. Con tôi này, vợ tôi này, phải chát mát-tít vào mặt kính và lau chùi sạch sẽ; những cái ngăn hàng phải đem cọ rửa nhẵn như cừ. Tôi coi sóc cẩn thận lắm bởi vì mỗi vụ khai trường tôi có cảm giác như là mùng một tết, phải “tống cựu nghinh tân” để lấy may, ngay như khi ra ngõ cũng phải xem giờ và nếu gặp gái thì lại lấy củi cháy đem ra mà… đốt vía. Bây giờ thì thôi rồi ông ạ. Văng mạng cả. Đến tận hôm nay, tôi cũng chưa nghĩ đến khai trường, tôi mặc, muốn ra thế nào thì ra…
            Tưởng lại những ngày qua rồi mà tiếc. Còn bao giờ các ông với tôi lại còn được họp nhau ở chung quanh cái xe bánh sơn vàng, có một cái chuông treo ở càng, khi nào tôi đến lắc cái chuông ấy kêu vang lên thì các ông lại vui vẻ mà hò reo lên rằng: “À! đến đây rồi. Xe bánh tây kia rồi!” Thực là muốn bây giờ cũng không làm thế nào được nữa. Một góc người đời đã chết rồi. Hạnh phúc không còn nữa. Bây giờ, mỗi khi lại được gặp các ông, nhớ lại quãng đời đã qua, thì lại thấy buồn buồn, song cứ kể cũng thú, vì bây giờ các ông đã đi làm đi ăn cả. À, ông có biết ông T… không nhỉ? Này, ông ấy làm quan rồi đấy. Hôm nọ, về chơi, gặp tôi ở Phúc Châu gọi mãi tôi và mua bao thuốc lá giấy xanh. Ông K, ông S, ông H, đều làm tham biện ở Thống sứ cả, danh giá ra phết, thế mà gặp “anh em” đâu, vẫn chào hỏi tử tế quá và có khi vẫn dừng lại mua bánh tây chả ăn như trước. Các ông ấy bảo tôi rằng: “Nhớ trường thì ít, mà nhớ bánh tây chả của anh Mực thì nhiều”. Tôi có thể khóc được. Các ông tốt quá.
            - Không, họ nói thực chứ không phải đùa đâu. Bánh tây của bác thì nhất, không có thể ai đọ kịp. Người ta ăn bánh tây bây giờ thường thường vẫn nghĩ thầm: “Ôi! bánh tây của Mực nó khác thế này lắm, nó còn ngon hơn nhiều”. Bác có biết bánh của bác ngon tại vì đâu không?
            - Ngon bởi tại các ông yêu tôi chứ gì!
            - Cái đó đã hẳn rồi. Nhưng nói về tinh thần chơi với nhau một chút xíu đó thôi, chứ bánh của bác ngon về dấm. Dấm của bác pha tài, ăn không bao giờ chán. Mà cái chả ngâm dấm của bác mới lại quý hơn. Tôi còn nhớ cầm cái bánh tây nóng có chả, ngâm vào trong liễn dấm vùi nó xuống một lát rồi cầm lên mà ăn từng tí một thì có thể quên chết đấy nhé! Nào nhân tiện, bán cho tôi hai xu bánh và ba xu chả nào.
            Mực cắt bánh tây cho tôi rồi nói:
            - Bây giờ thì chẳng còn thể nào có dấm như trước nữa. Đắt lắm ạ. Một chai dấm bẩy hào, nếu cứ pha ra liễn để người ăn bánh chấm bánh như trước thì chỉ bẩy ngày “con” vỡ nợ!
Mực nói thế đoạn nhíu mắt lại nhìn tôi một cách ranh mãnh:
            - Vì không những giá dấm đắt mà thôi, tôi còn thiệt là khác nữa. Chả của tôi ngâm dấm, ông có biết không, có nhiều ông, ngày trước chỉ mua một xu bánh tây không mà khi chấm dấm… cập ríp lên đến ba miếng chả trong khi tôi bận bán hàng cho ông khác!
            Mực nói chuyện rất vui.
            Tôi ăn bánh xong tự lúc nào không biết.
            - Hết rồi à? Ngon quá, bánh tây ngon quá.
            Hồi tôi còn đi học, chính tôi, tôi là một anh nghiện, nghiện bánh tây của Mực. Hôm nào không được ăn, tôi thấy ngứa ngáy cả người. Tôi nhạt mồm nhạt miệng và tôi không buồn nói năng gì cả.
            Bây giờ, lâu lắm mới lại được nếm lại cái phong vị bánh tây chả của Mực, tôi thấy ở trong người như được nở nang ra, tôi thích quá bèn bảo gói luôn năm cái bánh tây chả vào trong một cái giấy nhật trình cũ đem về.
            Để ăn dần.
            Và cũng để, trong khi nhai bánh thì nghĩ lại những ngày cắp sách khai trường, tôi không nghĩ gì đến việc lên lớp mà chỉ xán vào cái xe sơn đỏ để mua bánh tây chả và chấm… oằng vào liễn dấm.[1]
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 27 (1/9/1940)
[1] In kèm phóng sự này trên TBCN còn có 2 ảnh nhân vật được nói tới trong bài do Nguyễn Duy Kiên chụp với chú thích mô tả:
Ảnh 1: Mực. Đã hơn năm mươi tuổi chất nặng trên đầu, Mực, anh chàng bán bánh tây hơn 30 năm trời nay ở trường Hàng Vôi vẻ mặt tuy có già đi và buồn đi chút ít nhưng cách ăn mặc và cử chỉ vẫn còn “du” như thời kỳ oanh liệt xưa như thường. Ảnh 2: Mực với xe bánh tây. Một cái xe bánh tây đã gợi lại bao nhiêu kỷ niệm êm đềm cho các học sinh cũ của trường Hàng Vôi thủa trước.
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy