Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
10/7/12

Bà mẹ, cô con và mớ tóc - Thụy An

Bà mẹ, cô con và mớ tóc
Thụy An

Thân kính tặng chị Trần Trọng Kim, tặng Diệu Chương sau này đọc cho Diệu Khuê nghe.
1.
Tiếng chân cô con gái đi lại cồm cộp trên sàn gác: những bước chân đi nóng nẩy, hậm hực chỉ định gây sự.
Hai vợ chồng già ngồi dưới buồng ăn lắng nghe, vẻ lo âu hiện trên nét mặt.
Ông nhìn bà:
- Nó giở chứng đấy.
Bà gắt, không phải gắt với ông, mà gắt vì bà đang bực dọc:
- Mặc kệ nó. Con với cái! Chỉ tại ông chiều nó lắm vào.
Ô hay! Sao lại tại tôi? Cả bà nữa chứ.
Bà Đốc không cãi được nữa. Bà chiều con cũng chả kém gì ông. Nếu có lỗi thì là lỗi ở cả hai ông bà. Nhưng lỗi gì? Nói thế đấy thôi, cho có chuyện, chớ chẳng bao giờ ông bà Đốc lại cho sự nuông chiều con là một điều lỗi. Ông bà sinh con một bề, hiếm hoi có mỗi một cô con gái, thì làm sao mà không chiều quý cho được. Nhất cô con lại có một tư chất thông minh, đã du học ngoại quốc về, đem cho ông bà Đốc một mối tự hào hãnh diện. Riêng ông Đốc càng thấy hãnh diện vì con hơn. Ông là một học giả có tiếng tăm trong xã hội. Không có con trai để kế tiếp chí cầu học, ông an ủi có được cô con gái mà tài học và thông minh xứng đáng là con của ông. Nhưng cô con đi du học về chẳng những đem theo sự hãnh diện cho bố mẹ mà thôi, cô cũng đem lại rất nhiều sự trẻ trung vui vẻ trong cái gia đình cổ kính ấy.
Ríu rít như chim, lanh lẹn như sóc, tính khí thất thường luôn luôn thay đổi, lại ích kỷ, như hòn đá nam châm, chỉ thu hút tất cả những sự chú ý của những kẻ quanh mình, cô con gái tung tăng gieo khắp nhà nào là cười, nào là hát, nào là hờn dỗi, nào là bông đùa dí dỏm, nào là ấm cúng dịu đàng cùng những sự săn sóc lặt vặt mà êm đềm. Cô khiến cho ông cha học giả phải nhớ rằng sự sinh thú ở đời không phải chỉ có trong những cuốn đã vùi đầu vào, mà sinh thú thật, sinh thú nhất là tiếng cười, tiếng khóc của cô con, là ở sự chiều con và dỗ dành con. Cô khiến bà mẹ tính tình điềm đạm theo khuôn phép ngàn xưa nhận thấy tình mẹ con bộc lộ càng thêm thân ái và cái tân thời cũng lắm điều hay. Ông bà trộn lộn cái tuổi già khắc khổ vào cái tuổi thơ ngây nhẩy nhót của cô. Tình thương yêu thân mật đã làm biến hết những cuộc xung đột mới cũ thường gặp rất gay go ở những gia đình khác.
2.
Ấy gia đình ấy đang ở trong cái tình trạng như thế thì xẩy ra câu chuyện mà ta đã mở đầu trên kia. Chuyện bắt đầu như thế này:
Có con tân thời như thế, lại du học như thế, mà vẫn giữ được mớ tóc giài trong khi những thiếu nữ khác, quanh cô, không nhiễm chút học mới, chẳng đi ngoại quốc bao giờ, đã cắt, đã uốn tóc cả rồi. Tại sao? Có lẽ tại cô không nghĩ đến chuyện cắt tóc bao giờ. À có, khi còn du học ngoại quốc, một giáo sư của cô đã nhắc cô nên hớt các tóc giài đi như các bạn đồng học cho tiện. Cô đã từ chối phắt, biết rằng bố mẹ cô, nhất là mẹ cô, không bao giờ bằng lòng. Mà khi ở xa mẹ, cô không muốn làm phiền lòng mẹ. Cô du học về, mấy năm rồi, vẫn giữ nguyên mớ tóc giài mà nay cô kết thành bím vòng ra sau gáy thành con số 8 đặt ngang. Cũng là một lối trang điểm tóc chiết trung giữa sự hớt ngắn rồi uốn và sự quấn theo lối Huế. Ông bố, bà mẹ thảng hoặc có trông thấy trong đám học trò cô- khi đó cô đã giậy học tư ở nhà- hay bạn cô, một người nào có cái đầu uốn quăn lên, cũng chỉ hạ một lời bình phẩm bâng quơ hết sức khách quan:
- Người đàn bà Việt Nam đẹp một phần vì cái tóc giài, cắt đi mất cả đẹp.
Cô Thanh cũng ừ hữ qua loa. Cả ba người không ai nghĩ đến một ngày kia cô Thanh lại có ý tưởng cắt tóc, uốn tóc như những cô nọ.
Vậy mà có một ngày cô Thanh nghĩ đến. Vào một buổi chiều khi mẹ cô đang nằm đọc Tam Quốc, và gần đấy cha cô đang lúi húi nghiên cứu vấn đề trên trời dưới đất gì đó. Cô bước vào ào ạt như gió bão. Ông bố vội buông cây bút, bà mẹ cuốn sách, cùng nghểnh trông cô, ngóng đợi, vì bao giờ, đi đâu về, thế nào cô cũng có một câu chuyện, bất cứ là chuyện gì, làm cho ông bố phải cười nhăn rúm thêm hai má và bà mẹ hay quen thói giữ gìn, cười ha hả thật to, chấm dứt cái giờ suông tẻ giữa đôi vợ chồng già. Hôm nay cô không có chuyện gỉ cả, cô liếc nhìn cha, có vẻ như muốn gạt ông vào một bên, cô tiến gần lại giường mẹ, tay vuốt má mẹ ngả ngớn:
- Mợ ạ, con cắt tóc nhé.
Cô chỉ nói với mẹ thôi. Há phải vì cô cho câu chuyện đó là chuyện riêng đàn bà. Cô chỉ nói với mẹ, vì cô thừa hiểu rằng trong câu chuyện này sự khó khăn cô có gặp phải sẽ là ở mẹ cô mà thôi. Và chuyện gì mà không thế ông bố già tuy nóng tính, song cô mua chuộc rất dễ, cầm chắc như là bao giờ cũng về phe với cô. Duy còn bà mẹ thì ghê gớm lắm, hiền lành ít nói, song dai dẳng phải kiên tâm mới thắng được bà. Cô đã từng phen chịu thua vì những lời mát mẻ, những sự phàn nàn hay làm cho to chuyện của bà.
Cô nhắc lại:
- Mợ ạ. con cắt tóc nhé!
Bà mẹ đã nghe thấy rồi. Bà lặng đi một giây. Vẫn biết cô con gái lắm khi trêu ghẹo bà, đã phát biểu những ý muốn rất quái gở, nhưng mà chỉ chốc lát bà biết ngay, đằng này giọng nói cô, vẻ mặt cô có cái gì khiến bà hiểu cô không nói đùa.
Bà thong thả ngồi giậy, vẻ mặt nguội lạnh. Đó là dấu hiệu bà sắp hờn giận. Bà ngảnh sang nhìn ông, vì ngồi hơi xa đang chú ý xem mẹ con nói gì... Bà dằn giọng mát mẻ:
- Kìa ông, ông nghe con ông nói gì không?
- Cái gì?
Thanh không trả lời, cô hiểu rồi. Cuộc chiến đấu đã mở đầu và gay go hơn cô dự tưởng. Cô phải khôn khéo đứng cho vững thế, không nên nói năng hấp tấp.
Bà mẹ đợi con tự nhắc lại lời nói. Sau cùng bà đành lên tiếng:
- Cô ấy đòi cắt tóc - và sợ chồng chưa nghe rõ, bà nhắc thêm: cắt để uốn!
Ông bố nhìn con, nhìn vợ, thong thả nói:
- Thôi đừng vô lý nữa.
Ông nói chưa hết câu quay lại cắm cúi viết. Cô thấy câu nói của ông cũng vô lý nốt, vì bâng quơ quá.
Nhưng cô biết cơ hội chưa thuận tiện.
Cô bỏ ra phòng ngoài, hát hổng như không có chuyện gì, song trong đầu cô con gái bướng bỉnh nuông chiều đã sắp cả một chương trình tấn công mà phương thế không phải là không rồi rào. Bà mẹ trong này lại nằm xuống đọc sách, song cầm sách làm vì, trong đầu bà phân vân muôn mối, mà bởi óc giản dị bà chỉ thấy một cách đối phó cho bà là rất hiệu lực: Mình cứ không bằng lòng thì nó làm gì?
Bà quên rằng đã bao nhiêu lần trước những yêu xách của con, bà cũng đã quyết định thế, tin chắc ở quyền lực làm mẹ của bà. Nhưng chuyện này là chuyện can hệ nhất từ trước tới giờ, quyền lực của bà hẳn phải được kiêng nể. Những sự nhượng bộ trước, bà cho là toàn chuyện con nít, không đáng kể.

3.
Từ hôm ấy, những cơn trái tính dằn dỗi của cô con bỗng tăng lên. Suốt ngày cô kêu rức đầu, nằm im ỉm trên giường. Học trò đến học, cô tạ sự ốm, cho nghỉ hết. Cô tránh không hay nói năng dàn mặt bố mẹ nữa, nhất là trong bữa ăn. Hai ông bà đối diện trước bàn ăn lặng tờ, ăn bỗng thấy nhạt cả mồm miệng. Có vỉ vơi mời được cô xuống ăn, cô cũng chỉ và vài ba miếng rồi đứng lên.
Đó là những phương sách không mới nhưng lần này cô dùng lâu nhất. Mỗi khi dỗi bố mẹ, cô chỉ lánh mặt một chút và vào cái lúc bất ngờ nhất, cô bất thình lình chạy lại ôm cổ mẹ, thỏ thẻ với cha, làm lành. Mà cũng lần này ông bà Đốc cũng mới có một thái độ thụ động lâu như thế. Là vì cả ba cùng không thốt ra một lần nào câu chuyện cắt tóc, nguyên nhân chính cuộc hờn dỗi kỳ này của cô con.
Tình thế kéo giài, cô Thanh nhịn hẳn từng hai bữa liền. Bà Đốc vẫn vờ như không biết nguyên cớ vì đâu, săn sóc về một phương diện khác:
- Hay là con làm sao? Con để cậu đưa con đi đốc tờ nhé.
Cô Thanh dậm chân trên nệm giường:
- Không, con không làm sao cả. Mặc con.
Hết mẹ dỗ dành, lại đến bố cũng một luận điệu như thế! Ý nghĩ cả bố lẫn mẹ đã đồng tình với nhau áp dụng một phương pháp đối phó với mình, làm cô càng bực tức. Nhưng cô vẫn giữ vững lập trường của cô và tăng thêm sự tấn công.
Cô rên hừ hừ, kêu sốt, kêu mệt, kêu đau bụng mà vì ăn uống thất thường người cô có quả gầy đi, đêm đêm vẫn ngủ đẫy giấc, song nếu có sực tỉnh, cô nhất định không ngủ lại dễ dàng như mọi khi nữa, cô cố chống mắt, thức dậy, đi đi, lại lại khua guốc, khua giép kéo ghế kéo bàn, làm thình thình, có ý đánh thức bố mẹ nằm buồng trong, cho biết cô đang có điều gì thắc mắc không ngủ được đây.
Bà mẹ đoán biết tâm lý cô, toan mặc xác.
Ông bố chất phác hơn và cũng dễ mềm lòng hơn lọ mọ giậy:
- Cái gì thế con? Làm sao mà con không ngủ?
- Ối giời ơi! Cậu mặc con, cậu ngủ đi không thì con chết ngay bây giờ đây này.
Ông bố bắt đầu nghĩ ngợi. Ông đã quên phắt câu chuyện cô đòi cắt tóc hôm nọ, và ông cũng không thể nào hiểu được chỉ vì một mớ tóc cắt hay để mà người ta phải tự đầy ải, làm rầy rà quá đến thế!
Luôn mấy hôm sau cô không ăn một tí gì, trừ vài cân cam vắt nước. "Cứ thế này mãi thì mẻ cũng phải chết." Ông bà chưa từng nghĩ rằng người ta có thể uống nước cam cũng sống mà là lối sống vệ sinh nhất. Rồi đến một buổi sáng chả hiểu nghĩ sao cô lại uống thuốc sổ. Thuốc sổ nhẹ liều mà cũng công hiệu quá, và vốn lại ăn đói mấy ngày rồi, cô mệt lả hẳn đi, đến trưa thì nằm lịm. Ông bà bấy giờ mới lo sợ thực tình, ông băn khoăn hỏi riêng bà:
- Thế là nghĩa lý gì? Hay nó thương yêu ai?
Ông gạt bỏ ngay ý nghĩ đó. Con ông thừa biết bố mẹ yêu chiều là ngần nào. Nếu bố mẹ cô có là tể tướng, cô có đòi lấy anh Trương Chi, bố mẹ cô cũng gả phắt ngay, không dám đợi cho cô phải đến ốm tương tư.
Bà đáp:
- Tôi hiểu rồi. Nó chỉ đòi cắt tóc mà biết tôi không bằng lòng nên giở chứng đấy thôi.
Ông cúi đầu nghĩ ngợi. Ông là một học giả tồn cổ, các bè bạn rất cổ kính của ông sẽ nghĩ sao khi thấy ông thì giảng đạo Khổng, Mạnh, bảo tồn quốc túy, quốc hồn mà con gái ông thì lại cắt tóc cụt ngủn như me tây?
Hai ông bà thừ mặt nhìn nhau không biết nghĩ cách nào. Tiếng giép khua thình lình trên gác.
- Hay cứ chiều nó cho xong tội xong nợ đi
Ông rụt rè nói. Bà Đốc mát mẻ ngay:
- Phải bố con ông gì mà chả đống ý với nhau, bênh nhau chầm chập. Tôi thì kể vào đâu!
Ông làm lành:
- Là tôi nói thế chứ còn tùy bà, chuyện mẹ con bà thì mặc bà.
Ông cũng hiểu chút ít tâm lý. Ông mà bênh cô con thì bà sẽ dỗi ngay, dỗi dai hơn. Bà trầm ngâm, thực ra bà đã băn khoăn, khổ sở ngay từ hôm cô con đòi cắt tóc. Tuy bà tin ở quyền làm mẹ của bà, nhưng bà cũng biết nó mong manh lắm, cô con gái bà đã muốn gì thì quyết đòi cho kỳ được. Bà tuy đối phó mà đã tự biết trước là thua rồi.
4.
Trong những ngày cô giận dỗi nằm nhà, cô không còn kết tóc nữa, cô buông xõa nó xuống thành một mớ óng, giài cho tới bụng chân. Bà đã nhiều lần đứng trước buồng trong mà ngắm trộm mớ tóc ấy. Chưa bao giờ bà lại chú ý đến mớ tóc của cô như thế. Gợi trong lòng bà ý nghĩ một ngày kia mớ tóc này, cô sẽ cắt bỏ đi, bà bỗng thấy tha thiết đến nó. Bà nhận ra nó đẹp làm sao, đen lánh, óng ả và bà tự kiêu chính nhờ công bà săn sóc nó mới được giài tốt thế này. Cùng một lúc những kỷ niệm liên can đến mớ tóc được moi ra từ một chỗ só sỉnh nào khuất lấp nhất trong tâm khảm của bà. Bà thấy lại trước mắt cái ngày cô còn bé tí teo, mớ tóc mới còn là hai trái đào bỏ lửng. Rồi khi cô lên năm, lên sáu bà thường ẵm vào lòng cho bác thợ húi thành kiểu bôm bê, trông cô như đứa trẻ con Nhật Bản.
Những kỷ niệm khác vào tuổi thơ ấu của cô nhân đấy rồn rập hiện ra hiện ra, tràn ngập lòng bà, mối tình mẫu tử của thủa ấy, khác hẳn tình mẫu tử bây giờ. Một tình mẫu tử ấm áp che chở bao la mà bà là cái vũ trụ của cô, đôi mắt cô thơ dại chỉ biết trông cậy, nhìn thẳng vào bà. Bây giờ tình thương yêu ấy mất tính cách che chở đi rồi. Bà đã thôi không còn là cái vũ trụ của cô nữa. Vũ trụ của cô bây giờ là cái ngoại giới to rộng kia, bà không thể quan niệm được. Đôi cánh con gà mẹ không còn đủ rộng để ấp ủ che chở cho con gà con đã lớn. Bà nghĩ thế thì ngao ngán mà lại kiêu hãnh. Ngao ngán thấy mình đối với con đã thành vô dụng mà kiêu hãnh vì thấy con sung sức để che chở cho tuổi già của mình.
Con bé Nhật-bản của bà ngày một lớn dần. Tóc đã giở dang, bà phải năng gội chải luôn luôn. Bà nhớ mùi nước bồ kết, rễ trầm bà đã gội đầu cho cô con thuở ấy.
Bây giờ thì mẹ con bà vẫn dùng một thứ nước ấy đế gội đầu nhưng bà thấy thứ nước ấy vào thuở ấy có một mùi thơm khác bây giờ, một mùi thơm bà không thể thấy nữa. Rồi có một lần mái tóc của cô Thanh lại gợi sự chú ý đặc biệt của bà ít lâu. Đó là lần mà bà thấy cô Thanh không để tóc xõa nữa, quấn lên đầu theo lối Huế! Vành tóc quấn khéo quá, trông cô rõ là một thiếu nữ dậy thì, không còn bé bỏng nữa. Mỗi lần bà nhìn vành tóc của cô, bà lại vừa vui mừng, vừa nơm nớp lo sợ một điều gì đó rất vu vơ, mà bà cũng không tự giải rõ ràng bao giờ. Đến quãng đó thì cô đi du học. Bà lại quên riêng mớ tóc, để theo rõi trong trí tưởng cả toàn thể hình thân cô con gái sống giữa đám người xa lạ...
Cô vẫn đứng bên cửa sổ, mặt bầu bậu nhìn ra ngoài trời, dường như cô muốn bắt cả trời phải chịu đựng sự bực tức của cô. Bà Đốc vẫn đứng buồng trong, lặng im ngắm mớ tóc dài buông xõa sau lưng cô. Mớ tóc phấp phới, nô rỡn với làn gió lộng. Ánh sáng suối chảy trên mớ tóc như tráng một lần men bóng. "Tóc như thế mà đòi cắt" bà tiếc và bất bình. Ra lũ gái mới chả hiểu gì cả. Sao cái đầu lại có thể cụt thun lủn, xoắn tít như đầu bụt ốc? Không, cô con của bà không thể hợp với một cái đầu dơ dáng như thế được. Trông kìa: cô đẹp làm sao với mớ tóc dài óng mượt! Chỉ trông mớ tóc phía sau lưng cũng đủ đẹp rồi, có khác gì một bức rèm sóng sánh che phủ ý nhị con người không? Người đàn bà mà tóc cụt lủn thì chơ chẽn quá. Bà nghĩ đến đấy mắt không rời mớ tóc buông thả như một tấm lĩnh đen dệt bằng những sợi tơ mảnh nhất. Bất thình lình cô quay lại nhìn bà. Bà không kịp đưa mắt đi nơi khác. Cô đã trông thấy bà ngắm mớ tóc của cô rồi. Cô bèn vơ tóc lại, vò xoắn trong tay. Bà bỗng thấy hồn bà đau nhói dường như những sợi tóc mảnh rẻ kia đang biết đau đớn trong tay cô dằn vặt và nó truyền cái đau sang tâm hồn bà vậy.
Từ từ bà tiến đến bên cô, tay gỡ nhẹ nắm tóc, bà dịu dàng nói:
- Mấy hôm nay con mệt, tóc rối cả, lại đây mợ chải cho.
Cô nguây nguẩy:
- Kệ, cho nó rối, con không chải.
Cô cũng ngạc nhiên vì tự bao năm mẹ cô đã thôi không chải tóc cho rồi.
Bà cố dìu cô lại phía giường, nằn nì:
- Không, lại đây mợ chải hộ.
Bà không biết cô đang dằn dỗi. Bà thấy thèm thấy cần được rờ mó, được ve vuốt mớ tóc của cô. Cô đã chịu ngồi xuống giường, buông tất cả nắm tóc ra sau lưng. Bà cầm chiếc lược trên mớ tóc. Bà còn lấy tay ve vuốt chán! Làn tóc trơn tuột và mát dịu dưới tay bà. Lòng bà rung động thắm thiết. Tóc của con bà, khí huyết của bà đang quằn quại bừng sinh lực trong bàn tay bà nắm níu. Những sợi tóc bỗng biến thành da thịt, thành một thân hình mũm mĩm bà phải cắn, phải ghì riết trong lòng mới đủ thỏa mãn tình thương yêu. Nước mắt bà rưng rưng.
Ngay khi ấy cô nhè nhẹ lên tiếng:
- Nhé mợ nhé, cho con cắt tóc nhé.
Con cắt rồi mợ giữ lại làm cái độn thì cũng có mất đi đâu.
Bà "ừ". Bà không hiểu cô nói cái gì, giây phút nặng cảm xúc chìu mến, bà muốn đắm đuối trôi theo, không muốn gây nên một cái gì phản động, ngay là bằng sự thốt ra một tiếng "không" có nghĩa chối từ phản kháng.
5.
Cô Thanh đã xuống ăn cơm, đều bữa. Không khí trong nhà rộn rịp hẳn lên. Bao giờ chẳng thế sau mỗi trận hờn dỗi mà cô được phần đắc thắng thì cô vui vẻ gớm ghê, chiều chuộng bố mẹ từng ly từng chút: nào phẩy bụi xếp sách cho cậu, nào nhổ tóc sâu cho mợ, làm sởi lợi trẻ trung hẳn đôi tấm lòng già, những khi ấy cũng quên phắt hẳn mình đã phải hy sinh bao nhiêu là thành kiến để nhượng bộ cô con. Sau cơn mưa, buổi đẹp trời trong gia đình ấy quang quẻ tuyệt vời không còn di tích nhỏ của cơn mưa vừa qua. Nhưng lần này thì bà Đốc vẫn giữ vẻ ủ rột âu sầu mà những mơn trớn, những lời dí dỏm của cô con không làm tan biến được.
Thảng hoặc cô con nói một câu chuyện ngộ nghĩnh quá, thấy ông chồng vui thú cười và chờ mình cười theo cho tiếng cười được hoàn toàn trọn điệu, thì bà cũng cố gượng nhếch mép để hé một nụ cười nhạt nhẽo, thảm hại. Từ hôm thốt ra tiếng "ừ" ưng thuận cho cô con hớt tóc, bà cứ buồn bã ngẩn ngơ như thế.
Ông Đốc biết rằng bà đã miễn cưỡng mà ưng thuận, ông chỉ còn biết an ủi vợ:
- Mợ đã cho nó cắt tóc thì mợ vui lên để tôi khỏi áy náy.
Đối với ông, ông không có ý kiến gì cố chấp quá về sự cắt hay để tóc của cô Thanh. Giá cô để tóc giài thì ông thích hơn, nhưng cô đòi cắt ngắn đi, ông cũng ưng thuận. Miễn cô vẫn là cô Thanh, cô con gái quý đã đem cái buổi bình minh rực rỡ chiếu vào cái buổi chiều đời âm u của ông là được rồi. ông dùng thêm lý lẽ nữa:
- Với lại chả cho nó cắt bây giờ thì khi nó lấy chồng, chồng nó muốn bắt nó cắt, mình cũng chả giữ được.
Bà đáp:
- Vâng tôi cũng biết thế.
Giọng dịu nhĩu như biết thân biết phận. Cả hai ông bà cùng đưa mắt nhìn nhau, cũng cảm thấy sự bất lực của mình, của tuổi già trước một sức bồng khởi mãnh tiến của tuổi thanh xuân, nó vùng vẫy, nó đòi buông thả, những ngón tay già răn reo, run rẩy không sao nắm giữ lại được, không sao in dấu vết uy quyền lên nó được nữa.
Ông nói thêm:
- Đã cho nó cắt thì sớm hay muộn cũng thế. Để nó cắt xong đi!
Bà cũng biết thế. Song bà trù trừ vì hy vọng cô con tính tình thất thường, một buổi sáng kia cô sẽ đổi ý, tuyên bố không đi cắt tóc nữa. Điều mong đó bà phải nhận là mộng ảo rồi. Cô Thanh dự định chủ nhật sau sẽ cắt tóc. Bà toan nói:
- Để còn xem ngày đã chứ. Xem ngày nào hợp.
Nhưng bà đã nghe trước thấy tiếng cười chế riễu ròn tan của cô con gái. Nó có biết đâu cái ngày nó cắt tóc là một cái ngày đánh dấu một cái gì rất khác thường trong lòng bà, một biến cố phải được cử hành vào một ngày một giờ đã lựa chọn trước. Bà đành im, bà muốn tỏ cho cô biết bà cũng theo kịp được cô trên con đường duy tân ở một phương diện nào.
Bà nói luôn một ý nghĩ khác:
- Nhưng trước khi cắt tóc, cô phải chụp cho tôi một cái ảnh.
Cô tủm tỉm cười. Bà bỗng dưng ngượng nghịu. Những cảm tình nhỏ nhoi nhưng ý nghĩ của bà cũng không được cô con gái tha không chế riễu. Bà bẽn lẽn nói thêm:
- Mà gọi thợ về nhà chụp, tôi muốn chụp lúc cô gội đầu xong, sữa tóc ra.
Cô cười ròn rã:
- Gớm mợ tôi có óc thơ gớm!
6.
Hai mẹ con trước khi đi đến hiệu, còn cãi nhau một lần nữa. Cô thì muốn đi một mình. Bà nhất định đòi theo. Quả thực náo nức đòi cắt tóc cho được nhưng đến lúc nhất định đi cho người ta cắt thì cô bỗng xúc động bối rối. Cô không muốn phân tích tìm hiểu mối xúc động bối rối đó ra sao. Cô chỉ biết cô khó chịu, bứt rứt và cả không muốn có ai bên cạnh khi cô đến hiệu cả. Bà không nghe, cô gắt:
- Mợ đi làm gì mới được chứ. Cô bịa thêm: với lại người ta cắt trong phòng riêng có máy điện không cho người khác vào đâu
Bà đáp:
- Cô đừng lòe tôi. Tôi đã hỏi bà Tham, bà ấy vẫn theo con Đức đến hiệu xem người ta uốn tóc nó.
Cô phì cười rồi lại gắt:
- Nhưng con không muốn mợ đi
- Tao cứ đi
- Không, người ta cười cho.
Bà Đốc đỏ mặt, dồn một thôi:
- Ai cười, ai cười? Một là mày để tao đi. Hai là mày đừng cắt tóc.
Má bà bốc nóng. Hai mắt bà mọng mọng. Cô Thanh vùng vằng bước ra xe, bà Đốc lẽo đẽo theo sau, cô làu nhàu:
- Biết thế này con cứ đi cắt bất thình lình, mợ cũng chả nói con vào đâu được. Đằng nào mợ cũng bằng lòng rồi kia mà!
Bà Đốc không đáp, quắc mắt nhìn con. Cô Thanh hiểu nếu cô cứ tự tiện làm như lời cô nói, thì không bao giờ bà Đốc sẽ tha thứ cho cô cả. Gần đến hiệu rồi, Thanh bỗng cười bảo me:
- Mợ vui lên nào, ai lại mợ buồn thế kia, người ta cười mất.
Bà gắt:
- Cười! Cười! Sao lúc nào mày cũng sợ người ta cười? Tao không vui có được không?
Cô Thanh ngồi im. Cô không sợ người ta cười, cô đã nói tránh ra thế. Cô đã trông thấy cái hiệu cô định tới cắt tóc. Ở đấy cô sắp làm một cử chỉ không biết có phải là vô lý hay cuồng dại không' Chỉ biết cái việc mà cô náo nức chờ nay cô thấy nó làm sao ấy. Cô bàng hoàng, phân vân, phải tìm một lời khuyến khích, một ý biểu tình, cô mới có đủ can đảm thi hành. Sự ấy cô không thể tìm thấy ở vẻ mặt buồn bã của bà mẹ. Cô thấy mình bơ vơ lạc lõng, không biết bấu víu vào đâu, đâm ra oán mẹ. Hai mẹ con bước vào trong hiệu vẻ mặt hầm hầm như định gây sự với ai. Cô Thanh tiến đến người đầm chủ hiệu hỏi rất nhanh:
- Tôi đã hẹn với bà từ hôm nọ. Bà sửa soạn đủ chưa?
- Sẵn sàng rồi xin mời cô vào.
Cô Thanh run chân theo người chủ hiệu vào buồng trong. Bà Đốc theo bén gót. Phòng trong trần thiết cực kỳ lịch sự, sạch sẽ tinh vi những khí cụ máy móc mạ kền bóng ngời thi sáng với tấm gương to treo trên tường trước mỗi bàn hớt tóc. Không khí gian phòng tuy có tiếng máy điện sè sè chạy đều một dịp, vẫn có vẻ bình lặng làm yên tịnh được thần trí náo động của Thanh. Lại thêm nhìn thấy có vài ba thiếu nữ đang ngồi sửa sang mái tóc, cô Thanh bình tĩnh hẳn, không còn sao suyến nữa. Cô dạn dĩ bước vào, ngồi lên ghế trong một căn buồng ngăn với các buồng bên khác bằng những bức rèm nhung xanh. Trước khi ngồi xuống cô nhìn mẹ, mỉm một nụ cười, nụ cười đắc thắng, nụ cười tự tin thẳng dong.
Bà Đốc kẻo ghế ngồi sau lưng cô. Tâm trí bà đang bị thu hút vào một ý nghĩ nên bà không tò mò nhìn ngắm những khí cụ làm tóc rất lạ mắt ở chung quanh, cô Thanh thoăn thoắt bỏ hết những găm, kẹp, sổ mớ tóc ra, mớ tóc buông xuống quá đất. Người đầm chủ hiệu kêu lên: "Tóc đẹp quá"
Bà Đốc không hiểu tiếng Pháp nhưng nhìn trong gương thấy đôi mắt thán phục, giọng nói bồng bột của người đầm, bà cũng biết đó là một câu khen ngợi thật tình. Bà tự phụ mà càng chua sót nhìn mớ tóc. Người đầm còn nói nhiều nữa tay cứ vân vê mớ tóc như chơi đùa với nó. Chắc là người ấy đang láy lại những câu khen ngợi và biết đâu đang dỗ dành cô Thanh không nên cắt mái tóc đẹp như thế này, phí đi. Bà đã mong manh hy vọng. Giữa lúc ấy thì một người thợ đàn ông bước vào tay bưng một cái khay mạ kền. Bà Đốc nghển nhìn thấy đựng nào kéo, nào tông-đơ bóng loáng. Bà bỗng lạnh mình. Những chiếc kéo như để mổ cắt vào da thịt chứ không phải để làm một công việc giản dị là cắt tóc, và người thợ húi, người đầm mặc áo khoác trắng bà trông cũng giống những bọn đốc-tờ, y tá chuyên môn đi mổ da rạch thịt sắp đem con bà cắt, thái. Chiếc khay để xuống va chạm vào mặt bàn vang một tiếng kim khí ngắn và lạnh. Người thợ vén tay áo blouse lên. Trông có khác gì quân đồ tể. Bà Đốc vừa ghê tởm vừa sợ hãi. Bác thợ đứng sau cô Thanh, giơ chiếc kéo lên, bầm bập đầu kéo, dao lên vai tiếng lách tách. Cô Thanh nhìn trong gương thấy tất cả củ chỉ của người thợ, khi thấy chiếc kéo giơ lên bậm bập như dọa nạt, cô thốt kêu "Mợ". Tiếng kêu xoáy vào lòng bà Đốc, tiếng kêu cầu cứu. Tiếng kêu hồi bé thơ khi con gặp cái gì sợ hãi, mợ đáp lại bằng cánh tay mở rộng ra ôm ấp... Nhưng nay giữa mợ và con có người đầm, có người thợ, có tất cả cái phòng tân thời này nó đều khác hẳn cái phong thái ngày xưa, nó ngăn giữ lại không cho con lan sả vào lòng mợ dù mợ có muốn giơ tay ra ủ ấp che trở lấy con.
7.
Bà Đốc đành ngồi lặng im, nhìn con trong gương, đôi mắt chứa chan một niềm sót thương, bất lực. Nhưng cô Thanh trong gương đã lại tươi cười bình tĩnh rồi. Phút xúc động hoảng hốt thoắt qua ngay. Chiếc kéo bập xuống tóc. Cử chỉ nhanh biến, cả bà Đốc lẫn cô Thanh đều không kịp nhận thấy. Liền đấy trong tay người thợ đã nắm một nắm tóc giài rời hẳn ra, và định đặt trên bàn. Bà Đốc vội đón lấy. Vài ba sợi tóc lọt tay rơi tuột xuống đất, đen lánh trên nền gạch trắng bong. Tay bà Đốc cầm nắm tóc run run. Những sợi tóc quằn quại trong tay bà như biết rẫy rụa đau đớn. Lòng bà nao nao không khóc được, nhưng sót sa đến mực lặng đi... Một nắm, lại một nắm nữa người thợ trao vào tay bà. Tiếng kéo sạo sạo trong tóc, gờn gợn lên da thịt bà. Bà không dám nhìn vào trong gương xem vẻ mặt cô con nữa. Bà cúi xuống sắp mớ tóc đặt ngang lên trên đùi. Khi ngẩng lên bà vô tình nhìn vào trong gương và hoảng hốt thấy một vẻ mặt bà chưa từng thấy bao giờ của cô Thanh.
Hai mắt cô nhắm nghiền, cái đầu ngả về phía sau như lả đi hết sinh lực, da mặt tai tái, bằng lặng, chứa chan một niềm chịu đựng của kẻ tử vì đạo ngồi chịu cực hình. Chưa bao giờ con bà có vẻ đau đớn mà cam chịu như thế. Bà không giữ nổi được niềm thương sót tái tê đang bóp thắt trái tim bà. Bà kêu lên thảng thốt:
- Thanh! Thanh!
Người thợ húi ngạc nhiên dừng tay. Thanh mở choàng mắt sẽ ngóc đầu lên mỉm cười:
- Mợ... Có gì đâu...
Tiếng cô dịu dàng mà nho nhỏ như buồn bã tiếc hận. Còn có nắm tóc giài phía bên trái nữa là xong. Không, bà Đốc không chịu được nhát kéo cuối cùng này nữa. Cũng như cô con trong gương, bà nhắm nghiền mắt. Phải có cái gì thay đổi lớn lao lắm, lúc bà mở mắt ra, món tóc cuối cùng người thợ đã đặt trong tay bà. Bà mở mắt. Có phải là cái đầu của cô con gái bà ở trong gương kia không? Không... không phải, cả cái người thiếu nữ trong gương kia nữa đã mất hết dấu buồn rầu ngẩn tiếc hồi nẫy mà lại mang cái vẻ dương dương tự đắc, cũng không phải là con gái bà. Có một cái gì vừa rẽ đôi, vừa rẽ hẳn liên lạc của bà với người thiếu nữ ấy. Lòng bà chua sót, mắt bà mọng mọng. Bà cúi xuống nhẹ nhàng và khéo léo cuốn mớ tóc lại bỏ vào cái khăn trắng đem theo. Bà vơ nhặt cả những sợi tóc rơi vãi trên đất, nhét vào khăn. Bà buộc khăn lại, thong thả đứng lên ra khỏi phòng.
Cô Thanh gọi:
- Ơ kìa, mợ, mợ đi đâu đấy, không chờ con nữa à?
Bà không đáp. Tiếng gọi ấy lạ tai bà, người thiếu nữ bà để lại sau lưng bà trong cái phòng tối tân đó, không phải là con bà nữa. Con bà đây, ở trong chiếc khăn này bà ôm trong tay. Ngồi trên xe bà đặt gói tóc trên lòng, gượng nhẹ cẩn thận như đặt một đứa trẻ sơ sinh hay một cái xác chết. Bà hé mở một góc khăn nhìn những sợi tóc cuộn tròn, bóng láng. Nước mắt bà trào ra lặng lẽ.

(Trong Bốn Mớ Tóc, phát hành 24.7.1950)
Nguồn: Tạp chí Khởi Hành số 185 tháng 3.2012
9/7/12

Công dụng lớn lao của chiếu bóng - Vũ Bằng

Công dụng lớn lao của chiếu bóng
Vũ Bằng

Về phương diện xã hội và mỹ thuật
            Trong một bức thư của nhà dàn cảnh [1] André Lang gửi cho bạn là ông chủ báo Cinémonde ở Pháp, chúng tôi có đọc thấy một đoạn này: “Anh ơi, những nhà đạo đức râu dài trong thế giới chỉ lo sợ hão huyền đó mà thôi. Thực ra, như anh đã biết đấy,- bởi vì kỳ nào tôi chẳng viết ý kiến của riêng tôi trên mặt báo? - tôi không tin rằng chiếu bóng lại có một hiệu lực gì đâu. Tôi nhìn điện ảnh giới như Somerset Maugham nhìn văn giới vậy, nghĩa là rất bi quan.           Theo ý riêng tôi thì chiếu bóng chỉ là một trò giải trí trong chốc lát. Xem một phim khôi hài, người ta có thể cười rung bụng; xem một phim cảm động, người ta có thể khóc như mưa; nhưng đó chẳng qua chỉ là những cơn sốt rét mà thôi, ở nhà chớp bóng ra, người ta lại bình tĩnh trở lại với cuộc sống hàng ngày, người ta làm việc hay là lại trở về với những cốc rượu khai vị ở cao lâu tửu quán.
            Bảo rằng những người đi xem chiếu bóng sẽ học được điều hay là lầm. Mà cho rằng họ xem những phim mạo hiểm thì một khi trở về với cõi đời thực tế, họ sẽ bắt chước những tay tướng cướp rút súng ra bắn pan! pan! cũng là lầm nốt. Những người đi xem chiếu bóng không bắt chước gì cả. Có bắt chước chăng là bắt chước lối ăn mặc của Robert Taylor, Albert Préjean hay Gary Cooper, là bắt chước lối vẽ lông mày của Marlène Diétrich, là bắt chước lối tô môi của Joan Crawford, Mae West mà thôi vậy. Tôi nghiệm ra rằng khi nào ở Mỹ châu tung ra ở thị trường điện ảnh một cuốn phim nào mới thì ở các hiệu cạo, ở các hiệu bán len, bán dao cạo, bán giày, bán cravate, bán mũ, bán khăn san ở Nữu Ước từng đội quân trẻ tuổi và lịch sự xông vào để mua hàng hoá”.
            Lời nói của nhà dàn cảnh đượm một vẻ buồn yếm thế thay! Nhưng nếu ta xét kỹ thì không phải không có đôi ba phần sự thực. Vâng, tôi cũng nhận như André Lang rằng kỹ nghệ chiếu bóng quả cũng có giúp ích nhiều lắm cho kinh tế, bởi vì cái kỹ nghệ đó không nói thì tất ai cũng đã biết rằng nó nuôi sống bao nhiêu là nghề, bao nhiêu là người. Nhưng tất cả một đoạn trên bức thư của nhà dàn cảnh có tiếng kia không khỏi làm cho nhiều người phải nghĩ ngợi phân vân và nghi ngờ về công dụng của chiếu bóng. Sự thực, đó chỉ là ý kiến của một người ở trong nghề mà thôi. Mà đã ở trong nghề thì bao giờ chẳng vậy, người ta cũng chỉ nhìn thấy cái thấp kém, cái chưa đạt được của nghề! Vậy những ý kiến của nhà dàn cảnh ở trên kia không thể hoàn toàn đúng cả và cứ theo ý riêng của kẻ viết bài này thì lại còn lầm lẫn là khác nữa.
            Chiếu bóng, phàm một người nào bình tĩnh nhìn nó mà phê bình, có ai lại không thấy công dụng của nó hiện nay tràn lan trên thế giới? Một phần công dụng đó, các bạn đọc đầu số báo này [2] của bạn tôi, anh Văn Lang, tất đã hội ý được đôi phần và biết qua ảnh hưởng của nó đối với các dân tộc trên thế giới.
            Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin nói về công dụng của chiếu bóng trong phạm vi xã hội thôi, một phạm vi tưởng cũng chẳng lấy gì làm hẹp.
            Trước hết, trước khi nói về công dụng của chiếu bóng, thiết tưởng ta cũng nên biết cái dụng ý của hai anh em ông Lumière là hai ông tổ sinh ra chiếu bóng.
            Cũng như các vị bác sỹ, kỹ sư trên thế giới, hai ông Lumière lúc nghĩ ra chiếu bóng không ý gì là giúp ích cho đời, đem sự ích lợi phổ vào sự giải trí; chứ không bao giờ lại muốn xây đắp một triều đại của sự ngông cuồng lố lỉnh, ấy là chưa nói đến những sự quá đà mà sau này người ta thường dựa vào chiếu bóng đem cho người ta mục kích những cảnh, chao ôi, bỉ ổi, ghê sợ, đáng nên chê trách.
            Vậy cho nên khi ta nói về chiếu bóng, ta nên tìm biết ý chính của người phát sinh ra nó, chứ không nên dựa vào những người đã làm hỏng nghề mà bình phẩm, mà chê bai; cũng như với nghề báo cũng vậy, có ai lại dám rồ dại đem những con chiên ghẻ lở trong trường văn trận bút ra bình phẩm rồi kết luận một câu rằng: “Nghề báo là một nghề xấu xa đê tiện?”
            Biết thế rồi, chúng ta bây giờ nên tìm cho biết những công dụng của chiếu bóng trong xã hội.
            Thực vậy, trong một xã hội, sau vấn đề báo chí, thực không còn vấn đề nào đáng cho ta chú ý bằng vấn đề chiếu bóng. Ảnh hưởng của nó rất lớn, ảnh hưởng nhất cho những người đã biết nghĩ, mà nói riêng ra thì ảnh hưởng vô cùng đến thanh niên, cái bọn người mà ông linh mục Fénelon đã bảo là trí óc y như một cục sáp dễ nặn và dễ in hình ảnh những cái gì thâu thái được.
            Ở nước ta đây chiếu bóng chưa được mở mang lắm cho nên ảnh hưởng của nó chưa được rõ ràng và mạnh, chứ ở xã hội văn minh như Pháp, Anh, Đức, Ý, Nhật, v.v… chiếu bóng có một ích lợi thiết thực mà người ta trông thấy rất rõ là nó đã lôi kéo được bao nhiêu người ra khỏi những nơi trác táng rẻ tiền, rượu chè be bét… Những người bình dân, những người giai cấp thấp kém trong xã hội vì chiếu bóng sẽ bắt chước được trong phạm vi của họ những người ở giai cấp trên, và thử hỏi còn cách nào cổ động vệ sinh, lịch sự và danh dự của nòi giống hơn là ở nhà chiếu bóng?
Chiếu bóng với công việc giáo dục
            - Những ảnh hưởng ấy rõ rệt nhất là đối với trẻ con, cho nên đã lâu, ở khắp các nước văn minh người ta đã nghĩ cách đem chiếu bóng làm một môn giáo dục. Bởi vì phàm trẻ em nào cũng vậy đều muốn học muốn biết, vì vào cái tuổi thơ ngây, người ta vẫn giàu tính tò mò. Cái ảnh hưởng về tinh thần của chiếu bóng đối với trẻ em, vì đó, rất sâu xa, cho nên những nhà soạn truyện phim và những nhà sản phim thường phải tinh khôn lắm và tìm cách hiểu biết linh hồn của trẻ em một cách thấu đáo vô cùng vậy.
            Ở Pháp về loại phim giúp ích trẻ em này chia ra làm hai thứ: một thứ phim chuyên dạy học và một thứ phim giáo dục nhi đồng; hai thứ này lại còn chia ra nhiều loại khác, nhưng đại khái thứ nào cũng chỉ quy vào có một mục đích là mở rộng linh hồn của học sinh.
            Phim dạy học chỉ chuyên dùng trong lớp học. Các ông giáo dạy học trò đến đoạn nào cần phải có hình vẽ thì cho chiếu ngay lên màn ảnh những cái hình đó ra. Những cái hình đó cố nhiên là phải đẹp và rõ để có thể gây trong trí óc của học trò không những là sự khoái lạc mà thôi, nhưng còn khiếu về thẩm mỹ nữa bởi vì cái tính của trẻ con là vậy, bao giờ cũng thích tranh ảnh trong sách hơn là những chữ, những chữ rỗng tuếch và đen trùi trũi.
            Phim giáo dục thì có thể chiếu không những chỉ riêng cho học sinh xem mà thôi đâu, nhưng mà là cho tất cả mọi người, bởi vì những loại phim ấy diễn tả tất cả những vấn đề về xã hội, về đạo đức, về luân lý về vệ sinh. Ở nhiều nước châu Âu, người ta lại còn soạn riêng một loại phim gọi là “phim vệ sinh” (film d’hygiène) dạy người ta ăn ở cho sạch sẽ, khoẻ mạnh: nếu người ta khoẻ mạnh người ta sẽ yêu đời vậy. Khi người ta yêu đời, người ta sẽ không có tư tưởng bậy bạ, đớn hèn. Chiếu bóng vì vậy có một cái trách nhiệm ngang với sách vở, báo chí; mà có khi hơn thế nữa: nó bầy ra trước mắt khán giả những cảnh dịu lòng, những đoạn hy sinh, một cuộc đời cần lao, phần thưởng đích đáng tặng những người có công sáng chế; cái đẹp của vũ trụ, của cuộc đời ta sống.
            Những phim như loại này, tiếc thay, lại hiếm lắm. Muốn đem một phim ra làm chứng cớ, chúng tôi xin kể phim La Maternelle của Jean Benoit Lévy, tác giả thực đã thâm hiểu linh hồn con trẻ. Những phim có giá trị như thế, không phải ai cũng làm được, cho nên hiếm là phải lắm. Ở đây, chúng tôi nên lấy làm buồn mà nhận rằng những nhà chiếu bóng của ta không để ý đến nhi đồng, thấy trẻ con thích lạ chỉ ra công mà chớp cho học sinh xem những phim ăn cướp, bóc lột, v.v…, và còn với hạng thanh niên nam nữ thì hầu hết đều tặng những phim tình cảm; mà đàn ông thì mê gái đến không xấu hổ, mà đàn bà thì bao giờ cũng có vài người nhân tình trẻ tuổi.
            Trong khi ấy thì ở khắp thế giới, nhất là nước Nhật, người ta tìm hết các cách khuếch trương việc sản xuất những phim có tính cách giáo dục người dân trong nước. Bà Dreyfus Barney trưởng ban tuyên truyền giáo dục điện ảnh về vấn đề này đã tuyên bố với ông Clara Simon, bỉnh bút báo “Vu” của nước Pháp như sau này:
            “Từ năm 1928, ở La-mã, kinh đô nước Ý, người ta có lập ra một “Quốc tế giáo dục điện ảnh viện” và lấy đó làm cơ quan chính thức của Hội Quốc Liên. Vấn đề bảo hộ nhi đồng đã gây cho người ta cái ý tưởng “bảo hộ” chiếu bóng và hội Quốc Liên nhất định mở ra một “Điện ảnh viện”. Chính phủ Ý- đại-lợi có một cái ý rất tốt là đem biếu ngay “Điện ảnh viện” một toà lâu đài lớn nhất ở kinh đô La-mã, ngay ở sát biệt thự của thủ tướng Mussolini. Hiện nay, toà “Điện ảnh viện” đó đã có bóng vang đến khắp hoàn cầu vì hiện nay ai ai cũng nhận thấy những công dụng lớn lao của chiếu bóng với việc giáo dục và ảnh hưởng to tát của chiếu bóng với thanh niên và quần chúng.
            Bao nhiêu vấn đề có quan hệ đến chiếu bóng đều đem ra khảo xét ở viện này; một quyển kê khai những thứ phim giáo dục và dạy học nên xem, viết ra bằng năm thứ tiếng; các nhà mô phạm và bác học lại chung lưng đấu cật viết những bài bình phẩm nữa”.
Hội Urania ở Áo, chuyên về chiếu bóng giáo dục hiện nay có 50.000 hội viên. Hội quán có tất cả tám buồng chiếu bóng và diễn thuyết. Không ngày nào không chiếu phim giáo dục trong học đường.
            Ở Bỉ, có một hội chiếu bóng giáo dục quốc gia. Ở Chili, ở Brésil, người ta dùng chiếu bóng để dạy học và cử một ban sang Tàu để chấn chỉnh và mở mang việc học của Trung Quốc. Ở Hoa Kỳ, bao nhiêu cao đẳng học đường đều dùng phim chiếu bóng trong việc học.
            Tây-ban-nha cũng để ý đến việc giáo dục học sinh bằng chiếu bóng. Ở Barcelone, có một lớp học chuyên dạy về chiếu bóng. Ở Đức chiếu bóng giáo dục bành trướng lắm, cũng như ở Anh và ở Nga. Riêng ở Anh, chính phủ cho phát 2000 cuốn phim giáo dục và trong năm 1932, người ta tính đổ đồng thì mỗi tuần lễ có tới 10.000 trẻ con đến xem chiếu những phim giáo dục, những phim tài liệu.
Chiếu bóng với công việc y học
            - Về y học chiếu bóng cũng giúp ích cho người ta vô cùng, nhất là về khoa mổ xẻ. Giáo sư Gosset công nhận rằng chiếu bóng là một phương pháp thần diệu nhất trong việc dạy về khoa mổ xẻ. Những nhà mổ xẻ tương lai đều phải xem diễn những phim mà trong đó có ghi những việc mổ xẻ quan hệ của những nhà bác học lừng danh. Những vị mổ xẻ tương lai đó sẽ học và sẽ thấy người ta phải làm như thế nào, bởi vì chiếu bóng chỉ cho người ta xem cả những chỗ sai lầm, chẳng bao lâu những vị đó sẽ có một nền học chắc chắn và chẳng mấy lúc có thể đem cái học ấy ra thực hành.
Chiếu bóng với công việc mỹ thuật
            - Theo ý chúng tôi thì chiếu bóng và mỹ thuật đều có một nguồn gốc chung. Người ta không bao giờ lại có thể quan niệm được một phim chiếu bóng hay mà không đẹp: cái đẹp nhiều khi lại là phần cốt yếu trong phim nữa. Chiếu bóng là một cái gì hoạt động, là cái gì in cái vẻ sống của cuộc đời, vì vậy, âm nhạc cần cho nó lắm. Về mặt mỹ thuật, chiếu bóng lại còn ảnh hưởng lớn đến cách xếp đặt và đến cách trang điểm nữa. Nó gây cho người ta, nhất là cho đàn bà, một lòng yêu mỹ thuật rất tha thiết và thử hỏi thế không đủ rồi hay sao.
            Theo ý chúng tôi, thì mỹ thuật là một vấn đề cần thiết lắm. Biết yêu cái đẹp đã, rồi muốn nói gì hãy nói. Bao nhiêu tính tình cao thượng đều là do ở lòng biết yêu cái đẹp mà ra, xem ngay như tổng thống Đức Hitler, nếu không biết yêu cái đẹp, trọng cái đẹp thì chửa chắc đã làm nên những sự nghiệp lớn lao trên đời.
            Bao nhiêu công dụng của chiếu bóng về phương diện xã hội, kinh tế và mỹ thuật, tôi thiết tưởng nói thế đã tàm tạm đủ rồi. Chắc các bạn không thể không nhận rằng chiếu bóng hiện nay là một động lực mạnh nhất cho sự tiến bộ vậy. Nếu ta có một đôi điều phàn nàn thì chỉ có thể phàn nàn rằng người ta đã lợi dụng chiếu bóng nhiều quá, thành ra ít lâu nay nó dở đi, những người có trách nhiệm tưởng cũng nên nghĩ cách “tẩy uế nó, làm cho nó thoáng khí” - như lời của ông André Brann Larrieu đã nói. [3]
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, số đặc biệt về chiếu bóng, 1941.
[1] “Nhà dàn cảnh”: như từ “đạo diễn” đang dùng ngày nay.
[2] Số báo TBCN này là số đặc biệt về chiếu bóng; lưu ý: tôi chụp lại qua vi phim nên không rõ số và ngày tháng ra số báo này; chỉ tin chắc số này ra trong năm 1941.
[3] In kèm bài này có 2 ảnh. Ảnh 1: Autant en emporte le vent [Cuốn theo chiều gió], một cuốn phim Mỹ rất dài và hay nhất năm ngoái chiếu ở Mỹ. Clark Gable, đóng vai chính, cùng bà Margaret Michell, người viết truyện, đang dắt tay nhau đến khánh thành buổi dạ họi chiếu phim này. Ảnh 2: Diễn viên Dorothy Lamour.
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

Hội Lim đã mất, hội Lim vạn tuế - Vũ Bằng

Hội Lim đã mất, hội Lim vạn tuế
Vũ Bằng

            Năm 1941
Bọn tài hoa son trẻ Hà thành hẳn mát lòng, hội Lim đã mất, hội Lim vạn tuế!

            Hằng năm, cứ vào khoảng hôm nay, đi khắp các nơi trong thành phố ta thường thấy bọn thiếu niên rủ nhau đi hội Lim để đuổi liễu tìm hoa.
            Hội Lim? Đó là một hội lập ra không biết tự bao giờ, nguyên là để cho trai gái một vùng trong tỉnh Bắc gặp gỡ nhau và ca hát với nhau để vui xuân. Cảnh trời về vụ này thường đẹp, cỏ xanh, hoa đỏ, lại điểm thêm mấy hạt mưa bụi trắng như sương, − cảnh trời như thế tưởng đến thế đã ngoạn mục lắm rồi, ấy thế mà cứ đến ngày hội, trên đồi Lim lại xen vào những cái má hồng, môi đỏ, áo nâu non, thắt lưng cá vàng thì quả thực vẻ đẹp ấy lại càng hoàn toàn, càng đầy đủ, càng nên thơ lắm.
            Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 13 tháng giêng thì ở trên đồi Lim tấp nập những trai gái ở những vùng Đình Bảng, Chợ Dầu, Tam Sơn… trai thì nón dứa, khăn lượt, kính đen, áo the kép, quần ống sớ, giầy Gia Định; gái khăn nhiễu tam giang, yếm đào, áo nâu non, váy sồi dài chấm gót, lại điểm vào những dây lưng hoa lý nhũn nhặn hay mầu cá vàng chói lọi. Trên những con đường làng và chung quanh sườn đồi, họ rủ nhau đi lễ tự mờ sương ở ngoài đình rồi ngoạn cảnh. Đoạn, xúc cảnh sinh tình, họ dắt nhau lên những chỗ cao nhất ở trên đồi để ca hát những điều họ nghĩ ở trong chỗ sâu thẳm nhất trong tâm hồn của họ.
            Không có gì cao siêu đâu! Họ không làm văn gì cả. Họ chỉ nghĩ thế nào thì nói thế, nên câu hát của họ có vẻ chất phác thực thà làm cho ta thương hại và kính phục: cái tình của họ thực là một cái tình cao quý, trong sạch và thanh cao vậy.
Bước sang năm mới, anh mới đi chơi,
Xuất hành nói chuyện, mấy nhời thuỷ chung,
Được nhời như cởi tấm lòng;
Giở kim thoa với khăn hồng trao tay.
…….Nhác trông thấy bóng nàng ngồi
Con người phong thể luống tôi ưa thầm.
…….Đôi bên bác mẹ tương tề,
Anh đi làm rể em về làm dâu.
            Bao nhiêu câu hát tình tứ lả lơi, đằm thắm, say mê mà trai gái chất chứa ở trong lòng, gặp buổi đầu xuân, họ đều đem ra hát, − ăn cũng hát, tiễn biệt nhau cũng hát: rõ thực là cái tinh thần rõ rệt của người mình, tấm lòng chất phác thực là có một mà tình thương yêu đến thành ra yếu đuối thật cũng rất mênh mông. Người ta gọi lối hát ấy là lối hát quan họ vậy.
            Theo như tục truyền thì tục hát quan họ sinh ra bởi sự giao hiếu của hai làng: Lũng Giang (Lim) và Tam Sơn. Làng Lim thuộc huyện Tiên Du và làng Tam Sơn thuộc huyện Đông Ngàn, nhưng hai làng ấy cũng thuộc cả về vùng Bắc Ninh. Hai làng ấy thân nhau lắm. Người ta kể chuyện rằng, trước đây, cứ vào khoảng tháng giêng, làng Tam Sơn vào đám thì không bao giờ làng Lũng Giang không cử mươi ông quan họ sang thăm. Dăm bẩy cụ bô, vài bà lão và trai gái trong làng Tam Sơn ra đón tận đường cái. Chè chén xong, trai gái hai làng bắt đầu hát với nhau suốt sáng, đến lúc chia tay nhau vẫn hát; giọng hát nỉ non, cao thấp, tả tất cả sự nhớ nhung khi chia rẽ và như ngụ tất cả một cái muốn được tái ngộ năm sau vậy.
            Một ngày hội như hội Lim có cái tinh thần như thế, cao thượng như thế, vẽ được hết cả tính tình dân tộc mình là biết thương yêu nhau, biết cố kết với nhau, thăm nom săn sóc nhau từng ly từng tí một, lúc thường có khi không đồng ý với nhau, nhưng đến giờ quan trọng thì một triệu người như một người… − đó, một cái tinh thần như thế, thiết tưởng đem phổ vào một ngày hội,thực là cao quý vậy, thực là đáng trọng vậy.
            Ấy thế mà không ngờ ít lâu sau tiếng hội Lim đồn đại đi khắp mọi nơi, những người ở gần Bắc Ninh, − nhất là người Hà thành − về quấy nhũng dữ quá, thành thử hội Lim dần dần mất cả vẻ thiêng liêng của nó!
            Nó thành ra một ngày hội trai gái, − nói thế chưa đúng; ta phải gọi là một ngày hội trai đuổi gái thì đúng hơn. Thực vậy, mươi năm trở lại đây, bạn nào đã để chân đến hội Lim tất đã nhận thấy như tôi rằng những bọn công tử Hà thành, những đồ vui vẻ trẻ trung ở Hà thành về dự hội đã làm nhiều điều chướng tai gai mắt quá. Họ đi trẩy hội chỉ có một mục đích: xông ra vồ gái. Họ không biết một tí gì là cái cao thượng trong ngày hội; họ chỉ có một ý muốn: nhẩy ra vồ gái; tuồng như những cái má, những cái ngực […] của các cô gái Đình Bảng Chợ Dầu là cơm gạo của họ, là mối sinh sống của họ, thậm chí họ đánh nhau, đâm nhau, kéo bè kéo đảng để hại nhau vì được một cô gái nào hay không được một cô gái nào…
            Tôi không hiểu, với con mắt một người ngoại quốc nhìn vào thì người mình ở trong hội sẽ bị liệt vào hạng gì? Nhưng cứ như con mắt những người có đôi chút học thức ở nước ta thì quả người ta đã gây ra ở hội Lim nhiều chuyện nhơ nhớp, xấu xa mọi rợ, thành thử những người đứng đắn không còn dám để chân đến hội Lim nữa là vì thế.
            Các thân hào và bô lão trong làng thấy vậy đã khổ công tìm cách tiễu trừ bọn quỷ đã bôi nhọ hội Lim. Các bạn tất còn nhớ năm năm trước đây, người ta cứ vào khoảng tháng giêng này thường đọc ở trên báo thấy công tử X. bị bắt […] công tử Y. bị trói [….] vì ghẹo gái; công tử Z. bị trai làng đánh […] [1] vì đã định ép liễu nài hoa một cô gái làng Lim trên đồi…
            Mới năm ngoái đây, [….] ra lệnh cấm chụp ảnh và trèo lên đồi Lim nên suốt ngày 13 tháng giêng năm ngoái hội đã đỡ nhũng được ít nhiều. Tại hội, có lính gác và ở chân đồi Lim lại có biển đề cấm chụp ảnh rất nghiêm ngặt. Trên đỉnh đồi và phía sau đồi lại có một toán lính đóng để canh gác vùng này. Tuy vậy, ở ngoài phía chân đồi ở gần đền trông ra đường vẫn có nhiều người ở Hà Nội về chơi và trong số đó vẫn còn nhiều những con quỷ […] hội họp vui đùa và đôi lúc cũng còn giở những trò khả bỉ ra với những cô gái chất phác quê mùa ở hội Lim. Thấy tình hình như thế, người ta không thể không xử thẳng tay. Năm nay, các quan đầu tỉnh đã đồng ý với thân hào xã ấy bỏ hẳn hội Lim đi. Thật là một tin mừng vậy.
            Cố nhiên là mừng cho những người còn có chút lương tâm, còn biết nghĩ đến danh dự của quốc gia, nhưng tất là một tin buồn cho bọn “vui vẻ trẻ trung”, cho bọn “tài hoa son trẻ” vậy.
Những cử chỉ ngông cuồng, rồ dại và lố lỉnh của họ, bây giờ họ đã trông thấy kết quả rồi, chắc hẳn họ mát lòng! Cả một ngày hội có một ý nghĩa cao thượng là thế, thanh tịnh là thế, vì họ mà bị tan nát, mà bị đình lại hẳn, những người hữu tâm với giống nòi, với tục quán của nước Việt Nam tất còn nhớ mãi mãi đến “công” của bọn tài hoa son trẻ, vui vẻ trẻ trung của Hà thành!
            Ta nên nhớ mãi cái tinh thần hội Lim, những cái đẹp cao thượng ở hội Lim mà thiết tưởng cũng chẳng nên tiếc nó làm gì vậy. [2]
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 47 (9/2/1941)

[1] Các chỗ đặt chấm lửng trong ngoặc vuông này, ở bản gốc bị bỏ trắng những đoạn khoảng vài ba từ hoặc trên dưới 1 dòng, có lẽ do toà soạn bỏ.
[2] TBCN in kèm bài này ảnh của Võ An Ninh: Hội Lim. Cậu trai thẹn thùng che miệng hát những câu hát tình tứ và ngây thơ; mấy thiếu nữ lắng tai nghe, sẵn sàng chờ đợi để hát trả lời. Đây là hình ảnh đặc biệt của hội Lim, cực tả cái tâm hồn chất phác của dân quê Việt Nam.
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

Chén trà tàu đầu xuân - Vũ Bằng

Chén trà tàu đầu xuân
Vũ Bằng

            Năm 1941
            Có một điều này nói ra mà tôi không sợ người nào cải chính, là trong ba ngày Tết vừa qua, không ngày nào chúng ta không uống ít ra là một chén nước trà tàu.
            Nước trà tàu cũng như miếng trầu là đầu câu chuyện ở đất Việt Nam này, mà không cứ phải thế, nhưng là đầu câu chuyện ở hầu hết khắp xứ ở Á Đông, nhất là Tàu và Nhật. Báo Le Corespondant Chinois ở Trùng Khánh vừa đây nhân dịp hết năm cũng nói chuyện về chén trà tàu. Bạn đồng nghiệp Tàu cũng như chúng tôi, phải nhận là chén trà tàu có thể đặt lên trên hết cả, không phải riêng ngày Tết hay ngày lễ, nhưng bất cứ ngày nào, giờ nào trong một năm. “Những nhà ngoại giao trên thế giới đều biết rằng bao nhiêu việc đều có thể giải quyết được ở trước một chén trà, nhất là dân Trung Hoa thì lại càng biết thế lắm, biết hơn cả các dân tộc khác”.
Chuyện cổ tích trà Tàu
            Theo như truyện ký truyền tục lại thì trà tàu cũng có một sự tích riêng mà ta cũng nên biết, mỗi khi cầm một chén nước trà tàu để uống.
            Một vị ẩn sĩ, Đạt-ma tổ sư, có tiếng là một bậc chân nhân siêu thoát ở Tàu và ở Nhật xưa nay vẫn được nhiều người kính trọng vì lòng đạo đức và tính cương quyết của ngài, mà trước khi cương quyết với người khác thì ngài hãy cương quyết với ngài trước đã. Ngài ngồi nhập định trong mười bốn năm liền, đến khi xem lại thì mới biết chân mình đã nát rồi. Không nản chí, Đạt-ma tổ sư nhất định không cho phép mình được ngủ, thế nhưng một đêm kia ngài bỗng chợp mắt mất một hồi lâu, đến khi tỉnh giấc thì trời đã gần hửng sáng. Tức giận vô cùng, ngài bèn xẻo hai cái mi mắt của ngài đi và ném ra xa, bởi vì hai cái mi mắt ấy đã cám dỗ ngài, đã làm hại đến cái lòng cương quyết xả thân vì đạo của ngài. Một sự rất lạ lùng bỗng xảy ra: hai cái mi mắt của ngài mọc rễ xuống dưới đất và chẳng bao lâu thì đâm ra một cái cây và cái cây ấy đâm chồi và mọc lá. Dân quê ở chung quanh vùng đó ngắt những lá ấy về nhà đun nước pha uống và cứ uống nước ấy vào thì người ta không ngủ được.
Trà tàu ở Tàu
            Đó là chuyện cổ tích về trà tàu ở Nhật. Theo truyền kỳ kể lại thì người Tàu đã tìm ra được trà từ 46 thế kỷ nay, 12737 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Hai nghìn năm trăm năm sau, vào thời đại mà các nhà quý phái Anh còn ăn bận những da thú vật và dùng những khí giới bằng hoả thạch thì người Tàu đã phát huy cái “nghệ thuật ngoại giao” và tìm được những sự liên lạc mật thiết và nhã nhặn giữa nghệ thuật ấy với trà tàu ta uống.
            Từ đời Hán (206 năm trước Thiên Chúa giáng sinh) những vị vua chúa đã mang thực hành “cách ngoại giao chén trà tàu” để trị vì đất đai của mình. Những dân ở biên thuỳ thấy người Tàu uống trà và nghiện trà tàu cũng bắt chước và từ đó, kỹ nghệ trà tàu bành trướng một cách rất mau lẹ, nhiều dân tộc man di ở chung quanh đó thường đến đổi trâu, bò, gà, ngựa lấy từng bánh trà và lấy trà làm một thứ đồ ăn cần thiết nhất. Về sau triều Hán lấy đó để mà doạ các nước chư hầu bởi vì nếu những nước chư hầu giở trò gì thì triều Hán sẽ không bán trà tàu cho nữa.
Ngoại giao chén trà tàu
Một thí dụ xác đáng nhất về chuyện “ngoại giao chén trà tàu” là một câu chuyện vừa xảy ra mới đây giữa nước Tàu mới và xứ Tây Tạng. Vào hồi cuối thế kỷ trước, dân Tây Tạng vẫn bị coi là một dân tộc tán mạn, để chủ nghĩa cá nhân lên trên hết, sống một cuộc đời cơ khổ vô cùng ở dưới triều một vị bạo chúa. Vào thời ấy những thương gia và những dân thuộc địa Anh ở Ấn Độ say sưa vì lợi, đã làm cho dân Tây Tạng kinh sợ, đành phải chạy sang liên kết với Nga; cũng vào thời ấy xứ Tây Tạng lại bị phiền nhiễu bởi dân Mãn Châu quốc nữa. Dân Tây Tạng cùng đường quá đâm liều bèn ám sát viên tỉnh trưởng ở Bà Tang. Triều đình Bắc Kinh bèn cử Triệu Ích Phong sang hoà giải và ông tướng có bàn tay sắt đó đã dẹp yên hết cả những sự rối ren vào khoảng 1905. Đến 1910 thì Triệu Ích Phong tiến vào tới Lhassa và lập ở đó một chính phủ bản xứ. Triệu Ích Phong rất đanh ác, đến nỗi bây giờ những người đàn bà ở bộ lạc người Mãn lấy tên Triệu Ích Phong ra doạ trẻ cũng như ta doạ ông ba bị vậy. Tuy vậy, Triệu có tiếng là một vị quan rất có tài, Triệu cấm dân xứ không được trồng trà tàu trong khắp xứ Tây Tạng. Cái lệnh ấy tách riêng hẳn Tây Tạng ra không cho dính dáng gì với triều đình và mỗi ngày lệnh ban ra một thêm nghiêm lên, Triệu biết chắc rằng những nhà trồng trọt và viên chức Anh-cát-lợi không thể làm cách gì mà áp chế dân Tây Tạng bằng trà tàu nữa.
Nói thực ra thì bao nhiêu việc ngoại giao giữa Tàu và Tây Tạng vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai mươi đều ở những bánh trà tàu mà ra cả!
Uống trà tàu
            Ban sơ, người ta cho những lá trà tàu vào nước đem đun lên rồi vớt những cái lá trà đem phơi. Trà ấy, người Nhật gọi là udeahor. Đến năm 1570 thì có một người lái buôn nghĩ ra một thứ chảo để rang trà, cái máy ấy gọi là hairo, mãi tận về sau mới có nhiều người biết mà dùng. Bây giờ vì việc xuất cảng trà mỗi ngày một bành trướng, người ta pha trà theo lối Tàu vừa tiện vừa đõ tốn. Người lái buôn nghĩ ra cái chảo hairo lại phát minh ra những cái giàn để che sương tuyết cho những cây trà tàu.
            Uống trà tàu, đối với người Tàu là cả một nghệ thuật của những đại gia quý phái. Các ông già ở nước ta uống trà tàu từng tí một ở trong những cái chén nhỏ như cái vỏ hến, đó là bắt chước lối người Tàu. Người Tàu uống trà rất sành, uống có phương pháp, mà cũng rất nhiều thứ trà lạ, có thứ rất đắt, có thứ rất quý, có thứ rất lạ, đại khái như thứ lệ chi hồng trà, thứ nhất phiến bạch tuyết chỉ cho vào ấm một cánh trà mà thơm ngát và đặc như cả một ấm trà khác vậy. Mỗi thứ có một hương vị riêng. Trà tàu xuất cảng sang Âu châu, người ta không phân biệt hương vị lắm nhưng cũng được ưa thích lạ lùng nên ở Anh và ở Pháp, những nhà giàu thường có lệ uống trà tàu vào khoảng năm giờ chiều (five o’clock tea). Họ uống từng ấm to và nhiều khi pha rượu Rhum, Martell, Kuminel hay Cointreau vào thành thử mất cả cái hương vị của trà đi, họ không tận hưởng được cái thú của trà tàu vậy.
            Duy ở Á Đông, ta phải nhận rằng người Nhật uống trà tàu rất mực sành; chính tôi, trước hồi chiến tranh Trung-Nhật, đã thấy có mấy ông già người Tàu cũng nhận như thế. Ở Nhật, bất cứ người nào cũng uống vài bận trà tàu trong một ngày. Trà tàu, có người Nhật đã nói, cũng cần như là cơm gạo vậy.
            Người Nhật uống hai thứ trà: một thứ trà lá và một thứ trà bột. Pha nước trà là một khoa giáo dục riêng mà người đàn bà nào có học cũng đều phải biết. Những đồ dùng để pha trà, họ làm bằng những thứ đất hay những đồ sành đồ sứ cổ do những nghệ sĩ có biệt tài chế tạo ra. Trà bột đứng vào bực nhất, chỉ khi nào nhà có tiệc tùng long trọng gì thì mới giở ra thôi. Người ta ướp chè vào trong một cái lọ hai nòng, một cái nòng để trà thường còn một cái thì để trà bột. Mỗi khi uống nước trà, họ ra một chỗ riêng ở ngoài vườn, chung quanh toàn cây cỏ, ở trong một gian phòng gọi là midzu-ya. Không một tên gia đinh nào được giúp chủ trong cái công việc long trọng ấy, chính chủ phải tự thân làm lấy.
Bộ đồ trà
Trước hết, vị chủ nhân lấy ở phòng midzu-ya ra tất cả những thứ cần dùng. Kể ra thì nhiều lắm, chúng tôi chỉ nói đến vài thứ chính: 1/Hộp hương (ko-babo); 2/Hộp đựng giấy và nghiên mực; 3/Một giỏ than đã lựa chọn thứ tốt; 4/Một cái bàn chải để lau lại các thứ đồ dùng; 5/Một cái quạt lông (mitzu-ba) để quạt than; 6/Mấy cái mồi lửa (hibachi); 7/Một cái bình gio nóng để đôt trầm (người Nhật đốt trầm là để cho mất mùi than khét); 8/Mấy cái vòng để cầm quai ấm nước nóng; v.v…
            Thường thường, tiệc trà không quá hai giờ, và trong lúc đó, không ai được nói chuyện về tôn giáo, về chính trị, nhất là những câu chuyện xấu xa bị cấm rất ngặt và mọi người đều rất mực bình đẳng, không kể chi tước vị. Những khách mời đến dự tiệc trà không bao giờ được quá số sáu người, và những khách bắt đầu phê bình hương vị trà, rồi khen chủ nhân về mỹ thuật và sự tinh xảo của những hộp đựng các thứ dùng. Theo mùa, những hộp này làm bằng gỗ sơn then hay bằng sứ, có lẽ là để giữ được lâu hương trà thứ đựng bên trong. Chủ nhân trước hết lau lại những chén tách, lau bằng một vuông lụa rất đắt gấp trong một cái ống hay một cái hộp sứ cổ và gọi là tukusa. Đến cái bàn để sửa soạn những việc ấy cũng phải đóng bằng gỗ dâu và cao đúng sáu mươi phân. Chủ nhân đặt lên cái bàn đó một ấm nước trong sôi (midzu-vié), một cái ấm pha trà (tcha-van) hoặc bằng sành hoặc bằng sứ nhưng bao giờ cũng phải là một thứ cổ và đắt, rồi đến cái tha-vié, nghĩa là một cái bình nắp bằng ngà để trong một cái hộp gấm cũ, đựng trà bột, lấy ra bằng một cái thìa tre. Chủ nhân lấy trà ra, cho vào một cái bát, rót nước sôi lên trên, quấy lên bằng một cái đũa gỗ, đoạn đưa mời vị khách thứ nhất. Người này lấy một ít, bát trà lại đưa sang người thứ hai, rồi người thứ ba…Trong cách pha trà này, trà bột uống hết cả.
            Đến những thầy tu Tcha-jin dùng trà thì mỗi người có một cái hộp bằng gỗ sơn then gọi là hassumé trong đựng những thứ dùng riêng cho người ấy nghĩa là một vài thứ trong những thứ đã kể trên. Khi nào người ta mời một thầy tu Tcha-jin đến chủ toạ tiệc trà thì chủ nhân lại hoá ra như là một vị khách, không phải làm gì hết, song cứ kể ra tiệc trà được quý hơn và những khách cho là được vinh hạnh hơn nếu chính chủ nhân chủ toạ lấy. Những thầy tu Tcha-jin mỗi khi đến chủ toạ một tiệc trà, thường được đãi rất hậu, nhưng đãi một cách kín đáo bằng tặng những đồ quý giá tuỳ theo gia phong của chủ. Thường thường, trà của họ pha một cách khác. Người ta cho trà vào ấm đã cẩn thận giữa nước sôi, người ta rót lên trên trà ấy một ít nước sôi mà không sủi bọt lên, đoạn cầm đũa quấy lên, rồi đổ lượt nước trà thứ nhất đó đi cho trà mất mùi hăng. Bấy giờ người ta lại rót vào bình một lượt nước sôi thứ hai nữa và để cho trà ngấm trong năm phút.
Ta uống trà tàu
            Tôi không lập dị như ông bạn Nguyễn Tuân, cổ động người ta mỗi khi uống trà tàu phải làm những bộ điệu rất nhiêu khê, nhưng tôi nhận rằng mỗi khi pha trà tàu uống mà làm như lối các ông “phổ ky” ở các tiệm bánh buổi trưa thì thực là tục tằn, bỉ ổi, người ta không còn biết hương vị trà tàu là gì cả.
            Người ta uống trà, người phải biết nghệ thuật uống trà. Mà biết cái nghệ thuật uống trà, pha trà, một chén trà đầu xuân ướp thuỷ tiên pha rất khéo tôi tưởng quả cũng là một thứ tiêu khiển sung sướng nhất cho đời người ta vậy. Chẳng thế người xưa đã có câu:
Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh sổ trản trà.
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s.46 (2/12/1941)
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy