Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
25/3/13

Đi chúc Tết - Tư Quá

Đi chúc Tết
Tư Quá
Đinh Mỹ Linh dịch

Ngôi nhà tường đất lợp ngói đã nhiều năm tuổi rồi, tường bốn phía đều nứt nẻ như rắn rết bò lung tung, gió bắc giá buốt tung hoành lùa qua những khe tường này, thổi tung cát bụi trên nền nhà và tro than của bếp than tung toé.
Mùa đông năm nay, rét hơn những năm trước rất nhiều. Ông già Vương thực ra cũng không thể coi là già, chỉ mới 42 tuổi, chỉ vì nhiều tháng năm làm ruộng vất vả, mưa gió dập vùi, cho nên trông ông già hơn tuổi thực tế rất nhiều.
Trời tối đen rồi, ăn cơm tối xong, hai vợ chồng ông già Vương đang cùng ngồi quây bên bếp lò đắp bằng đất sưởi ấm.
Trên nóc bếp lò khoảng hai mét, treo hai cái chân giò lợn đã nướng vàng ươm. Đây là phương pháp thường dùng của người vùng này, thịt lợn nướng bằng bếp lò than, ăn thơm ngon hơn nhiều so với phơi nắng.
Nhà ông già Vương thịt một con lợn, bốn chân đều chặt rất to, trong đó hai cái chân giò đã bán bớt đi để lấy tiền đóng học phí học thêm cho cậu con trai. Hai vợ chồng chỉ có một cậu con trai, vì thiết tha mong muốn con học hành tấn tới, sau này ăn nên làm ra, lo lắng chất lượng dậy học của trường trung học của xã này thấp kém làm ảnh hưởng đến tiền đồ của con trai, nên ba năm trước, ông già Vương đã cắn răng cắn lợi, đưa con đến trường trung học trọng điểm trên huyện lị xa ngoài 50 cây số, hiện con đang học lớp 8. Chẳng thế, mà vừa hết năm học, con trai đã trở lại trường học thêm rồi.
“Lập xuân đã qua mấy ngày rồi, hôm nay trời vẫn rét như thế này, lại không có tiền, nếu khôn thì bức tường này đã phải sửa chữa rồi!” Bà vợ nói.
“Chờ đến sau khi con tốt nghiệp, sẽ bàn vậy, không biết đến khi nào mới hửng nắng đây, tôi còn cần phải lên huyện lị đã!”
“Hay là mang bán thêm một cái chận giò này đi, để lại cái kia để chúng ta ăn.” Với giọng tâm tình bàn bạc, bà vợ nói ông Vương.
“Bà thì hiểu cái gì nào? Việc học hành của con là đại sự, muốn ăn sau này thiếu gì cơ hội chứ!”
Bà vợ không nói gì nữa, vì con cái, gian khổ bao nhiêu cũng chịu được, hà tất lại suy nghĩ đến mấy miếng thịt này.
Sáng tinh mơ hôm sau, mặt trời còn chưa nhô lên. Ông già Vương đã dầm mình trong gió rét thấu xương, đeo chiếc làn đựng hai cái chân giò được nướng vàng ươm, ngồi lên xe khách xốc xáo đi lên huyện lị. Ông không còn bụng dạ nào ngắm cảnh ngựa xe như nước trong huyện lị, đi thẳng đến trường của con.
Ông không đi tìm con, mà tìm đến nhà của thầy giáo chủ nhiệm của lớp con. Đây là một gian nhà nhỏ khép kín. Sau khi do dự mười mấy giây, cuối cùng ông Vương dùng tay phải căng thẳng đến nỗi phát run lên, gõ nhẹ vào cánh cửa mấy cái.
Cửa mở, một người phụ nữ chạc 36, 37 tuổi đứng ở trong cửa. Chị là vợ của thầy Triệu Chính Hỉ, giáo viên chủ nhiệm lớp của con ông Vương. Chị tên là Tôn Bình, cũng là giáo viên của trường trung học trọng điểm này.
Nhìn thấy một người lạ mặt mày lọ lem đứng bên ngoài cửa, cô giáo Tôn Bình vội lịch sự nói: “Thưa cụ! Cụ tìm ai ạ?”
Nghe thấy câu nói “Cụ”, ông Vương  nét mặt ngường ngùng, vội vàng đặt chiếc làn đang đeo xuống, nói: “Tôi tìm thầy Triệu Trung Hỉ, thầy có nhà không ạ?”
“Thầy Triệu Trung Hỉ đang lên lớp,  mời cụ vào trong nhà, ngồi xuống ghế, có việc gì cháu sẽ nói lại với thầy.” Cô giáo Tôn Bình vừa nói vừa nghiêng người mời ông vào trong nhà, rồi đóng cửa lại.
Ông Vương đi đến trước bộ sa lông mới tinh, ngần ngừ một lát, chưa dám ngồi xuống, ông sợ quần áo của mình làm bẩn sa lông.
“Mời cụ ngồi!” Cô giáo Tôn Bình khách khí nói.
“Cho tôi đứng một lát, vừa ngồi mãi trên xe mệt quá đi!”
Cô giáo Tôn Bình liên tục mời ông ngồi xuống, ông Vương cẩn trọng rụt rè ngồi xuống mép chiếc sa lông nọ. Cô giáo Tôn Bình mời ông một cốc nước, và tự giới thiệu đôi nét.
Ông Vương nói: “Thưa cô Tôn Bình, tôi là bố của Vương Lâm. Giáo viên chủ nhiệm lớp của Vương Lâm chính là thầy Triệu Chính Hỉ.”
“Dạ! Mời cụ ở đây đợi anh ấy, hơn nữa cũng sắp hết giờ lên lớp rồi, cháu đi mở truyền hình. ”Cô giáo Tôn Bình vừa nói vừa đứng dậy đi tìm chiếc điều khiển vi tính.
“Ô! Không được đâu, tôi cũng có việc, còn phải trở về ngay. Muộn quá sẽ không có xe nữa.!”
Sau khi hai người chuyện trò một lát, ông Vương lấy trong làn ra một cái gói, đặt xuống nền nhà, và nói: “Thưa cô Tôn Bình! Đây là đặc sản địa phương của nhà chúng tôi. Thầy Triệu Chính Hỉ đã vất vả nhiều vì trò Vương Lâm. Đây là một chút tâm ý của chúng tôi. Người nhà nông cũng chẳng có cái gì tốt hơn, nên chỉ mang một chút quà nhỏ mọn chúc tết thầy Triệu Chính Hỉ!”
Cô giáo Tôn Bình lập tức hiểu ra ý tứ của ông Vương, nói: “Không không! Cụ ơi! Cụ chớ khách sáo như vậy! Những thứ này cụ mang về đi, giáo dục trẻ em là công tác của chúng tôi, là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng tôi mà! Sao cụ lại làm như vậy?”
Thấy ông Vương nhất mực muốn làm như vậy, sau một hồi  đưa đẩy, cô giáo Tôn Bình nói cảm ơn, rồi cũng nhận quà.
Từ nhà thầy Triệu Chính Hỉ đi ra, ông Vương muốn đến thăm con, hỏi han tình  hình học hành của nó, song nghĩ đến việc vừa làm này sẽ làm mất mặt con, nên ông đi thẳng đến bến xe.
Tiễn ông Vương đi không lâu, thầy Triệu Chính Hỉ đã về đến nhà. Cô giáo Tôn Bình nói rõ việc của ông Vương, rồi nói với chồng: “Hai cái chân giò ấy đã nướng bằng bếp lò than củi, mùi vị nhất định rất tốt, tối nay chúng mình hầm nó lên, anh xem thế nào?”
Thầy Triệu Chính Hỉ  không nói gì. Thầy cởi bộ complê dính đầy bụi phấn, treo lên mắc áo.
“Anh làm sao thế? Không vui phải không?” Cô giáo Tôn Bình quan tâm hỏi.
Thầy Triệu Chính Hỉ vẫn không nói, thầy châm một điếu thuốc lá thơm, hít một hơi, rồi chậm rãi nói: “Anh thấy món này chúng mình không thể ăn.”
“Tại vì sao?” Cô giáo Tôn Bình hỏi.
Thầy Triệu Chính Hỉ nói: “Anh biết mùi vị rất ngon, song chúng mình không thể ăn, mà phải mang món này đi chúc tết thầy giáo chủ nhiệm của con chúng mình!”

Tình 419 - A Từ

Tình 419
A Từ
Lý Xuân Thạch dịch

Lý Tơ Tơ và A Cận là bạn học cùng lớp đại học, sau khi tốt nghiệp cô xin được vào làm ở cơ quan tỉnh, tiền đồ sáng sủa. A Cận chọn đi miền Nam tìm công việc.
Một năm sau, A Cận có được chỗ đứng ở miền Nam, vì tình yêu, Lý Tơ Tơ từ bỏ công việc nhiều người ao ước, chạy theo A Cận. Không ngờ vừa mới gặp nhau A Cận đã nói lời chia tay. Hóa ra anh ta đã sống chung với một cô gái khác rồi.
Lý Tơ Tơ vốn là một cô gái có tính tự tôn cao, cô xách hành lý ngay lập tức rời khỏi nơi ở của A Cận. Đêm về khuya, một thân gái nơi đất khách quê người, chẳng biết tìm nơi nào để trú chân đây?
Cô chậm bước lang thang không biết đi đâu, sau đó khi đã thực sự thấm mệt, cô nhìn thấy bên đường có một quán bar mang số 419, bèn đi vào, gọi một cốc rượu đỏ, ngồi ngây ra trong một góc khuất.
Bỗng có một chàng trai tuấn tú cầm chén rượu bước tới, anh ta nhìn xuống đống hành lý của Lý Tơ Tơ rồi cười nói: "Em trông giống như một cô công chúa rơi vào cảnh hoạn nạn".
Lý Tơ Tơ cũng cười phá lên: "Tôi là kẻ hoạn nạn mà, nhưng rất tiếc tôi không phải là công chúa ".
Họ quen nhau nhau trong hoàn cảnh như vậy. Chàng trai ăn nói rất có duyên và đầy thiện cảm, Lý Tơ Tơ nghĩ mình đã tìm được một người để thổ lộ hết nỗi lòng, vì thế họ uống hết chén này đến chén khác.
Cũng có thể là do tác dụng của rượu, cũng có thể do trái tim quá đau đớn mà Lý Tơ Tơ đã đem hết chuyện của mình kể cho người đàn ông xa lạ nghe.
Chàng trai an ủi: "Lúc thất tình không nên đến chỗ này, cô nên tìm một khách sạn để ngủ. Đời người không chỉ yêu có một lần, chẳng có ai rời bỏ ai mà không thể sống nổi". Nói xong, chàng trai đưa cô gái rời khỏi quán bar, gọi chiếc taxi để lái xe đưa Lý Tơ Tơ tìm một khách sạn nghỉ ngơi.
Tắm nóng lạnh xong, nằm thoải mái trên chiếc giường mềm mại của khách sạn, Lý Tơ Tơ nghĩ, đúng rồi, không có ai rời xa ai mà không thể sống được, không đi nữa, mình sẽ ở lại thành phố này, phải làm cho cuộc sống của mình tươi đẹp hơn để cho A Cận xem.
Ngày thứ hai, Lý Tơ Tơ bắt đầu đi tìm việc, thật may mắn, cô tìm được việc ở một công ty quảng cáo, làm nhân viên văn phòng.
Lý Tơ Tơ là một nhân viên có năng lực, có nhiều ý tưởng sáng tạo, dần dần, cô được chọn vào phòng kế hoạch quảng cáo. Một ngày kia, Lý Tơ Tơ đi từ trong hành lang văn phòng công ty ra đón một vị khách. Người đàn ông đó đứng khựng lại, kinh ngạc thốt lên: "Công chúa hoạn nạn!".
"A, là anh sao?" Lý Tơ Tơ cũng nhận ra người đàn ông đó chính là người mà cô đã gặp ở quán bar 419 tối hôm nào.
Chàng trai đến để bàn việc quảng cáo sản phẩm. Anh ta tự giới thiệu tên là Đào Lỗi. Cũng vì anh ấy là người đầu tiên Lý Tơ Tơ quen ở thành phố này nên cô cảm thấy anh thân thiết và đáng tin cậy.
Cuối tuần, Đào Lỗi đưa Lý Tơ Tơ đi mua sắm, đột nhiên Lý Tơ Tơ thấy A Cận đi với một cô gái khác cũng đang tiến tới.
Lý Tơ Tơ mặc dù đã không còn căm ghét con người ấy nữa nhưng cô vẫn lúng túng, vội vàng kéo tay Đào Lỗi nói: "Anh hãy đóng giả là bạn trai của em nhé, kẻ mặc bộ quần áo âu phục màu đậm đằng trước là người đã phụ bạc em". Đào Lỗi lập tức hiểu ngay, vội kéo Lý Tơ Tơ sát vào bên cạnh mình.
Qua đoạn đường vòng, Lý Tơ Tơ muốn rời ra nhưng Đào Lỗi vẫn nắm chặt tay cô. Lý Tơ Tơ khẽ nói: "Anh ta không nhìn thấy nữa, có thể bỏ tay ra được rồi".
Đào Lỗi vẫn không bỏ ra, cười mỉm nói: " Không bỏ là không bỏ, cả cuộc đời này không bỏ".
Lý Tơ Tơ phát hoảng, tim đập loạn xạ kêu "thùm thụp", cô cũng không còn ý định rút tay lại nữa. Tình yêu là như vậy, đúng lúc không chủ ý, Lý Tơ Tơ đã bước vào tình yêu mới nhẹ nhàng như vậy đấy. Có người hỏi Lý Tơ Tơ, có phải là khi Đào Lỗi đến bàn chuyện quảng cáo, vừa nhìn thấy cô đã yêu anh ta luôn không?
Lý Tơ Tơ hạnh phúc nói: "Không phải, gặp lần thứ hai mới yêu, bởi vì trước khi gặp nhau ở công ty, trước đấy chúng tôi đã gặp nhau một lần rồi, là quen nhau ở trong quán bar 419 ".
Mọi người nghe xong liền cùng nhau phá lên cười, nụ cười đầy vẻ chế nhạo mỉa mai khiến cô không hiểu vì sao họ lại cười. Cô hỏi nguyên do, cô bạn đồng nghiệp kia nói: "Chẳng lẽ cậu không biết số 419 mang ý nghĩa gì sao? "
Lý Tơ Tơ kinh ngạc pha chút hoảng, hỏi: "419 nghĩa là sao?"
Cô bạn đồng nghiệp nói: "Phát âm số 419 theo tiếng Anh là four one nine với biến âm là for one night nghĩa là tình một đêm đó. Đó là quán bar "tình một đêm". Đây là bí mật công khai, ở cái thành phố này ai mà chẳng biết, người vào đó đều là những người đi tìm kiếm mối tình một đêm".
Lời của đồng nghiệp như gáo nước lạnh dội lên người khiến Lý Tơ Tơ lạnh buốt từ đầu tới chân. Đào Lỗi chắc chắn biết ý nghĩa của quán bar 419, vậy anh ấy thường vào quán bar đó để làm gì?
Lý Tơ Tơ cảm thấy thật bất an, cô bèn từ chối những cuộc hẹn hò với Đào Lỗi, thậm chí còn bí mật theo dõi Đào Lỗi. Cô phát hiện Đào Lỗi quả nhiên thường xuyên đi quán bar 419, điều này càng khiến cho Lý Tơ Tơ thêm thất vọng. Ít lâu sau, cô quyết tâm chia tay với Đào Lỗi. Đào Lỗi hỏi lí do tại sao, Lý Tơ Tơ chỉ nói ngắn gọn năm chữ: "Chúng ta không hợp nhau".
Nhưng tại sao Đào Lỗi lại đi tìm loại phụ nữ tình một đêm? Lý Tơ Tơ thấy thật không thể hiểu nổi.
Do đó, cứ mỗi tối Lý Tơ Tơ bí mật đến quán bar 419, ngồi ở chỗ khuất, người đứng ngoài không nhìn thấy, đợi xem Đào Lỗi.
Cô nhận thấy tâm trạng của Đào Lỗi không được vui, lúc nào cũng ngồi một mình ở đó uống rượu, cũng không chủ động làm quen hay nói chuyện với bất kỳ cô gái nào, cho dù có không ít cô gái chủ động đến làm quen với anh ta, trong số đó có cả những cô gái xinh đẹp.
Dường như Đào Lỗi chỉ thích cái đẹp của tâm hồn chứ không phải hình thức, cho nên anh ta cũng chẳng nói chuyện nhiều với các cô gái đó, cũng chẳng cùng ai sánh vai nhau rời khỏi quán bar. Lần nào anh ta cũng đều ngồi đến 12 giờ đêm mới ra về.
Điều đó khiến cho Lý Tơ Tơ rất khó hiểu, Đào Lỗi chưa gặp được người mình thích, hay là anh ấy cũng không biết đây là quán bar "tình một đêm", hay chỉ là tâm trạng không tốt nên đi uống rượu?
Đành như vậy đi, Lý Tơ Tơ giống như bộ đội đặc công, ngồi ẩn nấp ở quán bar khoảng hơn 10 ngày. Cho đến một ngày hình như Đào Lỗi tìm được mục tiêu, chưa đầy mười phút đã rời khỏi quầy bar. Lý Tơ Tơ vội vàng gọi taxi bám đuổi theo xe của Đào Lỗi.
Đột nhiên Lý Tơ Tơ thấy xe của Đào Lỗi vượt qua đầu chiếc xe chạy phía trước, đồng thời ép chiếc xe đó vào sát lề đường. Bước ra từ chiếc xe đó là một thanh niên có bộ tóc màu đỏ hung, Đào Lỗi chẳng nói chẳng rằng ra tay đấm một cú vào mặt gã thanh niên kia. Hai người đánh nhau rất kịch liệt, gã thanh niên tóc đỏ bị đánh ngã xuống đất, đúng lúc đó cảnh sát cũng kịp thời đến giải quyết.
Một tiếng sau, Đào Lỗi quay về xe của mình, Lý Tơ Tơ không còn giữ được lòng tự tôn nữa, từ chỗ vắng xa xa chạy tới gọi to: "Đào Lỗi!".
"Sao em lại ở đây?" Đào Lỗi ngạc nhiên hỏi.
Lý Tơ Tơ không còn che giấu, bèn kể hết sự tình về những ngày qua bí mật theo dõi cho Đào Lỗi nghe.
Đào Lỗi cười khổ, nói: "Anh thật không thể nào hiểu được lý do tại sao đột nhiên em chia tay anh, hóa ra là vì anh đi quán bar 419. Ái chà, tại sao em không nói rõ, anh đi quán bar 419 là để bắt kẻ khốn nạn kia".
Đào Lỗi chậm rãi lái xe, vừa đi vừa kể cho Lý Tơ Tơ nghe một câu chuyện thương tâm. Đào Lỗi có cô em gái tên là Đào Đào, do phát hiện ông chồng không chung thủy, vì muốn trả thù nên đã đi đến quán bar 419.
Vào tối hôm ấy, nó và tên thanh niên tóc đỏ hung kia đã cùng nhau trải qua tình một đêm. Nó đâu biết được hắn ta không chỉ là một kẻ đi tìm tình một đêm mà còn bí mật quay cảnh ái ân, sau đó tống tiền Đào Đào.
Đào Đào không chịu trả tiền, hắn liền gửi đĩa hình quay trộm đến cơ quan Đào Đào. Đào Đào không có cách nào khác phải đối diện với cái nhìn miệt thị của mọi người, nên đã tự sát. Đào Lỗi thề sẽ rửa hận cho em gái, anh đã liên hệ với cảnh sát nhờ giúp đỡ.
             Do vậy, chỉ là vấn đề thời gian, nên tối nào anh cũng đến quán bar 419 đợi hắn. Gã thanh niên tóc đỏ hung cũng cảm thấy sự việc xảy ra là một tội lỗi lớn nên hắn biến mất, một thời gian dài không xuất hiện. Nhưng hôm nay, cuối cùng Đào Lỗi cũng đã đợi bắt được hắn.
Nghe Đào Lỗi kể xong, Lý Tơ Tơ không khỏi nghĩ đến cái ngày đầu tiên đến quán bar 419, nếu lúc đó có người mê hoặc cô, chắc chắn cô cũng sẽ đi tìm kẻ đó trả thù. Bây giờ nghĩ lại cô thấy hối hận, may mắn cho cô đã gặp được Đào Lỗi, được anh đưa cô thoát khỏi quán bar đó.
Đào Lỗi lại nói: "Anh thường xuyên đến đó, không có việc gì thì ngồi xem người ta, những người đến đấy đều đi tìm tình một đêm, nhìn là biết ngay. Anh cảm thấy em không giống những người bọn họ, nên đã chủ động đến nói chuyện và làm quen với em...".
"Cảm ơn anh! Chúng mình có thể làm lại từ đầu không? Em đã hiểu nhầm anh nên mới đòi chia tay, anh tha thứ cho em nhé?" Lý Tơ Tơ cẩn trọng khẽ hỏi.
Đào Lỗi chân thành nói: "Anh quả không nhìn nhầm người, em đúng là một cô gái tốt. Nhưng, khi em và anh chia tay, anh đã rất đau khổ, em còn không cho anh cơ hội để giải thích, em nói xem, nên phạt em như thế nào đây?"
Lý Tơ Tơ khẽ trả lời: "Tùy anh".
Đào Lỗi cười, nói: "Vậy đầu tiên anh phải ghi lại câu nói này, cuộc đời dài lắm, cái quyền lớn như vậy anh phải giữ đến lúc quan trọng mới dùng".
24/3/13

Giấy chứng nhận "người" - Úc Thanh

Giấy chứng nhận "người"
Úc Thanh
Vũ Công Hoan dịch

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách: -Vé tàu!
Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.
Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc:
- Đây là vé trẻ em.
Người đàn ông đứng tuổi đỏ bằng mặt, nhỏ nhẹ đáp:
-Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?
Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi:
- Anh là người tàn tật?
- Vâng, tôi là người tàn tật.
- Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.
Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp:
- Tôi… không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em
Cô soát vé cười gằn:
- Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?
Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên – Tôi chỉ còn một nửa bàn chân.
Cô soát vé liếc nhìn, bảo:
- Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ “Giấy chứng nhận tàn tật”, có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!
Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích:
- Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…
Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.
Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật …
Trưởng tàu cũng hỏi:
- Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?
Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.
Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói:
- Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.
Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc:
- Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.
Trưởng tàu nói kiên quyết:
- Không được.
Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu:
- Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.
Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý:
- Cũng được.
Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi:
- Anh có phải đàn ông không?
Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại:
- Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?
- Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?
- Đương nhiên tôi là đàn ông!
- Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?
Mọi người chung quanh cười rộ lên.
Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói:
- Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?
Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói:
- Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.
Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.
Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành:
- Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.
Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng:
- Cô hoàn toàn không phải người!
- Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé:
- Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?
Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói:
Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “người” của cô ra xem nào…
Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.
Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận.
19/3/13

Rốt cuộc em sai chỗ nào - Khuyết danh

Rốt cuộc em sai chỗ nào
Khuyết danh

Hạnh phúc luôn rất mong manh và khó nắm giữ. Điều nhỏ bé duy nhất đưa mỗi cặp vợ chồng vượt qua những gian khó là sợi dây tình cảm. Giá như trong mọi hoàn cảnh họ luôn kiên nhẫn giữ lấy sợi dây ấy...
***
Cưới nhau được hai năm, chồng tôi bàn với tôi về quê đón mẹ anh lên ở với chúng tôi để bà được sống an nhàn những ngày cuối đời.
Bố anh ấy mất sớm từ khi anh còn nhỏ, nên bà mẹ gửi gắm tất cả mọi hy vọng vào anh, một mình bà chắt chiu thắt lưng buộc bụng nuôi anh khôn lớn cho tới ngày học xong đại học.
Tôi đồng ý ngay và lập tức dọn dẹp dành riêng cho bà căn phòng có ban công hướng Nam, vừa có thể sưởi nắng vừa có thể bày vài chậu cây cảnh.
Bước vào căn phòng chan hòa ánh sáng vừa dọn xong, anh ấy chẳng nói chẳng rằng bất chợt bế xốc lấy tôi và quay một vòng quanh phòng. Khi tôi sợ quá cào cấu anh xin anh bỏ xuống thì anh bảo:
- Nào, chúng mình về quê đón mẹ nhé!
Chồng tôi cao lớn, còn tôi thì bé nhỏ và thích được nép đầu vào ngực anh. Những lúc ấy, tôi có cảm giác như anh có thể nhét gọn tôi vào túi áo.
Những bận hai người tranh cãi nhau mà tôi không chịu thua, anh bèn nhấc bổng tôi lên ngang đầu và quay tít cho đến khi tôi sợ hết hồn xin anh buông tha mới thôi. Tôi thích cái cảm giác vừa sợ vừa sung sướng ấy.
Mẹ anh sống ở thôn quê lâu năm nên rất khó có thể sửa ngay được những tập quán của người nhà quê. Chẳng hạn, thấy tôi hay mua hoa tươi bày ở phòng khách, bà có vẻ khó chịu.
Cực chẳng đã, một hôm bà bảo:
- Các con thật chẳng biết chi tiêu gì cả. Hoa có ăn được đâu mà mua làm gì kia chứ?
Tôi cười:
- Mẹ ơi, trong nhà có hoa tươi nở rộ thì ai nấy đều vui vẻ cả.
Bà cúi đầu lầu bầu gì gì đấy. Chồng tôi bảo:
- Ðây là tập quán của người thành phố, mẹ ạ. Lâu ngày mẹ sẽ quen thôi.
Bà không nói gì nữa, nhưng sau đấy mỗi bận thấy tôi mua hoa về, bao giờ bà cũng không thể im lặng mà cứ hỏi mua hết bao nhiêu tiền. Khi tôi nói giá cả thì bà chép miệng tiếc rẻ. Có lần thấy tôi xách về túi to túi nhỏ các thứ mua sắm được, bà gặng hỏi giá tiền từng thứ một. Tôi kể lại giá mỗi thứ. Nghe xong bà chép miệng thở dài thườn thượt. Chồng tôi véo mũi tôi và thì thầm:
- Ngốc ơi, nếu em đừng nói giá thật với mẹ thì sẽ chẳng sao cả, phải không nào?
Cuộc sống đang vui tươi thế là dần dần có những hòa âm trái tai.
***
Ðiều làm bà khó chịu nhất là thấy con trai mình ngày ngày dậy sớm chuẩn bị bữa sáng. Ðàn ông mà chui vào bếp nấu ăn cho vợ thì coi sao được, bà nghĩ vậy.
Vì thế mà bữa sáng nào bà cũng nặng mặt không vui. Tôi giả tảng không thấy gì thì bà khua đũa đụng bát tỏ ý không bằng lòng.
Làm giáo viên dạy múa ở Cung Thiếu niên, ngày nào tôi cũng phải nhảy nhót mệt bã người nên khi ngủ dậy thường nằm rốn tận hưởng chăn đệm ấm áp, coi đó là một thú hưởng thụ. Vì thế tôi đành giả câm giả điếc trước sự chống đối của bà mẹ chồng.
Ðôi khi bà cũng làm giúp tôi một ít việc nhà, nhưng thật ra chỉ làm tôi thêm bận bịu mà thôi. Chẳng hạn, những túi ni lông đựng đồ, mọi khi tôi đều quẳng vào thùng rác thì bà tích cóp lại, bảo là để hôm nào bán cho đồng nát. Thế là khắp nhà đầy những túi ni lông.
Mỗi lần rửa bát hộ tôi, bà đều hà tiện không dùng nước rửa chén thế là tôi phải rửa lại, dĩ nhiên phải kín đáo để bà khỏi tự ái.
Một tối nọ, khi tôi đang rửa chén trộm như thế thì bà nhìn thấy. Thế là bà sập cửa đánh sầm một cái, nằm lì trong buồng khóc gào lên. Chồng tôi cuống quýt chẳng biết làm gì. Cả tối hôm ấy anh không nói với tôi câu nào. Tôi làm nũng với anh, anh cũng chẳng thèm để ý. Tôi điên tiết lên vặn lại:
- Thế thì rốt cuộc em sai chỗ nào ạ?
Anh trợn mắt:
- Tại sao em không thể phiên phiến một chút nhỉ, bát không sạch thì ăn cũng có chết đâu, hả?
Một thời gian dài sau đấy, bà chẳng nói chuyện với tôi. Không khí trong nhà bắt đầu dần dần căng thẳng. Chồng tôi rất mệt mỏi, chẳng biết nên làm ai vui lòng trước.
Không muốn để con trai làm bữa sáng, bà cả quyết nhận lấy "nhiệm vụ nặng nề" này.
Rồi khi thấy anh ăn uống ngon lành, bà lại nhìn ngó tôi với ý trách móc tôi không làm tròn bổn phận người vợ, khiến tôi rất khó xử. Ðể thoát khỏi cảnh ấy, tôi đành không ăn bữa sáng ở nhà mà mua túi sữa trên đường đi làm, mang đến cơ quan ăn. Tối hôm ấy lúc đi ngủ, anh bực bội bảo:
- Có phải là em chê mẹ anh nấu ăn bẩn nên mới không ăn sáng ở nhà, đúng không?
Rồi anh lạnh nhạt nằm quay lưng lại, mặc cho tôi nước mắt đầm đìa vì ấm ức. Sau cùng anh thở dài:
- Cứ coi như là em vì anh mà ăn sáng ở nhà, được không nào?
Thế là sáng sáng tôi đành ngồi vào bàn ăn với tâm trạng ê chề.
Một hôm, khi đang ăn món cháo bà nấu, tôi chợt thấy buồn nôn, mọi thứ trong bụng muốn oẹ ra, gắng kìm lại mà không tài nào kìm được, tôi đành quăng bát đũa chạy ù vào phòng vệ sinh, nôn thốc nôn tháo.
Sau một hồi hổn ha hổn hển thở, khi tôi bình tâm lại thì nghe thấy bà bù lu bù loa vừa khóc vừa đay nghiến oán trách tôi bằng những từ ngữ nhà quê, còn anh thì đứng ngay trước cửa phòng vệ sinh căm tức nhìn tôi.
Tôi há hốc miệng chẳng nói được gì, thật ra nào mình có cố ý nôn đâu. Lần đầu tiên chúng tôi cãi nhau to. Mới đầu mẹ anh còn giương mắt đứng nhìn, sau đấy bà thất thểu bỏ ra ngoài. Anh tức tối nhìn tôi rồi đi ra theo bà.
Ba ngày liền không thấy bà và anh về nhà, cả đến điện thoại cũng không thấy gọi. Tôi tức điên người mỗi khi nghĩ lại từ hôm bà lên đây ở mình đã phải chịu bao nhiêu nỗi oan ức, thế mà anh ấy còn muốn tôi thế nào nữa đây?
Không hiểu sao dạo này tôi hay buồn nôn thế, ăn gì cũng không thấy ngon, lại thêm trong nhà bao nhiêu chuyện rắc rối, tâm trạng vô cùng tồi tệ. Cuối cùng, vẫn là các bạn ở cơ quan bảo:
- Sắc mặt cậu xấu lắm, nên đi khám bệnh thôi!
Kết quả kiểm tra ở bệnh viện cho thấy tôi đã có bầu. Bây giờ mới rõ tại sao sáng hôm ấy tôi bỗng dưng buồn nôn. Niềm hạnh phúc sắp có con pha trộn với một chút buồn giận oán trách: Tại sao chồng mình và cả bà mẹ chồng nữa lại không nghĩ tới chuyện ấy nhỉ?
***
Tôi gặp anh tại cổng bệnh viện. Xa nhau mới có ba ngày mà trông anh tiều tụy quá chừng. Tôi định quay đi, nhưng bộ dạng ấy khiến lòng tôi xót xa, không nén được, tôi gọi anh.
Anh nhìn tôi như người xa lạ, ánh mắt không giấu nổi nỗi chán ghét như một mũi kim lạnh buốt đâm vào lòng tôi. Tôi tự nhủ "đừng nhìn anh ấy, đừng nhìn anh ấy", và chặn một chiếc taxi lại.
Thật ra lúc ấy tôi chỉ muốn hét to: "Anh yêu của em, em sắp sinh cho anh một cục cưng đây!" rồi được anh bế xốc lên sung sướng quay một vòng. Ước muốn ấy đã không xảy ra. Khi ngồi trên taxi, nước mắt tôi ứa ra lã chã. Vì sao chỉ một lần cãi nhau đã làm cho tình yêu của chúng tôi trở nên tồi tệ tới mức này cơ chứ?
Về nhà, tôi nằm trên giường nghĩ tới chồng, tới nỗi chán ghét đầy trong mắt anh. Tôi nắm lấy góc chăn khóc nấc lên. Nửa đêm, có tiếng lạch cạch mở ngăn kéo. Khi bật đèn lên tôi trông thấy khuôn mặt đầy nước mắt của anh. Thì ra anh về nhà lấy tiền.
            Tôi lạnh nhạt nhìn anh không nói gì. Anh cũng làm như không thấy tôi, lấy xong các thứ liền vội vã bỏ đi. Có lẽ anh định thật sự chia tay với tôi đây. Thật là một người đàn ông có lý trí, biết tách bạch tình và tiền rạch ròi như thế đấy. Tôi cười nhạt, nước mắt lã chã tuôn rơi.
***
Hôm sau tôi không đi làm mà ở nhà, muốn xem xét lại mọi ý định của mình rồi tìm anh trao đổi cho xong mọi chuyện. Khi đến công ty của anh, cậu thư ký ngạc nhiên nhìn tôi:
- Ơ kìa, mẹ tổng giám đốc bị tai nạn, hiện đang nằm bệnh viện kia mà.
Tôi trố mắt cứng họng, lập tức đến ngay bệnh viện. Nhưng khi tìm được anh thì bà đã tắt thở rồi. Anh không hề nhìn tôi, mặt cứ lầm lầm. Tôi nhìn khuôn mặt vàng vọt không hồn của bà, nước mắt ứa ra: Trời ơi! Tại sao lại đến nông nỗi này cơ chứ?
Cho tới hôm an táng mẹ, anh vẫn không thèm nói với tôi một câu nào, thậm chí mỗi khi nhìn tôi, ánh mắt anh đều hiện lên nỗi chán ghét tột độ. Nghe người khác kể lại, tôi mới biết sơ qua về vụ tai nạn.
Hôm ấy bà bỏ nhà rồi thẫn thờ đi về phía ga xe lửa, bà muốn về quê mà. Chồng tôi đuổi theo, thấy thế bà rảo bước đi nhanh hơn. Khi qua đường, một chiếc xe buýt đâm vào bà... Cuối cùng thì tôi đã hiểu tại sao anh ấy chán ghét mình. Nếu hôm ấy mình không nôn oẹ, nếu hôm ấy mình không to tiếng cãi nhau với anh ấy, nếu... Trong lòng anh, tôi là kẻ tội phạm gián tiếp giết chết bà.
Anh lẳng lặng dọn vào ở phòng mẹ, tối tối khi về nhà, người sặc mùi rượu. Lòng tự trọng bị tổn thương bởi nỗi xấu hổ và tự thương hại đè nặng khiến tôi thở không ra hơi nữa.
Muốn giải thích mọi chuyện, muốn báo anh biết chúng tôi sắp có con rồi, nhưng cứ thấy ánh mắt ghẻ lạnh của anh là tôi lại thôi không nói gì. Thà anh đánh tôi mắng tôi một trận còn hơn.
Tôi có cố ý để xảy ra mọi tai họa ấy đâu! Ngày tháng cứ ngột ngạt lặp đi lặp lại. Càng ngày anh ấy càng về nhà muộn hơn. Chúng tôi cứ thế căng với nhau, xa lạ hơn cả người qua đường. Tôi như cái thòng lọng thắt vào tim anh.
Một hôm, khi đi qua một hiệu ăn Âu, tôi nhìn qua cửa kính thấy chồng mình đang ngồi đối diện với một cô gái trẻ và nhè nhẹ vuốt tóc cô. Thế là tôi đã hiểu rõ tất cả.
Sau giây lát ngớ người ra, tôi vào hiệu ăn, đến đứng trước mặt chồng mình, trân trân nhìn anh, mắt ráo hoảnh. Tôi không muốn nói gì hết, và cũng chẳng biết nói gì. Cô gái nhìn tôi, nhìn chồng tôi rồi đứng lên định bỏ đi.
Anh ấn cô ngồi xuống rồi cũng trân trân nhìn lại tôi, không chịu thua. Tôi chỉ còn nghe thấy tim mình đập chầm chậm từng nhịp như đang sắp kề cái chết. Kẻ thua cuộc là tôi, nếu cứ đứng nữa thì tôi và đứa bé trong bụng sẽ ngã xuống.
Ðêm ấy anh không về nhà. Bằng cách đó anh báo cho tôi biết: Cùng với sự qua đời của mẹ anh, tình yêu giữa hai chúng tôi cũng đã chết.
***
Những ngày sau, anh vẫn không về nhà. Có hôm đi làm về, tôi thấy tủ áo như bị sắp xếp lại, chắc anh ấy về lấy các thứ của anh. Tôi chẳng muốn gọi điện thoại cho anh, ý định giải thích mọi chuyện cho anh cũng biến mất hẳn.
Tôi sống một mình. Ði bệnh viện khám thai một mình. Trái tim tôi như vỡ vụn mỗi khi trông thấy cảnh các bà vợ được chồng dìu đến bệnh viện. Các bạn ở cơ quan bóng gió khuyên tôi bỏ cái thai đi cho yên chuyện nhưng tôi kiên quyết không chịu.
Tôi như điên lên muốn được sinh đứa bé này, coi đó như sự bù đắp việc bà mẹ chồng qua đời.
Một hôm đi làm về nhà, tôi thấy anh ngồi trong phòng khách mù mịt khói thuốc lá, trên bàn đặt một tờ giấy. Không cần xem, tôi đã biết tờ giấy đó viết gì rồi.
Trong hơn hai tháng chồng vắng nhà, tôi đã dần dà học được cách giữ bình tĩnh. Tôi nhìn anh, cất mũ rồi bảo:
- Ðợi một tí, tôi sẽ ký ngay đây.
Anh nhìn tôi, ánh mắt lộ vẻ bối rối chẳng khác gì tôi. Vừa cởi cúc áo khoác, tôi vừa tự nhủ: "Chớ có khóc đấy, chớ có khóc đấy... ". Hai mắt nhức lắm rồi, nhưng tôi quyết không cho chúng nhỏ lệ nữa.
Mắc xong áo lên móc, thấy anh cứ chằm chằm nhìn cái bụng to của tôi, tôi mỉm cười đi đến bàn, cầm lấy tờ giấy, rồi chẳng xem gì hết, liền ký tên mình và đẩy tờ giấy cho anh.
- Em có bầu rồi đấy à?
Ðây là lần đầu tiên anh ấy nói chuyện với tôi kể từ hôm bà bị nạn. Nước mắt tôi trào ra không thể nào ngăn nổi.
- Vâng, nhưng không sao cả, anh có thể đi được rồi.
Anh không đi mà ngồi lại, hai chúng tôi nhìn nhau trong bóng tối. Anh từ từ ôm lấy tôi, nước mắt nhỏ ướt đầm vai áo tôi. Thế nhưng lòng tôi đã không còn gì nữa, rất nhiều thứ đã biến đi xa lắm rồi, xa tới mức có đuổi theo cũng chẳng lấy lại được nữa.
Không nhớ là anh ấy đã nói với tôi bao nhiêu lần câu "Xin lỗi" nữa. Trước đây tôi cứ tưởng mình sẽ tha thứ cho anh, nhưng bây giờ thì không. Suốt đời tôi sao quên được ánh mắt băng giá anh nhìn tôi khi đứng trước cô gái nọ ở hiệu ăn Âu hôm ấy.
Chúng tôi đã rạch vào tim nhau một vết thương sâu hoắm. Tôi không cố tình, còn anh thì cố tình. Quá khứ không thể nào trở lại được nữa. Trái tim tôi chỉ ấm lên mỗi khi nghĩ đến đứa bé trong bụng, còn với anh thì tim tôi đã lạnh như băng.
Tôi không đụng đến tất cả những thức ăn anh mua về, không nhận bất cứ món quà nào anh tặng, không nói với anh nửa lời. Kể từ hôm ký vào tờ giấy kia, hôn nhân và tình yêu, tất cả đều đã biến mất khỏi trái tim tôi. Có hôm anh định trở lại phòng ngủ của chúng tôi. Anh vào thì tôi ra phòng khách nằm. Thế là anh đành phải về ngủ ở phòng của bà.
Ðêm đêm, đôi lúc từ phòng anh vẳng ra tiếng rên rỉ khe khẽ. Tôi nghe thấy nhưng lặng thinh. Lại dở trò cũ chứ gì. Ngày trước, mỗi bận bị tôi làm mặt giận phớt lờ, anh ấy đều giả vờ ốm như vậy, khiến tôi ngoan ngoãn đầu hàng và chạy đến hỏi xem anh có sao không. Thế là anh ôm lấy tôi cười ha hả. Anh quên rồi, ngày ấy tôi thương anh vì hai người yêu nhau.
Bây giờ thì chúng tôi còn có gì nữa đâu? Tiếng rên rỉ ấy kéo dài đứt quãng cho tới ngày đứa bé ra đời. Suốt thời gian chờ đợi ấy, hầu như ngày nào anh cũng mua sắm thứ gì cho con, nào là đồ dùng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nào là sách nhi đồng v.v...
Những thứ ấy chất gần đầy căn phòng của anh. Tôi biết anh làm thế là để tôi cảm động, nhưng tôi giờ đã trơ như đá. Anh đành giam mình trong phòng, ngồi gõ phím máy tính lạch cạch. Chắc là tìm vợ trên mạng. Nhưng chuyện ấy đâu còn có ý nghĩa gì với tôi nữa.
Năm sau, vào một đêm khuya cuối xuân, cơn đau bụng dữ dội khiến tôi thét lên. Anh nhảy xổ vào buồng, hình như khi đi nằm anh vẫn không thay quần áo chỉ là để chờ giây phút này. Anh cõng tôi chạy xuống cầu thang, chặn taxi lại. Dọc đường, anh cứ nắm chặt tay tôi, luôn lau mồ hôi trên trán tôi.
Ðến bệnh viện, anh lại cõng tôi chạy đến khoa sản. Khi nằm trên đôi vai gầy guộc mà ấm áp của anh, một ý nghĩ chợt lóe lên trong óc tôi: "Trên đời này, liệu có ai yêu thương mình như anh ấy không nhỉ?"
Rồi anh vịn cánh cửa khoa sản, đưa ánh mắt ấm áp dõi theo tôi đi vào trong. Tôi cố nhịn đau mỉm cười với anh. Khi tôi ra khỏi phòng đẻ, anh nhìn tôi và thằng bé, rưng rưng nước mắt mỉm cười.
Tôi chạm vào tay anh, chợt thấy anh mềm nhũn người, mệt mỏi từ từ ngã xuống. Tôi gào tên chồng mình, anh chỉ mỉm cười, nhắm nghiền mắt lại...
Tôi cứ tưởng mình sẽ không bao giờ còn nhỏ nước mắt vì anh, thế mà lúc ấy một nỗi đau xé ruột xé gan bỗng dội lên trong lòng.
***
Bác sĩ cho biết chồng tôi bị ung thư gan, cách đây 5 tháng mới phát hiện, khi đó bệnh đã ở thời kỳ cuối, anh chịu đựng được lâu thế quả là một chuyện lạ hiếm có. Ông bảo: "Chị nên chuẩn bị hậu sự đi thì vừa".
Mặc y tá ngăn cấm, tôi trốn ngay về nhà, xộc vào phòng anh, mở máy tính ra xem. Một nỗi đau nhói lên làm trái tim tôi nghẹn lại. Thế đấy, 5 tháng trước đây anh đã phát hiện mình bị ung thư gan, những tiếng rên rỉ của anh là thật cả, nhưng tôi lại cứ cho là...
Những điều ghi trong máy tính rất dài, đó là lời trăn trối anh để lại cho con mình:
"Con của bố. Vì con mà bố ráng chịu đựng cho tới nay, chờ bao giờ trông thấy con thì bố mới chịu ngã xuống. Ðấy là nguyện vọng lớn nhất của bố hiện giờ...
Bố biết rằng, đời con sẽ có nhiều niềm vui hoặc có thể gặp trắc trở. Nếu bố có thể cùng con đi suốt quãng đời con lớn lên thì vui biết bao. Nhưng bố không có dịp may ấy nữa rồi. Bây giờ bố ghi lại vào máy tính từng vấn đề con sẽ có thể gặp phải trên đường đời, khi nào gặp những vấn đề ấy thì con có thể tham khảo ý kiến của bố, con nhé!
Con ơi, viết xong mấy chục trang này, bố cảm thấy như mình đã cùng đi với con suốt chặng đường trưởng thành của con. Bây giờ bố thật sự vô cùng sung sướng. Hãy yêu mẹ con nhé! Mẹ rất vất vả vì con đấy. Mẹ con là người yêu con nhất và cũng là người bố yêu quý nhất..."
Chồng tôi viết về tất cả mọi chuyện, kể từ khi đứa bé còn ở vườn trẻ cho tới lúc nó học tiểu học, trung học, đại học, rồi ra công tác, cả đến chuyện yêu đương của con nữa. Chồng tôi cũng để lại một bức cho tôi:
"Em yêu quý. Ðược lấy em làm vợ là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời anh. Em hãy tha thứ việc anh đã làm tổn thương em. Hãy tha lỗi việc anh giấu tình hình bệnh tật của mình, chẳng qua chỉ vì anh không muốn để em phải lo nghĩ trong thời gian chờ bé chào đời... Em yêu quý. Nếu khi đọc những dòng này mà em khóc thì nghĩa là em đã tha thứ cho anh rồi. Như thế anh sẽ có thể mỉm cười cảm ơn em luôn luôn yêu anh... Anh sợ rằng mình sẽ không có dịp tự tay tặng cho con những món quà anh đã mua sắm. Phiền em hằng năm thay anh tặng quà cho con, trên bao gói nhớ đề rõ ngày tặng, em nhé..."
Khi tôi trở lại bệnh viện thì anh vẫn đang hôn mê. Tôi bế con đến, đặt nó nằm bên cạnh anh và nói:
- Anh ơi, anh hãy mở mắt ra cười lên nào. Em muốn để con mãi mãi ghi nhớ hơi ấm của bố nó khi nó nằm trong lòng anh đấy, anh ạ...
Chồng tôi khó nhọc mở mắt ra, khẽ mỉm cười. Thằng bé rúc vào lòng bố, ngọ ngoạy nắm tay nhỏ xíu hồng hồng. Tôi ấn nút máy ảnh, nước mắt chảy ràn rụa trên mặt...