Điều tốt lành nho nhỏ
Raymond Carver
Lê Huy Bắc dịch
Chiều thứ bảy, chị đánh xe đến hiệu bánh tại trung tâm thương nghiệp. Sau khi xem hình mẫu các loại bánh trong một cái kẹp hồ sơ, chị đặt làm một chiếc bánh sôcôla, loại mà con chị thích. Chị chọn chiếc bánh có đắp hình con tàu vũ trụ trên bệ phóng, dưới bầu trời lác đác sao trắng và một hành tinh đắp bằng kem đỏ ở góc bên kia. Tên cháu bé, Scotty, sẽ đắp bằng kem màu xanh ở ngay dưới hành tinh ấy. Người làm bánh, trạc tuổi trung niên, có cái cổ to bè, chỉ lắng nghe, không nói gì khi chị bảo: thứ hai tới cháu tròn tám tuổi. Người làm bánh đeo tạp dề trắng trông như thể chiếc áo bờ lu. Sợi dây đeo vòng ra sau lưng ở dưới cánh tay rồi được kéo buộc chặt ra phía trước, dưới cái bụng phệ. Trong khi nghe chị nói, ông chùi chùi tay vào tạp dề, nhìn mấy tấm hình mẫu, để mặc chị dặn dò thoải mái. Ông vừa đến xưởng và sẽ ở lại đó suốt đêm để nướng bánh, ông chẳng việc gì phải vội.
Chị nói tên mình là Ann Weiss, và đọc số điện thoại cho người làm bánh. Chiếc bánh sẽ được lấy ra khỏi lò vào sáng thứ hai; từ khi đó đến chiều, hãy còn nhiều thời gian để chuẩn bị tiệc cho chú bé. Người làm bánh chẳng vồn vã lắm. Giữa họ không có sự đồng cảm, chỉ nói với nhau vài lời nhằm trao đổi những thông tin cần thiết. Ông làm chị khó chịu; chị thích không khí ấy. Trong khi ông cầm cây bút chì, cúi người trên quầy, chị quan sát nét mặt thô vụng của ông và thầm hỏi không biết trong đời liệu ông có còn biết gì khác ngoài việc nướng bánh. Chị ba mươi tuổi, đã làm mẹ, và dường như với chị, bất cứ ai, nhất là vào độ tuổi của người làm bánh này - trạc tuổi bố chị - hẳn đã có nhiều chú nhóc, và bọn nhóc hẳn từng trải qua những phút giây hạnh phúc đặc biệt trước những chiếc bánh và những lần sinh nhật. Chúng hẳn luôn có cùng tâm trạng ấy, chị nghĩ. Nhưng ông ta lành lạnh với chị - không thô lỗ mà chỉ dửng dưng. Chị từ bỏ ý định bắt chuyện với ông ta. Chị nhìn sâu vào sau xưởng bánh và thấy một chiếc bàn gỗ thô, dài, có nhiều chiếc khay nhôm chất đống ở một đầu; bên cạnh bàn là chiếc thùng sắt đầy ắp những cái khuôn rỗng. Có một cái lò khổng lồ. Radio đang chơi một giai điệu của miền quê phía Tây.
Người làm bánh ghi các thông tin lên tấm thẻ đặt hàng đặc biệt rồi đóng chiếc kẹp đựng hình mẫu bánh. Ông nhìn chị nói: “Sáng thứ hai”. Chị cám ơn rồi lái xe về.
Sáng thứ hai, đứa trẻ sinh nhật cùng một chú nhóc nữa đi đến trường. Chúng chuyền tay nhau túi khoai tây rán. Cậu bé sinh nhật đang cố đoán xem bạn sẽ tặng món quà gì cho mình nhân dịp sinh nhật vào chiều hôm ấy. Không để ý, cậu bé sinh nhật bước ra khỏi lề đường tại chỗ hai con phố giao nhau và ngay lập tức bị một chiếc ô tô húc ngã. Cậu ngã nghiêng người, đầu nằm trong rãnh nước còn chân thò ra ngoài đường. Mắt cậu nhắm nghiền, nhưng chân vẫn đạp đạp như thể đang cố vượt lên một vật nào đó. Bạn cậu thả rơi túi khoai tây và khóc. Chiếc xe chạy thêm khoảng ba mươi mét rồi dừng lại giữa đường. Từ ghế tài xế, một người đàn ông nhìn lại. Ông ta đợi cho đến khi cậu bé lảo đảo đứng lên. Cậu bé hơi loạng choạng. Trông cậu hơi đờ đẫn, nhưng không sao. Người lái xe sang số rồi lái đi.
Cậu bé sinh nhật không khóc, nhưng cũng không mở miệng. Cậu không trả lời khi đứa bạn hỏi cậu có hề gì không khi bị xe tông. Cậu đi về nhà, còn bạn tiếp tục đến trường. Nhưng khi cậu bé sinh nhật về đến nhà và đang kể cho mẹ nghe chuyện bị xe húc - chị ngồi cạnh con trên ghế sofa, giữ tay con trong lòng và hỏi, “Scotty cưng, con có chắc mình chẳng hề gì không?” rồi nghĩ dầu sao mình cũng nên gọi bác sĩ – thì bất thình lình, cậu duỗi người trên ghế, mắt nhắm chặt và rũ người ra. Lúc không thể lay gọi con tỉnh lại, chị chạy đến bên điện thoại gọi tới văn phòng của chồng. Howard bảo chị bình tĩnh, bình tĩnh; rồi anh gọi xe cứu thương đón con, còn mình thì đến thẳng bệnh viện.
Dĩ nhiên, tiệc sinh nhật bị hủy bỏ. Cậu bé nằm viện do bị chấn động nhẹ và phải chịu đựng cú sốc. Cậu nôn, phổi sung dịch, phải hút chiều hôm ấy. Bây giờ, dường như cậu đang chìm vào giấc ngủ thật sâu - đấy không phải là trạng thái hôn mê, không phải hôn mê, bác sĩ Francis nhấn mạnh, khi ông thấy nỗi lo sợ trong mắt cha mẹ đứa trẻ. Mười một giờ đêm hôm đó, lúc cậu bé dường như đang nằm nghỉ dễ chịu sau nhiều lần chụp X quang và những xét nghiệm khác, chỉ cần chờ cậu thức giấc hồi tỉnh, Howard rời bệnh viện. Anh cùng Ann đã ở bệnh viện với con suốt cả chiều hôm ấy, anh sẽ về nhà một lát để tắm và thay quần áo. “Một tiếng nữa anh quay lại”, anh nói. Chị gật đầu. “Anh về đi”, chị đáp. “Em sẽ ở đây”. Anh hôn lên trán chị, hai người nắm tay nhau. Chị ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh giường, nhìn cậu bé. Chị đợi con tỉnh lại và bình yên. Khi ấy chị bắt đầu cảm thấy dễ chịu. Rời bệnh viện, Howard đánh xe về nhà. Anh lái rất nhanh trên những con đường tối đen, ẩm ướt, rồi giật mình giảm tốc độ. Mãi đến giờ, cuộc sống của anh bình lặng trôi, kể cả các ước nguyện - trường đại học, hôn nhân, thêm nhiều năm ở trường đại học để kiếm mảnh bằng kinh doanh cao hơn, thành viên cấp dưới của một công ty đầu tư. Làm cha. Anh hạnh phúc và từ bấy đến nay, anh may mắn – anh biết điều đó. Ba mẹ anh vẫn còn sống, các anh chị đều ổn định, bạn bè thời đại học đã đi làm và đã khẳng định được chỗ đứng. Cho đến nay, những bất hạnh chưa chạm đến anh; thế lực ấy, anh biết, nó vẫn tồn tại và có thể bám riết hoặc đánh gục bất kỳ ai nếu vận may đã rời bỏ y, nếu mọi thứ đột nhiên không còn nguyên trật tự như trước. Anh giảm tốc độ và đỗ xe lại. Chân trái của anh bắt đầu run. Anh ngồi trong xe một lát, cố xoay xở với tình huống thực tại bằng một cách hợp lý. Scotty bị xe tông và đang nằm viện, song con sẽ chẳng hề gì. Howard nhắm mắt rồi đưa tay vuốt mặt. Anh ra khỏi xe, bước lên phía cửa trước. Trong nhà, chó đang sủa. Điện thoại vẫn tiếp tục reo khi anh mở cửa và lần mò bật điện. Anh không nên rời bệnh viện, lẽ ra anh không nên. “Xúi quẩy thật!” anh nói. Anh nhấc ống nghe rồi nói, “Anh vừa mới về đến cửa thôi!”
“Có cái bánh ở đây, chưa thấy ai đến nhận”, giọng ở đầu dây đáp.
“Ông bảo gì kia?” Howard hỏi.
“Một chiếc bánh”, giọng ấy trả lời. “Chiếc bánh mười sáu đô la”.
Howard áp chặt ống nghe vào tai, cố hiểu. “Tôi chẳng biết bánh trái nào hết”, anh nói. “Lạy Chúa, ông đang nói gì vậy?”
“Đừng trêu tôi nữa”, giọng ấy đáp.
Howard cúp máy. Anh vào bếp, rót một ít whisky. Anh gọi đến bệnh viện. Nhưng tình trạng cậu bé vẫn như cũ, cậu đang ngủ và chẳng có gì tiến triển. Trong khi đợi nước chảy đầy bồn tắm, Howard bôi xà phòng cạo râu. Nhưng ngay khi anh vừa duỗi người trong bồn, nhắm mắt thì chuông điện thoại lại reo. Anh nhổm người dậy, chộp khăn tắm chạy vội vào nhà, lẩm bẩm: “Ngốc thật, ngốc thật”, vì mình đã rời bệnh viện. Song khi nhấc ống nghe và hét: “Hello!”, anh không nhận được tín hiệu. Người gọi đã dập máy.
Quá nửa đêm một chút, anh trở lại bệnh viện. Ann vẫn ngồi trên chiếc ghế cạnh giường. Chị ngước nhìn Howard rồi nhìn lại cậu bé. Mắt cậu vẫn nhắm, đầu vẫn quấn băng. Hơi thở cậu nhẹ và đều đặn. Trên chiếc giá ở đầu giường, chai glucose đang nối ống dẫn xuống cánh tay cậu bé.
“Con sao rồi?” Howard nói. “Sao lại thế này?” anh chỉ tay vào chai glucose và ống dẫn.
“Bác sĩ Francis yêu cầu”, chị nói. “Cần chất dinh dưỡng để giữ cho cơ thể khỏi suy sụp. Sao con lại không tỉnh dậy hả Howard? Em chẳng hiểu liệu con có khỏe không”.
Howard đặt tay lên phía sau đầu chị. Anh luồn mấy ngón tay vào mái tóc. “Con sẽ khỏe. Lát nữa nó sẽ tỉnh. Bác sĩ Francis biết rõ điều ấy”.
Lát sau, anh nói: “Có lẽ em nên về nhà nghỉ một lát. Anh sẽ ở lại đây. Có điều chớ có bực mình với cái gã cứ gọi điện thoại dai dẳng. Đừng bận tâm tới gã”. “Ai gọi vậy?” chị hỏi.
“Anh không rõ, chắc là thằng cha nào đó chẳng có việc gì để làm ngoài việc ngồi bấm máy lung tung. Thôi, em về đi”.
Chị lắc đầu. “Không”, chị nói. “Em khỏe”.
“Nào”, anh bảo. “Về nghỉ một lát rồi sáng mai đến thay anh. Chẳng có gì hệ trọng đâu. Bác sĩ Francis nói gì nhỉ? Ông ấy đã bảo Scotty sẽ bình phục. Chúng mình đừng nên quá lo lắng. Bây giờ con đang ngủ, thế thôi”.
Một cô y tá mở cửa. Cô gật đầu chào khi bước đến cạnh giường. Cô nâng cánh tay trái cậu bé ra khỏi chăn, đặt đầu mấy ngón tay lên tìm mạch ở cổ tay cậu bé rồi nhìn đồng hồ. Lát sau, cô đặt cánh tay vào lại trong chăn, đi về phía chân giường, viết gì đó lên tấm bảng đính vào giường.
“Cháu ra sao?” Anh hỏi. Bàn tay Howard đè nặng lên vai chị. Chị cảm nhận được mấy ngón tay đang bấu xuống.
“Cháu ổn định”, cô y tá đáp. Rồi cô nói, “Bác sĩ sẽ lại đến ngay đấy. Ông ấy vừa mới đến và sẽ đi khám một lượt ngay bây giờ”.
“Tôi đang bảo cô ấy nên về nhà nghỉ một chốc”, Howard nói. “Sau khi bác sĩ đến khám”.
“Chị có thể về”, cô y tá nói. “Tôi nghĩ nếu hai anh chị cảm thấy mệt thì cứ về nhà nghỉ, không sao đâu”. Cô y tá người Bắc Âu, tóc vàng hoe. Cách phát âm của cô vẫn mang chất thổ ngữ.
“Chúng tôi sẽ chờ lời kết luận của bác sĩ”, Ann nói. “Tôi muốn trao đổi đôi điều với ông ấy. Tôi không an tâm khi con cứ ngủ mãi như thế này. Tôi không tin đấy là dấu hiệu tốt.”. Chị đưa tay che mặt rồi gục đầu xuống một lát. Howard nắm chặt vai chị, bàn tay lần lên cổ, mấy ngón tay bóp nhẹ những múi cơ ở đó.
”Vài phút nữa bác sĩ Francis sẽ đến đây”, cô y tá nói rồi ra khỏi phòng. Howard chăm chú nhìn con trai, một lát lồng ngực nhỏ lặng lẽ nhô lên, xẹp xuống dưới tấm chăn. Đây là lần đầu tiên, kể từ giây phút kinh hoàng sau khi Ann gọi đến văn phòng, anh thấy nỗi lo sợ thực sự bắt đầu ngấm vào từng đốt xương. Anh lắc đầu. Scotty bình yên, nhưng thay vì ngủ ở nhà, trên giường của mình, con ngủ trên giường bệnh viện, băng quấn quanh đầu, ống truyền đạm đính vào cánh tay. Nhưng những vật ấy, bây giờ, đang giúp nó bình phục.
Bác sĩ Francis bước vào, bắt tay Howard mặc dù chỉ vài giờ trước đó họ đã gặp nhau. Ann rời ghế đứng lên. “Chào bác sĩ”.
“Chào Ann”, ông vừa nói vừa gật đầu. “Chúng tôi chỉ xem qua cháu ra sao”, bác sĩ nói.
Ông đến bên giường bắt mạch cậu bé. Ông lần lượt vạch hai mí mắt lên nhìn. Howard và Ann đứng cạnh bác sĩ quan sát. Tiếp đó ông lật tấm chăn, dùng ống nghe theo dõi nhịp tim và nghe phổi. Ông ấn mấy ngón tay lên vài nơi trên bụng cậu bé. Lúc khám xong, ông đi đến cuối giường, đọc tấm bảng. Ông đánh dấu thời gian, viết nguệch ngoạc mấy chữ lên bảng rồi nhìn Howard và Ann.
“Thưa bác sĩ, cháu có sao không?” Howard nói. “Chính xác thì cháu đang gặp mối hiểm nguy gì?”
“Tại sao cháu không tỉnh lại?” Ann nói.
Bác sĩ là người đẹp trai, vai rộng, khuôn mặt sạm nắng. Ông mặc bộ đồ màu xanh ba mảnh, đeo cà vạt kẻ sọc và cài khuy măng sét. Mái tóc bạc chải rẽ ngôi, trông ông như thể vừa bước ra khỏi phòng hòa nhạc. “Cháu ổn định”, bác sĩ nói. “Chớ lo, cháu sẽ khá hơn, tôi nghĩ thế. Dẫu sao thì cháu vẫn ổn định. Nhưng tôi muốn cháu thức dậy. Cháu nên thức dậy nhanh”. Bác sĩ lại nhìn cậu bé. “Vài giờ nữa, khi mấy mẩu xét nghiệm bổ sung có kết quả, chúng ta sẽ khẳng định rõ thêm. Nhưng cháu sẽ bình phục, hãy tin tôi, ngoại trừ một vết rạn ở sọ ngay đường chân tóc. Sọ cháu bị rạn”.
“Ồ không”, Ann nói.
“Và hơi bị chấn động, như tôi đã thông báo trước. Dĩ nhiên, anh chị biết cháu bị sốc”, bác sĩ nói. “Thỉnh thoảng triệu chứng này xảy ra với nhiều ca sốc. Ngủ ấy mà”.
“Nhưng cháu đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo chưa?” Howard nói. “Trước ông bảo cháu không bị hôn mê. Vậy thì ông sẽ không gọi triệu chứng này là hôn mê có phải không, thưa bác sĩ?” Howard đợi. Anh nhìn bác sĩ.
“Không, tôi không muốn gọi trạng thái ấy là hôn mê”, bác sĩ đáp rồi liếc cậu bé thêm lần nữa. “Cháu chỉ rơi vào giấc ngủ rất sâu. Đấy là cách để cơ thể tự phục hồi. Cháu đã qua giai đoạn hiểm nghèo, tôi có thể khẳng định điều đó, đúng vậy. Nhưng chúng ta sẽ biết chính xác hơn khi cháu thức dậy và kết quả xét nghiệm bổ sung được đưa đến”, bác sĩ nói.
“Đấy là một kiểu hôn mê”, Ann nói.
“Chưa thể khẳng định như thế, cháu chưa bị hôn mê”, bác sĩ nói. “Tôi không muốn nghĩ đó là hiện tượng hôn mê. Dẫu sao cũng chưa thể kết luận. Cháu bị sốc. Trong nhiều trường hợp sốc, kiểu phản ứng như thế là rất thường. Đấy là kiểu phản ứng nhất thời của sự chấn thương cơ thể. Hôn mê. Hừm... hôn mê là hiện tượng bất tỉnh nặng, kéo dài; đôi lúc diễn ra trong vài ngày, thậm chí có khi nhiều tuần lễ. Scotty không thuộc diện đó, chúng tôi có thể nói như thế. Tôi chắc là sáng mai cháu sẽ đỡ hơn. Tôi đánh cuộc thế. Chúng ta sẽ biết chắc hơn khi cháu tỉnh, ngay bây giờ thôi, không lâu nữa đâu. Dĩ nhiên, anh chị có thể làm theo ý mình, ở lại đây hay về nhà một lát. Nếu anh chị muốn thì có thể an tâm rời bệnh viện một lát. Nhưng tôi biết, chuyện ấy đâu có dễ”. Bác sĩ lại nhìn cậu bé, quan sát kỹ rồi quay sang nói với Ann, “Chị đừng sợ, bà mẹ trẻ ạ. Hãy tin ở tôi, bọn tôi đang cố làm hết sức những gì phải làm. Vấn đề chỉ còn là phải đợi thêm lát nữa”. Ông gật đầu chào chị, bắt tay Howard lần nữa rồi rời phòng.
Ann đặt tay lên trán con. “Dẫu sao nó cũng không bị sốt”, chị nói. Rồi lại nói, “Lạy Chúa, nhưng sao con lại lạnh thế, anh Howard ơi? Họ có biết trước thân nhiệt của con như thế này không? Sờ trán con này”.
Howard chạm vào thái dương của con. Hơi thở của anh chậm lại. “Anh nghĩ người ta đã dự đoán thân nhiệt của con bây giờ là thế”, anh nói. “Con bị sốc, em nhớ chứ? Bác sĩ đã bảo thế. Ông ấy vừa mới ở đây. Nếu Scotty ở trong tình trạng tồi tệ thì ông ấy hẳn đã cho chúng ta biết”.
Anh đứng đấy thêm một lúc, cắn cắn môi, rồi lại ghế, ngồi xuống.
Howard ngồi vào chiếc ghế cạnh ghế chị. Hai người nhìn nhau. Anh muốn nói đôi điều nữa để trấn an chị, nhưng bản thân anh cũng lo lắng. Anh cầm tay chị đặt vào lòng mình, anh thấy bình tâm hơn khi tay chị để ở đó. Anh nâng bàn tay chị lên và bóp chặt. Sau đó anh giữ trong tay mình. Họ cứ ngồi trong tư thế ấy, lặng lẽ quan sát con. Thỉnh thoảng anh bóp mạnh tay chị. Cuối cùng, anh thả ra.
“Em đang cầu nguyện”, chị nói.
Anh gật đầu.
Chị bảo, “Em dường như không nhớ cách cầu nguyện, nhưng rồi mọi thứ sống lại trong em. Tất cả những gì em làm là nhắm mắt và thầm nhủ, “Lạy Chúa, xin Người ban phước cho chúng con - Người hãy cứu Scotty”, rồi sau đó những lời thành tâm cứ tiếp tục tuôn ra. Điều định nói có sẵn ngay trong đầu. Có lẽ anh cũng nên cầu nguyện”, chị nói với anh.
“Anh đã cầu rồi”, anh nói. “Cầu vào chiều nay – đúng hơn là chiều qua – sau lúc em gọi và lúc anh đang trên đường đến bệnh viện. Anh vẫn đang cầu nguyện”, anh nói.
“Làm thế là tốt”, chị nói. Bởi đây là lần đầu tiên, chị cảm nhận sự hòa hợp giữa hai người trước thảm họa của gia đình. Chị giật mình khi ý thức được rằng, mãi cho đến bây giờ, tai ương ấy chỉ đổ lên đầu chị và Scotty. Chị không để Howard vướng vào mặc dù anh luôn ở đấy và sẵn sàng chia sẻ. Chị cảm thấy hạnh phúc khi làm vợ anh.
Cô y tá lại bước vào bắt mạch cậu bé lần nữa rồi kiểm tra độ dịch chảy ra từ cái chai treo đầu giường.
Trong vòng một tiếng đồng hồ, một bác sĩ nữa đi vào. Ông tự giới thiệu tên mình là Parsons, chuyên khoa X quang. Bộ ria mép của ông rậm. Ông đi đôi giày đế phẳng, vận sơ mi Western và quần jean.
“Chúng tôi sẽ đưa cháu xuống dưới chụp thêm phim”, ông bảo họ. “Chúng tôi cần chụp thêm vài mẩu nữa, kể cả phải chụp cắt lớp”.
“Cái gì?” Ann hỏi. “Chụp cắt lớp à?” Chị đứng giữa bác sĩ và cái giường. “Tôi tưởng các ông đã chụp X quang cẩn thận rồi”.
“Tôi e rằng cần phải chụp thêm”, ông nói. “Cứ cẩn thận thì hơn. Chúng tôi chỉ chụp thêm phim và chụp cắt lớp não cho cháu”.
“Lạy Chúa”, Ann nói.
“Trong các ca giống thế này, đấy chỉ là những thao tác nghiệp vụ hoàn toàn bình thường”, bác sĩ ấy nói. “Chúng tôi cần tìm rõ nguyên nhân tại sao cháu vẫn chưa hồi tỉnh. Chẳng hề gì đâu, chỉ là thao tác nghiệp vụ thôi. Vài phút nữa, cháu sẽ được đưa xuống”, bác sĩ nói.
Lát sau, hai nhân viên bệnh viện đẩy chiếc xe chuyên dụng vào. Hai người mặc đồng phục trắng, nước da sẫm màu và tóc đen; trong khi tháo ống truyền dịch khỏi tay và chuyển cậu bé sang xe, họ trao đổi vài câu bằng tiếng nước ngoài. Rồi họ đẩy cậu bé ra khỏi phòng. Howard và Ann cùng bước vào thang máy với họ. Ann nhìn con. Chị nhắm mắt khi thang máy bắt đầu hạ xuống. Hai nhân viên đứng hai đầu xe không chuyện trò, duy chỉ một lần, một người bình luận gì đó bằng ngôn ngữ của riêng họ, người kia chậm rãi gật đầu.
Muộn sáng hôm đó, lúc mặt trời bắt đầu chiếu qua cửa sổ phòng đợi bên ngoài buồng chụp X quang, họ đưa cậu bé ra và chuyển lên phòng. Howard và Ann lại bước vào thang máy với con, và một lần nữa họ về chỗ của mình bên cạnh giường.
Hai vợ chồng đợi suốt cả ngày, nhưng cậu bé vẫn chưa tỉnh. Đôi khi, họ thay phiên nhau xuống quầy uống cà phê nhưng lúc ấy, dường như bất thình lình sực nhớ và cảm thấy có lỗi, họ rời bàn, vội quay về phòng. Chiều ấy, bác sĩ Francis lại ghé vào khám rồi rời phòng sau khi bảo họ bây giờ cháu đang phục hồi và sẽ tỉnh lại bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng mấy cô y tá, không phải những cô hôm trước, vào phòng. Sau đó, người phụ nữ trẻ ở phòng xét nghiệm gõ cửa bước vào. Cô mặc quần dài trắng, áo bờ lu trắng, tay bưng chiếc khay nhỏ đựng vài dụng cụ; cô đặt xuống trên bệ cạnh giường. Chẳng nói chẳng rằng, cô trích máu từ cánh tay cậu bé. Howard nhắm mắt khi người đàn bà tìm ra đúng điểm thích hợp trên cánh tay và ấn mũi kim vào.
“Thế này là thế nào?”, Ann nói với người phụ nữ.
“Theo yêu cầu của bác sĩ”, người phụ nữ đáp. “Tôi chỉ làm những gì họ bảo. Họ bảo lấy máu. Tôi lấy. Dẫu sao thì có gì hại cho cháu đâu?” cô nói. “Cháu thật dễ thương”.
“Cháu bị xe húc”, Howard nói. “Húc rồi bỏ chạy”.
Người phụ nữ trẻ lắc đầu rồi lại nhìn cậu bé. Lát sau, cô mang khay ra khỏi phòng.
“Sao con vẫn chưa tỉnh hở Howard?” Ann nói. “Em muốn có câu trả lời của bác sĩ”.
Howard không trả lời. Anh lại ngồi xuống ghế, chân gác lên nhau. Anh xoa xoa mặt. Anh nhìn con rồi ngả hẳn lưng ra ghế, nhắm mắt, chìm vào giấc ngủ.
Ann bước đến cửa sổ, nhìn ra bãi đỗ xe. Trời tối, những chiếc xe bật đèn khi vào ra bãi đỗ. Chị đứng cạnh cửa sổ, tay bấu vào bậu cửa, tận đáy lòng chị cảm nhận thấy bây giờ hai người đang gặp rắc rối, một thảm họa lớn. Chị sợ, răng bắt đầu đánh cầm cập, chị phải cắn chặt hàm mới thôi. Chị thấy một chiếc xe lớn dừng lại trước cổng bệnh viện, một người phụ nữ vận áo khoác dài bước vào xe. Chị thầm ước giá mà mình là người phụ nữ ấy hoặc là một ai khác, bất kỳ ai, để chị có thể lánh xa nơi này, đến chốn nào đó, để có thể thấy Scotty đợi mình khi chị bước ra khỏi xe, để nghe được tiếng gọi mẹ và để có thể ôm con trong vòng tay.
Lát sau, Howard thức giấc. Anh lại nhìn con, rồi rời ghế, vươn vai đi đến đứng cạnh chị bên cửa sổ. Cả hai hướng mắt về bãi đỗ xe. Họ không nói. Nhưng dường như họ có thể thấu hiểu được nỗi lòng của nhau, như thể nỗi lo lắng đã khiến họ phô đúng bản chất của mình.
Cửa mở, bác sĩ Francis vào. Lần này, ông đã thay đồ và đeo cà vạt khác. Mái tóc bạc được chải rẽ ngôi, trông ông như thể vừa cạo râu xong. Ông bước thẳng đến giường và khám cậu bé. “Đáng lẽ giờ này cháu đã tỉnh lại. Triệu chứng này không tốt đây”, ông nói. “Nhưng tôi có thể bảo đảm với anh chị rằng tất cả chúng tôi đều cho là cháu đã qua cơn nguy kịch. Nhưng chúng tôi sẽ yên tâm hơn nếu cháu thức giấc. Chẳng có lý do gì để cháu không hồi tỉnh, hoàn toàn không. Ngay bây giờ đây. Ồ, khi cháu tỉnh, anh chị có thể thấy cháu bị choáng váng, ấy là do đau đầu. Nhưng tất cả các dấu hiệu cho thấy cháu vô sự. Mọi dấu hiệu đều bình thường”.
“Vậy thì đấy có phải là hôn mê không?” Ann nói.
Bác sĩ xoa tay lên gò má mịn của mình. “Chúng tôi sẽ gọi tên triệu chứng như thế khi thời gian hồi tỉnh của cháu kéo dài. Nhưng chắc anh chị đã lả rồi. Thật gay go. Tôi biết việc này thật gay go”, ông nói. “Ra ngoài một lát để ăn chút gì đi, anh chị sẽ bớt căng thẳng. Nếu ra ngoài mà anh chị thấy dễ chịu hơn, tôi sẽ cử một y tá lên đây trông nom. Đi ăn cái gì đó đi”.
“Tôi không nuốt nổi bất kỳ thứ gì”, Ann nói.
“Dĩ nhiên, hãy làm những gì chị muốn”, bác sĩ nói. “Dẫu sao, tôi muốn nói với anh chị rằng mọi dấu hiệu đều tốt, các xét nghiệm bình thường, không có biểu hiện nào đáng ngại; ngay lúc cháu tỉnh, cháu sẽ bình phục nhanh”.
“Cám ơn bác sĩ”, Howard nói. Anh lại bắt tay bác sĩ. Bác sĩ vỗ vai Howard rồi đi ra.
“Anh nghĩ một trong hai ta nên về, dọn dẹp nhà cửa”, Howard nói. “Và phải cho Slug ăn”.
“Hãy nhờ hàng xóm”, Ann nói. “Gọi gia đình Morgan. Ai cũng có thể cho con chó ăn nếu anh nhờ”.
“Thôi được”, Howard đáp. Lát sau, anh nói: “Em này, tại sao không phải là em? Sao em không về nhà, dọn dẹp rồi trở lại? Em sẽ bớt lo lắng. Anh ở lại đây với con. Nghiêm túc đấy”, anh nói. “Chúng mình cần giữ gìn sức khỏe, bởi lẽ rất có thể còn phải ở lại đây ngay cả sau khi con đã tỉnh”.
“Sao không tự anh về?” chị nói. “Cho Slug ăn. Mình ăn”.
“Anh về rồi”, anh đáp. “Chính xác anh đi hết một tiếng mười lăm phút. Em hãy về nhà một tiếng để tắm giặt. Rồi quay lại”.
Chị cố nghĩ về việc ấy, nhưng cơ thể chị quá mỏi mệt. Chị nhắm mắt, cố nghĩ về việc đó một lần nữa. Lát sau, chị nói, “Có thể em sẽ về nhà vài phút. Nếu em không ngồi đây theo dõi từng giây từng phút, có thể con sẽ hồi tỉnh và khỏe mạnh. Anh hiểu chứ? Có thể con sẽ tỉnh lại nếu không có em ở đây. Em sẽ về nhà tắm, thay quần áo. Em sẽ cho Slug ăn. Rồi quay lại”.
“Anh sẽ ở đây”, anh nói. “Em về nhà đi, cưng. Anh sẽ để ý mọi thứ ở đây”. Mắt anh sưng húp và đỏ ngầu, như thể đã uống khá nhiều rượu. Áo quần anh nhăn nhúm. Râu anh mọc dài trở lại. Chị đưa tay sờ mặt anh rồi rụt về. Chị hiểu anh muốn có khoảnh khắc ngồi một mình, không phải chuyện trò hoặc giãi bày nỗi âu lo. Chị cầm chiếc ví trên bệ, anh giúp chị mặc áo khoác.
“Em đi không lâu đâu”, chị nói.
“Em hãy nghỉ ở nhà một lát”, anh nói. “Ăn món gì đó. Tắm. Sau khi tắm xong, hãy nghỉ một lát. Em sẽ thấy dễ chịu. Rồi hẵng quay lại”, anh nói. “Chúng mình không nên lo lắng. Em đã nghe những gì bác sĩ Francis nói rồi mà”.
Chị khoác áo đứng chần chừ vài giây, nhớ lại thật chính xác lời bác sĩ, mường tượng lại sắc thái, ẩn ý qua từng lời bác sĩ nói. Chị cố nhớ xem vẻ mặt của bác sĩ có thay đổi không khi ông cúi xuống khám con. Chị nhớ cách ông động viên họ lúc ông vạch mí mắt và lắng nghe nhịp thở của con.
Chị tiến về phía cửa, quay đầu nhìn lại. Chị nhìn con rồi lại nhìn người cha. Howard gật đầu. Chị ra khỏi phòng và kéo cánh cửa khép lại sau lưng.
Chị đi qua buồng y tá, đến cuối hành lang, tìm thang máy. Cuối hành lang, chị rẽ phải, bước vào phòng đợi nhỏ nơi có gia đình người da đen ngồi trên mấy chiếc ghế đan bằng liễu gai. Một người đàn ông đứng tuổi, mặc bộ đồ kaki, cái mũ bóng chày kéo sụp xuống đầu. Một phụ nữ to lớn, mặc đồ và đi dép trong nhà, ngồi co mình trên ghế. Một thiếu nữ vận quần jean, tóc tết thành nhiều bím nhỏ, nằm duỗi người trên ghế, chân gác chéo mắt cá lên nhau, phì phèo điếu thuốc. Cả gia đình ngước nhìn lúc Ann bước vào phòng. Cái bàn nhỏ ngổn ngang những mảnh giấy bọc bánh hamburger và cốc Styrofoam.
“Franklin!”, người đàn bà to lớn nhổm người dậy hỏi. “Có tin gì về Franklin không?” mắt bà ta mở to. “Thưa cô, cho tôi biết có tin gì về Franklin vậy?” bà ta nói. Bà ta cố ngồi dậy trên ghế, song người đàn ông đã nắm cánh tay bà.
“Bình tĩnh, bình tĩnh nào, Evelyn”, ông ta nói.
“Xin lỗi”, Ann nói, “Tôi đang đi tìm thang máy. Con trai tôi nằm viện và bây giờ tôi chẳng thể nào tìm thấy thang máy”.
“Thang máy ở đằng kia, rẽ trái”, người đàn ông chỉ tay nói.
Cô gái rít điếu thuốc và nhìn Ann. Mắt cô nheo khít lại, đôi môi dày chầm chậm mở ra khi cô nhả khói. Người đàn bà da đen ngoẹo đầu lên vai, không nhìn Ann, chẳng buồn lưu ý đến cô nữa.
“Con trai tôi bị xe tông”, Ann kể với người đàn ông. Dường như bản thân chị cần ngỏ lời giải thích. “Cháu bị chấn thương, sọ chớm nứt, nhưng cháu sẽ bình phục. Bây giờ cháu đang chìm trong cơn sốc, song có lẽ đấy cũng là một kiểu hôn mê. Chuyện ấy làm chúng tôi lo lắm, triệu chứng hôn mê ấy. Tôi ra ngoài một lát, chồng tôi ở lại với cháu. Có thể trong lúc tôi vắng mặt, cháu sẽ hồi tỉnh”.
“Tình trạng ấy tồi tệ quá”, ông ta vừa nói vừa dịch người trên ghế. Ông ta lắc đầu, nhìn xuống bàn rồi ngước nhìn Ann. Chị vẫn đứng đó. Ông nói: “Franklin nhà tôi đang trên bàn mổ. Có ai đó đã chém nó. Cố giết nó. Có một trận ẩu đả và nó có mặt tại đó. Tại bữa tiệc đó. Người ta kể nó chỉ đứng nhìn thôi. Không gây gổ với ai cả. Nhưng thời buổi này, điều đó chẳng có nghĩa lý gì. Giờ thì nó đang trên bàn mổ. Chúng tôi chỉ biết hy vọng và cầu nguyện, chúng tôi còn có thể làm gì hơn”, ông ta nhìn chị chằm chằm.
Ann nhìn cô gái, cô ta vẫn đang quan sát chị, rồi nhìn người đàn bà lớn tuổi, ngoẹo đầu, mắt bây giờ đã nhắm. Ann thấy đôi môi mấp máy không thành tiếng. Chị muốn hỏi đấy là lời gì. Chị muốn chuyện trò thêm nữa với những kẻ cùng cảnh ngộ này. Chị lo sợ, họ cũng lo sợ. Họ có cùng một nỗi lo. Hẳn chị rất muốn kể đôi điều nữa về tai nạn, kể với họ chuyện về Scotty, rằng tai họa ập đến vào ngày sinh nhật của cậu bé, vào thứ hai, mà đến giờ cháu vẫn chưa tỉnh lại. Nhưng chị không biết phải bắt đầu ra sao. Chị đứng nhìn họ, lặng im.
***
Chị bước ra hành lang, theo hướng người đàn ông chỉ và tìm thấy thang máy. Chị dừng một phút trước cánh cửa khép kín, tự vấn xem hành động mình đang làm có đúng không. Lát sau, chị đưa tay bấm nút.
Chị lái xe vào lối rẽ vào nhà rồi tắt máy. Chị nhắm mắt, gục đầu xuống tay lái một lát. Chị nghe những tiếng tíc, tíc của động cơ khi máy bắt đầu nguội. Rồi chị ra khỏi xe. Chị nghe tiếng chó sủa trong nhà. Chị đi vào cửa trước, không khóa. Chị bước vào, bật đèn và đun nước pha trà. Chị mở túi thức ăn của chó rồi cho Slug ăn ở hiên sau. Con chó đang đói, ăn ngấu nghiến. Nó cứ chạy vào bếp để biết chắc là chị sẽ ở lại. Lúc chị bưng tách trà ngồi vào ghế sofa, chuông điện thoại reo.
“Thưa, tôi nghe!” chị nói. “A lô!”
“Thưa bà Weiss”, giọng đàn ông nói. Bấy giờ đã năm giờ sáng, chị cảm thấy mình nghe được tiếng máy móc hoặc âm thanh của dụng cụ gì đó vọng vào tai nghe điện thoại.
“Vâng, vâng! Chuyện gì vậy?” chị hỏi. “Tôi đây. Tôi là bà Weiss đây. Chuyện gì vậy, làm ơn nói đi”. Chị nghe tiếng gì đó vọng vào điện thoại, rồi giục, “Làm ơn làm phước cho biết có phải chuyện về Scotty không?”
“Scotty”, giọng đàn ông nói. “Đúng, Scotty. Chuyện liên quan đến Scotty, đúng đấy. Bà quên bẵng Scotty rồi chăng?” người đàn ông nói rồi cúp máy. Chị quay số bệnh viện, nhờ nối lên tầng ba. Chị đề nghị cô y tá trực điện thoại cho biết tình hình con mình. Sau đó chị xin nói chuyện với chồng. Chị bảo, đây là trường hợp khẩn cấp.
Chị đợi, mấy ngón tay xoắn xoắn sợi dây điện thoại. Chị nhắm mắt, nghe bụng cồn cào. Chắc mình phải nấu món gì đó để ăn. Slug đi từ hiên vào, nằm xuống gần chân chị, vẫy vẫy đuôi. Chị kéo tai nó khi nó liếm tay chị. Howard ở đầu dây.
“Có ai đó vừa gọi đến đây”, chị nói. Chị xoắn dây điện thoại. “Hắn bảo đấy là chuyện của Scotty”, chị khóc.
“Scotty vẫn bình thường”, Howard đáp. “Anh muốn nói là con vẫn đang ngủ. Không có gì thay đổi. Từ lúc em đi, có người ghé qua hai lần. Một cô y tá hay bác sĩ gì đó. Con không sao cả”.
“Gã ấy gọi, hắn bảo đấy là chuyện về Scotty”, chị nói với anh.
“Cưng ơi, em nghỉ đi một lát. Em cần nghỉ ngơi. Thằng cha ấy hẳn vẫn là kẻ đã gọi cho anh. Quên hắn đi. Nghỉ xong hẵng quay lại đây. Rồi có lẽ chúng mình sẽ ăn sáng”.
“Ăn sáng ư”, chị nói. “Em chẳng muốn ăn tí nào”.
“Em hiểu ý anh chứ”, anh nói. "Nước trái cây, hoặc món gì đó. Anh không biết. Ann, anh chưa chắc chắn gì cả. Lạy Chúa, anh cũng không đói. Ann, giờ thì chưa thể nói. Anh đang đứng cạnh bàn đây. Tám giờ sáng nay, bác sĩ Francis sẽ đến khám lại. Lúc ấy ông mới có thể cho ta biết đôi điều, đôi điều rõ hơn. Một trong các y tá bảo anh thế. Cô ta cũng không biết gì thêm. Ann? Cưng à, lúc ấy may ta chúng ta mới rõ hơn. Tám giờ. Hãy đến đây trước tám giờ. Từ giờ tới đó, anh sẽ ở đây, Scotty bình thường, tình trạng vẫn như cũ”, anh nói thêm.
“Em đang uống trà thì điện thoại reo”, chị nói. “Hắn bảo chuyện có liên quan đến Scotty. Có nhiều âm thanh khác vọng vào điện thoại. Anh có nghe thấy những âm thanh ấy trong cú gọi cho anh không, Howard?”
“Anh không nhớ”, anh đáp. “Có thể đấy là gã đi chiếc xe ấy, hắn có thể là người mắc bệnh tâm thần và bằng cách nào đó đã tìm ra số điện thoại của Scotty. Nhưng anh đang ngồi bên con. Cứ làm những gì em muốn. Đi tắm rồi trở lại vào khoảng bảy giờ, chúng ta sẽ cùng nói chuyện với bác sĩ lúc ông ấy đến. Sẽ tốt đẹp cả thôi mà, cưng. Anh ở đây, có nhiều y tá, bác sĩ bên cạnh. Họ bảo cơ thể của con ổn định”.
“Em sợ đến chết đi được”, Ann nói.
Chị vặn nước, cởi đồ bước vào bồn. Chị tắm và nhanh chóng lau khô mình, không gội đầu, mặc đồ lót sạch, quần len và áo len tay dài. Chị vào phòng khách. Con chó ngồi nhìn chị, đuôi nó vẫy vẫy đập mạnh xuống sàn hai lần. Trời vừa hửng sáng, chị ra xe.
Chị lái đến bến đỗ của bệnh viện và tìm thấy một chỗ trống ngay phía cửa trước. Chị rơi vào cảm giác mơ hồ rằng mình cũng chịu trách nhiệm trước tai nạn của con. Chị để tâm trí hướng về gia đình người da đen. Chị nhớ tên Franklin và cái bàn ngổn ngang giấy gói hamburger, cô thiếu nữ vừa rít thuốc vừa chăm chú nhìn chị. “Đừng sinh con”, chị đối thoại với hình bóng thiếu nữ lúc chị đi vào cửa trước bệnh viện. “Vì Chúa, đừng”.
Chị đi thang máy lên tầng ba cùng với hai y tá đi làm nhiệm vụ. Sáng thứ tư, bảy giờ kém mấy phút. Khi cửa thang máy mở ở tầng ba, có mẩu giấy viết tên bác sĩ Madison. Chị ra sau hai cô y tá. Họ rẽ lối khác và tiếp tục cuộc thoại bị gián đoạn khi chị bước vào thang máy. Chị đi theo hành lang về phía phòng đợi nhỏ nơi gia đình da đen đã ngồi đợi. Họ không còn ở đó, nhưng mấy chiếc ghế nằm rải rác trong tư thế như thể những người ngồi đó vội đứng lên mới vài phút trước. Mặt bàn vẫn đầy những chiếc cốc và giấy bọc ấy. Gạt tàn đầy mẩu thuốc lá hút dở.
Chị dừng lại ở phòng trực của y tá. Một cô y tá đang đứng sau bàn, vừa chải tóc vừa ngáp.
“Chị cho tôi hỏi về ca phẫu thuật của anh chàng da đen tối qua”, Ann nói. “Tên là Franklin. Cả gia đình ngồi trong phòng đợi. Tôi muốn biết tình trạng của cậu ta ra sao?”
Cô y tá ngồi ở phía sau bàn nhìn danh sách trước mặt mình. Điện thoại reo, cô nhấc tay nghe nhưng mắt vẫn nhìn Ann.
“Bệnh nhân ấy mất rồi”, từ sau bàn, cô y tá nói. Cô nhìn chị, tay vẫn cầm lược. “Chị là thân nhân hay là bạn của gia đình?”
“Tôi gặp gia đình ấy tối qua”, Ann đáp. “Con trai tôi nằm viện. Tôi nghĩ cháu bị sốc. Chúng tôi không biết chắc nguyên nhân triệu chứng ấy. Tôi chỉ muốn biết tin về Franklin, thế thôi. Cám ơn chị”. Chị bước xuôi hành lang. Cửa thang máy cùng màu với bức tường mở ra, một người đàn ông hói đầu, gầy gò vận quần trắng, giày trắng đẩy chiếc xe kéo ra khỏi thang máy. Tối qua, chị không lưu ý tới mấy cánh cửa ấy. Người đàn ông đẩy xe vào hành lang và dừng trước cửa phòng gần thang máy, xem bảng đính tên. Rồi ông ta cúi xuống, kéo một cái khay ra khỏi xe, gõ nhẹ lên cửa rồi bước vào phòng. Khi vượt qua chiếc xe, chị ngửi thấy mùi thức ăn ấm, chẳng dễ chịu tí nào. Chị vội vã bước, không nhìn mấy cô y tá, đẩy cửa vào phòng con.
Howard chắp tay sau lưng đứng cạnh cửa sổ. Anh quay lại khi chị bước vào. “Con thế nào rồi?” chị nói. Chị đến bên giường, thả ví xuống sàn cạnh chiếc bệ. Chị cảm thấy như mình đã đi quá lâu. Chị sờ mặt con. “Sao hở anh?”
“Bác sĩ Francis vừa ở đây”, Howard nói. Chị nhìn kỹ thấy hình như vai anh hơi gồ lên.
“Em cứ nghĩ tám giờ ông ấy mới đến”, chị nói nhanh.
“Có một bác sĩ nữa đi cùng ông ấy. Bác sĩ thần kinh”.
“Bác sĩ chuyên khoa thần kinh”, chị nói.
Howard gật đầu. Vai anh đang rụt lại, chị thấy. “Họ nói những gì vậy anh? Làm ơn nói em nghe, họ bảo gì? Chuyện gì vậy?”
“Họ bảo sẽ đưa con xuống kiểm tra thêm. Họ nghĩ cần phải tiến hành phẫu thuật. Em à, họ sẽ mổ. Họ không thể tìm ra nguyên nhân bất tỉnh của con. Nó không phải là một cú sốc hay sự chấn thương đơn thuần. Bây giờ họ đã rõ điều đó. Họ nghĩ chính vết rạn bên trong sọ đã gây nên những thương tổn bên trong. Thế nên họ sẽ mổ. Anh cố gọi cho em, nhưng lúc ấy hẳn em đã rời khỏi nhà”.
“Ôi, lạy Chúa”, chị nói. “Ôi, làm ơn, Howard, làm ơn”, chị nói, nắm chặt cánh tay anh.
“Nhìn kìa!” Howard nói. “Scotty! Ann, nhìn kìa”. Anh quay mặt chị về phía giường.
Cậu bé đã mở mắt rồi nhắm lại. Bây giờ cậu lại mở mắt. Đôi mắt nhìn thẳng về phía trước hồi lâu, rồi từ từ di chuyển cho đến khi gặp Howard và Ann, rồi lại nhìn đi nơi khác.
“Scotty”, mẹ cậu đến bên giường gọi.
“Nào, Scotty”, ba cậu nói. “Nào, con”.
Họ cúi người trên giường. Howard cầm tay con, nắn nắn rồi vuốt ve. Ann cúi xuống đứa trẻ và tới tấp hôn lên trán con. Chị giữ hai má con. “Scotty, cục cưng của mẹ, ba và mẹ đây”, chị nói. “Scotty?”
Cậu bé nhìn họ nhưng không biểu lộ bất kỳ dấu hiệu nhận biết nào. Sau đó miệng cậu há ra, mắt nhắm nghiền lại, cậu rít lên cho đến lúc không khí không còn trong phổi. Lát sau, mặt cậu dường như giãn và mềm ra. Đôi môi hé mở khi hơi thở cuối cùng thoát khỏi cổ họng và từ từ ra ngoài qua hàm răng nghiến chặt.
*
Các bác sĩ gọi đấy là triệu chứng tắc ngầm và bảo nó chỉ chiếm tỉ lệ một phần triệu. Nếu tiến hành phẫu thuật ngay sau khi được phát hiện thì họ có thể cứu sống cậu bé. Nhưng đâu phải dễ. Bởi làm sao họ chẩn đoán ra được một khi những tấm phim chụp X quang và các mẫu xét nghiệm chẳng cho thấy điều gì.
Bác sĩ Francis run run nói: “Tôi không thể bày tỏ cho anh chị hiểu hết nỗi lòng mình. Tôi rất buồn nhưng không thể diễn đạt hết với anh chị được”, ông nói khi đưa họ đến phòng bác sĩ. Một bác sĩ đang ngồi gác chân lên lưng một chiếc ghế khác, xem chương trình tivi buổi sáng sớm. Ông ta mặc bộ đồ xanh của bác sĩ, quần dài màu xanh lụng thụng, áo bờ lu xanh, đội mũ xanh. Ông nhìn Howard và Ann rồi nhìn bác sĩ Francis. Ông bỏ chân xuống, tắt tivi rồi ra khỏi phòng. Bác sĩ Francis dắt Ann đến ghế sofa, ngồi xuống cạnh chị, an ủi bằng giọng trầm trầm. Có lúc, ông nghiêng người ôm vai chị. Chị có thể cảm thấy ngực ông nâng lên, hạ xuống đều đặn trên vai mình. Chị thẫn thờ mở mắt, để ông giữ vai mình. Howard đi vào buồng tắm, nhưng anh không khép cửa. Sau một hồi nức nở, anh vặn vòi, rửa mặt. Sau đó, anh bước ra ngồi vào chiếc bàn nhỏ đặt điện thoại. Anh nhìn nó như thể đang quyết định nên làm việc gì trước. Anh gọi mấy cú. Rồi bác sĩ Francis dùng máy.
“Bây giờ tôi có thể làm gì cho anh chị?” ông hỏi.
Howard lắc đầu. Ann nhìn chằm chằm vào ông như thể chẳng hiểu lời ông nói. Bác sĩ đưa họ đến cửa trước của bệnh viện. Mọi người tấp nập ra vào. Lúc ấy đã mười một giờ trưa. Ann biết chân của mình rất lóng ngóng, miễn cưỡng. Chị nghĩ, dường như bác sĩ Francis đang buộc họ rời đi, thay vì họ nên ở lại. Chị nhìn ra bãi đỗ xe, nhìn quanh rồi nhìn về mặt tiền của bệnh viện. Chị lắc đầu. “Không, không”, chị nói. “Tôi không thể để con ở lại đó, không”. Chị nghe lòng mình thì thầm điều ấy, rồi nghĩ, thật không phải bởi đấy những từ ngữ được dùng trên tivi nơi người ta bị choáng bởi bạo lực hay những cái chết bất thình lình. Chị muốn nói lên lời của trái tim mình. “Không”, chị thốt, và vì lý do gì đó, ký ức về người đàn bà da đen ngoẹo đầu lên vai chợt về với chị, “Không”, chị thốt lên lần nữa.
“Tôi sẽ nói chuyện với anh chị vào chiều nay”, bác sĩ bảo Howard. “Vẫn còn vài việc phải tiến hành để làm sáng tỏ những nghi vấn của chúng tôi. Chúng cần được giải thích”.
“Mổ tử thi”, Howard nói.
Bác sĩ Francis gật đầu.
“Tôi hiểu”, Howard nói. Rồi anh thốt lên, “Ôi, lạy Chúa, không, tôi không hiểu, thưa bác sĩ. Tôi không thể, tôi không thể. Tôi không thể nào hiểu nổi”.
Bác sĩ Francis choàng tay lên vai Howard. “Tôi rất buồn. Chúa chứng giám nỗi buồn của tôi”. Ông buông vai Howard rồi đưa tay ra. Howard nhìn bàn tay rồi nắm lấy. Bác sĩ Francis vòng tay ôm Ann lần nữa. Trong ông trào dâng những tình cảm xót xa chân thành nhất mà Ann không hiểu. Chị gục đầu lên vai ông, mắt vẫn mở. Chị cứ nhìn bệnh viện. Khi hai người đánh xe khỏi bãi đỗ, chị cứ ngoái đầu nhìn lại bệnh viện.
*
Đến nhà, chị đút tay vào túi áo khoác, ngồi trên ghế sofa. Howard khép cánh cửa dẫn đến phòng con. Anh pha cà phê rồi đi lấy cái hộp rỗng. Anh định nhặt cất mấy món đồ chơi của con đang nằm lăn lóc trong phòng khách. Nhưng anh lại ngồi xuống ghế sofa, bên cạnh chị, cúi người về phía trước, đút tay giữa hai đầu gối, cái hộp bị đẩy sang bên cạnh. Anh òa khóc. Chị kéo đầu anh vào lòng, vỗ vỗ lên vai. “Con mất rồi”, chị nói. Chị vẫn vỗ đều lên vai anh. Chị nghe ấm đun cà phê xì xì hơi trên bếp qua tiếng nức nở của anh. “Nào, nào”, chị dịu dàng nói. “Howard, con không còn nữa. Con đã mất và bây giờ chúng mình phải quen với nỗi trống vắng ấy. Nỗi cô đơn”.
Một lúc sau, Howard đứng dậy, cầm hộp bước đi thẫn thờ quanh phòng, nhưng không để gì vào hộp mà chỉ xếp vài thứ trên sàn ngay đầu ghế sofa. Chị vẫn ngồi, tay để yên trong túi áo khoác. Howard đặt cái hộp xuống, mang cà phê vào phòng khách. Sau đó, Ann gọi cho họ hàng. Mỗi lần gọi, nhận được trả lời, Ann chỉ thốt lên đôi lời rồi khóc. Sau đó, bằng giọng bình tĩnh, chị giải thích chuyện gì đã xảy ra và nói với họ cách thu xếp của mình. Howard mang cái hộp ra gara. Nhìn thấy chiếc xe đạp của con, anh để rơi cái hộp, ngồi xuống bên cạnh rồi lóng ngóng ôm chầm chiếc xe vào lòng. Anh giữ chặt, cái pedal cao su đâm vào ngực. Anh quay bánh xe.
Sau cuộc nói chuyện với bà chị, Ann bỏ ống điện thoại xuống. Chị đang tìm số khác để gọi thì chuông điện thoại reo. Chị nhấc máy ngay tiếng chuông đầu tiên đổ.
“A lô!”, chị nói và nghe âm thanh vo vo nào đó vọng vào điện thoại. “A lô!” chị chào. “Lạy Chúa”, chị nói. “Ai đấy? Ông cần gì?”
“Scotty của bà, tôi sẵn sàng trao nó cho bà”, giọng người đàn ông nói. “Bà quên nó rồi sao?”
“Đồ con hoang ác độc!” chị thét vào điện thoại. “Sao mày lại làm thế hở thằng chó đẻ bẩn thỉu?”
“Scotty”, người đàn ông nói, “Bà đã quên chuyện Scotty rồi chăng?” rồi cụp máy.
Howard nghe tiếng thét bèn chạy vào thấy chị ôm đầu gục trên bàn khóc. Anh cầm ống nghe, không còn tín hiệu.
*
Rất lâu sau đó, độ trước nửa đêm, sau khi họ dọn dẹp nhiều thứ, điện thoại lại reo.
“Anh nghe đi”, chị nói. “Howard, hắn đấy. Em biết”. Họ đang ngồi cạnh chiếc bàn trong bếp, cà phê trước mặt. Howard rót một ly whisky nhỏ đặt cạnh cốc cà phê. Anh nhấc máy khi chuông đổ lần thứ ba.
“A lô”, anh nói. “Ai đấy? A lô! A lô!” Đường dây bị cắt. “Hắn cúp máy”, Howard nói. “Đồ khốn nạn”.
“Hắn đấy”, Ann đáp. “Thằng con hoang ấy”. Em muốn giết hắn”, chị nói. “Em muốn bắn rồi xem hắn gục xuống”.
“Lạy Chúa, Ann”, anh nói.
“Anh có nghe thấy âm thanh gì không?” chị nói. “Trong máy ấy? Một tiếng động, tiếng máy móc hay thứ gì đó kêu vo vo?”
“Không, rõ ràng không có những âm thanh ấy”, anh nói. “Không có thời gian. Anh nhớ có tiếng nhạc radio. Đúng, có tiếng radio, anh chỉ có thể nói thế thôi. Lạy Chúa, chẳng biết chuyện gì sắp xảy ra nữa đây”.
Chị lắc đầu. “Giá mà em có thể nhận ra hắn”. Lúc ấy, chị sực nhớ. Chị biết hắn. Scotty, chiếc bánh, số điện thoại. Chị đẩy ghế ra xa bàn, đứng dậy. “Đưa em đến trung tâm thương mại, anh Howard”, chị nói.
“Em bảo gì vậy?”
“Đến trung tâm thương mại. Em biết người gọi điện. Em biết đấy là hắn. Gã nướng bánh, Howard ạ, gã làm bánh chó đẻ. Em đặt hắn làm chiếc bánh sinh nhật cho Scotty. Hắn là người gọi điện. Hắn có số điện thoại và liên tục gọi chúng ta. Quấy rầy chúng ta vì chiếc bánh đó. Gã làm bánh. Đồ con hoang”.
*
Họ đánh xe đến trung tâm thương mại. Bầu trời quang đãng, sao lặn dần. Trời lạnh, họ bật điều hòa nhiệt trong xe. Hai người đỗ xe trước hiệu bánh. Tất cả các cửa hiệu đều đóng cửa, nhưng vẫn còn mấy chiếc xe đậu đằng cuối bãi trước rạp chiếu bóng. Cửa sổ hiệu bánh tối om, nhưng khi nhìn qua lớp kính họ có thể thấy ánh sáng của căn phòng phía sau và thỉnh thoảng, một người đàn ông to lớn vận tạp dề đi lại trong luồng sáng ấy. Nhìn qua kính, chị thấy mấy chiếc bánh bày bán và vài cái bàn nhỏ có ghế. Chị gõ cửa, đập mạnh vào tấm kính. Nhưng dẫu cho người đàn ông nghe thấy, ông ta cũng chẳng buồn để ý. Ông không nhìn về phía họ.
Hai người lại vòng ra sau hiệu bánh rồi đỗ lại. Họ ra khỏi xe. Có ánh sáng hắt qua cửa sổ, song cửa sổ quá cao nên họ không thể nhìn vào bên trong. Tấm biển gắn trên cửa sau với dòng chữ: Hiệu bánh Pantry, đáp ứng mọi yêu cầu.
Chị nghe văng vẳng tiếng radio từ bên trong và tiếng gì kêu cái cách, như thể nắp lò được đóng xuống. Chị gõ cửa và đợi. Rồi chị lại gõ, lần này to hơn. Radio được vặn nhỏ, và bây giờ có tiếng gì kẹt kẹt, một âm thanh khác, tiếng khay được kéo ra và đóng lại.
Ai đó vặn khóa rồi mở cửa. Người làm bánh đứng trong luồng sáng, chằm chằm nhìn họ. “Tôi đang bận công việc”, ông ta nói. “Anh chị cần gì vào giờ này? Đã nửa đêm rồi. Hai người đã say hay có điều gì muốn nói?”
Chị bước vào luồng sáng chiếu qua cánh cửa để ngỏ. Ông ta hấp háy mi mắt nặng trịch khi nhận ra chị. “Bà đấy ư?” ông ta nói.
“Tôi đây”, chị nói. “Mẹ của Scotty. Còn đây là ba của Scotty. Chúng tôi muốn vào nhà”.
Người làm bánh nói: “Bây giờ tôi đang bận. Tôi phải làm việc”.
Nhưng chị đã bước vào trong cửa. Howard đi theo chị. Người làm bánh lùi lại. “Trong này có mùi bánh. Phải mùi bánh không, Howard?”
“Các người cần gì?” người làm bánh nói. “Hẳn các người muốn lấy chiếc bánh của mình? Chắc thế rồi, các người quyết định lấy bánh. Bà đã đặt tôi làm chiếc bánh, có phải không?”
“Mày là thằng làm bánh khốn nạn”, chị nói. “Anh Howard, chính thằng này gọi điện quấy chúng ta”. Chị siết chặt nắm đấm, trừng mắt hung tợn nhìn ông ta. Tựa như có ngọn lửa đang hừng hực cháy trong lòng, cơn giận đã khiến chị dũng mãnh hơn bản thân, mạnh hơn cả hai người đàn ông đang đứng đó.
“Đợi đã”, người làm bánh nói. "Bà muốn lấy chiếc bánh đã đặt ba ngày trước sao? Phải không? Tôi không muốn tranh cãi, thưa bà. Đấy, nó đấy, đã bốc mùi. Tôi sẽ trao nó cho bà với một nửa giá đã định. Không. Bà cần nó hả? Bà có thể lấy. Bây giờ nó chẳng còn giá trị với tôi, với bất kỳ ai. Tôi đã mất thời gian và tiền để làm. Nếu bà lấy nó, tốt; còn nếu bà không muốn nhận; cũng chẳng sao. Tôi phải trở lại với công việc đây”. Ông ta nhìn họ, lưỡi rà rà dưới hàm răng.
“Nhiều bánh quá”, chị nói. Chị biết mình đã bình tĩnh, đã kiềm chế được nỗi bức xúc trong lòng. Chị bình tĩnh.
“Bà xem, tôi phải làm mười sáu tiếng một ngày tại nơi này để kiếm sống”, người làm bánh nói. Ông chùi tay vào tạp dề. “Tôi làm việc ngày đêm ở đây, cố giải quyết cho xong công việc”. Liếc nhìn qua mặt Ann, ông ta lùi lại và nói, “Đừng bao giờ gây rối”. Ông bước đến quầy, cầm cái ống lăn bột bằng tay phải rồi gõ gõ vào lòng bàn tay kia. “Bà có lấy bánh không? Tôi còn phải làm việc. Người nướng bánh làm việc vào ban đêm”, ông nhắc lại. Mắt lão ta ti hí, ti tiện, chị nghĩ, gần như lọt thỏm trong các túi thịt chùng trên mặt. Cổ lão nung núc.
“Tôi biết người sản xuất bánh làm việc vào ban đêm”, Ann nói. “Bọn họ cũng gọi điện vào ban đêm nữa. Phải không thằng con hoang”, chị nói.
Người làm bánh vẫn đập đập cái ống lăn bột vào lòng bàn tay. Ông liếc nhìn Howard. “Cẩn thận, cẩn thận”, ông nói với Howard.
“Con trai tôi chết rồi”, chị nói lạnh lùng, đều đều. “Nó bị xe tông sáng thứ hai vừa rồi. Chúng tôi chăm sóc cho đến lúc nó chết. Nhưng, dĩ nhiên, ông không biết chuyện đó, đúng không? Người làm bánh không thể biết mọi chuyện – có phải không, thưa ngài bán bánh? Nhưng, nó đã chết. Đã chết. Đồ ác độc!” Cũng thình lình như lúc đến, cơn giận đột nhiên tan biến, trong chị bỗng trỗi lên cảm giác khác: sự choáng váng của cơn buồn nôn. Chị gục đầu lên chiếc bàn gỗ bám đầy bột, úp mặt vào tay rồi khóc, đôi vai giật giật theo tiếng nấc. “Thật xấu xa”, chị thốt lên. “Ác độc, xấu xa”.
Howard đặt tay lên eo lưng chị và nhìn người làm bánh. “Ông thật đáng xấu hổ”, anh nói. “Thật xấu hổ”.
Người làm bánh đặt cái ống lăn xuống quầy, tháo tạp dề quẳng lên quầy. Ông nhìn hai vợ chồng rồi chậm rãi lắc đầu. Ông kéo cái ghế dưới bàn viết để giấy tờ, hóa đơn, chiếc máy tính và cuốn danh bạ điện thoại. “Ngồi xuống đi”, ông nói. “Để tôi tìm cho anh chiếc khác”, ông nói với Howard. “Nào, mời ngồi”. Người bán bánh đi ra phía trước cửa hiệu mang vào hai chiếc ghế sắt nhỏ. “Ngồi xuống đi, anh chị”.
Ann chùi nước mắt nhìn người làm bánh. “Tôi muốn giết ông”, chị nói. “Tôi muốn ông chết đi”.
Người làm bánh chùi sạch khoảng bàn trước mặt họ. Ông gạt chiếc máy tính cùng cuốn sổ và tập hóa đơn sang một bên. Ông quẳng cuốn danh bạ điện thoại xuống sàn. Nó rơi mạnh. Howard và Ann ngồi xuống rồi kéo ghế đến gần bàn. Người làm bánh cũng ngồi xuống.
“Cho phép tôi bày tỏ lời xin lỗi”, người làm bánh nói, chống khuỷu tay lên bàn. “Chỉ có Chúa mới chứng giám được lòng ân hận của tôi. Làm ơn nghe tôi. Tôi chỉ là một lão nướng bánh. Tôi không bảo mình là một ai khác. Có thể, một dạo, đã nhiều năm về trước, tôi là loại người khác. Tôi không chắc mình đã quên thật chưa. Nhưng nếu tôi là kiểu người ấy thì tôi đã không còn tồn tại. Giờ đây, tôi chỉ là người làm bánh, tôi hiểu, việc làm vừa rồi của tôi khó mà tha thứ được. Nhưng tôi rất ân hận. Tôi có lỗi với con anh chị và thực sự ân hận về hành động của mình trước nỗi đau này”, người làm bánh nói. Ông xòe bàn tay ra bàn, rồi lật ngửa lòng bàn tay lên. “Bản thân tôi không có con, như thế tôi chỉ có thể hình dung những mất mát mà anh chị đang chịu đựng. Tất cả những gì tôi có thể nói với anh chị bây giờ là: tôi có lỗi. Hãy tha thứ cho tôi, nếu có thể”, ông nói. “Tôi không phải là hạng người ác độc, không phải đâu. Không đến nỗi xấu xa như chị gọi trên điện thoại. Anh chị phải hiểu cho rằng làm sao tôi có thể biết để cư xử cho đúng mực. Thế đấy. Làm ơn”, ông nói, “cho phép tôi hỏi tận đáy lòng mình, anh chị đã thông cảm và có thể tha thứ cho tôi chưa?”
Trong xưởng rất nóng. Howard đứng dậy cởi áo khoác. Anh giúp Ann cởi áo khoác của chị. Người làm bánh nhìn họ một lát, gật gật đầu và đứng dậy. Ông đến bên lò, tắt vài công tắc. Ông tìm cốc rót cà phê từ chiếc ấm điện. Ông đặt hộp kem và một chén đường lên bàn.
“Anh chị cần phải ăn vài miếng”, người làm bánh nói. “Tôi hy vọng anh chị sẽ dùng mấy chiếc bánh nóng của tôi. Hai người phải ăn để sống. Ăn là điều tốt lành nho nhỏ trong những lúc như thế này”, ông nói.
Ông mang cho họ những chiếc bánh quế nóng vừa lấy ra khỏi lò, bụi bánh hãy còn bám. Ông lấy bơ và dao ăn đặt lên bàn. Sau đó, người làm bánh ngồi vào bàn với họ. Ông đợi. Ông chờ cho đến khi mỗi người cầm một cái bánh trên đĩa đưa lên miệng ăn. “Ăn món gì đó sẽ dễ chịu”, ông nói trong lúc xem hai người ăn. “Còn nhiều đó. Ăn thêm nữa đi. Cứ ăn thỏa thích. Ở đây có đủ các loại bánh trên thế giới”.
Họ ăn bánh và uống cà phê. Bỗng nhiên Ann thấy đói bụng, thấy mấy chiếc bánh ấm và ngọt ngào. Chị ăn ba chiếc, người làm bánh hài lòng. Rồi ông mở miệng nói. Họ chăm chú lắng nghe. Mặc dù mệt mỏi và đau khổ, họ vẫn lắng nghe lời người làm bánh phải buộc lòng nói. Họ gật gật đầu khi ông bắt đầu đề cập đến nỗi cô đơn, sự hoài nghi và những giới hạn đã đến với ông trong những năm tháng ở độ tuổi trung niên này. Ông kể cho hai vợ chồng nghe về cuộc sống không con cái của mình. Tháng ngày cứ lặp đi lặp lại với những lò bánh hết đầy ắp rồi lại trống rỗng. Những buổi tiệc, những lễ kỷ niệm ông từng phục vụ. Bột bánh bám đầy tay. Tên của những cặp vợ chồng đính trên bánh. Phải đến hàng trăm tên, không, bây giờ đã là hàng ngàn. Sinh nhật. Hãy hình dung các ngọn nến đang cháy. Công việc của ông rất thiết yếu. Ông là người làm bánh. Ông hạnh phúc vì mình không phải là người bán hoa. Cung cấp thức ăn cho mọi người thì có giá trị hơn. Bất cứ lúc nào, mùi bánh cũng thơm hơn mùi hoa.
“Ngửi cái này xem”, người làm bánh vừa bẻ đôi ổ bánh mì đen vừa nói. “Đây là loại bánh mì đặc nhưng giàu chất dinh dưỡng”. Họ ngửi, rồi ông bảo hai người nếm thử. Chiếc bánh có mùi mật đường, hăng hăng. Họ nghe ông nói. Họ ăn những gì mình muốn. Họ nhai nuốt chiếc bánh mì đen. Dưới ánh đèn huỳnh quang, không gian tựa như ban ngày. Họ nói chuyện mãi tới rạng sáng, lúc những tia nắng yếu ớt xuyên qua cửa sổ, mà không nghĩ đến chuyện chia tay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com