Secmenđi sinh ngày nào?
Aziz Nesin
- Người ấy là một nhà đại bác học.
- Thế ông ta có phát minh gì không?
- Rõ thật cái anh này! Dĩ nhiên là phải có chứ! Ðúng là thời buổi bây giờ, không nói gì đến hạng dân thường, mà ngay cả những người có học cũng chẳng anh nào quan tâm gì đến khoa học cả! Nhà bác học này có cống hiến rất lớn cho nền lịch sử văn học nước ta đấy, vì ông ta đã tìm ra một ngày quan trọng.
- Ngày gì thế vậy?
- Chắc anh có nghe nói đến một nhà thơ ở thế kỷ 15 tên là Secmenđi chứ?
- Không, tôi chưa nghe nói bao giờ.
- Secmenđi để lại cho hậu thế một tập thơ lớn. Tên tuổi của ông được nhắc đến trong nhiều tập thi tuyển.
- Vậy thì sao?
- Chả là thế này: tất cả các tài liệu về văn học sử đâu như đều nói Secmenđi sinh ngày mồng 4 tháng 5. Nhưng vị giáo sư nọ đã bác bỏ hoàn toàn ý kiến đó.
- Bác bỏ bằng cách nào?
- Bằng cách viết hẳn một cuốn sách dày 600 trang.
- Và trong 600 trang ấy ông ta đã chứng minh được quan điểm của mình?
- Ồ, đâu có! Giải quyết một vấn đề phức tạp như vậy anh tưởng dễ lắm đấy! Ðó mới chỉ là tập mở đầu thôi. Trong tập này giáo sư mới chỉ khẳng định rằng Secmenđi không phải sinh ngày mồng 4 tháng 5.
- Rồi sau đó?
- Sau đó, sang tập 2, tập 3, mà có khi cả tập 4 nữa cũng nên, giáo sư mới dùng mọi lý lẽ để chứng minh rằng, cái ngày mồng 4 tháng 5 ấy là sai. Tiếp đến, sang tập 5 và tập 6, ông mới cho biết ngày sinh chính xác của Secmenđi.
- Thế sẽ có bao nhiêu tập tất cả?
- Hiện giờ cũng chưa biết sẽ có bao nhiêu tập tất cả. Chỉ biết giáo sư mới viết xong tập thứ nhất, mà như thế cũng đã mất 15 năm rồi!
- Anh bảo gì? 15 năm?
- Chứ sao! Anh thật chẳng hiểu gì về khoa học cả.
- Thế đến bao giờ giáo sư mới viết xong các tập kia?
- Nếu thánh Ala cho giáo sư sống thêm 15, 20 năm nữa, thì ông sẽ hoàn thành tập hai. Năm nay giáo sư đã hơn 60 tuổi rồi.
- Nói dại mồm, thế nhỡ chẳng may giáo sư... tịch đi.
- Thì các nhà bác học khác sẽ tiếp tục công trình của giáo sư, ngay từ chỗ mà ông dừng lại.
- Anh cho phép tôi hỏi một câu: Quả thật anh bắt đầu làm cho tôi thấy tò mò. Lúc nãy, hình như anh có nói Secmenđi không phải sinh ngày mồng 4 tháng 5. Thế thì ông ta sinh ngày nào?
- Ðó chính là vấn đề mấu chốt cần phải xác minh để làm sáng tỏ lịch sử văn học nước nhà. Secmenđi sinh không phải ngày mồng 4 tháng 5, mà là đêm mồng 3 rạng ngày mồng 4. Nhưng sự kiện này xảy ra trước 12h đêm, nên ngày sinh của ông tất phải coi là ngày mồng 3, chứ không phải mồng 4. Tất cả các nhà nghiên cứu văn học sử đã bị nhầm chính là ở chỗ này.
- Và toàn bộ công trình phát minh của giáo sư cũng chỉ là ở chỗ đó?
- Thế theo anh, tìm ra được ngày sinh của một nhà thơ cổ hãy còn là ít hay sao?
- Không phải, nhưng tôi không hiểu tại sao giáo sư không thể nói vắn tắt điều đó trong vài dòng, mà phải tốn công viết hàng mấy trăm trang giấy?
- Anh nói chán quá! Nếu viết vài dòng, thì một bác học như giáo sư, còn gì là bác học nữa? Còn có gì là khác người thường nữa? Những nhà bác học, sở dĩ là bác học, bởi vì họ biết cách trình bày thế nào để những điều hết sức dễ hiểu cũng trở thành những cái rất khó hiểu, như kiểu đánh đố vậy. Chỉ có vài dòng thôi, nhưng họ biết cách kéo ra thành vài trăm trang. Cái khác nhau giữa những nhà bác học và những người không phải bác học chính là ở chỗ đó.
- Nếu vậy thì làm sao anh biết được nhà thơ Secmenđi không phải sinh ngày mồng 4, mà vào ngày mồng 3 tháng 5? Anh đọc cuốn sách ấy rồi ư?
- Anh hỏi kỳ quá! Ai mà hiểu nổi những cái viết trong sách của các nhà bác học được! Khoa học nó thâm thúy lắm, chứ đâu phải...
- Tôi biết. Nhưng chính vì thế tôi mới muốn hỏi, tại sao anh lại biết được ngày sinh của Secmenđi?
- Thực ra tôi biết không phải là vì tôi đọc sách của giáo sư, mà vì chính giáo sư nói với tôi... Với lại, nói chung những tác phẩm như vậy người ta viết ra không phải để cho mọi người đọc...
- Thế thì người ta in làm gì?
- Anh thật chả hiểu cóc khô gì về khoa học cả! Này nhé, tôi giả dụ có một tác phẩm nào đó được in ra, được người ta tranh nhau mua, tranh nhau đọc, ai đọc cũng đều hiểu cả, thì thử hỏi như thế nó còn quái gì là giá trị nữa? Ấy thế cho nên các nhà khoa học mới mong cho tác phẩm của họ in ra thà cứ nằm mốc trên giá sách cho bụi bặm còn hơn là được mọi người tranh nhau đọc. Anh nên nhớ rằng chỉ có cuốn sách nào ít người đọc, hay thậm chí không có ai đọc cả, hoặc chỉ có cuốn sách nào viết rất khó hiểu, hay thậm chí không ai hiểu nổi, mới làm tăng uy tín của tác giả mà thôi.
- Thú thật anh làm tôi rất ngạc nhiên.
- Có gì mà ngạc nhiên! Anh tưởng viết để không ai hiểu được dễ lắm đấy phỏng? Anh có thấy từ nãy đến giờ tôi với anh nói chuyện với nhau đã hơn một tiếng đồng hồ rồi, mà chúng mình vẫn cứ hiểu nhau một cách rất dễ dàng không? Bây giờ tôi với anh hãy thử nói chuyện với nhau thế nào để không ai hiểu ai cả độ dăm phút thôi, xem có dễ không nào?
- Úi, thế thì khó lắm!
- Không phải là khó, mà nói thẳng ra là không thể được. Hơn nữa, đây lại không phải là chuyện ngồi tán phét với nhau dăm ba phút, mà là viết hàng trăm trang sách, mà lại viết thế nào để vẫn có đầu có đuôi hẳn hoi, chứ không phải viết nhăng viết cuội. Nếu không thì lại giống như cái anh loạn trí, thích nói lảm nhảm hàng mấy giờ, có khi mấy ngày liền, những chuyện chẳng ra đâu vào đâu cả. Nhưng những người này thì chẳng bao giờ trở thành bác học được! Vậy thì cái khác nhau giữa nhà bác học và anh mất trí là ở chỗ nào? Nhà bác học có thể viết một cuốn sách hàng mấy trăm trang mà người đọc chẳng hiểu gì hết, chỉ thấy như bị lạc vào một khu rừng rậm ấy. Nhưng có điều là trong sách của họ, không thể tìm được lấy một lối ngữ pháp hay đặt câu nào cả, hay cảm thấy có câu nào gọi là lủng củng hay thiếu logic cả. Còn như anh mất trí thì nói câu trước câu sau là đã lẫn lộn rồi. Dễ hiểu thôi: vì anh ta mất trí mà lại!
- Tôi muốn hỏi anh một điều: nhưng làm thế nào giáo sư chứng minh được là Secmenđi sinh không phải ngày mồng 4 tháng 5, mà vào đêm mồng 3 rạng ngày mồng 4?
- Nhưng giáo sư có chứng minh điều gì như vậy đâu! Trong một bài thơ đăng trong một tuyển tập thơ của mình, Secmenđi có viết:
"Tôi chào đời
Là chào cả hôm qua và cả hôm nay."
Như thế là rõ quá rồi còn gì? Chào cả hôm qua và cả hôm nay là lúc nào? Là nửa đêm. Dạng thức của động từ "chào" ở đây chỉ một hành động chưa kết thúc, mà còn tiếp tục kéo dài sang cả thời tương lai. Nghĩa là Secmenđi sinh ra trước lúc nửa đêm một chút, vào khoảng kém 5 hay kém 3 phút gì đó thì đến nửa đêm. Như vậy có thể suy ra ngày sinh của ông không phải là mồng 4, mà là mồng 3.
- Cứ cho là đúng như thế đi, nhưng tôi vẫn không hiểu tất cả những cái đó cuối cùng để làm gì?
- Ðể làm gì ư? Này nhé, nói ví thử bây giờ có một nhà bác học nào đó viết một cuốn sách 3 tập và nói rằng Secmenđi sinh vào lúc 23h30' ngày mồng 3 tháng 5. Nhưng một nhà bác học khác lại bác bỏ ý kiến của ông ta và bảo rằng: "Không đúng, Secmenđi sinh vào hồi 23h35', chứ không phải 23h30" và lại viết một cuốn sách dày những 5 tập để chứng minh cho điều đó. Thế là cuối cùng người ta xác minh được chính xác cả ngày sinh lẫn nơi sinh của nhà thơ Secmenđi.
- Nói anh tha lỗi, chứ thật tình tôi vẫn chưa hiểu gì cả. Ừ, thì cứ cho là Secmenđi sinh không phải ngày mồng 4 tháng 5, mà là mồng 3, không phải vào hồi 23h30', mà là 23h35' đi. Nhưng biết được như thế để rồi cuối cùng rút ra cái gì?
- Anh nên nhớ rằng người ta soạn ra được lịch sử và học cũng chính là từ những cái chi tiết ấy đấy. Một người bảo "Mồng 3 tháng 5", người kia bảo "Không phải, mồng 4 chứ!" Thế là nổ ra tranh cãi. Và người nào viết được cuốn sách dày hơn và khó hiểu hơn là chứng tỏ người đó uyên bác hơn.
- Tôi không hiểu vậy thì lợi ích thực sự của cuộc tranh cãi ấy là ở chỗ nào?
- Trời ơi, cái anh này mới thật tối dạ! Anh không biết rằng chính nhờ những cuộc cãi vã ấy mà nhiều người mới trở thành giáo sư và bác học hay sao? Ðó là cách không tốn mấy công sức mà vẫn có danh vọng, sống êm thấm mà vẫn được mọi người kính nể. Tên tuổi lại còn được lưu truyền hậu thế nữa chứ! Nói của đáng tội, chứ ví thử không có họ thì làm sao chúng ta biết được một sự thật như Secmenđi sinh vào ngày nào giờ nào? Hay làm sao ta hiểu dược nhiều chân lý vĩ đại khác nữa! Cứ gọi là suốt đời ta cứ sống trong cảnh u mê tăm tối thôi! Loài người ta có tiến bộ được cũng chính là theo cách đó cả. Nghĩa là có một nhà bác học khác lắc đầu phê phán, ý nói "Không đúng, không đúng". Thế là nổ ra một cuộc tranh cãi sôi nổi. Vị thứ ba bỗng xen vào và bảo "Cả hai ông đều sai tuốt." Và khoa học cứ thế mà ngày càng tiến lên mãi.
- Trời ơi, anh nói chí lý quá! Ðúng là chỉ cần chịu khó suy nghĩ một chút là hiểu được ngay rằng, nếu không có các nhà bác học thì làm sao chúng ta phát hiện ra được chân lý. Té ra bấy lâu nay chúng ta vẫn sống trong cảnh u mê tăm tối mà không biết. Phải rồi, giá không có các nhà bác học thì có lẽ chúng ta chẳng biết cái cóc khô gì hết. Thậm chí đến nhà thơ Secmenđi sinh ngày nào có lẽ chúng ta cũng chẳng biết nữa, mà cứ tưởng ông sinh ngày mồng 4 tháng 5 mất! Ðúng là không thể sống mãi trong sự ngu dốt như vậy được. Tôi không thể hình dung nổi chúng ta sẽ làm được cái gì nếu không có các nhà bác học?!
Những người thích đùa - Nhà xuất bản VHTT - Các dịch giả: Thái Hà, Đức Mẫn và Ngọc Bằng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com