Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
31/3/12

Viên phấn thần kỳ - Kobo Abe

Viên phấn thần kỳ
Kobo Abe
Nhật Chiêu dịch

Ở ngoại vi thành phố, nơi quanh năm lầy lội bởi mưa và nồng nặc mùi nhà bếp, trong một căn phòng thuê gần phòng ở của người dọn rác, có một hoạ sĩ nghèo tên là Argon. Căn phòng hẹp – mỗi chiều ba mét – mà hoá ra rộng thênh, bởi ngoài chiếc ghế kê sát tường chẳng còn một thứ gì khác. Bàn, giá sách, bảng màu, và ngay cả hộp thuốc màu đều đã phải đánh đổi lấy bánh ăn rồi. Giờ thì trong phòng chỉ còn lại mỗi chiếc ghế và hoạ sĩ Argon. Nhưng liệu cái bộ đôi này có còn ở đây được bao lâu?
Đến giờ ăn tối. “Sao mũi mình lại thính thế” – Argon nghĩ. Trong cái hỗn hợp phức tạp của của các mùi, anh dễ dàng phân biệt được từng mùi một. Ôi! Con heo quay vàng nhẫy ở quầy hàng thịt cạnh đường sắt. Gió đưa tới mùi tươi mát lạ lùng của quầy rau quả. Cái vỏ vàng rộm của bánh nướng. Làn mây xanh ảo não bay lên từ nhà dưới, nơi bà chủ đang rán cá thu…
Chà. Từ sáng đến giờ, Argon chưa được ăn gì cả.
Mặt nhợt nhạt, trán đầy nếp nhăn, cục yết hầu không chịu yên chỗ, đôi vai so lại, chân tay run run, Argon sục tay vào túi và ngáp liền ba cái. Ngay lúc đó, tay anh chạm phải một vật gì dài dài nho nhỏ. Còn cái gì nữa – một viên phấn đỏ. Lạ nhỉ, sao nó lại ở trong túi này? Mân mê viên phấn trong tay, hoạ sĩ lại ngáp dài. Trời ơi, sao thèm ăn đến thế!
Như một cái máy, hoạ sĩ đưa viên phấn lên vẽ vào tường, rồi mỗi lúc một say sưa, anh liên tục vẽ. Đầu tiên là một quả táo. Táo ra táo – chén một quả thế này là đủ no rồi. Cạnh đó là con dao, để bổ táo cho dễ ăn. Rồi nuốt nước miếng, được cổ vũ bởi mùi thức ăn tạt qua hành lang và cửa sổ, anh vẽ một ổ bánh. Bánh có kèm mứt quả, được phết một lớp bơ to bằng cỡ đầu người. Trước mắt anh, hiện ra cái vỏ bánh được nướng giòn, với những vết khía đầy hấp dẫn, mùi thơm quyến rũ làm nổi cả gai ốc. Cạnh ổ bánh là một phiến bơ to bằng viên gạch. Còn phải vẽ cả cà phê nữa. Phải là cà phê mới pha, còn bốc khói. Trên chiếc đĩa nhỏ là ba cục đường, mỗi cục to bằng hộp diêm…
Một làn sương dần dần bao bọc đầu óc anh. Trước mặt anh hiện lên những núi đồ hộp, những biển sữa, những khu vườn đầy pho mát và thịt bò. Đến đây, hoạ sĩ kiệt sức thiếp đi.
… Anh chợt thức giấc bởi nghe thấy một vật gì rơi và tiếng bát đĩa va vào nhau. Mặt trời đã lặn, trong phòng tối lại. Gì vậy? Argon nhìn về phía phát ra tiếng động, nín thở. Chiếc chén vỡ. Chất lỏng đang chảy ra vẫn còn bốc khói kia không thể là thứ gì khác được đích thị cà phê rồi. Cạnh đó là quả táo, ổ bánh, tảng bơ, ba cục đường, chiếc thìa, con dao và chiếc dĩa, cũng may, đều còn nguyên. Còn bức tranh vẽ bằng phấn trên tường thì đã biến mất tự lúc nào.
Không có lẽ… Máu chạy rần rật khắp người, Argon nhón chân lại gần. Không, không làm gì có chuyện ấy. Vâng nhưng tất cả những chuyện ấy lại đang xảy ra trước mắt mình. Mùi cà phê thơm đến nỗi có thể hít lấy hít để, chứ sao lại không? Anh chạm ngón tay vào vỏ bánh. Sau đó, anh lè lưỡi nếm thử cục đường. Còn sao nữa, Argon còn chưa tin à? Không, đấy là sự thật. Tin rồi. Nhưng sợ lắm. Tin, nhưng mà sợ lắm!
Sợ đó là một thực tế. Nhưng mà có thể ăn!
Cuối cùng, ăn xong Argon thở phào, ngay lúc đó anh lại nhớ ra nguyên nhân đã làm mình no bụng và anh lại thêm lo lắng. Anh cầm viên phấn trong tay và chăm chú nhìn. Nhìn thì nhìn, cũng chẳng vì thế mà dễ hiểu hơn được. Để cho thật tin, phải thử làm lại một lần nữa. Nếu mọi chuyện vẫn diễn ra như thế, thì đó ắt là sự thực. Anh muốn vẽ một cái gì mới, nhưng vì nôn nóng, lại vẽ quả táo. Anh chưa kịp thu viên phấn về, đã thấy quả táo trên tường rơi xuống sàn nhà. Có nghĩa là thực. Nếu hiện tượng tái diễn, tức là trên thực tế nó có thật.
Mọi quy luật vũ trụ đều thay đổi: số phận thay đổi, nỗi bất hạnh biến mất. Ôi, kỷ nguyên của cái dạ dày căng! Ôi, cái thế giới trong đó mọi ước vọng đều thành sự thực.
Trời ơi, buồn ngủ quá thể.
Thì hãy vẽ lấy một cái giường. Mẩu phấn lúc này cũng quý giá ngang với cuộc sống. Nhưng chiếc giường là một vật dụng tối cần thiết khi cái bụng đã no căng. Còn phấn, phải vẽ nhẹ nhẹ tay thôi cũng được, cho nên chẳng phải đắn đo làm gì. Ôi, lần đầu tiên trong đời được ngủ một giấc ngon lành! Một con mắt nhắm lại ngay lập tức, nhưng còn con mắt kia không tài nào nhắm nổi. Nỗi lo về ngày mai cứ ám ảnh: hôm nay thì mọi chuyện tốt đẹp cả nhưng ngày mai thì sao? Cuối cùng, con mắt thứ hai cũng chịu nhắm lại. Suốt đêm, với hai con mắt khác nhau như thế, hoạ sĩ thấy những giấc mơ đủ các sắc màu.
Cái buổi sáng đầy những lo âu đã diễn ra như thế này…
Anh mơ thấy có người đuổi theo mình và anh bị ngã từ trên cầu xuống sông. Song điều đó không có nghĩa là anh bị rớt khỏi chiếc giường. Trong phòng vẫn chỉ có một chiếc ghế như cũ. Còn những sự kiện đêm qua thì sao? Argon sợ sệt ngẩng đầu nhìn lên bức tường.
Trên tường là hình chiếc chén (đã vỡ), chiếc thìa, con dao, mấy miếng táo và gói bơ, được vẽ bằng phấn đỏ. Bên dưới những thứ đó là hình chiếc giường mà anh vừa ngã từ đấy xuống.
Trong những cái anh đã vẽ ra từ hôm qua, trên tường chỉ còn lại các phần chưa ăn hết. Argon thấy đau ở vai và thắt lưng. Anh phải thấy được nỗi đau đó, nếu như kỳ thực anh ngã từ giường xuống sàn. Khi áp tay vào hình chiếc khăn trải giường nhăn nhúm, anh cảm thấy chỗ giường đó còn ấm sực.
Họa sĩ lấy tay xoá hình con dao. Đấy là thứ phấn vẽ hết sức thông thường, nên anh xoá được ngay, để lại một vết bẩn. Thử vẽ một quả táo nữa xem nào. Song, quả táo anh vừa vẽ không hề có ý định biến thành một quả táo thật để rơi xuống sàn. Khi Argon lấy tay xoá quả táo đi nó cũng biến mất tăm mất tích.
Hạnh phúc té ra chỉ là giấc mộng một đêm. Mọi chuyện đã chấm dứt, cuộc đời lại như cũ. Có thật thế không? Không, cuộc đời càng cay đắng gấp mười lần hơn. Có lẽ, những thứ chiều qua ăn phải đã biến thành những mẩu phấn và mớ giấy lộn trong dạ dày anh.
Argon đến chỗ rửa mặt và uống đến một lít nước lã, ại còn vốc thêm một vốc nữa. Xong, anh bước ra đường, nơi còn đắm chìm trong sương mai. Cúi xuống cái rãnh thoát nước chạy dài đến trăm mét từ nhà bếp khách sạn ra, anh vục tay vào cái thứ nước nhơm nhớp đen đúa như nước tro và lôi lên một vật. Đó là cái lưới sắt: rửa sạch lưới sắt, anh thấy trong đó có một thứ ăn được. Đấy là cơm! Cách đây không lâu, ông lão láng giềng có kể cho anh biết là nếu lấy lưới sắt chắn cái rãnh ấy, mỗi ngày có thể hứng được cơm đủ ăn một bữa. Độ một tháng trước đây, ông lão không biết đã làm giàu bằng cách nào, hoặc đã có thể chén được cả bã hạt dầu nên lão mới nhường cái rãnh cống khách sạn cho Argon.
Cái thứ bỏ đi này thì sánh sao nổi với bữa tiệc tối qua. Tuy vậy, nó lại không phải là một món quà thần kỳ, mà là một món ăn thật, có thể làm đầy dạ dày, bỏ qua sao được.
Thứ bỏ đi, ấy là của thực.
Gần trưa, Argon vào phố thăm một người bạn đang làm việc ở nhà băng. Anh này cười chẳng lấy gì làm vui vẻ hỏi: “Sao, hôm nay đến lượt tôi phải làm gì đây?” Argon gật đầu, mặt lạnh tanh, không lộ một thái độ gì. Anh ăn nửa suất bữa sáng của anh bạn rồi co ro ra phố.
Argon suy nghĩ mất nửa ngày.
Ngả lưng vào thành ghế, cầm viên phấn, anh mơ đến một điều kỳ diệu, và sau giấc mơ, đã thấy có một niềm hy vọng. Rồi đến một dự cảm là khi mặt trời lặn, phép thần kia sẽ tái diễn. Điều dự cảm này trở thành một niềm tin.
Đài nhà bên thông báo đã năm giờ chiều. Argon đứng dậy, vẽ lên tường bánh mì, bơ, hộp cá và tách cà phê. Bên dưới những thứ đó, anh không quên vẽ một chiếc bàn để các thứ không rớt xuống sàn như tối trước. Và anh chờ đợi.
Mặt trời lặn. Hoạ sĩ có cảm giác là thị lực anh khác thường, bởi vì hình vẽ trên tường bắt đầu chập chờn. Dường như giữa mặt anh và bức tường có giăng một màn sương. Những hình vẽ mờ đi, màn sương dày hơn. Cuối cùng, sương dày đến nỗi sắp biến thành thể rắn, thế là – (đúng thật rồi!) – tất cả các thứ trên tường đều biến thành thật.
Cà phê toả mùi ngon lành, bánh mì vừa ra lò, còn nóng. Ôi, còn quên vẽ con dao mở đồ hộp! Argon vẽ con dao lên tường, lấy tay trái giữ cho nó khỏi rơi, và con dao dưới đầu phấn liền có ngay trọng lượng và hình thù. Thế mới là sáng tạo chân chính!
Bỗng anh vấp phải một vật. Chiếc giường tối qua vẫn ở chỗ cũ. Trên tường vẫn còn chuôi con dao bổ táo (vì anh đã xoá lưỡi dao đi), gói bơ và những mảnh tách vỡ.
Dẹp cơn đói, Argon ngả mình xuống giường. Chà. Rồi tiếp đó thì sao? Hoàn toàn rõ ràng là ánh mặt trời đã làm cho phép thần trở nên vô hiệu. Mặt trời vừa hiện lên là sự khốn khó kéo về liền. Liệu có thể nghĩ cách nào để điều đó không xảy ra được không? Bỗng nhiên, trong đầu anh nảy ra một ý nghĩ thiên tài. Phải lấy cái gì che kín cửa sổ để ánh sáng ban ngày không thể lọt vào.
Muốn thực hiện ý định đó, phải có tiền. Để che mặt trời, cần có những đồ vật thật chống được nắng, song, vẽ tiền không phải là việc dễ. Phải tính sao đây nhỉ? Đây, một cuộn giấy đây! Mở cuộn giấy ra,
Argon thấy ý định của mình đã được thực hiện. Trong cuộn giấy có một số tín phiếu nhà băng, có thể đủ dùng được.
Số tín phiếu có thể biến mất khi ánh sáng ban ngày chiếu đến, nhưng chúng sẽ không để lại dấu vết gì cho nên không có gì phải lo. Tuy vậy, anh cũng đi mua đồ ở một cửa hiệu thật xa. Hai tấm chăn dày, năm tờ giấy đen, một hộp đinh, bốn thanh gỗ. Dọc đường, anh còn tiện tay mua một cuốn sách dạy nấu ăn. Tiền còn lại, Argon uống cà phê và phát hiện ra rằng thứ cà phê anh vẽ ra cũng chẳng thua kém chút nào. Điều này khiến anh phấn chấn. Cuối cùng, anh mua một tờ báo.
Trước hết, hoạ sĩ đóng chặt cửa, lấy chăn và hai tờ giấy đen che kín. Sau đó, anh bịt cửa, lấy gỗ đóng đinh chốt chặt bốn góc. Thấy lòng nhẹ nhõm và bỗng thờ ơ với mọi chuyện trên đời, buồn ngủ, anh ngả mình xuống giường và thiếp đi.
Mở mắt, anh thấy trong người như có một cái lò xo chực bật tung vào bất cứ lúc nào. Một ngày mới, một cuộc đời mới. Cái ngày mai, rồi ngày kia, rồi nhiều ngày tiếp theo nữa, chúng toả đầy hào quang và ngoan ngoãn chờ đón anh. Argon mỉm cười mỹ mãn, tuy trong lòng hơi hoang mang. Chỉ cần một nháy mắt, tự tay anh sẽ tạo ra những thứ tha hồ lựa chọn. Ôi, cái thời chói lọi! Nhưng cớ sao một nỗi buồn mơ hồ lại nhói lên trong tim? Có lẽ cảm giác đó chỉ có Thượng đế mới thấy được trong cái khoảnh khắc trước lúc ngài tạo lập thế gian. Đôi môi anh giãn ra thành một nụ cười.
Argon vẽ một đồng hồ treo tường rất to. Tay anh run run vẽ chiếc kim chỉ mười hai giờ. Từ thời khắc đó, bắt đầu một kỷ nguyên mới. Trong phòng ngột thở và Argon vẽ lên tường một ô cửa thông ra hành lang. Nhưng, sao lại thế này? Ô cửa vẫn nguyên là hình vẽ. Nghĩ một lát, anh hiểu ra, còn thiếu một khung cảnh bên ngoài cho cửa sổ, có nghĩa là anh đã vẽ không đầy đủ, vì thế nó không thể biến thành một ô cửa thật. Được, vậy thì vẽ thêm vào. Vẽ cảnh gì đây nhỉ? Dãy Alpes, biển Naples, cảnh đồng quê, hay là cảnh rừng taiga Siberi nhỉ? Trước mắt anh hiện lên những cảnh đẹp mà anh đã thấy qua những tấm bưu thiếp và sách hướng dẫn du lịch. Song, khi nhận ra rằng mình chỉ được chọn một thứ, thật khó quyết định. Thôi, hãy tạm vẽ một chai whisky với một cục phomát đã, rồi sẽ nghĩ sau, cho bình tĩnh.
Nhưng, càng nghĩ, bài toán đặt ra cho anh lại càng thấy khó. Dù sao thì đây cũng không phải chuyện đùa. Nó quan trọng hơn tất cả những thứ anh đã vẽ từ trước đến nay. Không, nó còn quan trọng hơn bất kỳ một bức tranh nào do con người vẽ ra, sông, suối hoặc vườn tược thôi, – chưa đủ. Giả dụ, anh vẽ núi chẳng hạn. Nhưng anh tạo ra ở đó không chỉ có núi rừng. Cùng với nó phải là những gì nữa? Thành phố, biển cả, hay là bãi hoang? Rồi ở đó sẽ có những con người sinh sống, sẽ chăn nuôi những cầm thú gì đây? Bởi vì, tuy rằng chưa biết tường tận tất cả, nhưng anh sẽ tạo ra chúng: Hơn nữa, không nên coi đó chỉ là thứ phụ trợ cho việc tạo ra một cái cửa sổ. Đấy là cả một quá trình tạo lập thế giới. Bàn tay anh quyết định vận mệnh của cả vũ trụ, liệu anh có đặt vào đây một cái gì ngẫu nhiên không? Không, thế giới sau khung cửa là cả một điều hệ trọng, mình cần phải vẽ một bức tranh chưa từng ai vẽ nổi…
Argon đắm chìm trong suy nghĩ…
Tuần đầu tiên, anh bực bội cảm thấy công việc tạo lập thế giới là quá tầm tay mình. Căn phòng lại bề bộn những khung vải và đầy mùi thuốc màu. Khắp phòng, những bức phác thảo vương vãi. Càng nghĩ, càng thấy công việc của mình không thể thực hiện nổi. Có lần, suýt nữa anh phủi tay đối với mọi chuyện, phó mặc hết, nhưng rồi anh trấn tĩnh lại và nghĩ rằng nếu thế thì vai trò sáng tạo của anh cũng chỉ bằng không. Ngoài ra, theo ý anh, chẳng qua anh cũng chỉ tạo ra phần nhỏ của vũ trụ, nhưng nếu có đảm bảo rằng những hoàn cảnh không lệ thuộc vào anh có bắt anh quay về cuộc sống cũ. Hay không? Nét phấn có thể bị xoá đi bất kỳ lúc nào cơ mà. Không, phải tạo ra cho mình cả một thế giới.
Tuần sau, anh bị cuốn vào cơn hưng phấn say sưa.
Đến tuần thứ ba, Argon lâm vào cảnh tuyệt vọng, gần như bế tắc. Những khung vải lại phủ đầy bụi, mùi thuốc màu phả theo gió bay.
Sang tuần thứ tư. Cuối cùng, anh đi tới quyết định. Quyết định đó nảy sinh bởi nỗi tuyệt vọng, bởi anh không thể chờ lâu hơn nữa. Đem bàn tay mình ra để tạo cả thế giới, anh không dám đảm đương trách nhiệm đó và định phó thác cho hoàn cảnh, vẽ lên tường một cái cửa ra vào, và anh xác định thế giới theo kiểu thấy gì làm nấy. Nếu ý đồ đó không thành, và sau khung cửa sẽ vẫn là cái cảnh ngoại vi thành phố đó, như thế lại càng tốt hơn là phải chịu trách nhiệm về cả vũ trụ. Phải sổ toẹt hết, chỉ cần tìm được lối thoát ra khỏi cái ngõ cụt này thôi.
Lần đầu tiên sau một thời gian dài, Argon lại mặc veston, dù sao thì vận mệnh của cả vũ trụ cũng đã được xác định. Anh cầm viên phấn thần kỳ và quả quyết vẽ khung cửa lên bức tường… Nín thở. Còn sao nữa: Đối với một con người, có lẽ hồi hộp nhất là lúc sắp mở một cánh cửa mà sau nó mình còn chưa biết sẽ là cái gì. Rất có thể, thay vì phần thưởng lại là một cái chết?
Đã thế thì anh ra tay: Lùi một bước, anh đẩy cánh cửa.
Ánh sáng đập vào mắt như một tiếng mìn nổ. Argon dè dặt hé mắt ra liền thấy một bãi bằng thênh thang trong ánh sáng ban trưa. Nhìn đâu chăng nữa, cho đến tận chân trời cũng không hề thấy một bóng râm. Trên nền trời xanh sẫm tịnh không một bóng mây. Gió nóng và khô cuốn bụi từ chỗ này đi chỗ khác. Thì đấy cũng chỉ là sự biến hoá của một nét vẽ đường chân trời, từ đó có thể là khởi đầu cho bất kỳ một bức tranh nào. Thế đấy…
Viên phấn chẳng quyết định nổi cái gì. Phải làm lại hết từ đầu. Phải vẽ lên mặt phẳng đó nào là mũ nón, nào là sông nước, mây trời, cây cỏ cầm thú, cá tôm và ao hồ. Tóm lại, phải làm lại toàn bộ thế giới. Argon ngã lòng, nằm phịch xuống giường. Nước mắt anh chảy ròng ròng.
Có cái gì sột soạt trong túi. À đấy là tờ báo anh đã mua trong buổi chiều đầu tiên, vậy mà anh quên béng đi mất. Trên cột đầu, nổi bật dòng chữ đậm: “Vi phạm ranh giới ở vĩ tuyến 30”. Ở cột thứ hai, đậm hơn nữa, là bức ảnh hoa hậu Nhật Bản”. Dưới nữa, nhỏ hơn, “Phản ứng của tổ chức quần chúng vùng N, về việc đặt đường ống”, và “Sa thải hàng loạt ở xí nghiệp X…”
Argon chăm chú ngắm bức ảnh “Hoa hậu Nhật Bản” bán khoả thân. Anh đã quên điều quan trọng nhất. Những chuyện khác thì gượm hẵng, phải bắt đầu từ Adam và Eva. Đúng rồi, phải bắt đầu từ Eva. Phải vẽ Eva trước.
Nửa giờ sau, nàng Eva đã xuất hiện trước mặt Argon. Nàng ngạc nhiên nhìn quanh và hỏi:
- Ôi anh là ai? Tôi gặp chuyện gì thế này?
- Tôi là Adam, và nàng là Eva. – Argon đỏ mặt, ấp úng trả lời.
- Đâu mà! Tôi chẳng là Eva nào cả: Tôi là “Hoa hậu Nhật Bản” thôi!
- Nàng là Eva thật đấy, Eva.
- Sao cơ? Làm sao tôi lại có thể tin vào một chàng Adam mặc quần và sống trong cái phòng trốc lở này được? Lạ thật. Làm sao mà tôi lại ở đây? Tôi còn phải lên phát biểu trong buổi khai mạc triển lãm ảnh cơ mà.
- Biết nói thế nào với nàng đây nhỉ? Nàng là Eva thật đấy.
- Eo ôi, anh làm tôi phát ngấy lên rồi. Thôi được. Vậy thì trái cây tiềm thức của anh đâu rồi? Anh muốn nói rằng đây là khu vườn Thiên Đàng chứ gì? Thôi, đừng có quấy rầy tôi nữa.
- Nàng hãy nghe tôi. Hãy ngồi tạm xuống đây đã. Tôi sẽ giải thích cho nàng rõ… à, nàng có muốn ăn uống gì không?
- Có.
- Nàng muốn ăn món gì nào? Trong cuốn sách dạy làm bếp này, nàng muốn chọn món gì thì chọn.
- À ra thế. Thật không đấy? Còn anh, xem ra anh cũng không đến nỗi nghèo đâu, tuy phải sống trong cái hũ nút này. Tôi nghĩ lại rồi. Có lẽ anh đúng là Adam, chứ còn là ai nữa? Hay là một… gã gangster nào đó chăng?
- Không, tôi là Adam, đấy là một chàng hoạ sĩ, đồng thời cũng là người sáng tạo ra cả vũ trụ.
- Tôi không hiểu.
- Tôi cũng chưa hiểu hết đâu. Cho nên tôi đang thất vọng đây.
Lúc này, Eva có dịp thấy Argon làm món ăn Pháp bằng cách vẽ chúng theo sách như thế nào.
- Tuyệt, thế mới tài! Đây đúng là vườn Thiên Đàng. Tôi tin đấy! Nhờ viên phấn này có phải là muốn gì được nấy hay không? Ôi, thú vị biết bao! Tôi đã bằng lòng rồi đấy. Ừ thì tôi sẽ làm Eva. Chúng ta sẽ trở thành nhà triệu phú.
- Khoan đã nào, Eva. Nghe đây này.
Argon kể cho cô nghe chuyện viên phấn, rồi anh kết luận:
- … Cho nên với sự giúp đỡ của nàng, tôi phải xây dựng một thế giới mới. Ở đó, tiền cũng chẳng để làm gì. Chúng ta phải làm tất cả, ngay từ đầu.
“Hoa hậu Nhật Bản” nghênh mặt nhìn anh:
- Sao lại “tiền cũng chẳng để làm gì?” Tôi không hiểu. Thế nghĩa là thế nào?
- Thôi, nếu đã vậy thì nàng hãy nhìn vào cửa đây.
Liếc qua cánh cửa, rồi nhìn chòng chọc vào anh hoạ sĩ, sau đó trỏ vào khung cửa thật bị tấm chăn che kín:
- Còn cái này… Cái cửa này có lẽ không giống cái kia chứ?
- Không được đụng vào đấy! Cái thế giới ấy sẽ bị huỷ diệt hết thảy. Cả thức ăn, cả bàn, cả giường, và ngay cả nàng nữa. Từ giờ, nàng phải là Eva của một thế giới mới. Chúng mình sẽ đẻ ra một nhân loại mới!
- Tôi không muốn thế! Khó chịu lắm. Nói chung, tôi theo phái hạn chế sinh đẻ. Và tôi không muốn ai huỷ được tôi.
- Nàng sẽ bị biến mất, hãy tin tôi!
- Tôi chẳng biến đi đâu hết. Bản thân tôi biết rõ điều ấy hơn anh. Lúc cần, tôi khắc biến đi.
- Eva, nàng có hiểu không: Nếu chúng mình không chịu làm lại thế giới, rốt cuộc chỉ có đói nghèo đón đường mà thôi…
- À ra thế, anh chàng đã thân mật với tôi đến thế cơ à. Nhưng tôi có phải một con ngốc đâu cơ chứ. Tôi sẽ gặp đói nghèo à? Liệu đúng thế thật không? Này, giá tôi đắt lắm đấy nhé!
- Giá nàng ngần nào, giá viên phấn này đáng ngần ấy. Nếu không làm lại thế giới, nàng sẽ phải biến mất như mây khói vậy. Như là chưa hề có nàng trên đời.
- Được rồi, tranh luận thế là đủ. Đã đến lúc tôi phải đi. Không hiểu vì sao mình lại ở đây nhỉ? Tôi biết làm gì bây giờ? Chỉ vì anh với những thứ vớ vẩn của anh thôi. Hoạt bát lên nào, vị chúa sừng của tôi ơi, có lẽ cũng được dịp rồi đó. Thôi thì, thỉnh thoảng tôi sẽ ghé lại đây. Có điều là anh phải vẽ cho tôi bất kỳ thứ gì tôi muốn.
- Đồ ngốc, không thể như thế được!
Eva vênh mặt nhìn Argon, kinh ngạc trước cơn khùng bất ngờ của anh. Họ nhìn nhau, im lặng một phút. Cuối cùng, nghĩ ngợi gì đó, Eva buông giọng:
- Thôi được, tôi sẽ ở lại đây mãi mãi. Nhưng muốn thế, anh phải làm một việc, được không?
- Việc gì? Nếu quả là nàng sẽ ở lại, tôi xin làm tất cả những gì nàng muốn.
- Thế thì anh cho tôi nửa viên phấn.
- Ngốc thế. Nàng có biết vẽ đâu. Nàng chẳng làm nổi trò gì đâu.
- Làm được. Trước kia tôi đã từng làm nghề tô màu ảnh. Nào, đưa đây, tôi cần hoàn toàn bình đẳng.
Lúc đầu, Argon còn lắc đầu hoài nghi, nhưng rồi anh gật đầu:
- Thôi được.
Anh thận trọng bẻ đôi viên phấn và đưa cho Eva một nửa. Cô quay phắt vào tường, hí hoáy vẽ.
Đó là một khẩu súng lục.
- Thôi đi! Nàng vẽ súng làm gì?
- Tử thần. Tôi tạo ra tử thần. Muốn tạo lập thế giới, trước hết phải xác định rành mạch từng người.
- Không được, thế thì hỏng hết! Thôi! Cái đó chúng ta chẳng để làm gì.
Nhưng muộn mất rồi! Trong tay Eva đã loé một khẩu súng lục bỏ túi. Cô giương súng, nhắm vào ngực Argon:
- Giơ tay lên! Nếu động đậy, tôi bắn. Chao ôi, chàng Adam ngốc nghếch kia ơi, chẳng lẽ chàng lại không biết là đừng dại gì mà tin vào lời hứa suông hay sao? Chính anh đã buộc tôi phải lừa dối.
- Nàng còn vẽ gì nữa đấy?
- Một chiếc búa, để phá cái cửa này.
- Không được!
- Hễ động đậy, tôi bắn liền!
Argon nhảy một cú, nhưng tiếng súng đã vang lên. Họa sĩ ôm ngực, ngã khuỵu xuống sàn. Lạ làm sao: Không thấy một giọt máu nào.
- Chàng Adam ngốc nghếch ạ. – Eva cười vung búa phá cửa.
Bất thần, ánh sáng ban ngày ùa vào phòng. Ánh sáng ấy không đến nỗi chói mắt, nhưng là ánh sáng thật, từ mặt trời phát ra. Hình hài Eva tan thành khói, biến mất. Cả bàn, giường và các món ăn Pháp cũng biến mất. Mọi thứ trong phòng, – trừ anh hoạ sĩ, cuốn sách dạy nấu ăn và chiếc ghế – lại hoá thành hình vẽ trên tường.
Argon chậm chạp đứng dậy. Vết thương ở ngực cũng biến mất.
Nhưng một cái gì còn mạnh hơn cái chết rất nhiều cứ xâm chiếm lấy anh. Bức tường? Bức tường đang gọi anh. Trong bốn tuần qua, cơ thể Argon được nuôi dưỡng toàn bằng những hình vẽ trên tường nên anh đã biến thành một phần của bức tường. Có kháng cự cũng vô ích. Argon bước đi ẻo lả, lại gần bức tường và nhập vào đó.
Khi những người cùng nhà nghe thấy tiếng súng và tiếng búa phá cửa, chạy vào phòng thì Argon đã hoá thành bức vẽ. Mọi người chẳng trông thấy gì ngoài chiếc ghế, cuốn sách dạy nấu ăn và bức tường đã kín các hình vẽ. Có người nhận xét: “Trông kìa, Argon được vẽ y như thật”.
- Kỳ quái thật! Phá cả cửa, bôi phấn khắp tường.
Chuyện này khó lòng bỏ qua được. Anh ta chui rúc vào đâu rồi, cái anh chàng lem luốc và bất hạnh ấy? – Chủ nhà lầu bầu.
Khi mọi người rút đi, một giọng nói từ bức tường vang ra khe khẽ: “Không, chỉ dùng đến phấn thôi, thì làm lại cả thế giới sao được!” Và, tiếp đó đúng ở chỗ tường có vẽ con mắt Argon, một giọt nước chầm chậm ứa ra.
30/3/12

Khi em thêm một lần chồng - Đặng Vương Hưng

Khi em thêm một lần chồng
Đặng Vương Hưng

Thế là cây trúc còn xinh
Như ngày xưa ấy
Chúng mình
mới yêu

Thế là mong nhớ bao nhiêu
Ta mang đánh đổi
những chiều...
Ngẩn ngơ

Thế là thêm một tứ thơ
Tình tang, dang dở
Dại khờ
Hư không …

Khi em thêm một lần chồng
Ngập ngừng, mây trắng
Trên đồng
Lại bay….

                                                     5-2000

Học quên để nhớ - Đặng Vương Hưng

Học quên để nhớ
Đặng vương Hưng

Học Quên để... nhớ cho nhiều
  Học hờn giận để... cưng chiều đấy thôi

Học lẻ loi để... có đôi
   Học ghen là để... cho người thêm yêu

Em thì xa vắng bao nhiêu
   Tôi đành học cách nói điều vu vơ

Học sắc sảo để... dại khờ
   Học già dặn để... ngây thơ thủa nào

Tôi giờ còn lại chiêm bao
   Cố trần tục để... thanh tao kiếp người

Mải mê học khóc cho... cười
   Quên hờ hững để cùng người đam mê...
29/3/12

Gọi thu - Phạm Ngọc San

Gọi thu
Phạm Ngọc San

            Nhạt nhoà tiễn hạ ra đi
      Còn in dấu phượng đỏ khi chiều về
            Thu ơi, em mải đam mê
      Về đi, một chén rượu quê, ta chờ!

Xin em - Phạm Ngọc San

Xin em
Phạm Ngọc San

            Xin Em, Em cứ hững hờ,
   Với thế nhân, cả trong mơ của mình.
            Trừ anh, và dưới cỏ xanh,
   Những đồng chí của chúng mình. Hỡi em!

Gửi người Quan họ - Phạm Ngọc San

Gửi người Quan họ
Phạm Ngọc San

            Ngất ngây say nước sông Cầu,
   Say người đối ẩm, say câu tâm tình.
            Trời say say đến lặng thinh.
   Sông say khỏa bóng ta – mình, về đâu?

Trích trong tập thơ "Chạng Vạng Hoa Đèn". NXB Hội nhà văn 2011

Mưa ngâu - Phạm Ngọc San

Mưa ngâu
Phạm Ngọc San

            Lối mòn nhỏ hẹp chon von,
   Muốn không, gió vẫn lối mòn gió đi.
            Cầu ô ướt lạnh tình si.
   Trái tim, đâu dễ bảo gì cũng nghe !
            Câu thơ tri kỷ đam mê,
   Đêm đêm trắc ẩn bộn bề mưa ngâu....

Phía không em - Phạm Ngọc San

Phía không em
Phạm Ngọc San

            Mênh mông định hướng nào đây!
   Gió thu lạnh buốt vén mây rụng chiều.
            Ánh vàng nắng quái cợt trêu.
   Cánh đồng tắt vụ liêu xiêu bóng người.
            Tôi đi về phía không tôi,
   Và đi tìm phía chân trời không em.

Tình già - Phạm Ngọc San

Tình già
Phạm Ngọc San
                  Tặng Vợ

            Ngủ đi, hãy ngủ, em ơi !
   Mồng tơi có vị mồng tơi lo gì.
            Lặng nghe lá gió rầm rì,
   Như mình bao đận thầm thì bên nhau.
            Anh bạc đầu, em cũng bạc đầu,
   Ngủ đi ta hát ru câu tình già.

Trích trong  "Vầng trăng trong mưa"  NXB Mỹ Thuật 2002

Nhớ Tây Bắc - Phạm Ngọc San

Nhớ Tây Bắc
Phạm Ngọc San

            Sớm sương muối, tối sương mù,
   Trưa hoe hoe nắng, chiều tù mù mây.
            Heo may xao xác hàng cây,
   Thu đi không để dấu gầy thời gian.
            Lam chiều tím nỗi miên man,
   Gợi lòng ta cảnh đại ngàn sang đông.
            Thảo Nguyên Châu Mộc nhớ không?
   Một thời lính trẻ tang bồng chưa xa.
            Mỏ Mù, Tây Bắc, lau già,
   Kỷ niệm xưa bỗng trắng nhoà sắc ban.

Trích từ "Hoàng hôn không yên lặng" NXB Văn Học 2006

Trầu cau - Phạm Ngọc San

Trầu cau
Phạm Ngọc San

            Mình vôi thì bạc phận vôi,
   Mình trầu cay đắng lại hôi phận trầu.
            Mình cau chát xít phận cau,
   Nhân tình nhuộm thắm môi nhau một đời!

Trích từ "Hoàng hôn không yên lặng" NXB Văn Học 2006

Bến xưa - Phạm Ngọc San

Bến xưa
Phạm Ngọc San

            Thế là về đến bến xưa,
   Bến sông thu thưở ấu thơ đây rồi.
            Vội vàng chi lắm thu ơi,
   Nỡ buông chiếc lá vàng rơi cuối cùng.
            Thế là giá lạnh mùa đông,
   Để heo may giũ mặt sông rối bời,
            Thế là sương giá đầy trời,
   Và con đò đã qua rồi sang sông.
            Thế là tôi đứng đợi trông,
   Với gió sương, với mặt sông nát nhàu…

Trích từ "Hoàng hôn không yên lặng" NXB Văn Học 2006

Rét Nàng Bân - Phạm Ngọc San

Rét Nàng Bân
Phạm Ngọc San

            Mới qua giá lạnh mùa đông,
   Heo may đánh thức nhớ nhung cõi lòng.
            Gió sương tê cóng ước mong,
   Giấc mơ vừa chớm, đêm đông đã tàn!

            Bỗng thêm cái rét muộn màng,
   Rét nàng Bân, cái rét càng tái tê.
            Một đêm đông lúc chớm hè,
   Để giấc mơ cũ tìm về lối xưa…

            Mùa đông chết tự bao giờ
   Còn gieo một chút rét thừa trớ trêu!

Trích từ "Hoàng hôn không yên lặng" NXB Văn Học 2006
27/3/12

Trời xanh như mắt em - Trang Thế Hy

Trời xanh như mắt em
Trang Thế Hy  

            Duy ngồi thẫn thờ nhìn ra đường và ao ước rằng trước mặt là cánh đồng bao la của một miền quê nào đó, xanh rờn rợn màu xanh mát dịu mà chứa chan sinh lực của thảm lúa tháng tám sắp trổ đồng đồng. Heo hút đằng chân mây, một rặng cây màu lục, mờ mờ trong sương sớm. Trên nền trời lờn lợt màu xanh dương, vài cụm mây trắng mỏng, đôi ba vệt khói , một con chim nhỏ lửng lờ nghiêng cánh mỏi, ngập ngừng… Và nơi anh ngồi là một chiếc võng mắc giữa một khu vườn yên tĩnh dưới bóng một tàng bưởi đang tiết ra mùi thơm thoang thoảng của hoa mới nở. Tiếng líu lo của bầy sáo uống sương trên hoa vông, những câu hỏi ngớ ngẩn của một cô em gái quê mùa, ý mộc mạc như chiếc áo lụa giồng đang mặc, mà giọng nói ngọt ngào như lóng mía đương tơ…
            Duy thấy cần một số hình ảnh, âm thanh và mùi hương thơ mộng, êm đềm gợi niềm yêu đất mẹ như thế đã xua đuổi một cái gì rất đen và rất nặng trong lòng anh.
            Nhưng trước mắt Duy không phải là một cánh đồng lúa xanh mà là một đại lộ rộn ràng xe cộ của Sài Gòn chiều chúa nhựt. Nơi Duy ngồi không phải là một khu vườn yên tỉnh thơm hoa bưởi mà là một quán kem đông khách bên cạnh một rạp chiếu bóng lớn vừa mới chiếu xong một xuất.
            Người con gái ngồi bên cạnh Duy không mặc áo lụa giồng mộc mạc như một vài cô em họ quê mùa. Đây là Yến, người yêu của Duy, một thiếu nữ mang đầy đủ sắc thái của kinh thành hoa lệ từ lối trang phục, đến nết đi, nết đứng, giọng nói, giọng cười.
            Cuốn phim Duy và Yến vừa xem có nhan đề là “Đồng hoang đẩm máu”, nói lên những cảnh rùng rợn của giết chóc và kết luận rằng kẻ nào có gan đem tình yêu của mình phiêu lưu trong những cuộc đùa giỡn với tử thần một cách vô lý như thế thì mới hiểu được tình yêu. Bối cảnh của cuốn phim là cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỷ hồi thế kỷ trước  và nhân vật là những nam nữ thanh niên thèm giết ngang và thèm yêu, thấy màu máu đẹp như màu hoa, và nghe tiếng kêu cứu kinh khủng của con người bị đè xuống cắt cổ cùng thơ mộng ngang với những lời tình tự.
            Phim nầy, Yến đã xem rồi hai lượt Yến cho là hay lắm, hôm nay đến rủ Duy đi xem để Yến xem lại lần thứ ba. Chính vì vậy mà Duy buồn muốn phát khóc lên được.
            Cô đào Mỹ đóng vai chánh trong phim có một thứ nhan sắc khiêu gợi và man rợ độc đáo. Con người của Yến có nét hao hao giống với cô đào đó: một đôi mắt sáng với những rặng my dài và cong, một vóc hình không “nẩy lửa” lắm về thể tích nhưng có những cái uốn éo rất quyến rủ khi cử động.
            Mặc kệ những nét riêng của cô đào mà Yến không thể có như : mắt xanh, tóc hung và mũi cao, Duy vẫn thấy người yêu của mình  giống với một nữ tài tử mà anh không cảm mến. Hồi mới vào quán giải khát, Duy nhìn Yến một lúc rồi hỏi:
            - Uống gì, nàng Cát Tơ Linh của tôi? Cát Tơ Linh là tên của cô gái trong phim mà người viết phụ đề Việt ngữ phiên âm ra.
            Yến không để ý đến nụ cười gượng gạo trên gương mặt buồn rười rượi của Duy trong lúc Duy hỏi và tưởng Duy rất hảnh diện có người yêu giống tài tử chiếu bóng, nên Yến mừng rỡ:
            - Sao? Anh thấy em giống nữ anh hùng trong phim lắm à? Hôm nào anh mặc Aâu phục cho anh xem nhé ! Em có một số Aâu phục nhưng từ khi biết anh thì không mặc nữa, chỉ vì một câu nói của anh.
            - Anh nói gì, nói với ai?
            - Nói với em chớ với ai? Anh mau quên quá! Anh nói rằng anh rất ghét thiếu nữ Việt Nam mặc âu phục.
            - Vậy à? Anh không nhớ. Nhưng em đã nhớ  sao em còn muốn  đòi mặc Aâu phục cho anh xem?
            - Ai biểu anh gọi em là nàng Cát Tơ Linh của anh. Sự thật, Duy không quên câu nói đó của anh và anh hỏi Yến chỉ là hỏi cho có hỏi mà thôi. Duy muốn nói cho Yến biết rằng anh đang buồn lắm chớ không phải hảnh diện như Yến lầm tưởng. Nhưng Duy chỉ mỉm cười rồi ngồi trầm ngâm nhìn ra đường cho đến bây giờ.
            Ly nước trước mặt Duy có lẽ đã hết lạnh. Đường và nước lắng lại từ phân nữa ly trở xuống đáy, phần trên là bèo bọt còn đầy ăm ắp chực muốn trào ra ngoài vành ly mà Duy chưa rớ tới. Yến thở ra hỏi :
            - Sao anh buồn vậy? Anh không muốn em mặc Âu phục thì thôi. Từ biết anh đến giờ, em có mặc đâu.em chiều theo sở thích anh, anh thấy chớ! Anh giận em à?
            Duy ráng nở một nụ cười cố làm ra âu yếm để làm lành với Yến. Duy thấy giận Yến là vô lý. Con người của Yến là như thế. Từ nhỏ đến giờ, Yến theo học tại một trường mà giáo viên, giám thị đều là người Pháp. Trong lúc cuộc chiến tranh Việt Pháp kéo lê thê chín mười năm, thì cuộc đời Yến êm ấm quá, yên vui quá giữa cái đô thị mà người Pháp cần phải ráng sức vãn hồi trật tự bằng mọi cách dù bằng máu hay bằng tiền. Yến không hiểu thế nào là “ sự đánh giặc ” với bộ mặt thiệt của nó. Người ta giảng giải cho Yến hiểu bằng những cuốn phim kiểu phim “ Đồng hoang đẫm máu ” nầy thì Yến phải hiểu như vậy chứ sao? Chính Duy đã chọn một người như Yến để yêu rồi bây giờ giận Yến sao phải. Nếu cần giận thì Duy nên tự giận mình đã thiếu suy xét chọn người yêu với tâm trạng vừa mừng rỡ vừa hốt hoảng của một con người dễ mừng mà cũng dễ sợ vừa mới bước ra khỏi một trận giặc, mang theo một thứ tư tưởng mù mờ rằng mầm chinh chiến không còn nữa. Để rồi khi cụng trán với thực tế lại giật mình.
            Cho nên, Duy thấy cần nói rõ cho Yến hiểu lòng mình. Duy nhìn vào đôi mắt Yến một lúc rất lâu rồi dịu dàng nói tiếp:
            - Yến lẩn thẩn lắm! Yến làm gì mà anh giận Yến? Anh đang buồn thật, nhưng đâu nhất thiết mổi khi anh buồn là vì giận Yến?
            Duy thở ra lắc đầu:
            - Xem xong cuốn phim như vậy, Yến không thấy buồn à?
            Yến ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:
            - Kể ra những cảnh chém giết cũng hơi buồn thật, nhưng cuộc đời là như vậy, biết làm sao?
            - Phải làm sao, thì không thế nào nói cho Yến hiểu trong một đôi ngày được. Nhưng ít ra, Yến củng phải thấy đau xót và thèm khát một cái gì chớ.
            - Em không đau xót vì những cuộc chém giết trong phim đều hợp lý cả. Phải giết kẻ khác để mình được sống. Còn thèm khát cái gì quả thật em không biết nên thèm khát cái gì bây giờ. Anh, thì thèm khát cái gì?
            Duy nhìn vào đôi mắt Yến lần nửa và nói một câu không định trước:
            - Nhìn cảnh máu chải nhiều quá, anh thèm khát trời xanh và buồn vì không tìm thấy màu xanh đó trong mắt em.
            Yến tưởng Duy nhớ đến màu mắt xanh của cô đào trong phim, liền nũng nịu:
            - Anh giàu tưởng tượng quá! Con gái Phương Đông làm gì có màu mắt xanh? Vậy mà anh nói là không ưa cô đào trong phim. Giấu đầu lòi đuôi! Không sợ em ghen à?
            Lần này thì Duy không cười nửa được . Duy nốc cạn một hơi ly nước khóm, kêu trả tiền rồi cầm tay Yến bước ra khỏi quán. Ngồi thêm một lát nửa, Duy có thể khóc vì tức tối. Trong lúc đứng đợi xe, Duy suy nghĩ về sự thông minh của Yến . Trong nhiều việc, Yến tỏ ra rất thông minh. Nhưng với sự thông minh đó, Yến không thể nào hiểu được mấy tiếng “ thèm khát trời xanh” nói lên những hoài vọng gì của con người.
            Lúc chia tay, Duy dặn Yến:
            - Trong một tuần lễ tới, em đừng đến tìm anh nhé. Anh về quê dự đám giỗ và thu xếp một vài việc nhà trong đó có vấn đề hôn nhân của chúng ta.
            Giọng Yến mừng rỡ nhưng hờn dỗi:
            - Đi ăn giỗ sao không rủ em đi với?
            Duy lắc đầu:
            - Đám giỗ nầy buồn lắm Yến à. Ba và anh Hai chết cách đây mười năm trong một cuộc tàn sát khủng khiếp. Hơn tám chục mạng người bị giết bằng đủ kiểu trong vòng vài tiếng đồng hồ và chỉ trong phạm vi một xóm nhỏ. Ngày giỗ này kêu là “ngày giỗ hội”. Ba bốn chục gia đình đều có giỗ, và không có ai đến dự đám giỗ của nhà ai; đìu hiu lắm.
            Tuy đáp vậy, nhưng Duy chờ đợi Yến hỏi một câu:
            - Anh không muốn em chia sớt nổi buồn với anh à?
            Hay ít nhất Yến củng rùng mình, nhăn mặt khi nghe nhắc lại cuộc tàn sát kinh khủng như thế. Nhưng Duy đành thất vọng. Yến bình thản quá:
            - Buồn, thôi để khi khác. Nhưng sáng sớm anh chờ em đem trà, bánh, trái cây gởi về cúng nhé. Phải làm ra điều rằng mình là cháu dâu ngoan cho bà nội và cô ba thương, và anh dễ ăn nói.
            Cha mẹ anh em Duy đều chết hết chỉ còn lại có bà nội và một người cô thứ ba, Yến có về chơi với Duy nhiều lần nên biết rõ như vậy.
            Với thái độ bình thản và câu nói thiếu nghiêm chỉnh với bề trên của Yến, Duy thấy rằng từ hôm nay cái hố phân cách giửa hai người sẻ lần lần lớn ra không có phương nào lấp lại.
***
            Qua khỏi vuông rào tre, Duy dừng lại đứng nghe Phượng và Thơm ngồi nói chuyện với nhau ở cầu ao, dưới dạ cây bình bát. Phượng rửa cá. Thơm vo gạo, Thơm là em họ của Duy, con cô Ba. Phượng hình như củng có bà con sao đó, nhưng xa lắm. Thơm có chồng, thỉnh thoảng mới về thăm mẹ và bà ngoại. Phượng mồ côi từ thuở bé, còn nhỏ mới mười bảy tuổi, ở chung với bà Cả và cô Ba là bà nội và cô của Duy.
            Duy đứng từ phía sau nên Phượng và Thơm không nhìn thấy anh, Thơm nói:
            - Đám giỗ gì loe hoe có mấy người, buồn hiu. Lát nửa, chừng dọn cúng, bà ngoại và má chị lại khóc kể y như đám ma, rầu quá. Phượng nhớ hồi đám giổ ông Cố hôn? Đám giỗ hồi đó vui lắm. Còn đủ mặt bà con: Ông ngoại, cậu Hai, mợ Hai, dì Tư… con nít thì một lũ rần rần, mới thọc huyết con heo là xúm lại giành cái bong bóng như giặc chòm vậy.
            Phượng day qua nhìn Thơm cười:
            - Hồi đó em còn nhỏ xíu mà nhớ gì.
            - Ờ, phải à, hồi đó Phượng mới biết đi lẫm đẫm. Chị cũng mới học lớp tư, lớp năm gì đó. Để chị nói chuyện hồi đó cho nghe. Hồi đó chị ở bên nội chị, một năm mới về thăm ngoại vài lần nên ông ngoại cưng lắm. Anh Hai Hiệp, anh của anh Ba Duy, bửa nay mình cúng nè, ảnh hổng có em gái nên ảnh thương chị lắm. Còn anh Ba Duy thì ảnh thấy ông ngoại cưng chị, ảnh cà nanh, kiếm chuyện ăn hiếp, bị chị mét phải đòn hoài. Có một lần nọ, củng trong dịp đám giỗ Ông Cố, chi chơi ác xúi ảnh ăn cắp bánh tét mới vớt chưa cúng. Aûnh đem chia cho cả bọn ăn no nê rồi chị đi mét. Cậu Hai giận quá bắt ảnh cúi đánh năm roi giửa đám giỗ làm ảnh mắc cở lủi ra ngoài rào tre trốn biệt. Bây giờ ảnh hiền vậy chớ hồi đó rắn mắc lắm.
            - Hồi đó thì em hổng biết. Lúc ba má em chết hết, em về ở luôn với ông bà, và bác hai thì ảnh lớn rồi. Ảnh đi học ngoài chợ, chúa nhựt mới về một lần, mà ảnh thương lắm, lần nào về củng có mua bánh cho em. Rồi kế tới thời kỳ giặc giã. Lúc đó em mới sáu, bảy tuổi. Em còn nhớ buổi tàn sát , ảnh với em trốn dưới ao cá nầy nè. Aûnh sợ em khóc, Tây nó nghe, ảnh bụm miệng em ngộp muốn chết. Cũng nhờ mấy thằng Tây đui. Hai đứa nằm nép trong mé bờ, úp mặt vô bụi ráng đưa lưng trơ trơ chớ có kín đáo gì đâu mà tụi nó hổng thấy. Khuya bửa đó, ảnh cỏng em từ đây đến tới bến đò. Em khóc đã đời rồi ngủ rục trên lưng ảnh, chừng thức dậy đói bụng, khóc nửa. Ảnh cực với em đủ cách mà hổng bao giờ  quạu quọ. Bây giờ sao ảnh hổng còn thương mình nửa, buồn ghê.
            Thơm cười lớn:
            - Vậy chớ lớn đầu rồi mà muốn làm con nít rồi như hồi nhỏ vậy sao? Để coi, ảnh lớn hơn chị hai tuổi, năm nay hai mươi sáu, còn em cũng mười bảy, mười tám tuổi rồi. Ờ, nghe nói mấy tháng trước, ảnh về thăm nhà có dắt theo một cô nào ở Sài Gòn,  ngộ lắm hả Phượng? Chắc mê cô đó rồi quên em út hết trọi chớ gì.
            Giọng Phượng buồn mà gay gắt:
            - Nhắc cái bà đó em còn sôi gan nữa. Giầy cao gót cả tấc tây, đi ngang cầu không chịu cởi để cho lật té trặt giò rồi đày anh Ba ảnh thức cả đêm săn sóc. Đòi đi câu bắt ảnh thọc trứng kiến vàng làm mồi. Kiến cắn ảnh đỏ rần mình mẩy, hổng dám bắt đứng cười chơi.
            - Đàn ông con trai thì vậy không. Hể mê gái rồi thì bất kể trời đất. Mà Phượng coi bộ ngoại với má chị ưa cô đó hôn?
            - Ưa iếc gì. Nhưng thấy anh Ba thương, bà với cô Ba củng làm mặt vui cho anh Ba vừa lòng. Kỳ giỗ này dám ảnh quên không về lắm à!
            Thơm đứng dậy nói :
            - Thôi chị vô trước. Nước sôi nãy giờ. Ở nói dóc hoài, bà già bả chửi bây giờ.
            Vừa mới bưng thúng gạo quay mặt lên, Thơm nhìn thấy Duy, giựt mình:
            - Hú hồn, hú vía. Cái anh quỷ nầy! Về tới hồi nào? Nãy giờ đứng rình nghe tụi nầy nói lén đã đời hả?
            Duy cười:
            - Nghe chút đỉnh thôi. Bắt đầu từ lúc cô nhắc lại vụ hồi nhỏ chơi ác xúi tôi ăn cắp bánh tét chưa cúng, bị đòn năm roi, mắc cở trốn ra bờ tre bỏ ăn cỗ.
            Phượng củng quay lại nhìn thấy Duy nói với Thơm nhưng ngó mình, lật đật ngó xuống rổ cá để giấu sự e thẹn, trong lúc Duy và Thơm vui vẻ cười lớn lên theo những hình ảnh đẹp và vui của tuổi thơ được gợi lại.
            Lúc ba người vào nhà, Duy đi sau chót để nhìn Phượng. Lần đầu tiên, Duy thấy Phượng đẹp và đột ngột có cái ý định muốn tìm hiểu trong dịp đám giỗ nầy, coi anh và Phượng bà con với nhau như thế nào.
***
            Phượng đi chợ về, vô nhà bằng ngã sau không ai hay. Cô đi thẳng vào buồng thay đồ, thấy cô Ba nằm ngủ trưa một mình. Bà Cả có lẽ đi đâu đằng xóm. Đằng trước im lìm. Qua kẽ vách, Phượng thấy Duy và Ông Tám, người ông chú của anh ngồi đánh cơ. Duy đang nghiệm một nước cờ gì đó bổng đột nhiên tuyên bố chịu thua, làm ông Tám có vẻ mất hứng:
            - Còn nước gỡ mà mầy Ba?
            Duy lắc đầu:
            - Dạ cháu chóng mặt quá ông Tám  à! Với lại trước khi về Sài Gòn, cháu muốn nhờ ông Tám giúp cháu một chuyện là soạn lại một cuốn gia phả để hiểu biết căn cội dòng họ của mình. Trong thân tộc bên nội bây giờ chỉ còn có ông Tám là lớn. Bà nội cháu thì già quá rồi mà chắc củng không rõ căn cội bên chồng cho lắm.
            Ông Tám gục gặc đầu:
            - Phải chớ! Thằng Ba mầy nói phải! Nhiều người bà con với nhau mà không biết bà con như thế nào, ai hỏi tới nói ú ớ, nghe lãng xẹt. Tao còn giử một cuốn trên nhà, cũng của Ông Nội mầy để lại. Mấy năm giặc, thứ gì củng tiêu, may mà nó còn đó. Mai chiều gì mầy muốn chép thì lên mà chép. Bổn đó chữ  nho, chép lại chữ quốc ngữ, phải có tao nói mới được. Hay à! Ýù đó hay à. Mà sao tự nhiên thằng Ba mầy nẩy ra ý đó?
            - Dạ, cũng nhơn ngày giỗ ông nội cháu, ba cháu và anh Hai cháu, cháu mới suy nghĩ thấy cần. Thí dụ như bây giờ ai cắc cớ muốn hỏi thử cháu và con Phượng trong nhà nầy bà con như thế nào, thì cháu vô phương phăng manh mối. Cần phải có cuốn gia phả là vậy.
            Ông Tám mỉm cười, vừa rót trà ra tách vừa nói:
            - Con Phượng đối với gia tộc mình thì ăn trớt, không có họ hàng gì hết. Nhưng có chuyện nầy củng cần phải nói cho thằng Ba mầy thông. Chuyện củng hay lắm. Số là ông nội của tao tức là mầy kêu bằng ông Sơ đó, với ông Sơ của con Phượng hồi xưa vốn là người dưng và đều là bộ hạ của ông lãnh Thiệp. Ông lãnh Thiệp là đồ đệ của Ông Đốc binh Kiều. Lãnh đây là lãnh binh nói tắt. Đó là một chức của mấy ông “đằng cựu” phong cho chớ không phải của Triều đình. Lúc Tây bắt được ông lãnh binh Thiệp giết rồi, thì bộ hạ mạnh ai nấy chạy như gà giở bội. Ông Sơ của mầy với ông Sơ của con Phượng xiêu lạc về đây làm ăn tự xưng là anh em ruột, rồi cưới vợ sanh con đẻ cháu cho tới bây giờ. Năm mười năm sau, ở đây có phong trào cũng của một ông đằng cựu nào đó tao hổng nhớ tên. Ông sơ con Phượng rủ ông Sơ mầy theo nữa. Ông mầy hổng chịu, ông kia đi một mình gởi gắm vợ con lại. Về sau ổng chết oanh liệt lắm. Ông Sơ mầy thương bạn và nhớ lời gởi gắm mới tiếp tục nhận bà Sơ của con Phượng là em dâu cho tới ngày nay. Đầu đuôi là như vậy, tính theo bà con thiệt tình thì bây giờ cũng xa xôi lắm rồi, còn phăng ra cho đúng căn cội thì là chánh hiệu người dưng.
            - Thưa chuyện đó, bà nội và cô Ba cháu biết rỏ không vậy ông Tám?
            - Chị Cả thì biết chớ, còn con Ba chắc củng được nghe chị Cả nói lại chớ chẳng lẽ không. Nhưng theo tao nghĩ mỉnh phăng nguồn cội để biết bà con là một chuyện còn thương yêu nhau hay không là chuyện khác. Con Phượng nó còn nhỏ khoan nói sợ nó nghe nó buồn. Thuở giờ nó tưởng nó là con cháu ruột trong nhà.
            - Dạ
            Bước ra khỏi ngạch cửa, ông Tám quay lại hỏi:
            - Ờ còn thằng Ba mầy nghe nói hôm nào có dắt con nhỏ nào đó ở Sài Gòn về chắc là để cho chị Cả và con Ba coi mắt cháu dâu chớ gì? Phải vậy không ? coi được thì tính tới đi, mầy củng trọng tuổi rồi.
            - Dạ trước có định  vậy nhưng bây giờ chắc là hồi mối đó rồi ông Tám à.
            - Sao vậy?
            - Dạ coi kỹ lại tánh tình không hợp.
            - Ờ! Hổng ấy thì về vườn kiếm gái vườn mà cưới.
            - Dạ cháu củng tính vậy à ông Tám.
            Duy vừa đáp vừa bước theo ông Tám để tiển ông ra tới cổng. Lúc vừa vô, Duy gặp Phượng từ phía sau nhà bước lên, tay cầm một trái bắp nấu, miệng chúm chúm cười, má hây hây đỏ vì đường đi từ chợ về nhà phải qua một cánh đồng ruộng nắng chang chang, không có bóng cây.
            - Đói dữ hả anh Ba, Ăn dỡ trái bắp đi. Chờ em nấu cơm.
            - Đói mà vui quá quên đói.
            - Gì mà vui dữ vậy ?
            - Mai mốt nói cho nghe.
***
            Bóng chiều đã ngả từ lâu mà nắng gắt vẫn còn chớp chớp trên cánh đồng tháng hai trơ gốc rạ. Vài cụm mây trắng lững lờ trôi trên nền trời xanh biếc. Tiếng sáo diều ở đâu văng vẳng lại ngọt  ngào như tiếng hát của người mẹ hiền thời  xa xưa nào nhập làm hồn buổi xế trưa yên tĩnh.
            Duy và Phượng ngồi bên cạnh nhau lưng dựa vào cây rơm chất sát vuông tre, cùng nhìn về bên kia cánh đồng. Tre bị gió lay nghiến thân vào nhau nghe kẽo kẹt, buồn buồn.
            Phượng chỉ cuốn sách Duy đang cầm hỏi:
            - Sách gì mà dày mo vậy anh Ba?
            - Ký ức chiến tranh của ông cựu thủ tướng nước Anh  (1)
            - Nói với em mà anh nói theo kiểu nói chuyện với cô gái áo đỏ của anh, làm sao em hiểu. Ký ức chiến tranh là cái gì?
            - Để anh cắt nghĩa cho nghe chớ. Ông nầy là một trong số người cầm đầu  của phe Đồng Minh hồi trận giặc ba mươi chín bốn mươi lăm. Trận giặc qua rồi, ổng viết lại những trận khôn dại về trận giặc đó.
            - Viết chi vậy?
            - Để chừng nào có giặc nữa thì người ta coi những chuyện khôn dại đã qua mà đánh giặc nữa.
            - Sướng quá ha! Bày ra giặc giã cho người ta chết mồ chết tổ rồi viết sách bán chơi. Hồi giặc, con cháu của ông đó có ai chết hôn?
            - Anh không biết, nhưng chắc là không. Mà nếu có thì con ông cháu cha làm quan lớn ít chết lắm.
            - Hèn chi!
            - Phượng ghét giặc lắm sao?
            - Chớ anh ưa à?
            - Nhờ có giặc mà mình thương nhau. Anh mới có dịp cỏng em từ đây xuống bến đò. Em mới có dịp ngủ trên lưng anh rồi thức dậy đói bụng, nhõng nhẽo với anh!
            Phượng mắc cở ửng hồng đôi má day qua cự:
            - Vậy chớ hổng có giặc, anh hổng thương em sao? Hồi trước giặc anh đi học về củng mau bánh cho em hoài vậy.
            Hai người nhìn nhau cười. Im lặng một lúc. Gió thổi mạnh làm tiếng sáo diều ngân lớn hơn.
            - Phượng à!
            - Dạ.
            - Phượng biết hai đứa mình bà con với nhau làm sao không?
            - Biết chớ. Ông Sơ của anh và ông Sơ của em hồi trước là… là hai người dưng.
            Trong lúc Duy nhìn Phượng ngạc nhiên, Phượng tiếp:
            - Hôm kia, anh nói chuyện với ông Tám, em ở trong buồn nghe lén hết trọi.
            - Em biết hỏi chi vậy hôn?
            - Ai biết đâu anh .
            - Hổng biết thiệt hay biết mà hổng nói?
            Phuợng không đáp, vói tay rút một cọng rơm xé ra vụn vằn buông cho bay theo gió.
            - Phượng!
            - Dạ.
            - Phượng nghe anh hỏi hôn?
            - Nghe.

            - Nghe sao hổng nói?
            Phượng nhìn Duy một cái thật nhanh rồi ngó xuống:
            - Biết mà hổng nói.
            Duy nắm bàn tay Phượng lúc đó đưa lên sửa mái tóc, một cử chỉ không định trước, làm cho đỡ thẹn. Phượng để yên cho Duy cầm tay mình, im lặng mà tim đập nhanh lên.
            - Phượng có thuộc nhiều câu hát không?
            - Chút đỉnh thôi.
            - Hát cho anh nghe vài câu đi.
            - Biết hát câu gì bây giờ?
            - Lựa câu nào có trời xanh. Anh thích màu trời xanh.
            - Để em nhớ coi. Ờ… Đầu giồng có trồng cây duối, cuối giồng có trồng cây da, ngả ba có cây ngô đồng, con gái chưa chồng cái lòng hớn hở, con trai chưa vợ ruột thắt trái chanh, ngó lên mây trắng trời xanh, đâu đâu củng vậy ưng anh cho rồi.
            - Hay lắm. Nhưng Phượng có biết tại sao trong câu hát huê tình mà thứ câu hát vui như vậy, người ta ưa nói đến trời xanh không?
            - Trời xanh mới đẹp, mới vui chớ. Câu hát vui hổng lẻ nói trời chuyển mưa? Ờ có câu hát trời chuyển nửa, để em hát cho nghe: Trời chuyển mưa vần vũ, mây kéo phủ lưng trời. Người nghĩa ơi! Đã biết rằng mặt tuy xa mà lòng chẳng đổi dời, nhưng kẻ chưn mây người góc biển, biết ngỏ lời cùng ai?Anh nghe coi, buồn ghê chưa?
            - Nhưng có những người không ưa trời xanh mà lại thích trời chuyển mưa, em nghĩ sao?
            - Ai mà thích kỳ vậy? Ờ thằng cha mắc dịch nào viết cuốn sách của anh đó, nó thích trời chuyển mưa, hổng chừng.
            Lại im lặng vài phút. Phượng nghe ban tay mình bị siết nhè nhẹ trong tay Duy.
            - Phượng à!
            - Dạ.
            Không nghe Duy nói gì, Phương day qua gặp đôi mắt của Duy đắm đuối nhìn vào mắt cô.
            - Phượng có biết mắt Phượng màu gì không?
            Phượng cười:
            - Chắc anh nói màu xanh.
            - Sao Phượng biết vậy?
            - Em biết trong bụng mà nói ra hổng được.
            Nói xong Phượng nhắm mắt lại và biết chắc Duy sẽ hôn lên đôi mắt mình. Bằng đôi mắt nhắm lại ấy, Phượng thấy trước mặt cô một khoảng trời xanh rất đẹp, đẹp như chưa bao giờ cô được nhìn thấy bằng đôi mắt mở rộng.

(1) Mémoires Churchill.
Bản quyền của Trang Thế Hy