Một ngày nhàn rỗi
Nguyễn Bắc Sơn
Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
Vô tình ngang một quán cà-phê
Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
Mải mê tán dóc chẳng cho về.
Về đâu, đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ (1)
Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
Ba nghìn thế giới cũng chưa to.
Tháng giêng ngồi quán, quán thu phong
Gió Nhạn Môn quan (2) thổi chạnh lòng
Chuyện cũ nghe đau hồn tứ xứ
Thương Kiều Phong (3), nhớ tiếc Kiều Phong.
Bày ra một ván cờ thiên cổ
Thua trận nhà ngươi cứ trả tiền
Mẹ nó, tiền ta đi hớt tóc
Gặp ngày xúi quẩy thua như điên.
Tóc ơi ngươi cứ tha hồ mọc
Xanh tốt như mùa xuân thảo nguyên
Từ Hải nhờ râu nên mới quạo
Thua cờ tớ bỗng đẹp trai thêm.
Lạng quạng ra bờ sông ngó nước
Trên trời dưới đất gặp ông câu
Ta câu con đú, ngươi câu đẻn
Chung một tâm hồn tất gặp nhau.
Khi gã Yêu Ly đâm Khánh Kỵ (4)
Là đâm chảy máu trái tim mình
Sông Mường Mán (5) không dung hào kiệt
Muôn đời bóng núi đứng chênh vênh
Tháng giêng có kẻ đi tìm cúc
Nhưng cõi đời không có Cúc Hoa
Thấy đám phù bình trên mặt nước
Biết mình đi lộn nẻo bao la.
Những khuôn mặt những người xuân nữ
Phiêu bồng vĩnh cửu lẫn phù du
Yêu rất khó vô tình cũng khó
Khách đa tình sợ nhất mùa thu.
Ghé thăm ông bạn trồng cây thuốc
Mời nhau một chén rượu trường sinh
Bát cơm tân khổ mười năm ấy
Câu chuyện năm năm khiến giật mình.
Nằm dưới gốc cây nghìn cánh bạc
Dường như mặt đất tiết mùi hương
Ngủ thẳng một lèo nay mới dậy
Dường như mình cũng mộng hoàng lương.
Dường như đứa trẻ nghìn năm trước
Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta
Khi về râu tóc còn nguyên vẹn
Một ngày loáng thoáng một ngày qua.
Chú thích
1. Trích từ lời nhạc phim Thiên Long Bát Bộ “Khước tiếu tha thế nhơn vọng yêu tương Hán Hồ lộ lai hạn” (Lại cười người đời những tưởng đem chặng đường Hán Hồ mà nản chí trai)
2. Cửa ải của vạn Lý Trường Thành tại cực bắc của Trung Quốc, giáp với Mông Cổ, thuộc huyện Đại Huyện, tỉnh Sơn Tây. Sở dĩ cửa ải mang tên này vì nơi đó có rất nhiều chim nhạn. Nhạn Môn Quan nổi tiếng qua điển tích Chiêu Quân Cống Hồ.
3. Còn gọi là Tiêu Phong, một trong ba nhân vật chính (Đoàn Dự, Kiều Phong và Hư Trúc) trong truyện kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung. Hình ảnh Kiều Phong được đánh giá là “hình tượng anh hùng đẹp nhất và cũng là hình tượng bi kịch nhất trong tất cả các truyện của Kim Dung”.
4. Yêu Ly là một thích khách người nước Ngô đời vua Hạp Lư, thời Xuân Thu. Khánh Kỵ là con của vua Ngô Vương Liêu. Hạp Lư sợ Khánh Kỵ báo thù, dùng Yêu Ly để giết Khánh Kỵ. Việc ám sát bất thành, Yêu tự cho là mình “bất nhân, bất nghĩa, bất trí” và tự sát.
5. Tên một dòng sông chảy qua địa phận tỉnh Phan Thiết, quê hương nhà thơ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com