Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
27/3/12

Anh Thơm râu rồng - Trang Thế Hy

Anh Thơm râu rồng
Trang Thế Hy
  
            Những quân cờ màu trắng ngà làm bằng ruột bánh mì nhồi với đường coi không khác với ngà thật bao nhiêu được bày xong lên cái bàn cờ bằng giấy bồi rách te tua. Trong khi chờ ông già “Bảy tiếu lâm” vấn thuốc, tôi tranh thủ nước tiên, quành một con pháo vô đầu. Ông già mệnh danh là cây cười của phòng 21 khám cộng hòa này sửa soạn trành tròn đòi phải bắt thăm như thường lệ thì đằng cánh cửa sắt của phòng giam có tiếng chìa khóa khua cùng một lúc với những tiếng xì xào nổi lên rải rác đó đây từ các nhóm tù nhân đang giải trí sau buổi cơm chiều: dạy nhau học văn hóa, đánh cờ tướng, tập hát, nhổ râu mép hay bắt bọ ghẻ vần công, tâm sự tay đôi, vây quanh những anh em tù nhân mới để hỏi thăm về tin tức bên ngoài, v.v … Câu nói hơi lớn tiếng của một người nào đó nổi bật lên giữa những tiếng xì xào ấy:
            - Chú ý! Mình sắp có thêm bạn mới nghe anh em.
            Mọi người nhìn ra hành lang. Qua những chấn song sắt của mặt tiền phòng giam, chúng tôi thấy tên công an quen mặt của Trung tâm thẩm vấn đang mở còng cho một anh tù nhân khoảng ngoài ba mươi tuổi, dáng người cao lớn có bề ngang nhưng tiều tụy gầy yếu, da đen sậm, tóc dài chỏi vành tai, râu mép và râu cằm tua tủa như rễ tre. Anh mặc một cái quần đùi bằng vải xanh còn mới và một chiếc áo bà ba đã cũ, tay áo cắt ngắn đến khỏi cùi chỏ để lấy vải vá nhiều miếng ở vai và ở lưng. Anh kẹp ở nách bên phải một gói đồ lép xẹp bọc trong chiếc khăn choàng tắm rằn ri chằm khíu tứ tung. Trong lúc chờ mở còng anh nhìn vào trong phòng giam nheo mắt hay nhoẻn miệng cười với những gương mặt quen biết từng gặp nhau ở những nơi giam giữ khác. Tiếng xì xào cứ tiếp tục:
            - Trời! Anh Thơm mà từ hỗi giờ nhìn không ra chứ! Tội nghiệp, mới có mấy tháng mà ảnh ốm thấy ớn chưa?
            - Thơm nào? Thơm râu rồng hả? Uống cạn hết mấy cái hồ nước bót Hòa hòa rồi mới chịu ra đây đó hả cha nội? Vô đây. Ngày mai có giỏ nuôi rồi. Tụi này sẽ bồi dưỡng cho anh mau lợi nghỉnh để anh phun nước cho anh em tắm với. Nước ở đây hẻo lắm!
            Nhiều người đang ngồi vụt đứng phắt dậy đi về phía cửa mặc kệ cái cau mày tỏ vẻ phật ý của tên công an gác khám đứng bên cạnh tên công an áp giải. Hắn chắp tay sau đít khua xâu chìa khóa leng keng, mặt lầm lì nhìn châm bẩm vào trong theo dõi từng cử chỉ, lắng nghe từng câu nói của anh em. Đợi cho tên công an áp giải mở còng xong, hắn mới mở cánh cửa sắt, hé ra vừa đủ cho anh Thơm lách mình bước vô rồi đóng sầm lại, khóa ngay lập tức. Những người quen trước với anh Thơm vây bọc lấy anh, hỏi thăm ríu rít, kẻ nắm tay người sờ xương vai coi anh ốm tới cỡ nào. Một anh vén áo anh lên nhìn ngực nhìn lưng coi có thương tích gì không. Ông già “Bảy tiếu lâm” vuốt nhẹ bộ râu cằm của anh pha lửng:
            - Đúng là râu rồng! Tao từ khi ra đây bị xa mày mà mất cái bổn mạng “chánh vì vương” có rồng phụ thể thành thử bị hai mách “cát-sô”(*) và một trận đi máy bay quá cỡ tưởng đâu “xí lắc léo” rồi!
            Trước thái độ ân cần nồng hậu của anh em, anh Thơm chỉ mỉm cười điềm đạm, chưa kịp trả lời câu hỏi nào cho đến nơi đến chốn. Câu trả lời nào của anh cũng bị cắt đứt nửa chừng bằng các câu hỏi khác.
            Tên công an áp giải hết nhiệm vụ xách còng đi về phía thang lầu. Tên gác khám vẫn cứ đứng ở hành lang sát chấn song sắt nhìn sự xôn xao bên trong, vẻ khó chịu phật ý mỗi lúc càng tăng trên nét mặt lầm lì. Một bác nông dân đứng tuổi, hiền hậu cầm lấy bọc đồ của anh Thơm mở ra xem chỉ thấy có một cái quần đùi rách và một cái áo thun ba lỗ cũ mèm, lật đật gói lại, nói giọng cảm động:

            - Tội nghiệp! Tù mới còn nghèo quá. Chắc chưa được thăm nuôi gì đâu. Nhưng không sao, để thủng thẳng rồi anh em giúp cho, thiếu gì. Bà con mình ở đây đùm bọc nhau mà sống, đừng lo.
            Một cậu học sinh trẻ vỗ vai anh Thơm hỏi:
            - Vụ anh hết thảy mấy người mà anh ra đây có một mình vậy?
Anh Thơm mỉm cười đưa một ngón tay trỏ lên ngụ ý đáp rằng chỉ có một mình anh mà thôi. Anh đại diện cau mày nhìn cậu học sinh, trách nhẹ cậu ta về câu hỏi vô ý thức bất lợi. Nhiều cái nhìn khác cùng một ý nghĩa trách móc lặng thầm như thế cũng đổ dồn vào cậu ta. Cậu ta giựt mình nhìn tên công an ngoài hành lang, le lưỡi một cái thật nhanh rồi tản đi nơi khác với một nụ cười bẽn lẽn.
            Anh trật tự viên Hải, người được cảm tình nhất trong ban đại diện phòng giam, nãy giờ kín đáo dòm chừng thái độ tên công an, lật đật quay mặt vào trong nháy mắt ngầm ra hiệu cho anh em hãy cảnh giác, thận trọng, đừng để sơ hở trong lời ăn tiếng nói. Đoạn anh nhè nhẹ vỗ tay giả bộ nghiêm trọng:
            - Mình giữ trật tự lại đi anh em, chuyện hỏi thăm bè bạn để thủng thẳng mai chiều, còn thiếu gì thì giờ.
            Ngoài hành lang, tên công an chầm chậm bước sang những phòng giam khác. Anh Hải nói xong bước lại tấm bảng đen cầm phấn sửa lại tổng số tù nhân hiện có trong phòng. Rồi anh nhìn qua một lượt số người của từng mâm đã được phân chia từ trước. (Trong phòng giam, đơn vị tổ chức là “mâm” gồm những người cùng ăn chung với nhau một nhóm). Đoạn anh nhìn anh Thơm vỗ vai ông già “Bảy tiếu lâm” nói:
            - Anh được xếp vào mâm số sáu mà bác Bảy đây là trưởng mâm kiêm trưởng ban văn nghệ. Tới giờ ăn cư việc níu áo ổng, nhớ chưa? Bữa nào thiếu cơm, chừng lên phòng bắt ổng nói chuyện tiếu lâm cười chơi đỡ xót ruột. Ờ … như vậy là bồ cũ ở “Biệt kích 1” gặp nhau rồi đó, tha hồ mà tâm sự. Thôi bác Bảy coi sắp xếp chỗ ngủ cho anh Thơm đi!
            Ông già “Bảy tiếu lâm” nắm tay anh Thơm dắt đến một góc phòng dưới gầm gác, xếp cho anh ngủ ngay bên cạnh tôi. Mãi đến lúc này, tôi mới hỏi thăm anh và anh mới mừng rỡ nhận ra tôi. Tôi với anh Thơm ngoài sự quen biết nhau hồi ở bót Hòa – hòa (tức Biệt kích dội 1) còn là hai người đồng hương bị bắt gần cùng một lúc với nhau. Trong hơn nửa tháng đầu, ngoại trừ những lúc anh bị khai thác găng, bị giam riêng một mình ở xà lim, chúng tôi là đôi bạn láng giềng trong những đêm nằm ngủ chân bị cùm vào quyện sắt. Lệ ở Biệt kích 1 là tất cả những người mới bị bắt đều phải trải qua một giai đoạn tối ngủ ngoài chuyện bị còng tay còn phải bị quyện chân như vậy. Chính anh Thơm đã dạy cho tôi cái mánh lới là mỗi chiều trước giờ tên công an phụ trách đêm gác mở cửa vào khám quyện chân anh em mới thì mình nên tự động chọn trước cho mình một cái khoen sắt trong đống khoen bỏ ở góc phòng, cầm sẵn nơi tay ra điều như mình ngoan ngoãn tự nguyện tuân theo cái lệ quyện chân ấy. Nhưng kỳ thật thì có như vậy mình mới chọn được cho mình một cái khoen rộng để ống chân day trở dễ dàng. Để cho tên công an chọn thì nó luôn luôn chọn những cái khoen nhỏ vừa sít với ống chân, đôi khi có thể để lại những vết hằn sưng lên bầm tím.
            Nhờ sống gần nhau như vậy tôi được biết tình huống của anh Thơm. Anh là một phu xích lô máy bị bắt quả tang đang rải truyền đơn trong người còn một bó gần hai trăm tấm. Bị khai thác dữ dội để phăng cơ sở, anh chỉ một mực nói rằng đêm ấy lúc anh từ một quán cà phê bước ra chiếc xe anh đậu ở vệ đường thì chợt thấy trên nệm xe có một bó giấy cuộn tròn. Anh mở ra xem thì đó là những tờ truyền đơn của Hội Lao động giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định kêu gọi công nhân đoàn kết đấu tranh chống Mỹ và tay sai. Anh thấy lời kêu gọi ấy đúng với quyền lợi của tầng lớp nghèo trong thành phố nên đút giấu dưới nệm xe rồi chọn một quãng đường vắng đem rải chẳng may bị bắt. Chỉ có vậy thôi anh không phải là cơ sở của tổ chức cách mạng nào cả.      
            Anh bị tra tấn dữ dội và đủ kiểu nhưng nhiều nhất là bị cho đi tàu ngầm tức là đổ nước. Sự lựa chọn hình thức tra tấn chủ yếu này của bọn công an không phải là do sự ngẫu nhiên. Thường thường khi tiến hành tra tấn, chúng bắt tật coi người bị tra tấn ngán sợ kiểu nào nhiều nhất thì đi sâu vào kiểu đó. Anh Thơm tỏ ra sợ đổ nước hơn hết thành thử chúng cứ đè anh xuống đổ nước mãi. Và như thế là chúng đã mắc mưu anh Thơm. Sự thật thì “đi tàu ngầm” là cách tra tấn mà anh xem thường hơn hết. Anh có khả năng chịu đựng sự đổ nước rất dẻo dai. Từ lúc bắt đầu đổ nước cho đến khi anh ngất đi, bọn công an phải dùng đến một khối lượng nước bằng ba đối với người khác. Trong cuộc tra tấn anh lần thứ nhất, chị “Năm cỏ vê” xách nước từ hồ vào phòng tra vừa xách vừa khóc nghĩ rằng thế nào anh cũng chết. Cuối cùng chị không thèm xách nữa mặc kệ cho bọn công an muốn đánh chị bao nhiêu thì đánh. Rốt cuộc một tên công an phải tự tay đi xách nước lấy. Sau mỗi lần bị đổ nước như vậy, anh Thơm tỏ ra bèo nhèo, nhừ tử và kinh khiếp cái kiểu tra tấn ấy đến mức độ. Anh run lập cập, người anh mềm nhũn đi và hai tên công an phải kè anh một cách vất vả từ phòng tra qua phòng thẩm vấn. Thế nhưng khi đưa anh trở xuống khám thì anh em lại thấy anh sởn sơ tươi tỉnh, không mất sức gì cho lắm. Rồi khi cuộc thẩm vấn tiếp tục, anh Thơm lại cứ một mực nói y như trước. Bọn công an dọa quay điện, lận mề gà, cho đi “tàu bay”, anh phớt tỉnh mà hễ chúng dọa đổ nước thì anh lại tỏ ra kinh hãi đến run sợ. Thế là anh lại bị đổ nước nữa. Cứ như vậy hơn mười lần trong vòng nửa tháng. Sau cùng bọn công an bót Hòa-hòa đành phải chịu thua anh và nói đùa với nhau rằng tướng tinh anh có lẽ là một con rồng. Có điều hơi lạ là con rồng này vừa uống giỏi mà lại vừa sợ nước.
            Ấy, cái biệt danh anh “Thơm râu rồng” có cái lai lịch của nó như trên, có thêm tiếng râu là tại anh nhiều râu, thế thôi.
            Đến ngày thứ hai mươi ba kể từ khi bị bắt, anh Thơm râu rồng ký khẩu cung. Bản khẩu cung rất ngắn xác nhận anh không thuộc một tổ chức cách mạng nào cả, thậm chí anh cũng không ức đoán được xuất xứ của bó truyền đơn tìm thấy trên xe anh. Anh chỉ nhận là anh có đọc truyền đơn, biết nó là của “Việt cộng” thấy nó nói đúng nên tự nguyện đem đi rải và bị bắt. Kể ra thì bọn công an dư biết sự thật không phải là như vậy nhưng chỉ cần như vậy thôi, anh Thơm đã là một “cảm tình viên Việt cộng” và dưới chế độ Mỹ Diệm cái chức vụ “cảm tình viên Việt cộng” đã quá đủ cho anh Thơm ở tù không có ngày về rồi. Nhưng bọn Trung tâm thẩm vấn ở Tổng Nha Công an bác bỏ bản khẩu cung ấy. Chúng khiển trách bọn Biệt kích đội 1 và bảo rằng cách xác định tội trạng của anh Thơm là giả tạo hoang đường. Cho nên độ một tuần lễ sau, anh Thơm bị áp giải sang bót Ngô Quyền (tức Biệt kích đội 4)để khai thác lại. Bọn này vừa bắt được một vụ gồm nhiều anh em phu xích lô. Bọn Tổng Nha nghi anh Thơm có dính líu với những anh em đó.
            Trước lúc anh Thơm bị giải đi vài hôm, tôi nói cho anh biết rằng tôi hiểu mưu trí của anh trong việc đánh lừa bọn Biệt kích đội 1 và nhờ anh dạy cho cái kinh nghiệm chịu đựng đổ nước vì một ngày còn trong tù là một ngày còn bị hăm dọa bởi mọi hình thức tra tấn. Anh Thơm mỉm cười và đáp bằng một giọng bùi ngùi rằng việc anh chịu đựng đổ nước giỏi không biết có nên gọi là kinh nghiệm hay không. Nó có nguồn cội sâu xa từ thời thơ ấu của anh, một thời thơ ấu nhiều đau thương mà cũng nhiều thú vị. Anh bảo để hôm nào thuận tiện anh sẽ kể lại cho nghe. Tôi nghe vậy rất lấy làm thích nhưng chưa có dịp thuận tiện thì anh Thơm râu rồng đã bị giải đi Biệt kích đội 4. Từ ấy đến nay, hơn hai tháng đã trôi qua, bây giờ tôi lại được gặp anh tại khám cộng hòa này. Cho nên lúc nằm xuống bên cạnh nhau chuẩn bị ngủ, chuyện đầu tiên tôi hỏi anh Thơm là anh đã vượt qua cái ải Biệt kích 4 như thế nào. Anh Thơm đáp:

            - Tốt lắm! Chẳng những ở Biệt kích 4 mà tụi Trung tâm thẩm vấn này cũng đã bổ túc hồ sơ của tôi rồi. Y như cũ. Hồi nãy tôi trả lời một chú học sinh chắc anh có nghe mà? Vụ của tôi có một mình tôi thôi.
            - Có lời mừng cho anh đó! Anh cũng giở cái ngón cũ ra được chứ?
            Anh Thơm lắc đầu:
            - Tụi Biệt kích 4 nó khôn quá, xí gạt nó không được. Nó cứ quay điện và treo tôi lên đập như Chà và làm thịt dê, cho nên tôi mới mất sức dữ như vầy. Chớ cứ đổ nước theo kiểu tụi Hòa-hòa thì nhằm nhè gì! Rốt cuộc mình cũng lướt qua được. Dùng chước không được, đành phải dùng sức, dùng tinh thần, ý chí mà chịu đựng thôi.
            Sau khi tỏ sự kính phục anh, tôi nhắc lời anh hứa hôm nào là sẽ kể lại cho tôi nghe về đoạn đời thơ ấu có liên quan đến sự chịu đựng đổ nước rất tài tình của anh. Anh Thơm tỏ ra dè dặt về tình hình chung trong phòng giam. Tôi báo cho anh biết để yên lòng rằng tình hình ở đây tốt lắm mặc dù thành phần tù nhân bị xáo trộn luôn. Điểm quan trọng nhứt là Ban đại diện do anh em cử gồm toàn người tốt và trong phòng hiện không có một con heo gạo(*) nào.
            Mặc dù tôi nói thế và anh đã tỏ ra tin cậy tôi ngay từ ở Biệt kích đội 1, anh Thơm vẫn để cho một tuần lễ trôi qua trong thời gian đó chính tự mình quan sát và đánh giá tình hình trong khám rồi mới kể chuyện cho tôi nghe.
            Tôi còn nhớ rõ hôm ấy, trời mưa dầm từ sau bữa cơm chiều. Bên ngoài, tiếng rào rào của mưa rơi, bên trong tiếng ồn ào của gần một trăm tù nhân bị dồn ép trong một phòng giam mà hồi xây cất, bọn cầm quyền vốn vô nhân đạo cũng chỉ dự định sức chứa tối đa là ba chục. Trong cái ồn ào ngột ngạt ấy, giọng kể chuyện khoan thai điềm đạm của anh Thơm đã dựng lên cho hai chúng tôi một cái thế giới riêng biệt của sự mến thương và lòng tin cậy giữa những người đau khổ cùng chung lý tưởng gặp nhau không hẹn trước trong cảnh tù đày. Đó là một giọng nói hơi khàn, không được trong nhưng âm sắc khá thanh và rất ấm, nó tăng thêm sức truyền cảm rạt rào của từng lời tâm sự.
***
            Tôi không biết mặt má tôi, anh Thơm bắt đầu nói. Má tôi chết lúc tôi còn nhỏ lắm, mới có hai ba tháng gì đó. Chết vì đẻ còn non ngày tháng mà phải dầm mưa đi cấy trừ nợ bị trúng nước. Tôi lớn lên bằng nước cơm quậy đường, lâu lâu mới được một người có con đỏ thấy vậy tội nghiệp cho bú khính một lần. Sau này, lúc tôi được năm sáu tuổi, khi có ai khen tôi khỏe mạnh, tốt đứa, ba tôi ưa vò đầu tôi mà nói: “Ờ, bây giờ coi nó sởn sơ vậy, chớ hồi nhỏ nó èo uột y như một trái cà đèo”.
            Tôi chỉ có hai chị em: chị Nhang tôi và tôi. Chị tôi hơn tôi bốn tuổi. Ba cha con tôi không có đất cất nhà ở, cũng không có ruộng làm. Chúng tôi sống trong một túp chòi nhỏ cất bất hợp pháp trên một cái gò hoang rộng cỡ ba công mọc toàn trâm bầu, dứa gai, lức, mua và chùm lé. Khoảng đất này thuộc về bìa chéo khô cằn của một dây đất làng gồm có ruộng và vườn được cắt ra từng phần cho mướn. Riêng khoảnh bỏ hoang này thì mỗi năm làng bán củi trâm bầu một lần vào đầu mùa khô, bán theo lối đấu giá, lấy tiền bỏ vô công nho. Nền chòi của gia đình tôi chiếm không đầy hai mươi thước vuông, vậy mà làng cứ đòi tiền thổ cư mãi, ba tôi cố lỳ, thét rồi họ cũng bỏ qua, lâu lâu có đụng chạm chuyện gì mới nhắc lại để hăm he.
            Nghề sống chánh của ba tôi là làm mướn vặt quanh năm: nhổ mạ, đập lúa, cuốc khoai, chèo ghe, gánh dừa. Nhưng lần lần về sau, ổng đi sâu vào một nghề chuyên môn khá nguy hiểm là bẻ dừa hụt sào.

            Dừa là nguồn lợi quan trọng của vùng tôi. Trong xóm có mấy người chuyên nghề bẻ dừa mướn bằng sào tầm vong dài, đằng ngọn tra một cái nghéo sắt dẹp rất bén hình lưỡi liềm. Vườn của điền chủ nào cũng có độ vài mươi cây dừa lão rất cao mà sào vói không tới gọi là dừa hụt sào. Họ phải mướn người leo lên từng cây một mà bẻ trái bằng liềm hái. Tiền công tính khoán theo số dừa bẻ được. Lúc tôi được sáu bảy tuổi thì trong vùng những tay chuyên nghề bẻ dừa hụt sào này giải nghệ gần hết. Một số vì già yếu leo không nổi nữa, một số vì ngán nguy hiểm chuyển qua nghề khác. Nhờ vậy ba tôi kiếm được khá tiền hơn, đời sống cha con tôi đỡ rách rưới đói khổ hơn. Ba tôi không cho tôi dầm mưa dang nắng suốt ngày ngoài đồng để mót lúa hay bắt cá cạn, móc củ co, nhổ năng, nhổ lá hẹ bông súng đem về cho chị tôi bưng đi chợ bán kèm với lá chuối khô, rau má, rau bù ngót, rau mồng tơi của chị nữa. Gạo có đều đều trong hủ. Lâu lâu tôi gài bẫy bắt được một con chàng nghịch hay gà nước, ba tôi không cho đem đằng quán bẹo bán cho mấy tay nhậu nhà giàu nữa mà biểu tôi nhổ lông đem nướng nhậu chơi. Cái cảnh ăn bữa sớm lo bữa chiều, thiên hạ tới đòi nợ ngày một, hăm siết món này món nọ, đòi leo ỉa trên bàn thờ có khi hàng tháng không tái diễn …
            Thơm râu rồng ngưng nói, cười một mình ngon lành. Rồi thấy tôi có vẻ không thông cảm với điều thấm ý của mình, anh giải thích:
            - Cần phải thấy sơ qua cái chòi của gia đình tôi rồi anh mới hiểu vì sao tôi cười. Siết đồ đạc của nhà tôi là siết món gì? Chiếu rách, chén mẻ, nồi ơ sứt miệng, ông Táo gãy mỏ hay là cái chõng tre xệu xạo gập ghình chỉ có thể gỡ lấy vạc sậy bện thưa rểu đem về chụm thôi chứ mấy cái chân bằng trâm bầu mọt gậm nát thì bị chôn chết xuống đất rồi. Về dụng cụ sản xuất thì nghề leo dừa của ba tôi gọn hơ. Theo lệ tự thuở giờ thì chủ vườn phải lo lưỡi hái, phần ba tôi chỉ có cái nài bện bằng dây chuối khô, siết cái này ổng bện cái khác lo gì? Còn như leo ỉa lên bàn thờ thì chuyện đó coi như nguy hiểm. Bàn thờ nhà tôi là một cái ghế nhổ mạ loại một chân trên đó để mấy cái lon sữa bò sét đầy cát hàng năm chỉ trong dịp cúng cơm má tôi mới có cặm le hoe vài cây nhang. Nó cũ mèm khập khễnh và mục rệu, trèo lên đó để mà té lộn mèo à? Vậy mà các tay chủ nợ hễ mở miệng ra là hăm siết đồ đạc, đòi leo ỉa trên bàn thờ, anh biểu tôi nín cười sao được?
            Tôi và anh Thơm vịn vào nhau cười khúc khích một lúc. Đoạn anh nói:
            - Cuộc đời như thế là có phần lên hương nói theo điệu tụi mình bây giờ. Sự lên hương cụ thể là chị Nhang tôi sắm được một cái lược cài bằng mũ làm cho mái tóc ổ quạ của chị ngay ngắn, suôn sẻ. Phần tôi thì ngoài hai cái quần tiều vải hột dền, tôi có thêm một cái áo thun lá. Một hôm vào giữa bữa cơm chiều, ba tôi nói rằng kỳ nhập trường năm tới, dầu trả hết nợ hay chưa, ổng cũng cho tôi đi học. Ổng nói phải kiếm ba hột chữ làm vốn, sau này mới ngóc đầu lên nổi với người ta. Tôi khoái chí vô kể. Tôi đang thèm được đi học. Ngoài chuyện ham biết chữ, tôi còn ức lòng vì nhiều cái thiệt thòi lặt vặt do mình không phải học trò. Thí dụ như trong hội banh bưởi xóm Đất làng, tôi là tay đá cừ  nhứt. Vậy mà mỗi khi hội này lên sân Miễu bà đá với tụi con nít xóm Miễu bà thì tụi học trò trên đó cứ một một hai hai đòi giạt bỏ tôi ra vì tôi không phải học trò. Tụi học trò Đất làng sợ không có tôi thì đá thua kèo nài cách gì cũng không được. Mùa khô năm tới, tụi học trò Miễu bà sẽ biết tay tôi trong vụ đá banh bưởi. Tôi hậm hực và nôn nao nghĩ thế.
            Chiều bữa đó, lúc xách chai vô quán mua dầu hôi, tôi biểu con Lìn, con của chú Dùng chủ quán lấy bán cho tôi một quyển vở có gạch hàng sẵn. Trong lúc nó ngạc nhiên, tôi cầm quyển vở đưa lên mũi ngửi mùi thơm của giấy mới rồi đưa trả lại cho nó nói rằng mai mốt sẽ mua bữa nay quên đem tiền. Con xẩm con xấc xược mỏ nhọn hoắc này trề môi nghuýt tôi một cái theo điều kẻ có của khinh thị nhà nghèo. Nhưng tôi không giận nó. Mùi thơm của giấy mới làm cho tôi vui. Tôi thích mùi thơm này trong dịp chị Nhang tôi, nhân đi chợ bán rau mua vở giùm chị Ngâu, bạn của chị cũng là con gái nhà nghèo xóm Đất làng nhưng khá hơn chị em tôi được đi học. Trong khi chị Ngâu chưa đến lấy vở về, tôi cầm nó săm soi chơi và nghe mùi thơm của nó hấp dẫn quá.
            Thế nhưng … cái mộng làm học trò của tôi không thành. – Giọng nói của anh Thơm trầm xuống và thoang thoảng đượm buồn. – Tôi không ngóc đầu được bằng cách kiếm ba hột chữ làm vốn như ba tôi mơ ước. Tai nạn lớn đến với gia đình tôi sau đó không đầy ba tháng. Tôi còn nhớ rõ hôm ấy là một buổi chiều trời giông lớn. Ba tôi đau nằm nhà đã ba bữa rồi. Từ khi phải leo dừa nhiều, lâu lâu ổng phải nghỉ vài hôm như vậy vì quá mệt. Lần này không phải chỉ có mệt mà ổng đau thật. Tôi để ý nghe về khuya trời lạnh, ổng có khúc khắc ho. Hôm qua chị Nhang tôi đi chợ có bổ về một thang thuốc tức để ngâm rượu theo toa của ông già Mười, tay leo dừa cừ nhứt trong xóm nay đã giải nghệ. Ba tôi mới uống có vài ly nhỏ và khen thuốc hay. Vào khoảng ba giờ chiều chị tôi đi rọc lá chuối tươi và hái rau để mai đi chợ bán vẫn chưa về tới. Trước khi đi, chị dặn tôi rất gắt, biểu phải ở nhà với ba đừng bỏ đi đâu hết. Tôi nôn nao trong bụng vì hôm ấy tôi gài bẫy chim tuốt ngoài ruộng cồn sát bờ sông, ở đó có mấy đám lúa sớm vừa chín tới, chim nhiều lắm. Thấy mặt trời mỗi lúc một xế, ruộng cồn thì xa, tôi đánh liều cãi lời chị tôi ra đi. Lúc đó ba tôi đắp chiếu nằm trên chõng coi bộ ngủ ngon. Vả lại chị tôi chắc cũng sắp về tới thôi, tôi nghĩ vậy để yên lòng. Hôm ấy, giàn bẫy cò ke của tôi dính một lúc ba con chàng nghịch và một con cúm núm trống rất lớn, thật mập, ức bầu tròn. Bán ba con chàng ngịch thôi, con cúm núm để lại cặp gắp nướng cho ông già ổng nhăm nhi với rượu thuốc thì hạng nhứt. Tôi khoái chí nghĩ vậy và ca hát lên tầm bậy tầm bạ vang rân.
            Giữa lúc ấy chị Nhang tôi từ mé vườn chạy ra, vừa chạy vừa khóc bù non bù nước, tóc tai rối nùi, con mắt đỏ chạch. Khi đến gần chị ôm tôi bệu bạo nói: “Em ơi, ba té dừa chết rồi”! Tôi điếng hồn chết lặng đi. Tôi không nhớ rõ là tôi có khóc liền khi ấy hay không. Tôi buông cho mấy con chim chưa kịp trói lủi mất trong lúa rồi chị em tôi dắt nhau chạy về, vừa chạy vừa khóc. Cái đau khổ đột ngột quá mức làm tôi quên cả ngạc nhiên. Mới tức thời đây hồi tôi sửa soạn đi thăm bãy, ba tôi còn nằm đắp chiếu đằng nhà kia mà.
            Ba tôi chết như thế nào? Anh cho phép tôi không nói kỹ nhé. Rùng rợn lắm! Ổng hộc máu nằm co quắp dưới gốc một cây dừa lão cao trật ót, lúc bấy giờ cơn giông to còn đang lắc qua lắc lại làm đòng đưa mấy cái ổ chim dồng dộc đứng dưới đất nhìn chỉ thấy bằng bụm tay thôi.
            Đầu đuôi như vầy: hôm ấy ghe lò dầu ngoài chợ vô chở dừa của thằng cha hương quản Xung, đương kiêm chánh hương quản, chủ thớt vườn chỗ ba tôi nằm chết đó. Dừa y đã bẻ xong chỉ còn lại mấy chục cây dừa lão hụt sào thuộc về phần ba tôi leo bẻ theo lệ thường nhưng vì đau nên ổng chưa bẻ kịp. Tên hương quản Xung đến tận nhà thấy ba tôi đau rõ ràng nhưng bắt ổng cứ phải leo bẻ liền chiều hôm ấy để ghe lò dầu chở luôn một chuyến. Ba tôi năn nỉ nói trong mình ổng yếu lắm mà trời lại giông lớn sợ leo không nổi. Y không nghe, bảo rằng nếu không bẻ lứa này thì từ lứa sau trở đi, y để cho dừa khô rụng xuống mà lượm không thèm mướn nữa. Y còn hăm he làm khó dễ về vụ cất chòi trên Đất làng không đóng tiền thổ cư, về món nợ ba tôi thiếu y từ hồi má tôi chết tới bây giờ trả chưa hết. Anh biết chớ, chánh hương quản thời đó là thứ tề thét ra lửa muốn thộp ngực dân nghèo đóng trăn giờ nào cũng được. Vì vậy ba tôi phải chết rùng rợn như thế đó.
            Anh Thơm dừng lại, thở ra một cái dài rồi nói tiếp: “Cái thân phận đắng cay đau khổ của người nghèo trong xã hội có giai cấp, ai ai cũng có thể biết. Nhưng có những người – nói xin lỗi anh nhé, trong số những người này có là có anh – ngay trong đội ngũ chúng ta vẫn có những người chỉ được biết nó qua sách vở, phim, tuồng, tiểu thuyết hoặc có biết trực tiếp trong cuộc sống thì cũng qua cảnh ngộ của người khác, biết bằng trí tuệ đã mở mang già dặn của con người.            Còn tôi, tôi biết nó bằng trái tim non nớt dại khờ của một đứa trẻ thơ tám tuổi, biết trong đôi mắt trắng dờ, trợn ngược trong dòng máu đỏ bầm từ khóe miệng giập nát chảy dài xuống làn da ngực trần trụi không có áo đen đúa sần sùi dính đầy bụi bậm của ba tôi nằm chết co quắp tại gốc dừa của một tên điền chủ”.
            Mấy tiếng sau cùng, anh Thơm nói trong sự bệu bạo. Anh bậm môi mà nước mắt chảy ròng ròng. Tôi không dám nhìn, tôi day mặt qua phía khác lắng nghe anh hỉ mũi trong khăn mà đôi khóe mắt cũng rưng rưng cay.
            Thơm im lặng chừng ba phút. Khi nói tiếp, giọng anh điềm đạm trở lại:
            - Sau ngày ba tôi chết, hai chị em tôi đến ở đợ cho gia đình hương quản Xung để trừ nợ. Nợ bao nhiêu? Ở đợ tới chừng nào mới trừ hết? Chị em tôi không biết mà cũng không có ai phân xử giùm chuyện đó. Năm ấy tôi tám tuổi, chị Nhang tôi mười hai tuổi. Mấy năm đầu chị em tôi bị đòn liên tu vì chưa có kinh nghiệm ở đợ. Tự thuở giờ, tuy là bữa đói bữa no, mang chài mang lưới, nhưng chị em tôi ít khi phải tủi thân. Ba tôi nghèo mà cưng con dữ lắm. Bây giờ thì đòn bộng lu bù như cơm bữa. Chuyện gì cũng làm cho chị em tôi bị đòn được: dừa rụng ngoài vườn bị con nít lối xóm lén lượm, chuồng hốt không sạch, trâu ăn đói, vịt con lội dưới mương bị lươn rút, gà nòi sút bội rượt mái tuôn hàng rào gãy cựa, v.v … Ngán nhứt là mấy con gà nòi. Hương quản Xung là tay chơi gà nòi nổi tiếng trong vùng vì tính giảo quyệt gian hùng, vì sự nhạy bén sành sỏi về khoa xem sắc lông, vẫy cựa tướng mạo, chủng loại, dòng dõi của từng con gà dù là gà lạ ở xứ xa đem tới. Y cưng gà ngang với cưng con. Lần nọ, một con gà con nhảy vô vịm nước cơm sôi do chị Nhang tôi đang chắt, chết phỏng ngay lập tức. Chị tôi biết gà nòi chết là tai nạn lớn, điếng hồn buông nồi cơm rơi xuống đất bể nát. Thế là hai trận đòn một lúc. Vợ hương quản Xung đánh về tội làm bể nồi cơm, y đánh về tội làm chết gà. Chị tôi vừa lãnh một chục cán chổi mây lằn ngang lằn dọc trên lưng mới lồm cồm ngồi dậy liền bị tên hương quản Xung dộng cho một đá như đá banh rồi xách giò quăng xuống ao cá tra. Kỳ đó nếu không nhờ có ông già Mười đang dẫy cỏ ngoài sân nhảy xuống vớt thì chị tôi chết luôn rồi.
            - Quân ở ác thiệt! Tôi chép miệng nói.
            - Ác nhưng ít vô lý, Thơm tiếp. Tôi bị đòn nhiều trận vô lý ngoài sức tưởng tượng kia. Như lần nọ tôi đang ngồi bện con cúi rơm để tối giữ lửa ngoài chuồng trâu bỗng nhảy nhổm vì nghe đau nhói ở lưng. Tôi quay lại nhìn, té ra thằng con trai của hương quản Xung nhỏ hơn tôi vài tuổi lén lén từ phía sau dùng một cái gai trâm bầu gạch lên lưng tôi để tôi nhảy nhổm cười chơi. Thằng nhỏ này và chị nó đi học ngoài chợ tỉnh ngày nghỉ mới được rước về chơi. Hai chị em nó mê cưỡng lắm và thường biểu tôi kiếm ổ cưởng bắt cưỡng con về nuôi. Tôi cũng thích như vậy để có cớ đi rong chơi đỡ làm công việc nặng giờ nào hay giờ nấy. Hôm nay có lẽ nó cũng ra chuồng trâu kiếm tôi để biểu tôi đi bắt cưỡng. Tôi nghĩ vậy và đặt điều nói láo rằng tôi mới thấy cưỡng mẹ tha mồi bay về phía đất làng. Nhưng thằng nhỏ không chú ý đến chuyện cưỡng tha mồi. Nó nhìn cái lưng mốc cời, đen trại của tôi rồi hô lớn: “Á ngộ, chị ơi, mau ra chỉ cái này coi, hay lắm”. Khi chị nó ra tới nó vừa nói vừa gạch thêm trên lưng tôi: “Chị coi nè, ngộ ghê chứa? Cái lưng thằng Thơm nó y như là tấm bảng đen của mình vậy. Mà viết khỏi cần phấn, viết bằng gai trâm bầu cũng được nữa!”. Rồi hai chị em nó biểu tôi khum xuống, ngồi im, giữ cái lưng cho ngay ngắn để chúng nó viết chữ, viết số làm toán, vẽ hình cười chơi với nhau. Ngán nhứt là những cái dấu nặng và dấu chấm trên đầu chữ  i. Anh nghĩ coi, lưng mình đóng phèn và đóng hờm chớ có phải bọc sắt đâu mà nó nhấn bằng gai trâm bầu nhọn lểu, da thịt nào mà chịu cho thấu? Tôi đau quá năn nỉ không được, đành phải tuôn chạy. Hai chị em nó giẩy đông đổng rồi lăn ra nằm vạ kêu mét má. Thế là tôi bị kêu trở vô, bắt cúi xuống.

            Cho tới chết không thể nào tôi quên được cái bản mặt tàn ác của con mẹ hương quản Xung: mét chằn mét ưởn như mặt gà mái ấp, con mắt có quầng sâu hóm bởi tháng nào cũng nhào lăn dưới đất vì ghen với đám vợ bé của chồng cỡ bốn năm lần. Hình như y ghen chồng rồi đánh mình cho lợi gan y vậy. Y nói năm roi là năm roi, mười roi là mười roi, đừng mong xin bớt được. Y đánh rất khoan thai chăm chỉ, roi nào đáng roi nấy, mà hễ né hoặc đưa tay đỡ một cái thì dù roi đó là roi chót cũng xù bỏ hết, đếm lại từ đầu cho đủ số. Lại thêm cái giọng bà chằn lửa, khao khao the thé của y nữa. Phật nghe y nói cũng tức trào máu luôn. Y nhịp nhịp đầu roi trên mông tôi hỏi gằn: “Cha chả! Tấm da lưng dầy cui như da sấu của mày đó, bộ nó quý giá lắm hả? Thứ em nó vẽ nó chơi chút đỉnh vậy mà cũng làm bộ, làm tịch. Nè, tao đánh cho ráng mà nhớ, từ rày phải bỏ biệt cái thói đó nghe chưa?”
            Anh Thơm nhái cái giọng the thé của con đàn bà hung ác ấy rất tài tình và nghe rất tức cười. Nhưng tôi không cười. Tôi nghe như có ai dằn lên ngực tôi một phiến đá. Tôi thở ra lắc đầu. Có lẽ thông cảm điều ấy, anh Thơm nói tiếp:
            - Những chuyện như vậy tôi có thể kể hoài còn hoài, thôi mình tóm lại cho gọn anh nhé! Cuộc đời ở đợ của chị em tôi kéo dài ba năm trong cảnh đó thì chị Nhang tôi chết. Lúc ấy chị mười lăm tuổi mới bắt đầu trổ mã con gái trong xóm ai cũng khen là ngộ nghĩnh dễ thương. Nói tốt cho chị mình nghe kỳ thật, nhưng chị Nhang tôi quả là một người con gái tuy nghèo mồ côi mồ cút ở đợ cho người ta nhưng dòm chị sáng sủa dong dải chớ không có u trệ tối tăm. Nhiều gia đình xóm Đất làng khi rầy con gái ưa nêu chị tôi ra làm gương: “Sao tụi bây không đạp cứt con Nhang giùm tao một cái để tao nhờ? Con gái người ta chết cha chết mẹ, ở đợ ở đần cho thiên hạ ăn nhờ miếng cơm mà lúc nào cũng vén khéo dễ coi, bước ra vườn vườn sạch cỏ, trở vô bếp sạch tro, rớ tới đâu ngăn nắp tới đó, ăn nói với người lớn biết khuôn biết phép. Ai như bây vậy, chồng ngồng cái đầu rồi mà ăn rồi chỉ biết bẹo hình, bẹo dạng, v.v …”. Mà chị Nhang tôi siêng năng, sạch sẽ có sáng kiến và khéo tay thiệt. Một cái áo cũ rách tả tơi, chị chầm khíu lại coi cũng sạch sẽ, dễ thương thấy muốn mặc. Mỗi lần chị đi đâu về, luôn luôn là có món gì để tôi mừng: một cái hộp nhỏ rất xinh để dựng dế, những tấm hình trong bao thuốc lá, vài cái nút chai, một miếng ruột xe hơi để tôi sửa lại cặp giàn thu đứt, … Chị rất cưng em, ngọt ngào với tôi, giấu đút từng đồng xu để lén mua bánh cho tôi, thảo ăn với tôi từng chút canh thừa cá cặn nhưng cũng rất chú ý đến chuyện dạy dỗ tôi. Chị dạy tôi thấy ai ăn bánh đừng dòm miệng, thấy ai có món gì tốt đừng trầm trồ quá mức, đừng tỏ ra ham muốn, người ta khinh. Hàng năm đến cuối tháng chạp chị dắt tôi về nền chòi cũ ở Đất làng để quét mộ ba má tôi. Trong từng cử chỉ nhỏ như dằn tờ giấy vàng bạc lên đầu mộ, cắm ở đó mấy cây nhang bên cạnh vài cái bông trang rừng hay bông mua, tôi thấy ở thái độ sùng kính tôn nghiêm của chị tôi một cái gì rất là “người lớn”. Cái gì đó dạy tôi về hiếu thảo, dạy tôi làm người, che chở tôi trong đời sống với tấm lòng trẻ thơ, tôi cảm thấy rõ ràng như vậy.
            Nhưng tiếc thay, chị tôi không sống lâu để dạy dỗ, che chở tôi. Chị bỏ tôi mà đi sớm quá. Chiều hôm ấy, khi tôi lùa trâu về thì vợ hương quản Xung chuẩn bị chở lúa đi chà ở chợ quận. Cỡ vài tháng, gia đình ấy chở lúa đi chà một lần như vậy. Theo lệ thường, ông già Mười chèo ghe, chị tôi theo lo cơm nước, phụ cất lúa lên, đem gạo xuống. Lúc ghe lui, chị dặn kỹ tôi trước khi lên gác chuồng trâu ngủ phải gầy một đống un lớn kẻo khuya muỗi cắn. Có chị ở nhà khuya nào chị cũng xúc thêm trấu đổ vào đống un. Chị sợ tôi ở nhà một mình ngủ quên. Chị nói nhỏ thêm rằng kỳ này chị sẽ mua cho tôi một cái bánh con cá. Đó là thứ bánh dẹp bằng bột gạo nướng có pha đậu xanh hình dáng bằng một con cá rô lớn, mắt và vẫy vẽ bằng phẩm đỏ, miệng ngậm một sợi dây gai cũng nhuộm đỏ, mình có thể máng vào ngón tay cầm chơi được. Quán chú Dùng, tía con Lìn không có bánh này, dưới chợ quận mới có bán. Chị Nhang tôi đoán biết tôi muốn cái bánh con cá lâu lắm rồi mà không dám đòi. Chiều mai tôi sẽ cầm nó trong tay. Tôi thiếp đi và gặp nó trong giấc ngủ. Tôi cầm chơi đã thèm, để nó bên cạnh, chừng trở mình thức giấc sợ đè nó nhẹp lật đật quơ tay sờ soạng thấy trống không mới biết là mình nằm chiêm bao và bẽn lẽn cười một mình.
            Cái bánh con cá do chị tôi mua cho tôi chỉ có trong chiêm bao thật. Chiều hôm sau, nước vừa nhửng lớn tôi đã có mặt ngoài vàm rạch. Tôi có lý do lùa trâu về chuồng sớm để ra bến phụ cất gạo lên. Ghe quẹo vô rạch tôi nhìn không thấy chị Nhang tôi mà chỉ có một mình vợ hương quản Xung ngồi trên đống bao. Đằng sau lái, ông già Mười vừa lột quai chèo để chống, vừa nhìn tôi mặt mày buồn hiu. Vừa thấy tôi, vợ hương quản Xung cất cái giọng khao khao, the thé của y lên:
            - Chị mày bà thủy rước rồi. Ai đời con gái mười bốn mười lăm tuổi mà ngồi ghe cộ không nết na gì hết. Lao chao lất khất để cho lọt xuống sông, thiếu chút nữa là chết chìm cả đám. Cái quân của bây thiệt là quân báo hại mà!
            Ban đầu tôi tưởng y nói giỡn. Có lẽ máy chà bị hư, lúa cất lỡ lên rồi, chị tôi phải ở lại giữ. Tới chừng ông già Mười cho biết chị tôi rớt xuống sông chết chìm thiệt rồi, tôi mới nhào lăn xuống đất giẫy tê tê mà khóc rống lên. Hồi ba tôi chết, tôi không có khóc dữ dội như vậy. Tôi lăn tròn trên mặt đất, kêu tên chị tôi cả xóm nghe lồng lộng cho đến khi tắt tiếng không kêu được nữa, rồi lịm luôn trên bờ rạch. Ông già Mười ẵm tôi về gác chuồng trâu ngủ luôn với tôi đêm đó. Tôi bỏ liều cơm nước đến ba bốn bữa liên tiếp mà không biết đói khát. Mắt tôi sung híp. Tôi khóc hoài, mệt quá thì thiếp đi, tỉnh dậy lại khóc nữa. Sau cùng tôi kiệt sức chỉ còn rên nhỏ nhỏ. Không có ông già Mười dỗ dành săn sóc chắc tôi chết mòn theo chị Nhang tôi luôn rồi.
            Theo ông nói lại thì chị tôi rớt xuống sông nhằm chỗ bùng binh rộng minh mông tại ngã tư sông Ba Lai và kinh Chẹt Sậy. Vùng đó có mấy chỗ nước xoáy nguy hiểm lắm, chắc anh biết. Hồi xưa tàu đò Đồng Sanh chìm ở đó, hơn một trăm hành khách chỉ còn sống sót có hai người. Vì gió thổi mạnh mà củi lại ướt nên chị tôi nấu cơm sống. Vợ hương quản Xung, sau khi đánh chị hai bạt tai xiểng niểng còn chụp một thanh củi để đập bồi thêm. Thanh củi lớn quá, chị bị đập một cây liệu bề chịu nữa không thấu hoảng hồn lùi lại quơ tay ra sau, định chụp be ghe nhưng chụp hụt mới lộn nhào xuống sông. Tội nghiệp ông già Mười, ông lật đật buông chèo nhảy xuống liền tay nhưng nước cuốn chị tôi đi nhanh quá, sức già ổng theo không thấu. Phần thì vợ hương quản Xung sợ nước xoáy hút chìm ghe cứ la làng bài hãi. Y nói chị tôi báo hại là báo hại cho y sợ như vậy đó. Chị tôi có trồi lên mặt nước được hai lần. Lần đầu kêu ông Mười được một tiếng, lần sau vừa trồi lên là chìm xuống liền, ông Mười chỉ nhìn thấy tóc thôi rồi nước cuốn đi luôn. Nghe nói mà đứt từng khúc ruột.
            Cho tới bây giờ tôi không hiểu nhờ đâu mà hồi đó tôi nguôi ngoai được sự nhớ thương đau khổ để sống một mình không có chị Nhang tôi. Một hai năm trời sau đó, những đêm thức giấc giữa khuya, tôi vẫn chưa mất thói quen sờ soạng tìm hơi ấm của chị tôi nằm bên cạnh. Những khi ấy, chiếc chiếu rách tôi đắp một mình sao mà lạnh vô cùng, tiếng con vạc sành gáy ngoài vườn sao mà buồn vô hạn! Nhiều lần, nhân khi xách nước, tôi thọc đầu vào lu cho đến khi sặc sụa, lùng bùng lỗ tai, uống nước ừng ực tưởng chừng rằng như vậy tôi chia xẻ với chị tôi cái ngộp trong lúc chết chìm. Vài lần khác, tôi mua cả xâu bánh con cá, lớp ăn, lớp cầm chơi rồi bỗng nhiên òa lên khóc mướt một mình trên lưng trâu giữa đồng vì chợt nhớ rằng dù tôi giàu có muôn xe, mua về mấy triệu cái bánh con cá thì vẫn không có cái bánh nào của chị tôi mua cho …
            - Tiền đâu mà anh mua bánh vậy?
            Tôi xen vô hỏi. Hỏi xong tôi thấy mình hỏi vô duyên quá. Nhưng tôi cần phải hỏi cầm chừng một câu cho có hỏi mong làm tan đi phần nào lớp sương mù của sự bùi ngùi, sự mủi lòng cao độ đang phủ kín tâm hồn tôi. Trong đời, tôi chưa hề có một người bạn nào mà tuổi thơ quá đỗi giập bầm, buồn thảm như tuổi thơ của anh Thơm.

            - Ờ, tôi có tiền chớ! Thơm đáp nhanh. Sau đó tôi đâm liều anh à. Người nhà hương quản Xung, bất kỳ ai, hễ chửi tôi, tôi cự lại. Biểu cúi, tôi không cúi; đánh tôi, tôi chạy. Rượt kịp thì đánh, rượt không kịp tôi chạy mất. Chiều lại vui thì về, buồn thì tấp theo mấy thằng bạn chăn trâu xóm Đất làng ngủ với tụi nó chơi. Tôi thường bỏ trâu lêu lỏng đi đá banh, đánh trổng, thải đáo lạc, mổ đáo tường. Môn nào tôi chơi cũng giỏi, nhứt là thải đáo lạc. Ngoài cái tên “thằng Thơm đất làng” tôi có thêm một biệt danh nữa là “thằng Thơm cạnh hồi”. Anh biết thải đáo lạc chớ?
            - Biết. Hồi nhỏ tôi chơi môn đó cũng khá. Tôi biết miếng “cạnh hồi”. Tức là mình vừa thải vừa xoay tròn đồng xu và canh cho nó chạm mặt đất theo chiều nghiêng của bề cạnh để nó quành lại chớ gì?
            - Đúng. Nhưng thải cạnh hồi thì dễ thôi, ai thải cũng được. Đằng này tôi chọi cạnh hồi mới ác chớ. Thí dụ một hàng xu nằm theo chiều dọc, tụi nó chỉ chọi đồng xu giữa anh làm sao? Chọi trúng cũng dễ nhưng thế nào đồng xu bảng của anh cũng lết chạm những đồng xu khác và như vậy là huề. Chỉ có một cách là chọi đồng xu bảng chỗ khác rồi canh cho quành lại cán ngang đồng xu chỉ định theo miếng cạnh hồi thì mới ăn thôi. Mà nên nhớ là chọi chớ không được thải nhé, kiểu như thụt mọt-chê phải thụt vồng cầu vậy mà. Ờ … chỗ này có chuyện cũng ngộ. Là hồi chín năm lần đầu tiên đơn vị tôi lấy được của Tây cây mọt-chê 81 nhè vớ nhằm cây súng hư cái thước ngắm. Lúc bấy giờ thằng Hạo trong tiểu đội là bạn chăn trâu xóm Đất làng của tôi hồi nhỏ, nói: “Điệu này, có môn giao cây súng cho thằng Thơm để nó thụt theo miếng cạnh hồi của nó, chớ ông vãi ai biết đường nào mà thụt?” : Đạn thì mình chốp vỏn vẹn có một cặp thôi. Vậy mà tôi cũng uống mật Gấu thụt tưới hột sen. Có lẽ nhờ vong linh tử sĩ phò hộ, tôi “nhiểu” một phát một lọt ngay chóc vô cái lô-cốt cầu đình sập tan tành. Tôi nghĩ: nếu thiệt tình thụt mọt-chê mà cũng có cái miếng “cạnh hồi” như thằng Hạo nó nói giỡn thì ông cố nội thằng Tây lơ cũng phải “lơ” luôn rồi ôm đầu máu chạy về Huê-kỳ gấp …
            Tôi và Thơm cùng cười. Cái bùi ngùi khi nãy tan đi một phần theo cái vui bất ngờ của câu chuyện. Thơm ngồi dậy vấn thuốc hút rồi nằm xuống nói tiếp, giọng tràn đầy nhiệt tình:
            - Trở lại vụ kiếm tiền. Tôi dùng miếng đáo lạc cạnh hồi lắc túi bọn con nít từ đầu trên đến xóm dưới, lấy tiền mua bánh bao tụi chăn trâu xóm Đất làng ăn đã thèm. Có những thằng nhỏ con nhà giàu, nhiều bữa thua đậm quá, sợ về bị đòn năn nỉ tôi cho bớt tiền lại. Tôi bắt chúng nó cụng trán vô gốc dừa, cứ cụng mười cái tôi cho lại một đồng xu, cụng thiệt mạnh, cụng nhẹ tôi không đếm. Có thằng cụng u đầu cái trán đỏ lơ đỏ lưỡng, bọn chăn trâu Đất làng tụi tôi vỗ tay cười khoái chí vô kể. Nên nhớ là trước đó trong gia đình hương quản Xung, tôi không được phép có tiền công khai. Lâu lắm chị Nhang tôi mới cho được một xu mà tôi giữ đồng xu đó gian nan lắm chớ không phải dễ. Tôi để nó lên mặt cát, dùng gót xoay tròn cho nó vàng ánh sáng trưng rồi xỏ nó vô sợi dây lưng quần xà lỏn bỏ vô phía trong. Chỉ khi nào ở chỗ vắng người tôi mới dám cầm nó ra săm soi, còn ở nhà thì lâu lâu mới lén nới lưng quần dòm nó một lần. Bây giờ thì tha hồ. Tôi có cả cọc xu xỏ thành từng xâu dài nhằng đeo tòn teng trên cổ chơi nghinh ngang không ngán ai hết. Ngoài nghề đáo lạc tôi còn nhiều cách khác để kiếm tiền. Mùa nước tôi câu nhấp, câu giăng chỉa ếch. Mùa khô tôi câu trộm đìa rọt, làm hầm bắt cá cạn, rập cu, gài bẫy chim. Có cá lớn chim ngon, tôi xách đi bán công khai. Nhiều khi tôi xách về nhà hỏi hương quản Xung coi có mua hay không rồi mới đem xuống quán chú Dùng gởi bán. Tuy không nói ra, hình như vợ chồng hương quản Xung ngạc nhiên công nhận rằng thì giờ của tôi, tôi tự do sử dụng, miễn làm tròn nhiệm vụ chăn trâu thôi. Sự nhượng bộ này đánh dấu bằng một chuyện rất đáng nhớ. Hôm ấy, thằng con trai của y giở mửng cũ biểu tôi khum xuống để nó lấy gai vẽ trên lưng chơi như mọi khi. Tôi bước ra chuồng trâu ngoắc nó: “Mày ngon thì ra đây. Giết ba tao, giết chị tao chưa vừa bụng hay sao mà còn hành hạ tao nữa? Mày dám ra đây coi tao có dám thí mạng với mày hay không cho biết”. Gương mặt tôi lúc ấy không rõ như thế nào mà thằng nhỏ điếng hồn đứng chết trân ở ngạch cửa không dám bước tới. Tôi vừa nói vừa bỏ giò lái hễ nghe má nó rút roi thì vọt gấp. Nhưng má nó vẫn làm thinh. Một lát sau, tôi vô nhà dò sự tình. Con mẹ hương quản Xung nói với tôi có vẻ ngọt ngào: “Thơm à, em nó còn nhỏ dại nó đòi chơi tầm bậy mày rầy nó còn được, mày gieo tiếng dữ làm chi vậy không nên”. Tôi quay lưng đi còn quay lại nói: “Tôi nói thiệt mà thím”. Y day mặt phía khác làm thinh luôn.
            Chừng một tháng sau tôi rõ nguyên do của thái độ đấu dịu này. Ông già Mười thủ thỉ nói cho tôi biết rằng hôm rằm tháng bảy vợ hương quản Xung bắt ông chèo ghe đến một ngôi chùa nào đó xa lắm mướn thầy chùa tụng kinh giải oan cho vong hồn chị Nhang tôi. Y tin rằng con gái còn trinh mà chết tức tưởi oan ức như vậy, vong hồn không chịu đi đầu thai, cứ vật vờ theo mây gió mà vấn vít những ai ở ác với họ. Chớp được chỗ yếu này tôi bèn được mọi khai thác thêm. Bữa nọ tôi đang ngồi sửa cần bẫy thì thấy dạng vợ hương quản Xung sắp đi ngang. Tôi buông cần bẫy dựa vào cột chuồng trâu giả đò ngủ. Tôi nói láp váp giọng mếu máo như khóc: “Không sao đâu chị à, chị đừng lo, không ai dám ăn hiếp em đâu”. Cứ nói hoài như vậy theo giọng của người ngủ mớ. Y kêu tôi giựt ngược: “Thơm, Thơm! Mày nói cái gì tầm xàm tầm đế vậy Thơm?”. Tôi mở mắt giả bộ ngơ ngác một lúc rồi đáp: “Chị Nhang tôi hiện hình về” – “Úy trời, thiệt hả?” – “Dạ thiệt chớ!” – “Nó nói gì?” – “Chỉ hỏi có ai ăn hiếp tôi không hễ có thì nói cho chỉ biết”. Tôi thấy xanh mặt mà nhịn cười muốn lộn ruột.
            Nói cho ngay, cũng đỡ khổ chút đỉnh vậy thôi. Cái thân ở đợ vẫn cứ là ở đợ cho đến tháng tám năm bốn lăm mình cướp chánh quyền. Năm đó tôi mười lăm tuổi.
            Bữa bao nhà vây bắt hương quản Xung, vì thông thạo cửa nẻo, tôi nhào vô trước hết để hướng dẫn mấy anh Thanh niên tiền phong. Tụi thằng Hạo, thằng Bầu xóm Đất làng kêu tôi vang rân: “Ê, coi chừng đừng có nóng mũi nhào ẩu vô nó bắn đổ ruột à mày, Thơm. Hôm qua nó mới nộp có cây súng hơi thôi, còn cây súng hai lòng nữa mày quên sao?”.

            (FM) tôi cũng không ngán. Chắc anh còn nhớ chớ? Hồi đó mình hăng lắm có biết sợ chết là cái gì đâu …Tôi làm sao quên được cây súng hai lòng của thằng cha hương quản Xung? Cái báng của nó đã từng khệnh vô cần cổ tôi kia mà! Lần đó y bắn le le trong Bàu năng. Tôi thấy y bắn trật lất, sáu con le le cất cánh bay bổng đủ sáu. Vậy mà y nói có chết một con, bắt tôi lặn mò đỏ chạch con mắt, còn chê tôi mò dở khệnh tôi một báng súng muốn trẹo bản họng. Nhưng giả tỉ lúc bao nhà, biết nó có một cây “ép”  
            Sau độ một phút im lặng tôi hỏi anh Thơm:
            - Còn vụ uống nước?
            - À … anh không nhắc thì tôi quên mất rồi. Hồi nãy, lúc kể chuyện đòn bọng của thời kỳ ở đợ, vì muốn rút ngắn nên tôi đã “nhận lớp” làm mất đi một màn quan trọng có dính dấp tới cái tài uống nước của tôi làm đầu đề cho anh gợi tôi kể chuyện. Đó là những cuộc trấn nước. Nhắc lại là hồi ấy ngoài những kiểu hành hạ thông thường mà những đứa nhỏ ở đợ chăn trâu khác phải nếm trải, thỉnh thoảng tôi còn bị hương quản Xung nắm hai giò thụt xuống ao cá tra cho uống nước. Trong mấy năm ở đợ tôi bị cả hai mươi trận như vậy. Tôi còn nhớ mãi cái lần bị trấn nước sau cùng. Lần đó, đúng là tôi bị tra tấn để hỏi tội chớ không có phạm tội gì hết. Thằng con hương quản Xung mất cái hộp tiền, nội nhà ai cũng hồ nghi tôi ăn cắp, dĩ nhiên là trừ ông già Mười. Vậy là tôi bị nắm giò thụt đầu xuống ao cá và được cho biết trước là sẽ bị trấn nước hoài cho đến khi trả lại hộp tiền. Kỳ đó, không có thằng nhỏ chắc tôi chết luôn. Ban đầu nó cười như mọi khi, lần lần nó không cười nữa và sau cùng thấy tôi đuối sức, nghe tôi kêu khóc nó cũng khóc theo và khai thiệt rằng hộp tiền của nó không có mất. Lâu quá nó không thấy tôi bị trấn nước và muốn xem lại trò chơi đó cho vui không ngờ nghe đến vụ ăn cắp tiền ba nó nổi nóng trấn nước tôi dữ dội đến như vậy. Lần đầu tiên tôi nghe hương quản Xung nạt con và tỏ vẻ hối hận, biểu ông già Mười mau mau đốt lửa lên hơ tôi. Từ đó màn trấn nước chấm dứt. Tưởng đâu chấm dứt luôn, ai dè …
            Anh “Thơm râu rồng” ngừng nói. Tôi cũng im lặng biết rằng sau khi gợi lại những hình ảnh đau thương của một thời thơ ấu quá đỗi giập bầm như thế, con người dù quả cảm đến đâu cũng khó tránh khỏi phải trải qua đôi phút bùi ngùi. Quả nhiên sau một hồi im lặng, giọng nói anh Thơm trở nên trang trọng xa xôi:
            - Anh là người đầu tiên mà tôi kể cho nghe thời thơ ấu của tôi một cách có ngọn ngành. Trong quãng đời đó có câu chuyện cưỡng bách tập uống nước, không ngờ khi mình lớn lên nó lại có ích cho mình trong tình huống ngặt nghèo này. Nếu nói đó là kinh nghiệm như anh hỏi hôm nào, thì tôi nghĩ đây là thứ kinh nghiệm đắng cay chua xót quá, chắc không ai muốn có những kinh nghiệm như vậy trong đời mình. Nhưng riêng có một điều này tôi thấy cần nói rõ cho anh nghe, nó có phải là kinh nghiệm hay không tùy anh suy nghĩ. Là mỗi khi kẻ thù dùng cực hình hành hạ tôi – bất cứ kiểu nào chớ không riêng gì đổ nước – thì luôn luôn một số hình ảnh hiện ra trong đầu tôi: ba tôi hộc máu nằm chết dưới gốc dừa lão của tên hương quản Xung, chị tôi bị vợ y đập bằng củi từ trên ghe nhào xuống sông chết chìm, tôi bị y nắm giò thụt đầu xuống mương cá tra cho uống nước … Những hình ảnh đó động viên tôi vượt qua tất cả để sống, chiến đấu và trả thù … không phải hận thù riêng lẻ đối với một đôi người riêng lẻ, điều này chắc là anh dư biết … Dĩ nhiên, còn nhiều hình ảnh khác nữa có thể không đậm đà bằng nhưng lại thiêng liêng hơn trong trái tim mình. Nhưng ở đây dù sao cũng không nên quên: tai vách mạch rừng …
            Tiếng vỗ tay báo giờ giới nghiêm của anh Hải trật tự viên chấm dứt câu chuyện của anh Thơm ngang đó. Trong niềm kính phục và thương cảm tràn đầy, tôi nghe có một cái gì ấm ức. Tôi muốn được nghe thêm một vài sự việc nó làm cho tôi hả dạ như chuyện bao nhà bắt trói tên hương quản Xung chẳng hạn và nhứt là chuện xảy ra từ sau ngày đình chiến đến nay. Từ thôi ở đợ chăn trâu đến đạp xích lô, cái khoảng gần hai mươi năm sống và chiến đấu của một con người như thế ắt phải có rất nhiều chuyện đáng cho người khác phải lắng nghe. Anh đã hé cho tôi thấy cái vụ thụt mọt-chê “cạnh hồi” khá hấp dẫn … Nhưng tôi sực nhớ câu tai vách mạch rừng và thật sự dè dặt của anh Thơm là chánh đáng.  Vả chăng chỉ riêng cái đoạn đời thơ ấu của anh chưa phải là đã hết sức phong phú để cho mình suy gẫm rồi sao?
            Chúng tôi nằm sát vào nhau để cùng đắp chung một tấm chăn mỏng. Trong hơi ấm từ người anh Thơm truyền sang, tôi nghe có một cái gì êm ái, nó làm tăng thêm lòng can đảm cho tôi một cách lặng thầm mà chan chứa. Nó giúp tôi suy nghĩ về cách nhìn hời hợt của mình đối với cái dũng cảm của con người. Bằng thái độ hỏi xin kinh nghiệm lúc ban đầu, tôi đã lầm tưởng người này có thể truyền đạt nó cho người kia một cách giản đơn như một vấn đề kỹ thuật./.
                7 - 1965
Bản quyền của Trang Thế Hy  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com