Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
31/3/12

Viên phấn thần kỳ - Kobo Abe

Viên phấn thần kỳ
Kobo Abe
Nhật Chiêu dịch

Ở ngoại vi thành phố, nơi quanh năm lầy lội bởi mưa và nồng nặc mùi nhà bếp, trong một căn phòng thuê gần phòng ở của người dọn rác, có một hoạ sĩ nghèo tên là Argon. Căn phòng hẹp – mỗi chiều ba mét – mà hoá ra rộng thênh, bởi ngoài chiếc ghế kê sát tường chẳng còn một thứ gì khác. Bàn, giá sách, bảng màu, và ngay cả hộp thuốc màu đều đã phải đánh đổi lấy bánh ăn rồi. Giờ thì trong phòng chỉ còn lại mỗi chiếc ghế và hoạ sĩ Argon. Nhưng liệu cái bộ đôi này có còn ở đây được bao lâu?
Đến giờ ăn tối. “Sao mũi mình lại thính thế” – Argon nghĩ. Trong cái hỗn hợp phức tạp của của các mùi, anh dễ dàng phân biệt được từng mùi một. Ôi! Con heo quay vàng nhẫy ở quầy hàng thịt cạnh đường sắt. Gió đưa tới mùi tươi mát lạ lùng của quầy rau quả. Cái vỏ vàng rộm của bánh nướng. Làn mây xanh ảo não bay lên từ nhà dưới, nơi bà chủ đang rán cá thu…
Chà. Từ sáng đến giờ, Argon chưa được ăn gì cả.
Mặt nhợt nhạt, trán đầy nếp nhăn, cục yết hầu không chịu yên chỗ, đôi vai so lại, chân tay run run, Argon sục tay vào túi và ngáp liền ba cái. Ngay lúc đó, tay anh chạm phải một vật gì dài dài nho nhỏ. Còn cái gì nữa – một viên phấn đỏ. Lạ nhỉ, sao nó lại ở trong túi này? Mân mê viên phấn trong tay, hoạ sĩ lại ngáp dài. Trời ơi, sao thèm ăn đến thế!
Như một cái máy, hoạ sĩ đưa viên phấn lên vẽ vào tường, rồi mỗi lúc một say sưa, anh liên tục vẽ. Đầu tiên là một quả táo. Táo ra táo – chén một quả thế này là đủ no rồi. Cạnh đó là con dao, để bổ táo cho dễ ăn. Rồi nuốt nước miếng, được cổ vũ bởi mùi thức ăn tạt qua hành lang và cửa sổ, anh vẽ một ổ bánh. Bánh có kèm mứt quả, được phết một lớp bơ to bằng cỡ đầu người. Trước mắt anh, hiện ra cái vỏ bánh được nướng giòn, với những vết khía đầy hấp dẫn, mùi thơm quyến rũ làm nổi cả gai ốc. Cạnh ổ bánh là một phiến bơ to bằng viên gạch. Còn phải vẽ cả cà phê nữa. Phải là cà phê mới pha, còn bốc khói. Trên chiếc đĩa nhỏ là ba cục đường, mỗi cục to bằng hộp diêm…
Một làn sương dần dần bao bọc đầu óc anh. Trước mặt anh hiện lên những núi đồ hộp, những biển sữa, những khu vườn đầy pho mát và thịt bò. Đến đây, hoạ sĩ kiệt sức thiếp đi.
… Anh chợt thức giấc bởi nghe thấy một vật gì rơi và tiếng bát đĩa va vào nhau. Mặt trời đã lặn, trong phòng tối lại. Gì vậy? Argon nhìn về phía phát ra tiếng động, nín thở. Chiếc chén vỡ. Chất lỏng đang chảy ra vẫn còn bốc khói kia không thể là thứ gì khác được đích thị cà phê rồi. Cạnh đó là quả táo, ổ bánh, tảng bơ, ba cục đường, chiếc thìa, con dao và chiếc dĩa, cũng may, đều còn nguyên. Còn bức tranh vẽ bằng phấn trên tường thì đã biến mất tự lúc nào.
Không có lẽ… Máu chạy rần rật khắp người, Argon nhón chân lại gần. Không, không làm gì có chuyện ấy. Vâng nhưng tất cả những chuyện ấy lại đang xảy ra trước mắt mình. Mùi cà phê thơm đến nỗi có thể hít lấy hít để, chứ sao lại không? Anh chạm ngón tay vào vỏ bánh. Sau đó, anh lè lưỡi nếm thử cục đường. Còn sao nữa, Argon còn chưa tin à? Không, đấy là sự thật. Tin rồi. Nhưng sợ lắm. Tin, nhưng mà sợ lắm!
Sợ đó là một thực tế. Nhưng mà có thể ăn!
Cuối cùng, ăn xong Argon thở phào, ngay lúc đó anh lại nhớ ra nguyên nhân đã làm mình no bụng và anh lại thêm lo lắng. Anh cầm viên phấn trong tay và chăm chú nhìn. Nhìn thì nhìn, cũng chẳng vì thế mà dễ hiểu hơn được. Để cho thật tin, phải thử làm lại một lần nữa. Nếu mọi chuyện vẫn diễn ra như thế, thì đó ắt là sự thực. Anh muốn vẽ một cái gì mới, nhưng vì nôn nóng, lại vẽ quả táo. Anh chưa kịp thu viên phấn về, đã thấy quả táo trên tường rơi xuống sàn nhà. Có nghĩa là thực. Nếu hiện tượng tái diễn, tức là trên thực tế nó có thật.
Mọi quy luật vũ trụ đều thay đổi: số phận thay đổi, nỗi bất hạnh biến mất. Ôi, kỷ nguyên của cái dạ dày căng! Ôi, cái thế giới trong đó mọi ước vọng đều thành sự thực.
Trời ơi, buồn ngủ quá thể.
Thì hãy vẽ lấy một cái giường. Mẩu phấn lúc này cũng quý giá ngang với cuộc sống. Nhưng chiếc giường là một vật dụng tối cần thiết khi cái bụng đã no căng. Còn phấn, phải vẽ nhẹ nhẹ tay thôi cũng được, cho nên chẳng phải đắn đo làm gì. Ôi, lần đầu tiên trong đời được ngủ một giấc ngon lành! Một con mắt nhắm lại ngay lập tức, nhưng còn con mắt kia không tài nào nhắm nổi. Nỗi lo về ngày mai cứ ám ảnh: hôm nay thì mọi chuyện tốt đẹp cả nhưng ngày mai thì sao? Cuối cùng, con mắt thứ hai cũng chịu nhắm lại. Suốt đêm, với hai con mắt khác nhau như thế, hoạ sĩ thấy những giấc mơ đủ các sắc màu.
Cái buổi sáng đầy những lo âu đã diễn ra như thế này…
Anh mơ thấy có người đuổi theo mình và anh bị ngã từ trên cầu xuống sông. Song điều đó không có nghĩa là anh bị rớt khỏi chiếc giường. Trong phòng vẫn chỉ có một chiếc ghế như cũ. Còn những sự kiện đêm qua thì sao? Argon sợ sệt ngẩng đầu nhìn lên bức tường.
Trên tường là hình chiếc chén (đã vỡ), chiếc thìa, con dao, mấy miếng táo và gói bơ, được vẽ bằng phấn đỏ. Bên dưới những thứ đó là hình chiếc giường mà anh vừa ngã từ đấy xuống.
Trong những cái anh đã vẽ ra từ hôm qua, trên tường chỉ còn lại các phần chưa ăn hết. Argon thấy đau ở vai và thắt lưng. Anh phải thấy được nỗi đau đó, nếu như kỳ thực anh ngã từ giường xuống sàn. Khi áp tay vào hình chiếc khăn trải giường nhăn nhúm, anh cảm thấy chỗ giường đó còn ấm sực.
Họa sĩ lấy tay xoá hình con dao. Đấy là thứ phấn vẽ hết sức thông thường, nên anh xoá được ngay, để lại một vết bẩn. Thử vẽ một quả táo nữa xem nào. Song, quả táo anh vừa vẽ không hề có ý định biến thành một quả táo thật để rơi xuống sàn. Khi Argon lấy tay xoá quả táo đi nó cũng biến mất tăm mất tích.
Hạnh phúc té ra chỉ là giấc mộng một đêm. Mọi chuyện đã chấm dứt, cuộc đời lại như cũ. Có thật thế không? Không, cuộc đời càng cay đắng gấp mười lần hơn. Có lẽ, những thứ chiều qua ăn phải đã biến thành những mẩu phấn và mớ giấy lộn trong dạ dày anh.
Argon đến chỗ rửa mặt và uống đến một lít nước lã, ại còn vốc thêm một vốc nữa. Xong, anh bước ra đường, nơi còn đắm chìm trong sương mai. Cúi xuống cái rãnh thoát nước chạy dài đến trăm mét từ nhà bếp khách sạn ra, anh vục tay vào cái thứ nước nhơm nhớp đen đúa như nước tro và lôi lên một vật. Đó là cái lưới sắt: rửa sạch lưới sắt, anh thấy trong đó có một thứ ăn được. Đấy là cơm! Cách đây không lâu, ông lão láng giềng có kể cho anh biết là nếu lấy lưới sắt chắn cái rãnh ấy, mỗi ngày có thể hứng được cơm đủ ăn một bữa. Độ một tháng trước đây, ông lão không biết đã làm giàu bằng cách nào, hoặc đã có thể chén được cả bã hạt dầu nên lão mới nhường cái rãnh cống khách sạn cho Argon.
Cái thứ bỏ đi này thì sánh sao nổi với bữa tiệc tối qua. Tuy vậy, nó lại không phải là một món quà thần kỳ, mà là một món ăn thật, có thể làm đầy dạ dày, bỏ qua sao được.
Thứ bỏ đi, ấy là của thực.
Gần trưa, Argon vào phố thăm một người bạn đang làm việc ở nhà băng. Anh này cười chẳng lấy gì làm vui vẻ hỏi: “Sao, hôm nay đến lượt tôi phải làm gì đây?” Argon gật đầu, mặt lạnh tanh, không lộ một thái độ gì. Anh ăn nửa suất bữa sáng của anh bạn rồi co ro ra phố.
Argon suy nghĩ mất nửa ngày.
Ngả lưng vào thành ghế, cầm viên phấn, anh mơ đến một điều kỳ diệu, và sau giấc mơ, đã thấy có một niềm hy vọng. Rồi đến một dự cảm là khi mặt trời lặn, phép thần kia sẽ tái diễn. Điều dự cảm này trở thành một niềm tin.
Đài nhà bên thông báo đã năm giờ chiều. Argon đứng dậy, vẽ lên tường bánh mì, bơ, hộp cá và tách cà phê. Bên dưới những thứ đó, anh không quên vẽ một chiếc bàn để các thứ không rớt xuống sàn như tối trước. Và anh chờ đợi.
Mặt trời lặn. Hoạ sĩ có cảm giác là thị lực anh khác thường, bởi vì hình vẽ trên tường bắt đầu chập chờn. Dường như giữa mặt anh và bức tường có giăng một màn sương. Những hình vẽ mờ đi, màn sương dày hơn. Cuối cùng, sương dày đến nỗi sắp biến thành thể rắn, thế là – (đúng thật rồi!) – tất cả các thứ trên tường đều biến thành thật.
Cà phê toả mùi ngon lành, bánh mì vừa ra lò, còn nóng. Ôi, còn quên vẽ con dao mở đồ hộp! Argon vẽ con dao lên tường, lấy tay trái giữ cho nó khỏi rơi, và con dao dưới đầu phấn liền có ngay trọng lượng và hình thù. Thế mới là sáng tạo chân chính!
Bỗng anh vấp phải một vật. Chiếc giường tối qua vẫn ở chỗ cũ. Trên tường vẫn còn chuôi con dao bổ táo (vì anh đã xoá lưỡi dao đi), gói bơ và những mảnh tách vỡ.
Dẹp cơn đói, Argon ngả mình xuống giường. Chà. Rồi tiếp đó thì sao? Hoàn toàn rõ ràng là ánh mặt trời đã làm cho phép thần trở nên vô hiệu. Mặt trời vừa hiện lên là sự khốn khó kéo về liền. Liệu có thể nghĩ cách nào để điều đó không xảy ra được không? Bỗng nhiên, trong đầu anh nảy ra một ý nghĩ thiên tài. Phải lấy cái gì che kín cửa sổ để ánh sáng ban ngày không thể lọt vào.
Muốn thực hiện ý định đó, phải có tiền. Để che mặt trời, cần có những đồ vật thật chống được nắng, song, vẽ tiền không phải là việc dễ. Phải tính sao đây nhỉ? Đây, một cuộn giấy đây! Mở cuộn giấy ra,
Argon thấy ý định của mình đã được thực hiện. Trong cuộn giấy có một số tín phiếu nhà băng, có thể đủ dùng được.
Số tín phiếu có thể biến mất khi ánh sáng ban ngày chiếu đến, nhưng chúng sẽ không để lại dấu vết gì cho nên không có gì phải lo. Tuy vậy, anh cũng đi mua đồ ở một cửa hiệu thật xa. Hai tấm chăn dày, năm tờ giấy đen, một hộp đinh, bốn thanh gỗ. Dọc đường, anh còn tiện tay mua một cuốn sách dạy nấu ăn. Tiền còn lại, Argon uống cà phê và phát hiện ra rằng thứ cà phê anh vẽ ra cũng chẳng thua kém chút nào. Điều này khiến anh phấn chấn. Cuối cùng, anh mua một tờ báo.
Trước hết, hoạ sĩ đóng chặt cửa, lấy chăn và hai tờ giấy đen che kín. Sau đó, anh bịt cửa, lấy gỗ đóng đinh chốt chặt bốn góc. Thấy lòng nhẹ nhõm và bỗng thờ ơ với mọi chuyện trên đời, buồn ngủ, anh ngả mình xuống giường và thiếp đi.
Mở mắt, anh thấy trong người như có một cái lò xo chực bật tung vào bất cứ lúc nào. Một ngày mới, một cuộc đời mới. Cái ngày mai, rồi ngày kia, rồi nhiều ngày tiếp theo nữa, chúng toả đầy hào quang và ngoan ngoãn chờ đón anh. Argon mỉm cười mỹ mãn, tuy trong lòng hơi hoang mang. Chỉ cần một nháy mắt, tự tay anh sẽ tạo ra những thứ tha hồ lựa chọn. Ôi, cái thời chói lọi! Nhưng cớ sao một nỗi buồn mơ hồ lại nhói lên trong tim? Có lẽ cảm giác đó chỉ có Thượng đế mới thấy được trong cái khoảnh khắc trước lúc ngài tạo lập thế gian. Đôi môi anh giãn ra thành một nụ cười.
Argon vẽ một đồng hồ treo tường rất to. Tay anh run run vẽ chiếc kim chỉ mười hai giờ. Từ thời khắc đó, bắt đầu một kỷ nguyên mới. Trong phòng ngột thở và Argon vẽ lên tường một ô cửa thông ra hành lang. Nhưng, sao lại thế này? Ô cửa vẫn nguyên là hình vẽ. Nghĩ một lát, anh hiểu ra, còn thiếu một khung cảnh bên ngoài cho cửa sổ, có nghĩa là anh đã vẽ không đầy đủ, vì thế nó không thể biến thành một ô cửa thật. Được, vậy thì vẽ thêm vào. Vẽ cảnh gì đây nhỉ? Dãy Alpes, biển Naples, cảnh đồng quê, hay là cảnh rừng taiga Siberi nhỉ? Trước mắt anh hiện lên những cảnh đẹp mà anh đã thấy qua những tấm bưu thiếp và sách hướng dẫn du lịch. Song, khi nhận ra rằng mình chỉ được chọn một thứ, thật khó quyết định. Thôi, hãy tạm vẽ một chai whisky với một cục phomát đã, rồi sẽ nghĩ sau, cho bình tĩnh.
Nhưng, càng nghĩ, bài toán đặt ra cho anh lại càng thấy khó. Dù sao thì đây cũng không phải chuyện đùa. Nó quan trọng hơn tất cả những thứ anh đã vẽ từ trước đến nay. Không, nó còn quan trọng hơn bất kỳ một bức tranh nào do con người vẽ ra, sông, suối hoặc vườn tược thôi, – chưa đủ. Giả dụ, anh vẽ núi chẳng hạn. Nhưng anh tạo ra ở đó không chỉ có núi rừng. Cùng với nó phải là những gì nữa? Thành phố, biển cả, hay là bãi hoang? Rồi ở đó sẽ có những con người sinh sống, sẽ chăn nuôi những cầm thú gì đây? Bởi vì, tuy rằng chưa biết tường tận tất cả, nhưng anh sẽ tạo ra chúng: Hơn nữa, không nên coi đó chỉ là thứ phụ trợ cho việc tạo ra một cái cửa sổ. Đấy là cả một quá trình tạo lập thế giới. Bàn tay anh quyết định vận mệnh của cả vũ trụ, liệu anh có đặt vào đây một cái gì ngẫu nhiên không? Không, thế giới sau khung cửa là cả một điều hệ trọng, mình cần phải vẽ một bức tranh chưa từng ai vẽ nổi…
Argon đắm chìm trong suy nghĩ…
Tuần đầu tiên, anh bực bội cảm thấy công việc tạo lập thế giới là quá tầm tay mình. Căn phòng lại bề bộn những khung vải và đầy mùi thuốc màu. Khắp phòng, những bức phác thảo vương vãi. Càng nghĩ, càng thấy công việc của mình không thể thực hiện nổi. Có lần, suýt nữa anh phủi tay đối với mọi chuyện, phó mặc hết, nhưng rồi anh trấn tĩnh lại và nghĩ rằng nếu thế thì vai trò sáng tạo của anh cũng chỉ bằng không. Ngoài ra, theo ý anh, chẳng qua anh cũng chỉ tạo ra phần nhỏ của vũ trụ, nhưng nếu có đảm bảo rằng những hoàn cảnh không lệ thuộc vào anh có bắt anh quay về cuộc sống cũ. Hay không? Nét phấn có thể bị xoá đi bất kỳ lúc nào cơ mà. Không, phải tạo ra cho mình cả một thế giới.
Tuần sau, anh bị cuốn vào cơn hưng phấn say sưa.
Đến tuần thứ ba, Argon lâm vào cảnh tuyệt vọng, gần như bế tắc. Những khung vải lại phủ đầy bụi, mùi thuốc màu phả theo gió bay.
Sang tuần thứ tư. Cuối cùng, anh đi tới quyết định. Quyết định đó nảy sinh bởi nỗi tuyệt vọng, bởi anh không thể chờ lâu hơn nữa. Đem bàn tay mình ra để tạo cả thế giới, anh không dám đảm đương trách nhiệm đó và định phó thác cho hoàn cảnh, vẽ lên tường một cái cửa ra vào, và anh xác định thế giới theo kiểu thấy gì làm nấy. Nếu ý đồ đó không thành, và sau khung cửa sẽ vẫn là cái cảnh ngoại vi thành phố đó, như thế lại càng tốt hơn là phải chịu trách nhiệm về cả vũ trụ. Phải sổ toẹt hết, chỉ cần tìm được lối thoát ra khỏi cái ngõ cụt này thôi.
Lần đầu tiên sau một thời gian dài, Argon lại mặc veston, dù sao thì vận mệnh của cả vũ trụ cũng đã được xác định. Anh cầm viên phấn thần kỳ và quả quyết vẽ khung cửa lên bức tường… Nín thở. Còn sao nữa: Đối với một con người, có lẽ hồi hộp nhất là lúc sắp mở một cánh cửa mà sau nó mình còn chưa biết sẽ là cái gì. Rất có thể, thay vì phần thưởng lại là một cái chết?
Đã thế thì anh ra tay: Lùi một bước, anh đẩy cánh cửa.
Ánh sáng đập vào mắt như một tiếng mìn nổ. Argon dè dặt hé mắt ra liền thấy một bãi bằng thênh thang trong ánh sáng ban trưa. Nhìn đâu chăng nữa, cho đến tận chân trời cũng không hề thấy một bóng râm. Trên nền trời xanh sẫm tịnh không một bóng mây. Gió nóng và khô cuốn bụi từ chỗ này đi chỗ khác. Thì đấy cũng chỉ là sự biến hoá của một nét vẽ đường chân trời, từ đó có thể là khởi đầu cho bất kỳ một bức tranh nào. Thế đấy…
Viên phấn chẳng quyết định nổi cái gì. Phải làm lại hết từ đầu. Phải vẽ lên mặt phẳng đó nào là mũ nón, nào là sông nước, mây trời, cây cỏ cầm thú, cá tôm và ao hồ. Tóm lại, phải làm lại toàn bộ thế giới. Argon ngã lòng, nằm phịch xuống giường. Nước mắt anh chảy ròng ròng.
Có cái gì sột soạt trong túi. À đấy là tờ báo anh đã mua trong buổi chiều đầu tiên, vậy mà anh quên béng đi mất. Trên cột đầu, nổi bật dòng chữ đậm: “Vi phạm ranh giới ở vĩ tuyến 30”. Ở cột thứ hai, đậm hơn nữa, là bức ảnh hoa hậu Nhật Bản”. Dưới nữa, nhỏ hơn, “Phản ứng của tổ chức quần chúng vùng N, về việc đặt đường ống”, và “Sa thải hàng loạt ở xí nghiệp X…”
Argon chăm chú ngắm bức ảnh “Hoa hậu Nhật Bản” bán khoả thân. Anh đã quên điều quan trọng nhất. Những chuyện khác thì gượm hẵng, phải bắt đầu từ Adam và Eva. Đúng rồi, phải bắt đầu từ Eva. Phải vẽ Eva trước.
Nửa giờ sau, nàng Eva đã xuất hiện trước mặt Argon. Nàng ngạc nhiên nhìn quanh và hỏi:
- Ôi anh là ai? Tôi gặp chuyện gì thế này?
- Tôi là Adam, và nàng là Eva. – Argon đỏ mặt, ấp úng trả lời.
- Đâu mà! Tôi chẳng là Eva nào cả: Tôi là “Hoa hậu Nhật Bản” thôi!
- Nàng là Eva thật đấy, Eva.
- Sao cơ? Làm sao tôi lại có thể tin vào một chàng Adam mặc quần và sống trong cái phòng trốc lở này được? Lạ thật. Làm sao mà tôi lại ở đây? Tôi còn phải lên phát biểu trong buổi khai mạc triển lãm ảnh cơ mà.
- Biết nói thế nào với nàng đây nhỉ? Nàng là Eva thật đấy.
- Eo ôi, anh làm tôi phát ngấy lên rồi. Thôi được. Vậy thì trái cây tiềm thức của anh đâu rồi? Anh muốn nói rằng đây là khu vườn Thiên Đàng chứ gì? Thôi, đừng có quấy rầy tôi nữa.
- Nàng hãy nghe tôi. Hãy ngồi tạm xuống đây đã. Tôi sẽ giải thích cho nàng rõ… à, nàng có muốn ăn uống gì không?
- Có.
- Nàng muốn ăn món gì nào? Trong cuốn sách dạy làm bếp này, nàng muốn chọn món gì thì chọn.
- À ra thế. Thật không đấy? Còn anh, xem ra anh cũng không đến nỗi nghèo đâu, tuy phải sống trong cái hũ nút này. Tôi nghĩ lại rồi. Có lẽ anh đúng là Adam, chứ còn là ai nữa? Hay là một… gã gangster nào đó chăng?
- Không, tôi là Adam, đấy là một chàng hoạ sĩ, đồng thời cũng là người sáng tạo ra cả vũ trụ.
- Tôi không hiểu.
- Tôi cũng chưa hiểu hết đâu. Cho nên tôi đang thất vọng đây.
Lúc này, Eva có dịp thấy Argon làm món ăn Pháp bằng cách vẽ chúng theo sách như thế nào.
- Tuyệt, thế mới tài! Đây đúng là vườn Thiên Đàng. Tôi tin đấy! Nhờ viên phấn này có phải là muốn gì được nấy hay không? Ôi, thú vị biết bao! Tôi đã bằng lòng rồi đấy. Ừ thì tôi sẽ làm Eva. Chúng ta sẽ trở thành nhà triệu phú.
- Khoan đã nào, Eva. Nghe đây này.
Argon kể cho cô nghe chuyện viên phấn, rồi anh kết luận:
- … Cho nên với sự giúp đỡ của nàng, tôi phải xây dựng một thế giới mới. Ở đó, tiền cũng chẳng để làm gì. Chúng ta phải làm tất cả, ngay từ đầu.
“Hoa hậu Nhật Bản” nghênh mặt nhìn anh:
- Sao lại “tiền cũng chẳng để làm gì?” Tôi không hiểu. Thế nghĩa là thế nào?
- Thôi, nếu đã vậy thì nàng hãy nhìn vào cửa đây.
Liếc qua cánh cửa, rồi nhìn chòng chọc vào anh hoạ sĩ, sau đó trỏ vào khung cửa thật bị tấm chăn che kín:
- Còn cái này… Cái cửa này có lẽ không giống cái kia chứ?
- Không được đụng vào đấy! Cái thế giới ấy sẽ bị huỷ diệt hết thảy. Cả thức ăn, cả bàn, cả giường, và ngay cả nàng nữa. Từ giờ, nàng phải là Eva của một thế giới mới. Chúng mình sẽ đẻ ra một nhân loại mới!
- Tôi không muốn thế! Khó chịu lắm. Nói chung, tôi theo phái hạn chế sinh đẻ. Và tôi không muốn ai huỷ được tôi.
- Nàng sẽ bị biến mất, hãy tin tôi!
- Tôi chẳng biến đi đâu hết. Bản thân tôi biết rõ điều ấy hơn anh. Lúc cần, tôi khắc biến đi.
- Eva, nàng có hiểu không: Nếu chúng mình không chịu làm lại thế giới, rốt cuộc chỉ có đói nghèo đón đường mà thôi…
- À ra thế, anh chàng đã thân mật với tôi đến thế cơ à. Nhưng tôi có phải một con ngốc đâu cơ chứ. Tôi sẽ gặp đói nghèo à? Liệu đúng thế thật không? Này, giá tôi đắt lắm đấy nhé!
- Giá nàng ngần nào, giá viên phấn này đáng ngần ấy. Nếu không làm lại thế giới, nàng sẽ phải biến mất như mây khói vậy. Như là chưa hề có nàng trên đời.
- Được rồi, tranh luận thế là đủ. Đã đến lúc tôi phải đi. Không hiểu vì sao mình lại ở đây nhỉ? Tôi biết làm gì bây giờ? Chỉ vì anh với những thứ vớ vẩn của anh thôi. Hoạt bát lên nào, vị chúa sừng của tôi ơi, có lẽ cũng được dịp rồi đó. Thôi thì, thỉnh thoảng tôi sẽ ghé lại đây. Có điều là anh phải vẽ cho tôi bất kỳ thứ gì tôi muốn.
- Đồ ngốc, không thể như thế được!
Eva vênh mặt nhìn Argon, kinh ngạc trước cơn khùng bất ngờ của anh. Họ nhìn nhau, im lặng một phút. Cuối cùng, nghĩ ngợi gì đó, Eva buông giọng:
- Thôi được, tôi sẽ ở lại đây mãi mãi. Nhưng muốn thế, anh phải làm một việc, được không?
- Việc gì? Nếu quả là nàng sẽ ở lại, tôi xin làm tất cả những gì nàng muốn.
- Thế thì anh cho tôi nửa viên phấn.
- Ngốc thế. Nàng có biết vẽ đâu. Nàng chẳng làm nổi trò gì đâu.
- Làm được. Trước kia tôi đã từng làm nghề tô màu ảnh. Nào, đưa đây, tôi cần hoàn toàn bình đẳng.
Lúc đầu, Argon còn lắc đầu hoài nghi, nhưng rồi anh gật đầu:
- Thôi được.
Anh thận trọng bẻ đôi viên phấn và đưa cho Eva một nửa. Cô quay phắt vào tường, hí hoáy vẽ.
Đó là một khẩu súng lục.
- Thôi đi! Nàng vẽ súng làm gì?
- Tử thần. Tôi tạo ra tử thần. Muốn tạo lập thế giới, trước hết phải xác định rành mạch từng người.
- Không được, thế thì hỏng hết! Thôi! Cái đó chúng ta chẳng để làm gì.
Nhưng muộn mất rồi! Trong tay Eva đã loé một khẩu súng lục bỏ túi. Cô giương súng, nhắm vào ngực Argon:
- Giơ tay lên! Nếu động đậy, tôi bắn. Chao ôi, chàng Adam ngốc nghếch kia ơi, chẳng lẽ chàng lại không biết là đừng dại gì mà tin vào lời hứa suông hay sao? Chính anh đã buộc tôi phải lừa dối.
- Nàng còn vẽ gì nữa đấy?
- Một chiếc búa, để phá cái cửa này.
- Không được!
- Hễ động đậy, tôi bắn liền!
Argon nhảy một cú, nhưng tiếng súng đã vang lên. Họa sĩ ôm ngực, ngã khuỵu xuống sàn. Lạ làm sao: Không thấy một giọt máu nào.
- Chàng Adam ngốc nghếch ạ. – Eva cười vung búa phá cửa.
Bất thần, ánh sáng ban ngày ùa vào phòng. Ánh sáng ấy không đến nỗi chói mắt, nhưng là ánh sáng thật, từ mặt trời phát ra. Hình hài Eva tan thành khói, biến mất. Cả bàn, giường và các món ăn Pháp cũng biến mất. Mọi thứ trong phòng, – trừ anh hoạ sĩ, cuốn sách dạy nấu ăn và chiếc ghế – lại hoá thành hình vẽ trên tường.
Argon chậm chạp đứng dậy. Vết thương ở ngực cũng biến mất.
Nhưng một cái gì còn mạnh hơn cái chết rất nhiều cứ xâm chiếm lấy anh. Bức tường? Bức tường đang gọi anh. Trong bốn tuần qua, cơ thể Argon được nuôi dưỡng toàn bằng những hình vẽ trên tường nên anh đã biến thành một phần của bức tường. Có kháng cự cũng vô ích. Argon bước đi ẻo lả, lại gần bức tường và nhập vào đó.
Khi những người cùng nhà nghe thấy tiếng súng và tiếng búa phá cửa, chạy vào phòng thì Argon đã hoá thành bức vẽ. Mọi người chẳng trông thấy gì ngoài chiếc ghế, cuốn sách dạy nấu ăn và bức tường đã kín các hình vẽ. Có người nhận xét: “Trông kìa, Argon được vẽ y như thật”.
- Kỳ quái thật! Phá cả cửa, bôi phấn khắp tường.
Chuyện này khó lòng bỏ qua được. Anh ta chui rúc vào đâu rồi, cái anh chàng lem luốc và bất hạnh ấy? – Chủ nhà lầu bầu.
Khi mọi người rút đi, một giọng nói từ bức tường vang ra khe khẽ: “Không, chỉ dùng đến phấn thôi, thì làm lại cả thế giới sao được!” Và, tiếp đó đúng ở chỗ tường có vẽ con mắt Argon, một giọt nước chầm chậm ứa ra.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com