Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
27/3/12

Thèm thơ - Trang Thế Hy

Thèm thơ
Trang Thế Hy

            Vũ thức giấc vào khoảng hai giờ chiều.
            Căn gác vắng teo. Bà chủ nhà và người con trai ở tầng dưới đã về quê từ hai hôm trước. Hôm nay ba mươi Tết,buổi xế trưa đìu hiu của ngày cuối năm gợi thêm sự trống trải cô đơn trong lòng chàng trai xa xứ ,không có một nơi nào để về tìm chút ấm áp, yên vui.
            Xấp bản thảo để trên ngực bay đâu mất, Vũ ngó quanh quất tìm tòi và ngạc nhiên không biết ai đã lấy tấm xarông căng ngang khung cửa sổ không có màn sợ nắng chiều dọi xuống chỗ anh ngủ. Như vậy vừa che được nắng, vừa để cho gió luồn vào làm căn gác hẹp đỡ hầm.
            Nhưng bây giờ một chéo xa-rông ghim vào chấn song bằng cái kẹp giấy đã sút ra. Tấm xa-rông bay phần phật và ánh nắng lùa vào nhảy nhót trên mặt Vũ làm anh cảm thấy khó chịu.
            Tâm trạng bần thần vì ngủ chưa thẳng giấc làm cho Vũ làm biếng nghĩ ngợi, nhưng Vũ vẫn phải tự hỏi người che nắng kia có thể là ai ?. Người thân thuộc ở gần chỉ có Dung, cô em gái mới theo chồng về một tỉnh miền Trung rất xa; Còn tụi bạn trai ở Sài Gòn này, nếu chúng đến, chúng đã làm ầm lên rồi chứ đâu đã để cho Vũ nằm ngủ yên tự nãy giờ. Vậy thì ai? Vũ ngồi dậy nhìn về phía đầu giường. Một cái áo dài bằng vải dúng nền trắng có bông lớn màu hoa cà, máng trùm lên chiếc áo sơ mi của anh trên móc áo đang nhè nhẹ phất phơ theo gió.
            Đúng là áo của Dung. Chiếc áo này chính Vũ đã mua cho em. Lúc mở gói ra xem, thấy loại vải đáng lẽ dùng may áo cho trẻ con hoặc những cô nữ sinh chưa đến tuổi làm dáng, Dung cười ngặt nghẹo:
            - Em mấy tuổi rồi anh quên sao mà mua thứ vải này?
            - Mấy tuổi mấy chớ. Thấy thứ vải dễ thương quá.
            Chừng may thành áo rồi Dung mới thấy thứ vải dễ thương thật. Nó làm cho Dung như trẻ lại năm ba tuổi.
            Đang nhớ em, Vũ mừng quá cất tiếng gọi, nghĩ rằng Dung đang ở nhà dưới:
            - Dung ơi! Dung.
            Vắng hoe, không có tiếng ai thưa. Vũ nhìn sang đi-văng thấy cái xách tay lạ không phải là của Dung dằn lên xấp bản thảo của anh. Đôi dép để dưới gầm Đi-văng cũng là một đôi dép lạ. Đúng lúc ấy, dưới nhà có tiếng mở cửa.
            Vũ lại gọi nữa:
            - Dung đó hả em?
            Vẫn không có tiếng đáp. Một lát sau, Loan leo lên gác, tay cầm một trái dưa hấu nhỏ. Vừa mới nhô lên nửa người ở đầu cầu thang, Loan đã cười với Vũ, và hỏi:
            - Anh thức rồi à? Chắc bị nắng dọi chứ gì? Em hư quá. Che nắng một chút
vậy mà cũng không nên thân. Thôi lỡ dậy rồi, ăn dưa anh Vũ. Dưa ngon lắm. Ướp nước đá chưa lạnh bao nhiêu mà tiệm nó tính thêm mình một đồng nữa đó.
            Nói xong, Loan nghiêng trái dưa đã cắt mặt để Vũ nhìn thấy màu đỏ rực của nó. Mặc dù đang khát nước, Vũ không thấy thèm ăn dưa.
            Bà chủ nhà cho Vũ mượn gác trước kia là một người sống bằng nghề nuôi em út. Bây giờ tuy bà không còn làm nghề đó nữa, nhưng thỉnh thoảng, một vài cô em bị bố ráp ở những quán rượu trá hình chạy vuột đến tá túc với bà vài hôm rồi lại ra đi. Trong số đó, có Loan và sau này, bà chỉ chứa chấp có một mình Loan mà thôi. Hình như Loan là một người cháu bà con xa sao đó. Có khi Loan ở nấn ná hơn tuần lễ, đi chợ mua đồ ăn, làm bếp và làm việc lặt vặt trong nhà như một cô gái hiền lương.
            Tuy Vũ mượn trọn căn gác, nhưng đồ đạc anh chỉ vỏn vẹn có một cái giường và một bàn viết nhỏ, nên bà chủ nhà còn kê thêm một cái đi-văng. Loan nghỉ trưa và ngủ ở đó ban đêm. Lúc thương lượng với Vũ về việc này, bà chủ nhà tỏ ra ái ngại nhưng cũng trình bày tình cảnh khó xử của bà. Đối với cha mẹ Loan ngày trước, gia đình bà có mang một món nợ ân tình, bây giờ bà phải giúp đỡ Loan để đền đáp. Hai mẹ con bà cũng tốt đối với Vũ trong việc đối xử hàng ngày. Rốt cuộc Vũ đành ưng chịu với điều kiện là Loan không tiếp khách và không quấy rầy anh. Như vậy từ hơn một năm nay, cứ độ vài tháng là Loan có trở lại.
            Mỗi kỳ đến ở dù lâu hay mau, Loan đều để ý chăm sóc Vũ trong những nhu cầu lặt vặt: mang quần áo dơ đến tiệm giặt, mua giùm diêm, thuốc lá, pha giùm cà phê, giặt giùm vài cái khăn tay, quét dọn chút đỉnh v.v .. Loan chăm chỉ một cách tận tình, không chán nản trước thái độ đôi khi khô khan đến khiếm nhã của Vũ. Kỳ này Loan đi hơi lâu, từ hồi mùa mưa chưa chấm dứt. Và sự trở lại thình lình của Loan không làm cho Vũ khó chịu như bao nhiêu lần khác. Sự có mặt của cô gái trẻ đẹp - dù là gái sống bằng nghề không trong sạch, - hình như có đem đến một chút gì vui, ấm cho căn gác đìu hiu vào buổi trưa ba mươi Tết, ngày chót của một năm vừa dài vừa trống trải đối với Vũ.
            Tuy vậy, anh vẫn lắc đầu:
            - Cám ơn. Cô ăn đi. Tôi không khát.
            Loan đã quen với thái độ lạnh nhạt đó của Vũ. Cô thản nhiên bước lại ngăn kéo bàn viết lấy con dao dùng để rọc giấy của Vũ, xẻ dưa bày ra dĩa, gọt vỏ một miếng rồi đến ngồi bên cạnh anh, tình tứ mời:
            - Anh không khát nhưng em khát. Không nhiều thì ít, anh cũng ăn một
miếng cho em ăn với. Anh đãi em chứ  không phải em đãi anh đâu. Em lấy tiền trong ngăn kéo của anh mà mua đó. Em có tiền, nhưng tiền của em thì anh gớm lắm, em biết.
            Vừa nói, Loan vừa đưa miếng dưa kề miệng Vũ. Vũ định lắc đầu nữa. Nhưng câu nói xẵng mọi khi hình như được chuẩn bị trước để thốt ra, hôm nay đi đâu mất. "Tiền của em, anh gớm lắm, em biết". Câu nói Loan đã phát ngôn bằng một giọng thật là buồn. Một người vừa nói vừa khóc giữa những tiếng nức nở có lẽ cũng không gợi buồn đến như thế. Vũ cười với Loan  lần đầu tiên và toan đưa tay cầm lấy miếng dưa. Loan giựt lại:
            - Để em đút cho ăn. Cầm ướt tay hết. - Vũ vừa ăn vừa nhìn Loan lòng còn nao nao buồn vì câu nói của Loan khi nãy: Vũ lại nhớ thêm rằng Loan đã nói: "Dầm nước đá chưa lạnh bao nhiêu mà tiệm nó tính thêm mình một đồng nữa". Tiếng "mình" ngọt ngào thân mật như tiếng nói của một người vợ hiền trong một gia đình nghèo. Loan không hiểu Vũ nghĩ gì nhưng tin rằng Vũ dù không vui cũng không đến nỗi phật ý.
            - "Đừng, đừng! Phiền cô lắm cô Loan à! Cô cứ để đó mặc kệ tôi". Sao hôm nay anh không nói như vậy nữa? Chắc có câu gì khác chớ?
            Vũ lại cười. Không phải cười với Loan mà cười vì sự vô lý của mình.
            - Cô đi đâu mà lâu vậy, cô Loan?
            Loan không đáp, hỏi trống:
            - Nhớ hôn mà hỏi vậy?
            - Cần gì phải nhớ mới hỏi vậy?
            - Không nhớ thì không nói.
            - Thôi thì nhớ. Nói đi.
            - "Thôi thì nhớ" đâu phải nhớ. Nhớ hẳn hoi mới nói.
- Ờ, nhớ hẳn hoi. Cô đi đâu lâu vậy?
            Loan dợm nói rồi lại thôi, cô đưa miếng vỏ dưa hấu xanh đang cầm lên miệng cắn từng miếng nhỏ ra chiều nghĩ ngợi. Vũ chợt nhớ rằng mình chưa mời Loan ăn. Anh bước lại bàn cầm một miếng dưa đưa mời Loan. Loan lắc đầu:
            - Ăn mót vỏ như vầy mà ngon. Ờ, hồi nhỏ có khi nào anh ăn mót vỏ dưa hôn?
            - Có chớ.
            - Ngon hôn?
            - Ăn mót thì thứ gì cũng ngon, đâu nhứt thiết gì vỏ dưa. Nhưng cô ăn đi chớ.
            Vừa ăn vừa nói cho tôi nghe cô đi đâu mà lâu về quá vậy?
            Loan vẫn không đáp ngay câu hỏi. Cô nói nhỏ bằng một giọng xa xôi như nói để nghe một mình:
            - Hồi còn ăn mót vỏ dưa, hễ có ai hỏi đi đâu lâu vậy thì câu trả lời thường thường là rất vui. Đi thăm ngoại, đi Sài Gòn chẳng hạn. Rồi thì bao nhiêu là chuyện vừa kể cừa cười. Bây giờ cũng câu hỏi đó mà sao buồn ghê. Sao anh không hỏi: Cô đi làm những chuyện gì cho nó chán chường thêm một chút. Ở đâu, thì có quan trọng gì mà hỏi?
            Tự nhiên Vũ nghe lòng se lại vì thương xót Loan và tự  trách mình tàn ác. Năm ngoái, nhân phải diễn tả một nhân vật làm nghề mãi dâm trong tiểu thuyết, anh nhờ bà chủ nhà thuê một cô đến nói chuyện với anh trong ít tiếng đồng hồ. Khi cô gái đến, anh đưa cô ta một mảnh giấy ghi hai câu hỏi: a) Một chuyện vui nhứt và một chuyện buồn nhứt của đời cô; b) Những ý nghĩ của cô về cuộc đời hiện tại. Vũ giải thích sơ qua ý muốn của anh rồi mời cô ta về suy nghĩ ít hôm, chừng nào có hào hứng nói chuyện thì trở lại. Để khích lệ, Vũ đưa trước cô ta hai trăm bạc. Ba hôm sau, cô ta trở lại lúc Vũ đang nghẹn bút đúng vào chỗ cần diễn tả tâm sự bi thương của một cô gái mãi dâm kể lại cho bạn nghe.Vũ mừng rỡ nhưng, cô gái không có gì để nói cả. Cô ta kéo Vũ lại giường và thái độ vụng về ngượng nghịu của anh làm cô ta ngã lăn ra, rồi co người lại mà cười như điên. Vũ đành mời cô ta ra về sau khi cho thêm một ít tiền nữa. Cô ta hết sức ngạc nhiên và xuống nhà dưới còn cười một lúc nữa với bà chủ mới chịu ra đi. Vũ thất vọng vô cùng. Cô gái kể ra cũng khá xinh và có duyên. Từ đó anh đành gác lại cái đề tài về những mẫu đời sa đọa.
            Bây giờ nghe Loan nói, Vũ mới chợt thấy không phải chỉ có những con người trong trắng mới biết hoài niệm những cái đẹp của tuổi thơ. Chẳng hạn như Loan cũng biết tiếc rẻ những giờ vui đẹp, vô tư của thời kỳ ăn mót vỏ dưa.
            Giọng anh trở nên thành khẩn và âu yếm:
            - Tôi xin lỗi đã vô tình gợi buồn cho Loan. Thôi Loan ăn dưa đi, tôi ăn thêm với.
            Nói xong, Vũ đưa miếng dưa cho Loan rồi bước lại lấy thêm miếng nữa cùng ăn. Loan vừa ăn vừa trả lời câu hỏi bỏ dỡ:
            - Em có về hai lần tại anh không biết đó chớ. Một lần nhằm lúc anh đi vắng. Em định ở chơi thật lâu. Nhưng sau khi đọc lén một bài thơ của anh trong ngăn kéo, em buồn quá, ra đi ngay, dặn dì Ba đừng nói lại.
            - Bài thơ gì đó?
            - Tựa là Áo Trắng. Nói một chàng trai nọ đi ngang một bờ rào thấy ai phơi một chiếc áo cánh bằng lụa trắng, về nhà cứ mơ tưởng rằng người chủ chiếc áo đó là một gái đẹp rồi đâm ra tương tư. Về sau, biết được đó là một cô gái chơi bời. Bài thơ chưa chấm dứt không hiểu kết cục như thế nào. Em đón mua hai ba kỳ tờ tuần báo anh viết không thấy người ta đăng báo bài thơ đó.
            - Rồi tại sao Loan buồn?
            - Vì em nghĩ người con trai trong bài thơ chắc là anh. Em tội nghiệp cho anh quá và buồn tủi cho cuộc đời làm đĩ. Em có rất nhiều áo cánh trắng và có lẽ cũng có một lần nào đó, một chàng trai nhìn em phới áo với tâm tình của người con trai trong thơ anh. Trong mấy năm trời, biết bao nhiêu chuyện đã làm cho em thương thân, tủi phận nhưng chưa lần nào em thương thân phận bằng lần đó.
            Vũ cầm lấy tay Loan. Bàn tay lạnh ngắt. Lạnh vì nước dưa hấu hay vì vì xót xa, buồn tủi? Loan hỏi:
            - Sao vậy anh? Sao bài thơ đó không thấy đăng?
            - Tôi bỏ nửa chừng không làm tiếp.
            - Sao vậy?
            - Làm thơ mệt lắm mà không có tiền. Nói Loan đừng buồn nhé, ở xóm này có một cô gái bỏ nghề  chằm nón để làm gái điếm. Tôi bắt chước cô gái đó. Tôi đang sống bằng nghề dịch sách trinh thám và ái tình ba lăng nhăng. Sách không phải do tôi chọn mà người ta chọn bảo tôi dịch. Những gì tôi viết mà Loan đọc lén đó, tôi viết chơi cho vui, bán không ai mua đâu.
            - Hơi khó hiểu, nhưng em không đòi anh cắt nghĩa đâu. Em muốn biết nếu như anh làm tiếp thì bài thơ kết cuộc như thế nào?
            - Không có "nếu như". Kiếp này thì kể như không có làm thơ nữa, Loan nói tiếp đi. Lần sau, Loan đến nhằm lúc nào?
            - Ờ, lần sau còn buồn hơn. Em đứng ở nửa chừng cầu thang nghe anh nói chuyện với cô Dung, em gái anh. Cô Dung ở nhà chờ anh đi đến nhà một ông chủ nhà xuất bản lấy một món tiền về cho cô sửa lại mái tóc và mua chút đỉnh đồ trang sức. Anh đã đợi hơn một tiếng đồng hồ để rốt cuộc không lấy được đồng nào. Ông chủ nhà xuất bản khen văn anh hay mà chê nhân vật anh không biết làm tình, chỉ biết nói với ngó nhau hoặc nắm tay nhau là tột bực. Viết như vậy không có độc giả. Anh đành ôm bản thảo về. Anh nói sẽ sửa lại theo ý ông chủ nhà xuất bản để có tiền cho Dung. Cô Dung thút thít khóc, chắc không phải khóc vì không có tiền sửa tóc mà khóc vì thương anh. Em không nghe anh nói tiếp. Có lẽ anh không khóc nhưng gương mặt anh lúc đó chắc là làm cho người ta phải khóc. Em nghĩ vậy và quay trở xuống ra đi. Lúc đó trong túi em có hơn hai ngàn bạc nếu em là một cô gái hiền lương nào khác em sẽ bước lên và đem đến một cái vui bất ngờ biết mấy. Nhưng con người của em, tiền của em… nhắc lại buồn ghê! Ra đường, em tạt vào một quán nước, ngồi khóc một mình. Anh thương em gái anh quá. Em thèm khát được như Dung. Giá như em cũng có một người anh như anh, thì đời em chắc không đến nỗi nào.
            Vũ đột ngột buông bàn tay Loan ra. Nếu cầm nữa, anh sẽ siết mạnh bàn tay ấy, một cử chỉ mà anh sợ hãi hậu quả. Loan tiếp:
            - Sau lần đó, em định sẽ không bao giờ trở lại đây nữa. Nhưng cách đây một
tuần, em ngồi trong một quán kem thấy anh đứng đợi xe tại một trạm ô tô buýt. Cùng đợi xe với anh có một cô nữ sinh mặc áo y như áo Dung. Anh nhìn cô gái ấy với một ánh mắt đầy thương mến. Em bỗng có ý sẽ may một cái áo y như vậy rồi đến với anh. Áo may rồi, em mặc thử  thấy mình không đến nỗi vô duyên lắm nhưng nhớ lại bài thơ Áo trắng của anh, em từ bỏ ý định đến đây trong mấy bữa, cho đến trưa nay không hiểu vì sao, em lại hy vọng sẽ đem đến cho anh một chút vui nho nhỏ. Em biết hai mẹ con dì ba đã về quê và anh đang ở một mình trên căn gác vắng hoe này. Chắc là anh nhớ Dung dữ lắm. Đến đây rồi, em mới biết không phải anh chỉ nhớ em gái anh mà thôi.
            - Chứ còn nhớ ai nữabây giờ? Vũ hỏi Loan và nhớ đến câu hỏi của Loan khi nãy: "Nhớ hôn mà hỏi vậy?"
            Loan quay lại chỉ xấp bản thảo đằng đi-văng mà cô đã đọc lén trong khi Vũ ngủ:
            - Anh nhớ đến người yêu của anh nữa, một người không bao giờ đến đây với anh.
            Vũ cười ngượng.
            - Tôi và tiểu thuyết của tôi khác nhau chớ.
            - Vậy mà em nghĩ là không khác, cho nên mới buồn.
            - Thôi cứ cho là không khác đi nhưng có gì mà Loan phải buồn? Tôi nhớ em tôi thật, nhớ người yêu tôi thật, nhưng cũng có thể nhớ một người bạn gái như Loan vậy chớ.
            Loan lắc đầu:
            - Anh đừng bày đặt thêm một con người khác nữa làm em thêm tủi. Có thể
anh nhớ bạn gái và muốn những người bạn đó đến thăm nhưng những người đó không phải như em đâu.
            Thấy Vũ cau mày ái ngại, Loan tiếp:
            - Anh đừng cãi. Trong những lúc chăm sóc cho anh, em hiểu lòng anh thế nào. Anh khao khát được một người con gái chăm sóc đến. Nhưng người con gái ấy là ai. Người yêu anh không bao giờ đến đây nữa. Em gái anh đã đi theo chồng rất xa rồi. Vì vậy, khi được chăm sóc anh không thấy sung sướng mà lại tức tối tại sao người chăm sóc anh không phải là người yêu anh, em gái anh, một cô bạn nào của anh mà lại là em, một cô gái chơi bời. Phần em, thì em tự biết rằng em không thể làm người yêu, làm em gái hay làm bạn của ai nữa hết, từ lâu rồi. Em biết thân em lắm, anh Vũ à.
            Hình như Loan còn muốn nói nữa. Nhưng giọng cô nghẹn lại và nước mắt trào ra.
            Vũ không còn sợ hãi hậu quả của một cử chỉ âu yếm nào như lúc nãy. Anh kéo Loan vào lòng hôn nhẹ lên một bên má đẫm lệ của Loan.
            - Loan ở đây ăn Tết với anh đi. Chiều nay, Loan đi chợ, làm bếp. Thỉnh
thoảng, trong cuộc đời cô độc, anh thèm khát được ăn cơm với người yêu, với em gái anh hoặc một đứa bạn, hoặc trai, hoặc gái. Những giờ khao khát đó giày vò anh một cách rất khác nhau. Loan đến đây một mình mà Loan đem cho anh ba bốn thứ vui ấy trong một lúc. Kìa! Sao Loan có vẻ hoài nghi vậy? Trong đời người những phút mình thành thật với mình kể như thưa thớt lắm, như giờ phút này của anh đây chẳng hạn.
            Vũ cựa mình, quờ quạng tìm mền theo thói quen mới hay mình đang ngủ với Loan. Đã lâu lắm rồi, Vũ mới biết trở lại cái cảm giác nửa đêm thức giấc thấy một người con gái ôm mình mà ngủ. Thứ ấm áp rất thông thường đối với mọi người ấy. Vũ nghe chừng rất mới đối với mình.
            Chắc đã gần sáng. Tiếng pháo nổ thưa thớt, có tiếng thùng khua và tiếng nước đổ vào lu ở tầng dưới nhà bên cạnh.
            Dưới ánh đèn lu, trông Loan hiền hậu như bất cứ một cô gái hiền lương nào, có đôi nét thơ ngây gần như trẻ con là khác. Thí dụ như cánh tay nhỏ bỏ vòng qua ngực Vũ và cái đầu gối phân nửa lên vai Vũ, y như đứa con gái năm tuổi của anh thường làm lúc vợ chồng anh chưa thôi nhau.
            Vũ nhìn Loan thật lâu để xem Loan ngủ thật hay giả vờ ngủ. Loan ngủ thật. Hơi thở đều đều. Bàn tay bỏ qua ngực Vũ thỉnh thoảng nhè nhẹ sờ soạng theo kiểu trẻ con sợ người nó ôm bỏ trốn đi trong giấc ngủ. Vũ hôn mạnh lên má Loan cho cô thức giấc rồi khẽ vuốt tóc cô. Loan mở mắt cười, hỏi Vũ:
            - Ấm hôn?
            - Ấm chớ.
            - Ấm thì làm cho em một bài thơ đi.
            Vũ hôn nữa, không đáp, Loan tiếp:
            - Như vậy có đèo bồng hôn? Một cô gái chơi bời đòi nghe thơ nói về mình!
            Thế nào anh cũng từng làm những bài thơ nói về người yêu của anh, về em gái anh. Một cô gái chơi bời thì có gì nói được thành thơ? Nhưng em không đòi thơ cho em đâu. Cho bất cứ một cô gái chơi bời nào cũng được.
            - Thơ nói gì?
            - Nói rằng một con gái chơi bời không phải hoàn toàn là vô dụng …
            - Rằng cô ta có thể làm một người em gái, một người bạn và nhứt là một người yêu đối với một người đàn ông cô độc trong đêm ba mươi Tết …
            Loan lắc đầu:
            - Có thể anh thành thật. Nhưng em không đòi đến một bài thơ như vậy. Một bài thơ rất thường thôi. Nói rằng một cô gái chơi bời kể như vô dụng không thể đem đến cho ai sự dịu dàng thơ ngây của một cô em gái, sự âu yếm, tình tứ của một người yêu, nhưng ít nhứt cô gái hư hỏng đó cũng làm "ấm" được một người đàn ông nằm chèo queo một mình trên gác trọ.
            Vũ gỡ tay Loan ra và ôm Loan vào lòng:
            - Hay lắm. Ý thơ đó hay lắm. Anh sẽ làm cho Loan bài thơ đó.
            Xóm nhỏ cựa mình thức giấc theo Vũ và Loan. Trong lòng Vũ, một niềm vui mỏng manh cũng đang trỗi dậy. Đã lâu, Vũ mới thèm làm thơ một cách đáng gọi là làm thơ.
            Một năm qua. Hai năm qua.
            Bài thơ hứa hẹn với Loan chưa kết được một vần nào. Cuộc đời cứ tiếp tục bắt buộc Vũ "dịch chuyện trinh thám và chuyện tình ba lăng nhăng đổi gạo" chứ không cho phép anh "làm thơ chơi cho vui". Tháng chạp năm nay, trở về căn gác cũ, Vũ được tin Loan chết vì tai nạn xe hơi trên đường đi Cấp với một khách làng chơi. Vũ buồn mất mấy hôm nhưng rồi bài thơ vẫn không có.
            Một hôm, Dung về thăm anh, thấy trong mớ bản thảo của Vũ một đoạn văn xuôi:
            Loan ơi! Chết đem theo sự  thèm nghe thơ và sống mà thèm nghe thơ chưa biết ai khổ hơn ai. Bài thơ mà em thèm nghe và anh thèm làm cũng chẳng đẹp gì cho lắm. Để thèm nó có lẽ ít buồn hơn là thưởng thức nó với sự đau xót trong lòng. Sẽ có một ngày kia, khi một cô gái ôm một chàng trai trong giấc ngủ yên lành, thì hơi ấm của cô ta tạo ra không gợi đến một tứ thơ cay đắng như em nghĩ. Bài thơ về hơi ấm đó sẽ có người làm và làm hay hơn bây giờ…

Bản quyền của Trang Thế Hy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com