Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
28/4/12

Rừng xanh một thủa - Phạm Ngọc San


Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội…..
                                                      Thế Lữ

       Rừng xanh,
          Một thủa…

          Mưa ngàn, gió núi, lán nứa , sương giăng…
          Trăng quên khe suối.
          Khói Hoàng Cầm không xua vắt muỗi.
          Lá rừng cắt vụn ánh trăng…

          Sớm,
          Vén sương tìm đất.
          Trưa, 
          Vén mây tìm trời.

          Hưng hửng. 
          Đổ mưa,
          Tối sập chơi vơi…
          Dối gian ngày tháng!
          Ngây ngô đếm tuổi ngàn cây…

          Rừng theo bước gió mây

          Đổi mùa.Thay lá
          Áo vẫn trung trinh,
          thủy chung
          Ươm cấy ước mơ xanh…

          Đêm,
          Báng súng buốt tê,
          Sương giăng trắng lạnh.
          Thả giấc mơ theo suối khát ngày về…
          Lâng lâng cùng tiếng chim tìm quả chín,
          Bồi hồi nhớ Mẹ, nhớ quê!...        

               Cổ tích, tiếu lâm, thơ nhạc…
               Cười đến say mê.
               Rẽ ngôi giữa,
               Làm duyên với cây già ngàn tuổi!
               Gió và chân,
               Hôn mòn đá cuội.
               Sẵn sàng bón tên-tuổi cho xanh những rừng già!

               Tóc bạc bay, cổ tích đã qua,
               Chợt im bặt!
               Vì vắng

               Dăm người từng yêu cổ tich!

                                                        Trích từ " Chạng vạng hoa đèn" NXB hội nhà văn 2011
25/4/12

Diễn văn trong Lễ Khánh Thành - Aziz Nesin

Diễn văn trong Lễ Khánh Thành  
Aziz Nesin

            Từ cửa sổ toa tàu, một bàn tay thò ra ngoài chỉ trỏ. Tít xa, tận cuối một thung lũng dài ẩn mình dưới làn sương xanh, một ống khói nhà máy nhô lên cao vút. Tàu càng đi xa ống khói càng thu nhỏ lại, chẳng mấy chốc đã biến thành một cây bút chì bằng ngón tay út dựng đứng trước thợ.
            Ðến lúc bấy giờ người chỉ tay vào cái tăm ống khói tít xa kia mới nói rằng chính ông là người đã đọc diễn văn khánh thành cho cái nhà máy đó.
            - Thế hóa ra đấy là nhà máy? - Một người cùng toa hỏi.
            - Chứ sao?
            - Thế nó là nhà máy gì?
            - Máy gì thì hỏi làm gì?
            - Dám hỏi, ngài đọc diễn văn khánh thành mà lại không biết là làm sao?
            - Có thể ngài quên - Một hành khách khác đáp thay.
            - Không, quên là thế nào, hồi ấy tôi có biết đâu - người ấy nói.
            - Thế sao, nhà máy không chạy à?
            - Có lẽ bây giờ chạy rồi. Nhưng cái hôm làm lễ khánh thành, lúc tôi đọc diễn văn thì người ta hì hục mãi mà máy không nổ.
            - Chắc lúc ấy ngài là giám đốc? - hành khách thứ ba tò mò hỏi.
            - Cái ông này! Tôi chẳng là gì cả - người đó đáp.
            - Thì hẳn ngài phải là một nhân vật "quốc gia"?
            - Chẳng "cuốc ra, cuốc vào" gì sất, ông bạn thân mến ạ!
            - Thế tại sao hôm ấy lại chính ngài được đọc diễn văn khánh thành mà cho đến bây giờ ngài vẫn không biết nó là nhà máy gì?
            - Hoàn toàn ngẫu nhiên. Các ông biết không, từ nhỏ lưỡi tôi đã dẻo lắm. Ðừng nghĩ rằng tôi bốc phét. Quả thực là tôi nắm được nghệ thuật diễn thuyết. Tất nhiên nghệ thuật này không lộ ra trong những câu chuyện hàng ngày, chẳng hạn như câu chuyện của chúng ta bây giờ, nhưng hễ cứ đứng trước một đám đông là thằng diễn giả trong người tôi lại đứng dậy. Nhờ thánh Ala phù hộ... Tôi mà đã đứng nói trước quảng đại dân chúng thì đố có ai ngắt lời tôi được. Anh bạn thân mến ạ, lúc ấy đầu óc tôi minh mẫn lạ thường, đến mức có thể nói nửa ngày không hết ấy chứ! Muốn thế phải có tài ứng biến, ông bạn quý mến ạ. Vậy tài hùng biện là gì? Tài ấy là: hễ mở mồm là nói không ngừng, không vấp, cứ nói liền, nói miết. Nói cái gì à? Cái đó không cần biết. Ðầu cuối có tùy ứng được với nhau hay không, chuyện ấy cũng không có nghĩa lý gì hết. Khó nhất là bắt đầu nói. Nếu bạn cảm thấy chủ ngữ một đằng, vị ngữ một nẻo thì cái chính là đừng có luống cuống, ngược lại phải kéo cho câu dài ra, cho phức tạp thêm, thế là người nghe lẫn lộn ngược xuôi và cuối cùng chết ngợp. Diễn văn xong người ta sẽ bình: "Người này nói giỏi quá" và sẽ hoan hô nhiệt liệt.
            Bạn ạ, tôi đã từng đọc những bài diễn văn như thế và lần nào cũng được mọi người bao vây, hết lời chúc tụng. Người thì ôm ghì lấy tôi, kẻ thì hôn tay cúi đầu. Sau mỗi buổi như thế tôi thường tự hỏi: "Ta đã nói gì vậy?" Thật kỳ lạ là tôi không thể nhớ ra được. Tôi đã thế mà người nghe cũng thế. Nếu muốn biết một người nói có hay không thì đầu tiên phải tìm hỏi diễn giả: "Ngài nói gì vậy?", rồi sau hãy hỏi đến người nghe: "Ông ấy nói gì thế?" Ðến khi vỡ lẽ là cả hai đều không biết gì, nhưng người nghe vẫn bình phẩm: "Diễn giả thật lôi cuốn", ấy là bài văn được liệt hạng nhất đấy.
            Hồi còn đi học tôi là thằng chúa lười. Hơn nữa tôi hoàn toàn mít đặc về số học và hình học, thế mà chưa bao giờ tôi bị đúp cả. Tất cả đều nhờ tài thuyết pháp của tôi. Năm nào cũng thế, cứ đến giờ học cuối cùng là tôi lại đứng lên nói với thầy giáo: "Thưa thầy kính mến, thầy cho phép con thay mặt anh em được thưa với thầy đôi câu". Thầy mới nói: "Miễn thưa bẩm, con cứ nói đi", và thế là thầy sa lưới tôi ngay. Tôi mở đầu rằng: "Nhân vì năm học vừa hết, đội ơn thầy cho phép, con xin bộc bạch những cảm tình của bạn bè con, bẩm thầy...!" Rồi, không để cho thầy tôi kịp lấy sức mà bàng hoàng, tôi không ngậm miệng lại giây nào, cứ thế mà tuôn ra tràng giang đại hải: "Thầy ơi! Suốt một năm qua thầy đã... dạy chúng con... trên con đường khoa học sáng lạn... khơi mào đầu óc chúng con... mầm mống rực rỡ...".
            Rồi đó tôi phát ra tất cả những gì chợt đến trong đầu. Toàn bộ nghệ thuật là không được vấp váp. Không được để người nghe kịp nghĩ: "Nó nói gì vậy?".
            Cứ nói và nói, không được dừng lại.
            Lúc tôi mới nói thầy giáo không hiểu, sau thầy bị rơi vào tình trạng quên lú, rồi những nếp nhăn trên trán thầy dãn ra đôi chút, cuối cùng thầy nhăn mũi, mắt thầy đờ đẫn không chớp và hai bàn tay run lên. Còn tôi vẫn cứ nổ liên hồi không nghỉ. Giá các bạn được nghe tôi nói lúc ấy nhỉ! Chắc cũng phải đổ nước mắt. Thầy tôi lau mũi, cổ họng giật giật. Cuối cùng không giữ được nữa, nước mắt thầy tôi ròng ròng. Tôi thì cứ nói, còn thầy thì cứ khóc. Thỉnh thoảng tôi lại ném một cái nhìn lên thầy tôi. Lúc nào nhìn thầy sắp chết xỉu tôi mới dừng chút ít. Lúc đó thầy tỏ vẻ muốn nói lại đôi lời. Nhưng mấy lần thầy tôi không nói ra được. Thầy hỉ mũi, thở dài nặng nhọc, lau mắt rồi nói: "Các con của tôi ơi, thầy thật bội phần cảm kích và xúc động đến nỗi thầy không sao nói ra được những tình cảm của thầy..." và, đang nói dở câu, thầy tôi bỏ lớp chạy ù ra ngoài. Còn chúng tôi thì cười theo ầm ĩ.
            Thầy dạy môn Hoá của chúng tôi được gọi là thầy Nidam-số không. Nhiều trường đã biết danh thầy. Thầy có một câu nổi tiếng: điểm 10 là điểm của thánh Ala vĩ đại, điểm 9 là điểm của riêng tôi, điểm 8 là điểm của trò nào chăm chỉ nhất. Tuy vậy cũng chẳng ai đạt được điểm 8 của thầy cả. Một hôm vào cuối năm học, thầy Nidam-số không vừa vào lớp, tôi liền đứng dậy diễn thuyết. Giá lúc ấy tôi không ngước mắt nhìn lên thì thầy tôi đã ngã dập đầu xuống đất. Các bạn tôi xốc nách thầy mãi mới vực được vào phòng hội đồng. Ông bác sĩ đến hỏi: "Sao thế này hả ngài Nidam?" Nhưng nước mắt đã cản lời thầy Nidam-số không lại. Các thầy giáo khác đổ riệt tội cho bài diễn văn hàng năm của tôi. Tuy thế tôi đã được thầy Nidam cho đến điểm 10. Ðến kỳ thi, tôi vừa vào lớp thầy đã khóc nức lên mà rằng: "Dẫn nó ra đi, dẫn ra đi!" Thầy không hỏi tôi một câu, cũng không nín khóc, cứ thế mà hạ điểm 10 xuống. Từ đó đã bao năm trôi qua, thầy Nidam-số không đã về hưu từ lâu, thế mà đến nay hễ gặp tôi ở đâu là thầy không cầm nổi đôi hàng lệ. Thậm chí thấy tôi từ xa thầy đã nức nở lên rồi.
Nói chung, đối với các thầy giáo không nên nhìn vào hình thức. Một thầy cau có nhất thường lại là mềm yếu nhất.
            Thế là nhờ diễn văn tôi đã tốt nghiệp trung học. Ra làm viên chức tôi được bổ đến một tỉnh xa. Tôi đã đi ngang đi dọc khắp thành Anatôli. Thực ra tôi chẳng làm một công vụ viên chức nào cả, nhưng bao giờ thượng cấp cũng dành cho tôi những nhận xét tốt đẹp. Còn về lương bổng tôi cũng cứ nhảy hai bậc mỗi kỳ. Bạn ạ, tất, tất cả những cái đó đều ở tài diễn thuyết của tôi mà ra. Không tuần lễ nào không có một vài cuộc họp.
            Khi thì một thượng quan trút linh hồn về trời và người ta phải tổ chức điếu phúng, khi thì đón rước sếp mới và người ta phải chiêu đãi mừng ngày nhậm chức. Người đến, người đi thẩy đều phải có diễn văn của tôi. Vào lễ truy điệu chỉ cần tôi khai giọng: "Thưa các bạn đồng nghiệp quý mến, hôm nay chúng ta phải sống những giờ phút đau thương nhất và nặng nề nhất trong cuộc đời mình..." thì mọi người ngồi dưới đã bắt đầu nức nở. Nếu lễ truy điệu làm ở khách sạn thì đến cả những anh hầu bàn, thậm chí những bác đầu bếp cũng sụt sùi nước mắt.
            Cuộc đời tôi cứ trôi đi như thế đó, các tôn huynh ạ.
            Một lần, cách đây bốn năm tôi đi nghỉ phép. Chả là tôi có một người bạn từ hồi để chỏm tên là Hami. Tôi đi nghỉ ở Xtămbun và trên ô tô buýt tôi gặp cái chàng Hami ấy. Chúng tôi ôm ghì lấy nhau mà hôn. Bao nhiêu năm không gặp còn gì. Chắc các bạn còn nhớ, lúc nãy tôi vừa kể rằng những bài diễn văn của tôi đã làm rơi nước mắt từ thầy giáo cho đến thượng cấp. "Này, cậu về chơi với mình một ngày nhé - Hami đột nhiên bảo - Ngày mai bọn mình làm lễ khánh thành nhà máy."
            Tôi nhận lời. Cái quãng tôi vừa chỉ tay ấy là nơi chúng tôi rời ô tô buýt. Ðêm ấy tôi ngủ nhà Hami. Hôm sau chúng tôi đến nhà máy. Nhà máy thế nào, các bạn đừng có hỏi vội! Cả một sân toàn là cừu, bò, lạc đà và trâu.
            - Sao nhà máy lại nuôi cừu nhỉ?
            Bữa ấy chính tôi cũng thắc mắc.
            Hami bảo tôi rằng súc vật dùng vào tiệc khao. Bầy cừu được tắm sạch, lông được nhuộm phẩm hồng, sừng được sơn son, rồi được sắp vào hàng lối ngay ngắn. Như thường lệ, sau lễ khánh thành, lúc nhà máy bắt đầu hoạt động là lập tức đàn súc vật bị chọc tiết.
            Băng khánh thành vẫn căng. Bàn tiệc đã chuẩn bị. Mọi thứ đã xong, mọi nhẽ đã ổn định. Khách lần lượt đến từ sáng. Nhà máy nằm giữa một khu đất lớn, thế mà chả mấy chốc khu đất đã thành một biển người đông nghìn nghịt. Ðến trưa thì ô tô đã đậu một hàng dài. Bạn Hami của chúng ta bước lên diễn đàn. Vì không có tài nói nên bạn ấy ấp úng mấy chỗ, cuối cùng mới được một câu: "Bây giờ quan trên tôn kính của chúng ta, người mang hạnh phúc về đây, sẽ khởi động cho toàn nhà máy". Ai cũng nghĩ quan trên sẽ bấm một cái nút, nói cách khác, sẽ phát một tín hiệu và trước mắt mọi người cả nhà máy sẽ hoạt động. Vị quan đó bước lên một cái bục cao, lấy ngón tay ấn một cái nút, xong lại ấn lần nữa, rồi lại ấn lần thứ ba. Lúc ông ta vừa vươn tay về phía cái nút thì ở phía sau người ta đã đè nghiến những con vật xuống đất và kề dao vào cổ.
Vị quan cứ ấn mãi cái nút mà nhà máy vẫn bất động. Bực mình vì vị quan mãi không làm xong cái nhiệm vụ cỏn con đó, Hami đứng lên tự tay nhấn mạnh chiếc nút.
            Kết quả vẫn vậy. Trong đám đông đã có người cười rúc rích, nhiều người lộ vẻ chán nản ra mặt. Ala, lạy thánh Ala!
            Bối rối, Hami chạy xuống chỗ tôi. Mặt anh ta tái nhợt, đôi mắt hoảng hốt. "Cứu mình với! - anh ấy van lơn - Mình sẵn sàng hôn tay hôn chân cậu, cậu bảo gì mình cũng xin vâng. Hỏi ai giúp được mình bây giờ thì chỉ còn cậu. Cậu lên diễn đàn và nói một lời đi! Cậu hiểu không, chúng mình đã chuẩn bị xong để khởi động nhà máy, chỉ còn quên cái dây cua-roa bánh đà nữa thôi. Bây giờ chúng mình đi mắc dây, còn cậu lên nói cho khoảng mười phút. Phi cậu không ai làm nổi. Mình van cậu lên nói đi, nói gì cũng được, gọi là trấn an ấy mà.
            Tôi còn biết làm gì khác được? Tình bằng hữu thôi thúc. Tôi đành lên bục.
            "Kính thưa các vị quí khách - tôi mở đầu như vậy. Nhưng thậm chí tôi đã biết tên nhà máy là gì đâu. Hôm qua lúc đêm khuya về nhà Hami, Hami có đem chuyện nhà máy ra kể nhưng quả thật là tôi đã quên mất, lúc ấy mệt quá, buồn ngủ rũ mắt. Thế là chân tôi thì đứng trên bục, còn mắt tôi thì đảo quanh nhà máy, cố tìm hiểu xem chức năng của nó là gì. Thế nhưng tôi không sao đoán ra được. Giá phỏng tôi biết là nó sản xuất ô tô hay là sản xuất đường mật thì tôi có thể nói suốt ngày đêm. Ðằng này tôi cứ nhìn quanh mà không thấy Hami đâu cả. Phát điên lên. Nhưng biết làm sao, tôi bèn nói:
            "Kính thưa các vị quý khách, đại quý khách! Tất cả chúng tôi... đều có... cái vinh hạnh... được chào đón... các vị. Các vị đã chẳng quản... muôn dặm đường xa... trăm điều mỏi mệt... để đến đây... chia vui. Nhưng thế chưa đủ! Và... lát nữa đây, thưa các vị, trước mắt các vị... nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động, nhà máy đứng đầu cả nước..."
            Trên bàn có một cái bình. Tôi cầm lên rót nước ra cốc, đồng thời ngoảnh vội về phía người đứng sau lưng tôi bảo: "Tìm ngay Hami và bảo anh ấy rằng, dù mắc cua-roa hay làm cái khỉ gió gì đi nữa thì cũng phải nhanh lên đấy" Người ấy trả lời khẽ: "Cua-roa mắc rồi mà máy vẫn không chạy. Hoá ra là quên bánh xe răng trục chính. Bây giờ còn đi tìm."
            Tôi lập tức giảng giải cho đám quần chúng biết thế nào nghĩa là "nhà máy". Tiếng "nhà máy" bắt nguồn từ đâu mà vào trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ta.
            - Thế nhưng chính ngài có biết không? - Một người cùng phòng trên tàu hỏi.
            - Bạn vàng của tôi ơi, quả thật tôi cũng không có ý niệm gì cả. Tôi không biết mà thính giả của tôi cũng không biết.
            Rồi tôi nói nhà máy xuất hiện ra làm sao, tôi giải thích rằng chữ "nhà máy" bắt nguồn từ tiếng Latinh, tôi kể về lịch sử phát triển các nhà máy, tôi thông báo địa điểm xuất hiện nhà máy đầu tiên. Có một lúc tôi thoáng nhìn thấy Hami. Anh ta ra dấu van lơn: "Cậu cứu mình nhé, cứ nói dài vào". "Thưa các vị tôn khách - tôi lại nói tiếp - Lát nữa nhà máy hoạt động các vị sẽ thấy nhà máy này không giống một nhà máy nào khác. So với những nhà máy tương tự trên thế giới thì nhà máy này xếp hạng nhất...".
            Tôi nhìn đồng hồ, từ lúc tôi nói mới có năm phút. Tôi lại nhấc cái bình nước: "Máy móc lại làm sao thế? - tôi vội hỏi người đứng phía sau - Ðến bây giờ vẫn chưa lắp được bánh răng à?" - "Dạ, lắp rồi nhưng máy vẫn không chuyển. Ngài Hami bảo gửi lời cám ơn ngài và xin ngài nói dài thêm chút nữa. Tìm mãi hoá ra anh em thợ quên lắp cái nồi hơi nhỏ. Bây giờ sắp xong rồi ạ".
Nửa tiếng sau: "Hỏi bây giờ đất nước ta cần cái gì nhất? Các vị hãy thử trả lời câu hỏi ấy xem!" Tôi đưa mắt nhìn những gương mặt đang hướng về tôi: "Tất nhiên, các vị đều biết rằng đất nước ta cần nhất là nhà máy. Vì sao lại cần nhà máy? Vì rằng nhà máy có nồi hơi, có trục truyền động, có mô tơ, có máy cái, nhà máy có ông giám đốc, có người gác cổng, có nhân viên, có căng-tin, có ống nước. Và nếu thiếu một chi tiết đi thì nhà máy không tài nào vận hành được. Sau khi chúng tôi đã giảng giải cho các vị rõ về cái chân lý đó... chúng tôi xin phép một lần nữa được nói rằng: "Xin nhiệt liêt hoan nghênh các bậc khách đại tôn đại quý!" Còn bây giờ, nếu được các vị cho phép, tôi xin kể đôi điều về các nhà máy. Trước hết phải hiểu nhà máy là gì? Nhà máy nghĩa là nhà máy. Chừng nào chúng ta chưa thấm nhuần cái chân lý đó chúng ta sẽ không bao giờ khởi động được nó. Hoặc giả..."
            Vừa lúc đó có người đặt trước mặt tôi một mảnh giấy. Tôi đọc lướt. Thì ra là của Hami. "Cậu cứu mình với. Nhân danh những gì thiêng liêng nhất, cậu phải nói nữa. Cái ống khói lẽ ra phải ở nóc lò thì thợ lại lắp nhầm vào cửa sổ phòng ông giám đốc. Bây giờ đang đục một lỗ mới. Ðừng có ngừng lời đấy, kẻo mà chết mình."
            Tôi nhìn thính giả: "Mới nhận được một bức điện - tôi bảo họ - Nhân dịp khánh thành nhà máy này, các nước láng giềng anh em gửi lời chúc mừng ta và đặt hàng trước."
Nước trong bình đã cạn. Mặt trời đã lặn. Chiều xuống. Bóng tối buông màn. Còn tôi cứ nói, có lúc tôi được biết một điều đáng kinh ngạc là máy móc đã xong mà chỉ còn quên thuê thợ điều khiển. "Ngài nói thêm chút nữa cứu chúng tôi với - người đứng sau lưng tôi van vỉ - chúng tôi đã cho người đi gọi thợ rồi."
            Nhưng đến đây sức chịu đựng của tôi đã kiệt.
            Tôi túm lấy vai người ấy lôi ra trước micrô "Thưa quí vị - tôi nói - Bây giờ nhà chuyên gia này sẽ kể vắn tắt vài lời về nhà máy chúng ta..."
            Tôi nhảy đại xuống chạy ù về nhà. Ðến nơi tôi lên ô tô chuồn thẳng. Thế là tôi cũng chẳng hay cái nhà máy có chạy được không. Còn Hami thì tôi chả gặp đâu cả. Nghe nói năm ngoái anh ta dẫn đầu một đoàn đi thăm Châu Âu.

Những người thích đùa - Nhà xuất bản Văn HTT - Các dịch giả: Thái Hà, Đức Mẫn và Ngọc Bằng.
Chát Xình Chát Chát Bùm
Aziz Nesin

            Tôi đã hiểu được thấu đáo điều này: con người cần phải làm mọi việc cho đúng lúc, phù hợp với lứa tuổi của mình. Nếu không sẽ thành trò cười cho thiên hạ. Người ta nói vậy mà đúng: ai đến 54 tuổi đầu còn chơi bời phá phách thì kẻ ấy sẽ không còn được yên ổn ở trên cõi đời này.           Nếu anh ta nhất định muốn chơi bời thì hãy chơi bời vào cái tuổi 20, không thì 30 đi. Chứ tôi đây - cầu trời phù hộ cho bạn khỏi phải thấy cảnh ấy - lại chơi bời vào lúc 58 tuổi đầu. Và nếu như ngày hôm nay tôi đang phải ngồi trong nhà thương điên thì ngoài bản thân mình ra, tôi không còn biết buộc tội cho ai được nữa. Tôi đã bị trừng phạt thích đáng về tội chơi bời không đúng thời đúng tuổi.
            Cầu xin đấng Ala giữ gìn cho bầy con của Ngài khỏi lầm đường lạc lối! Tôi có thằng con trai học năm cuối cùng ở trường Đại học Bách khoa và một đứa con gái, cháu nó lại xinh đẹp nên chúng tôi phải vất vả lắm mới buộc nó học hết được bậc trung học, nó đi lấy chồng rồi. Tôi đã có 2 đứa cháu ngoại...
            ...Thôi, để tôi kể cho các bạn nghe từ đầu - tôi đã phát rồ và phải vào nhà thương điên như thế nào. Bạn thấy đấy, tôi có nói nhảm đâu, tôi đang nghị luận một cách bình thường đấy chứ. Tôi có thể đặt câu không kém gì Exat Mamut. Tôi nói còn chí lý và logic hơn cả nhiều nghị sĩ nữa kia. Nhưng dù sao thì tôi cũng đang ở trong nhà thương điên. Nguyên nhân mọi chuyện chỉ là tại chát xình chát chát bùm...
            Vâng! Kẻ tôi tớ trung thành của các bạn đây vốn là luật sư. Bạn còn nhớ xưa kia ta từng có một trường luật đấy chứ? Tôi tốt nghiệp chính cái trường ấy đấy. Mà còn được xếp vào loại "ưu" nữa kia, giờ thì gọi là "giỏi" ấy mà! Quả tình tôi là một luật sự, song không ở trong số những kẻ đi cãi cho bọn "chó sói" khét tiếng mổ thịt cả mẹ, cả chị, cả vợ, cả con gái và hàng chục mạng người thân thích khác. Những chuyện ly dị, cãi cọ trong gia đình và mọi thủ đoạn buôn bán rắc rối tôi cũng chẳng nhận cãi làm gì. Đã mấy năm nay rồi, tôi chỉ là luật sư ăn lương nhà nước tại một sở nọ, nghĩa là làm cố vấn tư pháp.
            Tất cả bạn đồng học của tôi đều đã trở thành những ông hoàng. Lần nào đến văn phòng của họ tôi cũng không giấu nổi vẻ ngạc nhiên. Không, lạy giời, tôi không ghen tị với ai cả, nhưng mỗi khi trông thấy các cô đánh máy trẻ măng của họ, tôi không tài nào nhịn liếm môi được. Như tôi đã nói đấy, tôi đã bỏ lỡ mất thời cơ, không làm đúng lúc cái công việc đáng lẽ phải làm và bây giờ thì đứng nhìn người khác mà...
            Cuối cùng, tôi không chịu được nữa. Tôi bèn gửi đăng báo: "Văn phòng luật sư cần mướn một nữ thư ký trả lương hậu." Tôi có nghe nói trên thế giới này đàn bà nhiều hơn đàn ông, nhưng nhiều hơn bao nhiêu thì tôi chịu không hình dung nổi. Ai đến xin làm nữ thư ký cũng ngắm nghía tôi như người đi tậu nhà vậy. Họ đưa ra hàng tràng câu hỏi, tựa hồ không phải tôi muốn mướn họ, mà họ định mướn tôi ấy. Và sau mỗi cuộc lục vấn như vậy họ bỏ đi, buông thõng một câu:
            - Để tôi nghĩ xem và trả lời sau.
            Tôi không nhớ là trong đời tôi đã có bao giờ phải tốn nhiều nước bọt đến thế hay không. Đồng thời tôi cũng thấy khiếp sợ... Ngày thứ ba sau khi đăng báo, có một cô đến văn phòng tôi. Không phải một cô gái thường đâu mà là một hồ ly tinh hiện hình thì đúng hơn! Bạn đừng nóng ruột, tôi sẽ tả kỹ cô nàng và bạn sẽ phải tin tôi thôi. Trên vai, cô ta đeo một cái sắc như loại các sĩ quan vẫn mang khi diễn tập, chỉ khác cái là to gấp đôi. Chiếc váy cô ta mặc là thứ váy mà ta không thể nào hiểu nổi đâu là trên, đâu là dưới nữa. Và dưới chiếc váy "giật gân" ấy là hai bắp chân nõn nà tựa hồ hai quả ô liu khêu gợi: "Hãy ăn tươi nuốt sống chúng tôi đi!" Đôi chân để trần đi giày cao gót, mớ tóc lộng lẫy chấm đến vai...
            "Ôi, trời đất, nhân danh Đấng Sáng Thế, xin hãy cho tôi có đủ sức!" - tôi thoáng nghĩ thầm. Và khi cô ta đung đưa cặp đùi tiến lại bàn tôi thì suýt nữa tôi đã ngã gục xuống để trở thành một vật hy sinh của tình ái.
            - Ông cần nữ thư ký? - cô ta hỏi.
            Tôi không còn đủ hơi sức để trả lời, tôi cũng không nói ra nổi được lấy một tiếng nào cả. Tôi chỉ nhớ là ngực tôi phập phồng như bễ lò rèn. Cô nàng ngồi xuống trước mặt tôi.
            - Em tên là Bixen ạ - cô ta bắt đầu - 21 tuổi, cao 1 thước 62, nặng 57 cân. Nỗi ham thích duy nhất của em là khiêu vũ. Em rất mê nhảy. Mục đích đời em là trở thành tài tử điện ảnh. Trong các loại hoa, em thích nhất hoa mộc lan, nước hoa thì loại "ôrigan". Mối tình cuối cùng của em là một thuỷ thủ Mỹ.
            Vừa kể cho tôi nghe đoạn tiểu sử ngắn ngủi ấy, cô ta vừa ra sức nhai kẹo cao su. Thấy tôi cứ lặng thinh, cô ta hỏi:
            - Thế nào, có được không ạ?
            Tôi hé mắt nhìn: chiếc váy mặc hớ hênh quá! Lấy hết nghị lực, tôi cố sức thốt lên:
            - Đư... ư... ợc lă... ắ... m!
            - Em xin 300 đồng một tháng ạ.
            Từng ấy thì gần bằng tất cả số lương luật gia của tôi rồi còn gì, nhưng không sao. Đối với cô nàng thế này thì cũng không tiếc.
            Thế là chúng ta đã làm quen với Chát xình chát chát bùm rồi đấy. Cô ta chính tên là Bixen, nhưng tôi gọi cô là Chát xình chát chát bùm. Vì sao? Vì ngay hôm đầu, ngay từ cái giờ phút đầu tiên ấy, cô ta đã luôn miệng nhắc đi nhắc lại: "Chát sình chát chát bùm!... Chát xình chát chát bùm!" Đồng thời cứ giật giật người lên một cách lạ lùng và khẽ nhún nhẩy...
            Công việc tôi đang làm đương nhiên là bị xếp xó rồi. Chúng tôi cùng ăn bữa trưa và bữa chiều với nhau. Đến thứ sáu cô ta hỏi:
            - Chủ nhật này ta đi đâu ạ?
            - Em thích đi đâu thì chúng ta đi đấy - tôi đáp.
            - Ta ra ngoại thành chơi nhé.
            Thế là chúng tôi đi ra ngoại ô thành phố, đến các hòn đảo, các khu vườn. Mọi sự đều hay: nhưng những cuộc đi ấy chẳng mang lại được cái gì béo bở cho tôi cả. Tôi sợ đụng phải cô ta. Giá cô ta vô tình bỗng chạm phải tôi thì tôi giật thót người lên như bị điện giật vậy.
Ngoài ra, lần nào cô ta cũng kiếm một chàng trai trẻ nào đó và họ bắt đầu ưỡn ẹo chát xình chát chát bùm, chát xình chát chát bùm. Họ nhảy đến hàng giờ đồng hồ! Làm như thể tôi may sắm cho cô ta, cho ăn cho uống, dẫn đi chơi lại kèm thêm việc bỏ vào túi cho cô ta 300 đồng, để cô ta vui chơi với kẻ khác... Có lần một thằng mất dạy nào đó trông thấy hai chúng tôi trong hiệu ăn đã hỏi:
            - Đấy là con gái ông? Ối chà chà, tuyệt quá!
            Tôi bèn cạo râu mỗi ngày hai lượt. Sơmi hồ hột, quần là thẳng nếp, mỗi ngày một bộ comlê mới, bông hoa gài ngực áo... Vợ tôi thường hỏi:
            - Mình làm sao thế?
            - Làm thế nào được, thời buổi bây giờ phải thế - tôi đáp quanh co.
            Tôi điên người vì cô nàng của tôi lại cứ nhún nhảy với bất kể một tên đê tiện nào. Cuối cùng, tôi nói thẳng cho cô ta biết là tôi ghen. Giá bạn được thấy cô ta biến sắc đi như thế nào! Nàng tiến lại gần, ngồi vào lòng tôi, đỡ lấy cằm tôi mà nói:
            - Ông già ơi, ông chẳng biết quái gì cả. Giá như ông biết nhảy có phải hay bao nhiêu không!
            Đó là cử chỉ âu yếm nhất mà tôi được cô ta ban cho trong đời. Một ý nghĩ vụt nẩy ra trong óc tôi: tôi sẽ học nhảy giấu cô ta, tôi sẽ cho cô ta một mẻ ngạc nhiên! Bây giờ thì hẳn không còn ai lôi được cô ta ra khỏi cánh tay tôi nữa. Nhưng đã ngần này tuổi đầu mà còn đến trường học nhảy thì làm sao coi được? Tôi bèn kín đáo học lỏm cách giơ chân múa tay của những kẻ bỏ mặc tôi. So sánh với những điệu nhảy thời nay thì những điệu nhảy khi xưa của chúng tôi chẳng qua như ngỗng bước...
            Về đến nhà tôi vào ngay trong buồng khoá cửa lại và bắt đầu nhảy, chân dậm miệng nhịp chát xình chát chát bùm, chát xình chát chát bùm... Bị kích thích đến quá độ, tôi dậm chân mỗi lúc một mạnh.
            Những người ở tầng dưới lúc đầu tưởng là tôi gõ để báo cho họ khỏi làm ồn nên mọi người lập tức yên lặng ngay. Nhưng sau đó tiếng dậm chân và những tiếng động lạ tai cứ tăng lên mãi nên họ bèn lên gác chỗ tôi xem sự thể ra sao. Nghe thấy ồn ào, vợ tôi, con trai, con gái, con rể, các cháu tôi chạy cả lên và nhòm qua lỗ khoá:
            - Trời ơi, ông cụ phát điên rồi - mọi người lo lắng nói.
            Vợ tôi bèn bảo:
            - Ít lây nay tao thấy cung cách ông ấy có cái gì đáng ngờ lắm. Tao đã để ý thấy có cái gì khang khác...
            Tôi vẫn tiếp tục công việc của mình chát xình chát chát bùm, chát xình chát chát bùm...     Vợ con tôi oà lên nức nở.
            - Tao chẳng vào đâu, tao sợ lắm! - vợ tôi nói.
            - Con cũng chịu thôi! - con gái tôi kêu lên.
            - Phải báo cho sở cảnh sát - chàng rể tôi bỗng nghĩ ra.
            Khi 3 người cảnh sát xông vào buồng tôi, tôi vẫn mặc độc một chiếc quần lót, tay ôm chiếc gối đứng dậm chân trước gương, miệng thì hát: "chát xình chát chát bùm!... chát xình chát chát bùm!..." Một người cảnh sát ôm ngang lấy tôi, vật xuống đất trói lại, quẳng vào ô tô và chở vào nhà thương điên.
            Thoạt đầu tôi còn định nói: "Các người ơi, tôi có điên đâu, tôi học nhảy đấy mà!" Nhưng sau tôi nghĩ nếu thế lại càng nguy. Người ta lại bảo: xem đồ ngốc kia, hơn 60 tuổi đầu mà còn phải nhục nhã vì một con bé con. Tốt hơn hết là tôi đừng có nói ra. Cứ mặc cho họ tưởng rằng tôi điên thật thì cùng lắm người ta cũng còn thương hại tôi. Sau khi đã quyết định như vậy, tôi lại tiếp tục giả vờ điên. Ngay cả ở sở cảnh sát và trước mắt các bác sĩ tôi vẫn nhảy cẫng chân lên mà hát: "Chát xình chát chát bùm! Chát xình chát chát bùm!". Các bác sĩ đương nhiên là nghĩ ngay ra được một cái tên Pháp lẫn Latinh nào đó để đặt cho căn bệnh của tôi.
            Thế là đã một năm nay tôi nằm tại nhà thương để chữa bệnh thần kinh. Dần dà tôi ít ngâm nga câu "Chát xình chát chát bùm!" hơn trước. Sắp tới đây tôi sẽ làm ra vẻ như trí khôn đã trở lại và họ sẽ cho tôi xuất viện. Quả tình trí khôn đã trở lại với tôi thật, nhưng quá ư là muộn...
            Chát xình chát chát bùm! Chát xình chát chát bùm!

Những người thích đùa - Nhà xuất bản Văn HTT - Các dịch giả: Thái Hà, Đức Mẫn và Ngọc Bằng.

23/4/12

Chiếc gương kỳ diệu - Aziz Nesin

Chiếc gương kỳ diệu
Aziz Nesin

            Tại nhà Ðavút Xêiuva, chủ hãng buôn các đồ nhập khẩu có tổ chức một bữa cơm khách. Trong số những người được mời có giám đốc nhà băng "Labát" cùng người vợ trẻ và cô em vợ to béo cảu ông ta; nhà chính kháchh Khanda Iátma, một trong những nhân vật "bảo thủ hạng nhất" của chúng ta, cùng đức phu nhân không có con của mình; nhà đại điền chủ kiêm thu tô Mêđêni cùng cô thư ký có đôi mắt hạt nhãn là nàng Ipêch; nhà buôn Hátgi Ôxman Barua, một thương gia cỡ lớn của tỉnh Ađăng chúng tôi, cùng cô nhân tình là nàng Phưxtưca.
            Từ chiếc máy thu thanh, tân khách bỗng nghe thấy giọng một phát thanh viên nói:
            - Thưa quí vị thính giả! Ðến đây chúng tôi xin tạm ngừng chương trình nhạc cổ điển Thổ Nhĩ Kỳ tối nay. Bây giờ mới quý vị nghe buổi phát hành thường kỳ "Những phát minh mới" Thuyết trình buổi này là một chuyên gia nổi tiếng, kỹ sư Mếchki Makinétgi.
            Bà vợ trẻ của ngài giám đốc nhà băng Labát nhăn mặt:
            - Sao tôi ghét giọng cái thằng cha này thế!
            Nhà buôn Ôxman năn nỉ:
            - Van bà! Xin bà cho phép chúng tôi được nghe cái mục này. Tuần trước anh ta đã nói về cách làm bông bằng giấy đấy.
            Trên máy thu thanh, kỹ sư Mếchki Makinétgi bắt đầu câu chuyện:
            - "Thưa quý vị! Trong lúc chúng tôi bắt đầu buổi phát thanh hàng tuần "Những phát minh mới" này, thì tại thành phố Nguyên tử ở bên Mỹ người ta cũng bắt đầu khánh thành một nhà máy nguyên tử mới, hoạt động theo chương trình "Nguyên tử phục vụ con người". Từ nhà máy này, những tia sáng nguyên tử sẽ được phát đi khắp thế giới. Phát minh mới về năng lượng nguyên tử này sẽ là một sự kiện kỳ diệu làm chấn động toàn nhân loại. Khi tia sáng nguyên tử chiếu vào các tấm gương soi ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, thì lập tức tất cả những hình ảnh đã được soi vào gương, kể từ lúc nó được chế tạo đến nay, sẽ lần lượt tái hiện trên mặt gương.
            Chẳng hạn, nếu ở nhà quý vị có một tấm gương mà quý vị đã dùng từ hai mươi năm nay, thì khi gặp tia sáng nguyên tử này chiếu vào, hình ảnh của tất cả những người đã soi vào gương từ hai mươi năm nay sẽ nối tiếp nhau xuất hiện lại trên mặt gương.
            Các cuộc phát thí nghiệm tới nay đã hoàn tất và đã cho những kết quả mỹ mãn. Như vậy, nhờ phát minh mới này, quý vị có thể được sống lại tuổi thơ, được nhìn lại tuổi thiếu niên hay ôn lại những kỷ niệm thời yêu đương của mình.
            Từ sau 9h sáng mai, xin quý vị nhớ đứng ra trước gương!"
            Bà vợ trẻ của viên giám đốc nhà băng Labát vỗ tay:
            - Trời ơi! Tuyệt quá! Ở nhà tôi có chiếc gương tôi đã soi từ hồi bé. Vậy là ngày mai tôi sẽ được xem lại cả một quãng đời của tôi.
            Khách khứa rời phòng ăn sang phòng khách, tụm lại thành từng nhóm, bắt đầu bàn tán sôi nổi về cái phát minh mới kỳ diệu.
            Khanda Iátma, nhà chính khách bảo thủ hạng nhất, ghé vào tai nhà thu tô Mêđêni thì thầm:
            - Ông bạn ạ! Thế thì cái phát minh mới này quả là kỳ diệu! Nó sẽ giúp ta nhớ lại nhiều sự kiện đã quên. Có một lần ở đồn cảnh sát tôi bị người ta nện cho một trận nhừ tử, ông tha lỗi cho cách nói hơi thô tục của tôi... Lúc chuồn được khỏi đó, tôi lập tức đến ngay phòng giám định y khoa để xin giấy chứng nhận là bị đánh, rồi mang ra tòa kiện. Nhưng các ông ở tòa chẳng thèm xem xét kẻ nào đã đánh tôi, mà rồi không hiểu thế nào họ lại kết luận là chính tôi đánh tôi mới tức chứ!
            Nhà thu tô bảo:
            - Nhưng mà bác Khanda ạ. Chuyện ấy có liên quan gì với chuyện cái gương này?
            - Ấy chết! Liên quan quá đi chứ lị ! Vì lúc tôi bị đánh, tôi nhìn thấy trên đường có treo một cái gương. Bây giờ thì mọi việc sẽ được khám phá ra hết.
            - Ừ phải - Mêđêni hưởng ứng - Còn tôi thì nhờ những chiếc gương thần kỳ này tôi sẽ phải vớ được ít nhất là bốn, năm vạn bạc.
            - Làm thế nào mà vớ được?
            - Có gì đâu! Ở nhà tôi có một cái tủ gương. Và chuyện tôi một dạo dan díu với con gái lão Kaliavi là cô ả Antưguyn thì chắc bác đã biết rồi.
            - Chuyện ấy thì ai mà chả biết!
            - Lão bố nhất định không chịu gả con gái cho tôi, còn cô ả thì cũng quên phắt ngay những tình cảm của mình. Nhưng giờ thì không xong với tôi đâu! Lão ta sẽ phải gả con gái cho tôi và tôi sẽ trở thành triệu phú cho mà coi!
            - Nhưng ông định làm cách nào mới được chứ?
            - Tôi và cô ả Antưguyn đã từng ân ái với nhau bao nhiêu lần ở nhà tôi, ngay trước cái tủ gương ấy. Sáng mai tất cả những cảnh yêu đương ấy sẽ diễn lại trong gương. Tôi sẽ mang cái gương đó cho lão Kaliavi xem, ông hiểu chưa? Thế là lão ta sẽ phải gả con gái cho tôi, bằng không thì phải chuộc lại cái gương ấy.
            - Thế lão ta không chịu thì sao?
            - Thì càng hay! Tôi sẽ mang cái gương ấy cho mọi người xem. Hay không kém gì xem hát ấy chứ! Và tôi sẽ thu được ối tiền! Hoan hô những cái gương kỳ diệu!
            Vợ nhà buôn hàng nhập khâu to nhỏ với ả nhân tình của ngài Hátgi Ôxman là Phưxtưca:
            - Tôi vẫn không sao quên chàng được!
            - Chị bảo ai? Kaplan ấy à?
            - Ừ, Kaplan ấy! Thế mà chàng thật chóng thay lòng đổi dạ. Nhưng thôi, ngày mai tôi sẽ đứng ra trước gương để được sống lại những giây phút êm đềm với chàng.
            - Tôi cũng phải trả thù lão già nhà tôi mới được! Tôi sẽ đưa gương cho hắn xem, để hắn thấy rằng hồi tôi mới quen hắn, tôi còn trẻ và xinh đẹp như thế nào! Thế mà bây giờ, chắc chị biết đấy, hắn ta đã chán tôi rồi. Tất cả bọn đàn ông đều thế cả!
            Khách khứa ai nấy đều sung sướng khi bàn tán về cái phát minh mới.
            Cô nàng Phưxtưca luôn mồm nói:
            - Ước gì chóng đến ngày mai nhỉ!
            Cô em vợ béo nục nịch của viên giám đốc nhà băng phụ hoạ thêm:
            - Vâng, ước gì chóng đến ngày mai! Em thấy sốt ruột quá! Trời ơi, những kỷ niệm thời quá khứ của em! Tuổi thanh xuân của em!
            Người thì mơ ước được gặp lại trong gương hình ảnh người mẹ đã khuất của mình, người thì muốn được thấy lại thời thơ ấu.
            Bỗng ngoài cửa có tiếng chuông, rồi một vị khách mới bước vào. Ðó là Sakháp Giênabétđia, một bác sĩ phụ khoa nổi tiếng. Mặt ông ta tái nhợt như người chết.
            - Có chuyện gì vậy, bác sĩ? Anh bị ốm hay sao thế? - vị chủ nhà hỏi.
            Viên bác sĩ lắp bắp:
            - Các vị không nghe nói gì cả à? Các vị không biết tin gì hay sao?
            - Tin gì cơ, anh Sakháp? Có tin không hay à?
            - Ðài phát thanh vừa nói xong mà! Ngày mai, nhờ việc phát minh ra tia sáng nguyên tử nên tất cả các gương sẽ hiện lại toàn bộ những hình ảnh từ trước đến nay! Thế mà các vị không hay biết gì cả hay sao?
            Mọi người bật cười ngạc nhiên:
            - Thế thì tuyệt quá chứ sao, hả bác sĩ?
            Bác sĩ Sakháp kêu lên một cách chán ngán:
            - Trời ơi! Té ra các vị mất trí cả rồi!
            Ðoạn ông kéo phái nam giới sang một phía.
            - Cái phát minh mới này đúng là giết tôi. Trong phòng mổ của tôi, trước bàn mổ, chắc các vị cũng biết đấy, có một tấm gương lớn.
            - Thế thì sao?
            - Thế thì chết tôi chứ còn sao nữa! Các vị còn chưa hiểu hay sao? Tất cả những vụ phá thai, nạo thai và còn nhiều chuyện khác nữa sáng mai thế là vỡ lở hết cả...
            Ðám các ông lo lắng nhìn nhau.
            - Ừ nhỉ, bỏ mẹ thật!
            - Thế mà mình không nghĩ ra!
            - Nếu thế thì ê mặt quá nhỉ!
            - Thậm chí phải nói đó là tội ác mà bọn mình đã... ấy chết, xin lỗi, nghĩa là tôi không có ý nói thế...
            Nghe các ông xì xào to nhỏ, đám các bà cũng đâm nhốn nháo. Bà vợ ông Ðavút Xôinva rên rỉ:
            - Hạnh phúc gia đình tôi, cuộc sống êm ấm hai mươi năm nay của vợ chồng tôi thế là hết! Ngày mai chồng tôi sẽ biết hết mọi chuyện. Ðầu tiên là chuyện với một tài xế của ông ấy, rồi sau là với một tài xế khác... Tất cả sẽ diễn ra trước gương...
            Cô nàng Phưxtưca than thở:
            - Thì ai mà ngờ được có ngày những cái gương kia lại làm vỡ lở mọi chuyện...
            - Còn tôi thì sáng nào cũng lục túi, lấy cắp tiền trong ví ông ấy... Sáng nào cũng thế... Lúc ông ấy còn đang ngủ... Ðến bây giờ ông ấy vẫn chưa hay biết gì. Nhưng ngày mai thì thôi... ông ấy sẽ biết hết.
            Ngài Hátgi Ôxman cứ lẩm bẩm một mình:
            - Lẽ ra mình không nên dan díu với con hầu gái ấy. Mẹ kiếp! Ðúng là ma dẫn lối quỷ đưa đường!...
            Những tiếng kêu "trời" vang lên mỗi lúc một to. Sau đó không khí trong phòng lại im lìm như chết.
            Bỗng giọng nói ồm ồm của bác sĩ Sakháp phát tan bầu không khí im lặng:
            - Thưa các vị, chả lẽ các vị vẫn chưa tin rằng cái phát minh mới này, cái thứ gương kỳ diệu này sẽ làm tan vỡ hạnh phúc của chúng ta hay sao?
            - Không, không... Ðúng là những cái gương này sẽ giết tất cả bọn ta!
            Viên bác sĩ nói tiếp, dằn từng chữ:
            - Thế là rõ rồi! Những chiếc gương bị tia sáng nguyên tử chiếu vào sẽ phá vỡ hết trật tự xã hội.
            Khắp phòng lại nhao nhao cả lên:
            - Ðúng thế! Nhưng chúng ta biết làm gì được!?
            - Ðối phó cách nào bây giờ?
            - Có cách gì cứu vãn được không nhỉ?
            Ông bác sĩ tuyên bố:
            - Chỉ có một cách thôi, là phải đập vỡ hết các tấm gương đi!
            Ngài Mêđêni đế thêm:
            - Thế chưa chắc, phải nghiền vụn chúng ra mới được!
            Cô thư ký có đôi mắt hạt nhãn, có giọng nói thỏ thẻ, cũng lên tiếng:
            - Phải cho vào cối mà giã thành bột ấy!
            Rồi khách khứa giải tán ai về nhà nấy.
            Suốt đêm hôm đó trong thành phố đâu đâu cũng vang lên tiếng kính vỡ. Người ta thi nhau bỏ gương vào cối mà giã.
            Sáng ra những người phu hốt rác sửng sốt trước một cảnh tượng chưa từng thấy: khắp nơi nhà nào cũng ngổn ngang những đống gương vỡ, phố xá thì tràn ngập bụi kính.
            Ðúng 9h sáng, giọng người phát thanh viên vang lên trong tiếng nhạc:
            - "Xin quý vị lưu ý: Loại gương soi tốt nhất thế giới là gương mang nhãn hiệu "Kỳ diệu". Dùng gương này quý vị có thể nhìn thấy ảnh của mình chỉ những lúc nào quý vị soi vào nó mà thôi! Xin quý vị nhớ cho nhãn hiệu của nó là "Kỳ diệu"... Gương "Kỳ diệu"..."
            Trong vòng một ngày, chủ hãng gương "Kỳ diệu" đã trở thành triệu phú!

Những người thích đùa - Nhà xuất bản Văn HTT - Các dịch giả: Thái Hà, Đức Mẫn và Ngọc Bằng.