Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
25/4/12

Diễn văn trong Lễ Khánh Thành - Aziz Nesin

Diễn văn trong Lễ Khánh Thành  
Aziz Nesin

            Từ cửa sổ toa tàu, một bàn tay thò ra ngoài chỉ trỏ. Tít xa, tận cuối một thung lũng dài ẩn mình dưới làn sương xanh, một ống khói nhà máy nhô lên cao vút. Tàu càng đi xa ống khói càng thu nhỏ lại, chẳng mấy chốc đã biến thành một cây bút chì bằng ngón tay út dựng đứng trước thợ.
            Ðến lúc bấy giờ người chỉ tay vào cái tăm ống khói tít xa kia mới nói rằng chính ông là người đã đọc diễn văn khánh thành cho cái nhà máy đó.
            - Thế hóa ra đấy là nhà máy? - Một người cùng toa hỏi.
            - Chứ sao?
            - Thế nó là nhà máy gì?
            - Máy gì thì hỏi làm gì?
            - Dám hỏi, ngài đọc diễn văn khánh thành mà lại không biết là làm sao?
            - Có thể ngài quên - Một hành khách khác đáp thay.
            - Không, quên là thế nào, hồi ấy tôi có biết đâu - người ấy nói.
            - Thế sao, nhà máy không chạy à?
            - Có lẽ bây giờ chạy rồi. Nhưng cái hôm làm lễ khánh thành, lúc tôi đọc diễn văn thì người ta hì hục mãi mà máy không nổ.
            - Chắc lúc ấy ngài là giám đốc? - hành khách thứ ba tò mò hỏi.
            - Cái ông này! Tôi chẳng là gì cả - người đó đáp.
            - Thì hẳn ngài phải là một nhân vật "quốc gia"?
            - Chẳng "cuốc ra, cuốc vào" gì sất, ông bạn thân mến ạ!
            - Thế tại sao hôm ấy lại chính ngài được đọc diễn văn khánh thành mà cho đến bây giờ ngài vẫn không biết nó là nhà máy gì?
            - Hoàn toàn ngẫu nhiên. Các ông biết không, từ nhỏ lưỡi tôi đã dẻo lắm. Ðừng nghĩ rằng tôi bốc phét. Quả thực là tôi nắm được nghệ thuật diễn thuyết. Tất nhiên nghệ thuật này không lộ ra trong những câu chuyện hàng ngày, chẳng hạn như câu chuyện của chúng ta bây giờ, nhưng hễ cứ đứng trước một đám đông là thằng diễn giả trong người tôi lại đứng dậy. Nhờ thánh Ala phù hộ... Tôi mà đã đứng nói trước quảng đại dân chúng thì đố có ai ngắt lời tôi được. Anh bạn thân mến ạ, lúc ấy đầu óc tôi minh mẫn lạ thường, đến mức có thể nói nửa ngày không hết ấy chứ! Muốn thế phải có tài ứng biến, ông bạn quý mến ạ. Vậy tài hùng biện là gì? Tài ấy là: hễ mở mồm là nói không ngừng, không vấp, cứ nói liền, nói miết. Nói cái gì à? Cái đó không cần biết. Ðầu cuối có tùy ứng được với nhau hay không, chuyện ấy cũng không có nghĩa lý gì hết. Khó nhất là bắt đầu nói. Nếu bạn cảm thấy chủ ngữ một đằng, vị ngữ một nẻo thì cái chính là đừng có luống cuống, ngược lại phải kéo cho câu dài ra, cho phức tạp thêm, thế là người nghe lẫn lộn ngược xuôi và cuối cùng chết ngợp. Diễn văn xong người ta sẽ bình: "Người này nói giỏi quá" và sẽ hoan hô nhiệt liệt.
            Bạn ạ, tôi đã từng đọc những bài diễn văn như thế và lần nào cũng được mọi người bao vây, hết lời chúc tụng. Người thì ôm ghì lấy tôi, kẻ thì hôn tay cúi đầu. Sau mỗi buổi như thế tôi thường tự hỏi: "Ta đã nói gì vậy?" Thật kỳ lạ là tôi không thể nhớ ra được. Tôi đã thế mà người nghe cũng thế. Nếu muốn biết một người nói có hay không thì đầu tiên phải tìm hỏi diễn giả: "Ngài nói gì vậy?", rồi sau hãy hỏi đến người nghe: "Ông ấy nói gì thế?" Ðến khi vỡ lẽ là cả hai đều không biết gì, nhưng người nghe vẫn bình phẩm: "Diễn giả thật lôi cuốn", ấy là bài văn được liệt hạng nhất đấy.
            Hồi còn đi học tôi là thằng chúa lười. Hơn nữa tôi hoàn toàn mít đặc về số học và hình học, thế mà chưa bao giờ tôi bị đúp cả. Tất cả đều nhờ tài thuyết pháp của tôi. Năm nào cũng thế, cứ đến giờ học cuối cùng là tôi lại đứng lên nói với thầy giáo: "Thưa thầy kính mến, thầy cho phép con thay mặt anh em được thưa với thầy đôi câu". Thầy mới nói: "Miễn thưa bẩm, con cứ nói đi", và thế là thầy sa lưới tôi ngay. Tôi mở đầu rằng: "Nhân vì năm học vừa hết, đội ơn thầy cho phép, con xin bộc bạch những cảm tình của bạn bè con, bẩm thầy...!" Rồi, không để cho thầy tôi kịp lấy sức mà bàng hoàng, tôi không ngậm miệng lại giây nào, cứ thế mà tuôn ra tràng giang đại hải: "Thầy ơi! Suốt một năm qua thầy đã... dạy chúng con... trên con đường khoa học sáng lạn... khơi mào đầu óc chúng con... mầm mống rực rỡ...".
            Rồi đó tôi phát ra tất cả những gì chợt đến trong đầu. Toàn bộ nghệ thuật là không được vấp váp. Không được để người nghe kịp nghĩ: "Nó nói gì vậy?".
            Cứ nói và nói, không được dừng lại.
            Lúc tôi mới nói thầy giáo không hiểu, sau thầy bị rơi vào tình trạng quên lú, rồi những nếp nhăn trên trán thầy dãn ra đôi chút, cuối cùng thầy nhăn mũi, mắt thầy đờ đẫn không chớp và hai bàn tay run lên. Còn tôi vẫn cứ nổ liên hồi không nghỉ. Giá các bạn được nghe tôi nói lúc ấy nhỉ! Chắc cũng phải đổ nước mắt. Thầy tôi lau mũi, cổ họng giật giật. Cuối cùng không giữ được nữa, nước mắt thầy tôi ròng ròng. Tôi thì cứ nói, còn thầy thì cứ khóc. Thỉnh thoảng tôi lại ném một cái nhìn lên thầy tôi. Lúc nào nhìn thầy sắp chết xỉu tôi mới dừng chút ít. Lúc đó thầy tỏ vẻ muốn nói lại đôi lời. Nhưng mấy lần thầy tôi không nói ra được. Thầy hỉ mũi, thở dài nặng nhọc, lau mắt rồi nói: "Các con của tôi ơi, thầy thật bội phần cảm kích và xúc động đến nỗi thầy không sao nói ra được những tình cảm của thầy..." và, đang nói dở câu, thầy tôi bỏ lớp chạy ù ra ngoài. Còn chúng tôi thì cười theo ầm ĩ.
            Thầy dạy môn Hoá của chúng tôi được gọi là thầy Nidam-số không. Nhiều trường đã biết danh thầy. Thầy có một câu nổi tiếng: điểm 10 là điểm của thánh Ala vĩ đại, điểm 9 là điểm của riêng tôi, điểm 8 là điểm của trò nào chăm chỉ nhất. Tuy vậy cũng chẳng ai đạt được điểm 8 của thầy cả. Một hôm vào cuối năm học, thầy Nidam-số không vừa vào lớp, tôi liền đứng dậy diễn thuyết. Giá lúc ấy tôi không ngước mắt nhìn lên thì thầy tôi đã ngã dập đầu xuống đất. Các bạn tôi xốc nách thầy mãi mới vực được vào phòng hội đồng. Ông bác sĩ đến hỏi: "Sao thế này hả ngài Nidam?" Nhưng nước mắt đã cản lời thầy Nidam-số không lại. Các thầy giáo khác đổ riệt tội cho bài diễn văn hàng năm của tôi. Tuy thế tôi đã được thầy Nidam cho đến điểm 10. Ðến kỳ thi, tôi vừa vào lớp thầy đã khóc nức lên mà rằng: "Dẫn nó ra đi, dẫn ra đi!" Thầy không hỏi tôi một câu, cũng không nín khóc, cứ thế mà hạ điểm 10 xuống. Từ đó đã bao năm trôi qua, thầy Nidam-số không đã về hưu từ lâu, thế mà đến nay hễ gặp tôi ở đâu là thầy không cầm nổi đôi hàng lệ. Thậm chí thấy tôi từ xa thầy đã nức nở lên rồi.
Nói chung, đối với các thầy giáo không nên nhìn vào hình thức. Một thầy cau có nhất thường lại là mềm yếu nhất.
            Thế là nhờ diễn văn tôi đã tốt nghiệp trung học. Ra làm viên chức tôi được bổ đến một tỉnh xa. Tôi đã đi ngang đi dọc khắp thành Anatôli. Thực ra tôi chẳng làm một công vụ viên chức nào cả, nhưng bao giờ thượng cấp cũng dành cho tôi những nhận xét tốt đẹp. Còn về lương bổng tôi cũng cứ nhảy hai bậc mỗi kỳ. Bạn ạ, tất, tất cả những cái đó đều ở tài diễn thuyết của tôi mà ra. Không tuần lễ nào không có một vài cuộc họp.
            Khi thì một thượng quan trút linh hồn về trời và người ta phải tổ chức điếu phúng, khi thì đón rước sếp mới và người ta phải chiêu đãi mừng ngày nhậm chức. Người đến, người đi thẩy đều phải có diễn văn của tôi. Vào lễ truy điệu chỉ cần tôi khai giọng: "Thưa các bạn đồng nghiệp quý mến, hôm nay chúng ta phải sống những giờ phút đau thương nhất và nặng nề nhất trong cuộc đời mình..." thì mọi người ngồi dưới đã bắt đầu nức nở. Nếu lễ truy điệu làm ở khách sạn thì đến cả những anh hầu bàn, thậm chí những bác đầu bếp cũng sụt sùi nước mắt.
            Cuộc đời tôi cứ trôi đi như thế đó, các tôn huynh ạ.
            Một lần, cách đây bốn năm tôi đi nghỉ phép. Chả là tôi có một người bạn từ hồi để chỏm tên là Hami. Tôi đi nghỉ ở Xtămbun và trên ô tô buýt tôi gặp cái chàng Hami ấy. Chúng tôi ôm ghì lấy nhau mà hôn. Bao nhiêu năm không gặp còn gì. Chắc các bạn còn nhớ, lúc nãy tôi vừa kể rằng những bài diễn văn của tôi đã làm rơi nước mắt từ thầy giáo cho đến thượng cấp. "Này, cậu về chơi với mình một ngày nhé - Hami đột nhiên bảo - Ngày mai bọn mình làm lễ khánh thành nhà máy."
            Tôi nhận lời. Cái quãng tôi vừa chỉ tay ấy là nơi chúng tôi rời ô tô buýt. Ðêm ấy tôi ngủ nhà Hami. Hôm sau chúng tôi đến nhà máy. Nhà máy thế nào, các bạn đừng có hỏi vội! Cả một sân toàn là cừu, bò, lạc đà và trâu.
            - Sao nhà máy lại nuôi cừu nhỉ?
            Bữa ấy chính tôi cũng thắc mắc.
            Hami bảo tôi rằng súc vật dùng vào tiệc khao. Bầy cừu được tắm sạch, lông được nhuộm phẩm hồng, sừng được sơn son, rồi được sắp vào hàng lối ngay ngắn. Như thường lệ, sau lễ khánh thành, lúc nhà máy bắt đầu hoạt động là lập tức đàn súc vật bị chọc tiết.
            Băng khánh thành vẫn căng. Bàn tiệc đã chuẩn bị. Mọi thứ đã xong, mọi nhẽ đã ổn định. Khách lần lượt đến từ sáng. Nhà máy nằm giữa một khu đất lớn, thế mà chả mấy chốc khu đất đã thành một biển người đông nghìn nghịt. Ðến trưa thì ô tô đã đậu một hàng dài. Bạn Hami của chúng ta bước lên diễn đàn. Vì không có tài nói nên bạn ấy ấp úng mấy chỗ, cuối cùng mới được một câu: "Bây giờ quan trên tôn kính của chúng ta, người mang hạnh phúc về đây, sẽ khởi động cho toàn nhà máy". Ai cũng nghĩ quan trên sẽ bấm một cái nút, nói cách khác, sẽ phát một tín hiệu và trước mắt mọi người cả nhà máy sẽ hoạt động. Vị quan đó bước lên một cái bục cao, lấy ngón tay ấn một cái nút, xong lại ấn lần nữa, rồi lại ấn lần thứ ba. Lúc ông ta vừa vươn tay về phía cái nút thì ở phía sau người ta đã đè nghiến những con vật xuống đất và kề dao vào cổ.
Vị quan cứ ấn mãi cái nút mà nhà máy vẫn bất động. Bực mình vì vị quan mãi không làm xong cái nhiệm vụ cỏn con đó, Hami đứng lên tự tay nhấn mạnh chiếc nút.
            Kết quả vẫn vậy. Trong đám đông đã có người cười rúc rích, nhiều người lộ vẻ chán nản ra mặt. Ala, lạy thánh Ala!
            Bối rối, Hami chạy xuống chỗ tôi. Mặt anh ta tái nhợt, đôi mắt hoảng hốt. "Cứu mình với! - anh ấy van lơn - Mình sẵn sàng hôn tay hôn chân cậu, cậu bảo gì mình cũng xin vâng. Hỏi ai giúp được mình bây giờ thì chỉ còn cậu. Cậu lên diễn đàn và nói một lời đi! Cậu hiểu không, chúng mình đã chuẩn bị xong để khởi động nhà máy, chỉ còn quên cái dây cua-roa bánh đà nữa thôi. Bây giờ chúng mình đi mắc dây, còn cậu lên nói cho khoảng mười phút. Phi cậu không ai làm nổi. Mình van cậu lên nói đi, nói gì cũng được, gọi là trấn an ấy mà.
            Tôi còn biết làm gì khác được? Tình bằng hữu thôi thúc. Tôi đành lên bục.
            "Kính thưa các vị quí khách - tôi mở đầu như vậy. Nhưng thậm chí tôi đã biết tên nhà máy là gì đâu. Hôm qua lúc đêm khuya về nhà Hami, Hami có đem chuyện nhà máy ra kể nhưng quả thật là tôi đã quên mất, lúc ấy mệt quá, buồn ngủ rũ mắt. Thế là chân tôi thì đứng trên bục, còn mắt tôi thì đảo quanh nhà máy, cố tìm hiểu xem chức năng của nó là gì. Thế nhưng tôi không sao đoán ra được. Giá phỏng tôi biết là nó sản xuất ô tô hay là sản xuất đường mật thì tôi có thể nói suốt ngày đêm. Ðằng này tôi cứ nhìn quanh mà không thấy Hami đâu cả. Phát điên lên. Nhưng biết làm sao, tôi bèn nói:
            "Kính thưa các vị quý khách, đại quý khách! Tất cả chúng tôi... đều có... cái vinh hạnh... được chào đón... các vị. Các vị đã chẳng quản... muôn dặm đường xa... trăm điều mỏi mệt... để đến đây... chia vui. Nhưng thế chưa đủ! Và... lát nữa đây, thưa các vị, trước mắt các vị... nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động, nhà máy đứng đầu cả nước..."
            Trên bàn có một cái bình. Tôi cầm lên rót nước ra cốc, đồng thời ngoảnh vội về phía người đứng sau lưng tôi bảo: "Tìm ngay Hami và bảo anh ấy rằng, dù mắc cua-roa hay làm cái khỉ gió gì đi nữa thì cũng phải nhanh lên đấy" Người ấy trả lời khẽ: "Cua-roa mắc rồi mà máy vẫn không chạy. Hoá ra là quên bánh xe răng trục chính. Bây giờ còn đi tìm."
            Tôi lập tức giảng giải cho đám quần chúng biết thế nào nghĩa là "nhà máy". Tiếng "nhà máy" bắt nguồn từ đâu mà vào trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ta.
            - Thế nhưng chính ngài có biết không? - Một người cùng phòng trên tàu hỏi.
            - Bạn vàng của tôi ơi, quả thật tôi cũng không có ý niệm gì cả. Tôi không biết mà thính giả của tôi cũng không biết.
            Rồi tôi nói nhà máy xuất hiện ra làm sao, tôi giải thích rằng chữ "nhà máy" bắt nguồn từ tiếng Latinh, tôi kể về lịch sử phát triển các nhà máy, tôi thông báo địa điểm xuất hiện nhà máy đầu tiên. Có một lúc tôi thoáng nhìn thấy Hami. Anh ta ra dấu van lơn: "Cậu cứu mình nhé, cứ nói dài vào". "Thưa các vị tôn khách - tôi lại nói tiếp - Lát nữa nhà máy hoạt động các vị sẽ thấy nhà máy này không giống một nhà máy nào khác. So với những nhà máy tương tự trên thế giới thì nhà máy này xếp hạng nhất...".
            Tôi nhìn đồng hồ, từ lúc tôi nói mới có năm phút. Tôi lại nhấc cái bình nước: "Máy móc lại làm sao thế? - tôi vội hỏi người đứng phía sau - Ðến bây giờ vẫn chưa lắp được bánh răng à?" - "Dạ, lắp rồi nhưng máy vẫn không chuyển. Ngài Hami bảo gửi lời cám ơn ngài và xin ngài nói dài thêm chút nữa. Tìm mãi hoá ra anh em thợ quên lắp cái nồi hơi nhỏ. Bây giờ sắp xong rồi ạ".
Nửa tiếng sau: "Hỏi bây giờ đất nước ta cần cái gì nhất? Các vị hãy thử trả lời câu hỏi ấy xem!" Tôi đưa mắt nhìn những gương mặt đang hướng về tôi: "Tất nhiên, các vị đều biết rằng đất nước ta cần nhất là nhà máy. Vì sao lại cần nhà máy? Vì rằng nhà máy có nồi hơi, có trục truyền động, có mô tơ, có máy cái, nhà máy có ông giám đốc, có người gác cổng, có nhân viên, có căng-tin, có ống nước. Và nếu thiếu một chi tiết đi thì nhà máy không tài nào vận hành được. Sau khi chúng tôi đã giảng giải cho các vị rõ về cái chân lý đó... chúng tôi xin phép một lần nữa được nói rằng: "Xin nhiệt liêt hoan nghênh các bậc khách đại tôn đại quý!" Còn bây giờ, nếu được các vị cho phép, tôi xin kể đôi điều về các nhà máy. Trước hết phải hiểu nhà máy là gì? Nhà máy nghĩa là nhà máy. Chừng nào chúng ta chưa thấm nhuần cái chân lý đó chúng ta sẽ không bao giờ khởi động được nó. Hoặc giả..."
            Vừa lúc đó có người đặt trước mặt tôi một mảnh giấy. Tôi đọc lướt. Thì ra là của Hami. "Cậu cứu mình với. Nhân danh những gì thiêng liêng nhất, cậu phải nói nữa. Cái ống khói lẽ ra phải ở nóc lò thì thợ lại lắp nhầm vào cửa sổ phòng ông giám đốc. Bây giờ đang đục một lỗ mới. Ðừng có ngừng lời đấy, kẻo mà chết mình."
            Tôi nhìn thính giả: "Mới nhận được một bức điện - tôi bảo họ - Nhân dịp khánh thành nhà máy này, các nước láng giềng anh em gửi lời chúc mừng ta và đặt hàng trước."
Nước trong bình đã cạn. Mặt trời đã lặn. Chiều xuống. Bóng tối buông màn. Còn tôi cứ nói, có lúc tôi được biết một điều đáng kinh ngạc là máy móc đã xong mà chỉ còn quên thuê thợ điều khiển. "Ngài nói thêm chút nữa cứu chúng tôi với - người đứng sau lưng tôi van vỉ - chúng tôi đã cho người đi gọi thợ rồi."
            Nhưng đến đây sức chịu đựng của tôi đã kiệt.
            Tôi túm lấy vai người ấy lôi ra trước micrô "Thưa quí vị - tôi nói - Bây giờ nhà chuyên gia này sẽ kể vắn tắt vài lời về nhà máy chúng ta..."
            Tôi nhảy đại xuống chạy ù về nhà. Ðến nơi tôi lên ô tô chuồn thẳng. Thế là tôi cũng chẳng hay cái nhà máy có chạy được không. Còn Hami thì tôi chả gặp đâu cả. Nghe nói năm ngoái anh ta dẫn đầu một đoàn đi thăm Châu Âu.

Những người thích đùa - Nhà xuất bản Văn HTT - Các dịch giả: Thái Hà, Đức Mẫn và Ngọc Bằng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com