Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
5/4/12

Chiếc áo khoác mùa hè màu xám - W. Hildersheimer

Chiếc áo khoác mùa hè màu xám
Wolfgang Hildersheimer
Đào Minh Hiệp dịch

            Hai tháng trước, lúc chúng tôi chuẩn bị ăn sáng thì nhận được thư của cháu tôi Eduard. Có một lần vào mùa xuân, cách đây mười hai năm, Eduard đi ra ngoài để gửi một bức thư, nhưng chẳng thấy quay về. Kể từ đó chúng tôi không có thông tin gì về cậu ấy nữa. Bức thư được gửi từ thành phố Sydney, nước Úc. Tôi bóc thư ra đọc:
            “Bác Paul yêu quý!
            Cháu nhờ bác gửi cho cháu chiếc áo khoác mùa hè màu xám. Cháu rất cần nó vì ở đây thời tiết khá lạnh, nhất là vào ban đêm. Trong túi áo bên trái có cuốn sách “Cẩm nang về các loại nấm”. Bác có thể giữ lại cuốn sách đó cho mình vì ở đây không có các loại nấm ăn. Cháu cám ơn bác.
            Cháu của bác. Eduard”.
            Tôi thông báo với vợ:
            - Thư của cháu Eduard.
            Vợ tôi lúc ấy đang chăm chú vào cái dụng cụ nấu nước và định luộc trứng bằng bình cắm hoa.
            - Thế cậu ấy viết gì?
            - Cậu ấy cần chiếc áo khoác mùa hè màu xám và ở Úc không có nấm ăn.
            - Nếu vậy cậu ấy có thể ăn món khác thay cho nấm. - Vợ tôi nói.
            - Đúng thế. - Tôi thừa nhận.
            Sau đó người thợ lên dây đàn dương cầm đến để chỉnh đàn. Đó là một người đàn ông nhút nhát, đãng trí, ngại tiếp xúc, va chạm, nhưng lại rất dễ mến và có năng khiếu âm nhạc. Ông ta không chỉ biết chỉnh đàn dương cầm mà còn có thể sửa các loại đàn dây và dạy thổi sáo. Tên ông ta là Koolhaas. Khi tôi đứng dậy khỏi bàn ăn thì từ phòng bên đã vang lên các hòa âm của ông ta.
            Tôi thấy trên móc áo có chiếc áo khoác mùa hè màu xám. Có nghĩa là vợ tôi đã tìm thấy nó trong kho đồ cũ của gia đình. Tôi rất ngạc nhiên, bởi lẽ bình thường cô ấy chỉ làm điều gì khi việc ấy có làm hay không làm cũng chẳng sao. Tôi cẩn thận gấp chiếc áo lại và đi ngay đến bưu điện gửi sang Úc. Mãi sau này, tôi mới nhớ là mình đã quên lấy ra cuốn sách Cẩm nang về các loại nấm. Nhưng quả thật, tôi cũng chẳng cần nó lắm.
            Tôi đi dạo một lát và khi về đến nhà thì bắt gặp người thợ lên dây đàn và vợ tôi đang lục tung các ngăn tủ và mọi ngóc ngách trong nhà để tìm cái gì đó.
            - Anh giúp được gì không? - Tôi hỏi.
            - Ông Koolhaas bị mất chiếc áo khoác. - Vợ tôi thông báo.
            - A-a! - Tôi thốt lên và ngay lập tức nhận ra mình đã nhầm lẫn. - Anh vừa gửi nó sang Úc rồi.
            - Tại sao lại gửi sang Úc? - Vợ tôi kinh ngạc.
            - Anh nhầm. - Tôi giải thích.
            - Thôi vậy, xin phép ông bà. - Ông Koolhaas lẩm bẩm và định ra về.
            Có vẻ như ông ấy cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên cho lắm. Tôi liền bảo:
            - Xin ông hãy đợi một lát. Tôi sẽ lấy cho ông chiếc áo của cháu tôi.
            Tôi vào kho chứa đồ, lục lọc trong những chiếc va li cũ và lấy ra chiếc áo khoác mùa hè màu xám. Dĩ nhiên trông nó rất nhàu nhĩ - thì đã nằm trong va li suốt mười hai năm rồi còn gì nữa - song vẫn còn tốt.
            Trong lúc vợ tôi là lại chiếc áo cho thẳng thớm, tôi cùng ông Koolhaas nhâm nhi ly rượu vang và ông ấy kể cho tôi nghe về những nhạc cụ kỳ lạ mà ông đã có dịp chỉnh sửa. Sau đó ông mặc chiếc áo khoác, chào tạm biệt rồi ra về.
            Vài ngày sau, chúng tôi nhận được một gói bưu phẩm. Trong đó có gần một cân nấm trắng và hai bức thư. Bức thư thứ nhất viết:
            “Ngài Holle kính mến (Holle là tên tôi).
            Tôi xin chân thành cám ơn ngài về cuốn sách “Cẩm nang về các loại nấm” mà ngài đã tế nhị bỏ vào trong chiếc áo khoác tặng tôi. Và để bày tỏ lòng biết ơn, tôi xin được gửi tặng ngài thành quả của chuyến hái nấm đầu tiên trong đời tôi. Hy vọng ngài sẽ thích. Trong chiếc túi thứ hai tôi thấy có một bức thư, có lẽ không phải gửi cho tôi, bởi vậy tôi xin gửi lại cho ngài.
            Kính thư. A. M. Koolhaas”.
            Bức thư thứ hai hóa ra chính là bức thư mà người cháu của tôi đã định gửi đi. Có lẽ nó đã bỏ quên cùng với chiếc áo khoác. Bức thư gửi cho một người nào đó có tên là Bernard Haaze, hình như là bạn của nó. Tôi bóc thư ra, trong đó có một chiếc vé xem hát và mẩu thư:
            “Bernard thân mến!
            Mình gửi cho cậu chiếc vé xem vở diễn “Tanheizera” vào tối thứ hai. Mình không thể xem được vì mình cần phải ra đi, chí ít là để thoát ra khỏi cuộc sống trì trệ này. Nếu có thể, cậu hãy đi xem nữ ca sĩ nổi tiếng Smidt Golveg trong vai Elizavet. Mình nhớ là cậu rất hâm mộ cô ấy.
            Chào cậu. Eduard”.
            Bữa trưa, trên bàn ăn của chúng tôi có món súp nấm.
            - Em về đã thấy món súp nấm trên bàn rồi. Ở đâu ra thế? - Vợ tôi ngạc nhiên.
            - Ông Koolhaas gửi đến đấy.
            - Ông ấy quả là lịch thiệp! Nhưng ông ấy có mang ơn mình gì đâu?
            - Đúng thế, chẳng mang ơn gì cả. - Tôi gật đầu. - Nhưng dẫu sao thì cũng rất lịch thiệp.
            - Hy vọng không phải là nấm độc. À, mà em vừa nhìn thấy chiếc vé xem hát. Vở gì thế?
            - Chiếc vé xem hát mà em vừa thấy là của vở diễn “Tanheizera”. - tôi giải thích. - Nhưng đã diễn từ mười hai năm trước rồi!
            - Thôi cũng chẳng sao, - vợ tôi nói. - Đằng nào thì em cũng không thích “Tanheizera”.
            Còn sáng hôm nay, chúng tôi lại nhận được một bức thư nữa của Eduard. Nó đề nghị gửi cho nó một cây sáo đồng giọng teno, vì nó thấy trong túi áo khoác có cuốn sách giáo khoa dạy thổi sáo và nó muốn học thử xem sao, nhưng ở Úc không có loại sáo đó. Nó còn viết “cháu không hiểu tại sao chiếc áo khoác lại dài hơn so với cháu, hay là cháu bị lùn đi”.
            - Anh lại nhận được một bức thư nữa của Eduard. - Tôi thông báo với vợ lúc đó đang loay hoay với chiếc máy xay cà phê.
            - Nó viết gì thế?
            - Nó bảo, ở Úc không có loại sáo đồng giọng teno.
            - Thì nó có thể học chơi một loại nhạc cụ khác nào đó.
            - Đúng thế. - Tôi đồng ý.
            Vợ tôi là một người trí tuệ minh mẫn, thậm chí tôi có thể nói là sáng suốt nữa. Những nhận xét của cô ấy đôi khi rất lạnh lùng, nhưng không thể không thừa nhận chúng luôn đi đúng trọng tâm của vấn đề.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com