Trở lại với “Tiếng Thu”
Trần Đăng Khoa
Cách đây ít năm, trong cuốn sách “Chân dung và đối thoại”, tôi có bàn về bài thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư. Đằng thẳng mà nói, bài viết ấy chẳng có gì mới mẻ. Nghĩa là tôi không đưa ra được một phát hiện gì mới về Tiếng Thu, mà chỉ lẩn mẩn tầm chương trích cú. Tôi dẫn Hoài Thanh để bác lại cách hiểu thơ rất máy móc và sống sít của một nhà phê bình, cũng nhân thể bác bỏ luôn những ý kiến cho rằng Tiếng Thu là bài thơ Lưu Trọng Lư đã sao cóp của Nhật Bản. Tuy nhiên, trong bài viết, tôi không dẫn tên nhà phê bình, vì tôi biết ông là giáo sư, còn phải lên bục giảng. Tôi không muốn các em sinh viên nhìn ông khác đi. Âu đó cũng là cái tình của tôi đối với ông vậy. Tuy nhiên, những vấn đề ông xới ra thì không thể không bàn. Sau khi cuốn sách ra, ông phê bình mà tôi ưu ái không nhắc tên ấy đã phản đối tôi rất quyết liệt. Một nhà thơ cũng bảo tôi đừng phong thánh cho bài thơ này, vì Lưu Trọng Lư đã sao cóp của Nhật Bản. Gần đây, một nhà nghiên cứu tự cho mình thuộc hàng đầu ngành cũng vẫn nói như thế. Rồi mới đây nhất, trong cuốn sách tập hợp những câu chuyện tầm phào về văn nghệ sĩ, một người làm sách cũng vẫn nói bằng một giọng như vậy. Thật là oan cho Lưu Trọng Lư. Ông đã mất rồi, nên không thể thanh minh được. Và nếu còn sống, tôi nghĩ Lưu Trọng Lư cũng chả thèm thanh minh, bởi ông chấp gì cái lý sự đó. Tác phẩm của ông sẽ thay ông mà sống trong khi các vị kia dù vẫn còn sống cũng chẳng ai biết ở xứ mù tăm nào. Nhưng có điều, cùng với sức sống của bài thơ, cái điều ngang trái không đáng có ấy ấy vẫn tiếp tục diễn ra. Bắt đầu là một người vu lên, chỉ do lòng đố kỵ hay hiềm khích cá nhân gì đó, thế rồi sau bao người hùa theo, nói theo, rồi nói mãi, đến nỗi cái sai dần dần thành có lý. Ai nói khác đi thì hùa nhau mạt sát, quy chụp, thậm chí đẩy luôn người ta sang phía "địch" để dễ đối xử. Tất nhiên ở trường hợp thơ Lưu Trọng Lư thì không có nỗi cay nghiệt như vậy.
Cái hay của Tiếng Thu, tôi đã bàn trong bài viết Lưu Trọng Lư và bài thơ Tiếng Thu rồi. Ở đây, xin phép không nói lại. Ta chỉ lưu tâm đến cái nghi án của bài thơ này thôi. Có thật Lưu Trọng Lư sao cóp bài thơ đó của Nhật Bản không?
Người đầu tiên vu cho Lưu Trọng Lư cái việc làm rất không lấy gì làm đẹp này là ông Nguyễn Vỹ trong cuốn "Văn thi sĩ tiền chiến". Cứ như ông Nguyễn Vỹ thì Tiếng Thu chính là bài Tanka của thi sĩ Nhật Bản nổi tiếng Sarumaru ở thế kỷ VII. Nguyên văn bài Tanka thế này:
Oku yama ni
Monoji fumi wake
Naku shika no
Koe kiku zo
Aki wa kanashiki
Cũng theo ông Nguyễn Vỹ, bài thơ nổi tiếng này đã được hai nhà thơ Pháp dịch sang tiếng Pháp. Bản của nhà thơ Michel Revon in trong cuốn Anthologie des poètes japonais (Ed. Hachette), nguyên văn như sau:
Combien triste est l'automme
Quand j'entends la voix
Du serf qui brame
En foulant et dispersant les feuilles des érables
Dans les profondeurs de la Montagne
(Mùa thu buồn làm sao
Khi tôi nghe tiếng
Của con hươu đực thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)
Trong những nơi sâu thẳm của núi.)
Bản dịch thứ hai là của nhà thơ Karl Petit, in trong cuốn La poésie japonaise (Ed. Seghers), mà theo ông Nguyễn Vỹ là Karl Petit đã dịch đảo ngược, nhưng lại đúng với nguyên văn bản tiếng Nhật:
Aux profondeus de la Montagne
Ecartant et foulant les feuilles d' e'rable
Le cerf brame
Et à l'entendre ainsi
Ah! que l'automne m'est lourdement triste!
(Ở những nơi sâu thẳm của núi
Làm tung tóe và dẫm lên những chiếc lá thích
Con hươu đực thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)
Và nghe thấy điều đó như thế
Chao ôi, mùa thu với tôi buồn nặng trĩu ).
Còn bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư thì nguyên văn như thế này:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô...
Tất cả là như vậy đấy. Mới hay Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư và Tanka của nhà thơ Nhật Bản Sarumaru là hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Chúng chẳng có họ hàng gì với nhau cả. Vậy mà suốt nửa thế kỷ nay, người ta cứ a dua nhau, người nọ nói theo người kia, cho rằng Lưu Trọng Lư đã sao cóp của nước ngoài. Cái nghi án văn chương rất oan nghiệt ấy cứ bám riết lấy Lưu Trọng Lư, cho cả đến khi ông đã nằm dưới ba thước đất. Đó là một điều rất đỗi đau xót. Người khảo sát văn bản này, một nhà thơ trẻ biết tiếng Pháp nhưng không dám tin ở khả năng ngoại ngữ của mình, đã tìm đến nhà thơ Tế Hanh, thời ông còn minh mẫn, nhờ thẩm định lại. Tế Hanh là một thi sĩ tài đức, người rất giỏi tiếng Pháp, đã dịch nhiều thơ thế giới qua tiếng Pháp, cũng là người cùng thời với Lưu Trọng Lư. Tế Hanh đã kinh ngạc kêu lên: "Ô lạ nhỉ. Bài thơ này chẳng có gì liên quan đến Tiếng Thu. Sao lại đổ vấy cho anh Lư sao cóp?". Sở dĩ có nghi án ấy, là vì Nguyễn Vỹ. Sau khi phê phán Lưu Trọng Lư lấy thơ Nhật Bản, Nguyễn Vỹ đã đưa ra bằng cớ là bản dịch của mình, nhưng thực ra, Nguyễn Vỹ đâu có dịch, ông lấy luôn bài thơ Lưu Trọng Lư tráo vào rồi kêu ầm lên là đã bắt được kẻ gian. Những người nhẹ dạ, u mê tin theo thì chúng ta chả trách làm gì, nhưng những nhà thơ từng được coi là tầng lớp trí thức, những nhà phê bình nghiên cứu có tiếng là uyên thâm, cũng tin theo, rồi lẵng nhẵng nói theo, mà cứ nói đi nói lại mãi. Đấy mới thực sự là chuyện lạ ở thời đại bùng nổ thông tin này...
Nguồn: Tạp chí Hồn Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com