Trường hợp trùng tên
Eduar Dverkin
Khá hài lòng với kỳ thi học kỳ, Insu đáp máy bay từ Leningrat về quần đảo Xakhalin xa xôi; và chẳng bao lâu sau, chàng đã đứng trước cửa nhà mình. Từ ngoài sân, chàng thấy đứa em trai đang ôm con mèo xù to như một con báo, đôi mắt nó láu liêng liếc nhìn con cá khô treo chỗ cây ngưu bàng ngoài hiên nhà. Đứa em trai buông con mèo, mừng rỡ đón anh mình.
Con mèo chớp thời cơ lao vút về phía cây ngưu bàng rồi nhẹ nhàng rơi xuống không gây ra một tiếng động.
- Khisu ơi, mau mau báo cho tụi bạn anh hay tin... Anh có đem về mấy chai whisky Scotland. Kêu tụi nó tới cho tụi nó thử rượu ngoại... Lấy xe đạp đi cho nhanh, em!
Đứa em lập tức biến mất. Còn lại một mình, chàng sinh viên thành Leningrat mỉm nụ cười buồn nhưng hạnh phúc. Cha mẹ đang đi làm. Chàng cởi veston, cả sơ mi và cà vạt liệng vào góc phòng rồi trải tấm chăn bông xuống sàn nhà, lăn ra ngủ. Chuyến bay dài xuyên qua một đất nước rộng lớn làm chàng thấm mệt.
Chiều, nhóm bạn họp lại ngồi bên mấy chai whisky. Dù trước kia khá thân thiết, nhưng giờ đây dường như giữa họ có một khoảng cách vô hình nên không khí ít cởi mở. Insu mặc sơ mi vẫn thắt hờ chiếc cà vạt theo kiểu người thành thị. Chàng đang kể cho bạn nghe về Leningrat với bao danh lam thắng cảnh, ở đó hiện giờ đang là những đêm trắng, cùng những sinh hoạt văn minh, thơ mộng, như đọc sách trong Vườn Mùa hè, câu cá trên sông Nhêva... Rồi quay sang người bạn có tên là Bônggi, chàng nói:
- Vậy mà chỉ còn mỗi mình mình ăn cá. Đôi lúc nghĩ, thấy buồn...
Đó là một câu bóng gió, bởi trước kia Insu và Bônggi cùng đến Leningrat, cả hai thi vào trường Bách khoa và cùng học được một năm. Rồi Bônggi quyết định chia tay thành phố thơ mộng nằm bên sông Nhêva, quay về Xakhalin cưới vợ, gác lại cả thế giới đang rộng mở và những kiến thức lớn lao đang chờ đợi anh. Vợ Bônggi là một cô gái nhỏ thó, õng ẹo, tục danh Lixixa (1). Sở dĩ người ta gọi cô như vậy bởi từ nhỏ cô là đứa bé không bình thường. Cô hay thơ thẩn ngoài đồng hoặc loanh quanh dọc bờ biển, đôi khi lại trốn trong nhà kho của một người láng giềng... Nhưng khi lớn lên, cô trở nên dễ coi lạ. Lúc ấy nhiều chàng trai tới lui đặt vấn đề, Lixixa từ chối và lẩn tránh tất cả những kẻ để ý mình, trong số đó có anh chàng Bônggi nói lắp và nhút nhát.
Bônggi nhỏ người, vai hẹp, nhìn cuộc đời với đôi mắt đen ngơ ngác như sợ sệt. Anh cũng không hy vọng lọt được vào mắt xanh của Lixixa, bởi anh biết mình chẳng thể so cựa nổi với ai. Vì vậy khi đến Leningrat, Bônggi có viết cho Lixixa lá thơ từ biệt. Ngay sau đó Bônggi nhận được hồi âm của cô với nét chữ to, rõ ràng bằng mực học trò, đâu khoảng mười dòng; đại ý cô rất cảm động với lá thư từ phương trời xa, rằng nó đến với cô như tia phản chiếu của ánh mặt trời trên đỉnh núi; và rằng Bônggi đừng hiểu lầm cô mà cho tình yêu của mình là tuyệt vọng...
Bônggi không còn biết trời đâu đất đâu. Anh hạnh phúc đến độ định... nhảy từ cầu Anhicốp xuống sông Nhêva để kết liễu đời mình, nhưng may mà Insu kịp ngăn anh. Nhân đó Insu còn vạch cho Bônggi thấy sự đỏng đảnh và gian trá của Lixixa, cho đó là những lời lừa phỉnh. Insu không nằm trong số người ái mộ Lixixa, chàng luôn có ác cảm với cô, cho rằng cô chỉ đáng là loại phụ nữ chỉ biết đẻ con và nô lệ chồng. Chàng khuyên Bônggi đừng nghĩ tới Lixixa nữa, coi chừng sập bẫy cô ta!
Song mọi chuyện diễn ra không như ý muốn của Insu. Học xong năm thứ nhất, Bônggi về quê nghỉ hè rồi cưới Lixixa, không bao giờ trở lại Leningrat nữa. Anh mở một tiệm điện nguội ở gần mỏ, và năm sau Lixixa sinh con trai.
Đám bạn cũ tiếp tục hàn huyên. Insu nói luôn miệng. Chàng kể về những cây cầu mở, về những buổi hừng đông trên sông Nhêva, và khoảng không bao la của đất nước mà xuyên qua khoảng không ấy chiếc máy bay của chàng chỉ nhỏ bé và chậm chạp như một con chuồn chuồn. Bạn bè chăm chú nghe chuyện chàng. Insu nhìn họ thông cảm, bởi ngoài Bônggi, chưa ai ra khỏi vùng đất Nam Xakhalin này. Ba năm chàng vắng mặt, họ đã kịp cưới vợ, đẻ con, mà Bônggi là người có con sớm nhất; anh còn kịp nhận thêm tục danh: Bônggi "cha".
- Cuộc sống của mình bây giờ là vậy, - Insu kết thúc - còn các bạn, có gì mới không?
Khách đưa mắt nhìn nhau im lặng. Sau đó một người lên tiếng: Tối ngày làm việc bù đầu dưới mỏ thì mới mẹ gì!
- Có chớ. Tụi tao đã sắm xe gắn máy - Một người khác bổ sung - Thậm chí thằng Hoan còn kịp bán đi...
- Sao bán vậy, Hoan? - Insu hỏi.
- Cũng... hổng có gì! - Hoan lầu bầu rồi ngậm tăm.
- Chuyện có hơi ly kỳ và rùng rợn... - Ai đó bắt đầu kể - Thằng Hoan mua lại của ông Jadaba chiếc Uran loại có thùng. Chắc mày chưa biết, Jadaba bị chết trôi hồi năm ngoái. Đêm nọ thằng Hoan chạy xe ngang qua cầu thì thấy có người đứng vẫy tay xin đi nhờ. Hoan dừng xe, người ấy ngồi lên phía sau rồi bất thần bóp cổ nó... Lúc ấy trăng vừa lên và thằng Hoan nhận ra người đó là Jadaba! Nó són đái, cắm đầu cắm cổ chạy. Sáng hôm sau tụi tao tới thì thấy chiếc Uran dựng dưới dạ cầu...
Nghe xong, chàng sinh viên nghi ngờ lắc đầu:
- Mới uống chút xíu mà say rồi sao? Bộ quý vị tưởng mình điên à. Toàn chuyện tào lao!
- Không tin mày hỏi thằng Hoan coi. Ối, whisky ngoại nhẹ hều thì thấm tháp gì với dân mỏ tụi tao. Bao nhiêu đây chỉ đủ nhỏ lỗ mũi. Còn chiếc Uran thì tụi tao phải xúm nhau mới khiêng nổi lên cầu...
- Quý vị ơi, bây giờ là thế kỷ hai mươi rồi, thế kỷ của ánh sáng. Liệu có thể tin những chuyện như vậy...
- Ai không tin chớ tui tin. Sẵn kể luôn chuyện này cũng xảy ra ở Xakhalin mình: Một đêm khuya, bác tài taxi về muộn. Một cô gái dừng trong góc tối vẫy xe lại nói địa chỉ rồi ngồi lên phía sau. Bác tài dòm vô kính chiếu hậu định chiêm ngưỡng dung nhan cô gái mà số phận đã trao cho bác vào đêm khuya buồn. Lạ, không thấy cô gái trong kính. Bác quay đầu lại. Cô gái vẫn ngồi đàng sau. Bác dụi mắt nhìn vô kính lần nữa. Tất cả hiện lên chỉ trừ cô gái. Vì bác tài còn khá trẻ nên không nghĩ đến chuyện ma, chứ nếu già, bác sẽ đoán ngay số phận đã trao ai cho bác. Mặc kệ, bác cứ chở cô gái tới địa chỉ cần thiết. Xe dừng lại bên ngôi nhà gỗ tồi tàn kiểu Nhật. Cô gái biểu bác tài chờ để cô vô nhà lấy tiền. Chờ khá lâu, bác tài tức tối bước vào nhà. Chỉ thấy ở đó hai ông bà già lọm khọm. Bác tài hỏi cô gái đâu? "Cô gái nào? Ở đây chẳng có cô gái nào cả”. Bác tài mới thuật lại đầu đuôi... Đến lúc ấy hai ông bà già quỳ xuống sàn nhà mà khóc. Hóa ra đó là đứa con gái của họ, cô chết đã ba năm trước; và hôm ấy là ngày giỗ của cô nhưng họ lại quên...
- Stop! Đủ rồi! - Chàng sinh viên như bị xúc phạm - Nói thiệt các bạn đừng giận, chớ ba cái chuyện mê tín dị đoan đó xưa rồi. Không phải mấy năm nay được học hành đàng hoàng rồi mình đâm ra tự cao tự đại đâu. Sự thật là tụi mình đang sống trong thời đại khác, thời đại của tư duy chính xác và của toán học. Quý vị đã biết thế nào là tia la de chưa? Và cái gì bỗng chốc từ mặt đất vọt tuốt lên cung trăng?
Insu nói như rít rồi đấm mạnh nắm đấm xuống bàn. Chàng mệt mỏi tháo rộng chiếc cà vạt dưới gầm bàn, con mèo xù đang thiu thiu ngủ, chốc chốc lại mở đôi mắt xanh nhìn chăm chăm vào cái cà vạt màu bạc đang đung đưa của chủ, giống như một con cá. Khi nắm đắm nện xuống, con mèo bỗng hoảng loạn. Trong trạng thái mơ màng nó chợt gào lên, rồi như một viên đạn, nó bay thẳng vào Insu, đưa những móng vuốt tóm lấy cái cà vạt, toàn thân va mạnh vào vai chàng rồi theo đà bay ra cửa. Chàng sinh viên cũng sợ hãi gào lên, tiếng gào còn lớn hơn tiếng của con mèo. Chàng ngã ngửa ra sau làm mấy vỏ chai lăn ngổn ngang trên sàn nhà.
Đám bạn thợ mỏ cười ầm. Khi tiếng chai lọ thôi va chạm và tiếng cười cũng ngừng, ai đó đỡ chàng sinh viên dậy, chỉ vào mảng rách chỗ cổ áo sơ mi của chàng, vừa cười vừa giải thích trong khi mặt chàng hãy còn xanh lét:
- Đó là hình phạt về cái tội mày coi thường tụi tao, không tin những gì tụi tao kể. Nên nhớ rằng, ở đây là Xakhalin chớ không phải Leningrat của mày đâu nghen, Insu. Tất nhiên tụi tao chẳng cần biết cái gì bỗng chốc từ mặt đất vọt tuốt lên cung trăng, nhưng về cái vụ tia la de thì thằng Hoan đây là chuyên gia thứ thiệt! Nó còn học được cả cách đánh bắt cá bằng tia la de...
- Tia la de thì liên quan gì đến cá? - Chàng sinh viên hỏi với nụ cười mỉa mai.
- Liên quan chớ. Thằng Hoan kiếm ở đâu được ba ký lô tia la de, nó giăng từ đảo Côba đến mũi Traikinô, con cá xấu số nào đâm đầu vô cái tia đó kể như được sấy khô ngay tức khắc, chỉ việc gỡ đem về làm mồi... nhậu! Ha ha...
Đám bạn thợ mỏ đùa giỡn đến gần nửa đêm. Họ vui vẻ và hài lòng từ giã chủ nhà. Chàng sinh viên bước ra tiễn họ. Hai người lúc đến bằng mô tô thùng đề nghị đưa những người còn lại ai về nhà nấy. Insu và Bônggi thì đang to nhỏ tâm tình. Rồi không hiểu sao Insu lại leo lên thùng xe ngồi cùng với Bônggi “cha”. Trong đêm hè ấm áp, trên đường đi họ hát vang, át cả tiếng máy xe.
Bônggi cùng Insu xuống xe cạnh nhà anh.
- Bônggi nè, mình hỏi thiệt, bỏ học cậu có tiếc không? - Insu hỏi.
- Lẽ ra thì không nên bỏ... phải không? - Chàng cựu sinh viên lắp bắp.
- Ôi, cậu thật là... - Insu thốt lên rồi vỗ vai bạn - Cậu còn nhớ lần tụi mình học bài thi trong khu Vườn Mùa Hè không? Sau này mỗi lần tới đó là mình nhớ đến cậu...
- Dường như trời sinh ra tao không phải để học. Bônggi “cha” nói - Mày hãy ráng học đi, học cho mày và cho cả tao nữa.
- Thôi im đi! - Đã ngà ngà say, Insu giận dữ la lớn, chút nữa thì chàng để rơi nước mắt vì buồn thương cho bạn.
Bônggi “cha” đề nghị ghé vào nhà anh chơi, và nếu muốn thì họ có thể ngồi lai rai tới sáng cũng được vì Lixixa, vợ anh, đã về nhà cha mẹ ruột ở Nheben; ngày mai anh lại là ca chiều...
- Không đời nào, - Insu nói - không đời nào tôi vào nhà Lixixa, kẻ đã tước mất bạn của tôi. Có thể một lúc nào đó nghĩ lại, tôi sẽ ghé. Còn bây giờ thì... Thôi, tạm biệt cậu, Bônggi “cha"!
Insu đột ngột từ giã bạn. Và chàng đi, miệng khẽ huýt sáo giai điệu mà lúc nãy họ cùng hát khi ngồi trên mô tô: “...Trong tán cây xanh của đời, chúng tôi, những đứa trẻ rong chơi...”.
Những gì xảy ra sau đó chúng tôi được biết qua lời kể của Khisu, đứa em trai mười tuổi của chàng. Trong giây phút hoang mang cực độ, chàng đã thuật lại hết cho đứa em trai của mình nghe, ngoài ra không hề hé môi với một ai.
Sau đây là những gì Khisu kể lại: Sau khi từ giã Bônggi "cha", Insu băng qua khu bãi nhị tì cũ của người Nhật để về nhà. Trăng chiếu sáng. Đêm hè ở Xakhalin yên lặng. Nghe rõ cả tiếng của những sợi dây tời khua ngoài cảng xa. Đến giữa bãi nhị tì thì bất ngờ xuất hiện con vật nhỏ, qua ánh trăng chàng nhận ra đó là con cáo. Con cáo chạy ra từ một ngôi mả đá phía bên trái. Chàng sinh viên đứng lại, bình thản nhìn con cáo rồi đi tiếp, đầu nghĩ ngợi mông lung. Khi thoát ra khỏi sự suy nghĩ, chàng nhận ra mình đang đi về hướng ngược lại, ngôi mả đá giờ đã nằm bên phải. Chàng tự rủa thầm rồi quay lại. Lập tức một ý nghĩ khác lại bám lấy chàng. Chàng cứ đi, rồi một lần nữa ngôi mả đá lại nằm phía bên phải. Cứ như vậy cho đến khi Insu không còn xác định ra phương hướng. Cuối cùng, lấy hết can đảm, chàng chạy càn ngang bãi nhị tì với hy vọng sẽ tìm thấy con đường quen, nhưng cứ càng chạy thì càng lạc sâu vào mê cung của bãi nhị tì. Tại đây, cách chàng không xa, con cáo đang thập thò trong bóng tối của ngôi mả đá, nhếch môi nhìn chàng như cười. Insu giận dữ lượm viên đá ném con cáo. Viên đá chạm vào ngôi mả đá tóe lửa. Con cáo biến mất.
Trái tim chàng sinh viên gần như nhảy ra ngoài. Chàng chạy lòng vòng trong bãi nhị tì, lúc lúc lại nhìn thấy con cáo, khi thì ung dung băng qua trước mặt, khi ngồi bên ngôi mả đá nhe hàm răng trắng nhởn ra cười với chàng. Cuộc chơi trốn tìm ấy diễn ra suốt phần còn lại của đêm, cho đến khi bình minh lên, chàng mới hoàn hồn và xác định được phương hướng.
Khi Insu về đến nhà thì nắng đã chiếu khắp nơi. Chàng bước vô phòng đánh thức đứa em, kể hết cho nó nghe, sau đó chẳng kịp cởi quần áo dài, chàng lăn ra ngủ như chết.
Lát sau Hoan ghé vào chỗ hai anh em nhà Insu, định cho họ hai con cá bơn nhám vừa câu được dưới biển. Khisu nhìn người anh còn đang ngủ và kể hết lại cho Hoan nghe. Nghe xong, Hoan trề môi, cau mày rồi ra về, quên để lại cho bạn hai con cá.
Trên đường về, Hoan đánh một vòng qua nhà Bônggi “cha”. Từ xa anh đã nhìn thấy Lixixa đang phơi quần áo. Hoan hỏi chị về hồi nào, chị trả lời mới về bằng chuyến xe buýt đầu tiên. Đứa con chị bị bệnh, cả đêm không ngủ, định đem nó đi thầy thuốc nhưng anh chồng còn ngáy, không tài nào dựng dậy được. “Dường như các anh lại uống, phải không?” - chị hỏi.
Hoan kể cho chị nghe, Insu về nghỉ hè, có mang về mấy chai rượu ngoại nên họ đã uống chút đỉnh...
Nghe vậy Lixixa vỗ tay:
- A, té ra chàng công tử thành Leningrat đã về! Được rồi, thế nào cũng phải bắt anh chàng khoác lác nghe chơi!
Nói xong, Lixixa quay vào nhà. Hoan đi tiếp, mắt chăm chú nhìn phía trước. Mải nghĩ ngợi, anh không hay đuôi hai con cá bơn nhám đang kéo lê dưới lớp bụi đường...
(1) Lixixa: tiếng Nga có nghĩa là con cáo (chồn).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com