Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
22/9/12

Ma cà rồng - Vũ Bằng

Ma cà rồng [1]
Vũ Bằng

            Xỏ chân lên lỗ mũi, đi hút máu và ăn dơ, giống ma cà rồng là giống ma có khắp thế giới, chẳng cứ gì nước ta.

            Hôm 11 Avril mới rồi, một bạn đồng nghiệp xuất bản ở đây có thuật cho ta một tin này nhiều người cho là ghê rợn lắm và người này truyền cho người nọ, cái tin ấy chẳng mấy lúc đã lan ra khắp chỗ. Đó là một cái tin ở Quảng Nam. Một người đàn bà đã có tuổi bị bệnh trầm trọng nằm hấp hối trên giường chết. Bà nằm như thế đã bao nhiêu lâu rồi, không biết, chỉ biết rằng trước khi bà cụ kia chết vài ngày thì có một con bướm lớn lắm cứ bay liệng chung quanh giường bà cụ rồi đậu vào mũi kẻ bất hạnh kia. Cả nhà xô đuổi con bướm nọ, nhưng con bướm đó hồ bay đi thì lại quay trở lại liền, nó lại lượn, nó lại bay, mà lần này thì không những nó bay luôn mà thôi, nó lại lăn vào người hấp hối nọ mà bậu lên trên… mũi nữa. Bệnh bà mỗi lúc một nặng thêm, thân nhân bà cụ chở bà cụ đến nhà thương thì con bướm cứ theo luôn vào bậu vào người bà cụ. Thế rồi bà cụ chết. Con bướm quái ác kia vẫn không rời cái xác chết nọ, đến đỗi cả nhà thương đã tìm cách đuổi nó đi mà kết cục vẫn không được. Sau rồi, viên bác sĩ coi nhà thương bữa đó phải bắt nó tiêm thuốc vào người nó, nó mới chịu bỏ bà cụ mà bay đi phương khác.
            Bạn đồng nghiệp hằng ngày [2] thuật tin này không cho ta biết vì những lẽ gì mà người nhà kẻ bất hạnh lại không kiếm cách mà đập cho kỳ chết con bướm nọ đi. Bạn cũng không nói tại sao viên bác sĩ nọ đã bắt được nó rồi tại sao lại không giữ nó lại làm “con-léc-sông [3] quái vật” mà lại tiêm thuốc (thuốc gì?) rồi lại thả nó đi như vậy.
            Dù sao câu chuyện này cũng được nhiều người bàn tán dữ, như trên kia tôi đã nói. Họ cho đó là một chuyện lạ như trăm nghìn chuyện lạ thế giới, và bàn tán, và nghi ngờ, nhưng hầu hết đều không rút được một lý do gì khả dĩ gọi là chắc chắn để làm kết cục cho những điều họ nghĩ.
            Duy có điều này đáng để ý là trong số những người đó có một số đông vì đó nhắc tới những chuyện ma, chuyện ma cà rồng là một giống ma từ xưa đến nay vẫn có tiếng là hay hút máu người bẩn thỉu, hôi thối hay đã chết.
            Theo như ý kiến những lời người này thì con bướm kia chỉ là hiện thân của người có ma cà-rồng: nó ngửi thấy mùi chết chóc nên bám lấy kẻ chết để mà hút máu ăn dơ vậy. Nếu cái tin con bướm mà bạn đồng nghiệp hằng ngày đã đăng kia quả có thực, có những người suy con bướm ra là một thứ ma cà-rồng như thế, không phải đã là vô lý hẳn đâu!
Đối với việc này, thực tình chúng tôi không muốn ngỏ riêng một ý kiến gì cả, hoặc quyết định ra sao hết, nhưng chúng tôi muốn nhân chuyện này nói tới giống ma cà-rồng mà người ta đem ra nói luôn luôn ít lâu nay và chúng tôi muốn để độc giả hiểu biết một ít về giống ma đó, tự độc giả, sau khi đọc hết bài này sẽ tự xét lấy xem những người đã cho con bướm kia là ma cà-rồng, những người đó nói có lý hay chăng.
Ma Cà-rồng ở Âu Mỹ
            Hồi 1935 hay 1936 gì đó, tôi cũng không nhớ rõ, tôi có viết dưới cái tên Tràng Bạch một cuốn sách nhỏ cho một nhà xuất bản kia; cuốn sách đó bán đã hết rồi, nhưng hiện nay trong bè bạn vẫn có nhiều người hỏi tôi về chuyện đó; nó đại khái như sau này (tài liệu ở báo Paris-soir Dimanche): ở một tỉnh thành Anh-cát-lợi (tôi hiện không nhớ rõ là tỉnh gì) có một người gác nghĩa địa kia xét thấy rằng cứ hằng đêm thì trong nghĩa địa lại thấy có một cái mả bật lên, mà lạ những mả đó phần nhiều là mả đàn bà con gái mới chết, xét ra thì những người bất hạnh đó bị mổ bụng và bị lôi mất ruột. Sở trinh thám Anh-cát-lợi hồi đó (Intelligence service) ra sức điều tra thì một đêm kia, một viên trinh thám đại tài thấy lồm cồm ở trên tường nghĩa địa một bóng người: người ta đổ xô lại bắt thì đó là một gã thanh niên và thanh niên đó thú nhận trước mặt các nhà chức trách rằng y quả đã đào mả, mổ bụng những xác chết mà lấy ruột moi gan đem về ngâm rượu để mỗi ngày lấy ra ăn dần.
            Nhiều người thấy tôi thuật câu chuyện đó hỏi tôi rằng đó có phải là ma cà-rồng ở Âu Mỹ không?
            Tôi xin trả lời rằng, theo như sự biết của tôi và lời nhà phóng viên của báo Paris-soir Dimanche thì đó không phải là ma cà-rồng, người thanh niên đào mả kia chỉ là người bị một thứ bệnh thần kinh lạ mà thôi. Ta có thể biết rõ như thế vì báo Paris-soir có thuật rằng sau một thời kỳ được các bác sĩ có danh chăm nom săn sóc, người thanh niên nọ lại khoẻ khoắn và khỏi cái bệnh đào mả người chết lên. Sự thực nếu phải là ma cà-rồng thì không có thuốc nào chữa khỏi hết, người nào có giòng ma cà-rồng thì là ma cà-rồng suốt một đời và sẽ chết một cách rất khốn nạn, như nhời nhà phóng viên Alexis Tolstoi ở báo Marianne đã nói.
            Alexis Tolstoi có viết ở trong báo Marianne một chuyện phóng sự về ma cà-rồng, ta xem thì biết rằng ma cà-rồng chẳng cứ ở nước ta mới có, nhưng có cả ở Mỹ (như bạn Nguyễn Xuân Khôi đã nói ở trên) và ở Âu châu nữa.
            Câu chuyện của Alexis Tolstoi xảy ra trong một cái làng rất hẻo lánh. Một người khách một hôm đi ngựa đến chơi đó, xảy gặp đêm tối, ông phải ngủ trọ lại một nhà kia. Gia đình nhà đó có một ông già, một cô gái và hai người con trai. Hai người con trai và người con gái đó là con ông già nọ. Theo như những lời ở chung quanh đó kể chuyện lại thì nhà ông già nọ có ma cà-rồng (vampirisme) mà ông già đó thì chính đương bị cái bệnh quái ác đó: ông ta đã hút máu chết chính ngay con trai mình. Lúc bắt đầu câu chuyện này thì người con trai thứ nhì đương ốm, nhưng thập tử nhất sinh thì là người con gái. Người con gái đó mỗi đêm cứ hoảng kêu lên. Người khách trọ lấy làm lạ lắm, về gần sáng hôm đó bèn nhìn qua khe cửa phòng cô con gái nọ thì thấy ông già hoá ra một làn ánh sáng xanh chui vào buồng mà hút máu con. Ngay lúc ấy người con trai cũng biết, ngất đi. Trời hửng sáng, người thanh niên đó tỉnh giấc thì cái làn ánh sáng xanh cũng mất, ông già nọ lại như người thường. Nửa đêm hôm sau, công việc hút máu lại “tiến hành”, người khách kêu lên những tiếng thất thanh, nhảy lên ngựa chạy thì cứ thấy ở sau lưng cái ánh sáng xanh vun vút đuổi theo mình, đến sáng bạch thì người khách kia thoát nạn. Vài hôm sau, cùng với mấy người bạn nữa quay trở lại xem tình hình cái gia đình có ma cà-rồng nọ thì có tin người con gái đã cạn hết khí huyết chết rồi. Người con trai thù bố đã ném một cái giáo vào giữa trái tim ông bố có ma cà-rồng và ông già đó cũng chết theo con gái.
            Ở nước ta, vào khoảng từ 20 đến 25 Janvier 1940, Eden Cinéma có chiếu cho dân chúng Hà thành xem một chuyện ma cà-rồng khá rùng rợn rút ở một chuyện phim mà kẻ viết cho là dựa vào những tài liệu xác thực: La fille de Dracula.
            Đó là một chuyện xảy ra ở thành Withbry nước Anh, kết cục ở một nơi cách xa đó có hàng vạn dặm, vùng Transylvanie, một chốn nước non hiểm trở bên nước Lỗ. Bá tước Dracula, một con ma cà-rồng, hại không biết bao nhiêu người, gieo sự kinh khủng trong khắp cả một vùng đó, sau nhờ có bác sĩ Helsing bắn một mũi tên vào giữa ngực Dracula mới trừ được hắn.
            Cách đây không lâu, báo Paris-soir lại còn cho ta nghe một câu chuyện này cũng hay lắm, nó cũng có tính cách ma cà-rồng. Nhà phóng viên P.S. thuật rằng ở một vùng nọ phía Mexique bên Mỹ châu có một giống khỉ ngày thì là người mà đêm khuya hoá ra chó sói (loup garrot). Giống này có một sức khoẻ ít có giống vật nào bì kịp (giống ma cà-rồng khoẻ lắm, độc giả đọc dưới đây sẽ biết), nó toàn quật xác người chết lên ăn thịt rữa nát, ai vào lúc đó nó sẽ cắn chết tất. Sau mãi có một vị võ quan người Mỹ một hôm tìm cho được một con chó sói (loup garrot) để săn. Sau những cuộc đấu sức rất kịch liệt giữa vật với người, con chó sói garrot nọ bị bắt; vị võ quan Mỹ đem về nhà giam con chó sói kia lại, nhưng chẳng bao lâu thì vị võ quan bị chết một cách vô cùng thảm khốc.
            Thật y như những chuyện ma cà-rồng ở nước ta. Những tài liệu về ma cà-rồng ở Âu Mỹ còn nhiều lắm, tôi không thể kể hết ví dụ ra đây được. Ta chỉ nên biết rằng chẳng cứ ở nước ta mới có ma cà-rồng đâu, nhưng ở khắp thế giới này đều có, nhưng mỗi chỗ nó hiện ra một cách khác nhau, nghĩa là ma cà- rồng tuỳ thời tiết, tuỳ địa thế mà biến thể vậy.
Ma cà-rồng ở xứ ta
            Ở xứ ta, thường thường những vùng thượng du, như Sơn La, (Bắc Kỳ) Cao Lãng (Nam Kỳ) và nhiều chỗ nữa, không cần kể ra làm gì cho dài, người ta vẫn thường nói tới ma cà-rồng. Nhiều người không tin là có. Nhưng sự thực thì giống ma cà-rồng quả là có thực. Độ vào khoảng mươi mười hai năm trước đây, một bạn ở trên thượng du đã viết rõ về giống này. Tiếc thay, sách đó lại hết, hiện bây giờ khó mà kiếm được nên những chuyện ma cà-rồng tôi thuật ở dưới đây đều không dựa vào sách nào cả, nhưng mà chính là do những việc tôi đã thấy tận mắt, những cái tôi đã nghe những người rất thành thực rất thân tín kể lại và xét nghiệm.
            a) Giòng giống ma cà-rồng.- Ma cà-rồng ở những vùng thượng du nước ta không phải là một giống mà ta vẫn thường nghe kể lúc nhỏ tuổi đâu. Không, ma cà-rồng chỉ là người như ông và tôi vậy, đi lại, ăn uống và làm việc như thường, không có gì là khác. Chỉ duy có ban đêm họ là ma mà thôi. Họ biến tướng đi và bay đi ăn những vật hôi thối hay hút máu người, máu vật. Những giòng giống ma cà-rồng như thế chính mình không biết việc mình làm lúc đêm khuya. Nhưng cả làng cả xóm, hễ thấy nhà nào, họ nào có ma cà-rồng thì biết ngay, họ xa lánh, khinh bỉ cái họ có ma cà-rồng đó, và những người có ma cà-rồng nhục lắm, nhưng không làm thế nào khai được, vì như trên kia đã nói thì khi người ta có ma cà-rồng người ta sẽ mắc chứng đó suốt đời, không mong có một phương pháp gì cứu thoát.
            b) Tướng người có ma cà-rồng.- Lúc tôi viết bài này thì một sự tình cờ đưa đến cho tôi một ông bạn vong niên: đó là Nhì Lùng tiên sinh. Là một nhà tướng số có tài đã đi nhiều từ Nam chí Bắc, cụ Nhì Lùng hồi vào trong Nam có ở lại chơi nhà bạn tôi là Nguyễn Xuân Khôi, nhân vui câu chuyện cụ Nhì Lùng và bạn Nguyễn Xuân Khôi có nói tới giống ma cà-rồng, nay viết đến giống này, tôi không bỏ lỡ cơ hội lại tìm đến tìm cụ Lùng để hỏi thêm ít nhiều chuyện về ma cà-rồng, nhất là hỏi cụ cho biết tướng những người ma cà-rồng này ra sao. Thì, theo như lời cụ, những người có ma cà-rồng này có một cái đặc biệt nhất là mũi to, đỏ, có thể đút ngón tay cái vào vừa. Mắt họ rất trong. Thế thôi. Còn bảo rằng ma cà-rồng cổ to gấp đôi cổ người thường, cái đó là đùa, không có gì làm chứng cứ.
            Cụ Nhì Lùng nhìn chúng tôi, nghĩ ngợi trong giây lát rồi chậm rãi nói rằng:
- Tôi là một nhà tướng số, thích xem biết về khoa học huyền bí; cái gì vì vậy đối với tôi cũng thuộc về lẽ huyền bí hết. Cho nên về ma cà-rồng, nếu cần phải có một ý kiến gì thì tôi chỉ có thể xin thưa với ông rằng: đó là một nghiệp chướng nó hại người ta, nó hại một giòng họ nào đó, không thể nào tránh được. Theo như chỗ biết của tôi thì cái giống ma cà-rồng này là cha truyền con nối, người có giống ma cà-rồng yêu thương người nào thì truyền ma cà-rồng cho người ấy, mà truyền lắm khi không biết. Người mới bị truyền ma cà-rồng, đương khoẻ khoắn chẳng làm sao, bỗng bị một cơn sốt rất dữ dội, có khi hàng tuần hay nửa tháng, thịt sút đi trông thấy. Đến khi khỏi sốt thì người ấy vàng hẳn mắt đi, thế rồi cái mũi đỏ lên; đêm đêm vì xuất tinh ra mãi, nên lỗ mũi to lên. Người có ma cà-rồng cũng dễ phân biệt với người thường: bởi vì người có ma cà-rồng thường xuất hồn ra đi ăn những vật thối tha bẩn như cóc chết, ếch chết, những mụn ghẻ lở, và máu người, và vật cả sống lẫn chết, nên cái hơi những người có ma cà-rồng rất nặng, người đứng bên cạnh có cảm giác rằng đứng bên cạnh một đống dơ, một cái xác chết, một con cóc chết.
Hồi đó tôi không nhớ rõ là năm nào, - lời cụ N. L. - tôi nhân vì đi phúc đất cho một nhà giàu ở tỉnh kia, có lần mò lên chơi gia huynh ở châu Văn Chấn, phố Nghĩa Lộ. Anh tôi và những người ở lân cận, một hôm có chỉ cho tôi một người đàn ông đã có tuổi và bảo rằng đó là ma cà-rồng.        Thoạt đầu, tôi không tin, nhưng sau họ kể chuyện cho tôi thì mới biết rằng những người có ma cà-rồng có nhiều khi ăn trên ngồi trốc ở trong thôn, trong xóm; ngay ở quanh vùng đó có người có ma cà-rồng mà làm đến chánh tổng và lý trưởng!
            Hồi đó, ở châu Văn Chấn, phố Nghĩa Lộ có một đôi vợ chồng kia ăn ở với nhau mười tám năm trời chẳng làm sao, tự nhiên một ngày kia người vợ đổi hẳn tính hẳn nết đi, suốt ngày đêm chửi mắng chồng và sau mấy hôm thì bị bệnh liệt giường liệt chiếu. Người đàn bà ấy sốt rất dữ dội rồi mặt mày cứ bợt đi, người chồng đêm đêm thức để thuốc thang cho vợ có cái cảm giác rằng vợ mình bị ma cà-rồng hút máu. Anh ta để công rình thì một đêm kia thấy có một cái bóng đen tự trần nhà bay xuống, anh định nhỡn nhìn kỹ thì trong bóng đêm bao phủ gian buồng, tịnh không có một cái gì cả, trừ người đàn bà ốm đau hốc hác nằm ở trên giường thỉnh thoảng lại nói mê, và cứ vào khoảng gần sáng, thì lại thét lên những tiếng rùng rợn như có vẻ hãi hùng đau đớn lắm. Anh chồng tức lắm, lúc mờ sáng bèn đi lục khắp gian phòng. Anh ta tìm khắp: vẫn không có gì lạ cả. Chỉ thấy một con chó đen nằm ở tít gầm giường chui ra nhìn người đàn ông với đôi mắt ngạc nhiên, cắn một tiếng rồi tìm đường chạy trốn. Người đàn ông có vợ ốm rùng mình từ đầu đến gót chân. Anh ta hiểu hết, hiểu hết; vội vàng vớ lấy một con dao sì pản, - một thứ dao rất sắc của dân rừng vẫn thường dùng, có thể chém đứt đôi một đồng xu, anh ta chạy đuổi con chó và giáng hết sức chém vào cổ nó. Con chó chạy nhanh như bay, con dao chém trượt thành thử chỉ sượt vào cổ nó và làm rơi mấy giọt máu trên nền gạch. Thì ra con chó đó, - các bạn tất đã đoán ra rồi, - con chó đó là ma cà-rồng hiện hình ra. Người ta sở dĩ biết thế là vì, ngay buổi sáng rạng đêm hôm đó, ở trong lối xóm gần đó có một người đàn ông khi không bị sả một vết ở cổ rất to, máu me đã đông lại, trông thật là gớm ghiếc. Theo như lời những người đã ở lâu năm vùng đó kể chuyện lại thì người đàn ông có giòng ma cà-rồng: Anh ta vẫn thường đi hút máu và ăn dơ về đêm khuya. Đã mấy đêm nay rồi, anh ta thường đến hút máu người đàn bà ốm đau kia, và hiện hình ra làm con chó đen như các ngài đã biết, chẳng may bị chém. Từ đó, con ma cà-rồng sợ và không dám bén mảng đến nhà người nọ nữa: người đàn bà khỏi bệnh.
            Người ta thường kể chuyện rằng ở trên những miền thượng du Bắc Kỳ, cái giống ma cà-rồng biến hoá thiên hình vạn trạng.
            Lúc mới có ma cà-rồng, người có ma chỉ có thể hoá thành một cái bóng người thôi. Nhưng mỗi ngày một quen, một thạo đi, ma cà-rồng có thể xỏ hai ngón chân cái lên hai lỗ mũi mà bay đi lơ lửng ở lưng chừng trời. Lúc đã bay được rồi, ma cà-rồng rút hai chân ở hai lỗ mũi ra và tự nhiên ở hai lỗ mũi tòi ra hai cái tia xanh to bằng ngón tay, dài độ 15 phân, ánh sáng chập chà chập chờn như thể cái lửa ma trơi vậy. Hai cái tia sáng xanh đó trông có vẻ ghê lạnh và kỳ quái: nó lên, nó xuống. Những người đi đường rừng và đã từng biết nhiều về ma cà-rồng lại còn nói rằng mọi khi cái tia sáng xanh đó động đậy nhiều, ấy tức là ma cà-rồng đã kiếm được mồi, nó đánh hơi thấy máu, mủ, thịt thối, cóc chết hay rau đàn bà đẻ vậy. Chúng thích ăn những vật dơ bẩn đó và chỉ có thể ăn những vật dơ bẩn đó mà thôi. Có lẽ ma cà-rồng cho những vật dơ bẩn ấy là ngon nên không đêm nào chúng không đi kiếm ăn cả. Chúng có nhiều khi chỉ hoá ra có một lằn xanh, có khi là con bò cạp. Có lẽ vì những biến thể đó mà có người cho con bướm ở Quảng Nam là ma cà-rồng hút máu bà cụ già sắp chết chăng?
            Ma cà-rồng một khi đã kiếm được mồi thì bay là là xuống cái mồ, và lượn chung quanh một lúc. Khi đã xét rõ đó là những vật hôi thối hoặc phân bò, phân lợn, cóc chết, trâu bò chết hoặc rau đàn bà đẻ rồi thì hai cái tia sáng dài ra. Có người đã từng mục kích một bữa “chén” của ma cà-rồng thuật lại cho tôi nghe rằng khi ma cà-rồng ăn như thế thì hai cái vòi xanh thò vào thụt ra như cái bễ lò rèn. Trong khi chúng ăn nhơ như thế thì chúng không trông thấy người đi lại ở chung quanh, nhưng người ta thì người ta trông thấy nó rất rõ ràng. Những lúc ấy nếu ai trông thấy mà nhảy ra bắt nó thì con ma cà-rồng vụt bay đi. Những lúc ấy, sức nó rất khoẻ, nó bay rất nhanh, nó kéo người bám lấy nó đi qua đồng ruộng, đi qua rừng núi. Người ta bảo rằng nếu người nắm được nó cứ bám hoài, không để cho nó bỏ rơi mình thì khi nào có ánh sáng mặt trời mọc, con ma cà-rồng tất chết.
            Nhưng chuyện ấy ít khi thấy lắm, hay nói cho đúng thì không bao giờ có cả. Phần nhiều người ta bị bỏ rớt ở giữa đường, hôn mê bất tỉnh và nhiều khi những người đó bị ma cà- rồng truyền nọc cho là khác.
Hai chuyện ma cà-rồng ghê gớm
            - Lúc tôi đương viết bài này thì có một bạn, M. Nguyễn Thụy T. hiện giờ buôn bán ở Hàng Đường, - đến chơi nhà báo và trong khi vui chuyện có thuật lại hai chuyện ma cà-rồng, - hai chuyện mà ta có thể tin chắc lắm vì chính hai chuyện này ông T. đã sống một và ông đã nghe thấy một ở Sơn La là chỗ ông làm vậy.
            - Hồi ấy, - lời ông N.T.T., - tôi đương làm thư ký ở Sơn La. Hằng ngày vì công việc bắt buộc tôi vẫn phải mặc quần áo tàu và cầm dao đi khám xét hàng hoá của những khách đi qua đó. Những người làm ở dưới quyền tôi hồi đó có nhiều người Thổ; trong số những người Thổ đó, có một anh thỉnh thoảng vẫn vào xin quét vườn cho tôi, anh ta thường hầu hạ luôn luôn ở quanh tôi. Nhiều người quả quyết rằng anh ta có ma cà-rồng và chắc có ý định gì đây, nhưng bao nhiêu lời bàn tán, tôi đều không để ý, mà tôi chỉ nghĩ rằng anh chàng ấy sở dĩ đi lại nhà tôi luôn như thế chỉ là vì anh ta muốn xin hạt giống rau cải và các thứ rau khác để về giồng giọt. Một tháng, hai tháng qua, không xảy ra chuyện gì lạ hết, tôi vẫn làm ăn như thường, nhưng bởi vì cuộc sinh hoạt hàng ngày của tôi chật vật quá nếu không muốn nói là nguy hiểm, một buổi kia tôi bị cảm và luôn một tuần lễ tôi sốt mê sốt mệt không biết gì hết cả.
            Tôi hồi ấy thuê một cái nhà nhỏ ở chung với một bạn đồng sự, anh L. H. T. Hai anh em ở với nhau, tôi ốm, chỉ có một mình anh L. H. T. trông nom săn sóc. Mãi về sau này khỏi bệnh, những khi nhàn rỗi ngồi kể lại chuyện cho nhau nghe, anh thuật cho tôi hay rằng trong bảy ngày sốt nặng, cứ về đêm, tôi thường nói lảm nhảm luôn miệng và thỉnh thoảng lại hét lên kinh khiếp lắm. Ngay lúc ấy, tôi vẫn không lúc nào nghĩ đến ma cà-rồng, mà cả anh L. H. T. nữa. Cho nên bây giờ tôi vẫn chịu rằng tà ma nó làm u mê ám chướng người ta là đúng lắm. Tôi, chính tôi, tôi đã bị u mê ám chướng suốt trong một thời kỳ, cái tên thổ kia hằng ngày vẫn được tự do đi lại nhà tôi. Tôi không nghi nó, duy tôi có nghiệm thấy một điều này là mắt tên Thổ nọ rất gian, hay nhìn trộm. Nó cứ đi đi lại lại quanh chỗ tôi nằm, nó nhìn những vết lở ở người tôi, - bởi vì tôi sốt dữ dội quá nên cả người phát lở lên, - với một sự thèm muốn không tả được. Như thế, một thời gian ngắn. Xảy một đêm kia, bạn tôi anh T. nửa đêm sực tỉnh giấc bỗng hét lên một tiếng: anh ta vừa thấy ở trong gian phòng tôi ngủ một cái bóng đen đi đi lại lại ở chung quanh giường nằm của chúng tôi.
            Cái bóng ma đó vụt biến đi, nhưng đêm sau, đêm sau nữa, vào đúng giờ đó, cái bóng ma đó lại hiện lên ở gian phòng; anh T, thu hết can đảm vào hai tay, đến đêm thứ ba rình lúc cái bóng ma đó hiện lên cầm lấy con dao sì pản ở đầu giường ném thực mạnh vào cái bóng. Tôi tỉnh giấc. Ngay lúc ấy, chúng tôi bật diêm đốt nến lên soi thì thấy con dao đâm qua màn làm rách một mảng rất to và bổ xuống một cái đèn hoa kỳ mà chúng tôi vẫn rong lên để đêm; cái đèn ấy vỡ tan ra từng mảnh. Không còn hồn vía nào nữa, anh T. kể lại cho tôi nghe. Thì ra anh lại vừa thấy cái bóng đó hiện lên và chắc chắn, chắc chắn lắm, không mơ hoảng gì hết, anh nhìn rõ ràng thấy con dao đó đã đâm vào cái bóng đen nọ, nó đưa tay ra đỡ.
            Hôm sau, chúng tôi đem việc đó thuật lại với y sĩ L.V. T. và tin đó lan khắp vùng. Y sĩ L.V.T. không tin lời nói của chúng tôi, nhưng sau nghe thấy câu chuyện của anh L.H.T có vẻ quả quyết lắm, y sĩ T. cho gọi ông thổ quét vườn của tôi lại, thì, - bây giờ tôi hãy còn nhớ rõ như việc vừa xảy ra khi nãy - tên thổ đó giơ cho y sĩ T. xem một bàn tay có một vết dao chém, hãy còn máu đọng! Lúc đó, chúng tôi mới ngã ngửa người ra, nhất là tôi, vì đến tận lúc đó tôi mới thực biết rằng tên thổ kia là ma cà-rồng. Hắn đi lại nhà tôi chắc là để xem xét địa thế vậy. Bao nhiêu lần nó đã định hại tôi, nhưng sở dĩ không thành công, cứ phải quanh quanh quẩn quẩn ở cạnh giường là vì cái lệ tôi nằm ngủ bao giờ cũng vậy, tôi cũng để dao kéo ở trên đầu giường tôi.
            Ma cà-rồng có một cái sợ nhất đời: đó là những đồ kim khí vậy! Theo lời những người ở những chốn đèo heo hút gió về kinh ta kể chuyện lại thì giống ma cà-rồng này còn sợ một thứ nữa: Đó là cái vó. Cho nên ở những chỗ nào có ma cà-rồng, những người thực cẩn thận thường mua vó để luôn luôn trong nhà: Hễ trong nhà chẳng may có ông già bà cả bị đau hoặc trẻ con giở trời trái gió thì họ căng vó ra ở trước cửa nhà vì họ tin chắc rằng nếu ma cà-rồng có muốn vào nhà chăng nữa mà thấy vó căng ra như thế cũng phải tìm đường tẩu thoát.
            Ông N. T. T. lại nói tiếp:
            - Sau khi đã khỏi bệnh, một hôm, tôi nhân có việc vào chơi cụ quản đạo C.V.O. ở châu…, cụ có hỏi thăm tôi về việc ma cà-rồng làm. Tôi nhất nhất kể lại những việc đã qua mà tôi tưởng như mới xảy trong một cơn ác mộng. Sau khi chè nước, cụ O. nói với tôi một câu chuyện trăm phần trăm đúng sự thực:
            - Tôi ở trên này đã mấy đời cho nên những chuyện ma cà-rồng như thế, tôi biết lắm. Ma cà-rồng, nói cho thực ra, ít dám làm hại những người có oai danh, kể cả những quan chức làm ở các công sở nữa. Chắc ông mới lên mần việc ở đây không biết rõ chúng nó đó thôi. Chẳng lâu gì, nửa năm hoặc vài tháng, ông sẽ có dịp chứng kiến một cuộc bắt ma cà-rồng của tôi. Tôi sẽ để cho ông xem nhiều cái lạ về ma cà-rồng lắm, nhưng hôm nay, nhân lúc hai ta cùng nhàn rỗi, tôi xin kể cho ông nghe một chuyện ma cà-rồng ở châu đây mà người anh hùng trong chuyện ấy, - nói thế cho vui! - người anh hùng trong chuyện là tôi vậy.
            Không lâu đâu. Chuyện mới xảy ra cách đây bốn, năm tháng trời thôi. Đó là về tháng chín, tháng mười gì đó, gió ở rừng thổi lạnh lắm mà cả ngày chí tối, mưa phùn rét căm căm như thấm đến xương tuỷ người ta vậy. Nhà X.B. đã mấy hôm nay nặng một bầu không khí ủ ê buồn: vợ chồng X.B. khóc ra khóc vào, vì đứa con một của lão, lên tám tuổi, đương yên đương lành chẳng làm sao bỗng lên một cơn sốt rất dữ dội rồi cứ mê man đi đã hơn một tuần lễ nay. Thuốc thang chữa chạy đều vô hiệu. Thịt đứa bé rốc đi trông thấy; đêm đêm nó lên chứng kinh hoàng và khóc thét lên. Đã đến lúc thất vọng hoàn toàn, X. một hôm khóc lóc lên trình tôi rằng nó nghi rằng con nó bị ma cà-rồng làm và nội trong thôn ấy, nó nghi nhất cho con mụ N.T.S. vì mụ này, cả thôn ai cũng biết mụ là ma cà- rồng. Nghe lời khai của X. xong, buổi chiều hôm ấy, tôi cho gọi con mụ N.T.S. lại. Thì vừa hỏi một đôi câu, mụ đã giãy đây đẩy lên và thề sống thề chết rằng đó là người ta thù ghét mụ nên mới đổ vấy đổ vá cho mụ vậy. Mụ khóc lóc, mụ kêu ca, nhưng thoáng qua tướng mụ, tôi đã biết rằng mười phần mụ không phải bị nghi oan cả mười. Tôi bèn quát lính trói giật cánh khuỷ mụ lại, buộc vào một cái cọc tre và tôi truyền cho đánh mụ kỳ cho đến lúc mụ khai thực tình.
            Cuộc khảo ma cà-rồng bắt đầu.
            Ông quản đạo C.V.O. hút một mồi thuốc, gật đầu một lát rồi nói tiếp: Vâng, thế là cuộc khảo ma cà rồng bắt đầu.
            Hơn hai tiếng đồng hồ ra sức khảo đả, những người lính của tôi vẫn không thể nào làm cho mụ N.T.S. khai một lời nào ích lợi. Tôi đã bắt đầu chán nản, nhưng không lẽ lại chịu thua nó hay sao? Tôi bèn hét quân lính hãy trói nó lại bỏ vào nhà giam để sau này định liệu. Tôi truyền không cho nó ăn gì để xem lúc đói nó có biến hình chăng. Trong khi ấy, tôi chỉ cho uống nước và bất phân nhật dạ, lúc nào cũng có hai tên lính đứng ở cạnh nó để coi và hễ có gì lạ thì phải báo cho tôi tức khắc. Như thế luôn trong ba ngày. Vẫn không có gì lạ. Tôi vẫn không cho nó ăn và không cho nó ngủ nữa, hồ nhắm mắt thì tôi lại cho người đánh. Đợi mãi, đợi mãi như thế luôn trong năm ngày liền, con mụ N.T.S. vừa đói vừa mệt lả ra. Người ta vẫn thường nói ra phàm đã là ma cà-rồng thì lúc đói, mệt thường không giữ gìn được, nó phải xuất hiện nguyên hình. Tôi cho thế là đúng nên đến ngày thứ sáu thì tôi thi hành mưu kế. Hôm ấy tôi còn nhớ là một đêm mùa rét, gió bấc lạnh lùng lại có mưa phùn ẩm ướt rét cắt da cắt thịt. Cái giống ma cà-rồng nó vẫn thế, gặp những đêm trời tối, gió rét mà lại mưa phùn thường vẫn biến hình để đi ăn. Tôi lợi dụng thời tiết hôm đó, vả lại đã thấy nó mệt lả ra rồi, bèn truyền riêng cho hai người lính canh nó hễ thấy nó chợp ngủ thì cứ để cho nó tự nhiên, đừng náo động. Về phần tôi thì tôi đã dự bị sẵn sàng rồi: một tay cầm con dao, một tay cầm cái vó, tôi đứng rình ở phía ngoài. Độ vào khoảng nửa đêm, điều tôi dự đoán đã thành ra sự thực. Trong bóng tối dày đặc của phòng giam, một tia sáng loé lên, rồi một tia nữa, hai tia dài, xanh và động đậy lập loè trong bóng tối. Tôi cứ đợi và cố giương to mắt ra nhìn thực kỹ thì thấy mụ N.T.S. từ từ giơ hai bàn chân lên trời. Tóc mụ xoã ra và có điều này khá lạ là người mụ cứ thu nhỏ dần dần lại, nhỏ mãi nhỏ mãi sau rốt nó chỉ còn nhỏ bằng một con búp bê thôi. Lúc ấy, chắc người nó đã nhẹ lắm thì phải, nó cứ cao lên khỏi mặt đất dần dần, nó bay là là rồi bay cao lên vừa tầm tay người thường… Mụ N.T.S. đã biến hình ra ma cà-rồng. Không trì hoãn, tôi bèn ra hiệu cho ba người đứng ở quanh tôi quăng vó ra chung quanh sân để cho ma cà-rồng không thể thoát thân được. Thì đúng như thế, con ma cà-rồng chỉ có thể lượn quanh quẩn ở trong vó mà thôi, tôi bèn nắm can đảm vào hai tay nhảy lại phía nó và hết sức bắt nó, lôi nó lại.
            Thưa ông, ông trông tôi đây. Tuy tôi đã già rồi, nhưng chắc ông không thể bảo tôi là một người yếu được. Ấy thế mà lúc tôi lôi kéo con ma cà-rồng lại thì tôi tự nhiên thấy tay chân tôi rủn cả ra, con ma cà-rồng kéo tôi chung quanh sân và tôi tưởng nó còn kéo tôi mãi. May, sau tôi định trí lại được, hết sức bình sinh kéo nó lại, vả lại có một tên lính phụ giúp nữa nên con ma cà-rồng không động đậy được, đành phải đứng yên và tỏ vẻ tức giận thèm thuồng lắm lắm vì nó ngửi thấy mùi phân,- tôi đã để sẵn một đống phân ở giữa vườn để nhử nó, - mà không được đỗ xuống ăn. Lúc đó, nó mới lồng lộn lên và dáng chừng nó thấy vướng ở mình nó, nó mới nói, - vâng, bằng tiếng người, nói rất nhỏ, - nói một câu mà tôi không hiểu ý nghĩa ra sao hết. “Mày đi ăn, tao cũng đi ăn. Món này của tao, tao tìm thấy trước, cớ sao mày lại tranh cướp của tao như vậy?” Mãi đến sau này tôi mới vỡ nghĩa câu nói đó: thì ra con ma cà-rồng của tôi nó không biết là nó đã bị bắt. Trái lại, nó vẫn tưởng nó đi ăn đêm như thường lệ, và cái bàn tay bắt nó, nó cho là có một bạn đồng sự với nó trêu nó, cướp mồi của nó.
            Tôi lại nói lại cái lúc tôi bắt được ma cà-rồng trong tay. Lập tức, tôi cho thắp đèn đuốc sáng sực lên khắp cả vườn, bao nhiêu người vây cả lại chung quanh nó và đến tận lúc đó con ma cà-rồng vẫn chưa tỉnh hẳn. Đến tận mười lăm phút sau, nó mới chịu định thần, nó hình như đã biết rõ hết cảnh ngộ của nó, nên bắt đầu lên tiếng lạy van rầm rĩ.
            Bây giờ tôi hãy còn nhớ nét mặt và giọng nói của con ma cà-rồng lúc bấy giờ: tóc nó xoã, mồm nó sùi bọt, mắt nó đỏ ngầu, nó có vẻ ghê rợn như những con tà mà ta vẫn thấy nhan nhản ở trong những ngày hội Phủ Giầy hay Kiếp Bạc.
            Lau mắt, vắt mũi, nó khóc lóc kêu van như thế này: “Lạy quan lớn, ngài tha cho, ngài tha cho. Con quả có ma cà- rồng. Quan lớn xét tình cho, đó thực là tiền oan nghiệp chướng chứ thực tình chúng con có bao giờ muốn thế đâu. Thưa quan lớn, đứa bé con con X.T. con quả có đến “quấy rầy” thực. Nhưng trước khi con khai hết cả đầu đuôi, xin quan lớn cho phép chúng con được rửa mặt đã. Ông quản đạo C.V.O. sai người lấy một thau nước thì con ma cà-rồng vội xua tay. Thì ra muốn hiện lại nguyên hình nó không cần nước lã để rửa mặt nhưng cần một nồi nước vo gạo. Người ta kể chuyện rằng muốn cho nó thực tỉnh hẳn cho hai cái vòi xanh chui vào trong lỗ mũi thì phải rửa như thế, nếu không, hai cái vòi xanh kia không thể chui vào lỗ mũi được. Trong khi hai cái vòi xanh đó chưa chui vào hai lỗ mũi thì ai đứng gần đó phải coi chừng vì nhiều khi rình lúc bất ngờ ma cà-rồng nó thường hại người đứng chung quanh nó, truyền cái nọc độc trong vòi xanh ra cho người nó định hại và người đó sẽ bị truyền nọc ma cà-rồng.
            Ông quản đạo C.V.O. lại nói tiếp:
            - Vậy trong lúc rửa mặt, tôi có ý đứng xa nó ra mà nhìn thì thực lạ! Nó vừa rửa mặt bằng nước vo gạo xong, hai cái vòi xanh đó vụt biến đi mà cũng từ lúc ấy người con mụ N.T.S. cứ lớn dần dần lên và chỉ trong giây lát nó lại cao lớn như người thường vậy. Nó bèn nói thế này: “Thưa quan lớn, thực tình chúng con có quấy rầy thằng bé con con mụ X.T. trong xóm thực. Nguyên hôm đó con có việc phải sang chơi nhà nó, có việc cần, con muốn hỏi giật bố nó vài hào bạc. Đứa bé mũm mĩm làm sao, vậy mà thương thay nó lại bị một cái nhọt mạch lươn rất to ở cổ thành thử người đứa bé cứ xanh nhợt hẳn đi vì ăn bao nhiêu lại ra mủ máu cả thì còn béo tốt làm sao cho được. Thoạt đầu, con lấy làm thương đứa trẻ, nhưng vì sau cái mùi máu mủ trong cái nhọt của nó “nịnh khứu giác” con, - đây là lời ông quản đạo thuật lại, - nên con thấy thèm muốn một cách lạ và ngay đêm hôm đó con đến hút máu nó và hút máu nó như thế đã được bảy tám hôm nay rồi. Đứa bé đó hiện nay chưa chết; vậy con rập đầu xin quan lớn cho chúng con trả lại máu nó và lạy quan lớn, quan lớn tha tội chết cho chúng con, chúng con xin cảm tạ và quyết làm thân khuyển mã để đền ơn quan lớn”.
Trả máu
            Đây, chúng ta bước vào một đoạn ly kỳ nhất, ghê sợ nhất trong cuộc khảo ma cà rồng. Mụ N.T.K. vừa nói đến chuyện trả máu thì ông quản đạo ưng thuận ngay; ngài hỏi nó muốn gì, cần phải có những đồ cần dùng gì thì nó bảo chỉ cần một cái chậu con là đủ.
            Chưa đầy một phút, một tên lính đã bưng một cái chậu ra để ở bên cạnh nó. Mọi người nhịn thở, để ý trông và đều hồi hộp trong lòng một cách lạ. Con ma cà-rồng chẳng nói chẳng rằng gì cả, xổ cái búi có ở trên đầu xuống, xoã tóc che kín mặt để cho mọi người không trông thấy. Đoạn, nó trợn mắt lên, giơ tay cho vào mồm! Nó làm gì? Người ta càng hồi hộp. Thì ra con ma cà rồng móc họng: nó nôn rực lên một lúc rồi thì, - thật là lạ lùng rùng rợn vô cùng, - ở miệng nó, người ta thấy mửa ra tất cả thẩy năm cục máu tím ngắt như những quả bồ quân vậy. Nhả máu xong rồi, nó mới ngẩng nhìn ông quản đạo, nước mắt giàn giụa mà nói bằng một giọng nghẹn ngào: “Thưa quan lớn, đây là những cục máu mà chúng con đã hút được mới đây. Đây, về phần đứa con mụ X.T. cháu mới chỉ hút được có hai cục thôi, cháu xin trả lại nó”…
            Ông quản đạo thấy vậy tức thì trợn tròn mắt lên mà rằng: Quân này ra láo thực! Mày mửa ra cả thẩy năm cục máu hãy còn rành rành ra đấy, vậy mà mày lại dám giữ lấy ba, chỉ giả có hai thôi? Vậy ra ý mày nhất định không muốn cho đứa trẻ kia được sống?
            Nước mắt con ma cà-rồng bỗng chan hoà ra, nó nghẹn ngào một lát lâu rồi mới run sợ đáp rằng: “Bẩm lậy quan lớn, chúng con không dám giấu. Xin quan lớn tha tội chết cho con, con mới dám nói, thực quả ba hòn máu này không phải là của đứa con mụ N.T.K, nhưng là của một người đàn bà khác trong châu bị chúng con hút máu nhưng vì quá yếu sức nên đã chết từ hơn một tuần lễ nay”. Nói đoạn, con ma cà-rồng rập đầu lạy ông quản đạo.
            Nghĩ một lát, ông quản đạo hỏi rằng: “Thế bây giờ, nghe tao hỏi! Mày trả máu đứa trẻ đó, nhưng mày bảo phải làm thế cho nó hồi lại được?” - “Bẩm quan lớn, không khó khăn gì cả. Quan lớn cứ cho mang đứa trẻ lại đây. Trước mặt chúng con, quan cho đứa trẻ đó nuốt mấy hòn máu này, nó tất sẽ hồi lại và chẳng bao lâu sẽ bình phục như thường vậy”.
            Y theo lời của con ma cà-rồng nói, N.T.K. lập tức chạy về ẵm con đến, thì lạ thực, đứa trẻ không tỏ vẻ kinh hãi gì cả, nuốt luôn hai hòn máu.
            Vài hôm sau, trong xóm nhao lên kháo nhau rằng đứa trẻ ấy ăn lại bữa và đã đi lại được như thường vậy.
            Ông quản C.V.O. nói chuyện với tôi về ma cà-rồng mãi đến lúc lên đèn mới thôi.
            Đây là một “chuyện đã sống” xảy ra ở làng Mường Q.M.:
            cả mâm thịt tự nhiên xám xịt lại vì một con ma cà rồng bay qua!
            Xin thú thực với độc giả, câu chuyện của ông quản đạo C.V.O. đã có lúc làm tôi rợn người. Chép lại câu chuyện trả máu, tôi hãy còn thấy cái cảm giác vừa ghê vừa tởm thì một câu chuyện dưới đây lại gửi đến cho đầy đủ tập tài liệu này: đó là một bức thư của ông bạn ở Yên Báy mà chúng tôi tiếc rằng chữ ký thoáy quá nên không trông rõ. Bức thư đó cam đoan với chúng tôi rằng đây là một chuyện thực trăm phần trăm, một chuyện mà chính ông đã sống cách đây đã sáu năm nay.
            Cách đây sáu năm nay, - lời ông bạn nói, - tôi vì doanh thương nên thường qua lại những làng lân cận tỉnh Y.B.
            Hôm ấy, tôi tới làng Mường Q. M. Chúng tôi, tôi và tên đầy tớ, đi luôn ba tiếng đồng hồ, đã thấy hơi mệt. Tôi xem đồng hồ thì bốn giờ rưỡi chiều. Trước hết tôi tìm đến nhà viên lý trưởng vì chúng tôi thường giao dịch buôn bán với nhau. Khi nhìn thấy chúng tôi còn ở xa, ông Lý đã vội vàng chạy ra đón tiếp và mời vào trong nhà. Sau vài tuần nước chè và mấy câu hỏi thăm thông thường, thầy Lý gọi người nhà làm cơm. Tôi từ chối vì hãy còn đồ nguội đủ trong hai ngày nữa.
            Mấy phút sau, có viên Chánh hội (tôi cũng quen), chắc biết tôi đến đây nên chạy lại, mời tôi cùng viên Lý trưởng đến nhà ông uống rượu cưới con giai ông ta. Tôi kiếu không được, phải đi vậy.
            … Đến nơi, tôi thấy có tới bốn mươi người ngồi chung quanh những mâm cỗ. (Nói mâm cỗ thì ngoa quá! Có ra gì cỗ của người Mường). Người ta bầy những miếng thịt trâu to bằng nắm tay một lên trên lá chuối. Thịt thui chưa chín nên còn đỏ hoe. Cạnh đống thịt là đống xôi trắng với chai rượu bố. Tôi ngồi cùng mâm với viên Chánh hội, Lý trưởng và Phó lý. Mâm cỗ chúng tôi còn “sang” hơn vì có cá, thịt gà và hai bát canh thịt trâu nấu với bí.
            Trong khi tất cả đang ồn ào mời nhau và chúc tụng cô dâu, chú rể, tôi thấy hơi lành lạnh và… một luồng khói đen từ ngoài bay vào trong nhà, qua trên đầu mọi người rồi biến mất. Tôi ngơ ngác không hiểu gì, các người xung quanh cùng ngơ ngác và họ hỏi nhau bằng tiếng Mường của họ làm tôi lại càng ngơ ngác thêm. Tôi đã “lạnh bụng” mất rồi. Tôi chưa biết là gì nhưng… tôi đã đánh mất ít nhiều “vía” rồi.
            Những người ấy sau một hồi bàn tán một cách không vui, lại trở lại bình tĩnh và cười nói, nhưng có vẻ gượng gạo lắm. Họ không muốn cho tôi hiểu!
            Viên Chánh hội cầm chén rượu mời tôi, tôi đỡ lấy và đặt xuống. Mắt tôi nhìn xuống chiếu: tất cả những mâm thịt trâu đỏ hỏn lúc nãy thì bây giờ đã xám xì cả rồi. Thú thực, tôi thấy rợn tóc gáy lên.
            Tôi vội vàng kêu đau bụng và cáo lui về nhà Lý trưởng. Họ biết giữ tôi ở lại cũng không được nào, nên để tôi về. Hai nhà này cách nhau độ 500 thước nhưng đường khó đi (đường leo sườn núi). Đi được quá nửa đường tôi gặp mụ đàn bà độ gần 50 tuổi, quần áo lôi thôi lếch thếch, mặt rỗ chằng rỗ chịt trông xấu xí quá chừng. Có cái mũi thì chằng chịt những mạch máu tím bầm.
            Mụ ấy hỏi tôi rằng: Ông ở đằng ông Chánh hơn về đấy à? Tôi đáp: Phải, và cứ rảo bước đi mau. Về tới nhà Lý trưởng tôi cứ nghĩ ngợi loanh quanh mãi. Nửa giờ sau thì viên Lý trưởng cũng về và hỏi thăm tôi đã đỡ đau bụng chưa? Tôi thú thực là chẳng đau bụng đau gan gì cả. Vì trông thấy tự nhiên thịt thà xám xịt lại nên không dám ăn mà phải cáo lui. Hắn cười bảo tôi: Cứ việc ăn tự nhiên, chúng tôi ăn hết cả, có làm sao đâu nào! Tôi nhớ lại lúc gặp con mụ đàn bà kia liền nói cho hắn nghe. Hắn ngồi nghiêm chỉnh lên rồi nói: Thôi đích rồi!!! Con mụ ma cà-rồng đấy, lúc có đám khói đen bay vào trong nhà ông Chánh hội là nó biến vào để hưởng cỗ bàn của ta đấy. Nó có ăn thật nhưng không mất một miếng thịt nào đâu, chỉ có thể làm xám đi và mất vị ngon thôi. Rồi hắn kể rành rọt cho tôi nghe về đời con mụ ấy. Thì ra nó đã lấy bốn đời chồng, anh chồng nào ăn ở với “nó” được vài năm thì lại chết. Hiện nay “nó” còn anh chồng thứ năm, có lẽ cũng sắp “tịch” đến nơi rồi. “Nó” thì đêm nào cũng thả hồn bay đi quanh làng để tìm những con vật chết thối tha ăn. Ai bị đứt chân tay, hơi rớm máu thôi nhưng gặp nó, cũng đủ được đau đớn hàng tháng không chừng. Dân làng chúng tôi ai cũng ghê tởm nó lắm nhưng không làm gì được.
            Phì coòng cọi? Đó là một thứ ma cà rồng bên kia dãy Hoành Sơn
            Ở bên kia dãy Hoành Sơn, ma cà-rồng, - người Lào gọi là phì-còong-cọi, - cũng chả khác gì ma cà-rồng bên ta, nghĩa là nó “giống” người, như ông và tôi vậy, đi lại, ăn uống như thường. Chỉ duy có ban đêm mới thành ma. Họ biến tướng và bay đi ăn những vật hôi thối hay hút máu người, máu vật. Những món ăn mà phì-coòng-cọi thích nhất là bộ ruột của người. Đêm đến, chờ cho thật khuya, mọi vật đều yên tĩnh nghỉ ngơi thì lúc ấy nó mới đi kiếm ăn. Nó chỉ “thoát” ra khỏi người có bộ ruột nó và hai chân: chân để đi, ruột để đựng thức ăn, thế là đủ rồi. Ăn no xong, chân và ruột lại về tự lắp vào thân thể. Người nào bị nó ăn mất ruột thì đành là chết, không còn cách gì cứu được.
            Nhưng muốn trừ thứ ma này, người ta đợi lúc nó mải đi ăn, ở nhà cứ việc quay xác nó cho khác chỗ, lúc về nó quên mất đường để cho chân và ruột vào, thì nó phải chết. Thế mới biết người còn “ma lanh” hơn ma, và câu: “nhất quỷ nhì ma”, chưa hẳn là đúng vậy.
            Tục truyền rằng: ngày xưa có một ông vua An Nam đi sang chơi đất Lào, bắt gặp được một con phì-coòng-cọi. Không hiểu tại ngài có thần oai hay tại con ma đâm ra sợ trước mặt “con giời”, mà bị ngài bẻ quặt hai bàn chân ra đằng sau và cấm không cho hại người An Nam. Cho nên thứ ma cà-rồng này có cái lạ là hai chân bị quặt ra đằng sau, thành thử lúc nó đi tới mà ta xem vết chân nó đi giật lùi, và chỉ hại người Lào thôi, chứ không bao giờ dám động đến ta sang ngụ cư ở bên ấy. Quả thật thế, chính người Lào họ cũng bảo vậy.
            Bên Lào lại còn có ba thứ ma cà-rồng khác nữa. Thứ mà họ gọi là phỉ bọp không những giống hệt như người, mà còn hơn người nữa. Theo lời người Lào kể chuyện thì thứ ma này khác thứ ma trên là ăn ruột người xong, nó lại còn bóp nát cả xương cổ người ta nữa. Nó chẳng cần phải thoát ruột thoát chân gì cả, vì nó đã có phép tàng hình. Người nào bị thứ ma này làm, thì tự nhiên đau bụng rồi bị nghẹo cổ là chết. Nhưng người ta còn có cơ cứu nạn nhân được, chứ không đến nỗi phải đi đứt như bị phỉ-coòng-cọi làm. Nạn nhân bị phỉ bọp làm phải đi mời một pháp sư giỏi đến chữa ngay. Ông thầy trừ ma bèn lấy chiếu cuốn nạn nhân vào trong, chặt một cành dâu làm roi, rồi vừa quật vào người ốm, vừa… niệm thần chú! Nếu ông thầy cao tay hơn, đánh đuổi được con ma đi thì người ốm khỏi ngay, nếu không, người ốm đã đành phải chết mà lại bị đèo thêm một trận đòn nữa.
            Hai thứ ma sau cùng người Lào gọi là phỉ-phôông và phỉ-phai, dẫu sao cũng không nguy hiểm bằng hai thứ kể trên.
            Những điều vừa kể chắc nhiều bạn không tin, chúng tôi lại xin thuật lại một chuyện ma cà-rồng có thực trên cây gồi - Tôi không biết có nên liệt hạng ma này vào với ma cà rồng hay không, nhưng cứ ý riêng tôi nghĩ thì sao không thể gọi là ma cà-rồng được.
Như trên kia đã nói, ma cà rồng là vampirisme, nó chuyên đi hút máu người. Thì cái hạng sau này cũng hút máu, nhưng ngoài ra lại còn rút hết cả sinh khí của người ta nữa, kỳ cho đến chết. Các bạn từng đọc chuyện Liêu trai, tất đã nhiều phen thấy chuyện những người đàn bà đẹp đêm đêm hiện đến buồng học những thư sinh. Đó, theo như chúng tôi nghĩ thì đó chính là ma cà-rồng vậy. Mà những chuyện Liêu trai tả những chuyện ma như thế, chưa hẳn đã phải là chuyện hoàn toàn bịa đặt đâu.
            Ngay như bây giờ, vào thời buổi văn minh, những chuyện đó vẫn có thể xảy ra được. Một thí dụ: ở Phi châu hiện nay vẫn có cái hạng ma cà-rồng ấy mà có người chính mắt trông thấy nữa, chính tay rờ thấy nữa.
            Xin ông nào đó chớ vội kêu lên rằng tôi lôi chứng cớ viển vông. Các bạn đọc tôi tất đều biết rằng ông Paul Reboux ở báo Paris-Soir và Voilà không phải là một nhà văn không có tín nhiệm trong báo giới Pháp hồi mười năm trở lại đây.
            Lần này, tôi cũng không có mấy số báo Voilà xuất bản vào khoảng 1936 đến 1940 ở dưới tay lúc viết bài này, vì các ngài cũng dư biết, tôi cũng như các ngài, chúng ta không phải là một hạng chơi hết cả các thứ báo mà bảo lúc nào cần đến cũng có ngay bên cạnh. Nhưng tôi tin ở trí nhớ tôi lắm và tôi quyết rằng trong báo Voilà, ông Paul Reboux đã có viết một tập phóng sự về hạng ma cà-rồng này. Ai có cái may mắn hơn tôi là giữ được báo Voilà, xin cứ tìm và nói cho tôi biết những điều tôi thuật ở dưới đây có đúng không. Nếu bài ấy không có đăng (tranh ảnh kèm theo nhiều lắm) xin tha hồ công kích, tôi sẽ không dám có một lời nói lại.
            Vậy, trong báo Voilà, ông Paul Reboux có làm một thiên phóng sự về loại ma cà-rồng này. Theo như sự mắt thấy tai nghe của ông ở Phi châu, thì ở một vùng rất hiểm trở kia, có một vài dòng họ có ma cà-rồng, đàn ông thì đi hút máu, ăn dơ, mà đàn bà con gái thì đêm đêm biến hình đi, bay bổng lên trời và tìm đến những nhà có con trai xinh đẹp để mê hoặc, để làm cho người ta kiệt quệ.
            Ông Paul Reboux sang làm phóng sự ở Phi châu có quen một người bạn bản xứ hãy còn trẻ tuổi mà mặt mày xanh xao, thân hình gầy còm một cách đáng thương. Ở luôn luôn bên cạnh nhau, Paul Reboux gạn hỏi dần dần xem tại sao người bạn đó lại ốm đau như vậy. Vì khí hậu ở đó độc quá? Vì người bạn trác táng nhiều? Hay vì những nguyên nhân gì khác? Thì người bạn ấy, biết rằng cũng chẳng nên giấu giếm lâu làm gì nữa, buồn rầu trả lời rằng:
            - Tôi xin thú với ông rằng tôi đến ở thuê cái nhà này mới độ nửa năm thôi. Tôi không có cha mẹ vợ con, tôi có một thân một mình ở trên đời. Và xin cam đoan với ông rằng từ trước kia và cả từ khi tôi bắt đầu dọn đến đây nữa, tôi không có nhân tình nhân ngãi với một người đàn bà nào hay một cô con gái nào. Vậy mà, sau khi tôi đến ở đây độ chừng đâu nửa tháng thì, thực là một chuyện kỳ lạ, một người đàn bà tuyệt đẹp đến chỗ tôi ở và nói rằng đã gặp tôi nhiều lần…      Tôi kinh ngạc, nhưng không lẽ nói thế nào. Tôi ngồi lại và từ đó… từ đó… đêm đêm nàng thường đến phòng tôi và cái việc phải xảy đến đã xảy đến, như những cặp trai gái khác. Tôi thấy người con gái ấy cũng như thường vậy. Duy có khác một điều này là tôi không thể biết trước nàng sẽ đến thăm tôi vào giờ nào và sáng sớm nàng sẽ đi giờ nào. Tôi lấy thế làm băn khoăn lắm, bèn đem ra hỏi nàng. Nàng chỉ cười. Sau thét mãi, nàng mới nói cho tôi biết rằng nếu muốn biết nàng đến vào lúc nào, chỉ cần ra đứng ở dưới cây gồi ở sau vườn nhà tôi.
            Tôi làm theo y như lời nàng. Chiều hôm ấy, sau bữa cơm chiều thường thường vẫn là lúc nàng vẫn lại thăm tôi, tôi khép cửa ra sau vườn và bắc một cái ghế nhỏ ngồi để ngắm cảnh hoàng hôn xuống và cũng để đợi nàng đến nữa. Cái ghế của tôi đặt ở gốc một cây gồi, cây gồi kia kìa (người bạn ông Reboux vừa nói vừa chỉ tay về cái cây cổ thụ). Bóng tối xuống trầm trầm: tôi gần không trông rõ chính ngay bàn tay tôi nữa, thì, thưa ngài tôi không lầm, vâng, không thể nào lầm được… Một hơi gió lạ, khác thường hắt vào người tôi một hương thơm ngào ngạt. Lá gồi, tự nhiên rung động một hồi lâu, hương thơm càng ngát, tôi có cảm giác rằng mùi hương đó giống như hệt mùi hương của người bạn gái tôi vẫn bôi trên tóc và trên mình vậy. Thì ra tôi đã không đoán lầm: chưa kịp nhìn lên, tôi đã thấy ở cạnh tôi cái hơi thở rất quen ôm lấy cổ tôi: người ấy là người bạn gái đêm đêm vẫn đến ở gian phòng tôi vậy.
            Bắt đầu từ đấy, tôi hiểu dần dần nhiều chuyện lắm. Tôi nhớ đến những chuyện ma quỷ mà dân cư ở đây vẫn nó đến tai tôi nhưng tôi chưa hề tin bao giờ cả, tôi nghĩ đến những cái chết khổ sở ở trong nanh vuốt những con yêu tinh hút máu, xa những bạn bè thân thích, không một ai biết cả.
            Nhưng tôi không làm cách gì để xa tránh được người đàn bà đã thân với tôi quá một người bạn: trái lại, tôi lại thấy trái tim tôi đập mỗi ngày một nhanh thêm ở trước tiếng gọi của tình yêu, tôi mê mẩn, tôi có thể chết đi được nếu người yêu của tôi bảo chết. Tôi sẽ không giấu ngài rằng cái tình yêu ấy một nặng thêm, một cám dỗ tôi thêm, không phải hoàn toàn do ở tinh thần đâu, nhưng một phần lớn chính là do vật chất, của người đàn bà mang lại. Mỗi đêm, tôi cùng với người đàn bà ấy sánh vai. Cứ đến gần sáng, nàng lại đi mà đi bằng cách nào, tôi cũng chẳng biết, nhưng tôi thấy có điều này lạ là nàng ra không cần mở cửa. Thoạt đầu, tôi ngờ rằng tôi đã sống ở trong những giấc mơ.
            kiểm duyệt bỏ
            Song, tôi suy mãi ra thì không phải: đó là sự thực, thực như ông với tôi. Sáng nào, thưa ông, lúc tôi trở dậy tôi, cũng thấy hằn lên ở nệm giường của tôi cái hình dáng người đàn bà nằm đó đêm qua và sáng nào tôi cũng thấy tiết ở chỗ đó ra một mùi hương đúng như mùi hương trên cây gồi: đó chính là mùi hương của người bạn gái của tôi những lúc đêm khuya vậy.
            Mãi mãi sau này, tôi mới tin chắc rằng đó là ma cà-rồng. Con ma cà-rồng ở trên cây gồi. Không phải nó ở trên cây gồi đâu. Cứ theo như lời dân bản xứ ở đó xét nghiệm và bình phẩm truyện này thì ở Phi châu có những dòng họ có ma cà- rồng như thế. Những người có ma cà-rồng, nửa đêm, xuất hình bay đi lơ lửng ở không trung. Có khác một điều là giống ma cà-rồng này không hút máu, ăn dơ (như ma cà-rồng ở Lào (4) ở Bắc, ở Nam) nhưng chỉ hay lang thang tìm những nhà nào có trai đẹp gái đẹp thì đỗ xuống những cây cối gần đấy biến thành người và liệng xuống để quyến rũ và làm cho thân thể người ta bại nhược.
            Câu chuyện của ông Paul Reboux đến đây là hết. Nhưng có đọc hết toàn bài phóng sự của ông, người ta mới có thể biết rằng loại ma cà-rồng này tai hại đến bực nào, nó ghê nhất vì không những nó đã hút tuỷ hút máu người mà lại còn làm mê hoặc người ta nữa. Có lẽ những con hồ ly tinh mà ta vẫn thường thấy ở trong Liêu trai chí dị chính là hạng ma cà- rồng này vậy.
            Trong Liêu trai, tôi không nhớ rõ rằng những con ma, khi ở nhà có cái gì khác lạ không, chứ phàm giống ma cà-rồng hiện nay, tôi biết chắc có một điều kiêng kỵ nhất: đó là cái gương soi mặt. Nhà nào có dòng ma cà-rồng còn sợ những đồ kim khí và những cái vó, như trên kia tôi đã nói. Nó sợ người ta lấy mất vòi hay người ta bám được nó cho tới khi sáng bạch.
            Ngoài mấy điều đó ra, chẳng thể gì làm cho ma cà-rồng chết bất đắc kỳ tử. Riêng có ở bên Âu và đất Phi, thì tôi xem có một cuốn sách nói rằng muốn cho ma cà-rồng bị giết chết, người ta phải có một cái dáo thực nhọn và nhằm thế nào cho thực đúng vào tim con ma cà-rồng.[5]
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 53 (23/3/1941), s. 54 (30/3/1941), s. 55 (6/4/1941),
s. 56 (13/4/1941), s. 57 (20/4/1941).

[1] Bài này Vũ Bằng viết chung với Nguyễn Xuân Khôi
[2] “Bạn đồng nghiệp hằng ngày” ở đây được hiểu như là nhật báo, báo ra hằng ngày
[3] “con-léc-sông” = collection (chữ Pháp): sưu tập, bộ sưu tập.
(4) Chúng tôi xin lỗi ông bạn nào ở Lào đã cho chúng tôi tài liệu về giống phi-coòng-cọi. Trong thư không đề tên mà cũng chẳng có địa chỉ, nên chúng tôi không biết.(nguyên chú của Vũ Bằng).
[5] Lưu ý: Tuần báo TBCN khá nhiều lần ra những số về các đề tài chống mê tín dị đoan, tác giả Vũ Bằng là người góp khá nhiều bài vào các số báo ấy; tuy vậy ở đề tài về ma cà-rồng như ở đây, ông cũng tỏ ra ngây thơ tin các chuyện do những người khác kể lại như là những điều có thực, và ông đã kể lại những tình tiết các chuyện ấy như là những chuyện thực! Cũng phải nhận rằng, đương thời ấy, ngay một số nhà báo ở phương Tây cũng thể hiện một tình trạng tương tự; tất nhiên cũng có thể là do người làm báo muốn câu khách bằng các chuyện kỳ lạ khó tin.
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com