Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
22/9/12

Trừ nạn lang băm lang bổ - Vũ Bằng

Trừ nạn lang băm lang bổ
Vũ Bằng


Mắt người đâu phải là cái mụn, muốn rắc vào gì thì rắc!

            Lúc ngồi viết bài này, ở trên bàn của tôi có bức thư của bốn ông bạn gửi về hưởng ứng bài thứ nhất [1] của T.B.C.N. về việc bài trừ nạn lang băm bịp bợm mở phòng khám bệnh nhan nhản ở trong thành phố.
            Số thư gửi về tôi chắc sẽ còn nhiều bởi vì tôi biết đích rằng ít lâu nay bà con ta bị chúng bịp bợm tai hại quá. Bịp bợm để lấy tiền, cái đó đã là quá lắm rồi; đằng này chúng lại bịp bợm về cách chữa nữa; cái đó mới lại đáng ghê lắm lắm. Ông Nguyễn Sĩ Khoa cho tôi biết rằng chính ông, ông có một người em gái từ năm 18 tuổi đến năm nay đã 25, nghĩa là trong bảy năm liền, không lúc nào mắt cô được trong trẻo, nhìn được rõ ràng. Dù sao, mắt cô vẫn mở được như thường, chỉ hơi dại và mờ mờ một chút mà thôi; ông đưa em ông đến chữa một hiệu kia ở một phố đông đúc nhất Hà thành, người ta cam đoan sẽ chữa khỏi với tám đồng. Tám đồng không khỏi, tám đồng nữa; người ta tìm hết các cách nói dối quanh; quanh quẩn hết nội trị lại ngoại đồ, hết cặp mắt lại phun hơi vào mắt, cô em ông Khoa hỏng hẳn một mắt, để bàn tay trước mặt hiện giờ cũng không trông thấy gì. Đó là một. Thứ hai là bức của một ông vô danh ở Hải Phòng lâu ngày mới lên chơi, ngạc nhiên thấy mấy phố chính ở Hà thành hiện nay nhiều quân bịp bợm chiếm được những căn nhà tốt nhất. Bức thư ba chỉ ngỏ ý tán thành ý kiến của chúng tôi. Nhưng đến bức thứ tư thì chúng tôi thấy có một vẻ thảm thiết, đáng thương vô cùng; một người thợ máy ở Hàng Bột ăn không được, thỉnh thoảng lại sốt về chiều. Những lúc lên cơn sốt như thế, mắt ông ta mờ đi, chân tay mỏi mệt và lợm giọng: ông ta bèn đến kể bệnh ở một phòng khám bệnh trên kia thì một “nữ y sĩ” truyền bằng tiếng “Coỏng-tống” rằng ông thận thuỷ hư suy, hoả vượng, bao nhiêu bệnh tật đều do ở hai con mắt cả (?) nếu không chữa, chỉ độ dăm tháng nửa năm thì mù. Người thợ máy đáng thương, cũng như chúng ta đây, “giàu vì hai con mắt, khốn khó vì hai bàn tay”, thấy thế hoảng sợ bèn xin “phòng thuốc” chữa giúp ông ta. Phòng thuốc chữa giúp ông thực: chín ngày một, lấy bốn đồng rưỡi; chưa khỏi, lại chữa chín ngày nữa cũng với giá tiền như thế; kỳ cho bao giờ khỏi thì thôi. Người thợ máy theo đuổi trong ba tháng trời liền, hại có đến ngót trăm đồng mà kết quả thì “lợn lành chữa lợn toi”: đôi mắt của ông ta trước chỉ mờ, bây giờ đâm ra ướt và không hiểu tại làm sao, lại sinh ra sưng húp lên, và hỏng cả lòng trắng, thầy thuốc bảo phải mổ thì mới mong chữa được.
            Đó, một bài báo vừa ra mà có tới bốn bức thư gửi về phàn nàn như thế rồi, không biết ở trong chỗ tối tăm, ở những chốn quê mùa hẻo lánh mà tờ báo không được phổ thông cho khắp còn bao nhiêu người nữa bị thiệt thòi mà không thể nói được, mà không ai biết tới.
            Chẳng phải nói, ai đi qua những phố kia nhìn vào những phòng thuốc kia tất đã thấy rằng mỗi buổi “khám bệnh” của họ, có tới hàng mấy chục người, nam phụ lão ấu, ngồi lổn nha lổn nhổn cả ở ngoài cửa như những người xin bố thí. Những phòng thuốc ấy cho một đứa trẻ kêu ầm lên rằng chữa không lấy tiền, chữa giúp, nhưng kỳ thực thì chẳng người nào thoát khỏi; họ doạ đủ các cách để phải mua thuốc của họ; hễ ai “chây” lắm nhất định cứ xin không thì họ bất đắc dĩ cũng phải cho, nhưng vứt cho một gói con con bọc giấy vàng rất khả nghi, trong đựng một thứ bột sờ lạo rạo như thể mài mực Tàu vậy. Đó là thứ gì, chất gì hay cái gì? Không ai biết. Vì chỗ không ai biết đó, chúng tôi đã có lúc nghĩ rằng trong thứ thuốc đó thể nào lại chẳng có một đống cát, một đống bụi hay một con xén tóc, con bọ dừa bị tán lẫn vào? Những thứ thuốc như thế, tôi không hiểu nó chữa được cái gì hay là chỉ có cái công dụng làm hỏng mắt người ta, mà những ông bà chữa thuốc kia chính là những “người làm hỏng mắt có môn bài” vậy. Bởi vì còn ai lạ gì, con mắt của chúng ta nó cũng như hai hòn ngọc trong sáng cần phải giữ gìn từng ly từng tí, nhiều khi chỉ một hạt bụi nhỏ rơi vào cũng làm cho ta khổ sở rồi. Muốn lấy được hạt bụi ra, người ta phải dùng đến nước thực trong ngâm mắt để lấy hạt bụi ra, mà đau mắt, cố nhiên là người ta phải dùng những đồ chữa rất tinh khiết đã đành; ngay đến thuốc, thuốc chữa cũng phải dùng cái gì đun thành hơi để đắp vào hay đổ vào, chứ đâu lại có cho bột vào mắt một cách không tiếc tay như thế được? Mà nào thứ bột đó chế hoá có vệ sinh gì cho cam: người ta, áng chừng đã cho rằng con mắt cũng như cái mụn loét, cái vết sâu, muốn rắc gì vào thì rắc, nên đã để toàn quyền cho một lũ “tí nhau” chưa hết rám nắng ở thôn quê đứng ra làm. Một buổi sáng chủ nhật mới đây, đứng xem họ chế thuốc đau mắt chữa người, tự nhiên tôi sực nhớ ra rằng ít lâu nay có những người bán “sì-cốc-bểu” ở Hà thành cho thịt chuột vào nhân bánh để bán cho người ta ăn.            Thịt chuột, ăn vào bụng, cái đó đã là ghê rồi; đằng này lại còn có thể có bao nhiêu thứ khác khiếp tởm hơn thịt chuột, mà lại cho vào mắt là một cơ quan nên gìn giữ nhất thì cứ nghĩ đến cũng đủ làm cho chúng ta rùng mình biết bao nhiêu!
            Tôi trông thấy những người ngồi chờ chữa thuốc mà không khỏi có một tấm lòng ái ngại. Vẻ thực thà lộ ở trên nét mặt, họ trông ở những ông chủ hiệu, bà chủ hiệu sự tái tạo, sự hồi sinh như trông vào một đấng tối cao. Có biết đâu rằng, một phần lớn họ đã thất vọng, hay tuyệt vọng, - nếu có hy vọng chăng nữa thì chẳng qua chỉ là một cái bóng hy vọng mà thôi. Bởi vì tôi đã biết rằng lắm khi một người bệnh vào chữa lần đầu ở những hiệu kia khỏi hẳn đi một nửa. Ai ai cũng tưởng thuốc họ hay, có biết đâu rằng đó chỉ là bịp bợm nốt; ta đau mắt, chẳng cứ phải tìm đến họ, cứ ở nhà lấy một ít thuốc “lông ngỗng” hoà với nước rỏ vào tự nhiên cũng nhẹ hẳn và mắt ta sẽ quang ngay. Nhưng quang như thế chỉ độ một buổi thì lại hết ngay; nào có thế mà thôi, bệnh đau mắt, trái lại, lại nặng ra là khác. Cái lối chữa đau mắt bịp bợm này thật đúng như cái lối chữa đau răng của những tay thầy vườn đi rong phố, cắp cái hộp kêu: “Chữa răng… chữa răng ê!”, nhổ răng người khác đến nỗi đứt cả mạch máu làm cho người ta chết. Cái thí dụ mà tôi kể ở đầu bài thứ nhất trong Trung Bắc chủ nhật, tên Nguyễn Văn Ruộng bị bắt vì làm cho một người đàn bà ở ngõ Tân Hưng suýt chết, chính là cái hạng thầy vườn vừa nói đó. Người ta chỉ mới nghe thấy những thầy vườn đó bị bắt vì chữa thuốc giết người chứ chưa nghe thấy có một ông hay bà thầy vườn nào có cửa hiệu bị bắt vì đã làm mù người ta, cái đó cứ kể cũng là lạ lắm, - lạ nhất là những người bị họ làm hại, sau khi đọc bài một lúc đã có tới bốn người gửi thư về chúng tôi.
Sự đó truy nguyên ra cũng là chỉ tại bẻ răng đứt mạch máu, người có bệnh có thể chết ngay. Chứ về cái con mắt, ví gặp phải thuốc dở nó làm mù người ta, thì nào nó có mù ngay cho đâu, nhưng mà lại mù ngày một ngày hai, dần dần, chứ không nổ con mắt hay hoá ra mù trong vài ngày. Người có bệnh, đến lúc bệnh nặng rồi, chép miệng cho tại số “người ta chữa đúng mốt vệ sinh lắm, nhưng ác cái là bệnh mình nặng thì làm thế nào được chớ?”
            Thành thử tiền mất tật mang mà người có bệnh cứ phải cắn răng mà chịu. Người ta thấy rằng cái tính mệnh của những người lương thiện về phương diện ấy, không có ai bảo toàn cho; chỉ chết những người thực thà choáng lên vì những lời hò hét quảng cáo, vì những dụng cụ họ trưng bày ở cửa hàng, đã chẳng biết thế, hàng ngày cứ kéo nhau vào những phòng thuốc khả nghi, giơ con mắt ra để cho họ làm đủ tình đủ tội.
            Tôi cũng mong rằng trong số những thầy lang bịp bợm ấy cũng có vài môn thuốc gia truyền công hiệu. Tôi cũng mong rằng nếu họ không chữa được bệnh người ta thì ít ra cũng đừng giết người ta, đừng làm cho người ta mù loà tàng tật. Song có ai đã có lúc đứng trông một buổi chữa bệnh của họ, một người rất bình tĩnh cũng không khỏi thấy buồn lòng. Là bởi vì, muốn nói cho thực đúng, ta phải nói rằng cái lối chữa bệnh của họ vô cùng quái ác. Tôi đã xem một buổi chữa bệnh ấy và tôi đã thấy chán nản trong lòng quá.
            Một người thanh niên, khoảng từ 30 đến 35, uể oải đi vào một hiệu ở một phố gần Hàng Gai. Một cô độ 18 - 20, mặt đánh phấn môi bôi son ngồi nghiêm nghị, đưa ra một cái gối con bảo con bệnh để tay lên đấy bắt mạch, - vừa nói chuyện với người làm sa sả vừa bắt mạch. Bắt mạch cho người ta không hiểu thấy cái quái gì, cô nữ y sĩ nói xì xà xì xồ một chặp tiếng ngoại quốc, - mà lạ, sao lại không nói tiếng Việt Nam? bởi vì trước lúc ấy nửa tiếng đồng hồ tôi đã nghe thấy cô nói tiếng Việt Nam tài như ông và tôi vậy?
            Cái đó là một chuyện bịp, bởi vì cái tâm lý những người thực thà vẫn thế, người ta vẫn sợ những cái họ không hiểu hơn là những cái họ hiểu, - nhưng đến chuyện bịp này mới lại đáng ghê hơn. Cô nữ y sĩ của chúng ta nói, người thông ngôn dịch ra tiếng Nam, ông trẻ tuổi của chúng ta đau mắt. Đau mắt mà các ngài có biết cô thày thuốc của chúng ta truyền cho người làm chữa cho con bệnh thế nào không? Cô truyền lấy ống giác giác vào lưng và bảo mở mắt ra phun khói ở trong một cái đèn cồn vào mắt. Rồi bảo: “Mắt của ông có nhiều cục máu ở đàng sau lòng trắng, nó làm cho mắt ông ướt luôn có phải không? Ông phải rỏ thuốc này (người làm giơ một lọ thuốc nước ra); rồi ngày thứ ba lại đây đắp thuốc riêng biếu không; ngày thứ tư ông lại rỏ thuốc trong chai; chín ngày liền như thế (sao cái gì cũng cứ phải chín?) rồi lại đây lấy những viên máu kia ra mới có thể qua khỏi được!
            Lấy từng cục máu ở trong mắt người ta ra. Nghe thấy thế có đủ rùng mình chưa? Tôi nhớ đến những ông lang gắp sâu ở mắt, lấy ríp nhổ lông quặm, và cắt màng mù mắt người ta…
            Đó cái lối lấy máu ở mắt người ta ra là làm mù mắt người ta chứ còn gì nữa? Đó, cái lối cho thuốc bột bậy bạ là làm hỏng mắt người ta chứ còn làm sao nữa?
            Chúng tôi không muốn cho người ta “chơi” với tính mệnh người bệnh nữa. Chúng tôi không muốn để cho hạng bịp bợm đó hoành hành nữa. Chúng tôi không muốn người ta “nhét đát thó vào mắt mũi” người ta và cười người mình ngu dại nữa. Một lần nữa, những nhà có trách nhiệm nên để tâm đến điều này và nên lập cuộc điều tra xem những cái lối chữa bệnh của tôi vừa kể trên kia là thực hành theo cái học nào, ở sách nào.
            Chữa thế là giúp ích quốc dân?
            Hay là bịp bợm để làm hại?
            Nếu quả là hại, người ta còn chờ gì không cho những ông chủ hiệu, bà chủ hiệu ấy cùng đi chơi một thể với tên Nguyễn Văn Ruộng, ông lang giết người, vừa bị bắt mới đây?

VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 64 (8/6/1941)

[1] Tức là bài báo của Vũ Bằng về nạn lang băm, đăng T.B.C.N. số 63 (1/6/1941)
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com