Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
22/9/12

Sau những nạn giết người bằng thuốc - Vũ Bằng

Sau những nạn giết người bằng thuốc
Vũ Bằng

Hạng lang băm bổ đó nếu không trừ được thì cũng đáng buồn cho dân ta!
            Trong một tuần vừa qua, các bạn đọc báo hằng ngày đã được thấy ba vụ giết người bằng thuốc xảy liền ở ba nơi:
            Ở Phủ Lý, vợ chồng tên Tạc có một đứa con bị cam, mời thầy về bốc thuốc cho con. Đứa bé uống thuốc vào khỏi miệng thì trợn mắt giựt chân tay và chết liền. Đem mấy viên thuốc của đứa trẻ vừa uống mà chết đó thử cho chó ăn xem có phải là thuốc độc không, con chó khoẻ là thế, cũng lăn đùng ra không sống làm gì nữa. Bác Tạc, bố đứa bé bị ông lang thuốc giết oan, tưởng như không thể sống được, quyết liều sống chết phen này với lão lang băm. Và lão lang băm sợ phen này sống thì thành tàng mà chết thì thành tật, bèn nghĩ không có cách gì hay hơn là cúi xuống mà làm cái việc mà ta gọi nôm là lạy. Y lạy bố mẹ đứa trẻ hai lạy sống mà xin đừng đi trình báo.
            Ở Thái Bình, ba đứa trẻ chăn trâu trời nắng, ăn bậy sinh đau bụng. Một ông lang hay một bà lang bất đắc dĩ nào đó chỉ cho chúng uống nước vỏ xoan, chúng cũng theo con bác Tạc mà sang bên kia thế giới.
            Lại ở Hà Nội, Nguyễn Văn Ruộng cũng làm thầy thuốc mà thầy thuốc chữa răng, hôm mới đây chữa thuốc cho một người đàn bà ở ngõ Tân Hưng: con bệnh không những đã chẳng đỡ đau được phần nào lại còn sưng u mặt mũi và lâm bịnh trọng.
            Đó là chúng tôi chỉ mới kể có vài việc xảy vào mấy hôm gần đây nhất. Nếu bây giờ đi ngược lại thời gian ta kể thêm mấy việc mà ai ai cũng hãy còn nhớ thì có những vụ này: ở Hưng Yên, một ông lang cho một người đàn bà nọ thuốc dưỡng thai mà làm cho… đoạ thai ra; ở Nam Định, cô Huệ bị bệnh sán; một thầy lang truyền cho ăn pháo xiết, bà đội Vũ Thị Cúc ho hậu sản, ông lang của bà, không cười, cho uống dấm thanh thuốc phiện để cho bà suýt chết nhưng nói rằng để bà khỏi ngứa cổ và nghe đâu, theo như sự học sự biết của ông này thì thuốc phiện dấm thanh có cái công dụng hạ đàm mà bổ phế!
            Còn bao nhiêu chuyện nữa, còn bao nhiêu chuyện nữa không tài nào nhớ hết, những chuyện giết người vô đao kiếm chỉ bởi vì một bọn người đã coi rẻ mạng người ta, dám làm những chuyện càn rỡ nhất, ở ngoài trí tưởng tượng của những người biết nghĩ.
            Tôi nhớ đến những chuyện như thuốc thánh đền Bia, tôi nhớ đến những người mà mỗi khi thấy nhà nào có người đau ốm thì hốt hoảng chạy lại mách những môn thuốc mà chính họ chưa bao giờ dùng cả; tôi lại nhớ đến những hạng học không hay cày không biết, một buổi xấu trời kia, khăn gói gió đưa ra thành thị mở một ngôi hàng thuốc!
            Thuốc, đã đành rằng có nhiều thứ, mà ông lang, có nhiều hạng; không thể gói chung vào một gói như sà-lát với rau mùi để tắm. Nhưng ta không thể không nhận rằng trong cái số thầy lang hiện nay, những ông có thực học thực hiếm lắm mà những kẻ bịp đời lại rất nhiều. Mà trớ trêu thay là số phận! Cái hạng sinh sống được vì nghề lại không phải là hạng nói trên, nhưng trái lại, lại là hạng thứ hai, cái hạng mà ta gọi là lang băm, giỏi bịp hơn giỏi thuốc.
            Bịp, những ngón bịp của hạng này sẽ là đầu đề một chương báo đặc biệt của T.B.C.N. xuất bản nay mai; đây chúng tôi chỉ nói tới cái hạng thày lang không biết qua về y học một chút gì mà cũng dám công nhiên mở hiệu bốc thuốc để giết người như kiểu ông lang đã chữa bệnh cho đứa con bác Tạc.
            Những hạng này hiện bây giờ nhiều lắm. Họ giết người không biết bao nhiêu, và doạ người ta như kiểu làm “săng-ta”[1] vậy: ai đã mời họ xem mạch mà không uống thuốc của họ không xong, họ làm đủ tam khoanh tứ đốm và bóp nặn không biết bao nhiêu mà kể.
            Chính kẻ viết bài này, một hôm ngồi chơi với hai ông lang trẻ tuổi ở hàng X. đã được tai nghe mắt thấy một chuyện mà bạn đọc đọc đến sẽ có nhiều người cho là bịa đặt, nhưng xin cam đoan 100%, nếu tôi nói vu oan giá hoạ thì xin trời phật cứ bắt tội phải uống thuốc của họ (đó là một câu thề độc nhất đời của tôi).
            Vậy, hai ông lang trẻ tuổi ấy mới nghĩ ra một thứ thuốc ho chữa lao mà lại chữa cả cho những bà hậu sản. Tôi không biết thuốc nên chẳng hiểu thứ thuốc ho ấy có những vị gì, những chất gì. Nhưng thực tình, tôi đã nghe thấy họ bàn với nhau rằng vốn mỗi lọ chỉ có bốn năm hào bạc.
            Một ông nói: Thế bây giờ ta bắt đầu quảng cáo ngay trên báo mới mong được nhiều người biết. Vậy ý bác, bác đặt giá bao nhiêu một lọ? − “Hai đồng!” − “Năm đồng!” − Họ nghĩ ra cái cách làm tiền và sau rốt họ khám phá được điều này mà họ cho là sự thực trên đời: Mình có hàng, càng nói rẻ thì người ta càng coi thường. Bởi vậy, muốn cho người ta không coi thường thứ thuốc “ho lao kiêm hậu sản” ấy, hai ông lang băm kia sau cùng nhất định đặt giá mỗi chai là 17$ − vâng mười bảy đồng không hơn không kém.
            Đó, cái lối ăn sâu cay ngập ngà của các ông lang vườn.
            Đói no miễn được đồng tiền tốt,
            Sống chết bao nài họ chửi mình.
            Mà thực thế, họ không cần chuyện sống chết của con bệnh thực. “Làm một lần là đủ” − đó, câu sấm thiêng liêng của họ; họ chỉ cần tiền, họ có biết đâu rằng trong khi họ kiếm được đồng tiền một cách giả dối, hèn mạt, phi nhân loại như thế thì nhiều khi tử thần cướp mạng người nhà người ta là cái mà tiền của cũng không mua được, gây ra bao nhiêu cảnh tan nát, đau lòng người sống.
            Những kẻ làm lang như thế có tội ngang với kẻ giết người. Thêm vào đó lại còn tội đi bịp đồng bào nữa, họ coi người ta là một cái trò chơi, họ trào lộng với cuộc đời một cách thâm thiểm và gian ác.
            Đến đây, tôi không khỏi không nhớ tới một người thanh niên xưa kia cùng học một trường với tôi, bị bệnh xấu hổ, phải giấu người nhà, ăn cắp cả ba tháng tiền học ngót trăm bạc nhờ một người bạn khác sành sỏi đời hơn mua dùm thuốc, mỗi bận tới năm mười đồng bạc. Cứ mỗi lần nhận năm mười đồng bạc thì ông sành sỏi đời lại về lấy đất thó viên lại, phơi khô, rồi tráng một lần mực tàu, đem đến cho bạn và bảo uống. Uống như thế cho hết ngót trăm đồng bạc. Cố nhiên là không khỏi bệnh. Sở dĩ tôi nhắc lại câu chuyện có thực trên này là vì chính mắt kẻ viết bài này đã được mục kích, ít lâu nay, ở thành phố ta có một bọn người đi bán thuốc bổ huyết, ầm ỹ thì ầm ỹ lắm, nhưng cảm tưởng thì đem cho tôi một cảm tưởng na ná câu chuyện đất thó tráng mực tàu trên kia. Mấy người bán thuốc bổ huyết này đánh phèng phèng, quát tháo om lên ở các bãi chợ, ở các cửa ô; họ nuốt lửa, ăn vỏ chai, làm đủ các trò dữ tợn và quỷ thuật. Thấy mọi người xúm đông xúm đỏ lại xem đã đến lúc mê rồi, họ giở ra một cái chum chằng thừng rất kiên cố (sao lại phải chằng thừng như vậy?) giở ra các thứ xương (chắc hẳn có xương trâu, xương bò, xương chó, xương thỏ và biết đâu lại không có cả xương người trong đó?) mà bảo đó là hổ cốt. Họ chồng cả lên như cái mả, đánh rớt xuống đất, rỏ cả mồ hôi vào… thế rồi họ lấy một cái gáo dừa bẩn nhất múc ra một thứ rượu: đó, cái rượu bổ huyết một đồng một chai to!
            Tôi đã biết rằng nhiều người, − nhất là người Khách − có tài buôn bán lắm. Tôi lại biết rằng những lời hò hét quảng cáo của họ đi thẳng ngay vào quần chúng bởi vì toàn là lời dễ hiểu, ai cũng biết; nhưng tôi không thể tưởng tượng được rằng cái chất nước đục lờ, hung hung đỏ ấy, chứa không biết bao nhiêu sự bẩn thỉu, có cả mồ hôi nữa, lại có người bỏ đồng bạc ra mua về để uống.
            Tôi đã tưởng lầm. Lời quảng cáo vừa dứt, ba người giơ tay lên vẫy người bán rượu đòi mua. Tôi đã đứng ngót hai tiếng đồng hồ để xem cuộc mua bán ấy thì thấy cái buổi bán hàng đó, người bán rượu bổ huyết “làm” được tới… ngót hai chục bạc, − là cả tiền bán cả chai lớn lẫn chai con. Nhiều người lấy làm tiếc không có tiền ngay lúc ấy. Sự thực, chỉ nửa giờ sau, tôi đã biết hết cả bí quyết của sự đắt hàng kia: những người xông vào mua rượu trước nhất bữa ấy là những tay sai của bọn bán hàng, như cái kiểu supporter [2] ở nhà hát hay bãi đá bóng. Tuy vậy, sự hiểu biết đó của tôi vẫn không thể làm thay đổi cái ý tưởng này: người mình, một phần lớn, dễ tin người quá, thậm chí, có nhiều kẻ nói rất lớn thì được người ta nghe còn bình lặng thực thà thì bị bỏ quên hay bị coi thường vậy. Có lẽ vì tâm lý số đông người mình như thế cho nên, về mặt thuốc, mới xảy ra những vụ ngộ thuốc, uống lầm phải thuốc “bố vờ”, những vụ thày lang thuốc giết người một cách thảm hại như những tỷ dụ tôi đã kể ở đầu bài này vậy.
            Theo ý chúng tôi nghĩ, thì người ta chưa trị những kẻ gian giảo, lọc lừa, giết người kia với một hình tội xứng đáng với tội họ. Thành thử những kẻ vô học sau cứ làm bứa bừa đi, những hiệu thuốc bịp bợm không bao giờ ngớt mở cửa mà những ông lang tự nhận ở những phương trời xa lại (và nói có tới bao nhiêu bằng cấp!) hằng ngày vẫn ngồi lù lù ở cửa hàng lấy những bộ mặt rất nghiêm trang đợi khách đến nhờ khám bệnh.
            Ối thôi, biết rằng cái lối kêu gào ầm ĩ của các ông đành phèng phèng làm xiếc “ăn thua” lắm, họ rập kiểu làm ầm hơn, không có một việc gì là họ bỏ. Nào nói truyền thanh, nào treo biển, nào trưng bằng, nào ống tiêm, móc, máy nghe bệnh, ống giác, bông, gạc, máy điện, hình nhân bằng bột; tranh vẽ gan ruột lòng thòng và tim phổi; nào ghế máy, nào đèn cồn v.v… Những thứ ấy dễ làm cho ta, nhất là người nhà quê, tin lắm và sợ nữa. Thêm vào những cái đáng sợ đó lại còn cái mặt của những ông chủ bà chủ hiệu; không có ai làm hại gì họ mà mặt họ lúc nào cũng làm ra cái dáng khó đăm đăm. Không, họ đăm đăm suy nghĩ đấy, − hay làm ra dáng suy nghĩ những điều rất cao xa về y học, về khoa học, nhưng quyết là họ không suy nghĩ đến sự thực thà hay tính mệnh của người ta đâu. Họ suy nghĩ cách làm tiền và suy nghĩ để có vẻ suy nghĩ, − vì những người có vẻ suy nghĩ thì người ta sợ lắm, − cũng như người ta sợ những con rắn trầm ngâm đeo kính nằm nhìn đời với đôi mắt bí mật, những con rắn mà họ trưng bày ở trong cửa hàng của họ. Đôi ba khi, con khỉ thay con rắn bịp khách đi đường; và nếu những thứ ấy quá nhàm thì chính thằng người sẽ thay những con vật ấy làm cho khách bộ hành hết vía.
            Một buổi tối thứ bảy, đương đi chơi nói chuyện với bạn bè ở giữa phố đông đúc kia, bạn sẽ hoảng sợ vì một vài thằng người trong bọn đó sẽ dẫn diệu ra làm trò trước cửa hiệu và quát lên những bài hát mà một đứa trẻ béo tốt nhất cũng có thể đâm sài được!
            Đó là nói về cách bịp bợm bề mặt, đến bên trong mới thực lại chán hơn. Họ chẳng biết thuốc là gì cả mà cũng lấy điện ra chữa cho những người đau mắt; họ gắp sâu ở mắt ra như là những con sâu gạo; họ chữa bệnh bằng nhân sâm ba bốn chục một cây, − mà chao ôi! các ngài có biết cây sâm ấy là gì không? Đó là đu đủ gọt, hay là rễ bèo Nhật Bản…
            Tôi không thể kể hết được những sự dối trá của bọn người này ở đây. Số “Bịp bợm” của T.B.C.N. xuất bản nay mai sẽ có dịp nói rõ hơn. Duy ngay tự bây giờ, trước những vụ giết người bằng thuốc, ta không thể không nhắc ngay cho những người có trách nhiệm về y học, [….] bọn lang băm này, bọn người coi mạng người rất rẻ, “nhét đất thó vào lỗ mũi” người ta lấy tiền mà không kỳ quản đến việc sống hay chết vậy.
            Cái nạn lang băm, dưới con mắt kẻ viết bài này, ít lâu nay bành trướng một cách gớm ghê. Biết là ăn được, họ rủ rê nhau làm nhiều lắm. Những nhà tốt nhất ở những phố đông đúc chẳng mấy lúc bị họ chiếm hết, người ta lo rằng rồi đây không lâu những phố ấy sẽ thành ra phố bịp cả để cho quân bịp ở hết để dễ làm công việc bịp bà con ta.
Người ta đương khát khát một cuộc bài trừ nạn ấy.
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 63 (1/6/1941)

[1] có lẽ là từ “chantage”: sự đe dọa tố giác, đe dọa để lấy của, để buộc người ta làm theo mình.
[2] supporter (chữ Pháp): người ủng hộ, cổ động viên.
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com