Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
22/9/12

Một vài sân vận động nữa - Vũ Bằng

Một vài sân vận động nữa
Một vài bể bơi nữa
(những cảm tưởng nhỏ sau ngày hội thanh niên)[1]

Vũ Bằng

            Thật, nước ta, từ xưa đến nay chưa bao giờ hề có một ngày hội thanh niên như thế. Suốt một tập báo này, các bạn đã thấy đại khái cái tinh thần ngày hội ấy trong những bài của các bạn tôi, tôi không cần phải nói lại làm gì. Hàng mấy vạn người ở trên Stade Mangin như một, hôm ấy, đều chung một cảm tưởng: vui vẻ và sung sướng vì được thấy cái tinh thần thượng võ đã trở lại với thanh niên ta. Thanh niên ta, trông gương của nước Pháp hiện nay, đã thức tỉnh và thấy rằng mình là những phần tử quan trọng trong công việc xây đắp tương lai cho đất nước. Công việc ấy không phải là một việc nhỏ nhoi. Trái lại, nó là một sự chiến đấu không ngừng với cuộc đời đầy rẫy những chông gai, mà muốn chiến đấu, muốn sống như vậy tất hẳn người ta không thể là những người hèn nhát hay những người yếu đuối. Như nhà triết học xưa đã nói “Một linh hồn thanh khiết trong một tấm thân mạnh khoẻ”, thanh niên bây giờ đã biết rằng cuộc đời là ở trong tay họ, họ phải cướp mà lấy chứ không nài mà xin được, họ phải phấn đấu, họ phải hoạt động, mà sự hoạt động từ xưa đến nay chẳng phải là một đặc tính đáng quý nhất của thanh niên là gì?
            Đó cũng là vì trời phú cho thanh niên một cái mong muốn kín đáo yêu thương và niềm nở. Thực là một của quý nhất và thanh cao nhất vậy. Trong một bài diễn văn của ông André Maurois về “Thanh niên và tương lai” đọc ngày 6 Décembre 1933, ông hàn lâm André Maurois đã nói rằng: Trong việc tạo tác một thanh niên, ta thấy rằng cái anh dũng, cái hùng khí đã luôn luôn dự một phần quan hệ.
            Rupert Brooke khi xưa chàng đã phác hoạ mãi cho ta thấy những trang thiếu niên, bước qua ngưỡng cửa đời như là những phong lưu mã thượng gươm đeo dáo vác đứng ở ngưỡng cửa lâu đài của họ đó ru? Tôi cho rằng không có cái hình ảnh nào giống hơn câu ví dụ của Rupert Brooke: hằng ngày, ở trước mắt ta, ở chung quanh ta, ta há đã chẳng thấy biết bao nhiêu người trẻ tuổi bước vào đời với một tấm hồn lãng sĩ hùng anh, lúc nào như cũng muốn làm lại cõi đời và diệt khổn phò nguy cho đất nước?!
            Chúng ta, chúng ta đã biết rằng thanh niên phần nhiều là nóng nảy là sôi nổi, bởi vì cũng như một cái cây, người ở vào tuổi thanh niên có một sức nhựa thừa.
Bởi vậy, từ xưa vẫn thế, thanh niên cần phải hoạt động mà hoạt động lắm khi không được chín. Nhưng ta đừng nên vì thế mà bài bác thanh niên: thà thế còn hơn, chứ thanh niên mà lại chín thì có lẽ nguy hiểm mất. Muốn chín chắn người ta phải già, người ta phải là người đứng tuổi. Người đứng tuổi thường thành hay đa nghi, bởi vì khi mà tuổi đã đứng ấy là người ta đã mang những ý tưởng của người ta ra thực hành nhưng chẳng may đã thất bại hay gần như thất bại. Vả lại người đứng tuổi, nói cho thật đúng mà không lo mất lòng ai hết, người đứng tuổi thường ít khi làm việc vô tư, nhiều lúc họ giữ gìn thái quá và không mấy kẻ hợp tác làm việc mà không nghĩ đến những chuyện lợi riêng cho mình. Trái lại, người thanh niên thì thấy có cái cần phải sống công cộng, phải hợp tác với bạn bè ở chung quanh (collaboration collective). Bởi vì người thanh niên có cả một cuộc đời và hy vọng ở trước tầm con mắt, người thanh niên khi đã làm một việc gì thì thành thực, thì đem hết tâm lực ra mà làm việc ấy, người thanh niên giao phó hết cả đời mình cho một người lãnh tụ hay cho đảng phái của mình. Người học sinh cũng như một người lính trẻ tuổi thường được trời phú cho cái thiên tính biết quên mình để làm lợi cho toàn thể có họ ở trong đó. Ta xem cái thí dụ ở ngày hội thanh niên hôm 11 Mai ở Stade Mangin thì đủ biết: một nhà lực sĩ đứng chơi cho trường mình không hề nghĩ đến sự đau đớn có thể xảy tới cho mình, đến sự mệt nhọc sau một buổi đem dùng nhiều sức quá; lực sĩ nhà đó chỉ nghĩ có một điều là sự thắng của nhóm mình, của đoàn mình và y rất có thể gây những cảm tình mật thiết, những dây thân ái ở ngay trong gánh ấy mà không có ý định gì là lợi dụng.
            Tuổi thanh niên là tuổi hăng hái. Xem như vậy, thì người thanh niên rất có thể liều, cũng như khi họ đã yêu mến điều gì vật gì hay lý tưởng gì họ rất có thể thành thực, tận tâm với điều ấy, vật ấy, lý tưởng ấy.
            Tuổi thanh niên, như trên kia tôi đã nói, lại có nhiều sức nhựa thừa, vì vậy cho nên lúc nào họ cũng phải tìm cách đem ra dùng nếu không muốn nói là đem ra phao phí.
            Đó, những cái lẽ chính về vật chất và về tinh thần nó đã làm cho thanh niên hoạt động và ưa chuộng thể thao vậy.
            Thanh niên và thể thao, vì vậy, không thể gọi là một phong trào. Theo như tôi nghĩ thì phàm đã gọi là phong trào thì nó có thể đến và nó có thể qua đi. Chớ như thể thao thì nó đã không đến thì thôi, chớ đã đến thì chỉ có ở mà cứ bành trướng lên mãi mãi. Cái tinh thần thể thao, của nước ta, theo như ý mọn của chúng tôi, thì chính lúc này là lúc ta phải làm cho bành trướng lên: một hai vạn thanh niên trong nước chuộng thể thao và dự vào ngày hội thanh niên chưa đủ, ta còn mong rằng rồi đây toàn thể thanh niên trong nước ta được dự vào những ngày hội như thế, mỗi năm toàn quốc thanh niên sẽ họp nhau (như kiểu họp bạn ở Huế vừa đây) trước là để kết dải đồng tâm sau là để ganh tài thử sức về đủ các môn vận động. Mấy năm gần đây, ta thường thấy tổ chức những cuộc đấu bóng tròn, đua xe đạp để ganh tài Bắc, Trung, Nam.
            Thanh niên ở ba Kỳ được có những cơ hội tốt gặp gỡ nhau, thắt chặt dây thân ái với nhau, ước ao rằng từ đây những người có trách nhiệm về dân nước xứ này sẽ nghĩ cách mở những ngày hội thanh niên hằng năm hay từng sáu tháng một, như kiểu ngày hội thanh niên hôm 11/5/1941 mà làm thế nào cho đủ hết cả thanh niên ở khắp các tỉnh Đông Dương về dự, cũng như lối Quốc tế vận động hội mời tất cả các nước trên thế giới về dự vậy.
            Ý tưởng này không khó thực hành một chút nào. Nếu quả tình những nhà có trách nhiệm muốn săn sóc đến thanh niên ta thành thực muốn cho thanh niên ta trở nên những người khoẻ mạnh có thể giúp ích cho nhà cho nước, thì tưởng nên để ý ngay tự bây giờ.
            Chắc ai ai cũng đã biết thừa rằng những sân vận động của nước ta ít lắm. Nói riêng một kinh thành Hà Nội rộng lớn là thế, ấp ủng nhiều thanh niên là thế, thử hỏi có đủ sân vận động cho thanh niên và cho học sinh chưa? Chưa. Chúng tôi xin nói là chưa đủ. Chưa đủ ở Hà Nội mà lại càng chưa đủ ở các tỉnh Bắc Kỳ. Ở Trung Kỳ và cả ở Nam Kỳ cũng thế. Học sinh chưa đủ chỗ để chơi, để tập luyện mà đã nói đến chuyện tập luyện thân thể ta không thể quên được món bơi lội là món thể thao được thanh niên nam nữ hiện giờ ưa chuộng nhất.
            Đó, về cái môn đó, người ta cũng không thể cứ ra bất cứ hồ ao nào cũng có thể tập được đâu, nhưng phải có bể bơi riêng, mà nói đến bể bơi cứ như con mắt kẻ này thì hiện nay bể bơi ở Đông Dương, nhất là các tỉnh ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ thì lại càng thiếu thốn lắm, có khi thiếu thốn hơn cả các sân vận động là khác nữa.
            Vậy, muốn để đi đến những ngày hội thanh niên toàn quốc nay mai, ngay tự bây giờ người ta hãy nên khuyến khích thanh niên bằng đủ mọi phương diện, mà trước hết, nên lập ngay cho thanh niên thêm sân vận động và bể bơi đi đã.
            Khuyến khích người ta tập thể thao mà thiếu chỗ để bơi lội tập tành, ấy tức là như ta nói, đặt cái cày ở trước con bò vậy, kết quả không bao giờ được như ý ta vẫn thường mong mỏi.
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 61 (18/5/1941)

[1] Ngày hội thanh niên ở Hà Nội, ngày 11/5/1941; số báo TBCN này có nhiều bài nhân ngày hội này; cùng trang đăng bài này còn có ảnh chụp lễ hội nói trên.
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com