Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
10/7/12

Bà mẹ, cô con và mớ tóc - Thụy An

Bà mẹ, cô con và mớ tóc
Thụy An

Thân kính tặng chị Trần Trọng Kim, tặng Diệu Chương sau này đọc cho Diệu Khuê nghe.
1.
Tiếng chân cô con gái đi lại cồm cộp trên sàn gác: những bước chân đi nóng nẩy, hậm hực chỉ định gây sự.
Hai vợ chồng già ngồi dưới buồng ăn lắng nghe, vẻ lo âu hiện trên nét mặt.
Ông nhìn bà:
- Nó giở chứng đấy.
Bà gắt, không phải gắt với ông, mà gắt vì bà đang bực dọc:
- Mặc kệ nó. Con với cái! Chỉ tại ông chiều nó lắm vào.
Ô hay! Sao lại tại tôi? Cả bà nữa chứ.
Bà Đốc không cãi được nữa. Bà chiều con cũng chả kém gì ông. Nếu có lỗi thì là lỗi ở cả hai ông bà. Nhưng lỗi gì? Nói thế đấy thôi, cho có chuyện, chớ chẳng bao giờ ông bà Đốc lại cho sự nuông chiều con là một điều lỗi. Ông bà sinh con một bề, hiếm hoi có mỗi một cô con gái, thì làm sao mà không chiều quý cho được. Nhất cô con lại có một tư chất thông minh, đã du học ngoại quốc về, đem cho ông bà Đốc một mối tự hào hãnh diện. Riêng ông Đốc càng thấy hãnh diện vì con hơn. Ông là một học giả có tiếng tăm trong xã hội. Không có con trai để kế tiếp chí cầu học, ông an ủi có được cô con gái mà tài học và thông minh xứng đáng là con của ông. Nhưng cô con đi du học về chẳng những đem theo sự hãnh diện cho bố mẹ mà thôi, cô cũng đem lại rất nhiều sự trẻ trung vui vẻ trong cái gia đình cổ kính ấy.
Ríu rít như chim, lanh lẹn như sóc, tính khí thất thường luôn luôn thay đổi, lại ích kỷ, như hòn đá nam châm, chỉ thu hút tất cả những sự chú ý của những kẻ quanh mình, cô con gái tung tăng gieo khắp nhà nào là cười, nào là hát, nào là hờn dỗi, nào là bông đùa dí dỏm, nào là ấm cúng dịu đàng cùng những sự săn sóc lặt vặt mà êm đềm. Cô khiến cho ông cha học giả phải nhớ rằng sự sinh thú ở đời không phải chỉ có trong những cuốn đã vùi đầu vào, mà sinh thú thật, sinh thú nhất là tiếng cười, tiếng khóc của cô con, là ở sự chiều con và dỗ dành con. Cô khiến bà mẹ tính tình điềm đạm theo khuôn phép ngàn xưa nhận thấy tình mẹ con bộc lộ càng thêm thân ái và cái tân thời cũng lắm điều hay. Ông bà trộn lộn cái tuổi già khắc khổ vào cái tuổi thơ ngây nhẩy nhót của cô. Tình thương yêu thân mật đã làm biến hết những cuộc xung đột mới cũ thường gặp rất gay go ở những gia đình khác.
2.
Ấy gia đình ấy đang ở trong cái tình trạng như thế thì xẩy ra câu chuyện mà ta đã mở đầu trên kia. Chuyện bắt đầu như thế này:
Có con tân thời như thế, lại du học như thế, mà vẫn giữ được mớ tóc giài trong khi những thiếu nữ khác, quanh cô, không nhiễm chút học mới, chẳng đi ngoại quốc bao giờ, đã cắt, đã uốn tóc cả rồi. Tại sao? Có lẽ tại cô không nghĩ đến chuyện cắt tóc bao giờ. À có, khi còn du học ngoại quốc, một giáo sư của cô đã nhắc cô nên hớt các tóc giài đi như các bạn đồng học cho tiện. Cô đã từ chối phắt, biết rằng bố mẹ cô, nhất là mẹ cô, không bao giờ bằng lòng. Mà khi ở xa mẹ, cô không muốn làm phiền lòng mẹ. Cô du học về, mấy năm rồi, vẫn giữ nguyên mớ tóc giài mà nay cô kết thành bím vòng ra sau gáy thành con số 8 đặt ngang. Cũng là một lối trang điểm tóc chiết trung giữa sự hớt ngắn rồi uốn và sự quấn theo lối Huế. Ông bố, bà mẹ thảng hoặc có trông thấy trong đám học trò cô- khi đó cô đã giậy học tư ở nhà- hay bạn cô, một người nào có cái đầu uốn quăn lên, cũng chỉ hạ một lời bình phẩm bâng quơ hết sức khách quan:
- Người đàn bà Việt Nam đẹp một phần vì cái tóc giài, cắt đi mất cả đẹp.
Cô Thanh cũng ừ hữ qua loa. Cả ba người không ai nghĩ đến một ngày kia cô Thanh lại có ý tưởng cắt tóc, uốn tóc như những cô nọ.
Vậy mà có một ngày cô Thanh nghĩ đến. Vào một buổi chiều khi mẹ cô đang nằm đọc Tam Quốc, và gần đấy cha cô đang lúi húi nghiên cứu vấn đề trên trời dưới đất gì đó. Cô bước vào ào ạt như gió bão. Ông bố vội buông cây bút, bà mẹ cuốn sách, cùng nghểnh trông cô, ngóng đợi, vì bao giờ, đi đâu về, thế nào cô cũng có một câu chuyện, bất cứ là chuyện gì, làm cho ông bố phải cười nhăn rúm thêm hai má và bà mẹ hay quen thói giữ gìn, cười ha hả thật to, chấm dứt cái giờ suông tẻ giữa đôi vợ chồng già. Hôm nay cô không có chuyện gỉ cả, cô liếc nhìn cha, có vẻ như muốn gạt ông vào một bên, cô tiến gần lại giường mẹ, tay vuốt má mẹ ngả ngớn:
- Mợ ạ, con cắt tóc nhé.
Cô chỉ nói với mẹ thôi. Há phải vì cô cho câu chuyện đó là chuyện riêng đàn bà. Cô chỉ nói với mẹ, vì cô thừa hiểu rằng trong câu chuyện này sự khó khăn cô có gặp phải sẽ là ở mẹ cô mà thôi. Và chuyện gì mà không thế ông bố già tuy nóng tính, song cô mua chuộc rất dễ, cầm chắc như là bao giờ cũng về phe với cô. Duy còn bà mẹ thì ghê gớm lắm, hiền lành ít nói, song dai dẳng phải kiên tâm mới thắng được bà. Cô đã từng phen chịu thua vì những lời mát mẻ, những sự phàn nàn hay làm cho to chuyện của bà.
Cô nhắc lại:
- Mợ ạ. con cắt tóc nhé!
Bà mẹ đã nghe thấy rồi. Bà lặng đi một giây. Vẫn biết cô con gái lắm khi trêu ghẹo bà, đã phát biểu những ý muốn rất quái gở, nhưng mà chỉ chốc lát bà biết ngay, đằng này giọng nói cô, vẻ mặt cô có cái gì khiến bà hiểu cô không nói đùa.
Bà thong thả ngồi giậy, vẻ mặt nguội lạnh. Đó là dấu hiệu bà sắp hờn giận. Bà ngảnh sang nhìn ông, vì ngồi hơi xa đang chú ý xem mẹ con nói gì... Bà dằn giọng mát mẻ:
- Kìa ông, ông nghe con ông nói gì không?
- Cái gì?
Thanh không trả lời, cô hiểu rồi. Cuộc chiến đấu đã mở đầu và gay go hơn cô dự tưởng. Cô phải khôn khéo đứng cho vững thế, không nên nói năng hấp tấp.
Bà mẹ đợi con tự nhắc lại lời nói. Sau cùng bà đành lên tiếng:
- Cô ấy đòi cắt tóc - và sợ chồng chưa nghe rõ, bà nhắc thêm: cắt để uốn!
Ông bố nhìn con, nhìn vợ, thong thả nói:
- Thôi đừng vô lý nữa.
Ông nói chưa hết câu quay lại cắm cúi viết. Cô thấy câu nói của ông cũng vô lý nốt, vì bâng quơ quá.
Nhưng cô biết cơ hội chưa thuận tiện.
Cô bỏ ra phòng ngoài, hát hổng như không có chuyện gì, song trong đầu cô con gái bướng bỉnh nuông chiều đã sắp cả một chương trình tấn công mà phương thế không phải là không rồi rào. Bà mẹ trong này lại nằm xuống đọc sách, song cầm sách làm vì, trong đầu bà phân vân muôn mối, mà bởi óc giản dị bà chỉ thấy một cách đối phó cho bà là rất hiệu lực: Mình cứ không bằng lòng thì nó làm gì?
Bà quên rằng đã bao nhiêu lần trước những yêu xách của con, bà cũng đã quyết định thế, tin chắc ở quyền lực làm mẹ của bà. Nhưng chuyện này là chuyện can hệ nhất từ trước tới giờ, quyền lực của bà hẳn phải được kiêng nể. Những sự nhượng bộ trước, bà cho là toàn chuyện con nít, không đáng kể.

3.
Từ hôm ấy, những cơn trái tính dằn dỗi của cô con bỗng tăng lên. Suốt ngày cô kêu rức đầu, nằm im ỉm trên giường. Học trò đến học, cô tạ sự ốm, cho nghỉ hết. Cô tránh không hay nói năng dàn mặt bố mẹ nữa, nhất là trong bữa ăn. Hai ông bà đối diện trước bàn ăn lặng tờ, ăn bỗng thấy nhạt cả mồm miệng. Có vỉ vơi mời được cô xuống ăn, cô cũng chỉ và vài ba miếng rồi đứng lên.
Đó là những phương sách không mới nhưng lần này cô dùng lâu nhất. Mỗi khi dỗi bố mẹ, cô chỉ lánh mặt một chút và vào cái lúc bất ngờ nhất, cô bất thình lình chạy lại ôm cổ mẹ, thỏ thẻ với cha, làm lành. Mà cũng lần này ông bà Đốc cũng mới có một thái độ thụ động lâu như thế. Là vì cả ba cùng không thốt ra một lần nào câu chuyện cắt tóc, nguyên nhân chính cuộc hờn dỗi kỳ này của cô con.
Tình thế kéo giài, cô Thanh nhịn hẳn từng hai bữa liền. Bà Đốc vẫn vờ như không biết nguyên cớ vì đâu, săn sóc về một phương diện khác:
- Hay là con làm sao? Con để cậu đưa con đi đốc tờ nhé.
Cô Thanh dậm chân trên nệm giường:
- Không, con không làm sao cả. Mặc con.
Hết mẹ dỗ dành, lại đến bố cũng một luận điệu như thế! Ý nghĩ cả bố lẫn mẹ đã đồng tình với nhau áp dụng một phương pháp đối phó với mình, làm cô càng bực tức. Nhưng cô vẫn giữ vững lập trường của cô và tăng thêm sự tấn công.
Cô rên hừ hừ, kêu sốt, kêu mệt, kêu đau bụng mà vì ăn uống thất thường người cô có quả gầy đi, đêm đêm vẫn ngủ đẫy giấc, song nếu có sực tỉnh, cô nhất định không ngủ lại dễ dàng như mọi khi nữa, cô cố chống mắt, thức dậy, đi đi, lại lại khua guốc, khua giép kéo ghế kéo bàn, làm thình thình, có ý đánh thức bố mẹ nằm buồng trong, cho biết cô đang có điều gì thắc mắc không ngủ được đây.
Bà mẹ đoán biết tâm lý cô, toan mặc xác.
Ông bố chất phác hơn và cũng dễ mềm lòng hơn lọ mọ giậy:
- Cái gì thế con? Làm sao mà con không ngủ?
- Ối giời ơi! Cậu mặc con, cậu ngủ đi không thì con chết ngay bây giờ đây này.
Ông bố bắt đầu nghĩ ngợi. Ông đã quên phắt câu chuyện cô đòi cắt tóc hôm nọ, và ông cũng không thể nào hiểu được chỉ vì một mớ tóc cắt hay để mà người ta phải tự đầy ải, làm rầy rà quá đến thế!
Luôn mấy hôm sau cô không ăn một tí gì, trừ vài cân cam vắt nước. "Cứ thế này mãi thì mẻ cũng phải chết." Ông bà chưa từng nghĩ rằng người ta có thể uống nước cam cũng sống mà là lối sống vệ sinh nhất. Rồi đến một buổi sáng chả hiểu nghĩ sao cô lại uống thuốc sổ. Thuốc sổ nhẹ liều mà cũng công hiệu quá, và vốn lại ăn đói mấy ngày rồi, cô mệt lả hẳn đi, đến trưa thì nằm lịm. Ông bà bấy giờ mới lo sợ thực tình, ông băn khoăn hỏi riêng bà:
- Thế là nghĩa lý gì? Hay nó thương yêu ai?
Ông gạt bỏ ngay ý nghĩ đó. Con ông thừa biết bố mẹ yêu chiều là ngần nào. Nếu bố mẹ cô có là tể tướng, cô có đòi lấy anh Trương Chi, bố mẹ cô cũng gả phắt ngay, không dám đợi cho cô phải đến ốm tương tư.
Bà đáp:
- Tôi hiểu rồi. Nó chỉ đòi cắt tóc mà biết tôi không bằng lòng nên giở chứng đấy thôi.
Ông cúi đầu nghĩ ngợi. Ông là một học giả tồn cổ, các bè bạn rất cổ kính của ông sẽ nghĩ sao khi thấy ông thì giảng đạo Khổng, Mạnh, bảo tồn quốc túy, quốc hồn mà con gái ông thì lại cắt tóc cụt ngủn như me tây?
Hai ông bà thừ mặt nhìn nhau không biết nghĩ cách nào. Tiếng giép khua thình lình trên gác.
- Hay cứ chiều nó cho xong tội xong nợ đi
Ông rụt rè nói. Bà Đốc mát mẻ ngay:
- Phải bố con ông gì mà chả đống ý với nhau, bênh nhau chầm chập. Tôi thì kể vào đâu!
Ông làm lành:
- Là tôi nói thế chứ còn tùy bà, chuyện mẹ con bà thì mặc bà.
Ông cũng hiểu chút ít tâm lý. Ông mà bênh cô con thì bà sẽ dỗi ngay, dỗi dai hơn. Bà trầm ngâm, thực ra bà đã băn khoăn, khổ sở ngay từ hôm cô con đòi cắt tóc. Tuy bà tin ở quyền làm mẹ của bà, nhưng bà cũng biết nó mong manh lắm, cô con gái bà đã muốn gì thì quyết đòi cho kỳ được. Bà tuy đối phó mà đã tự biết trước là thua rồi.
4.
Trong những ngày cô giận dỗi nằm nhà, cô không còn kết tóc nữa, cô buông xõa nó xuống thành một mớ óng, giài cho tới bụng chân. Bà đã nhiều lần đứng trước buồng trong mà ngắm trộm mớ tóc ấy. Chưa bao giờ bà lại chú ý đến mớ tóc của cô như thế. Gợi trong lòng bà ý nghĩ một ngày kia mớ tóc này, cô sẽ cắt bỏ đi, bà bỗng thấy tha thiết đến nó. Bà nhận ra nó đẹp làm sao, đen lánh, óng ả và bà tự kiêu chính nhờ công bà săn sóc nó mới được giài tốt thế này. Cùng một lúc những kỷ niệm liên can đến mớ tóc được moi ra từ một chỗ só sỉnh nào khuất lấp nhất trong tâm khảm của bà. Bà thấy lại trước mắt cái ngày cô còn bé tí teo, mớ tóc mới còn là hai trái đào bỏ lửng. Rồi khi cô lên năm, lên sáu bà thường ẵm vào lòng cho bác thợ húi thành kiểu bôm bê, trông cô như đứa trẻ con Nhật Bản.
Những kỷ niệm khác vào tuổi thơ ấu của cô nhân đấy rồn rập hiện ra hiện ra, tràn ngập lòng bà, mối tình mẫu tử của thủa ấy, khác hẳn tình mẫu tử bây giờ. Một tình mẫu tử ấm áp che chở bao la mà bà là cái vũ trụ của cô, đôi mắt cô thơ dại chỉ biết trông cậy, nhìn thẳng vào bà. Bây giờ tình thương yêu ấy mất tính cách che chở đi rồi. Bà đã thôi không còn là cái vũ trụ của cô nữa. Vũ trụ của cô bây giờ là cái ngoại giới to rộng kia, bà không thể quan niệm được. Đôi cánh con gà mẹ không còn đủ rộng để ấp ủ che chở cho con gà con đã lớn. Bà nghĩ thế thì ngao ngán mà lại kiêu hãnh. Ngao ngán thấy mình đối với con đã thành vô dụng mà kiêu hãnh vì thấy con sung sức để che chở cho tuổi già của mình.
Con bé Nhật-bản của bà ngày một lớn dần. Tóc đã giở dang, bà phải năng gội chải luôn luôn. Bà nhớ mùi nước bồ kết, rễ trầm bà đã gội đầu cho cô con thuở ấy.
Bây giờ thì mẹ con bà vẫn dùng một thứ nước ấy đế gội đầu nhưng bà thấy thứ nước ấy vào thuở ấy có một mùi thơm khác bây giờ, một mùi thơm bà không thể thấy nữa. Rồi có một lần mái tóc của cô Thanh lại gợi sự chú ý đặc biệt của bà ít lâu. Đó là lần mà bà thấy cô Thanh không để tóc xõa nữa, quấn lên đầu theo lối Huế! Vành tóc quấn khéo quá, trông cô rõ là một thiếu nữ dậy thì, không còn bé bỏng nữa. Mỗi lần bà nhìn vành tóc của cô, bà lại vừa vui mừng, vừa nơm nớp lo sợ một điều gì đó rất vu vơ, mà bà cũng không tự giải rõ ràng bao giờ. Đến quãng đó thì cô đi du học. Bà lại quên riêng mớ tóc, để theo rõi trong trí tưởng cả toàn thể hình thân cô con gái sống giữa đám người xa lạ...
Cô vẫn đứng bên cửa sổ, mặt bầu bậu nhìn ra ngoài trời, dường như cô muốn bắt cả trời phải chịu đựng sự bực tức của cô. Bà Đốc vẫn đứng buồng trong, lặng im ngắm mớ tóc dài buông xõa sau lưng cô. Mớ tóc phấp phới, nô rỡn với làn gió lộng. Ánh sáng suối chảy trên mớ tóc như tráng một lần men bóng. "Tóc như thế mà đòi cắt" bà tiếc và bất bình. Ra lũ gái mới chả hiểu gì cả. Sao cái đầu lại có thể cụt thun lủn, xoắn tít như đầu bụt ốc? Không, cô con của bà không thể hợp với một cái đầu dơ dáng như thế được. Trông kìa: cô đẹp làm sao với mớ tóc dài óng mượt! Chỉ trông mớ tóc phía sau lưng cũng đủ đẹp rồi, có khác gì một bức rèm sóng sánh che phủ ý nhị con người không? Người đàn bà mà tóc cụt lủn thì chơ chẽn quá. Bà nghĩ đến đấy mắt không rời mớ tóc buông thả như một tấm lĩnh đen dệt bằng những sợi tơ mảnh nhất. Bất thình lình cô quay lại nhìn bà. Bà không kịp đưa mắt đi nơi khác. Cô đã trông thấy bà ngắm mớ tóc của cô rồi. Cô bèn vơ tóc lại, vò xoắn trong tay. Bà bỗng thấy hồn bà đau nhói dường như những sợi tóc mảnh rẻ kia đang biết đau đớn trong tay cô dằn vặt và nó truyền cái đau sang tâm hồn bà vậy.
Từ từ bà tiến đến bên cô, tay gỡ nhẹ nắm tóc, bà dịu dàng nói:
- Mấy hôm nay con mệt, tóc rối cả, lại đây mợ chải cho.
Cô nguây nguẩy:
- Kệ, cho nó rối, con không chải.
Cô cũng ngạc nhiên vì tự bao năm mẹ cô đã thôi không chải tóc cho rồi.
Bà cố dìu cô lại phía giường, nằn nì:
- Không, lại đây mợ chải hộ.
Bà không biết cô đang dằn dỗi. Bà thấy thèm thấy cần được rờ mó, được ve vuốt mớ tóc của cô. Cô đã chịu ngồi xuống giường, buông tất cả nắm tóc ra sau lưng. Bà cầm chiếc lược trên mớ tóc. Bà còn lấy tay ve vuốt chán! Làn tóc trơn tuột và mát dịu dưới tay bà. Lòng bà rung động thắm thiết. Tóc của con bà, khí huyết của bà đang quằn quại bừng sinh lực trong bàn tay bà nắm níu. Những sợi tóc bỗng biến thành da thịt, thành một thân hình mũm mĩm bà phải cắn, phải ghì riết trong lòng mới đủ thỏa mãn tình thương yêu. Nước mắt bà rưng rưng.
Ngay khi ấy cô nhè nhẹ lên tiếng:
- Nhé mợ nhé, cho con cắt tóc nhé.
Con cắt rồi mợ giữ lại làm cái độn thì cũng có mất đi đâu.
Bà "ừ". Bà không hiểu cô nói cái gì, giây phút nặng cảm xúc chìu mến, bà muốn đắm đuối trôi theo, không muốn gây nên một cái gì phản động, ngay là bằng sự thốt ra một tiếng "không" có nghĩa chối từ phản kháng.
5.
Cô Thanh đã xuống ăn cơm, đều bữa. Không khí trong nhà rộn rịp hẳn lên. Bao giờ chẳng thế sau mỗi trận hờn dỗi mà cô được phần đắc thắng thì cô vui vẻ gớm ghê, chiều chuộng bố mẹ từng ly từng chút: nào phẩy bụi xếp sách cho cậu, nào nhổ tóc sâu cho mợ, làm sởi lợi trẻ trung hẳn đôi tấm lòng già, những khi ấy cũng quên phắt hẳn mình đã phải hy sinh bao nhiêu là thành kiến để nhượng bộ cô con. Sau cơn mưa, buổi đẹp trời trong gia đình ấy quang quẻ tuyệt vời không còn di tích nhỏ của cơn mưa vừa qua. Nhưng lần này thì bà Đốc vẫn giữ vẻ ủ rột âu sầu mà những mơn trớn, những lời dí dỏm của cô con không làm tan biến được.
Thảng hoặc cô con nói một câu chuyện ngộ nghĩnh quá, thấy ông chồng vui thú cười và chờ mình cười theo cho tiếng cười được hoàn toàn trọn điệu, thì bà cũng cố gượng nhếch mép để hé một nụ cười nhạt nhẽo, thảm hại. Từ hôm thốt ra tiếng "ừ" ưng thuận cho cô con hớt tóc, bà cứ buồn bã ngẩn ngơ như thế.
Ông Đốc biết rằng bà đã miễn cưỡng mà ưng thuận, ông chỉ còn biết an ủi vợ:
- Mợ đã cho nó cắt tóc thì mợ vui lên để tôi khỏi áy náy.
Đối với ông, ông không có ý kiến gì cố chấp quá về sự cắt hay để tóc của cô Thanh. Giá cô để tóc giài thì ông thích hơn, nhưng cô đòi cắt ngắn đi, ông cũng ưng thuận. Miễn cô vẫn là cô Thanh, cô con gái quý đã đem cái buổi bình minh rực rỡ chiếu vào cái buổi chiều đời âm u của ông là được rồi. ông dùng thêm lý lẽ nữa:
- Với lại chả cho nó cắt bây giờ thì khi nó lấy chồng, chồng nó muốn bắt nó cắt, mình cũng chả giữ được.
Bà đáp:
- Vâng tôi cũng biết thế.
Giọng dịu nhĩu như biết thân biết phận. Cả hai ông bà cùng đưa mắt nhìn nhau, cũng cảm thấy sự bất lực của mình, của tuổi già trước một sức bồng khởi mãnh tiến của tuổi thanh xuân, nó vùng vẫy, nó đòi buông thả, những ngón tay già răn reo, run rẩy không sao nắm giữ lại được, không sao in dấu vết uy quyền lên nó được nữa.
Ông nói thêm:
- Đã cho nó cắt thì sớm hay muộn cũng thế. Để nó cắt xong đi!
Bà cũng biết thế. Song bà trù trừ vì hy vọng cô con tính tình thất thường, một buổi sáng kia cô sẽ đổi ý, tuyên bố không đi cắt tóc nữa. Điều mong đó bà phải nhận là mộng ảo rồi. Cô Thanh dự định chủ nhật sau sẽ cắt tóc. Bà toan nói:
- Để còn xem ngày đã chứ. Xem ngày nào hợp.
Nhưng bà đã nghe trước thấy tiếng cười chế riễu ròn tan của cô con gái. Nó có biết đâu cái ngày nó cắt tóc là một cái ngày đánh dấu một cái gì rất khác thường trong lòng bà, một biến cố phải được cử hành vào một ngày một giờ đã lựa chọn trước. Bà đành im, bà muốn tỏ cho cô biết bà cũng theo kịp được cô trên con đường duy tân ở một phương diện nào.
Bà nói luôn một ý nghĩ khác:
- Nhưng trước khi cắt tóc, cô phải chụp cho tôi một cái ảnh.
Cô tủm tỉm cười. Bà bỗng dưng ngượng nghịu. Những cảm tình nhỏ nhoi nhưng ý nghĩ của bà cũng không được cô con gái tha không chế riễu. Bà bẽn lẽn nói thêm:
- Mà gọi thợ về nhà chụp, tôi muốn chụp lúc cô gội đầu xong, sữa tóc ra.
Cô cười ròn rã:
- Gớm mợ tôi có óc thơ gớm!
6.
Hai mẹ con trước khi đi đến hiệu, còn cãi nhau một lần nữa. Cô thì muốn đi một mình. Bà nhất định đòi theo. Quả thực náo nức đòi cắt tóc cho được nhưng đến lúc nhất định đi cho người ta cắt thì cô bỗng xúc động bối rối. Cô không muốn phân tích tìm hiểu mối xúc động bối rối đó ra sao. Cô chỉ biết cô khó chịu, bứt rứt và cả không muốn có ai bên cạnh khi cô đến hiệu cả. Bà không nghe, cô gắt:
- Mợ đi làm gì mới được chứ. Cô bịa thêm: với lại người ta cắt trong phòng riêng có máy điện không cho người khác vào đâu
Bà đáp:
- Cô đừng lòe tôi. Tôi đã hỏi bà Tham, bà ấy vẫn theo con Đức đến hiệu xem người ta uốn tóc nó.
Cô phì cười rồi lại gắt:
- Nhưng con không muốn mợ đi
- Tao cứ đi
- Không, người ta cười cho.
Bà Đốc đỏ mặt, dồn một thôi:
- Ai cười, ai cười? Một là mày để tao đi. Hai là mày đừng cắt tóc.
Má bà bốc nóng. Hai mắt bà mọng mọng. Cô Thanh vùng vằng bước ra xe, bà Đốc lẽo đẽo theo sau, cô làu nhàu:
- Biết thế này con cứ đi cắt bất thình lình, mợ cũng chả nói con vào đâu được. Đằng nào mợ cũng bằng lòng rồi kia mà!
Bà Đốc không đáp, quắc mắt nhìn con. Cô Thanh hiểu nếu cô cứ tự tiện làm như lời cô nói, thì không bao giờ bà Đốc sẽ tha thứ cho cô cả. Gần đến hiệu rồi, Thanh bỗng cười bảo me:
- Mợ vui lên nào, ai lại mợ buồn thế kia, người ta cười mất.
Bà gắt:
- Cười! Cười! Sao lúc nào mày cũng sợ người ta cười? Tao không vui có được không?
Cô Thanh ngồi im. Cô không sợ người ta cười, cô đã nói tránh ra thế. Cô đã trông thấy cái hiệu cô định tới cắt tóc. Ở đấy cô sắp làm một cử chỉ không biết có phải là vô lý hay cuồng dại không' Chỉ biết cái việc mà cô náo nức chờ nay cô thấy nó làm sao ấy. Cô bàng hoàng, phân vân, phải tìm một lời khuyến khích, một ý biểu tình, cô mới có đủ can đảm thi hành. Sự ấy cô không thể tìm thấy ở vẻ mặt buồn bã của bà mẹ. Cô thấy mình bơ vơ lạc lõng, không biết bấu víu vào đâu, đâm ra oán mẹ. Hai mẹ con bước vào trong hiệu vẻ mặt hầm hầm như định gây sự với ai. Cô Thanh tiến đến người đầm chủ hiệu hỏi rất nhanh:
- Tôi đã hẹn với bà từ hôm nọ. Bà sửa soạn đủ chưa?
- Sẵn sàng rồi xin mời cô vào.
Cô Thanh run chân theo người chủ hiệu vào buồng trong. Bà Đốc theo bén gót. Phòng trong trần thiết cực kỳ lịch sự, sạch sẽ tinh vi những khí cụ máy móc mạ kền bóng ngời thi sáng với tấm gương to treo trên tường trước mỗi bàn hớt tóc. Không khí gian phòng tuy có tiếng máy điện sè sè chạy đều một dịp, vẫn có vẻ bình lặng làm yên tịnh được thần trí náo động của Thanh. Lại thêm nhìn thấy có vài ba thiếu nữ đang ngồi sửa sang mái tóc, cô Thanh bình tĩnh hẳn, không còn sao suyến nữa. Cô dạn dĩ bước vào, ngồi lên ghế trong một căn buồng ngăn với các buồng bên khác bằng những bức rèm nhung xanh. Trước khi ngồi xuống cô nhìn mẹ, mỉm một nụ cười, nụ cười đắc thắng, nụ cười tự tin thẳng dong.
Bà Đốc kẻo ghế ngồi sau lưng cô. Tâm trí bà đang bị thu hút vào một ý nghĩ nên bà không tò mò nhìn ngắm những khí cụ làm tóc rất lạ mắt ở chung quanh, cô Thanh thoăn thoắt bỏ hết những găm, kẹp, sổ mớ tóc ra, mớ tóc buông xuống quá đất. Người đầm chủ hiệu kêu lên: "Tóc đẹp quá"
Bà Đốc không hiểu tiếng Pháp nhưng nhìn trong gương thấy đôi mắt thán phục, giọng nói bồng bột của người đầm, bà cũng biết đó là một câu khen ngợi thật tình. Bà tự phụ mà càng chua sót nhìn mớ tóc. Người đầm còn nói nhiều nữa tay cứ vân vê mớ tóc như chơi đùa với nó. Chắc là người ấy đang láy lại những câu khen ngợi và biết đâu đang dỗ dành cô Thanh không nên cắt mái tóc đẹp như thế này, phí đi. Bà đã mong manh hy vọng. Giữa lúc ấy thì một người thợ đàn ông bước vào tay bưng một cái khay mạ kền. Bà Đốc nghển nhìn thấy đựng nào kéo, nào tông-đơ bóng loáng. Bà bỗng lạnh mình. Những chiếc kéo như để mổ cắt vào da thịt chứ không phải để làm một công việc giản dị là cắt tóc, và người thợ húi, người đầm mặc áo khoác trắng bà trông cũng giống những bọn đốc-tờ, y tá chuyên môn đi mổ da rạch thịt sắp đem con bà cắt, thái. Chiếc khay để xuống va chạm vào mặt bàn vang một tiếng kim khí ngắn và lạnh. Người thợ vén tay áo blouse lên. Trông có khác gì quân đồ tể. Bà Đốc vừa ghê tởm vừa sợ hãi. Bác thợ đứng sau cô Thanh, giơ chiếc kéo lên, bầm bập đầu kéo, dao lên vai tiếng lách tách. Cô Thanh nhìn trong gương thấy tất cả củ chỉ của người thợ, khi thấy chiếc kéo giơ lên bậm bập như dọa nạt, cô thốt kêu "Mợ". Tiếng kêu xoáy vào lòng bà Đốc, tiếng kêu cầu cứu. Tiếng kêu hồi bé thơ khi con gặp cái gì sợ hãi, mợ đáp lại bằng cánh tay mở rộng ra ôm ấp... Nhưng nay giữa mợ và con có người đầm, có người thợ, có tất cả cái phòng tân thời này nó đều khác hẳn cái phong thái ngày xưa, nó ngăn giữ lại không cho con lan sả vào lòng mợ dù mợ có muốn giơ tay ra ủ ấp che trở lấy con.
7.
Bà Đốc đành ngồi lặng im, nhìn con trong gương, đôi mắt chứa chan một niềm sót thương, bất lực. Nhưng cô Thanh trong gương đã lại tươi cười bình tĩnh rồi. Phút xúc động hoảng hốt thoắt qua ngay. Chiếc kéo bập xuống tóc. Cử chỉ nhanh biến, cả bà Đốc lẫn cô Thanh đều không kịp nhận thấy. Liền đấy trong tay người thợ đã nắm một nắm tóc giài rời hẳn ra, và định đặt trên bàn. Bà Đốc vội đón lấy. Vài ba sợi tóc lọt tay rơi tuột xuống đất, đen lánh trên nền gạch trắng bong. Tay bà Đốc cầm nắm tóc run run. Những sợi tóc quằn quại trong tay bà như biết rẫy rụa đau đớn. Lòng bà nao nao không khóc được, nhưng sót sa đến mực lặng đi... Một nắm, lại một nắm nữa người thợ trao vào tay bà. Tiếng kéo sạo sạo trong tóc, gờn gợn lên da thịt bà. Bà không dám nhìn vào trong gương xem vẻ mặt cô con nữa. Bà cúi xuống sắp mớ tóc đặt ngang lên trên đùi. Khi ngẩng lên bà vô tình nhìn vào trong gương và hoảng hốt thấy một vẻ mặt bà chưa từng thấy bao giờ của cô Thanh.
Hai mắt cô nhắm nghiền, cái đầu ngả về phía sau như lả đi hết sinh lực, da mặt tai tái, bằng lặng, chứa chan một niềm chịu đựng của kẻ tử vì đạo ngồi chịu cực hình. Chưa bao giờ con bà có vẻ đau đớn mà cam chịu như thế. Bà không giữ nổi được niềm thương sót tái tê đang bóp thắt trái tim bà. Bà kêu lên thảng thốt:
- Thanh! Thanh!
Người thợ húi ngạc nhiên dừng tay. Thanh mở choàng mắt sẽ ngóc đầu lên mỉm cười:
- Mợ... Có gì đâu...
Tiếng cô dịu dàng mà nho nhỏ như buồn bã tiếc hận. Còn có nắm tóc giài phía bên trái nữa là xong. Không, bà Đốc không chịu được nhát kéo cuối cùng này nữa. Cũng như cô con trong gương, bà nhắm nghiền mắt. Phải có cái gì thay đổi lớn lao lắm, lúc bà mở mắt ra, món tóc cuối cùng người thợ đã đặt trong tay bà. Bà mở mắt. Có phải là cái đầu của cô con gái bà ở trong gương kia không? Không... không phải, cả cái người thiếu nữ trong gương kia nữa đã mất hết dấu buồn rầu ngẩn tiếc hồi nẫy mà lại mang cái vẻ dương dương tự đắc, cũng không phải là con gái bà. Có một cái gì vừa rẽ đôi, vừa rẽ hẳn liên lạc của bà với người thiếu nữ ấy. Lòng bà chua sót, mắt bà mọng mọng. Bà cúi xuống nhẹ nhàng và khéo léo cuốn mớ tóc lại bỏ vào cái khăn trắng đem theo. Bà vơ nhặt cả những sợi tóc rơi vãi trên đất, nhét vào khăn. Bà buộc khăn lại, thong thả đứng lên ra khỏi phòng.
Cô Thanh gọi:
- Ơ kìa, mợ, mợ đi đâu đấy, không chờ con nữa à?
Bà không đáp. Tiếng gọi ấy lạ tai bà, người thiếu nữ bà để lại sau lưng bà trong cái phòng tối tân đó, không phải là con bà nữa. Con bà đây, ở trong chiếc khăn này bà ôm trong tay. Ngồi trên xe bà đặt gói tóc trên lòng, gượng nhẹ cẩn thận như đặt một đứa trẻ sơ sinh hay một cái xác chết. Bà hé mở một góc khăn nhìn những sợi tóc cuộn tròn, bóng láng. Nước mắt bà trào ra lặng lẽ.

(Trong Bốn Mớ Tóc, phát hành 24.7.1950)
Nguồn: Tạp chí Khởi Hành số 185 tháng 3.2012

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com