Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
9/7/12

Hội Lim đã mất, hội Lim vạn tuế - Vũ Bằng

Hội Lim đã mất, hội Lim vạn tuế
Vũ Bằng

            Năm 1941
Bọn tài hoa son trẻ Hà thành hẳn mát lòng, hội Lim đã mất, hội Lim vạn tuế!

            Hằng năm, cứ vào khoảng hôm nay, đi khắp các nơi trong thành phố ta thường thấy bọn thiếu niên rủ nhau đi hội Lim để đuổi liễu tìm hoa.
            Hội Lim? Đó là một hội lập ra không biết tự bao giờ, nguyên là để cho trai gái một vùng trong tỉnh Bắc gặp gỡ nhau và ca hát với nhau để vui xuân. Cảnh trời về vụ này thường đẹp, cỏ xanh, hoa đỏ, lại điểm thêm mấy hạt mưa bụi trắng như sương, − cảnh trời như thế tưởng đến thế đã ngoạn mục lắm rồi, ấy thế mà cứ đến ngày hội, trên đồi Lim lại xen vào những cái má hồng, môi đỏ, áo nâu non, thắt lưng cá vàng thì quả thực vẻ đẹp ấy lại càng hoàn toàn, càng đầy đủ, càng nên thơ lắm.
            Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 13 tháng giêng thì ở trên đồi Lim tấp nập những trai gái ở những vùng Đình Bảng, Chợ Dầu, Tam Sơn… trai thì nón dứa, khăn lượt, kính đen, áo the kép, quần ống sớ, giầy Gia Định; gái khăn nhiễu tam giang, yếm đào, áo nâu non, váy sồi dài chấm gót, lại điểm vào những dây lưng hoa lý nhũn nhặn hay mầu cá vàng chói lọi. Trên những con đường làng và chung quanh sườn đồi, họ rủ nhau đi lễ tự mờ sương ở ngoài đình rồi ngoạn cảnh. Đoạn, xúc cảnh sinh tình, họ dắt nhau lên những chỗ cao nhất ở trên đồi để ca hát những điều họ nghĩ ở trong chỗ sâu thẳm nhất trong tâm hồn của họ.
            Không có gì cao siêu đâu! Họ không làm văn gì cả. Họ chỉ nghĩ thế nào thì nói thế, nên câu hát của họ có vẻ chất phác thực thà làm cho ta thương hại và kính phục: cái tình của họ thực là một cái tình cao quý, trong sạch và thanh cao vậy.
Bước sang năm mới, anh mới đi chơi,
Xuất hành nói chuyện, mấy nhời thuỷ chung,
Được nhời như cởi tấm lòng;
Giở kim thoa với khăn hồng trao tay.
…….Nhác trông thấy bóng nàng ngồi
Con người phong thể luống tôi ưa thầm.
…….Đôi bên bác mẹ tương tề,
Anh đi làm rể em về làm dâu.
            Bao nhiêu câu hát tình tứ lả lơi, đằm thắm, say mê mà trai gái chất chứa ở trong lòng, gặp buổi đầu xuân, họ đều đem ra hát, − ăn cũng hát, tiễn biệt nhau cũng hát: rõ thực là cái tinh thần rõ rệt của người mình, tấm lòng chất phác thực là có một mà tình thương yêu đến thành ra yếu đuối thật cũng rất mênh mông. Người ta gọi lối hát ấy là lối hát quan họ vậy.
            Theo như tục truyền thì tục hát quan họ sinh ra bởi sự giao hiếu của hai làng: Lũng Giang (Lim) và Tam Sơn. Làng Lim thuộc huyện Tiên Du và làng Tam Sơn thuộc huyện Đông Ngàn, nhưng hai làng ấy cũng thuộc cả về vùng Bắc Ninh. Hai làng ấy thân nhau lắm. Người ta kể chuyện rằng, trước đây, cứ vào khoảng tháng giêng, làng Tam Sơn vào đám thì không bao giờ làng Lũng Giang không cử mươi ông quan họ sang thăm. Dăm bẩy cụ bô, vài bà lão và trai gái trong làng Tam Sơn ra đón tận đường cái. Chè chén xong, trai gái hai làng bắt đầu hát với nhau suốt sáng, đến lúc chia tay nhau vẫn hát; giọng hát nỉ non, cao thấp, tả tất cả sự nhớ nhung khi chia rẽ và như ngụ tất cả một cái muốn được tái ngộ năm sau vậy.
            Một ngày hội như hội Lim có cái tinh thần như thế, cao thượng như thế, vẽ được hết cả tính tình dân tộc mình là biết thương yêu nhau, biết cố kết với nhau, thăm nom săn sóc nhau từng ly từng tí một, lúc thường có khi không đồng ý với nhau, nhưng đến giờ quan trọng thì một triệu người như một người… − đó, một cái tinh thần như thế, thiết tưởng đem phổ vào một ngày hội,thực là cao quý vậy, thực là đáng trọng vậy.
            Ấy thế mà không ngờ ít lâu sau tiếng hội Lim đồn đại đi khắp mọi nơi, những người ở gần Bắc Ninh, − nhất là người Hà thành − về quấy nhũng dữ quá, thành thử hội Lim dần dần mất cả vẻ thiêng liêng của nó!
            Nó thành ra một ngày hội trai gái, − nói thế chưa đúng; ta phải gọi là một ngày hội trai đuổi gái thì đúng hơn. Thực vậy, mươi năm trở lại đây, bạn nào đã để chân đến hội Lim tất đã nhận thấy như tôi rằng những bọn công tử Hà thành, những đồ vui vẻ trẻ trung ở Hà thành về dự hội đã làm nhiều điều chướng tai gai mắt quá. Họ đi trẩy hội chỉ có một mục đích: xông ra vồ gái. Họ không biết một tí gì là cái cao thượng trong ngày hội; họ chỉ có một ý muốn: nhẩy ra vồ gái; tuồng như những cái má, những cái ngực […] của các cô gái Đình Bảng Chợ Dầu là cơm gạo của họ, là mối sinh sống của họ, thậm chí họ đánh nhau, đâm nhau, kéo bè kéo đảng để hại nhau vì được một cô gái nào hay không được một cô gái nào…
            Tôi không hiểu, với con mắt một người ngoại quốc nhìn vào thì người mình ở trong hội sẽ bị liệt vào hạng gì? Nhưng cứ như con mắt những người có đôi chút học thức ở nước ta thì quả người ta đã gây ra ở hội Lim nhiều chuyện nhơ nhớp, xấu xa mọi rợ, thành thử những người đứng đắn không còn dám để chân đến hội Lim nữa là vì thế.
            Các thân hào và bô lão trong làng thấy vậy đã khổ công tìm cách tiễu trừ bọn quỷ đã bôi nhọ hội Lim. Các bạn tất còn nhớ năm năm trước đây, người ta cứ vào khoảng tháng giêng này thường đọc ở trên báo thấy công tử X. bị bắt […] công tử Y. bị trói [….] vì ghẹo gái; công tử Z. bị trai làng đánh […] [1] vì đã định ép liễu nài hoa một cô gái làng Lim trên đồi…
            Mới năm ngoái đây, [….] ra lệnh cấm chụp ảnh và trèo lên đồi Lim nên suốt ngày 13 tháng giêng năm ngoái hội đã đỡ nhũng được ít nhiều. Tại hội, có lính gác và ở chân đồi Lim lại có biển đề cấm chụp ảnh rất nghiêm ngặt. Trên đỉnh đồi và phía sau đồi lại có một toán lính đóng để canh gác vùng này. Tuy vậy, ở ngoài phía chân đồi ở gần đền trông ra đường vẫn có nhiều người ở Hà Nội về chơi và trong số đó vẫn còn nhiều những con quỷ […] hội họp vui đùa và đôi lúc cũng còn giở những trò khả bỉ ra với những cô gái chất phác quê mùa ở hội Lim. Thấy tình hình như thế, người ta không thể không xử thẳng tay. Năm nay, các quan đầu tỉnh đã đồng ý với thân hào xã ấy bỏ hẳn hội Lim đi. Thật là một tin mừng vậy.
            Cố nhiên là mừng cho những người còn có chút lương tâm, còn biết nghĩ đến danh dự của quốc gia, nhưng tất là một tin buồn cho bọn “vui vẻ trẻ trung”, cho bọn “tài hoa son trẻ” vậy.
Những cử chỉ ngông cuồng, rồ dại và lố lỉnh của họ, bây giờ họ đã trông thấy kết quả rồi, chắc hẳn họ mát lòng! Cả một ngày hội có một ý nghĩa cao thượng là thế, thanh tịnh là thế, vì họ mà bị tan nát, mà bị đình lại hẳn, những người hữu tâm với giống nòi, với tục quán của nước Việt Nam tất còn nhớ mãi mãi đến “công” của bọn tài hoa son trẻ, vui vẻ trẻ trung của Hà thành!
            Ta nên nhớ mãi cái tinh thần hội Lim, những cái đẹp cao thượng ở hội Lim mà thiết tưởng cũng chẳng nên tiếc nó làm gì vậy. [2]
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 47 (9/2/1941)

[1] Các chỗ đặt chấm lửng trong ngoặc vuông này, ở bản gốc bị bỏ trắng những đoạn khoảng vài ba từ hoặc trên dưới 1 dòng, có lẽ do toà soạn bỏ.
[2] TBCN in kèm bài này ảnh của Võ An Ninh: Hội Lim. Cậu trai thẹn thùng che miệng hát những câu hát tình tứ và ngây thơ; mấy thiếu nữ lắng tai nghe, sẵn sàng chờ đợi để hát trả lời. Đây là hình ảnh đặc biệt của hội Lim, cực tả cái tâm hồn chất phác của dân quê Việt Nam.
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com