Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
5/7/12

Ông già không số - Nguyến Thu Trân

Ông già không số
Nguyễn Thu Trân

Hấp lực của tiền tài danh vọng thường khiến đời người ít nhất một lần bị phản bội đến mờ mắt, đớn đau, dại khờ…  Điều này lại càng bi kịch hơn khi trong chiến tranh, sự định danh anh hùng- tiểu nhân chỉ tày gang tấc…

Vòng đi trong công viên dài ra cho đời người thêm tuổi thọ. Còn tui mong nó dài dài hơn để được nói chuyện với cô nhiều nhiều. Cô có phải là công an hôn vậy. Ông già hăng hái vừa nói vừa cố bước thật dài để kịp bước chân Duyên qua sáu vòng công viên mỗi sáng. Vị chi đúng một giờ đồng hồ, trước khi Duyên về nhà tắm rửa chuẩn bị đến cơ quan, trước khi ông già dắt con bồ nhí hai mươi chín tuổi qua bên kia đường ăn phở.
- “Ghệ” mới nữa hả ông Tư?
Người đàn ông dáng to lù lù như con gấu, mặc áo ba lỗ trắng quần soóc trắng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại từ phía sau đi vượt qua Duyên và ông già hỏi nắc nởm. Ông già trề môi, miệng móm sọm:
- Hổng dám đâu nha, người ta đàng hoàng, công an đó!
Duyên cười cười:
- Thôi, bác đừng có dò ra- đa con nữa, con có phải công an đâu mà cứ giới thiệu hoài, chán ông già ghê, đi tập thể dục mà làm như đi dự hội nghị Diên Hồng!
- Đọ đọ, công an là chỗ đó, không công an sao biết nói hội nghị Diên Hồng? Tui để ý kỹ rồi mới nói. Cô khác mấy người đi bộ trong công viên này nhiều lắm. Không bao giờ mặc áo ba lỗ với quần xà lỏn như mấy cái bà U năm mươi chịu chơi kia nha. Đi đủ sáu vòng rồi về nhà một mạch, không tụ tập cà phê cà pháo phở phiếc yêu iếc gì nha. Mà có một điều tui khoái cô nhứt là gì biết hôn?
- Gì, bác?
- Chiến khu Đ. Trời đất, cái thời tui ở chiến khu Đ gặp cọp như gặp mèo chắc ba má cô cũng còn như cái hột mít trong bụng bà nội bà ngoại cô chớ nói gì cô. Cái thời đó gian khổ mà ta nói, nó lạ lùng, lạ lùng lắm. Chuyện lạ này mấy người trẻ bây giờ ai chịu nghe, chỉ mình cô thích nghe thôi à. Sao cô thích nghe chuyện tui bắn giết nhau trong rừng vậy, công an thu thập tài liệu để theo dõi tui phải hôn?
- Xời, tuổi bác bây giờ phải vui thú điền viên cùng con cháu, gần tám mươi rồi, ai theo dõi chi!
- Vậy ý cô chê tui già đó phải hôn?
- Không chê mà là nể, nể ông già trận mạc trong kháng chiến vậy mà vẫn còn sức để sáng sáng ra công viên đi bộ cùng con cháu.
- Vậy là nể hen, nè, nghe chuyện cọp hôn?
- Cọp gì bác?
- Nè, là đờn bà con gái đừng hỏi không không kiểu đó nghen, gặp mấy thằng cà chớn nó nói lái lại là cô có nước độn thổ luôn à. Tui nói cọp ở đây là cọp thiệt, cọp rừng chiến khu Đ bạt ngàn hồi năm một ngàn chín trăm lâu lắm.
- Dạ, bác kể đi, con nghe.
Ông già quay đầu dòm dòm:
- Nghe thì đi chầm chậm thôi, tui kể hụt hơi, lăn ra xỉu, cô chịu trách nhiệm à...
... Tư Biển ngày ấy cao to, đẹp trai nhất rừng, khoẻ nhất chi đội mười. Thời kháng chiến chống Pháp, rừng chiến khu Đ miền đông đất đỏ bạt ngàn thênh thênh. Ngoài cây cối, rừng còn có thêm ba “đặc sản”: bộ đội, con gái thượng (người Châu Mạ & STiêng) và cọp. Ngoại trừ cọp là nỗi kinh hoàng với ám ảnh cọp ba móng ghiền ăn thịt người, còn lại là bộ đội và con gái thượng dung giăng dung dẻ qua nhiều chuyện cười ra nước mắt. Có vậy bộ đội mới được “rì lắc” mà hăng hái hoàn thành nhiệm vụ. Theo Tư Biển, “giai thoại” sống động và sống... sượng nhất thuộc về ông. Ông ngủ với con gái thượng chỉ một lần mà gây bao chuyện phiền toái.
Số là trong một đêm mưa thúi trời thúi đất, nước ngập đến đít võng giăng tòn ten dưới sàn nhà cô gái thượng, vậy là anh em bò lên cầu thang xin phép gia chủ được ngủ nhờ. Ông già thượng đồng ý cái rụp. Bốn góc nhà sàn bốn chỗ. Chỗ là đống thóc lù lù. Chỗ là nơi ngủ của vợ chồng ông già. Chỗ của năm chị em cô gái thượng. Chỗ còn lại cho năm anh bộ đội. Sau một hồi chuyện vãn, bếp lửa tàn, lúc mọi người rúc vô chiếu ngủ tiếp thì Tư Biển mót đái. Đái xong, lò dò từ dưới cầu thang đi lên, anh chàng cứ nhắm cái chiếu nào có thò ra mấy cái chân trần thì chui vô (nghĩ là bộ đội mặc quần xà lỏn). Khi trời chưa sáng tỏ thì mọi người đã nghe la oai oái: “Á, cái thằng bộ đội chui vô mình con gái!”. Lúc này Tư Biển mới mở mắt, há hốc mồm. Ơi trời, bộ đội chủ quan, quên cái vụ con gái thượng quấn xà rông, ngủ một hồi lăn qua lăn lại, váy tụt hết ra ngoài. Ngay sáng hôm đó, cuộc họp “đền chồng” được triển khai giữa vợ chồng ông già thượng và ban chỉ huy chi đội mười. Vậy là Tư Biển phải làm chồng cô con gái lớn ông già thượng. Làm chồng nhưng chưa “làm” gì cả, phải đợi một ngày đẹp trời cúng giàng bảy mâm.
Ngày đẹp trời đến, Tư Biển được phân công đi bắt thú rừng về làm thức ăn cúng giàng. Anh chàng đi lang thang trong rừng hết nửa buổi trời mà chưa bắt được con thú nào. Bận quay về, thời may đi ngang qua cụm cây dầu, cây nào cây nấy to đến mức ba người ôm không xuể thì thấy có chú rắn vàng sọc đen nằm im thin thít dưới mấy gốc cây. Tư Biển bước rón rén, vận hết thần công lực quất gậy vào con rắn. Ừm... một tiếng gầm vang núi rừng, úi cha mẹ ơi, cọp! Một lão cọp vàng sọc đen đang nấp sau gốc dầu rình mồi. Cái mà Tư Biển tưởng rắn chính là đuôi lão. Bị đánh bất ngờ, lão hết hồn cong đuôi chạy mất. Tư Biển té cái ạch xuống thảm lá cây rừng mục nát, anh chàng xỉu sau khi sợ đái ra quần. Khi tỉnh lại, anh đã thấy mình nằm trong một ngôi nhà thượng khác với hai ông già thượng đang cắm cúi làm thịt một con chồn. Tư Biển bị lạc đơn vị. Ròng rã sáu tháng trời anh chàng mới tìm lại được chi đội mười. Đơn vị đã chuyển sang một khu rừng khác, thế là Tư Biển cũng lạc mất vợ. Không nghe ai nhắc gì về chuyện cô gái thượng đã bắt Tư Biển làm chồng nên anh chàng cũng im luôn...
Ông già kể chuyện quá chừng có duyên, già rồi, mắt khép ti hí mà cũng liếc tới liếc lui vẻ đa tình. Người bị nghi là công an cười tủm tỉm:
- Vậy chớ bác không tiếc người vợ chưa kịp cưới à?
Miệng già móm cười duyên dáng:
- Tiếc gì cô ơi, vậy chớ mà có cúng giàng xong thì chắc tụi tui cũng đã nên vợ nên chồng, chuyện duyên số mà, ai biết được. Mà thôi, trong cái rủi cũng có cái may, cô chưa thấy con vợ hụt tui đâu, gái rừng mười tám tuổi đẹp man rợ. Tóc dài đen mượt, cặp vú vồng lên cứng ngắc, phía sau là cái mông cong cong lúc lắc. Nhưng ớn nhứt là cái chuyện nó nằm tênh hênh giữa nhà cho bò cạp rừng bò khắp người, ghê chết mẹ!
- Bác gái bây giờ có đẹp bằng cô gái thượng đó không?
- Đẹp gì, mập tù lù như cái lu, bị tiểu đường, cái gì cũng cử...
Chợt nhớ điều gì, ông già lật đật đưa tay xem đồng hồ:
- Chết, tới giờ rồi, thôi cô đi một mình nha, để tui qua quán phở, nó ngồi chờ ở bển, qua trễ nó cự nự dữ lắm.
- Nó nào bác?
- Trời, cô quên rồi sao, con “ghệ” nhí của tui.
- Có “ghệ” chi cho cực vậy bác...
- Cũng tại cái bà thùng phi nhà tui cử đủ thứ hai chục năm nay. Đờn ông mà, còn sống còn sung.
***
Nắng đầu ngày tươi roi rói phủ tràn thảm cỏ xanh mượt trong công viên. Tư Biển lại lẽo đẽo đi bên Duyên, thỉnh thoảng liếc sang:
- Bữa nay cô bệnh hay sao mà buồn vậy?
- Buồn chi, bác?
- Vậy sao không cười không nói tiếng nào, còn mặt thì nghiêm như công an?
- Sáng mới gặp nhau, chưa có chuyện gì để nói nên buồn vậy thôi mà. Bữa nay có ai chờ bác bên kia quán phở không?
Như thói quen, ông già đưa tay xem đồng hồ:
- Sao không, nhưng còn lâu lắm nó mới tới.
Tư Biển bước bước dài, đánh đùng xa tự tin, khoẻ khoắn:
- Đi vậy cho kịp cô, không thôi bị chê già.
- Nè, bác…
- Gì?
- Đi bộ chung với bác cả năm trời, cho con hỏi chút này nha…
- Xời, hỏi gì cứ hỏi, ngại ngần chi!
- Lúc nào con cũng thấy bác băng băng cái gì bên bắp tay trái giống mấy ông “cờ đỏ” dẹp đường ngày xưa vậy?
- Đọ đọ thấy chưa, công an mới biết “cờ đỏ” mà hỏi vậy chớ, tui nói không sai mà cứ cãi!
- Nhưng bác băng cái gì vậy?
Ông già đưa một ngón tay lên môi:
- Chuyện này thì không được rồi, xin lỗi nghen! Ừ, đầu hôm xóm tui có chuyện hay lắm, muốn nghe hôn, tui kể?
Thằng ăn trộm tới số thiệt tình mới mò vô xóm Tư Biển. Xóm có phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc “ngon” nhất phường, năm nào cũng được nhận cờ thưởng luân lưu. Thằng trộm lò dò mới mở được khoá chiếc xe máy nhà ông tổ trưởng dân phố thì bị phát hiện. Cả xóm xúm nhau vây bắt, túng thế, nó nhảy xuống con kênh nước đen chạy dọc theo xóm. Dòng kênh nước cạn nhách, đen thùi giấu thằng trộm thiệt tài tình. Mới thấy nó nhảy xuống đó mà mất tiêu, một dấu sủi tăm cũng không có. Đứng lóng ngóng trong dòng người bên bờ kênh tiếc ngẩn ngơ thằng ăn trộm, Tư Biển phản đối ý ai đó nghi nó chết đuối. Nước tới đầu gối mà đuối gì. Để tao. Tư Biển chạy lại gần cầu Tự Do cách đám đông không xa rồi chui xuống gầm. Chẳng mấy chốc ông nắm đầu thằng trộm lôi lên trong tiếng vỗ tay hoan hô của mọi người.
- Cũng chẳng hay ho gì, nhờ sao cô biết hôn?
- Không cần biết nhờ gì, chỉ một mình tay không bắt trộm là con thấy bác xứng đáng được phong anh hùng.
- Xời, anh hùng là tui anh hùng lâu rồi, nhưng mà cái này là anh hùng chết tự mỹ nhân cô công an ơi… Nhưng thôi, tui quay lại chuyện này… mà cô có thích nghe nữa hôn vậy?
- Dạ thích chớ, bác!
- Ừa, tự nguyện vậy thì tui kể. Cô biết hôn, người già sống nhờ kỷ niệm như tui bây giờ chắc hổng còn ai, mỗi khi nhắc mấy chuyện có dính líu tới kháng chiến, bà vợ tui với mấy đứa con lắc đầu bỏ đi, họ biểu nói chi nói hoài chuyện xa lơ xa lắc… Nhưng mà có xưa mới có nay phải hôn cô? Chuyện này dính tới ông Trảng à nghen.
- Trảng nào, bác?
- Anh hùng Nguyễn Văn Trảng đó biết hôn, ổng gài mìn tính giựt sập cầu Tự Do giết thằng tướng Mỹ…
- Ủa, bác biết ông Trảng à?
- Ông Trảng anh hùng sử sách còn ghi ai mà hổng biết. Quan trọng là tổ công tác của tui nằm cùng địa bàn tổ công tác của ổng lúc ổng đình đám cái vụ gài mìn cầu Tự Do đó.
- Ủa, mà chuyện bắt thằng trộm dưới gầm cầu với chuyện ông Trảng anh hùng có gì liên quan, bác?
- Có chớ. Không biết lý do gì mà dưới gầm cầu Tự Do có một mô đắp bằng xi măng khuất tầm mắt mọi người, nước lớn nước ròng gì, đứng trên đó đều bình an vô sự. Nhờ cái vụ này nên ông Trảng làm công tác điều nghiên rất tốt trước khi đặt mìn, chỉ tiếc là bị lộ quá vô duyên.
- Vô duyên?
- Vô duyên chớ gì nữa. Chôn dây điện kích mìn mà hà tiện, dây cụt ngủn hà, làm sao chôn sâu được. Nước ròng, dây chôn lớt phớt dưới mặt cát bên triền con kênh hiện ra ngoằn ngoèo, vậy là lạy ông tui ở bụi này. Mà chắc cũng hổng phải hà tiện đâu, ổng tính hổng tới, quên chuyện nước lớn nước ròng. Ngày đó cầu Tự Do bắc qua con kênh rộng thênh thênh, nước trong xanh bốn mùa, ngày nước lớn tàu bè chở hàng lên đến hàng tấn qua lại thoả sức, chớ đâu cạn nhách cạn nhơ hôi hám suốt ngày như thằn lằn đái bây giờ. Đó, nói vậy để cô biết tui cũng chẳng hay ho gì, may nhớ có cái mô xi măng mà chui xuống tóm thằng trộm đang đứng run lẩy bẩy.
- Cũng may nữa là nhờ chuyện thằng trộm mà được biết Tư Biển từng là đồng đội của một anh hùng.
- Anh hùng hả? Ừ, tính ra thì ổng cũng anh hùng thiệt, một người chí khí, không tham sống sợ chết. Nếu ổng tính toán chi li được mọi tình huống, chắc không bị phát hiện sớm vậy, thiệt tiếc!
***
Có một ngày, ông già không lẽo đẽo đi theo Duyên nữa mà ngồi ủ rũ ở góc công viên. Chị đến ngồi cạnh ông bên ghế đá:
- Sao buồn vậy bác?
Ông già co một chân lên ghế, tay kéo kéo vành tai người già đang dài ra như tai Phật:
- Mất mẹ nó liền một lúc ba tháng lương hưu.
- Bao nhiêu bác?
- Gần mười tám triệu bạc chớ ít à.
- Trời, lương hưu bác nhiều dữ vậy đó hả?
- Mấy chục năm đi theo kháng chiến, tui có thiếu “bê” gì đâu à, bê trọc bê trụi gì có hết. Còn huân chương huy chương thì chắc phải đeo dài xuống đến đầu gối. Vậy thử hỏi sao lương không nhiều được.
Nói xong ông già chép miệng, đưa cùi chõ tay săm soi mấy vết trầy sướt. Duyên nghiêng người nhìn nhìn theo ông:
- Bác bị sao vậy?
- Hôm qua còn say thuốc mê, bị té trong nhà tắm.
- Ai đánh thuốc mê bác?
- Con “ghệ” trời đánh!
Ông già được toàn quyền xử lý lương hưu theo nhu cầu cá nhân. Đám con thành đạt, khá giả nên chuyện chu cấp, nuôi dưỡng cha mẹ già không có gì phải bàn cãi. Vợ chồng già không hợp nên dù ở chung với anh con cả nhưng mỗi người vẫn cứ một phòng cho chắc ăn. Một mình ông một phòng suốt bao nhiêu năm. Con cái có thể chi tiền cho ông thoải mái nhưng họ không có thời gian cho cha. Ngay đến chuyện đi bệnh viện mỗi lần ông bệnh nặng, họ cũng thuê người. Thế là ông bè bạn với hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi trong phường. Phức tạp hơn là bao mối quan hệ loạn xà ngầu trong công viên mỗi sáng mỗi chiều mỗi tối.
Tư Biển bảo, ngoài chuyện dắt “ghệ” đi ăn và mua sắm chút ít để làm đẹp lòng người đẹp, phần lớn tiền hưu còn lại ông làm việc nghĩa. Đại khái như tặng học bổng cho mấy đứa nhỏ con nhà nghèo ham học, cho bà già neo đơn cuối xóm mỗi tháng đủ tiền mua mười lăm ký gạo, góp tiền làm quỹ ủng hộ bạn cựu chiến binh nghèo mua thuốc uống tuổi già...
Con “ghệ” hai mươi chín tuổi của ông không sắc nước hương trời nhưng được cái, nó có vẻ còn là con gái. Ông chắc thế bởi nó có vẻ “nhát” đàn ông. Tất cả đều là “có vẻ”. Nhưng ông cũng vui và đôi khi thấy yêu quý nó thật lòng. Dù sao cũng còn hơn con “ghệ” trước. Ả đó tuổi “băm” rồi, nhưng hễ ông đụng vô một chút là đòi tiền đi phá thai. Lúc hai triệu đồng, khi một triệu. Thậm chí chưa kịp lãnh lương hưu, đưa một trăm ngàn, năm chục ngàn đồng cũng lấy. Đến một ngày, Tư Biển quyết định đi xét nghiệm khả năng sinh con ở tuổi cổ lai hy của mình. Bác sĩ bảo, đám tinh binh của ông đã bị vô hiệu hoá mười đời tám kiếp từ sau những trận mưa bom bão đạn ở các cánh rừng miền Đông Nam bộ. Hèn gì hai lần sinh con sau, vợ ông đã ngất lên ngất xuống mấy lần trước những đứa trẻ không đủ hình hài và chết non.
Con “ghệ” hai mươi chín tuổi của Tư Biển chỉ có một yêu cầu đơn giản: mỗi lần ả cho ông sờ ngực và ấp mặt vào “núi đôi” thì ông phải “lì xì” một trăm ngàn đồng và dắt ả đi ăn phở. Còn ăn phở bình thường, không sờ mó chi hết thì miễn tiền, chỉ cần nghe những lời ngọt ngào “anh anh em em” từ làn môi tươi hồng của ả là ông đủ thọ thêm mười tuổi. Ả bảo đời ả chưa biết đàn ông là gì. Nhưng cảm động trước tình yêu thiên thần và chân chính của ông, ả sẵn sàng cho ông khám phá luôn phần từ rốn xuống đến mười đầu ngón chân với điều kiện ông phải mua cho ả chiếc xe đạp. Tưởng gì, xe đạp, OK chuyện nhỏ. Canh lúc ông vừa lên phường lãnh lương hưu ba tháng một lần, ả rủ ông đi hú hí. Thuê phòng khách sạn, mới hôn nàng một cái, vừa uống xong ly nước, chuẩn bị bước vào mê cung là chàng đã thấy buồn ngủ lạ kỳ. Tỉnh dậy, chàng thấy mình nằm trong bệnh viện, ba tháng lương hưu không cánh mà bay cái vù, bên cạnh là bà vợ mập tù lù với gương mặt lạnh băng.
***
Ông già nghỉ không đi bộ một tuần. Duyên thấy sốt ruột. Không phải vì không có người đi bên cạnh kể cho nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Mà chị đang rất muốn ông già xuất hiện để kể ông nghe câu chuyện về người anh hùng không số. Đó là cách gọi nhân vật chính trong một phóng sự vừa được đăng báo. Trong hành trình tìm lại các nhân vật trên con đường vận chuyển vũ khí huyền thoại trong chiến tranh từ Bắc vào Nam và ngược lại, người anh hùng không số là nhân vật huyền ảo nhưng có thật. Chính anh là người đi bộ dọc theo bờ biển từ miền Trung vào đến tận mũi Cà Mau để thiết lập hải trình ban đầu cho những chuyến tàu. Anh đã xung phong làm thuyền trưởng chuyến tàu thử nghiệm đầu tiên từ Nam ra Bắc với bốn người lính quả cảm, xác định ra đi không hoàn thành nhiệm vụ không về. Năm người lính đã đốt cháy bắp tay, khắc ghi hai chữ Sát thát trước khi tàu xuất hành. Bận mang vũ khí trở về chiến trường miền Nam, tàu của họ bị nổ tung vì trúng thuỷ lôi địch. Dù không hoàn thành nhiệm vụ nhưng sự hy sinh của những người lính quả cảm đã để lại kinh nghiệm chống thuỷ lôi địch cho những chuyến tàu sau này.
Cụ NHT gần trăm tuổi nhưng vẫn phương phi tỉnh táo, một trong những vị chỉ huy kế hoạch tàu không số thử nghiệm, người duy nhất ở mặt trận phía Nam điều hành những hoạt động liên quan đến con tàu đã cho biết, không hẳn là tất cả các chiến sĩ trên tàu đã hy sinh như mọi người biết lâu nay, dường như có một người sống sót, người chiến sĩ ấy không biết còn hay mất sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bộn bề. Người chiến sĩ ấy bây giờ ở đâu? Đấy là đoạn kết của bài phóng sự.
Duyên gần như luôn nghĩ đến Tư Biển sau khi đọc phóng sự này. Chị tin mình có giác quan thứ sáu để làm một điều gì đó. Không biết điều gì, nhưng lòng chị cứ nao nao. Chị nghĩ Tư Biển là một người lính lạ lùng và biết nhiều huyền sử của chiến tranh. Biết đâu ông già cũng biết một chút về những người lính quả cảm trên con tàu không số đầu tiên ấy. Nghĩ vậy nên dù rất bận rộn, Duyên vẫn thu xếp ra công viên đi bộ, hy vọng được gặp ông già. Thật tình, quen biết nhau như thế, nhưng chưa bao giờ chị xin số di động hay biết nhà ông ở cụ thể nơi đâu.
- Xin lỗi, chị là Duyên, người hay đi bộ cùng ba tôi mỗi ngày?
Duyên bước chậm lại, nhìn người đàn ông có đôi mắt một mí đa tình giống Tư Biển:
- Đúng rồi, anh hỏi tôi có chuyện gì?
Sắc mặt người đàn ông thoáng đỏ, có lẽ vì xúc động:
- Ba tôi bị đột quỵ cả tuần rồi, lúc tỉnh lúc mê chị ạ, bỗng dưng sáng nay cụ tỉnh lạ lùng và muốn… muốn được gặp chị, chị là công an phải không?
- Không, tôi không là công an. Bây giờ tôi có thể gặp bác Tư ở đâu?
- Mời chị đi cùng tôi đến bệnh viện.
… Người ông già bé choắt đi trong bạo bệnh, Duyên nhớ dáng ông lăng xăng bước cho bằng bạn đồng hành bởi sợ bị chê già không còn sức, kềm lòng lắm chị mới không bật khóc.
- Bác Tư, con, Duyên nè, bạn đi bộ của bác nè, nhớ hôn?
Mắt lấp lánh ánh vui, ông già đưa tay ra dấu mời Duyên ngồi trên chiếc ghế nhựa cạnh giường bệnh:
- Ôm… ôm ay, cô ó ó đi ộ hôn?
Ông già ngọng nghịu mất rồi, người con trai phải làm nhiệm vụ “phiên dịch” giúp Duyên. Chị nắm bàn tay ông lạnh giá, sợ điều chẳng lành. Sau vài câu thăm hỏi và kể lể chuyện nọ kia giữa đôi bên, con trai ông già mở cặp... Duyên ngỡ ngàng nhìn tờ báo anh ta đưa cho chị:
- Đây là tờ báo có đăng bài phóng sự viết về con tàu không số mấy chục năm qua, nhiều điều lạ lùng và ngẫu nhiên lắm, tôi đọc cho ba nghe rồi, chị đọc đi.
- Vâng vâng, anh nói đúng, tôi cũng đọc rồi, bài báo rất hay và xúc động.
- Không phải chỉ có hay và xúc động, anh chiến sĩ quả cảm còn sống là ba tôi đấy- nhân vật người anh hùng không số. Cụ đã trôi dập dềnh trên biển suốt năm ngày năm đêm với tấm ván thuyền bị thuỷ lôi đánh vỡ, sau đó may nhờ ngư dân địa phương cứu sống. Cụ đã kể tôi nghe hết từ tối hôm qua. Tôi sẽ kể lại thật tường tận cho chị rõ. Cụ bảo, trên đời này chỉ còn mình chị thích nghe cụ kể chuyện chiến tranh thôi phải không?
Lồng ngực Duyên nặng trịch, trái tim muốn vỡ toang, điều chị linh cảm quả không sai. Không đợi Tư Biển nói thêm lời nào, chị chồm người kéo tấm băng đỏ trên bắp tay trái ông già, hai chữ Sát thát hiện ra đỏ ửng giữa quầng da trắng nhợt nhạt do bị quấn kín lâu ngày. Ông già cười móm mém, môi run run, hai dòng nước mắt trào ra…
Đến tối thì Tư Biển bị cấm khẩu, rồi hôn mê. Sau đó ra đi thanh thản, nhẹ nhàng.
Lúc đưa ông già ra nghĩa trang, Duyên không muốn quay về vội. Cắm thêm trên mộ nén nhang, chị nhìn lên bầu trời cao xanh vời vợi, nơi có đàn én chấp chới bay qua…
            Rồi cát bụi cũng trở về cát bụi.
Mọi thứ quay lại điểm khởi đầu.
Đố kỵ, tiền tài, danh vọng hư vô...
... Chuyến tàu không số thử nghiệm của ông già và đồng đội là một hành trình bi tráng của những người trẻ trong chiến tranh. Ở mặt trận phía Nam, ngoại trừ vị chỉ huy già được nêu trong báo, không ai biết Tư Biển đã tham gia điều nghiên và điều hành con tàu không số đầu tiên. Nhưng ngày ấy, vị chỉ huy đã lạnh lùng từ chối, không xác nhận Tư Biển tham gia hành trình tàu không số và còn sống sót trở về. Sự ích kỷ, độc ác vì sợ người khác hơn mình, sợ người khác trở thành anh hùng hoặc sợ điều gì gì đó nữa của vị chỉ huy mà không ai được biết đã khiến đời Tư Biển lao đao. Ông già chấp nhận bỏ qua giai đoạn vào sinh ra tử ở những mặt trận ác liệt nhất để làm lại từ đầu. Ông đã phải làm tường trình bắt buộc khi tìm về đơn vị cũ, báo lý do bỏ ngũ một thời gian dài là do… nuôi vợ đẻ. Nhờ cái “mác” dòng họ tham gia hoạt động yêu nước từ đời ông cố ông sơ, nhờ sự bảo lãnh của người cha- cũng là một cán bộ chỉ huy có uy tín trong lực lượng vũ trang cách mạng lúc bấy giờ, Tư Biển mới được chỉ huy đơn vị cũ chấp nhận. Nhưng ông bị giáng hai cấp bậc vì vô kỷ luật; vì chưa thông quan điểm, lập trường giai cấp; còn xem tình nhà nặng hơn nợ nước. Băng mình qua sóng dữ, ông già thề giấu kín hai chữ Sát thát để quên đi một lần bị phản bội đến mờ mắt, đớn đau, dại khờ. Băng mình qua chiến tranh ác liệt, kể cả việc không còn được tin dùng, ông già bị đổi đơn vị liên tục, ký ức về sự bị phản bội đớn đau lâu ngày cũng dần phôi pha trước anh linh hàng ngàn hàng vạn đồng đội đã ngã xuống, trong đó có cha ông. Máu và nước mắt của Tư Biển trong mỗi chiến công sau đó được ghi nhận làm bằng cho việc ông được trở về đời thường sau chiến tranh trong vai người lính già kiên trung có nhiều đóng góp cho cách mạng.
Hết chiến tranh, có điều kiện lần lại những đầu mối xác nhận về con tàu không số xưa, ông già cũng không buồn làm bất cứ động thái nào để được ngợi ca như một anh hùng. Ông bảo quên đi, bảo chán, chán người chán đời, được sống như chính mình đã là quá tốt. Chỉ có điều ân hận là, thời đó được giao việc tuyệt mật nên chuyện ai nấy biết; thành ra bao nhiêu năm qua rồi mà ông vẫn không biết tên thật, đơn vị và quê nhà của bốn đồng đội đã hy sinh. Chỉ nhớ thằng mập lùn, thằng hát hay, thằng sợ khói thuốc hơn sợ khói súng, thằng nói tiếng nẫu khó nghe hơn tiếng Campuchia.
Không bao lâu sau, Duyên đọc được một tin buồn trên báo, cụ NHT- vị chỉ huy kế hoạch tàu không số thử nghiệm năm xưa đã qua đời ở tuổi chín mươi chín vì bị ung thư tim. Có lẽ thế, trước khi chết ai cũng muốn nói lời thật để sớm được lên thiên đàng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com