Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
8/7/12

Geisha - Vũ Bằng

Geisha
Vũ Bằng

            Yoshiwara, một “hoa thành” của Phù tang Tam đảo bị thiêu sạch và vứt 10 vạn Geisha ra cuộc đời
           
            Các bạn đọc báo, kỳ trước đọc bài tường thuật hai buổi diễn kịch của gánh Umejima Gekidan ở nhà hát tây Hà Nội tất hãy còn nhớ rằng ở giữa hai vở Zembu Selshin Ijoari và vở Yamato Damashii, ban tài tử Nhật có trưng một cuộc “múa quạt” rất đẹp do một người đàn ông ăn mặc giả làm thiếu nữ Nhật múa theo tiếng đàn samishen. Người Nhật ấy đã làm cho nhiều người lính Nhật đi xem hôm ấy chú ý: chú ý vì thân hình, vì điệu múa “như cành bách cành tùng” đã đành rồi; nhưng sự thực, họ chú ý một phần là vì người ta nhớ tới một hạng thiếu nữ múa quạt ở Nhật, các cô geisha, một hạng đàn bà kiều diễm tài hoa, đã tô điểm cho nước Nhật và làm cho thế giới ưa đến thăm nước ấy.
            Thực vậy, người ta có thể bảo rằng những người đàn bà này gần như là một thứ tinh hoa của Phù tang. Cho nên một người đàn ông Nhật bị đầy ải đến nơi quan tái hay là bỏ cửa bỏ nhà mà đi lập nghiệp ở dưới những phương trời lạ, - theo lời của một danh sĩ biết nhiều về Nhật bản Paul Louis Couchoud - thì người đàn ông Nhật nhớ họ như là hình ảnh của quê hương vậy.
Sự thực, từ xưa đến nay rất nhiều người đến chơi đất Phù tang đã hiểu lầm bọn người này cũng như từ xưa đến nay nhiều người đã không thận trọng những danh từ trong khi du lịch. Người ta có cái ý muốn gán cho những chữ những tiếng một cái ý phong tình, đại khái như những chữ sérail và harem chẳng hạn. Chính thực chữ sérail chỉ có nghĩa là lâu đài và harem chỉ có nghĩa là nhà (ở chữ Anh home mà ra) như hiện giờ người ta nói tới hai chữ ấy thì đều hiểu theo một nghĩa không đứng đắn.
            Cũng vậy, người ta bây giờ mỗi khi nói tới chữ Nhật geisha thì đều có cảm giác rằng geisha là bọn gái phong tình của đất Phù tang, nhưng sự thực geisha cũng như mousmé ở Nhật đều là hạng người mà tính hạnh không có gì đáng làm cho ta sợ cả. Mousmé, ở nước Nhật, chỉ có cái nghĩa là người con gái ở trong gia đình, người chị cả; còn như geisha thì là… đó, chính ở đó ta cần phải nói cho rõ ràng đôi chút.
            Geisha là hạng thiếu nữ sa cơ, làm nghề lấy nhan sắc ra tô điểm cho đất nước. Hạng người này, như trên kia, tôi đã nói, thực là cái tính hoa của Phù tang cũng như những nhà võ sĩ là danh dự của Phù tang vậy.
            Những dây lưng đẹp, những gấm vóc lụa là hào nháng, những đồ nữ trang thay đổi kiểu luôn luôn chế hoá ra là để bọn này dùng; họ có thể đem ví với những ngôi sao (in partibus), những ngôi sao không bao giờ lên sân khấu để diễn kịch cả mà cũng chẳng đóng trò chiếu bóng, nhưng mà là những ngôi sao để cho vương tôn công tử bỏ tiền ra mời về nhà thưởng thức cái đẹp, cái tài, cái khéo và cũng là để chuốc lấy sự khổ não cho thân mình, bởi vì những geisha uốn éo, nũng nịu và thích làm khổ lòng người ta lắm. Tuy vậy, ta đừng vội tưởng những cô geisha này là một hạng lầu xanh hay là những con “gà mái lịch sự” của ta đâu: họ du dương tình tứ, họ có những điệu bộ khêu tình thực, nhưng… nhưng họ không phải là những hạng người bán cái dâm đi nuôi mình.
            Khởi thuỷ, những cô geisha chính là những con đồng cái bán ở phái thần đạo; họ đứng làm tiêu biểu cho cái chủ nghĩa khoái lạc là cái luân lý của nước Nhật khi xưa vậy.
Vào thời ấy, những nhà quý phái ở nước Nhật không biết làm gì cả, ngoài hai bữa cơm ra; họ đọc phú ngâm thơ mãi cũng buồn nên thường thường vẫn hội họp nhau ở những nhà như nhà cô đầu bây giờ để đề trăng vịnh gió, ngắm tuyết trong mây và, cũng như lớp người cũ ở nước ta, họ phí thời giờ vào những việc không ra đâu cả.
            Một vài “cái phòng trà” bắt đầu mở: những người chủ phòng trà, muốn cho những ông thi sĩ, văn sĩ một mùa kia có bạn, bèn mộ dăm ba ả đến để mài mực, rót rượu hay ngâm ngợi dăm ba câu thơ cho đỡ buồn.
            Nếu người ta cần phải đem các cô geisha ra ví dụ với một hạng người nào ở nước ta, tôi xin ví họ với bọn cô đầu hát cũ, cái bọn người ở sau mành mành hát ra để quan khách nghe chơi, cái bọn người cùng lớp với vai chính ở trong truyện “Thề non nước” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu vậy.
            Những cô geishas Nhật Bản khởi nguyên cũng thế. Họ là những con nhà gia thế cả nhưng vì chẳng may gặp bước sa cơ thất thế nên phải tạm dấn mình vào một chỗ dập dìu xa mã công khanh. Tôi đã đọc một vở kịch Nhật mà trong đó người ta thuật chuyện một người đàn bà Nhật đã có chồng, nhưng vì chồng cần tiền để hội họp anh em lại trả thù cho chủ cũ, người đàn bà ấy không ngần ngại gì cả, đã tự bán mình lấy 100 đồng tiền vàng và đến ở một cái phòng trà trong ba năm.
            Quả vậy, những người đàn bà dấn thân đi như thế không phải cứ để ở suốt đời như thế! Họ có giao ước với mụ chủ phòng trà sẽ ở trong một thời hạn là bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm; ngoài cái thời gian ấy ra, họ sẽ có tự do của họ, mà trong khi ở đó, không có thể có một thế lực gì bắt họ phải theo ý muốn người khác được.
            Ở những phòng trà ấy, người geisha được hưởng một thứ giáo dục hoàn toàn: họ thêu thùa may vá, học cách cắm hoa (ikebana) và học cả chữ nữa, để mỗi khi có khách thì có thể xướng hoạ được với họ, hoặc nếu không thế thì ít ra cũng phải biết ngâm vài bài thơ để làm vui lòng khách những lúc trà dư tửu hậu.
            Mỗi nhà có riêng một người đàn bà đứng tuổi chỉ ròng dạy bọn này: họ dạy bọn geishas những bài thơ của các danh sĩ mà chúng tôi tạm dịch nghĩa một vài bài ra đây:
Một con chuồn chuồn
Định đậu lên trên
Một ngọn cỏ
Nhưng không được.
*
Dù mi đã đậu rồi,
Đôi cánh mi còn vẫy,
Bướm ơi!
*
Một đàn ngỗng giời
Ở đỉnh núi bay đi
Dưới ánh giăng thanh.
*
Một cánh hoa rơi
Và lại bay lên cành.
À! ra con bướm…
            Những bài thơ ấy đại khái như vậy cả, (người Nhật gọi là hai-kai) phần nhiều mỗi câu chỉ có một hai chữ vớ vẩn thế thôi, nhưng bài nào cũng nhẹ như bướm cả. Bọn geisha người đã nhẹ lại ngâm những bài thơ nhẹ như thế, tưởng đã thần tiên lắm lắm rồi, không ngờ người Nhật vẫn cho thế là chưa đủ nên lại còn tập cho bọn geisha biết nhảy múa nhẹ nhàng cũng như dáng điệu của họ và thơ của họ ngâm nga vậy.
            Về những lối múa này, như trong bài “Nghệ thuật hát bội của Phù tang Tam đảo” mà tôi đã viết trong số trước, lối nào cũng dùng đến cây quạt cả. Mỗi bước đi một điệu, mỗi sự uốn éo lòng là để “trả lời” một tư tưởng, hay một vẻ riêng của nghệ thuật nhưng đặc biệt và được geisha Phù tang Tam đảo ưa nhất và lấy làm khó nhất có chăng là lối múa cây tùng cây bách (Matsu Odori). Hai tay người geisha múa như lá tùng lá bách rơi ở chung quanh bộ xiêm phục lẹ làng như gió xuân.
            Xem như vậy thì ta có thể bảo bọn geisha chính là một hạng nghệ sĩ của đất Phù tang, mà sở dĩ bọn người này được thế, chính là vì ở Nhật, sau cái phong trào xu hướng về khoái lạc, phong trào Khổng giáo kế tiếp luôn và đưa người ta đến chỗ tận thiện tận mỹ của đạo đức và nghệ thuật.
            Hiện nay, phong trào Phật giáo có lẽ không rộng được bằng khi xưa nữa, nhưng Nho giáo lại gây cho óc người Nhật sự cương cường, làm cho cả đàn ông lẫn đàn bà đều biết trọng nhân cách vậy. Vì thuở nhỏ, người ta đã dạy cho con trai cũng như con gái cái “nghệ thuật giữ mình” nghĩa là giữ từ cách đi đứng cho đến cách kiềm chế lòng dục lại làm cho mình tự chủ mình.
Những cô geishas, vì vậy, lúc mới bước vào đời đã học được cách cầm nước mắt, biết giữ để không tức giận, không sợ hãi.
            Paul Louis Couchoud kể chuyện rằng chính mắt ông, hồi bắt đầu cuộc chiến tranh Nga - Nhật, ông đã được mục kích có tới hơn hai mươi bận những quân lính Phù tang từ biệt đất nước để ra nơi trận địa. Bao giờ cũng vẫn một lối nghi tiết ấy: những cô geishas - phần nhiều có chồng hay nhân tình ở trong số quân lính đó - ăn bận thật diêm dúa: áo lụa sa tanh mỏng thêu hoa sặc sỡ như một công viên Nhật; dây lưng (obi) vàng lấp lánh một thứ lụa thiên thanh, hội họp nhau ở các nhà ga nhỏ để dưng chén trà cuối cùng cho quân lính: các cô geishas đi vào các hàng quân, đầu cúi, nụ cười không lúc nào quên nở trên môi cả. Họ không hôn nhau mà cũng chẳng ôm lấy nhau như ở các đô thị lớn trên thế giới; họ cúi rạp xuống chào “những kẻ sắp đi” và cười, không một giọt nước mắt hay một câu than vãn. Không phải là họ không đau đớn ở trong lòng đâu: các cô geishas cố cầm nước mắt đấy, theo như một câu đồng dao Nhật “chỉ có cái gối mới có thể biết nước mắt người ta được”.
            Những lúc ôm gối mà đau đớn một mình như thế, các cô hay gẩy đàn samishen vì trong khoa giáo dục của các cô nhận được, món âm nhạc là một món cần thiết nhất, cho nên đã nói đến geisha là người ta nghĩ đến đờn samishen. Ngoài những món ấy ra, người geisha lại còn phải học cả những lối uốn éo ru lòng người, nói tóm lại là những cách “làm ái tình” như ta học một cuốn mẹo về giác quan. Những cô này càng khéo bao nhiêu càng giỏi bao nhiêu, càng kiếm ra tiền bao nhiêu thì càng được chủ chiều chuộng bấy nhiêu, sắm sửa cho nhiều thứ và rút ngắn cho cái thời kỳ trong hợp đồng ví dụ ký sáu năm thì rút xuống chỉ còn ba, ký 25 năm rút xuống mười tám năm hay kém thế nữa…
            Những nhà Ochaya hay phòng trà của Phù tang Tam đảo dựa vào bọn geisha mà sống rất nhiều. Họ bán cái vui, cái cười của bọn người kia cho khách du và thỉnh thoảng những nhà lịch sự vẫn cho đón bọn người này về gẩy đàn và hát vào bất cứ giờ nào cũng được; - cũng như ở Huế, ta có thể mời các cô ca về để ca lý và gẩy đàn tranh để quên sầu những lúc đêm thanh và giá cả bọn geisha thì cũng y như bọn ca lý Huế, nghĩa là tuỳ theo thứ bực, tuỳ theo danh tiếng của từng người một, chứ giá cả không nhất định, và một phần nữa cũng tuỳ theo lối múa của chủ nhà bảo múa. Trên kia đã nói đến lối múa Matsu Odori, nhưng từ cuối thế kỷ thứ XIX thì bọn geisha thường múa khúc “Múa anh đào” rất được hoàn nghênh ở Đông Kinh, chia ra như sau này:
Miyako Odori, múa ở Kyoto từ 1 đến 30 tháng Tư;
Naniwa Odori, từ 1 đến 24 tháng Tư;
Azuma Odori, múa ở Tokyo từ 1 đến 20 tháng Tư.
            Cũng như ở nước ta hãy còn tục mê tín, bọn geishas đeo vàng dát ngọc cũng tin ở thần linh nhiều lắm, nhưng tin nhất có chăng là vị Miêu thần vậy. Bất cứ nhà geisha nào cũng có một con mèo bằng sứ hay bằng sành, người ta hương hoa cúng lễ cẩn thận lắm, hoặc nếu không thế thì có một con cáo, tức là thần Inari mũi bị xẻo.
Irène Bechar có một lần đã hỏi một người geisha rằng:
            - Có thật các cô tin rằng có Trời không?
            - Có, chúng tôi tin có Trời. Nhưng chúng tôi không tin rằng Trời là con cáo, tuy vậy, chúng tôi vẫn cứ phải thờ cáo bởi chúng tôi nghĩ rằng cái giống cáo nó chạy nhanh, vậy tất sẽ mang những lời cầu khẩn của chúng tôi lên Trời mau hơn…
            Vào khoảng đầu thế kỷ XX, nghề geisha ở Phù tang Tam đảo bành trướng một cách dữ dội; riêng ở Đông Kinh đã có tới 100.000 geishas rồi. Những cô gái này, theo sự tiến bộ do văn minh nước ngoài đem lại dần dần nhãng bỏ hết cả những bài múa hát của đất nước đi mà xông cả ra tập nhảy đầm. Những nhà ochaya vì vậy biến thành cả ra tiệm nhảy, phong trào nhảy có lẽ cũng dữ dội như ở nước ta độ nào, có lẽ lại dữ dội hơn thế nữa… Người ta thuật chuyện rằng vào hồi ấy có nhiều cô geisha mê nhảy quá đến nỗi cứ nghe thấy tiếng kèn là bắt trái bốn cái chiêu tatami ra nhẩy đại, đến nỗi sau chính phủ Nhật thấy thế, không thể chịu được, - vả lại thấy nhiều thanh niên tự tử quá, - phải hạ lịnh đóng cửa tất cả các nhà geisha lại và xóm geisha ở Nhật, Yoshiwara, - một đô thành có mười vạn geishas - bị đốt không để một di tích gì lại hết.
Lịnh này ký từ năm 1936 đến năm 1938 thì thi hành: năm ấy cũng là năm mà thủ tướng Saito (Ý Đằng) Nhật bị người ta ám sát.
            Đến nay, thì bọn geisha Nhật không còn nữa, - hoặc có còn thì cũng là chỉ để ca hát hay nhảy múa những bản đàn, bản múa của riêng đất nước mà thôi. Những bậc phụ huynh túng đói hay những gia đình thất thế phải bán con, bán em, bán vợ đi mỗi ngày vì vậy cũng đỡ dần; geisha, một tinh hoa của Nhật Bản, tuy có kém sáng đi đôi chút, nhưng người Nhật cũng không lấy thế làm buồn bởi vì chánh phủ Nhật đã kiếm công ăn việc làm khác cho bọn người giải nghệ này và làm người đàn bà Nhật thành những phần tử có ích cho nước hơn, để đối phó với ngọn sóng thực tế hiện đương tràn lan trên thế giới.
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 39 (1/12/1940)

Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com