Thời kỳ thứ nhất
Việt Nam lấy ba tỉnh ở Chân Lạp
Vũ Bằng
Cứ theo sử ta và sử Tàu, từ quãng thế kỷ thứ VI và thứ VII trở về trước, cả miền tây nam sông Cửu Long (Mékong) đề gọi là đất Phù Nam.
Vào cuối thế kỷ thứ VII, đất Phù Nam chia ra làm hai: nửa về tây bắc thì người Thái từ miền đông bắc Ấn Độ và miền tây nam nước Tàu tràn xuống ở, gọi là nước Xích Thổ; nửa về đông nam thì người Phù Nam ở, gọi là nước Chân Lập tức là xứ Cao Miên ngày nay.
Vào quãng thế kỷ thứ XI và XII, nước Xích Thổ lại chia ra làm hai nửa, một nước gọi là La Đấu, một nước gọi là nước Tiêm. Vào thế kỷ thứ XIII và XIV, sử Tàu có chép hai nước ấy sang cống nhà Nguyên. Về sau nước La Đấu gồm cả nước Tiêm, mới gọi là nước Tiêm La Đấu. Đến cuối thế kỷ thứ XIV, vua nước Tiêm La Đấu sang cầu phong nhà Minh bên Tàu, vua Thái tổ nhà Minh mới phong là nước Tiêm La, tức Xiêm La, hay Thái Lan bây giờ vậy.
Tiêm La lúc đầu còn yếu, thường bị nước Chân Lập áp chế. Sau cường thịnh dần dần lên, rồi vào khoảng năm Vạn Lịch nhà Minh (1573-1620), nước Tiêm La lại đánh lại nước Chân Lập, bắt được hoàng thân Chân Lập là Srey-Sauryopor đem về nước. Srey-Sauryopor về sau lại phục hưng lại Chân Lập, dời đô về đóng ở Lovéa-Êm, ngay chỗ Phnom-Penh bây giờ (1604).
Năm 1618, vua Chân Lập Srey-Sauryopor truyền ngôi cho con là Chey-Chetta II và đến năm sau thì mất.
Chey-Chetta II năm 1620 dời đô về đóng ở Oudong và hỏi con gái Nguyễn Sãi vương về làm hoàng hậu. Chân Lập được ta bắt đầu biết đến tới được từ đó.
Trong khi ấy, vua Tiêm La là Phra Naroi dòng dõi nhà Ayouthia dùng một người Hy Lạp tên là Constantin Fauthon làm tướng. Người ấy xui vua Tiêm La giao thiệp với nước Pháp. Bởi vậy năm 1656 mới có bọn sứ thần Tiêm La sang bái yết Pháp hoàng Louis XIV ở điện Versailles.
Năm 1623, người Tiêm La lại sang đánh Chân Lập. Vua Chân Lập sang cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn giúp cho quân tướng, phá được Tiêm La. Nhân việc đó, chúa Sãi thấy nước ta thường hay mất mùa, dân tình đói khổ, vả lại đương vào lúc đánh nhau với chúa Trịnh ở Bắc, nên yêu cầu vua Chân Lập Chey-Chetta II là con rể cho phép người Nam được vào khai khẩn làm ruộng ở Mộ Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai (Biên Hoà).
Người Nam ta sang ở Chân Lập bắt đầu từ đó, và cũng từ đó bắt đâu cuộc tranh nhau đất Chân Lập giữa ta và Tiêm La:
Nhà bè nước chảy chia hai,
Ai vào Gia Định, Đồng Nai thì vào
Đó là câu hát của người Nam ta rủ nhau vào khai khẩn đất Chân Lập.
Năm 1628 vua Chân Lập Chey-Chetta II băng hà, hoàng đệ Préah Outey lên cầm quyền giám quốc, đến năm 1629 thì trả ngôi lại cho Thái tử. Thái tử Chân Lập lên ngôi tức là vua Ponhéa-Saur. Năm 1630 vua Ponhéa-Saur tranh nhau một mỹ nữ với hoàng thúc là Préah-Outey rồi bị giết chết ở Kanchor. Em Ponhéa-Saur là Ponhéa-Âng-Tong lên nối ngôi anh từ năm 1630 đến năm 1640 thì mất. Triều đình Chân Lập tôn một người con hoàng thúc Préah-Outey lên nối ngôi, tức là Préah-Âng-Non I (1641). Con tiên vương Ponhéa-Âng-Tong là Ponhéa-Chan (Nặc Ông Chân) nổi loạn, bắt được Préah-Âng-Non I, và lên làm vua từ năm 1642 đến năm 1659.
Ponhéa-Chan (Nặc Ông Chân) vốn tính đã tàn bạo, lại tuyển hoàng hậu là người Mã Lai, nên lòng dân không phục.
Những hoàng đệ của Préah-Non liền lợi dụng cơ hội mà nổi loạn để báo thù cho anh, nhưng bị thất bại, phải cầu cứu với thái hậu Chey-Chetta II là công chúa Nguyễn Sãi vương. Thái hậu khuyên bọn hoàng đệ sang cầu viện chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn bấy giờ là Nguyễn Hiền vương, được lời của chị, năm 1658, sai quan đem 3000 quân sang đánh ở Mỗi Xuý (Biên Hoà) bắt được Ponhéa-Chan (Nặc Ông Chân) về giam ở Quảng Bình mất mấy tháng, về sau tha cho về nước, bắt phải triều cống và bênh vực người An Nam sang làm ăn ở bên ấy.
Ponhéa-Chan (Nặc Ông Chân) về đến nước thì chết (1659). Em vua Préah-Âng-Non II lên thay tức là vua Préah-Sô, trị vì từ năm 1659 đến năm 1672.
Năm 1672, Thái tử vua Préah-Âng-Non I nổi lên cướp lại được ngôi của chú vua, tức là vua Chey-Chetta III. Sang năm 1673, Chey-Chetta III bị người ám sát. Triều đình tôn một người con vua Préah-Sô lên nối ngôi tức là vua Âng Chey (1673). Nhưng một người con thứ hai của vua Préah-Âng-Non I sang cầu viện được quân ta, về bắt Âng-Chey giết đi mà lên làm vua, gọi là Âng-Non II, đóng đô ở Oudong (1674). Con Âng-Chey chạy sang cầu cứu nước Tiêm La, đuổi được Âng-Non II đi, lên làm vua, là Chey-Chetta IV (Nặc Ông Đài).
Âng-Non II lại sang dinh Thái Khang (Khánh Hoà) cầu cứu với chúa. Nguyễn Hiền vương bèn sai quan Cai cơ đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm cùng với tham mưu là Nguyễn Đình Thái chia quân làm hai đạo kéo sang đánh Chey-Chetta IV, phá được đồn Sài Gòn và kéo quân lên vây thành Phnom-Penh (Nam Vang). Chey-Chetta IV phải ra hàng.(1) Chúa Nguyễn bèn chia cho Âng-Non II làm vua ở Sài Gòn và Chey Chetta IV làm vua ở Oudong (Long Úc), bắt cả hai vua mỗi năm phải triều cống.
Năm 1679, các quan nhà Minh là Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình, không chịu làm tôi nhà Thanh, đem 3000 quân cùng 50 chiếc thuyền sang xin làm dân An Nam. Chúa Hiền muốn khai khẩn đất Chân Lập bèn cho vào ở đất Đông Phố (Gia Định). Bọn Ngạn Địch chia ra ở đất Lộc Dã (Đồng Nai và Biên Hoà), ở Mỹ Tho (Định Tường), ở Ban Lân (Biên Hoà), khai khẩn làm ruộng, lập ra phường phố.
Lúc ấy là lúc nhà Nguyễn đã lấy hết đất Chiêm Thành, bắt đầu lần sang đất Chân Lập. Nước Tiêm La có ý muốn ngăn trở để giữ lấy đất Chân Lập làm của mình, nhưng thấy chúa Nguyễn mạnh hơn đành phải nhượng cho chúa Nguyễn bảo hộ đất Chân Lập. Tuy vậy, nước Tiêm La thường hay dung những người phản đối với vua Chân Lập, giúp cho binh lực để về làm loạn.
Từ năm 1674, nước Chân Lập chia ra làm hai phái: Âng-Non II được chúa Nguyễn giúp và Chey-Chetta IV được nước Tiêm La giúp.
Năm 1682, Âng-Non II kéo quân lên đánh Chey-Chetta IV song bị thua, vì Chey-Chetta IV có Tiêm La giúp. Năm 1684, Âng-Non II lại kết liên với cả Tiêm La để đánh Chey-Chetta IV, nhưng lại bị thua, phải chạy về Srey-Santhor. Năm 1688, Âng-Non II lại bị Chey-Chetta IV đánh thua phải trốn về Sài Gòn.
Tuy hai vua Chân Lập vẫn đánh nhau, những vẫn phải thần phục nhà Nguyễn.
Năm 1688, những người Khách ở Mỹ Tho nổi lên, Hoàng Tiến giết Ngạn Địch, đem quân đóng đồn ở Nan Khê. Vua Chân Lập Chey-Chetta IV thấy vậy có ý không chịu thần phục nhà Nguyễn nữa. Chúa Nguyễn bấy giờ là Nguyễn Phúc Trăn sai quân dùng mưu giết được Hoàng Tiến. Chey-Chetta IV lại phải thần phục như cũ (1690).
Năm 1691, Âng-Non II băng hà, cả Chân Lập lại thuộc quyền Chey-Chetta IV. Năm 1692, chúa Nguyễn đem 5000 dân Chiêm Thành cho vào ở Loréa. Đến năm 1695, Chey-Chetta IV truyền ngôi cho cháu gọi bằng chú là Ponhéa-Yâng tức là Ponhéa-Outey Ier .
Năm 1699, một viên quan Chân Lập là Êm nổi lên làm lạon, được quân ta giúp đuổi được quốc vương Ponhéa-Outey Ier đến Kompong-Chnang. Nhưng về sau vì thiếu lương thực, quân ta và Êm bị thua. Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu tức giận liền sai ông Nguyễn Hữu Kính làm Kinh lược Chân Lập, chia đất Đông Phố ra làm dinh làm huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân bình. Lại đặt Trấn Biên đình (Biên Hoà) và Phiên Trấn đình (Gia Định) sai quan cai trị. Những người Tàu ở đất Trấn Biên thì lập làm xã Thanh Hà, những người Tàu ở đất Phiên Trấn thì lập làm xã Minh Hương.
Nhân việc lôi thôi với nước ta đó, vua Chân Lập Chey-Chetta IV lại về lên ngôi và công nhận sự đô hộ của chúa Nguyễn (1699).
Nước Tiêm La bấy giờ còn yếu thế đành phải lặng im.
Làn thứ nhất nước ta thành công trong công cuộc thôn tính nước Chân Lạp.[2]
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 42 (22/12/1940)
(1) Sử ta chép Chey-Chetta bỏ thành chạy vào trong rừng, nhưng theo sử Chân Lập thì Chey-Chetta vẫn sống và còn lên ngôi mấy lầm nữa (nguyên chú).
[2] TBCN số 42 này, với trang bìa in ảnh một thiếu nữ Thái Lan, như là số chuyên về đất nước này, có đề cập đôi sự việc liên quan lẫn nhau thuộc lịch sử hai nước. Bài này của Vũ Bằng nằm trong loạt 3 bài được toà soạn chia nhau viết; sau bài này (tr. 14-15) là các bài: Thời kỳ thứ hai, sáu tỉnh Chân Lạp vào tay nước ta, sự thành lập của Nam Kỳ (tr. 16-17) do Tùng Hiệp viết; Thời kỳ thứ ba, đánh bại Thái Lan để giữ vững quyền đô hộ ở Chân Lạp (tr. 18-20) do Văn Thu viết.
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com