Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
4/7/12

Chiếc đèn lồng - Vũ Bằng

Chiếc đèn lồng (1)
Vũ Bằng

            Sau mười năm đèn sách cần cù, Đại Thông Thái Lang đã chiếm được bảng vàng để có thể làm cho chàng sau này có một địa vị khá cao trong nước.
            Chàng bèn vội vàng từ giã cái tỉnh nhỏ bé mà chàng ở bấy lâu để đến Yêu-đô, cái kinh thành có trăm nghìn phù hoa sa vọng mà người ta có thể trông mong lập được những sự nghiệp lẫy lừng ở đó. Những ước mơ của Đại Thông Thái Lang thực không bờ: trẻ tuổi, xinh trai mà lại có tài học, còn có gì ở đời này lại cản trở được chàng? Những người đàn bà nhan sắc nõn nường say mê cái vẻ mặt khôi ngô tuấn tú của chàng lúc nào như cũng vơ vẩn một mối buồn não nuột; cái miệng của chàng mới dễ thương làm sao, nó đã làm cho bao nhiêu trái tim rung động và mắt chàng lúc nào cũng chói lọi sự hiên ngang, khí phách.
            Chàng đến Yêu-đô để tìm bước tiến thân nhưng ở đó, chàng đã gặp một mối tình là Ngọc Hân nương, một cô gái thơ ngây trong trắng như một đoá hoa đào chớm nở. Đại Thông Thái Lang, tức thì, không nghĩ đến chuyện sinh sống kiếm ăn. Ngọc Hân nương là con một của một vị đại thương gia được cha mẹ rất yêu mà vị đại thương gia ấy lại coi người tình của con gái như là con trai đẻ vậy.
            Sau ngày cưới, cặp uyên ương đem nhau đi giấu hạnh phúc ở một cái làng hẻo lánh rất nên thơ, - làng Hốt Sử, ở ven hồ Bình Hoa thơ mộng. Trong một năm tròn, cặp vợ chồng trẻ ấy yêu nhau như quên cả tháng ngày qua. Nhưng chao ôi, sang đến mùa xuân năm sau, thì Ngọc Hân nương bị cảm mạo và võ vàng đi, nhan sắc nàng tàn tạ và một đêm kia, nàng bỏ chồng ở lại, để sang bên kia thế giới.
            Mọi người đều tưởng Đại Thông Thái Lang phen này bị thất tình có lẽ đến điên. Suốt ngày chàng kêu khóc, và gục đầu xuống một cái áo dài hãy còn thoang thoảng hương thơm của người đàn bà bạc mệnh. Sự khổ não của chàng làm cho người ta tưởng rằng chàng yêu vợ lúc chết gấp trăm lần lúc sống! Chàng gợi những chuyện sầu thảm não nùng đến với lòng như để xem sự sầu thảm não nùng nó bao la đến bực nào và ngày nào cũng như ngày nào chàng cũng ra ôm mộ vợ để kêu ca khóc lóc. Ngọn cỏ ở trên mồ vẫn chửa xanh. Bước một, cúi đầu, cõi lòng như tan tác, chàng đi ra cái bể đựng nước phép và lấy một cái gầu múc nước và kính cẩn tưới lên trên mộ để cho người nằm dưới đó được mát mẻ linh hồn. Đoạn chàng khóc than nức nở lên, cổ họng chàng như bị nghẹn, nước mắt chàng trào ra và như đốt cháy con ngươi vậy. Nhưng sau những kỷ niệm êm đềm, những phút ân ái lúc vợ chồng còn sum họp dần dần trở lại với chàng và làm cho những sự đau lòng cũng êm dịu dần đi.
            “Chao ơi, em ơi, chúng ta đã cùng dắt tay nhau đến đền Mỹ-đế ở trên hồ Bình Hoa để viếng mộ bực trung thần và cả gã gian thần!” - Đại Thông Thái Lang nhớ lắm.
            “Hôm đó, Ngọc Hân nương, cũng như trăm nghìn người mộ đạo, đã toan rảy nước phép ở trên mộ bực tôi trung. Nàng ra cái quán ở gần đó để mua nước, yêu kiều mỹ lệ làm sao! Tóc nàng, xức dầu thơm, bóng bẩy như là lông quạ, những cái trâm nạm ngọc của nàng và cái lược đồi mồi vén tóc nàng lên để lộ một cái gáy thành tân trắng nuốt. Như thấy sự vuốt ve của tầm mắt của tôi, nàng quay lại mỉm cười và tôi nói với nàng rằng:
            - Em ơi, em rảy nhiều nước lên trên mộ bực tôi trung nghĩa kia đi, còn anh thì anh sẽ làm vấy bẩn cái mộ của gã gian thần bạc ác. Cái đó đã thành ra tục lệ: nước tốt thì để mà dùng cho linh hồn của những bực anh tài mà cái gì xấu thì giữ lại cho những người đê tiện.
Nàng quỳ xuống một cách rất nên thơ. Hai mắt đen lay láy như hột nhãn của nàng đầy một tình thương sót. Và nàng khẽ trách tôi:
            - Không, anh ạ, những người ác cũng như những người hiền, một khi đã nhắm mắt, không còn khác nhau gì nữa. Linh hồn của những người tội lỗi, em tưởng ta lại cần phải an ủi hơn là linh hồn của những bực sĩ hiền. Nếu đứng vào địa vị của anh thì em sẽ rảy một ít nước lên trên mộ này, anh ạ. Ta chớ nên đùa ở trước linh hồn của những người đã khuất.
            Ngọc Hân nương ơi, em đã sống, em đã được mẹ cha chiều chuộng, em không hề bao giờ lại biết sự đau khổ và lòng thù hằn nó thế nào. Em chính là một viên ngọc quý giá vô cùng, em mềm mại như một con chim vô tội, em đem một tấm lòng trong trắng để yêu cả cuộc đời mà ta đã chung sống với nhau. Ở trong khung tóc đen lay láy như mun của em, hai cái đồng tiền lúc nào cũng làm tăng vẻ của đôi má đỏ như hoa đào vậy. Nhan sắc của em tươi thắm như là một buổi sáng mùa xuân. Chao ôi, người con gái của mùa xuân ơi, đời em vắn vỏi nào có khác gì cái mùa trẻ đẹp vui tươi ấy. Em hồ nở ra thì đã tàn quách mất rồi. Em chết. Không, không, cái hình dáng của em, cái kỷ niệm của em mãi mãi sẽ như một cành hoa, một mầm thắm, ở trong tay anh, em ạ!”
            Cõi lòng đầy tiếc nhớ, thảm thương, Đại Thông Thái Lang đứng dậy, không nghĩ nữa và lang thang đi ở chung quanh hồ Bình Hoa mà nói một mình rằng:
            “Hồ hỡi hồ, đã bao nhiêu thi sĩ đã ca tụng vẻ thần tiên của hồ; nào là những buổi chiều xuân, tiếng chuông chùa Mỹ Đế làm rung động cái không khí đầy hương đầy hoa và tiếng chim hoạ mi ca hát ở trong những rặng anh đào hoa nở tưng bừng như một buổi bình minh; nào là những đêm hè nóng bức mà chòm thông cô độc ở trên đồi Kha-la-sỹ lại còn ưa nhìn hơn những đoá hoa trăm sắc, và khi người khách bộ hành, đi dưới chân dãy Hoang-san, đưa tay ra vứt quạt đi để tận hưởng sự rạn rày của gió mát lùa vào những cành cây bên hồ.
            Hồ ơi, sau những bài thơ như bướm của nhà thi sĩ Bảo Sơn Lang, còn ai lại dám nghĩ đến sự đề vịnh những buổi chiều thu ở bên hồ Diên Tá, những đàn ngỗng trời bay ở dẫy núi Cao Kha hay những đêm trăng đẹp ở trên Hỉ Mã Sơn, những dải tuyết trắng tinh ở trên đỉnh Huyền Sa kéo dài những ngày mùa đông tháng giá ngắn ngủi trong khi thuyền bè trôi mất hút ở trên mặt nước mịt mùng của Hải Bang giang”.
            Đại Thông Thái Lang mến yêu những cảnh hữu tình đó nó đã chứng kiến biết bao nhiêu kỷ niệm của chàng. Ngày nào cũng vậy, vào lúc mặt trời bóng xế, chàng cũng chắp tay sau lưng đi bước một ở trên hồ, mặt mũi sầu thương, làm cho người nào trông thấy cũng phải ngoảnh đi, không dám nhìn lâu nữa. Thế rồi chàng bỏ cái căn nhà mà chàng đã hưởng một năm trời hạnh phúc với Ngọc Hân nương, căn nhà mà mỗi đồ vật lại nhắc nhở một cách chua chát đến cái chết của người vợ quý: nào là cái bàn trang sức mà mọi khi nàng vẫn cố trau dồi nhan sắc để làm vừa ý người yêu, nào là những hộp sơn và những hộp đồi mồi đựng phấn son; nào là những cái gương nàng đã soi; nào là những đôi giầy da thỏ xinh xinh; nào là… nào là… tất cả những vật dụng mà tay nàng đã cầm hay là mắt nàng đã nhìn rồi; cả khí trời nữa cũng là khí trời nàng đã thở!
            Đại Thông Thái Lang ở ẩn trong một ngôi nhà sơ sài, ngay trên đường cái đi từ Hốt Sử đến hồ Binh Hoa. Tuy vậy, ký ức của chàng vẫn không để cho tim óc chàng rời những chuyện đã qua.
            Mùa xuân đã qua rồi, con chim cá, - mà trong văn thơ Nhật vẫn bảo là tiếng kêu thương của mặt trăng, - kêu ra máu. Cũng vậy, Đại Thông Thái Lang kêu khóc người vợ bạc mệnh của chàng và dần dần thất thanh đi. Cái cười và sự vui vẻ của chàng không đến với chàng nữa cho tới rạng ngày hội lễ Quần Tinh. Ngày mai đây, nếu trời đẹp thì Chức Nữ sẽ đi qua giải Ngân Hà để gặp Ngưu Lang. Đại Thông Thái Lang, lăn lộn ở trên mồ vợ, nói với nàng như lúc còn ở trên trần:
            - Ngọc Hân em ơi, ngày mai đây là ngày hội của Ngưu Lang, Chức Nữ. Năm ngoái, em nhớ không, em lo sợ vì mây úa quá và em đã cầu phật trời đừng mưa để cho đôi lứa ấy gặp nhau. Em đã dệt biết bao bài thơ thần ở trên giấy ngũ sắc và cắt những hình người hình thú để treo lên ngọn tre trước cửa nhà để chúc cho hạnh phúc và trời đẹp! Thế mà… thế mà năm nay em không còn; số phận anh không bằng Ngưu Lang bởi vì Ngưu Lang Chức Nữ một năm còn gặp mặt nhau một lần, chứ như anh đây, thì mãi mãi, mãi mãi… Chao ôi, sầu khổ biết bao! Ngày và ngày, anh lại đến nơi này và chờ đợi em không nản cho đến mười năm nữa, anh cũng không mong gì được thấy em.
            Tấm lòng sầu khổ hơn thường nhật, Đại Thông Thái Lang đi thơ thẩn không thiết gì để ý đến thời gian. Sau rốt, chàng định quay về thì bóng tối lúc ấy đã rải rác ở dưới bóng cây, trên đồng ruộng. Con đường đất nằm dài ở trước mặt chàng như một dải lưng dính quấn lấy người chàng. Chàng thấy những cây sòi ngả những bóng đen nặng nề ở vòm trời, như ở trên một bức tranh thuỷ mạc! Buổi hoàng hôn làm cho cảnh vật có một vẻ mơ hồ huyền ảo, ánh sáng còn rớt lại của ban ngày đổi khác hẳn thôn quê và làm thành một thế giới vô cùng rùng rợn. Những con dơi bay là là mặt đất và chạm cánh vào vai khách bộ hành đi chơi về khuya quá.
            Hôm nay, chàng về hơi chậm hơn ngày thường. Mọi khi ở đây, chàng vẫn gặp một con sen ngồi rửa bát ở khe suối, dưới cây lệ liễu, cạnh một căn nhà trắng bệch một cách phi thường. Hôm nay, nó đã về rồi, và chàng lấy thế làm sợ lắm, chàng ôm đầu chạy, chạy thực nhanh.
Không bao giờ đường về đối với chàng lại xa thẳm như thế này. Chàng chạy mãi, sau tới một cái miếu u uất mà chàng chưa hề thấy bao giờ cả. Hay là chàng nhầm đường rồi? Tuy vậy, chàng cứ tiến và sau cùng đi tới một cái cổng rất tiêu điều, cột kèo xiêu vẹo trông có vẻ thê lương gớm ghiếc. Những cái tường bằng đá xám, có rêu bám từng chỗ lại nứt ra một cách thê thảm, những cái cửa sơn đã mọt dóc cả sơn rồi. Người ta lờ mờ nhìn thấy ba chữ đại tự này ở phía trên: “Tào Sơn điện” sơn son thếp vàng nhưng vì đã lâu ngày nên chỉ còn trơ những vết sơn then, mọt đục. Đại Thông Thái Lang nhìn vào trong, qua những cái liếp cửa ngang thì thấy cỏ hoang mọc khắp nơi, bìm sậy trèo lên mái mà đền thì vắng ngắt, không có một tiếng động, không có một bóng người lui tới. Vừa rợn vừa lo, chàng thấy một cái gì ghê gớm ở trong cái điêu tàn, cô quạnh, chàng bèn chạy, chạy ở trong bóng tối yêu ma, nó đuổi theo chàng và túm tóc gáy chàng lôi lại. Chàng tưởng như nghe thấy những tiếng động khẽ ở đằng sau, chàng quay vụt lại để nhìn xem cái gì đương đuổi mình ở trong cái cảnh tĩnh mịch đương say sưa trong giấc ngủ.
            Một người đàn bà tuyệt thế ở trong bóng tối từ từ đi ra.[2]
            Người đàn bà ấy đẹp một cách não nùng và mặc một cái áo dài rất chẽn thêu toàn những hoa lá mùa thu giống mầu những hoa lá mà nàng đi qua, vừa hồng nhạt mà lại vừa xanh xám. Dáng điệu của nàng rất phong tình mà sắc đẹp của nàng thì không có một tý gì tỏ ra là cái sắc đẹp của người dương thế: mặt hoa da phấn hình như là đẽo ở trong ngà, lông mày vòng nguyệt xinh xinh có một vẻ quyến rũ lòng người lạ. Đôi mắt nàng như chan hoà những lệ và dầu thơm mà nàng xức ở đầu chắc đã khô nên tóc nàng bay theo gió và xoà cả xuống cái trán thanh tân, trắng mịn.
            Đại Thông Thái Lang như ngây như dại, đứng nhìn nữ lang kia không chán mắt: chàng thấy một mối lo sợ, sợ người đàn bà kiều diễm có cái nhan sắc vừa làm cho chàng hãi mà lại vừa làm cho chàng thèm đó tan đi mất! Sau cùng, chàng nghĩ thầm nếu cứ trân trân ra mà nhìn nữ lang như thế thì cũng có điều bất nhã nên quyết định phải hỏi một đôi lời:
            - Thưa tiểu thư, kẻ này có lời xin lỗi tiểu thư. Chắc tiểu thư cũng ra tỉnh như tôi. Tôi đi chơi thơ thẩn ở bên hồ Bình Hoa và lúc về, tôi quá bước nên quên mất đường.
            - Thưa ngài vâng, thiếp ra tỉnh với con hầu bởi vì ngày mai đây là ngày hội Quần Tinh, mẹ già thiếp sai thiếp đi mua vài thức cần để ngày mai nhà cúng.
            Nói đoạn, nữ lang quay lại bảo con hầu:
            - Đêm khuya mà đường vắng, cô cháu mình lại gặp được tiên sinh đây cùng đi, thực là may quá, may quá.
            Rồi lại hỏi Đại Thông Thái Lang:
            - Dám hỏi tiên sinh, như thế có tiện không? Tiên sinh bằng lòng để cho chúng tôi cùng đi một thể cho vui chứ?
            Đại Thông Thái Lang thấy lòng mừng khấp khởi, và không khách sáo gì hết, chàng cùng với nữ lang đi song song ở trên con đường vắng vẻ kia, theo sau là đứa nữ tỳ mặc thanh y, trông in hệt một con búp bê bằng vải mụn, có một cái mặt không hồn, có cái miệng, cái mũi và đôi mắt như dệt vào trong lụa.
            - Thưa tiểu thư, tiểu thư ở gần đây?
            - Dạ, thưa vâng, ở gần đây, sau cái miếu cổ này.
            - Cái miếu cổ đìu hiu vắng vẻ này, chắc là không có ai ở cả?
            - Thiếp không rõ nhưng hình như có một vị tăng già và một chú tiểu tu ở đó.
            - Thưa tiểu thư, cái cảnh thôn dã này buồn day dứt cả ruột gan. Đối với một người đàn bà đẹp như tiểu thư, một cảnh trí như thế thực là vắng vẻ quá, đìu hiu quá.
            - Chao ôi, thưa tiên sinh, ngài cứ dạy quá lời, chứ nhan sắc của tiện nữ này liệu đã được bằng ai. Thiếp biết: phu nhân ta ở nhà còn đẹp gấp trăm, gấp nghìn.
            Đại Thông Thái Lang giật mình:
            - Vậy ra tiểu thư cũng biết đến tiện nội sao?
            - Sao lại không? Ở Hốt Sử này, còn người nào lại không biết Ngọc Hân nương và gia quyến của nàng. Thực là một người đàn bà tuyệt sắc, chỉ có thể đem ví với một cánh hoa mà thôi.
            Người đàn ông khốn nạn cúi đầu xuống và nói lẩm bẩm rằng:
            - Chao ôi, nàng đã chết giữa mùa xuân tươi thắm!
            - Thiếp đã biết, và thiếp biết cả rằng ngày nào tiên sinh cũng ra mộ để cầu nguyện và than khóc. Tiên sinh thực là một người chồng thuỷ chung khả ái vô cùng. Ngọc Hân nương đã chết rồi, nhưng chắc ở dưới suối vàng, nàng cũng được ngậm cười sung sướng.
            Tiếng nói của nữ lang rung động một sự ham muốn và một cái như là cái thích làm vừa ý người bạn đồng hành. Vốn không quen nghe những lời nói ngọt ngào tâng bốc,[3] Đại Thông Thái Lang thấy máu chạy mạnh ở hai bên gò má, chàng ngượng nghịu trả lời một cách rất du dương:
            - Thưa tiểu thư, người đàn ông yêu kính tiểu thư, chắc còn sẽ làm vui lòng tiểu thư hơn là tôi đã làm cho Ngọc Hân nương nhiều lắm. Tôi chắc vậy.
            Nữ lang dừng bước lại, nghiêng đầu: nàng có vẻ âu sầu hơn trước và cắn hai cái môi hồng lại, - hai cái môi diễm lệ mà phong tình thay, nó nhuộm một mầu son phấn ưa nhìn, nhưng đã hơi khô một chút.
            Đại Thông Thái Lang đoán chừng nàng kia đương có một mối sầu u ẩn trong lòng; chàng băn khoăn và đổi câu chuyện chàng đương nói:
            - Thưa tiểu thư, tiểu thư đoán ngày mai hội Quần Tinh có vui không? Và trời ra thế nào? Đêm nay, mây trời hơi vẩn đục. Chẳng biết đến mai, tiểu thư có lại còn đi ra tỉnh nữa không…
            - Cái đó, thiếp không lấy gì làm chắc lắm. Bởi vì mẹ già thiếp ở nhà nghiêm khắc vô cùng, sở dĩ hôm nay thiếp được phép đi như thế này cũng là vì bà ốm, thiếp phải thay chân để đi mua đi bán những thức cần dùng vậy.
            - Hôm nay, tiểu thư phải đi mua bán thế này thì tôi tưởng đêm mai tiểu thư rất có thể xin phép cụ “thưởng công” cho phép đi ra tỉnh bởi vì đêm mai là đêm hội của tất cả bàng dân trong nước.
            - Vâng. Thưa tiên sinh, nếu ngộ thiếp được đi xem hội thì sao?...
            - Thì tôi sẽ lại đưa tiểu thư đi, như hôm nay chứ gì! Tiểu thư bằng lòng không? Tiểu thư biết nhà tôi rồi thì phải. Nhà tôi ở trên đường, trước cửa là một rừng cây lệ liễu. Vậy, đêm mai, tôi có thể cứ chờ tiểu thư ở dưới bóng lệ liễu, phải không?
            - Chẳng dám giấu tiên sinh, thiếp không thích đi xem hội bởi vì đông người quá.
            - Nếu thế càng hay. Mời tiểu thư quá bộ lại nhà tôi chơi vậy.
            - Ô! thiếp! thiếp lại đến nhà tiên sinh mà làm gì?
            Nhưng nữ lang lại tiếp ngay:
            - Nói thế mà thôi, chứ đến làm sao mà không được?
            Đôi má nàng không đỏ lên vì máu đọng ở đó nhiều, nhưng đôi mắt huyền bí của nàng liếc nhìn Đại Thông Thái Lang thì đầy một vẻ tình tứ, dịu dàng và não nuột.
            Sáng sớm hôm sau, Đại Thông Thái Lang dậy thực sớm và thấy cõi lòng thênh thang lắm, như đã lâu nay chàng chưa thấy bao giờ. Suốt một ngày, chàng quét dọn nhà cửa và xếp đặt những đồ vật ở trong nhà cho có vẻ thật ưa nhìn. Chàng đặt cái này, chàng xếp cái nọ đến hàng trăm bận mà vẫn như không bằng lòng. Đến chiều, chàng tắm rửa thực cẩn thận và chải đầu xức tóc cho thực đỏm dáng, đoạn đi ra mắc lấy một cái áo lộng lẫy nhất bận vào, cái áo mà từ khi vợ chết chàng chưa bao giờ nghĩ lấy đem ra mặc. Rồi chàng ra ở dưới gốc lệ liễu đợi người nữ lang tuyệt sắc mà sự tình cờ đã cho chàng gặp gỡ đêm qua.
            Giải Ngân hà in rõ ở trên nền trong xanh như một giải giây lưng dát bạc, phong cảnh hữu tình trong cái lặng lẽ đìu hiu của đêm khuya, những tiếng vang của hội hè đưa lại tưng bừng rộn rịp: tiếng cười, tiếng nói, tiếng não bạt, tiếng thanh la, tiếng chiêng, tiếng sáo hoà với tiếng đàn “sa-mi-sen” não nuột… Ở dưới mái nhà, trong một góc tường kia, - như báo một cái điềm bí mật, như báo một cái tai nạn vậy, - một con nhện lớn đương dăng tơ chăm chỉ lắm.
            Ngay lúc ấy thì người láng giềng của Đại Thông Thái Lang là Kim Tứ Lang ở trong nhà đi ra, và hỏi đến sức khoẻ của người thanh niên goá bụa:
            - Kính chào Đại Thông tiên sinh! Hôm nay tiên sinh ăn bận đỏm dáng lắm, chắc tiên sinh đi xem hội cho tiêu sầu thì phải. Tôi hoan nghênh ý kiến tiên sinh lắm lắm.
            Kim Tứ Lang là một ông thầy tiền định đã lừng danh. Ông đoán vận hạn, xem tướng bói giỏi nhất thời bây giờ và có thể xem tay và lấy số để biết những việc cát hung bí hiểm nhất, nhiêu khê nhất.
            Ông mình hạc xương mai và râu ria đã bạc trắng cả ra rồi, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh và quắc thước, một nụ cười luôn nở trên môi làm cho hai má nhăn nheo lại.
Kim Tứ Lang chăm chú nhìn người bạn láng giềng. Đại Thông Thái Lang trả lời rằng:
            - Xin kính chào Kim tiên sinh! Kẻ hậu sinh này hôm nay không đi xem hội, kẻ hậu sinh này hôm nay có một người đàn bà đến thăm. Thế cũng là hội chứ gì?
            - Kỳ thú! kỳ thú! Tiên sinh nghĩ chí phải. Phải, phải ta phải đổi cuộc đời đi chứ cứ sầu bi mãi thì bị ám ảnh hoài, chẳng làm được việc gì, tiên sinh ạ. Nói thực với tiên sinh, tôi rất lo sợ cho tiên sinh. Có một hôm, tôi xem tướng cho tiên sinh thấy tiên sinh sắp gặp một cái tai nạn đấy. Phải coi chừng một chút, rồi cũng qua khỏi được.
            Nói đoạn, Kim Tứ Lang vuốt râu thi lễ rồi đi xem hội, trong khi Đại Thông cứ đứng ở dưới gốc lệ liễu để trông chờ vị nữ lang. Trên đường, thiên hạ kéo nhau đi tấp nập; từng đoàn trai thanh gái lịch xách đèn đi và cười nói huyên thuyên. Mãi tận đến khuya mới vắng người; cảnh thôn dã lại chìm vào trong bóng tối lặng lờ và tĩnh mạc. Chỉ còn có cái cửa sổ chiếu một thứ ánh sáng vàng xuống bóng tối của đêm khuya.
            Đại Thông Thái Lang không ngừng mắt nhìn con đường mà vị nữ lang sẽ đến với chàng. Chàng thắc mắc và lấy làm nóng ruột. Đột nhiên, không nghe thấy một tiếng guốc nện ở trên mặt đất, Đại Thông thấy hiện ra ở giữa khoảng thinh không một cái đèn lồng đỏ vẽ toàn hoa mẫu đơn rồi một tiếng người rung động nhỏ nhẻ ở bên tai chàng: “Xin kính chào tiên sinh!”
            Dụi mắt, chàng nhìn thấy hai người thiếu nữ tiến lại phía chàng: người nữ tỳ cầm cái đèn lồng mắc vào một ngọn tre, và sau lưng thì là vị nữ lang, vẫn kiều diễm như đêm qua, mà ăn mặc vẫn lộng lẫy như đêm qua vậy.
            Thoạt tiên, Đại Thông cũng hơi lấy làm ngạc nhiên sao nàng không chọn một mầu áo gì lạ để mặc vào ngày hội, nhưng sau vì sung sướng quá, thành cũng không nghĩ đến điều đó nữa. Chàng mời nàng vào trong nhà và rót nước mời nàng, trong khi người nữ tỳ vẫn không nói một câu, xin phép chủ đi ra tỉnh. Những ngọn nến cháy rực rỡ và gió làm lay động những ngọn lửa chập chờn, bánh trái hoa quả xếp đầy cả những cái đĩa lớn và những cái khay sơn đỏ.
            Sau khi đã bỏ mành mành xuống đâu đấy cả rồi, chàng và nàng ngồi cạnh nhau ở trên chiếu rồi nàng kể cho chàng nghe về đời nàng:
            - Em vốn sinh đẻ ở Na La và tên em là Giáng Tuyết. Thân phụ em vốn là nhà khoa cử mà lại giàu có nên chung quanh vùng em ở có nhiều đứa tiểu nhân nó thù hằn: một bọn người một hôm bèn cáo xưng thân phụ em đã giết người nên thày em bị hình ngục và đã bỏ mình một cách khổ não ở trong chốn sầu thành đó. Em và thân mẫu em cực nhục quá, không dám ở Na La nữa, đành phải bảo nhau về ở đây tự mùa xuân; mẹ em và em có ý định chọn nơi này bởi vì nơi này vắng vẻ, mẹ em chắc chắn có thể sống một cuộc đời kín đáo, không bận rộn gì ai hết. Đến ở đây được ít lâu thì em gặp anh đi với vợ vào đền My Giang. Anh bận một cái áo như cái áo hôm nay, anh trông dễ thương quá và vợ anh thì đẹp và có vẻ vô cùng sung sướng. Chẳng dám giấu gì anh, em đã có lúc lấy làm ghen cái hạnh phúc của vợ anh lắm lắm…
            Giáng Tuyết nói thế xong nhìn chàng một cách thơ ngây. Chàng nói:
            - Em bảo gì? Đẹp như em sao em lại phải nói đến một câu như vậy?
            Bằng lòng lắm, nàng cười:
            - Em xin anh nhé. Anh đừng nên nói những điều anh không nghĩ.
            Đẹp một cái đẹp say sưa, quyến rũ, Giáng Tuyết ngồi ở một chỗ tờ mờ tối sáng, cách xa hẳn ánh đèn mà hình như nàng có vẻ sợ sệt, có vẻ muốn xa lánh vậy. Cũng như đêm qua, vài sợi tóc loà xoà xuống mặt nàng. Đầu nàng hơi nghiêng nghiêng; nàng có vẻ tinh nghịch; đuôi mắt của nàng rất êm dịu và chăm chú nhìn chàng trẻ tuổi như nói hết cả những điều mà nàng muốn giấu kín trong tâm.[4]
            Nàng nói:
            - Em đến chơi được với anh hôm nay thực cũng vất vả, gian truân quá.
            Chàng hỏi tại sao.
            - Em xin anh đấy. Em khổ tâm quá lắm rồi, anh đừng hỏi làm gì nữa cho em thêm đau đớn.
            Nói đoạn, nàng đắm mình vào trong một giấc mơ não nuột, miệng líu lại những câu không rõ, in như một đứa trẻ ngây thơ và lấy hai bàn tay trắng như ngà ra vò nát cái áo nhẹ nhàng như mây khói.
            Hôm nay, Đại Thông Thái Lang có vẻ uống nhiều rượu “sa kê” hơn thường nhật nên hơi nóng bốc lên mặt bừng bừng và quả tim chàng đập mạnh; chàng chống tay vào cằm và chăm chú nhìn Giáng Tuyết có đôi bàn tay đẹp lúc ấy bắt đầu run bây bẩy. Nàng ngước mắt nhìn chàng và cười, trong khi chàng ngồi lại gần chàng mà khẽ nói dịu dàng rằng:
            - Em ơi, anh yêu em ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên, ở bên ngôi miếu cổ. Chiều nay, anh trông đợi em không biết bao nhiêu và anh có cảm giác rằng nếu em lỗi hẹn thì… thì… Nhưng mà thôi, em đã đến với anh rồi, còn nói đến chuyện ấy làm gì nữa? Anh chắc rằng Trời đã run rủi cho anh được gặp em, hoặc chính là Ngọc Hân nương đã xui khiến ra như thế để gây lấy một mối hạnh phúc cho anh vậy. Áng chừng Ngọc Hân nương thấy anh thương tiếc nàng quá nên đã muốn đem em đến để thay nàng. Nếu anh quả thực không có tư tưởng ấy trong đầu thì anh thề không bao giờ lại tiếp một người đàn bà lạ ở trong căn nhà này. Anh xin lỗi vì đã không thể thu xếp để tiếp em thực chu đáo, nhưng anh xin nói để em biết anh còn quý em hơn là anh đã quý Ngọc Hân nương nhiều lắm. Này, em xem trái tim anh đập vì em.
            Đại Thông Thái Lang cúi xuống và hôn vào cái cổ ngà ngọc của Giáng Tuyết lạnh lẽo như thể là băng vậy.
            … Giáng Tuyết thở nhè nhẹ và ôm lấy chàng…
            Đêm lúc ấy đã khuya. Xa xa, chỉ còn tiếng ễnh ương và tiếng dế kêu sầu ở trong khoảng đồng quê vắng vẻ. Những tiếng vang dội của đám hội từ phương tây đưa lại nhỏ dần, nhỏ dần; thỉnh thoảng lắm người ta mới lại nghe thấy tiếng đàn “sa-mi-sen” não nuột như là tiếng khóc.
Giờ này, chẳng hiểu tại sao con nữ tỳ vẫn còn ở ngoài tỉnh chưa về?
            Cửa phòng khách mở rộng. Ở buồng bên, hé lộ một bức màn xanh diềm đỏ như chờ đợi, như sẵn sàng chờ đợi… Những cái gối xếp rắn chắc cũng bọc lụa màu: đó là cái kỷ niệm cuối cùng của Ngọc Hân nương để lại. Ngọn nến để trên bàn sắp tắt, reo lên ở trong khoảng đêm khuya và Đại Thông Thái Lang ôm chầm lấy vị nữ lang kiều diễm. Nến tắt hẳn. Ở ngoài, cái đèn lồng mẫu đơn mà con nữ tỳ để lại chiếu căn buồng bằng một thứ ánh sáng đỏ tờ mờ…
            Cặp uyên ương đứng dậy: người ta không thể nói trong hai người, ai đã đi trước đến những đệm êm chăn ấm và những cái gối xếp bọc bằng những thứ lụa êm đềm, mát dịu….
Sáng hôm sau, Đại Thông Thái Lang không ra nghĩa địa thăm vợ nữa và từ đó trở đi, cứ mỗi buổi chiều vào khoảng giờ Thân giờ Dậu thì Giáng Tuyết lại đến với chàng, bí mật và kỳ dị, theo sau vẫn có con hầu quái lạ trông giống hệt một con búp bê bằng vải và không bao giờ rời bỏ cái đèn lồng mẫu đơn…
            Đại Thông Thái Lang bắt đầu một cuộc đời kỳ lạ, suốt ngày chỉ ngủ, ngủ những giấc ngủ nặng nề có toàn những ác mộng đến thăm. Chàng yếu sút trông thấy. Ông cụ bên hàng xóm, Kim Tứ Lang, nhận rõ điều này, hết sức để ý đến Đại Thông và một buổi trưa mùa thu nọ, đập cửa nhà Đại Thông mà gọi Đại Thông trở dậy.
            Mặt trời đã lặn dần về phía trời tây, Đại Thông Thái Lang nằm nghỉ trong buồng kín. Nghe tiếng ông già gọi, chàng giật mình choàng dậy.
            Mắt hãy còn nặng chĩu, chàng bước ra vườn ngồi bên cạnh Kim Tứ Lang. Giấu hết mối lo âu, Kim Tứ Lang thản nhiên nói:
            - Chào Đại Thông tiên sinh, cả ngày tôi không thấy tiên sinh đâu. Ngài làm sao thế?
            - Tôi hơi bị mệt và trở nên lười tệ.
            Nhận thấy da mặt vàng như nghệ và kém sinh khí của chàng, Kim Tứ Lang nói tiếp:
            - Đó là điều rất thường, khi người ta đã trẻ lại có nhân tình. Nhưng tại sao tiên sinh trông mệt mỏi và gầy thế? Tiên sinh hãy tha lỗi cho tôi đã đường đột nói đến chuyện riêng của tiên sinh nhưng vì tôi mến phục tiên sinh mà phải nói đến và xin tiên sinh hãy bảo toàn lấy quý thể.
Kim Tứ Lang hút một hơi thuốc. Chàng tin chắc có điều gì bất thường xảy đến bèn nói:
            - Tôi gầy lắm thực ư? Ông làm cho tôi sợ!
            Tiên sinh sờ lên má bằng đôi tay xanh muốt như bàn tay kẻ chết rồi.
            Kim Tứ Lang bỗng nói to lên:
            - Thật là lạ! Tiên sinh để tôi bói một quẻ xem.
            Nói đoạn, ông lấy ở túi áo ra những cái thẻ nhỏ bao giờ cũng mang theo đi, rồi ông cúi đầu xuống khấn, mắt nhắm lại vứt bó thẻ xuống đất. Rồi ông mở mắt ra, ngả người xuống, chăm chú nhìn như để tìm cho ra bí mật; rồi, với một điệu bộ thất vọng, ông giơ tay lên, rền rĩ:
            - Trời ơi! một tai nạn lớn. Tiên sinh sẽ chết trong vài ngày, hay vài tháng nữa thôi.
            - Ôi!... Đại Thông Thái Lang kêu lên được một tiếng ấy, mặt tái đi.
            Hai người bạn đều lặng yên hãi hùng, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc.
            - Nếu tiên sinh có quý đến sinh mệnh thì hãy trả lời rất thành thật những câu hỏi của tôi.   Tôi biết rằng cứ đêm đêm thì lại có một người lẻn đến tìm tiên sinh. Có lẽ đó là nhân tình tiên sinh. Tiên sinh biết người đó đã bao lâu nay rồi.
            - Trước ngày hội Quần Linh ạ!
            - Có phải nàng đến với tiên sinh lần thứ nhất nhằm đúng hôm hội phải không? Tôi hãy còn nhớ nàng đến với tiên sinh đêm ấy với một chiếc đèn lồng?
            - Vâng, nàng đi với một nữ tỳ đem theo một chiếc đèn lồng ạ.
            Đôi mắt chàng mơ màng như nhớ đến cuộc gặp gỡ ban đầu.
            - Tiên sinh gặp nàng ở đâu?
            - Gần đền Mỹ Hoa mà tôi đi nhầm đường trở về lối hồ Bình Hoa.
            - Mỹ Hoa?... Có phải cái đền ấy ở về một miền nhà quê hẻo lánh, chung quanh không có nhà cửa gì phải không?
            - Thế tên nàng là gì vậy?
            - Tên nàng là Giáng Tuyết. Hình như tôi đã nói cả với tiên sinh rồi thì phải. Phải, đúng đấy. Nàng nói với tôi rằng nàng vốn là con một nhà danh gia vọng tộc, nhưng mẹ nàng và nàng bắt buộc phải ở cách xa thành phố.
            - Thật ư? Tiên sinh không lấy làm lạ một thiếu nữ dám bỏ nhà đi một mình mà chỉ đi ban đêm chứ không đi ban ngày?
            - Có chứ! Tiên sinh hãy nghe tôi kể chuyện nàng. Cha nàng là nhà nho. Nàng được nuôi dạy trong một nền giáo dục khuôn mẫu. Mẹ nàng rất nghiêm không cho nàng ra ngoài dù đi với một nữ tỳ. Vì thế nàng phải trốn đi ban đêm. Khi mẹ nàng ngủ, nàng trèo qua cửa sổ để ra đi. Đó là những điều nàng thuật với tôi khi gặp gỡ.
            - Chao ôi! Nàng trèo qua cửa sổ, tiên sinh mê nàng quá. Với tôi thì thật là quái dị, gặp gỡ một thiếu nữ ở ngôi đền hoang tàn, rồi đến nhà người ta một cách dễ dãi ngay tối đầu! Tôi chẳng thấy đôi bàn chân nhỏ xíu ấy trèo qua cửa sổ, và thưa tiên sinh những điều ấy thật là bất thường. Tiên sinh hãy tả cho tôi biết mặt mũi nàng ra sao? Ăn mặc thế nào?
            - Nàng đẹp một cách lạ thường, dù nét mặt có đượm một vẻ buồn triền miên. Nàng chỉ bận một thứ áo và không bao giờ thấy thay đổi… Quả thật, tiên sinh làm cho tôi phải suy nghĩ… Cho đến con nữ tỳ cũng chỉ mặc nguyên một thứ áo mà thôi. Hôm nào nàng và con nữ tỳ cũng đến đúng giờ ấy, mang theo cái đèn lồng ấy; và con nữ tỳ không hề mở miệng nói một câu. Tôi tưởng nó câm, tiên sinh ạ.
            - Câu chuyện mỗi lúc lại thêm lạ lùng!
            Kim Tứ Lang nghĩ đến sự bí mật ấy và tự hỏi không biết hai thiếu nữ ấy là ai? Còn Đại Thông tiên sinh cũng không tin được nàng Giáng Tuyết một nữ lang đẹp như thế lại có thể cầm được sinh mệnh mình ở trong tay.
            - Đại Thông tiên sinh, bây giờ đã đến lúc ta phải quyết định rồi. Ta phải tìm cho biết ngay gốc tích nữ lang ấy, nếu không tính mệnh tiên sinh chẳng khác gì ngọn đèn trước gió. Vậy tiên sinh đã có ý kiến gì chưa?
            Trán ông già răn lại vì suy nghĩ:
            - Nhà tiên sinh chỉ cách nhà tôi có một bức tường thôi, phải không?
            Chàng thanh niên gật đầu.
            - Như thế thì tôi sẽ quay về nhà đục một lỗ tường để có thể trông sang xem cái người con gái đáng sợ ấy xem sao. Tôi van tiên sinh hãy xa ra. Thôi xin phép tiên sinh tôi về vì đã muộn.
            Nói đoạn Kim Tứ Lang nhặt đũa, cầm điếu thuốc ra về.
            Ngoài vườn mấy cụm hồng rung động dưới làn gió nhẹ. Đại Thông Thái Lang trở dậy bước nặng nề vào nhà trong.
            Ngày hôm sau vừa mới bình minh, Kim Tứ Lang đã sang gõ cửa ông bạn hàng xóm. Trông thấy chàng thanh niên, ông thốt lên một câu kinh ngạc:
            - Ô, hãy còn sống! Mở toang cả các cửa ra cho ánh sáng vào.
            Lần này Đại Thông Thái Lang tỉnh táo lắm.
            - Thế nào, ông có trông thấy nàng Giáng Tuyết của tôi không? Nàng là ai? Hôm qua nàng đưa cho tôi một nhành hoa lê. Ông trông đấy, nàng có thật và tôi có bị hại gì đâu. Không sợ!
Nói câu ấy, ông cười có vẻ khoái trí và lấy tay trỏ nhành hoa để trên cái bàn gỗ gụ đen bóng như là mun vậy.
            Kim Tứ Lang trông mà ngạc nhiên vô cùng.
            - Tiên sinh ơi! hãy tỉnh ngộ lại. Ngủ nữa đi, và tiên sinh thử ngắm mà xem. Tiên sinh há chẳng biết mùa thu thì làm gì có hoa lê, có chăng chỉ có hoa hoắc lê là cùng.
            - Quả thế, khi nàng Giáng Tuyết biếu tôi nhành hoa, nàng cũng đã nói rồi: “Em đưa đến cho anh một đoá hoa buồn, em vẫn biết anh thích hoa đào hơn. Sau này anh sẽ gặp gỡ một bạn tình vui tính và chắc rằng anh sẽ quên em ngay”. Rồi nàng ngả đầu vào vai tôi mà khóc. Tôi an ủi nàng xin nàng đừng có ngờ vực một điều nhỏ mọn, tôi yêu tất cả các thứ hoa mà bông hoa tôi yêu hơn cả thì là nàng vậy.
            Nhưng có điều Đại Thông không nói ra và không nghĩ đến là trong tháng này thì chẳng vào vườn nhà nào lại có hoa lê nở. Một sự lo sợ hãi hùng xâm chiếm lòng chàng, hai tay chàng nắm chặt lấy ông thày tiền định mà hỏi:
            - Vậy ông có thấy cái gì khác thường không? Ông làm tôi kinh khủng quá.
            - Tôi phải nói cho tiên sinh biết cái sự thật hãi hùng ấy. Phải có can đảm mà nghe mới được, vì tôi muốn cứu tiên sinh. … Thiếu nữ đến với tiên sinh chết đã lâu lắm rồi! Tay tiên sinh sờ vào thây ma, môi tiên sinh hôn thây ma!... Khi tôi trông thấy người yêu tiên sinh đưa biếu cành hoa lê tôi đã định kêu lên. Nhưng trấn tĩnh được, tôi muốn tìm cho ra cái bí mật, với cái tinh thần của tôi, tôi có thể cho tiên sinh biết được nàng Giáng Tuyết chỉ là ma hiện ở nghĩa địa lên. Tiên sinh si tình thấy nàng đẹp đẽ uyển chuyển, tôi thì tôi thấy ghê sợ và kinh tởm.
            Đại Thông hoảng sợ níu lấy áo ông già lạy van xin cứu cho sinh mệnh, nếu còn kịp thời giờ.
            - Đêm ấy tôi không ngủ, tuy suy nghĩ lắm. Chắc chắn thế nào tôi cũng tìm cho ra cái bí mật ở ngôi đền hoang kia. Nhưng vì nghề của tôi, bọn sư sẽ tìm cách làm khó dễ, thì tiên sinh đi thay tôi. Ngay hôm nay, tiên sinh đến dò hỏi người sư một cách khôn khéo để họ khỏi ngờ gì mình. Tôi chắc có một sự bí mật ghê gớm ở ngôi đền ấy. Tiên sinh phải vội đi ngay, làm thế nào vào đền được trước khi mặt giời lặn. Tôi nóng lòng chờ tiên sinh quay về, khi đã biết được tiên sinh thấy những gì, tôi sẽ tuỳ cơ cứu tiên sinh.
            Đại Thông có cái cảm tưởng như mình không còn sống nữa. Dù sao chàng cũng cố sức sửa soạn ra đi thật nhanh.
            Một bụi rậm gai góc chắn lối vào đền. Đại Thông không dám vượt qua, phải gõ cửa gọi. Một nhà sư già lắm, gầy đét, bận một cái áo đã bạc mầu ló mình ra ngoài cửa sổ và hỏi:
            - Ông hỏi gì thế?
            - Bạch cụ, cụ tha lỗi cho câu hỏi tò mò, ở đền ta đây có bao nhiêu vị tăng ni?
            Trông thấy bộ quần áo sang trọng của Đại Thông, nhà sư dịu dàng nói:
            - Thưa tiên sinh, ở đây chúng tôi có hai người thôi, tôi và một tên tiểu. Ngài trông đấy, ngôi đền điêu tàn lắm, khách thập phương không hề để chân đến lễ.
            - Thế có nhiều người làm ma chay gì không?
            - Bây giờ thì không có nữa. Tuy vậy, cách đây không bao lâu cũng có một đám. Vâng, đúng hai tháng, đám ma một thiếu nữ. Mà nàng thì tôi cũng không thấy đến lễ bao giờ.
            - Thế nàng không phải là người vùng này sao?
            - Vâng, mẹ nàng nói ở mãi tận Nam Hải. Người con gái đi dọc đường bị ốm và khi đi đến cái quán ở gần hồ thì chết.
            Đại Thông nghe mà muốn tắt thở, cổ chàng khô lại. Chàng lại hỏi:
            - Thế bạch cụ, cụ có còn nhớ được tên thiếu nữ không?
            - Hình như tên nàng là Giáng Tuyết.
            - Giáng Tuyết?...
            - Vâng, thực về dòng họ Ngân Điền. Nếu ngài muốn biết rõ nữa, tôi sẽ chỉ để ngài biết quan tài nàng, vì hãy còn để trong đền này. Mẹ nàng giao cho tôi trông coi cái quan tài ấy mà đã hai tháng giời nay rồi, họ hàng cũng không có ai đến nhận. Không được phép, tôi không dám chôn. Ông sẽ thấy ở ngay trên cái quan tài có treo một cái đèn lồng rất đẹp.
            Đại Thông run lên như là ở trước gió thu, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập, chàng muốn té xỉu xuống. Tuy vậy chàng cũng cố hỏi thêm được một câu.
            - Cụ có thấy sự gì thay đổi lạ lùng ở trong đền hay không?
            Vị sư già không hiểu gì, mở to đôi mắt sợ hãi, và nghĩ có lẽ người này điên chăng, bèn giả lời một câu có vẻ đùa cợt:
            - Không, không, chẳng có gì cả. Tuy vậy mà mỗi tối cũng mất một cây nến. Tôi chắc lại chú tiểu ăn cắp để bán lấy tiền mua bánh, nếu không phải là chú chuột gặm đi.
            Nghe xong Đại Thông lạnh toát cả người. Chàng bỏ chạy quên cả chào vị tăng già đứng sừng sững ra đấy vừa buồn cười vừa lạ.
            Kim Tứ Lang mỗi chiều lại làm bùa yểm, tự đi dán ở các cửa ngõ nhà Đại Thông. Như thế ma sẽ không đến trêu được. Ông lại cấm Đại Thông bất cứ vì một lẽ gì cũng không được ra khỏi cửa trong hai mươi mốt ngày, và cứ vào khoảng giờ Sửu phải đọc một bản kinh nhật tụng.
Linh hồn nàng Giáng Tuyết hẳn cũng có đến, nhưng chỉ lảng vảng ở ngoài không vào được trong nhà vì có những đạo bùa yểm rất linh nghiệm. Hai mươi mốt ngày vừa qua, Đại Thông đã quên dần nàng Giáng Tuyết và sức khoẻ đã hồi phục. Đông qua xuân đến, ngoài vườn sực nức mùi hoa thuỷ tiên, trên cây đào, hoa nở đỏ ối.
            Trông hoa nở, Đại Thông lại trạnh lòng nhớ đến người vợ hiền xấu số và lấy làm hận đã chẳng được đi viếng mộ nàng.
            Một hôm, người bạn thân, Bán Phúc tiên sinh, đến thăm chàng và rủ chàng đi du ngoạn.
            - Ở nhà mãi làm gì? Cảnh trời sán lạn biết bao nhiêu. Cứ giam mình mãi thế này thì ốm mất. Chuyện ma làm ấy đã cũ lắm rồi.
            Đại Thông khoác cái áo mỏng và bình tĩnh ra đi với bạn.
            Người ta đã thấy cái khí nóng của tiết hạ. Ngoài đồng trăm sắc hoa đua nở; nhà cửa ẩn sau những bụi đào đỏ ối; chim hót ríu rít trên nóc nhà; dưới bụi tre bên cái suối chảy như đàn, một con gà mái đang đi tìm ăn với đàn gà con. Chắc hẳn nàng Giáng Tuyết không còn hiện ra được nữa. Đại Thông lấy làm khoan khoái đã được dự một buổi du ngoạn thú vị bên bờ hồ.
Nước hồ lăn tăn gợn sóng phản ánh mầu da giời xanh thẳm. Đỉnh núi Hữu La thay vào tuyết trắng đã có lá xanh, dưới chân núi hoa anh đào đua nhau nở, hương thơm lừng. Trên hồ, thuyền xếp hàng cắm sào đợi du khách, và trên cầu Bích San người qua lại ca hát, ném xuống dòng nước những bông hoa cho trôi đi, cho trôi đi…
            Hai người bạn thân trong tay không có gì, như vô tình cùng với cảnh nhộn nhịp ấy, bỗng cùng hát lên một câu:
            “Nếu không có rượu Hoàng Hoa…”
            Rồi hai người rủ nhau vào một quán rượu ở bên hồ, ngồi xuống chiếu giải sẵn, và uống hết chén này chén khác. Đến chén thứ chín thứ mười rồi, Bán Phúc tiên sinh đã ngà ngà say, nói huyên thiên. Chàng bỗng gọi một người ngồi bên, một bác lái buôn bông ở Ô-sa-ka lại để ngồi thuật chuyện nói tình duyên. Đại Thông lấy làm khó chịu, bèn bỏ ra đi thẳng. Chàng hơi chuếnh choáng, chàng vừa theo dọc hồ vừa hát, rồi chàng lại quay về quán rượu, cự người bạn lắm nhời.
Thấy ở ngay đấy có một cái thuyền bỏ không, chàng cũng bước xuống. Đại Thông xuống đấy nằm nghỉ một lát cho đỡ mệt. Chàng nằm xuống sàn thuyền lấy tay làm gối, làm một giấc ngủ thật say. Bỗng mũi chàng ngửi thấy một mùi thơm thoang thoảng.
            Trong khi ấy Bán Phúc tiên sinh vẫn nói chuyện không ngớt với bác lái bông. Họ tuyền nói về chuyện tình và ai cũng đều tự phụ là đã chiếm được nhiều trái tim của đàn bà, và đã trải qua nhiều đường tình đẹp đẽ.
            Cảnh hoàng hôn đã sập xuống. Du khách đã lả tả ra về. Khi bác lái bông quay chén rượu Hoàng hoa tỏ dấu không uống nữa thì chuông chùa Nga Mi đã ngân vang.
            - Ông bạn của tôi đâu rồi?
            Bán Phúc tiên sinh hốt hoảng hỏi.
            - Câu chuyện của chúng ta làm ông ta không được vui lòng, có lẽ ông ấy đi đã lâu rồi thì phải.
            - Tuy vậy tôi rất lấy làm lo sợ cho ông ta.
            Nói đoạn Bán Phúc vội trở dậy đi tìm quanh hồ và gọi ầm lên. Không một tiếng trả lời, có chăng chỉ có tiếng vang đáp lại như riễu cợt. Chàng lại quay về chỗ cũ, trong lòng bối rối, trông thấy trong khoang thuyền mập mờ cái mũ đỏ của Đại Thông. Ở bên cạnh lại có một nhành hoa lê. Chàng nhảy xuống thuyền, cầm lấy nhành hoa tơi tả rơi trên mặt nước.
            Xa xa tiếng chuông chùa vẫn ngân rền rĩ. Như bị tiếng sét đánh, chàng tưởng như trông thấy trong bóng tối một ánh sáng đỏ của chiếc đèn lồng; chàng một tay cầm mũ, tần ngần… một tay cầm nhành hoa đã rữa đưa lên mũi nhưng có vẻ không còn dám tin đó là sự thực.
            Sau này, người ta biết rằng Đại Thông và Bán Phúc tiên sinh cùng rủ nhau đến ngôi đền hoang tàn nọ và họ đã thấy cỗ quan tài đó trống hốc, chỉ còn có cái tà áo mầu hoa hoắc lê và ngay cạnh đó có một con búp bê bằng vải, trên có treo một cái đèn lồng mẫu đơn.[5]

VŨ BẰNG (diễn quốc âm)
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 28 (8/9/1940); s. 30 (22/9/1940); s. 31 (29/9/1940).

[1] Truyện này TBCN đăng với tiêu đề “Liêu trai chí dị Nhật Bản” và ghi chú: Foumiko Takebayashi thuật, Georges Rageot dịch tiếng Pháp, Vũ Bằng diễn quốc âm, Nguyễn Huyến vẽ.
[2] Vì truyện đăng 3 kỳ nên ở đầu kỳ tiếp theo (TBCN s. 30) có đoạn Tóm tắt kỳ trước như sau: Đại Thông Thái Lang, từ khi vợ chết, không hôm nào là không ra mộ vợ để kêu ca khóc lóc. Một đêm kia, chàng về khuya, lỡ bước đi đến một cái đền lạnh lẽo và gặp một người rất đẹp đi với một con thị nữ cầm một cái đèn lồng mẫu đơn theo hầu…
[3] Bản gốc là “ngọc ngào tây bốc”, có thể có lỗi in, ở đây tạm sửa là “ngọt ngào tâng bốc”.
[4] Mở đầu kỳ đăng thứ ba (TBCN s. 31) có đoạn tóm tắt hai kỳ trước, như sau: Đại Thông Thái lang thường ra ấp mả vợ, một hôm về khuya, gặp một nữ lang rất đẹp đi với một con thị nữ mang cái đèn lồng mẫu đơn. Hai người quen biết nhau từ đấy, và Giáng Tuyết - tên nữ lang, thường đi lại luôn luôn với Đại Thông. Đại Thông mê nàng lắm bởi vì Giáng Tuyết đẹp một cách quyến rũ lạ thường.
[5] Lưu ý: Theo giới nghiên cứu quốc tế, truyện này của văn học Nhật Bản, cũng như Chuyện cây gạo trong tập Truyền kỳ mạn lục (thế kỷ XVI) của tác giả Việt Nam Nguyễn Dữ, - đều là dạng phóng tác từ (hoặc ít nhất là chịu ảnh hưởng của) truyện Mẫu đơn đăng ký trong tập Tiễn đăng tân thoại (1378) của tác gia Trung Quốc Cù Hựu (1341-1427).
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com