Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
30/6/12

Thần nữ đi chân không - Trần Thùy Mai

Thần nữ đi chân không
Trần Thùy Mai

            Đêm đã khuya. Nhà vua ngồi trước án thư, nghe quan Thượng thư Trịnh Hoài Đức đệ trình biểu chương từ các tỉnh tâu về. "Tâu Hoàng Thượng, phủ Thừa Thiên đã xây xong đền thờ bà cụ chèo đò; Đã khắc văn bia trong đền, kể chuyện Đức Kim Thượng tẩu quốc qua đây được bà cụ đưa sang sông. Vừa khi đó quân Tây Sơn truy đuổi, cũng bắt chở sang, bà cố ý trùng trình chậm lại, quân Tây Sơn tức giận chém chết...
            - Trẫm nhớ, nhớ rõ lắm...
            Nhà vua gật đầu, trong đôi mắt uy nghi hiện rõ những ngày gian khó năm xưa. Nếu không có lòng nhân từ của bà cụ thì giờ đây chắc gì còn có con người đang ngự trên ngai vàng sập ngự này. Mà lúc đó bà cụ có biết ngài là ai, sẽ làm gì đâu. Chỉ thấy trước mắt một con người đang cần che chở...
            - Tâu Bệ hạ, các tỉnh khác cũng đã có biểu dâng sự tích xin phong. Ở Phú Quốc, có chuyện cá sấu quy phục Bệ hạ, trâu nước chở Bệ hạ qua sông, ở Quảng Nam có con sói và con rái cá cứu Bệ hạ thoát nạn, lại có thần nữ trong núi hiện ra dâng cơm cho ngài...
            Nhà vua lắng nghe, không bỏ sót một chi tiết nào. Tất cả đều là chuyện của ngài. Đa số là do ngài kể, sơ sài thôi, sau đó Trịnh Thượng Thư nhuận sắc lại, cho sao lục gửi các quan ở tỉnh. Có nhiều chuyện được quan Thượng thêm thắt hay đến nỗi ngài không nhận ra chuyện của mình nữa.
            "Tâu Bệ hạ, ở những nơi có sự tích, xin triều đình cho quan địa phương xây đền thờ, tỏ rõ triều đình không quên công nghĩa...”
            Nhà vua ngần ngừ. Quan Thượng Trịnh là người văn nho nổi tiếng. Vì vậy ngài không thể không tự khiêm một chút. Trịnh tô vẽ như thế, biết đâu trong lòng chẳng có chút cười thầm. Phê chuẩn ngay, không chừng trong bụng hắn lại cho ta là gã hoàng đế háo danh, tệ hơn nữa, hắn sẽ nghĩ cái danh này ta có là nhờ ngòi bút trong tay hắn? Vì vậy, ngài nhìn như soi vào mắt quan Thượng Thư:
            - Làm đền rải rác từ Phú Xuân vào đến Phú Quốc như vậy, tất phải hao sức dân. Việc xây kinh thành vừa qua cũng làm tốn công quỹ nhiều rồi, các khoản khác, ta e chưa nên vội.
            Trịnh Hoài Đức rạp mình:
            - Tâu Bệ hạ, cung điện phải uy nghi lớn đẹp, nhưng đền miếu thì không cần phải kỳ vĩ lắm, cốt là việc thờ tự tinh sạch chí thành! Hơn nữa, một ngôi đền dựng lên, việc thờ cúng không phải chỉ đôi năm mà còn diên trì đến một trăm hai trăm năm, có khi cả ngàn năm! Dân chúng rồi đây sẽ mỗi năm cúng tế, truyền tụng về sự tích, sẽ biết bệ hạ có chân mệnh đế vương, được thần giúp, người giúp, cỏ cây muông thú cũng giúp; Dù có yết bảng, rao truyền, chép vào sử, cũng không lời lẽ nào mạnh bằng ký ức của những ngôi đền!
            Trịnh Hoài Đức ngẩng lên, mắt sáng ngời, như muốn nói: "Thần vì nước, nhà, vì uy đức lâu dài của Bệ hạ, chứ có phải là kẻ xu nịnh tầm thường đâu!” Như hiểu ánh mắt ấy, vẻ mặt Nhà vua dịu lại, ngài cầm bút rồng chấm son, phê chuẩn vào bên sớ tấu. Phê xong, ngài nhìn quan Thượng Thư,vẻ mặt hòa dịu, lòng thầm nghĩ "Ta cũng vì nước nhà, vì lợi ích vương triều về sau, chứ có phải thích nghe quần thần xoen xoét ngợi ca những câu chuyện " tẩu quốc" đó đâu!".
            "Chuyện đó có thiệt không má ?" Bé Ngoạn hỏi. "Chuyện chi con?" "Chuyện con chó rừng với con rái cá giúp nhà vua khỏi bị giặc bắt, chuyện thần nữ dâng cơm khi vua qua núi". "Ai nói với con ?" "Quan đòi dân làng mình đi gánh vôi, gánh gạch làm đền, đi về ai cũng kể vậy má à ." Nàng Tấm không dừng tay trên khung cửi, tủm tỉm cười. "Con có tin không?"

            Cả con chó rừng lẫn con rái cá đều được phong chức tước, dù là đã chết. Miếu thờ ở đầu ghềnh, chữ vàng chói lọi. Dân trong vùng trung du này đâu mấy ai biết chữ, chỉ nghe quan trên đọc: "Lang lại nhị đại tướng quân chi từ". Khi xây đền, dân đinh đều phải tề tựu làm thợ, bé Ngoạn mang quà bánh đến bán nên biết. Ngày ấy, đức vua lánh nạn qua đây, gặp khi giặc đuổi kíp quá, phải ẩn mình trong bụi cỏ rậm bên bờ khe. Chó săn của giặc bắt hơi người, xúm lại, giặc hằm hằm kéo nhau xông tới... Vừa lúc đó có con rái cá từ trong bụi nhảy ra, chạy một mạch vào rừng rậm, bầy chó săn chuyển hướng, ào ào chạy theo. Nhà vua thoát nạn, kiệt sức nằm đói lả bên suối. Vừa lúc đó có thần nữ hiện ra dâng cơm, nói rằng vì ngài có chân mệnh đế vương, vì vậy sai rái cá cứu ngài, lại sai chó rừng đưa đường. Ngài ẩn lại trong khe núi thêm ba ngày đêm chờ quân truy lùng rút hết, rồi nhờ con chó rừng dẫn lối, tìm đường lần được vào Nam...
            Bé Ngoạn kể xong cũng vừa lúc Nàng Tấm nấu chín nồi cơm khoai, đặt trên chõng tre. Chút mắm cà, mấy ngọn rau lang luộc bày trên cái mâm nan đã cũ. "Con chó rừng ấy là chó thần, má hỉ ? Nó lanh lợi thông minh biết đưa đường cho vua. Không có lười nhác nghễnh ngãng như con Vàng nhà ni." Như biết người ta đang nhắc tới mình, con chó già nằm trên ngạch cửa quay lui, đôi mắt đầy ghèn hấp háy nhìn. Nàng Tấm phủi chân lên chõng ngồi, bới cơm khoai vào mấy cái bát mẻ, bảo:
            - Đừng nói mà nó tủi. Chính nó đưa đường cho vua chứ còn ai!
            Bé Ngoạn phá ra cười . Chó thần đang được đúc tượng ngoài đền, được người ta rạp mình cúng bái. Con chó này tha thẩn ở bậu cửa, lông rụng gần hết, cả ngày chỉ dỏng tai chờ chủ ném cho nắm cơm...
            Hai má con cứ cãi nhau chuyện con chó. "Con không tin, đợi gặp vua cứ hỏi thì biết !" Nàng Tấm bảo. Nghĩ tới gặp vua, Bé Ngoạn sướng mê người. Nhưng má chỉ nói cho vui, ngay đến quan phủ cũng còn chưa chắc thấy mặt vua nữa là.
            Chỉ hôm sau cả làng đều biết chuyện Nàng Tấm bảo con chó già là Lang tướng quân trong đền thờ!
            "Má mày điên rồi!" Ai cũng nói vậy, khiến Bé Ngoạn không chịu nổi, khóc tấm tức chạy về mách mẹ. Nàng Tấm tức mình: "Đã thế, má con mình dẫn con chó ra kinh thăm nhà vua thật, để cho họ hết nói".
            "Lấy chi mà đi hở má, đường ra kinh xa lắm!"
            Nàng Tấm cười: “Má vừa đi vừa hát rong, múa võ. Bây giờ thời bình, người ta làm ăn khá, nhiều người ngoài chợ có tiền, mình không lo đói đâu con à".
            Bé Ngoạn sướng quá, lại chạy đi rao khắp nơi trong xóm. Ngày mai lại, mẹ con Nàng Tấm lên đường. Cả làng đều cười, bởi Nàng Tấm, con gái nhà họ Tống lâu nay đã được xem là đứa con gái dở hơi, chẳng giống ai.
            Sau chiến tranh, thành Phú Xuân vừa đắp lại xong, cung điện vẫn còn đơn sơ lắm. Phố chợ điêu tàn nay cũng chỉ mới bắt đầu vượng lại. Nhưng cái sinh khí bừng bừng của buổi đầu đế chế như tiềm tàng trong từng chuyến xe, từng phiên chợ, khiến cả kinh thành lúc nào cũng đầy sức sống.
            Quan tướng theo Nhà vua dựng nghiệp đa số là người trong Nam, nay họ ra kinh làm quan trong triều, kinh thành đầy những gia nhân quyến thuộc của họ, giọng Nam bộ vang lên khắp các nẻo đường. Người cả nước làm ăn buôn bán dồn về, thợ khéo các vùng cũng tụ hội. Trong không khí ấy, chuyện một người đàn bà lam lũ dẫn một đứa bé và một con chó gầy đi giữa kinh thành cũng không làm ai ngạc nhiên hay chú tâm cho lắm. Và khi người đàn bà ấy đến thẳng Ngọ Môn, đưa ra một cái túi gấm, đòi vào thăm vua, mà không bị lính canh xua đuổi, lại còn cho người phi báo đến tận ngài ngự, là chuyện chỉ có thể xẩy ra vào buổi đầu đế chế mà thôi.

            Báo là báo thế thôi, chứ tốp lính Dực Chấn giữ cổng kinh thành hôm ấy cũng chẳng tin vua lại cho vời... Vì vậy, khi thấy quân đem kiệu ra rước, cả toán trợn tròn mắt nhìn nhau. Rồi chỉ trong vòng nửa buổi, khắp hoàng cung ai cũng thì thầm rỉ tai cái tin nóng hổi: Người đàn bà ấy là cố nhân của Đức Kim Thượng, ngài đã nhận cả mẹ lẫn con, nay mai sẽ phong mẹ làm phi, con làm công chúa!
            "Còn con chó già thì..."
            Thái giám Mai Hỷ dè dặt hỏi vua. Nàng Tấm nhanh nhẩu:
            - Chó của ta đã là Lang tướng quân, còn phải phong gì nữa.
            Nhà vua hơi lừ mắt, bụng nghĩ: Sao nàng dám cướp lời trẫm, phi tần đâu ai dám thế. Nghĩ vậy nhưng ngài không nói ra, bởi cũng biết tính nàng chất phác, thôi để từ từ sẽ uốn nắn sau.
            Trong khi đó Thượng thư Trịnh Hoài Đức đang chờ trong nội tẩm. Từ khi hòa bình trở lại, Trịnh Thượng Thư đã trở thành bề tôi tâm phúc, việc gì nhà vua cũng hỏi ông, khiến nhiều võ tướng có công đầu trong thời chiến nhiều khi phải chạnh lòng, nghĩ rằng đã đến cái thời binh giáp bị xếp xó, văn thần được trọng vọng.
            Hôm nay khí sắc Trịnh không vui, xem chừng có điều lấn cấn trong tâm tư. "Tâu Bệ hạ, đền đã xây xong. Khắp trong dân gian đã truyền tụng câu chuyện thiêng liêng. Bây giờ lại xuất hiện người thật, chó thật. Rồi thì thiên hạ sẽ nghĩ sao về những miếu đền khác?"
            Nhà vua chưa vội nói ngay. Ngài vẫn giữ cái nết điềm tĩnh thời còn bôn tẩu, vốn làm cho ngài rất được lòng kẻ dưới. Khi nào có xung đột ý kiến, ngài vẫn kiếm chuyện nói đùa cho qua:
            - Người ta vẫn nói dù anh hùng cái thế cũng khó qua cửa ải mỹ nhân.Trẫm cũng là mày râu, chuyện hoa lá bên đường cũng thường thôi mà.
            Ngài là vua, sao có thể là người bình thường được.Trịnh Thượng thư nghĩ thầm, giọng ông nguội lạnh:
            - Thần nghe thái giám Mai Hỷ bảo đang chọn ngày làm lễ nạp phi long trọng. Theo ý thần, việc này chỉ nên làm gọn, xem như chuyện nhỏ trong hậu cung, càng ít người biết càng tốt.
            Nhà vua gật đầu - Gật là gật vậy, nhưng ý ngài lại khác hẳn:
            - Trịnh khanh, trẫm lại có ý thế này...
            Nhà vua hạ giọng: “Năm ngoái, do đình thần sơ suất trong việc ghi công mà thành ra trẫm đã phải mang tiếng vì chuyện quên công của Văn Báo...”
            Trịnh giật mình, rạp người: “Tâu vâng, đó là lỗi của thần.” Văn Báo, người hầu không biết chữ, không chức tước, vào thời Nhà vua còn lẩn lút ở miền Nam đã dùng thân mình che cho vua, lãnh mười mấy nhát dao, khắp thân mình đầy sẹo. Sau khi đại định, vua thưởng công cho các tướng theo phò từ thời nguy khó, thế nào lại quên mất Văn Báo. Cũng dễ hiểu vì mười mấy năm qua, bao nhiêu việc xảy ra, nhiều người theo vua thưở ấy đã thăng tiến đến những chức vụ lớn, trong khi Văn Báo do dốt nát nên chỉ là một người hầu luống tuổi ở lại trong Nam. Trịnh Thượng thư quên, nhà vua làm sao mà nhớ, đến khi Hoàng hậu nhắc, nhà vua cho gọi thì Văn Báo chạnh lòng, lấy cớ lưu luyến mẹ già, nhất định không chịu ra lãnh ơn sủng của triều đình. “Thật là Trẫm ân hận không kể hết. Bây giờ nhân chuyện đền ơnTống thị, vừa là đạo vợ chồng, vừa là việc công nghĩa, cũng tốt đẹp lắm chứ, sao không làm rỡ ràng cho thiên hạ biết ?”
            Là người rất tâm lý, Ngài nói đúng theo cách nghĩ của Trịnh Thượng Thư. Chứ thật ra trong lòng ngài không đến nỗi vụ lợi như thế, lòng ngài vẫn nhớ cái tình nồng nàn của Nàng Tấm cái đêm qua truông ấy.
            Trong một góc viện Đoan Trang, mẹ con nàng Tấm hí hửng vui mừng. Thái giám đã truyền, tối nay sau chuyến đi thăm xưởng đúc súng ở phường Đúc về, Nhà vua sẽ ngự nơi đây.

            Thị nữ mời Nàng Tấm chải đầu, xức dầu, mang áo lụa và hài thêu. Bé Ngoạn nhìn mẹ trong bộ quần áo kiểu cách, cô bé bụm miệng cười nghiêng ngả. Nàng Tấm nhìn mình trong gương rồi cũng bật cười. Nàng tháo hết các thứ y phục lỉnh kỉnh ra, mặc lại bộ bà ba đen.
            - Bẩm bà, đây là quy định trong cung, xin bà đừng sơ suất mà phật ý thánh thượng.
            Thái giám Mai Hỷ nói, mặt mày nặng chình chịch. Ông là một thái giám già từ thời Chúa Nguyễn Phúc Thuần còn sót lại. Hồi còn chiến tranh, vua và cung quyến sống gần dân nên lời ăn tiếng nói, cách xử sự cũng rất đơn giản, những kiểu cách quý tộc giản lược gần hết. Bây giờ, hoàng hậu phải tìm cho được thái giám của tiền triều, giao cho việc khôi phục lại lễ nghi phép tắc ngày xưa.
            Nhưng nàng Tấm chẳng quan tâm gì chuyện đó. Lễ nghi phép tắc gì, nàng đâu cần biết, với nàng chỉ có người đàn ông mà nàng đã cứu sống bên bờ suối, đã giấu trong căn chòi canh bẫy nơi bìa rừng. Khi ông ta nói về ngày “đại định “ nàng đã phá ra cười, khi ông đưa cái túi gấm làm vật ghi nhớ nàng cũng thờ ơ nhét vào dưới chiếu. Đến lúc ông cùng con chó khuất bóng trong rừng rồi, nàng mới òa khóc nức nở, để rồi hơn mười năm sau cứ khư khư giữ mãi cái túi, không phải vì nó làm bằng gấm thất thể hảo hạng mà vì hơi người của ông dường như vẫn còn mãi trên đó không phai.
            Trời tối. Từ điện Càn Thành, một ngọn đèn lồng màu vàng xuất hiện, rồi tiếp theo là hai dãy lồng đèn bánh ú song song đang từ từ di chuyển càng lúc càng đến gần. Nàng Tấm cố nhìn, trong bóng đêm, hiện ra chiếc kiệu ngự sau hai hàng thị nữ cầm đèn soi đường. Nhà vua đã đến!
            Đêm ấy thật là vui. Nàng Tấm và Bé Ngoạn vui đùa ríu rít quên hẳn mình đang ở trong cung điện. Nhà vua cười sảng khoái, tưởng mình đang ở trong cánh rừng ngày xưa. "Này, một ngày nào đó ta sẽ cùng nàng về thăm dòng suối chảy qua làng Hòa, sao lại không nhỉ?"
            Khi Bé Ngoạn đã ngủ gật và được thị tỳ bồng đi nơi khác, những ngọn nến dần tắt. Rất nhiều cành lá được cắm trong phòng, nàng Tấm đã cho cắm nhiều lá xanh để đỡ nhớ rừng. Nhà vua nhìn quanh, cảm thấy như đang nằm trong túp lều bên dòng suối Ồ Ồ ngày trước. Nàng Tấm ở bên ngài, thân thể nàng khỏe mạnh, vóc vạc thô ráp, mùi mồ hôi nồng mặn. Đúng là Nàng Tấm của đêm ấy, nhưng sao hôm nay ngài thấy khang khác. Tay ngài chạm vào lớp vải áo thô. “Áo la nhu của cung phi mặc khi hầu ngự, chúng nó không cấp cho ái khanh sao ?” Nàng Tấm vòng tay ôm chặt mình rồng:”Dạ có, nhưng em mặc không quen.”
            Nhà vua bật cười. Ngài nhớ ra lúc nãy khi vừa đến, thấy nàng đi chân không ra đón. Chân vua chạm vào chân nàng, thấy rõ những cục chai lớn. Bỗng nhiên nàng Tấm ngượng ngùng, rụt chân lại:
            - Em sợ nhất phải đi hài ... Cứ bước đi là chúng rơi ra.
            Vua cười rất to, rồi kéo nàng vào lòng . Bỗng ngài hơi khựng lại. Mười năm trước, trên cái chiếu xô xảm, mà sao da thịt nàng nõn nà như lụa. Bây giờ nằm trên đệm lông chim, thân thể nàng lại không có được cái mát dịu như xưa, là sao nhỉ? Nhà vua chặc lưỡi, mười năm đã qua, nàng khác trước mà mình nay cũng khác trước rồi. Nhưng mấy chữ ân nghĩa thì không thể nào thay đổi.
            Nghĩ thế nhà vua lại ôm chặt nàng vuốt ve, trìu mến vô hạn.
            Những hôm sau Nàng Tấm và Bé Ngoạn vẫn có ý chờ, nhưng chẳng thấy vua quay lại. Ánh đèn lồng mỗi đêm vẫn xuất phát từ điện Cần Chánh rồi đi vào khu vực nội cung, nhưng dừng lại ở nơi khác, không đến chỗ mẹ con nàng. Thái giám Mai Hỷ bảo:
            - Cung phi nhiều lắm, ơn vua phải đều khắp . May lắm thì một tháng sau ngài mới quay lại.
            Nói rồi ông quay đi, lạnh lùng. Ông vẫn còn giữ nhiều thói quen thời tiền triều, trong đó có thói quen nhận tiền trầu nước từ các cung phi, có khi đến vài chục lạng . Khắp nội cung không ai là không biết, trừ Nàng Tấm.
            Nàng Tấm buồn, Bé Ngoạn cũng buồn. "Má ạ, con Vàng đi đâu cũng bị người ta xua đuổi. Người ta bảo nó già, hôi lắm, chắc không để lâu trong cung được." Nàng Tấm bảo: "Cha con đã dặn thị nữ phải phục dịch nó chu đáo mà. Rồi khi nào gặp cha con, má sẽ nhắc".
            Nhưng hai tháng sau vẫn không thấy nhà vua đến.
            Bộ Lễ đã dâng lên nhà vua ngày lành tháng tốt để làm lễ nạp phi. Lễ sẽ được tổ chức long trọng, rình rang hơn hẳn các lễ nạp phi từ trước. Ngày nào Thái giám Mai Hỷ cũng đến, bắt Nàng Tấm đứng lên, quỳ xuống...
            Suốt ba tháng, Nàng Tấm phải tập đi, tập đứng, tập nói, tập quỳ. Nhà vua vẫn không hề đến .Thị nữ an ủi Nàng Tấm: Thánh thượng trăm công ngàn việc...
            Đêm đêm, hai mẹ con ngồi dựa cửa, nhìn hai dãy đèn lồng di chuyển trong sân hoàng cung.
            Ngày lễ đến. Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên từ phía điện Phụng Tiên. Kiệu đỏ dừng trước thềm cung, chờ đón Nàng Tấm đến đền. Nhưng trong cung, cảnh náo loạn đang diễn ra: đoàn thị nữ tìm cuống lên mà chẳng thấy Nàng Tấm đâu cả.
            Nàng Tấm, Bé Ngoạn và con Vàng, cả ba đang trên đường tìm về làng cũ. Một tháng sau về tới quê nhà, họ đi qua miếu thờ Lang lại nhị đại tướng quân, rồi qua đền thờ Khuông Phò Thần nữ. Cuối cùng thì đến gian nhà cỏ chênh vênh bên bờ suối, nơi xuất phát tất cả những chuyện thần kỳ đang được nhang khói ngoài kia.
            Dân trong thôn nghe nói nàng Tấm về, kéo nhau đến hỏi, chuyện kinh thành ra sao ? Nhưng nàng chẳng nói một lời nào, lẳng lặng cầm cây cuốc, bước ra ngoài nương.
            Mấy hôm sau bé Ngoạn khóc mếu bảo mẹ:
            - Má ơi, con nít trong làng xúm nhau nói má con mình nói dóc, đi lang bạt ở đâu đâu rồi về bịa đặt ra chuyện vào cung.
            Nàng Tấm ôm con vào lòng, an ủi:
            - Thì cứ xem như mình chưa hề vào cung, con à.
            Người trong thôn bảo nhau con bé Ngoạn đi giang hồ theo mẹ lâu nay, bây giờ lại sinh cái chứng khùng, lâu lâu hái hoa cài đầy đầu, tự xưng là công chúa. Những lần theo mẹ lên nương, bé Ngoạn ngồi bới khoai dưới nắng, miệng lầm bầm:
            - Tụi nó cứ trêu chọc con, rồi có ngày cha con đến đây tìm, con sẽ cho nó biết.
            Nàng Tấm vung cuốc, cuốc xuống luống đất xốp đầy cát.
            - Nhà vua chắc không nhớ đường vào đây đâu, con à!
            Đúng như vậy, không ai đi tìm họ cả. Tuy vậy sau này trong sử sách cũng còn ghi một dòng trong phần viết về con cái của nhà vua: "Công chúa thứ sáu, mẹ là thứ nhân họ Tống".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com