Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
20/6/12

Tháng ngày đã qua - Phan Đình Minh

Tháng ngày đã qua
Phan Đình Minh

            Nhìn ra ngoài trời thấy mọi thứ cứ sáng nhờ, nhẹ bẫng.
            Giờ, chắc nửa đêm.
            Tôi bỗng nghe cha mẹ tôi rì rầm trong buồng: “Cán bộ xã thằng nào bụng cũng phưỡn ra, sao cậu ấy cứ tóp vào như chó đói. Cái làng này không hiểu rồi sự thể thế nào!”.
            Đêm vắng, tĩnh mịch quá. Tôi biết, cha mẹ lại nói về cậu Ngàn tôi. Mẹ là chị, sau đến cậu Điền, cậu Ngàn. Út vậy nhưng cậu Ngàn chỉ kém cậu Điền hai tuổi. Ngày cha tôi đưa cả nhà từ thị xã Phú Thọ về quê, cậu Ngàn, cậu Điền ra tận ga Cẩm Chinh đón, sau này tôi biết, cậu Ngàn ra đón chỉ vì mẹ hứa cho cậu cái quần xi-mi-li cha tôi mặc chật. Việc đầu tiên về đến nhà là cậu Ngàn hỏi quần đâu, cậu nằng nặc đến mức mẹ tôi phải bới tung đống đồ đạc để tìm quần đưa cậu trước khi đưa cái áo cánh lụa biếu bà ngoại.
            Gió mùa khô giá chèo chẹo thổi đẫy ba tháng, khi chiếc lá bưởi cuối cùng rụng thay vào lộc chồi kèm những bông hoa thơm ngát sớm đón cái nóng đầu mùa chói chang thì bà ngoại bấm đốt vừa chớm tháng đẻ cậu Điền. Không cần đợi xã gọi, cậu làm đơn xung phong đi bộ đội. Mà cậu viết đơn lúc nào bà ngoại  không biết. Lúc này trông cậu cao nghêu, chắc đinh. Hôm khám tuyển, trời nắng to, rội xém đầu hè. Cậu đi chẳng mũ nón gì, trưa chặt mới về. Bà ngoại giật thột khi cậu phăm phăm vào ngõ. Cậu gạt mồ hôi, vênh mặt với bà:“Đặc công cạn”. “Đặc gì thì cũng xông vào mũi tên hòn đạn”. “Cả trăm khám tuyển mới được vài thằng trúng đặc công, U này”. Bà ngoại chẳng nói thêm câu nào, ho khục khục, bước ra ôm cho con trâu ôm cỏ.
            Cậu Điền đóng quân ở Cầu Cất, cách nhà mươi cây số. Tuần nào, tôi cũng được cha cho đi thăm. Vài tháng huấn luyện, cậu Điền càng rắn rỏi ra. Nhìn cậu, tôi nghĩ ngay đến cây nhíp ôtô thợ rèn đầu làng nung làm dao rựa thửa. Chiến trận sẽ là nơi tốt nhất để cậu quăng vào. Và lúc đó tôi luôn tin không có súng đạn nào có thể xuyên thủng da thịt cậu Điền tôi. Đôi lần cậu được về thăm nhà vài tiếng đồng hồ. Cậu nói kỷ luật quân đội không cho ở nhà lâu. Lần nào về, cậu chỉ có mỗi việc múa võ rồi phóng người qua chiếc dây phơi căng trước sân rồi đến bữa, xếp bằng đánh thông lèo bẩy bát cơm độn khoai khô. Huấn luyện được bốn tháng thì cậu đi B. Nghe tin, bà ngoại ngồi thụp xuống chân đống rơm ôm mặt. Bà biết chắc cậu ra trận sẽ hy sinh, vì tính cả hổ chẳng kiềng gì. Cha tôi và cậu Ngàn mượn xe đạp tức tốc phóng sang Cầu Cất thì cậu Điền đã lên ôtô từ gà gáy. Hai nắm cơm nếp bà tôi thổi gói để cha đưa cậu Điền ăn đường bẹt dính, nhão nhoẹt tôi nhai muốn trễ hàm.
            Nhà tôi lúc này được xã cắm đất ra đầu làng không phải ở nhờ bà ngoại nữa. Đầu làng vắng và chống chếnh. Những đêm mát giời, cửa sổ nhà tôi cứ bời bời gió từ đồng Dóc thổi về; hôm có bão to, nhà tôi đón trọn mưa bão đùng đùng; những đận nóng gắt cháy táp ngọn tre nhà tôi cũng chang chang nắng ngoài đồng Dóc rội về... cậu Ngàn đã choai choai, rồi cập kê tuổi khám nghĩa vụ. Cậu Ngàn nhỏ con nên không trúng đặc công, vào binh chủng vận tải, học lái xe ở Ba Vì. Cha và tôi chỉ lên thăm được hai lần vì cậu đóng quân xa quá. Khác với lần đi bộ đội của cậu Điền, bà ngoại không khóc nhiều. Mỗi bận cậu Ngàn về, bà hay dặn dò về đường ăn nết ở. “Đi bộ đội là xông vào trận tuyền, chứ đâu có rỗi rãi chơi bời mà u dặn nhiều điều thế”. Nghe bà nói, cậu Ngàn lại nhăn nhó.
            Mưa rào đến sớm kéo cá dưới đầm Lô lên đồng Dóc vật đẻ. Lúa thì con gái. Tôi cứ trực đầu bờ những tràn ruộng trũng chờ cá quẩn là phi nơm xuống. Mẻ úp nào cũng được vài con chép. Mùa nước tràn đồng năm đó, tôi úp được nhiều cá lên vật đẻ lắm. Có hôm đầy sồng. Cha lại sai tôi mang biếu bà ngoại con chép hàng cân. Lúc hoa bưởi vườn bà ngoại tàn, chúm chím những quả bưởi non bằng quả chanh thì được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng. Việc đi B của cậu Ngàn thảnh thơi hơn nhiều so với cậu Điền. Cậu Ngàn lên xe lái một lèo vào đến Sài Gòn vì đúng dịp tổng tiến công năm 1975, giải phóng đâu, cậu đi vào tiếp quản đấy. Sen làng tàn rồi mướt vẫn không thấy tin tức cậu Điền. Trên đường Năm Bê thỉnh thoảng lại có chú bộ đội khoác ba nô nặc nè, đằng sau buộc chiếc khung xe đạp i nox nhẵn thín kèm con búp bê to, mắt xanh, lông mi cong vút, đứng thì mở, đặt nằm xuống thì nhắm. Nhìn con búp bê tôi cứ đỏ văng mặt vì cái váy của nó cũn cỡn, hững hờ quá. Mỗi ngày qua đi là một ngày bà ngoại và mẹ lo nghĩ héo hon. Tôi thì cứ chờ cậu Điền sẽ đeo súng lục, ngồi trên ôtô, đằng trước treo băng rôn...  Rồi đùng một cái có tin cậu Điền nghỉ dưỡng ở trại ăn dưỡng Chí Linh. Cậu bị trấn thương sọ não, ra Bắc gần một năm mà cậu chẳng hề báo cho nhà biết. Làm trong họ đồn thổi cậu mất tích, người thì bảo cậu lĩnh nhiệm vụ đặc biệt, đang ở tận nước ngoài. Có người dựng chuyện cậu theo địch, bây giờ đã bị bắt giam.
            Ngày cậu Điền về làng tuy không ngồi trên ôtô có băng rôn khẩu hiệu nhưng vẫn in đậm trong tôi về hình ảnh một người anh hùng. Cậu khoác chiếc ba lô con cóc nhẹ tênh, mấy túi bên cạnh đựng chật huân chương. Cậu là đặc công mà sao tôi thấy có cả huy chương Dũng sỹ diệt xe cơ giới mới đặc biệt chứ. Tay cậu cầm một cái cây nho nhỏ, cậu nói là quà do người bạn đem tận miền Nam ra. Cậu gọi cây ấy là sấu Vân Nam. Sau này tôi biết đấy là cây cóc chứ có phải loại cây quý gì đâu. Cậu trồng ở đầu hồi rồi ngày ngày chăm bón rất chu đáo. Bọn trẻ con chúng tôi hay ngắt trộm lá để ăn vì nó dôn dốt chua. Những buổi họp thanh niên vào các tối sáng trăng ở làng tôi bấy giờ gắn với bao nhiêu câu chuyện chiến trường ác liệt cậu Điền kể. Mỗi vết sẹo dù nhỏ trên người cậu đều là chiến tích đầy thán phục. Gió rời rợi từ đống Găng trườn qua mấy ao sen vãi hương ngai ngái của lạc, của mật mía tận xa ngoài đồng Dóc ùa về sân kho rộng mấy sào. Cậu Điền mặc chiếc áo lót cộc tay, tay cậu cứ hua hua. Trăng mười tám vằng vặc. Bóng cậu Điền đổ dài lên chiếc bể ngâm thóc giống. Bọn trẻ con và gái làng nhìn cậu như thôi miên, ngưỡng mộ. Tôi nghĩ: “Giá kể cậu Điền bị mất một cánh tay, hay một bên chân chắc trông cậu oai hùng thêm nữa”.˜
            Từ trại an dưỡng cậu Điền về thị đội Hải Dương, rồi năm sau cậu  chuyển ngành làm nhân viên cửa hàng lương thực Nam Thành. Lúc này cậu Điền là mẫu đàn ông lý tưởng của nhiều cô gái xã tôi. Mỗi lần cậu phóng chiếc xe đạp Vĩnh Cửu bà ngoại bán tứ tát mọi thứ trong nhà để tậu, trước bụng đeo chiếc đài Sương Mao, áo pô pơ lin trắng, quần xi-mi-li mỗi chiều thứ bẩy trên đường Năm Bê là cả cánh đồng người ngước mắt nhìn. Nhà càng mong cậu cưới vợ. Bà ngoại lẳng lặng ướm mấy đám ở làng trên. Lần nào nói đến, cậu cũng gạt phắt, làm bà cũng nản. Rồi đùng một cái cậu Điền về nhà đòi bà cho cưới vợ. Vợ cậu Điền là con gái ông cửa hàng trưởng cửa hàng lương thực. Việc chuyển ngành  cũng là do ông bố vợ lo nhân một ngày ông nhắm được anh chàng có mác thương binh ở đám cỗ người quen. Chuyện đám cưới cậu Điền, tất cả đều do nhà gái tính. Đồ thách cưới cậu Điền bí mật mang về buổi tối thì vài hôm sau đường hoàng quay trở lại nhà gái giữa ban ngày. Trăng mật, cậu nhốt vợ trong buồng hẳn một tuần không cho ra, đến bữa, ăn gì là bà ngoại tôi buộc cái nồi vào đầu đòn gính, đứng xa câu vào. Cậu Điền hé cửa cầm vụt một cái, rồi lại đóng cửa như nêm. “Cả tuần. Chả đụng chân đụng tay việc gì. Mợ này hay thật”- Mẹ tôi ca cẩm. Tôi tò mò ghé mắt qua vách vầu nhìn trộm thì bị cậu ngậm chè bồm phịt cho một cái, tối tăm mặt mũi.
            Cậu Ngàn bị co gân do y tá trung đoàn tiêm, không đạp chân ga được, cậu cũng về làng, hưởng chế độ mất sức. Cuối năm, cậu cũng cưới. Hôm cậu Ngàn đưa vợ lên xã đăng ký kết hôn tôi lẵng nhẵng theo. “Nguyễn Duy Ngàn, Trịnh Thị Thúy”. “Sao?”. Ông phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã cùng vợ cậu Ngàn mắt tròn xoe. Cậu Ngàn không muốn trong đăng ký kết hôn có cái tên Lài vì cậu chót khoe vợ cậu tên Thúy với bạn cùng đơn vị. Mợ Lài không ký vào đơn làm cậu Ngàn phải thuyết phục dỗ dành mất cả tiếng đồng hồ. Nghe mẹ tôi kể, để quen cái tên này mợ đã giận cậu nửa tháng trời. Tháng mười, sân nhà bà ngoại đầy gốc dạ phơi. Mùi dạ ải thoang thoảng tãi cả chục nắng mới đánh đống đun dần. Nhờ cân đôi lợn, với tiền gom được từ bao giờ cậu Ngàn phá cái nhà buộc nhứng ra xây lại. Hai tháng sau cậu mời cả họ ăn nhà mới, làm những ba mươi mâm cỗ. Cả bố vợ cậu Điền cũng sang. Thấy cỗ bầy la liệt, mặt cha tôi chuyển mầu xám tro. Mẹ tôi lúc lúc lại kéo gấu áo chấm mắt, than vắn thở dài.
            Những bông hoa sen cuối cùng ở ao Hàng Giáp rụng cánh, lá sen rũ ngược, loang lổ những vết sậm đen do sương đêm nhuộm, một lần tôi lại nghe trộm cha nói chuyện khuya khoắt với mẹ:“Dạo này cậu Điền có điều trắc trở”. Chủ nhật cậu ít về, mỗi khi về lại say rượu với mấy người đồng ngũ. Giữa trưa, nắng rớt cuối hè nhuộm sậm bụi tre đầu ngõ nhà tôi. Cha đang nằm đưa võng, trông nhạt ngày để ra cầy nốt khoảnh ruộng ở đồng Ngang. Tôi thì đang hì hụi ghép tờ giấy báo cũ cố phết cục cơm nguội cứng kèo bó cho được cái diều hai lóng. Bỗng nghe thấy bên nhà bà ngoại tiếng cậu Điền hét inh tai. Tôi và cha nhó mặt ra thì thấy bóng chiếc áo xanh trứng sáo cậu Điền mặc cứ nhoi nhoi. Con mắt cha và tôi đờ đẫn khi bắt gặp trên tay cậu Điền cầm khẩu súng bắn đạn ghém. Các thế xung phong, bò toài cậu thi triển một cách điên cuồng như đang tấn công kẻ vô hình. Chốc chốc cậu lại lao ra cắm đầu vào vại nước rồi xòe diêm thục vào đống rơm đang ải trước sân. Mỗi lần thục que diêm cậu lại hét lên một tiếng, nghe như lợn hộc. Dăm lần hộc thì đống rơm bùng lửa. Cậu Điền quay phắt ra hè vồ chiếc xe đạp, đạp thục mạng hướng đường cái Năm Bê. Cha tôi và tôi lao sang, chỉ ba lần nhún, cha đã vục được đôi thùng gánh nước xuống mép ao. Lần quại nước thứ tư cha mới dập được bụm lửa bùng phần phật. Cái đống rơm lù lù lẻm một góc bằng hai chiếc thúng. Hồi bấy giờ tôi không thể lý giải cậu Điền bức xúc điều gì đến độ phải châm lửa đốt đống rơm nhà mình vậy. “Chắc liên quan đến mảnh sọ đây”. Cha tôi khẳng định với cậu Ngàn. Thân hình bà ngoại xọm trông thấy, khuôn mặt cha tôi đăm chiêu hơn. Cả nhà mất ăn mất ngủ vì thái độ kỳ quặc của cậu Điền. Được hơn một tháng từ hôm đốt đống rơm cậu Điền chính thức về nhà, không làm ở cửa hàng lương thực huyện Nam Thành nữa. Trong nhà kín bưng, cha mẹ tôi kín bưng. Cả năm sau tôi mới phong thanh nguyên do việc về nhà là do cậu Điền tham ô hai tạ thóc khi được cử xuống xã thu mua thóc. Cũng sau này tôi biết vụ tham ô thóc sâu xa là do ông bố vợ cậu làm. Cậu bỏ bê công việc ở cửa hàng lương thực, rồi bỏ về mà không chờ phòng lương thực huyện có ý kiến gì. Và hơn một tháng sau, mợ Điền cũng bỏ về bên ngoại không một lời đái lại bà tôi. Tờ giấy ly hôn mợ ký sẵn cậu Điền thấy dật dờ trên bàn lúc cậu đi họp đồng ngũ, về chưa kịp cởi giầy.
            Tôi vào trường đào tạo lính thông tin. Lúc này mới gọi là bước một chân vào quân đội. Vườn bà ngoại được mùa ổi, mùa na. Hằng hà quả chín trên đầu những buổi trưa bù khú chuyện với đám bạn trong làng với bao hoài bão xa vời trằn trọc tôi những đêm thao thức ngủ giường tầng. Kỷ luật quân đội tôi làm quen đâu dễ. Ngoài thao trường học đội ngũ, thao tác bộ binh còn suốt ngày trên lớp làm bạn với tín hiệu tịch tà. Mấy trăm con người hết thảy đều hăng say mài đũng quần tu luyện đôi tai và đôi tay thật nhuyễn. Cái sự rèn luyện của lính thông tin kể ra là khổ luyện. Đấy, chỉ nói một môn thu, phát báo tín hiệu moocs. Chữ a là tịch tà, chữ b là tà tịch tịch tịch, chữ q là tà tà tịch tà... số 3 là tịch tịch tịch tà tà, hai mươi bốn chữ cái, mười chữ số với những ký hiệu rườm rà mà ông Moocs nghĩ ra, làm sao để tín hiệu vào tai là chảy thành chữ, thành số ra tay. Rồi nâng tốc độ từ năm mươi chữ một phút, tám mươi chữ một phút, thu được một trăm bốn mươi chữ một phút là có thể đeo lon hạ sỹ, ra trường thành lính thông tin vác máy lên vai, xông vào trận được rồi. “Đồ thối tai, chai đít”. Mỗi lần về, mẹ mổ gà, cậu Điền được mời sang ăn, khi tôi ra tầu, cậu lại nói câu này làm tôi chẳng muốn chào cậu. Hình ảnh kiêu hùng của cậu Điền nhạt nhòa dần trong tôi bởi chuyện cậu thoái hóa từ anh cán bộ lương thực thành nông dân để gia tài chỉ còn mỗi tấm thẻ thương binh.˜
            Năm đó nhuận hai tháng sáu.
            Tháng sáu nhuận mưa nhiều.
            Mưa không dứt.
            Đồng Dóc ngập mênh mông bởi đập Bát Thủy nước tràn trề chẳng tiêu. Cậu Ngàn trúng cử vào ban quản trị hợp tác xã, rồi trúng phó chủ tịch, kiêm trưởng công an xã đúng ngày vỡ lở chuyện tằng tịu của cậu với cô Hướng vú to. Chuyện tóe loe cả làng biết từ bữa cậu Ngàn ôm quần phóng qua bờ rào dâm bụt nhưng không qua làm bờ rào đổ rạp. Sức khỏe cậu giảm rồi chứ khi chân chưa bị teo gân, cao gấp đôi cậu cũng nhón qua. Mấy khóm râm bụt tung rễ hở tơ hơ mọi thứ trong nhà lúc cô Hướng chưa kịp buông mành. Vú vê cô Hướng thỗn thệu. Lũ trẻ con như ong vỡ tổ, chúng không xem được pha kết thúc, đổi lại chúng chiêm ngưỡng thỏa thuê bộ ngực vĩ đại trắng phau, to như cái gầu giai của cô Hướng. Cái thú nhìn trộm của bọn trẻ diễn ra gần một tháng rồi mà làng không ai biết. Cô Hướng có chồng lái tầu cuốc tận Móng Cái, ba bốn tháng mới về. Người cô trắng, rắn đanh như khúc giò. Cặp mắt lá răm, nhìn thẳng, nhìn nghiêng đều như là liếc. Chỉ tội chân cô Hướng hơi ngắn. Chẳng hiểu sao một đêm sáng trăng cô Hướng lại nhờ cậu Ngàn tôi sang bắt hộ con lợn tháu từ chuồng bé sau nhà bỏ sang cái chuồng lớn đầu hồi. Con lợn chắc như vồ, nhẩy choi choi hay ánh đèn pin cô Hướng soi lệch mà cậu Ngàn ôm nhầm cả chủ nhà. Cậu Ngàn và cô Hướng quần nhau hõm góc đống rơm mà tay cậu Ngàn vẫn khư khư con lợn. Kỳ lạ, con lợn tháu lúc trước giẫy rụa long sòng sọc, giờ im thin thít, miệng chỉ kêu ụt ịt không đụng cựa gì cả. Xong chuyện, cậu Ngàn khẽ khàng xách nó thả vào chuồng rồi chạy vụt ra cổng trong ánh đèn pin cô Hướng quên chưa tắt lăn lóc dưới sân.
            Bọn trẻ con thả trâu mé đông đồng Dóc, chiều chiều thấy bóng cậu Ngàn thấp thoáng con đường trái nhà cô Hướng là khẩn trương thu trâu rồi từng đứa đột kích vào vườn chuối sau nhà. Cái cửa liếp chống hờ đủ hở một lằn ngang dẻo một vệt chục đôi mắt trẻ con. Thế là các cảnh ngoại tình ngày bị bọn trẻ trong làng ngắm thỏa thuê. Mỗi lần vậy lũ trẻ đứa nào đứa nấy mệt nhoài vì phải tập trung cao độ và nhịn thở liên tục. Chuyện đổ rạp hàng rào dâm bụt đến tai cậu Điền thì đã vung vít khắp làng rồi “Tôi không hiểu cô còn là con người. Dẹp ngay chuyện hủ hóa này, không, tôi chặt đứt chân”. Cậu Điền hùng hổ. Còn cậu Ngàn thì thẽ thọt: “Giữ kín chuyện tôi sẽ tính với mình trong dịp chia sản đợt này”. “Bậy qúa”. Cha tôi nói nhỏ với mẹ. Dù có giận tím gan, cậu Điền cũng không được dọa người ta thế. Cả cái cách lợi dụng chức quyền đánh bùn sang ao của cậu Ngàn nữa. Nghĩ cạn, chỉ có nhằm vào ruộng, vào lúa cậu Ngàn mới hãm được cái miệng toe toe của bao thóc mộng này.
            Đoàng... Đoàng.
            Tiếng súng phát ra từ đầu hồi nhà cậu Điền tôi. Chiếc loa truyền thanh như thúng cái rơi đến chủm, tắt ngủm. Trong nhà, cậu Điền ôm đầu nằm vật ra giường. Cậu Điền bắn rất nhanh, hầu như không cần ngắm, hai viên đạn chưa đủ độ xa để tõe. Đường đạn chụm trong lòng quả trứng gà. Viên thứ nhất khiến chiếc loa câm tịt, viên thứ hai tiện phăng chiếc dây thừng buộc, tiện luôn bài phát biểu của ông chủ tịch xã đang phổ biến tình hình gà, vịt chết dịch đến đoạn tổng kết các thôn chết bao nhiêu. Chiều hôm đó, hai dân quân điệu khít khao cậu Điền từ phòng khám bệnh viện huyện về ủy ban xã. Trước mặt cậu Ngàn, ông chủ tịch và sáu dân phòng, cậu Điền ngồi như phỗng nghe chủ tịch lên dây cót về đủ thứ đạo đức trên đời... đến lúc mặt cậu Điền đỏ găng, thái dương giật giật. Hai tay cậu đưa lên ôm đầu thì ông chủ tịch xã mới ngừng mạt sát. Cũng may xã cho việc bắn rụng loa phóng thanh nguyên do tại vết thương sọ não, hơn nữa cha tôi đã ngụp, mò loa treo trả y nguyên không cậu Điền bị công an điệu xuống huyện là cái chắc. Việc bắn rụng loa đơn thuần chỉ là chuyện buốt đầu, bởi đủ thứ thông tin tạp nham gã truyền thanh lại gái đêm muộn, chính trưa cứ phát eo ẻo làm cậu Điền không chịu nổi.
            “Ông ơi, ông ra ngay ao Hàng Giáp ngăn cậu Điền lại”. Một tối, mẹ thở gấp, mặt tái dại lao vào cổng nhà. Cha tôi đang dặm lại cái lờ ở sân. Cha bật dậy, đạp đổ cây đèn hoa kỳ, phóng một mạch ra bờ ao Hàng Giáp. Hiện trường lúc đó cậu Điền đang cầm viên gạch nửa, đuổi rát rạt ông phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã Ngàn. Cậu Điền đuổi cậu Ngàn được ba vòng ao rồi. Chỉ nhìn qua là cha đã biết đấy là hệ lụy của chuyện thêm mắm thêm muối vụ bắn loa nhất là tội ngơ đi để tay chủ tịch xã mạt sát anh mình. Hôm đó cậu Điền kìm được vì đang ngồi giữa ủy ban, chứ mấy gã cán bộ một ruộc với cậu Ngàn, từ lâu cậu Điền đã khinh như mẻ. Cộng với chuyện cậu Ngàn thật hèn khi ém nhẹm mối tình đổ rạp hàng dâm bụt khiến máu trong người cậu Điền sôi xùng sục.
            - Dừng ngay. Cậu muốn phá cái làng này à?
            Oàng, viên gạch nửa cậu Điền ném vèo một cái sượt qua đầu cậu Ngàn, suýt thì trúng mặt cha tôi. Từ bữa đó cậu Điền không dọa đánh cậu Ngàn nữa, chiếc loa phóng thanh được di chuyển vào giữa làng và quan trọng cuối năm chia sản, nhà Hướng nhận khoảnh đẳng điền rìa đồng Dóc, gần nước nhất.˜
            Cậu Ngàn bị trâu húc.
            Mà là con trâu nhà cô Hướng mới buồn cười chứ.
            Làng chẳng ai tường, bà ngoại biết một ít, cha mẹ tôi biết một ít, tôi biết hơn phân nửa câu chuyện, còn cậu Điền tôi biết cả...
            ... Mỗi dịp chia lại sản, ban chủ nhiệm hợp tác xã suốt ngày bận rộn nhược người. Nhà nào muốn thay thửa, chủ cá muốn thêm ao. Ông chủ lò gạch nào muốn gia hạn khoán, hay nhận phần đất thịt dư dư thì phải biết đường vãng trước ủy ban, chứ khi danh sách đặt lên “bình” rồi thì coi như mắm đã dậy mùi. Cả tháng trời văn phòng Ủy ban tấp nập như mỗi kỳ hội nghị xã viên. Đèn điện chong choang, bia khuân về chồng đống, cháo gà phục vụ ban chỉ đạo sản họp khuya ngày nào cũng một nồi ba mươi nghi ngút. Cậu Ngàn tôi trong danh sách những người cầm cân nẩy mực. Cả tháng nay mợ Lài không nấu cơm, hôm nào cũng một hai giờ sáng cậu Ngàn mới ngất ngưởng về, người ngợm như ướp trong hũ rượu. Một lần, đôi chân cậu từ bỏ cậu, nó làm gì cái đầu cậu không hề nhớ, nó cứ hướng rặng nhãn rìa làng rồi tồng tộc thẳng cửa nhà cô Hướng ngực to. Hôm nay con cái hĩm về ông nội. Cơm xong, cô Hướng ra giếng rội ào ào. Cô ngửa cổ, dướn ngực. Trăng mười sáu nhễ nhại rắc phấn lên thân thể căng như bong bóng lái rượu. Xong, cứ tồng ngồng vậy, cô Hướng bước qua cái sân gạch rộng thênh vào nhà. Con trâu đang ngủ nướng chống mắt thao láo nhìn cô rồi nó đánh chuồng đến rầm làm cái dóng muốn gẫy đôi. Canh cua đồng nấu nụ mướp. Nước giếng vờn vàn. Gió mát rời rợi. Cô thả người lên cái phản kê ở gian trái hứng ánh trăng bò vào quá nửa. Cứ thế cô thãi thẻ mọi thứ trên tấm phản gỗ chắc nịch. Trở sấp, trở nghiêng, mắt cô Hướng lúng liếng ngắm nghía mải mê thân thể mình. Đến độ không sao chịu được cô dướn người với cái khăn voan ban ngày phủ cái đài, trùm qua bụng đúng lúc cậu Ngàn đổ người vào cửa...
            - Khỉ gió nhà anh.
            - Anh bận chia sản. Mà ông Điền.
            - Điền với chả đền.
            - Thì hôm nay anh đền đây.
            - Lỡm, bỏ người ta chòng chọc ba tháng nay.
            Rồi như những lần cách đây ba tháng, cậu Ngàn lại ôm quần phóng vụt qua bờ rào. Nhưng lần này rượu và mảnh ruộng ngấu ba bờ  rút cạn sức lực, còn đảo lộn hết các giác quan của cậu Ngàn tôi. Hướng cổng nhà, hướng cái bờ rào dâm bụt cậu Ngàn không lao mà lao tọt vào chuồng trâu, lúc con trâu đực đang gầm ghè ghé cặp sừng cà của nó ra ngoài. Cậu Ngàn lĩnh trọn một vằng, sờ mé lưng cũng hằn mũi sừng nhọn hoắt. Bụng cậu Ngàn toang hoác, máu me đầm đìa, cậu ngáp ngáp. Cô Hướng cuống cuồng chạy đến nhà cậu Điền sao? cậu Điền lúc đi khom, lúc chạy bộ vác cậu Ngàn xuyên làng sao? Rồi cậu Ngàn phải nằm bệnh viện huyện đẫy hai tháng thuốc men, mổ sẻ thế nào? người nhà chỉ biết một phần, làng thì đồn đủ chuyện, nghe cười muốn đứt hơi, làm dịu những ngày nóng nực.˜
            Hai năm sau
            ... Cánh đồng Dóc nhiều năm gồng mình nuôi làng Vượng Nhất mà nuôi không nổi. Dân làng chỉ biết mỗi việc lật đất cầy bừa rồi trồng lúa. Thỉnh thoảng cũng thay đổi giống má, thay đổi cách gieo trồng nhưng xem chừng chả ăn thua. Chiêm khê mùa thối làm sao đây? sau này khoán sản ruộng khoanh về mỗi nhà một mảnh nhưng cách làm vẫn theo nếp cũ, năng suất không lên. Cái làng có cái tên giầu có vẫn mãi nghèo túng. Mấy xã bên giỏi làm ăn giờ đời sống khá dần, “Không có lẽ làng mình cứ vậy”. Một ngày cậu Điền hùng hồn nói ở buổi họp thôn. Bà con trố mắt nhìn cậu. Ban chủ nhiệm mang tiếng đủ mặt giỏi giang nhưng mấy năm rồi có cải tiến, cải cách gì đâu. Thế rồi sau buổi họp thôn đó, ông đặc công cạn tự dưng bỏ thú săn bắn, uống rượu cùng bà con lo thuỷ nông thuỷ lợi, quy hoạch lại cánh đồng Dóc chỗ nào chuyên chồng lúa, chỗ nào đất cao quay vòng trồng lạc, rồi hoa màu, rau quả, thu nhập từ đó khá lên. Bà con ai cũng khen “Không ngờ ông cả hổ Điền giỏi thế”. Sản xuất đang lên thì có chuyện: Đồng Dóc có cơ khô xác vì không nguồn nước tưới. Nguyên do vì thằng Tài con cậu Ngàn khoanh vùng đầm Lô, ép sông bé lại để cống Cầu Bo không xả nước về được trạm bơm Ngàng cấp nước cho đồng Dóc cùng mấy cánh đồng bên cạnh.
            Chuyện cũng dài dòng... bắt đầu từ năm kia khi thằng Tài lớn lớn, nó không thi vào được đại học, cậu Ngàn bỏ trôi, nó bỏ làng ra Móng Cái làm ăn. Lúc ấy, cái nhà hương hoả bố vợ cậu Ngàn không ai ở. Thằng Tài là cháu bên ngoại duy nhất là trai. Ông bố vợ cậu Ngàn gọi nó từ Móng Cái về, không chợ búa, gùi hàng kiếm ăn bữa đực bữa cái phập phù nữa. Nhờ bán cái ki-ốt và căn nhà mái bằng, thằng Tài có số tiền kha khá. Sẵn có đầu óc kinh doanh nó xin với xã bao thầu điện trong làng, rồi nhận khoán thả cá trên đầm Lô. Chẳng biết thằng Tài khéo mồm nỉ non thế nào mà mấy ông  cán bộ nhắm mắt ký bừa. Có tin đồn nó biếu mỗi người trên xã một cái quạt nhãn hiệu MD nên việc mới dễ dàng. Thằng Tài toàn quyền sử dụng đầm Lô những 20 năm. Đầm Lô là yết hầu thông nước từ cống Cầu Bo ra sông lớn. Trạm bơm Ngàng nối với đầm qua con sông nhỏ, cấp nước cho cánh đồng Dóc và cho cả mấy cánh đồng xã bên. Thằng Tài thuê người phá hết sen trên đầm Lô. Nó cắt đầm thành ô, chỉ chừa lại dòng chảy con sông dưới kia bằng nửa con sào. Cống Cầu Bo mở mà nước không đến được trạm bơm Ngàng. Xưa máy, nước cả ngày không hết nhưng giờ máy chạy một giờ sông đã cạn đạch dòng. Ba cái vòi bơm đói nước cứ gồng lên khùng khục. Cánh đồng Dóc, công sức của cậu Điền và bao người canh tác nguy cơ chỉ nay mai chết yểu. “Mày phải phá ba cái ao để lới dòng. Thằng tư bản”. Cậu Điền hằm hè với thằng Tài. “Tôi không phá... các người có bồi thường được tiền chi phí làm ao, tiền sản đóng trước năm năm dải con đường trong xã (xã quy việc trả sản ao bằng việc thằng Tài lát gạch con đường chính xã). Trả được, đây sẽ phá ao... mà phải bồi thường gấp đôi vốn tôi bỏ vì làm hỏng hợp đồng. Đừng nghĩ, chơi thằng này mà dễ!” Cậu Điền cúi xuống vơ vơ dưới chân. Khuôn mặt cha tôi sắc lại. Cậu Điền không huơ tay tìm nữa.
            Cứ thế, các cuộc cãi vã diễn triền miên giữa cậu Điền và thằng Tài. “Chỉ hai năm chợ búa mà thằng này du côn vậy”. Mẹ tôi thở dài. Bà ngoại lúc này yếu lắm rồi. Tai lẵng ngãng. Mắt nhìn không rõ hoa bưởi rụng trước sân. Bà cũng lào phào nghe được chuyện. Rồi bà khóc. Mà mắt chẳng có giọt nước nào. Nước mắt bà đã cạn khi cậu Điền, cậu Ngàn tôi ở chiến trường. Tôi thì nghĩ, sẽ có ngày thằng Tài ăn hòn gạch nửa từ tay cậu Điền. Các cuộc họp thôn hay họp họ cậu Ngàn đều tránh mặt. Ban chủ nhiệm bây giờ toàn người mới ai cũng kiềng bởi thằng Tài ngỗ ngược và lại nhiều tiền. Thằng Tài còn vận động người cùng quyền lợi như nó chống lại cậu Điền và dân làng Vượng Nhất. Thời gian ấy cậu Điền như con hổ. “Thể nào cũng lại cháy đống rơm”. Cha tôi buông câu. Thực chất cái hại nghẽn dòng trên đầm Lô dân làng chưa nhìn thấy, chỉ cậu Điền và những người làm ở trạm bơm Ngàng biết. Phần thằng Tài, nếu phá béng ba cái ao thì coi như mấy chục triệu bỏ ra đầu tư, giờ cá đến lúc “thu” sẽ trôi theo nước. Thằng Tài thâm thù ông bác ra mặt. Chuyện ruột già lúc này với nó chẳng nghĩa lý gì. Nó bí mật bỏ thuốc diệt chuột của Tầu vào quang cỏ làm chết con trâu nhà cậu Điền. Cả làng ai cũng nghĩ thủ phạm là nó, nhưng không bắt được quả tang. Ích lợi riêng chung, cá nhân tập thể làm mâu thuẫn giữa cậu Điền và thằng Tài căng như sợi dây đàn. Xẩy tiếp chuyện gì nữa? không ai lường hết...
            Tôi có giấy gọi đi học nước ngoài hai năm theo sự phân công của quân đội. Bước chân lên máy bay mà lòng tôi chộn rộn quá. Chẳng biết chuyện cậu Điền với thằng Tài sẽ giải quyết thế nào. Ai làm trọng tài đây? Bà con làng Vượng Nhất thì cứ bàng quan. Bao nhiêu biến động, bao nhiêu điều chẳng ai thấu cả. Liệu phần lớn làng tôi có biết cánh đồng Dóc có từ bao đời đang từ từ chết. Mà cánh đồng Dóc chết thì làng Vượng Nhất sống sao? Hay họ nghĩ đồng Dóc chết đi thì làng, đứng đầu là cậu Ngàn sẽ bán rẻ cho mấy công ty về mở. Rồi tất cả dân làng đời đời kiếp kiếp là nông dân, bỗng chốc vài ngày trở thành công nhân làm việc trong khu công nghiệp! Nói thì vậy, cả làng tôi, tuyển sổi cùng lắm chỉ được vài chục. Cha tôi, cậu Điền, mẹ tôi sao có thể thành công nhân?! Những đêm đông giá xứ người tôi cứ canh cánh hình ảnh cậu Điền tôi tóc xơ trước gió, đứng nhìn đồng Dóc khô xác và nhìn cái nhà xây ngất ngưởng của thằng cháu ruột, mà tìm mãi dưới chân chẳng được hòn gạch nửa nào.
Hải Dương, Tháng 10.2009
nguồn http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/truyen-ngan/phan-dinh-minh-thang-ngay-da-qua.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com