Nguồn cảm mới
Trang Thế Hy
I.
Giữa mùa mưa năm 1948, như một giề lục bình trôi,tôi tấp về sông với một người chị họ, chủ một cái quán cóc nghèo ở cuối một ngõ hẻm lầy lội thuộc một vùng ngoại ô Chợ Lớn. "Sự nghiệp" của tôi gồm có chứng sốt rét rừng trong cơ thể và một nỗi ê chề buồn nản trong tâm hồn dao động hoang mang vì không ức đoán nổi cuộc chiến tranh đẫm máu đang kéo dài trên đất nước chừng nào chấm dứt.
Chồng chị, một người thợ cưa chất phát, hiền lành bị "bao bố" (*) nhìn mặt bắt đi biệt tích từ ba tháng trước, bỏ lại cho chị bốn đứa con thơ và một nỗi đau buồn không được phép công khai biểu lộ.
Chị em nhiều năm xa cách gặp lại tình cờ giữa thời loạn lạc, niềm vui ấy tưởng không bút mực nào tả xiết nhưng nó rất mỏng manh, hời hợt vì bị đàn áp bởi những lo âu, sợ sệt triền miên. Tôi mua lá chèn lại mái nhà dột, mượn vá vét đường mương, chữa lại mấy cái ghế ba chân, mấy cái bàn khập khễnh, dọn quét cho cái quán bớt vẻ thảm hại, và giúp đỡ chị trong công việc lặt vặt hàng ngày : bửa củi, pha cà phê, tắm rửa mấy đứa cháu… Lần lần thấy cũng quen và vui vui. Tối lại, sau giờ giới nghiêm, tôi cắm đầu viết tiếp một tiểu thuyết đang bỏ dở. Khách hàng của chị tôi gồm những người nghèo trong xóm : phu xích lô đạp, thợ cưa, thợ máy, thợ hớt tóc và mấy cô gái quen mặt của cái ổ mại dâm công khai ở ngay đầu ngõ hẻm. Sáng nào cũng có năm ba khách chơi hoa, phờ phạc, rã rời sau một đêm trác táng, xách vài tờ báo đến chụm đầu bên những cốc cà phê mà bàn chuyện năm châu. Sau khi cãi vã dài dòng về Tàu, Nhựt, Mỹ , Nga, kết luận của họ thường thường rất đơn giản : trái đất mỏng manh nầy không còn đứng vững được mấy ngày. Sớm muộn gì nó cũng biến thành tro bụi vì chiến tranh nguyên tử.
Mấy ả giang hồ lơ đãng ngồi nghe, không tán thành, cũng không phản đối, lớp phấn son loè loẹt, sau một đêm dài chịu đựng đủ thứ trò phũ phàng của khách chơi hoa, không còn che đậy nổi cái tiều tuỵ rã rời của thân thể hao gầy.
Ngồi nhìn họ và nghe họ nói, tôi thương cho cuốn sách của tôi trong đó tôi chủ tâm xác định cái chiến thắng tất yếu, sau cùng của đạo lý trước cái thắng thế tạm thời của dục vọng xấu xa. Tôi mất tin tưởng lần lần. Ngon lửa yêu đời tàn lụn trong tim lạnh , và có nhiều đêm tôi cắn bút nhìn đèn đến sáng mà tập bản thảo vô duyên không thêm được một dòng mực mới nào..
Một buổi sáng mưa dầm, quán cà phê nghèo thưa khách, môt tư chức mới quen ngậm ngùi nói nhỏ vào tai tôi:
- Tôi biết anh đau lòng lắm vì những điều nghe thấy. Nhưng có gì lạ đâu! Anh chưa từng nhịn đói nên anh chưa biết . Ai cũng muốn làm người lương thiện. Nhưng người lương thiện cũng phải có ăn mới sống như mọi người . Khi bụng đói phải đem bán cái gì mình có để ăn. Người nghèo thì có cái gì ngoài sức lao động ? Đem lao động bán không người mua, rốt cuộc cũng phải bán tới những cái đáng lẽ không nên bán. Chính tôi hồi năm ngoái, giữa những ngày đói lạnh vì thất nghiệp, có lần tôi đã tiếc rẻ tại sao tôi không phải là một người phụ nữ để có thể làm gái điếm nuôi thân. Sự đời nó vậy! Cười lên đi bạn ơi! Buồn mà chi .
Tôi không đáp vì chưa có lý để đáp. Tôi nghĩ đến những cô gái nhỏ tóc mới chấm vai, môi vừa ửng đỏ, hồn nhiên trinh bạch như tờ giấy trắng, con em của những người nghèo trong xóm, trong vài năm nữa tránh sao cho khỏi một số lớn phải sa vào vũng bùn nhơ vì sinh kế. Trong số đó, tôi để ý đến một em người Tàu lai chừng mười lăm tuổi sống với nghề gánh nước mướn để nuôi cha. Cha em là một lão Hoa kiều già yếu, bịnh hoạn tối ngày nằm một chỗ. Tên em rất đẹp: Hứa Lệ Mai. Và người em cũng đẹp như tên em, cái đẹp hồn nhiên khoẻ mạnh của người lao động. Cơ thể em vì chưa phát triển hết mức của tuổi dậy thì nên chưa có những đường cong tuyệt mỹ của người thiếu nữ đương xuân, nhưng hứa hẹn rất nhiều nét đặc sắc quyến rũ được khách đa tình trong vài năm sắp đến.
Tôi chú ý đến em không phải chỉ vì em đẹp. Chính cái hồn nhiên tươi trẻ của em đã chận đứng được tư tưởng bi quan, yếm thế lúc nó sắp hoàn toàn chiếm cứ linh hồn tôi. Chưa bao giờ tôi bắt gặp em buồn. Nhà em ở cách nhà chị tôi ba căn phố hẹp. Khuya nào trong chuyến đi đầu tiên , em cũng quảy đôi thùng không , ghé quán gởi một cái ly mua cà phê để bận trở lại bưng về cho cha.
Từ đó em gánh cho tới hai giờ chiều, trung bình chừng sáu chục thùng nước, chỉ nghỉ vào buổi trưa một lát để lo cơm nước. Buổi chiều, đôi khi rảnh, em lội xuống cái ao sình trong xóm mua rau muống gánh bán dạo. Làm lụng cực nhọc như vậy , mà em luôn luôn vui vẻ với mọi người. Ít khi nghe em than mệt nhọc hay phàn nàn về cuộc đời nghèo cực. Lúc gánh nước, hái rau, em thường hát nho nhỏ nhiều điệu hát Tàu ngăn ngắn rất vui tai. Cũng ít khi nghe em trầm trồ một ngôi nhà đẹp hay mơ ước thèm thuồng một món ăn ngon, một bộ quần áo mới. Cái vui vẻ hồn nhiên trong cảnh ngộ đáng buồn của em làm tôi suy nghĩ. Tôi tự hỏi : "Cái triết lý yêu đời đó xuất phát từ đâu ? Sao em tìm thấy mà tôi không thấy ?".
***
Tháng sau, tôi được biết lý do yêu đời của Lệ Mai. Nó rất giản dị . Em nói :
- Chính nhờ vui mà em mới chịu đựng nổi cảnh nghèo. Nghèo mà buồn nữa thì có nước chết luôn.
- Nhưng làm sao mà em vui được trong cảnh nghèo ?
- Trong xóm, ai cũng khen em siêng năng, chịu cực giỏi, ăn ở với cha có hiếu. Ai cũng thương em. Điều đó làm cho em vui.
- Đó là chuyện bây giờ. Có khi nào em nhìn cái cảnh bán phấn buôn hương ngoài đầu lộ kia mà ngao ngán cho tương lai của em không?
- Không. Bởi vì em có định trước trong bụng rồi. Cùng quá thì chết, chớ không làm như vậy!
- Nhiều người trong số phụ nữ đó trước kia chắc cũng có nghĩ như em…
Mắt Lệ Mai sáng lên . Có vẻ như em cảm thấy bị xúc phạm :
- Bà cô ruột của tía em bên Tàu hồi còn là con gái đã nhảy xuống giếng tự tử để khỏi làm nàng hầu cho một ông quan hung ác. Em tin rằng em có cái máu dám chết đó của dòng họ bên nội.
Tôi mỉm cười gật đầu, hoài nghi cái quyết tâm của cô gái Tàu lai 15 tuổi. Em hỏi lại tôi :
- Thằng Hải, con chị Ba nói đêm nào anh cũng thức viết tới khuya. Anh viết cái gì vây?
- Tiểu thuyết.
- Tiểu thuyết anh nói cái gì đó ?
- Nhiều chuyện lắm. Trong đó có một cô gái đau khổ đang do dự trước sự lựa chọn : hoặc chết hoặc làm gái điếm…
Tôi ngưng nói nhìn Lệ Mai dò xét. Em nóng nảy hỏi phăng :
- Rồi kết cuộc ra sao ?
- Chưa có kết cuộc. Tôi cũng do dự như cô gái của tôi vậy. Bắt cô làm gái điếm tội nghiệp quá. Để cô ta chết thì tôi không nỡ…
Lệ Mai lắc đầu, bĩu môi:
- Nói anh đừng giận. Có khi tại anh nhát gan rồi cô gái của anh cũng nhát gan theo. Anh nên cho cô gái đó có cái máu dám chết như bà cô của cha em bên Tàu đi.
Lệ Mai nói xong, quảy thùng ra vòi nước. Tôi lặng lẽ nhìn theo chưa hết hoài nghi.
Hai hôm sau, tôi được dịp thấy Lệ Mai buồn. Tờ mờ sáng, nhiều người trong xóm bị "bao bố" nhìn mặt lùa lên xe bít bùng chở đi. Em đứng ở vòi nước nhìn họ, đôi mắt long lanh ướt lệ. Té ra, em không phải là một cô gái không biết buồn. Nhưng em buồn đúng chỗ. Chiều lại tôi cũng đi để tránh cái tai hoạ bị lùa lên xe bít bùng. Lệ Mai không khóc bằng đôi mắt như buổi sáng nhưng khóc bằng giọng nói nghẹn ngào :
- Anh nhớ đừng để cô gái đau khổ của anh làm gái điếm. Tội nghiệp lắm!
Cái buồn đẹp làm cho người đẹp càng thêm đẹp. Tôi gật đầu hứa sẽ y lời.
II
Một buổi chiều cuối tháng 10 năm 1954, tôi trở về xóm cũ sau nhiều năm lặn lội bôn ba. Nhà cửa cảnh vật lạ huơ lạ hoắc. Chỉ trong vòng 6 năm, bốn đám cháy đã đổi thay hẳn bộ mặt của xóm nghèo. Khó khăn lắm tôi mới tìm được nhà bác Tư xích lô đạp ở khít vách chị tôi hồi trước. Bác cho biết chị tôi và các cháu đã đùm túm nhau đi đâu không biết sau đám cháy đầu tiên. Chuyện trò giây lát, tôi hỏi tin tức Lệ Mai . Bác Tư cho biết cả hai cha con đều chết trong đám cháy thứ hai sau lúc tôi ra đi chừng vài năm. Người cha chết liền tại chỗ. Lệ Mai bị phỏng nặng vô bệnh viện mới chết. Một chi tiết làm nhiều người thắc mắc : lúc đập cửa để xông vào căn nhà đã bốc cháy, thay vì nghe Lệ Mai mở chốt cửa, người ta nghe em gài thêm một cái chốt nữa. Riêng bác Tư thì không ngạc nhiên . Trước đó mấy hôm, Lệ Mai tâm sự với cô Ngọc – con gái của bác – rằng em rất buồn, không muốn sống nữa nhưng chết thì không nỡ bỏ cha già hiu quạnh. Từ nhiều năm rồi , cha em cầm cự được với bịnh tật để sống lây lất không phải chỉ bằng số tiền của em làm lụng để phụng dưỡng. Thỉnh thoảng ông phải lén lút nhận tiền của một phú thương trong Chợ Lớn qua trung gian của một mụ mối lái chuyên săn gái tơ cho trọc phú. Mụ nầy đã "dòm ngó"ù Lệ Mai từ lúc em 12 tuổi, từng dắt em đến cho tên trọc phú kia nhìn thấy và ưng ý. Bây giờ đã đến lúc món hàng phải được trao tay cho người mua. Tương lai của những cô "tớ gái nàng hầu" kiểu phong kiến Tàu ấy sẽ bị đem bán lại cho các ổ mại dâm khi các em đã trở thành những món đồ chơi nhàm chán.
- Con "xẩm" con ngang bướng đó nó gan dạ và liều lĩnh lắm. Nhiều người cho rằng nó quá hoảng hốt đâm ra mất trí. Tôi thì tôi cho rằng nó… nó mượn ngọn lửa để kết liễu cuộc đời bịnh hoạn của cha nó rồi nó tự thiêu luôn.
Bác Tư kết luận bằng một sự áng chừng như vậy.
III
Hứa Lệ Mai.
Sự áng chừng của bác Tư xích lô về cái chết của em, kể lại cho một người khác nghe, có thể cứ còn là một sự áng chừng.
Với tôi, nó lập tức trở thành điều khẳng định. Tập bản thảo ngày xưa hãy còn đây và cô gái hiếu thảo với mẹ cha, chung thuỷ với người tình trên trang giấy của tôi vẫn còn do dự không dám chết. Cô ta nhát gan hay người cầm bút nặn ra cô là tôi đây mới là kẻ nhát gan như có lần em đã nhỏ nhẹ chê bai tôi kèm theo lời khuyên nhủ biểu tôi đừng giận ?
Tôi chưa viết tiếp cái chung cuộc của câu chuyện lên trang giấy nhưng trong ruột gan tim não tôi, cô gái chung tình mà nhẹ dạ trong tiểu thuyết - với chút máu dám chết mượn từ hồn phách của Lệ Mai – đã tự kết liễu cuộc đời mình để giữ vẹn cái gì cần giữ vẹn.
Sài Gòn 1957
T.T.H
Chú thích:
(*) Lúc bấy giờ, cảnh sát Sài Gòn thường trùm lên đầu bọn điềm chỉ những cái bao bố được khoét lỗ chỗ đôi mắt để chúng khỏi bị nhân dân phát hiện.
Tôi sẽ viết như vậy với lương tri yên ổn của người cầm bút biết rằng câu chuyện có thật hơi khó tin giữa cái xã hội đầy rác rưởi bọt bèo nầy đã được chắt lọc bằng sự trải nghiệm đau buồn của lớp người cùng khổ chớ không phải là điều bịa đặt hoang đường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com