Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
27/6/12

Thơ khó - Xuân Diệu

Thơ khó
Xuân Diệu

            Ai nấy đều nghe nói đến Mallarmé, người chủ trương rằng thơ phải khó; Mallarmé đã cố ý làm cho thơ của ông tối tăm, bí hiểm; ông đã giấu nghĩa của thơ ông để thiên hạ đi tìm. Người ta vẫn kể mẩu chuyện này về Mallarmé: nhân thấy có người hiểu được một bài thơ mà ông đã quyết tâm làm cho thật khó, ông bèn nói: “Thế là ta chưa thành công” và chữa lại bài thơ cho sâu xa tột bậc. Và ngày nay, bao nhiêu người đương nghĩ vỡ trán để mong hiểu một bài thơ của Valéry!
            Hai nhà thi sĩ kia làm thơ khó và dụng ý, quyết tâm làm thơ khó. Đấy là cả một chủ nghĩa, cả một lý thuyết; cười cợt hay chế giễu sự “bí hiểm” của hai ông, việc ấy rất dễ làm, và chỉ tỏ ra rằng ta có một trí não tầm thường, nông nổi. Chúng ta không hiểu, tốt hơn là ta cứ dừng xem tự và nói: “Đây là thơ Mallarmé, thơ Valéry, đừng động tới!”
            Cái khó của hai ông là cái khó cao kỳ; về ý tưởng đã đành, về hình thức càng nhiều hơn nữa. Chúng ta không hiểu, nhưng khi hiểu được câu nào, thì câu ấy lồ lộ một vẻ đẹp nguy nga. Thơ của hai ông thuộc về lối thơ khó vì rất cố gắng, rất xếp đặt, nhất là có cái đặc biệt: dụng làm cho tối nghĩa.
**
            Còn có một cách khó thứ hai: người thi sĩ làm thơ rất tự nhiên, rất vô tâm, thế mà thơ lại có tính cách khó khăn. Thực ra người làm thơ không cố ý bao giờ; trong khi làm, người thi sĩ quên cả người đọc và chỉ thấy có thơ, chỉ đuổi theo những hình sắc trong trí tưởng, chỉ thu lấy những âm điệu của tâm tư, vội vàng nhón chân lên hái những hoa lạ. Người thi sĩ tìm cái đẹp, chứ có tìm cái khó đâu! Khó hiểu hay dễ hiểu đó là lời bình phẩm của người, chứ trong khi làm, người thi sĩ không ngờ rằng thơ mình lại “khó hiểu”.
            Vả lại, có những điều dễ nói và những điều khó nói: những ý thông thường, hễ nói ra là ai cũng hiểu được và hiểu ngay, còn những ý sâu sắc thì bao giờ cũng phải có sự cố gắng. Lời nói, cũng có ngôi thứ, có bậc, có độ. Vì như những bông hoa, có những hoa vừa tầm tay hái, có những hoa phải vươn cả mình lên mới ngắt được và có những bông hoa phải qua đèo, leo núi, khó nhọc lắm mới mang được về. Và cũng ví như những loài kim: đất bằng thì chân nào mà không dẫm lên được, ai cũng biết, cũng thấy; những vàng ngọc, châu báu thì phải đào sâu.
            Nhiều bài thơ khó chỉ vì nói những điều khó nói, những điều ít ai để ý những chuyện không thông thường. Ta chớ ngạc nhiên rằng tình yêu lại có thể làm đầu đề cho những bài thơ khó: người thi sĩ đã đi tìm kiếm những tình cảm chưa ai đào đến và mong nó ra ánh sáng cho ra trông.
**
            Cái tính cách cốt yếu của thơ là sự khó. Đó là quan niệm mới nhất, mà cũng đúng nhất. Vì sao? Vì thơ thực là thơ thì phải cho “thuần túy”, người thi sĩ gắng sức đi tìm cái thơ thuần túy (la poésie pure), nghĩa là đi thu góp những cái tinh hoa, những cái cốt yếu, cái lõi của sự vật. Vì vậy, thơ phải súc tích, phải sắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần. Những sự vật thường thường vẫn nhạt, vẫn loãng, thi sĩ đem kết lại, đọng lại, tụ lại, làm nên những câu thơ đậm đà; tài liệu thì vẫn lấy trong đời thường, trong cuộc sống hằng ngày, trong những sự rung động của trái tim của xương thịt: nhưng khi đã đem vào thơ, thì tài liệu biến đi, và thành ngọc châu. Vì sao thơ khó? Vì thơ đi xa văn xuôi, thơ ở trong một thế giới riêng: thơ vẫn là sự sống nhưng đây là sự sống đọng lại, kết tinh lại, biến thành cái đẹp. Khó vì nói những điều khó, phải suy nghĩ, phải nghiền ngầm: khó vì nói một cách khác với cách nói thường.

            Một ví dụ tráng lệ nhất của lối thơ khó mà không cốt lý làm cho khó để thiên hạ đừng hiểu, của lối thơ khó một cách rất vô tâm là thơ Baudelaire. Trừ ra dăm ba bài thực bí hiểm, thơ Baudelaire không quyết ý làm cho tối tăm, cho khó khăn: ta thấy khó chỉ vì ta chưa xem kĩ đó thôi, vì ta chưa quen vì ta đọc còn vội. Baudelaire làm thơ để nói tâm hồn mình; chắc rằng khi làm, ông không nghĩ đến độc giả, ông chỉ nghĩ đến thơ; trái lại, tôi chắc khi làm thơ, Mallarmé thỉnh thoảng lại tự hỏi: “đã được chưa? Chỗ này người đọc sẽ đối phó ra sao “sẽ xử trí thế nào? Sẽ nghĩ cách này, cách khác?…”. Cho nên thơ Baudelaire vẫn hiểu được, và có thể hiểu được rất chóng: thơ Baudelaire chỉ “dường như là khó” chứ không khó đến nỗi ai nấy đều phải khoanh tay chịu hàng.

Ngày nay ra ngày thứ Bảy, 14 Janv, 1939 số 145

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com