Tiền chuộc bạn hiền
O. Henry
Tôi và anh bạn già Mack Lonsbury, hai chúng tôi trở về từ mỏ vàng Little Hide-and-Seek với 40 ngàn đô rủng rỉnh trong túi mỗi đứa. Tôi gọi anh bạn già Mack, nhưng anh ta không già. Tôi đoán anh ở tuổi bốn mươi mốt, nhưng trông anh ta luôn luôn già.
Anh bảo tôi:
- Andy, tớ đã mệt vì mấy màn bon chen rồi. Cậu và tớ đã làm việc cực khổ trong ba năm qua. Bây giờ mình nên xả hơi một thời gian, để tiêu ít tiền nhàn rỗi mình đã ky cóp bấy lâu.
Tôi đáp:
- Bạn nói hợp ý mình lắm. Chúng mình thử sống một thời gian huy hoàng xem nó như thế nào. Mình sẽ làm gì đây – đi chơi thác Niagara hay đỏ đen ở sòng bạc?
Mack bảo:
- Đã nhiều năm rồi, tớ nghĩ nếu có nhiều tiền, tớ sẽ thuê một căn nhà có hai phòng ngủ, thuê một anh người Hoa để nấu nướng, mang bít tất cho ấm và đọc quyển “Lịch sử nền văn minh” của Buckle.
Tôi bảo:
- Nghe có vẻ là cách đam mê lạc thú mà không phải phô trương theo kiểu trần tục. Mình không thấy cách nào để đầu tư tiền bạc hay hơn. Mình đi kiếm một cái đồng hồ có chim gáy và sách tự học đàn ban-jo của Sep Winner. Thế là đủ để đi với bạn.
Một tuần lễ sau đấy, tôi và Mack đi đến thị trấn nhỏ Pina, cách Thành phố Denver khoảng ba mươi dặm. Hai đứa tôi tìm được một ngôi nhà có hai phòng ngủ vừa hợp với chúng tôi. Hai đứa tôi gửi tiền vào nhà băng Pina, và bắt tay với tất cả 340 công dân của Pina. Chúng tôi mang theo từ Denver một anh đầu bếp người Hoa và một cái đồng hồ có chim gáy và quyển sách của Buckle và sách tự học đàn. Ngay lập tức căn nhà chúng tôi thuê trở nên ấm cúng.
Không nên tin lời ai bảo bạn rằng tiền bạc không mang lại hạnh phúc. Nếu bạn có thể xem cảnh anh bạn già Mack ngồi trên ghế xích đu với đôi bít tất xanh treo lủng lẳng trên cửa sổ và dán mắt qua cặp kính cận vào quyển sách của Buckle, bạn sẽ cảm nhận ra hình ảnh một sự mãn nguyện có thể khiến nhà tỷ phú Rockefeller phải ghen tỵ. Và tôi đang tập gẩy bài “Old zip coon” trên cây đàn ban-jo, và chiếc đồng hồ có con chim gáy đều đặn lên tiếng mỗi giờ, và anh đầu bếp Ah Sing luôn làm vẩn đục bầu không khí với mùi thịt muối và trứng rán. Khi trời đã quá tối khiến Mack không thể đọc mấy điều vô nghĩa của Buckle và tôi không thể nhận ra mấy nốt nhạc trong sách tự học, tôi và Mack đốt tẩu thuốc và bàn luận về khoa học, nghề lặn mò tìm ngọc trai, chứng đau thần kinh tọa, đời sống loài diều hâu, và vô số những đề tài mà trước đấy hai chúng tôi chưa từng có thời gian để thổ lộ tâm tư.
Một buổi tối, Mack lên tiếng hỏi tôi hiểu gì về phụ nữ.
Tôi lên giọng:
- Có chứ. Mình biết rõ mọi điều về bọn họ. Bản chất của đàn bà đều quá hiển hiện cũng như dãy Rocky Mountains hiện ra trong mắt con lừa vậy. Mình biết quá rõ về mấy tiểu xảo và mâu thuẫn vụn vặt của họ.
Mack thở dài:
- Thú thật với cậu, tớ chưa bao giờ tiếp cận tí nào với tố chất của họ. Tớ đã có dịp gần gũi họ, nhưng chưa hề bỏ thì giờ với họ. Tớ lo kiếm sống từ năm mười bốn tuổi, nên tình cảm tâm tư với họ thì vẫn chưa có gì. Đôi lúc tớ ước mình nên có chút ý tình với họ.
Mack tiếp tục:
- Tớ nghĩ rằng đàn ông nên chấp nhận họ và có truyền cảm đối với họ khi anh ta còn trẻ. Tớ đã để cơ hội vuột mất, và có lẽ giờ tớ đã quá già nên không thể nhảy vào bài học này.
Tôi bảo anh ta:
- À, mình không biết. Có thể bạn nên mang cả gia sản ra làm mẽ và có ý chí giải thoát khỏi điều tự mãn. Nhưng mình vẫn không hối tiếc cho hiểu biết của mình về họ. Đàn ông cần hiểu rõ những triệu chứng và những màn phụ diễn của giới đàn bà nếu muốn tự lo cho mình trên cõi đời này.
Chúng tôi lưu lại Pina vì chúng tôi thích thị trấn này. Người ta có thể vung vẩy tiền bạc với bao nhiêu thứ ồn ào, phấn khích và náo động; nhưng tôi và Mack có đủ mọi nhốn nháo cần thiết. Dân cư thị trấn tỏ ra thân thiện với chúng tôi; Ah Sing nấu các món hầm bà lằng gì đấy nếm không đến nỗi tệ; Mack và quyển sách của Buckle luôn cặp kè bên nhau như hình với bóng, và tôi đã bắt đầu có thể khẩy được một giai điệu gần giống với một bản dân ca nói với loài trâu trắng.
Một ngày kia, tôi nhận được điện tín từ Speight, anh bạn làm việc ở một mỏ vàng tôi góp vốn đầu tư ở New Mexico. Tôi phải đi đến đấy trong hai tháng. Sau đấy tôi nôn nóng trở về Pina để hưởng tiếp cuộc đời đáng sống.
Khi tôi bước vào căn nhà, tôi gần như chết ngất. Mack đang đứng dựa cửa; và nếu thiên thần có thể khóc, tôi không thấy có lý do gì họ phải cười lúc ấy.
Anh bạn già của tôi đang khoác một cánh áo choàng, mang một đôi giày bóng loáng, chiếc áo gi-lê trắng bên trong, chiếc mũ nỉ cao trên đầu; lại thêm một đóa hoa phong lữ to như là bó rau cần đính trước ngực. Và anh ta ngớ ngẩn toét miệng cười, gương mặt méo mó cứ như là anh bán chạp phô ngày mưa dầm hoặc một cô nàng bị cơn đau bụng quặn.
Mack nhăn nhở:
- Chào Andy. Rất vui thấy cậu trở về. Nhiều chuyện đã xảy ra trong khi cậu đi vắng.
Tôi bảo:
- Mình biết. Mình thấy bạn đã mang tội phạm thánh. Chúa chưa bao giờ tạo ra bạn như thế, anh bạn Mack Lonsbury ạ. Làm thế nào bạn lại rũ bỏ mọi sáng tạo của Thượng đế dành cho bạn để trở nên thô tục như thế này?
- Sao thế, Andy? Họ bầu tớ làm thẩm phán dân sự trong khi cậu vắng mặt.
Tôi chăm chú quan sát Mack. Anh ta có vẻ phấn khích và đầy cảm hứng. Thẩm phán dân sự đáng lẽ phải tỏ ra phiền muộn và được khuây khỏa.
Đúng lúc ấy một cô gái trẻ đi ngang qua trên hè đường, và tôi thấy Mack vừa khúc khích vừa có vẻ thẹn thùng, rồi anh ta giở mũ ra, mỉm cười và cúi đầu chào cô. Cô ta mỉm cười và khẽ cúi đầu chào lại, rồi đi thẳng.
Tôi nói:
- Xem ra hết hy có hy vọng về bạn rồi nếu bạn thiếu kiên định về phụ nữ. Mình nghĩ không bao giờ bạn bị vướng vào việc này. Và lại còn có đôi giày xịn bóng nhoáng! Tất cả đều biến đổi chỉ trong hai tháng!
Mack nói, với vẻ kiêu hãnh:
- Tớ sẽ cử hành lễ cưới với cô nàng vừa đi ngang qua đấy!
- Mình cần đi đến nhà bưu điện.
Rồi tôi quày quả bỏ đi.
Cách khoảng trăm mét, tôi bắt kịp người phụ nữ trẻ kia. Tôi giở nón chào cô và tự giới thiệu về mình. Cô đỏ mặt e thẹn, rồi nhìn tôi một cách lạnh lùng như thể tôi là một cánh đồng tuyết.
Tôi nói:
- Tôi được biết cô sẽ cử hành lễ cưới tối nay?
Cô nói:
- Đúng thế. Ông có gì phản đối không?
Tôi bắt đầu:
- Nghe tôi này, cô gái.
Cô phiền hà:
- Tên tôi là Rebosa Redd.
Tôi nói:
- Tôi biết, cô Rebosa. Tôi đã lớn tuổi đến mức có thể cho bố tôi vay tiền được. Còn cái anh già tốt mã, chuyên lo ăn diện, đầu óc méo mó, con người nát rữa đang nhảy nhót cũn cỡn như con gà tây với đôi giày xịn bóng nhoáng kia là ông bạn của tôi. Tại sao cô lại lôi ông ta vào chuyện đầu tư qua hôn nhân như thế này?
Cô Rebosa trả lời:
- Ông ấy là cơ hội duy nhất ở đây.
Tôi phóng cái nhìn bệnh hoạn để ngưỡng mộ làn da và kiểu cách của cô, và nói:
- Không được, với vẻ đẹp của cô, cô có thể chọn bất kỳ anh chàng nào cô muốn. Nghe tôi đây, cô Rebosa. Ông già Mack không phải là mẫu người hợp với cô. Khi cô mới chào đời, anh ta đã hai mươi hai tuổi, theo như giấy tờ cho biết. Ông ta không thể giữ nét trai trẻ mãi được. Ông ta đã bắt đầu bị già cỗi và mục nát rồi. Khi ông ta còn trẻ ông không thèm để ý đến, bây giờ ông ta đang đi kiện Thiên nhiên để đòi món lãi trên giấy nợ thay vì tiền mặt của Thần ái tình. Rebosa, cô vẫn còn giữ ý định tiến hành lễ cưới này không?
Cô Rebosa vung vẩy mấy đóa hoa cúc đính trên chiếc mũ của cô:
- Tôi chắc chắn vẫn giữ ý định, và tôi nghĩ ai khác cũng thế.
Tôi hỏi:
- Lễ cưới sẽ được cử hành vào lúc mấy giờ?
Cô bảo:
- Sáu giờ.
Tôi quyết định ngay cần phải làm gì. Tôi phải cứu anh bạn già Mack. Tôi không thể điềm nhiên nhìn con người tốt bụng, từng trải như thế lại trở nên yếu đuối đối với một người con gái vẫn chưa bỏ thói quen cắn đầu bút chì và vẫn còn mặc áo cài cúc phía sau lưng.
Tôi cố sức biểu lộ sự hiểu biết đối với bản năng của phụ nữ về lý luận:
- Cô Rebosa, ở Pina có anh trai trẻ nào đủ tiêu chuẩn cho cô mê mết không?
Cô Rebosa gật đầu khiến các đóa hoa cúc trên mũ cô cũng gật theo:
- Có, chắc chắn là có. Ông nghĩ! Chao ôi!
Tôi hỏi:
- Anh ấy có mến cô không? Trong việc này, anh ấy có cơ may ra sao?
Rebosa thở dài:
- Rõ điên! Bà cụ phải luôn tạt nước lên các bậc cửa, nếu không anh ta có thể ngồi ở đấy cả ngày. Nhưng tôi nghĩ sau tối hôm nay, việc này sẽ chấm dứt.
Tôi hỏi:
- Cô thật sự không cảm thấy yêu đương gì với ông già Mack cả chứ?
Cô gái lắc đầu:
- Ối giời, không hề có. Tôi nghĩ ông ta cứ khô khốc như gạch ngói ấy. Ông có ý nghĩ kỳ quái thật!
Tôi hỏi dò:
- Người mà cô mến là ai, cô Rebosa?
- Đấy là anh Eddie Bayles. Anh ấy đang làm thư ký cho hiệu tạp hóa của ông Crosby. Không những anh ta kiếm được ba mươi lăm đô một tháng, còn có con nhỏ Ella Noakes nhiều lúc mê mết anh ấy.
Tôi hỏi:
- Ông già Mack nói sẽ cử hành lễ cưới vào lúc sáu giờ chiều nay phải không?
Cô trả lời:
- Đúng thế. Lễ cưới sẽ được cử hành ở nhà tôi.
Tôi nói:
- Cô Rebosa, nghe tôi đây này. Nếu anh Eddie Bayles có một nghìn đô tiền mặt – nên nhớ là một nghìn đô có thể mua cho anh ta một cửa hiệu tạp hóa - cô có đồng ý làm lễ cưới với anh ta vào lúc năm giờ không?
Cô gái nhìn tôi cả phút, và tôi có thể thấy trong cô đang có những suy nghĩ không ai nghe được, theo cách phụ nữ suy nghĩ.
Cô đáp:
- Một nghìn đô-la à? Dĩ nhiên là tôi đồng ý.
Tôi bảo cô:
- Được rồi. Chúng ta đi tìm Eddie.
Chúng tôi đi đến hiệu tạp hóa của ông Crosby và gọi Eddie ra ngoài. Anh ta có vẻ đáng mến, mặt có tàn nhang; và anh ta bị cóng người khi nghe lời đề nghị của tôi.
Anh nói:
- Vào lúc năm giờ? Để có một nghìn đô la? Xin đừng đánh thức tôi khỏi giấc mơ! Thế thì ông như là ông chú giàu có đã giải nghệ từ cơ nghiệp mua bán hương liệu ở Ấn Độ. Tôi sẽ mua lại hiệu tạp hóa của ông già Crosby và tự mình quán xuyến.
Và rồi tôi chúc lành cho cả đôi lứa, rồi đi lang thang trong một khu rừng. Tôi ngồi trên một khúc cây, ngẫm nghĩ về cuộc đời, về tuổi già, về tướng tinh vận mệnh, về thói đàn bà, về mọi xáo trộn trong nhân sinh. Tôi tự khen ngợi mình vì đã cứu thoát được anh bạn già Mack. Tôi biết sau khi Mack đã vượt qua việc này, đã trút bỏ cơn cuồng nộ và trút bỏ luôn đôi giày xịn, anh sẽ biết ơn tôi. Tôi nghĩ: Nếu giúp được anh bạn già Mack thoát khỏi cơn hoạn nạn như thế này thì dù có phải tốn hơn một nghìn đô la cũng đáng tiền. Và nhất là tôi thấy vui vì đã biết rõ phụ nữ quá nhiều nên không thể để bị họ lừa bằng bất kỳ ngón nào.
Khi tôi về nhà thì đã hơn năm giờ rưỡi. Tôi bước vào, anh bạn già Mack ngồi đấy, mặc bộ quần áo cũ kỹ với đôi bít tất treo trên cửa sổ và quyển “Lịch sử nền văn minh” đặt trên lòng.
Tôi ra vẻ vô tư:
- Có vẻ như không phải bạn đang chuẩn bị cho lễ cưới lúc sáu giờ.
Mack đưa tay vói lấy tẩu thuốc:
- À, đám cưới được dời sớm hơn vào lúc năm giờ. Họ báo cho tớ biết là đã đổi giờ hành lễ. Giờ thì đã xong xuôi rồi. Này Andy, cậu đi đâu mà về muộn thế?
Tôi hỏi:
- Bạn có nghe tin về lễ cưới à?
Anh đáp:
- Tớ cử hành lễ cưới. Tớ đã nói cho cậu nghe tớ được cử làm thẩm phán dân sự. Ông mục sư vắng mặt vì phải đi xa thăm họ hàng, nên cả thị trấn này chỉ còn có tớ là người có thẩm quyền hành lễ. Tháng rồi tớ đã hứa với Eddie và Rebosa là tớ sẽ cử hành lễ cưới của họ. Anh ta làm ăn chăm chỉ, một ngày nào đấy anh ta sẽ làm chủ một cửa hiệu riêng.
Tôi nói:
- Chắc chắn là như thế.
Mack bảo, phì phò tẩu thuốc:
- Có nhiều phụ nữ tại lễ cưới. Nhưng tớ không biết họ có ý nghĩ gì ra sao về tớ. Tớ ước muốn tớ có khả năng thăm dò tâm tư họ như cậu.
Tôi nhấc lấy cây đàn ban-jo và nói:
- Đấy là hai tháng về trước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com