Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
24/6/12

Cá ngựa! Cá ngựa - Vũ Bằng

Cá ngựa! Cá ngựa
Vũ Bằng

Năm 1938
Phóng sự

I. Một cuộc hội họp rất quan trọng ở trước “săm” Ngọc Hà…

            Tôi đứng giữ thế thủ. Một! hai! ba! Nếu thằng khốn nạn giở tay, tôi phải vặn cổ nó từ đằng trước ra đằng sau cho chết. Nó không muốn chết, vì nó không giở tay. Tôi ôn tồn bảo nó:
            - Từ lần sau, anh muốn hỏi ai điều gì thì phải lễ phép hơn một chút, nghe không?
            Nó dịu nét mặt lại. Nó nhe răng ra cười. Tôi đỡ sợ.
            Thì ra thằng khốn nạn ấy không phải là quân cướp rựt như tôi vừa tưởng.
            Nó chỉ là một người lương thiện như anh.
            Hãy để tôi thuật lại chuyện từ đầu.
            Lúc ấy gần hai giờ sáng. Trận mưa rào vừa ngớt hạt, làm bóng loáng con đường nhựa dài dằng dặc từ sở ông Bẩy đến vườn rau Dốc Thuỵ.
            Tôi và hai người bạn khác, cởi áo ra khoác ở vai, đi chuệnh chà chuệnh choạng về trại Ku-ku ở gần nhà bia Ô Mền. Rượu mạnh và bước nhảy lúc mười hai giờ đêm vừa đây làm chúng tôi hoa mắt. Vừa đi vừa nói chuyện, chúng tôi bước khỏi nhà “Tây cụt” cách chuồng ngựa Champenoise độ mươi bước thì một người trẻ tuổi quần ta, áo tây, đầu đội một cái mũ nồi xanh lét, đứng ở trong một cái hàng rào tiến ra. Nó không to lớn. Nó trạc độ 30 tuổi. Nó trông hiền lành. Nhưng lúc ấy khuya lắm. Không có một người nào khác cả. Bóng tối đem đến những cái bí mật rùng mình. Đằng xa, một con chim bìm bịp cầm canh hoà với tiếng cú kêu lạnh ngắt. Thì làm sao tôi lại không có quyền nghi ngờ gã kia là một đứa bất lương?
            Nó hỏi tôi:
            - Có phải bác là bác Điển không?
            Thằng này có lẽ tưởng tôi là bồi làm ở một cái nhà tây gần đấy. Bác bếp! Bác bồi! Bác phu xe! Nhưng mà thôi, cũng được đi! Tôi theo chủ nghĩa xã hội, tôi chủ trương sự “đấu tranh giai cấp”!
            Điều đáng giận là nó hỏi tôi, bằng một con mắt trâng tráo. Thằng khốn nạn!
            Tôi đã trả lời nó, cũng như những người khác cần phải trả lời nó, nếu ở vào trường hợp của tôi. Con mắt nó đỡ láo. Mặt nó đỡ vênh lên. Nó xử nhũn:
            - Thì tôi hỏi bác có phải là bác Điển không, chứ gì mà ngậu sị lên thế?
            Không thể được. Này này, mày mà nói một câu nữa thì bỏ đời mày. Tôi đã tính nhẩm trong óc cách đấm một cái mà thằng kia phải qụy. Nhưng nhà nó có hồng phúc. Ngay lúc ấy tôi vụt nhớ ngay ra nó là một người quen. Những người không biết võ mà gặp một đối thủ khoẻ mạnh thường vụt có cái trí nhớ đặc biệt đó.
            Tôi cố sức nhớ kỹ. Thì ra, đó là người tài xế của một vị bác sĩ tôi quen, mới hai tháng trước đã chữa cho tôi khỏi sốt.
            Xin lỗi độc giả tôi lầm.
            Bệnh thương hàn của tôi, không phải vì bác sĩ chữa mà khỏi, nhưng chính nó khỏi tự nhiên. Nếu nó không khỏi tự nhiên, bài phóng sự này không có. Vì nếu bác sĩ chữa cho tôi hết bệnh có lẽ tôi hết thở. Vậy bác sĩ ấy là một bác sĩ xoàng.
            Nhưng ngài sống rất đàng hoàng… tuỳ từng lúc… nghĩa là tuỳ theo sự được hay thua cá ngựa.
            Khắp Hà Thành và Cảng, còn ai không biết ngài là một tay “tơợc-phít” có danh? Ngài có can đảm đem cái gia tài bạc vạn cá với một con ngựa tốt. “Sau ta là nạn ngập lụt”. Dân An-nam mình cũng có nhiều người theo chủ nghĩa vô chính phủ như Nietzsche, chứ không?
            Vậy, bác sĩ của tôi, đánh cá nhiều khi rất mạnh. Nhờ cái mạnh ấy, các “tơợc-phít”[1] khác sẽ bỏ nhà mà dọn đến ở nhà pha. Bác sĩ tôi không thế. Thần tài đến chơi với vợ chồng ngài luôn.
            Tôi đã lắm lúc muốn đem giầu cau đến phòng khám bệnh của vợ chồng bác sĩ, xin nhập môn… để học lấy nghề cá ngựa. Trời ơi là trời!
            Thì vừa nghĩ như thế, thấy ngay bác sĩ.
            Ngồi trên một cái ô-tô nhọn hoắt đằng sau như một điếu xì-gà, bác sĩ ngồi chúi trong một góc đệm như ẩn núp một người nào. Bên cạnh một người đàn ông khác đương rỉ tai bác sĩ nói một việc gì quan trọng.
            Cái ô-tô đỗ đó ở trước cửa săm[2] Ngọc Hà.
            Thì ra, “thằng khốn nạn” của tôi đánh xe đưa bác sĩ lên đó, để bác sĩ ngồi trên xe, rồi xuống hỏi thăm bác Điển.
            Vậy thì bác Điển là ai?
            Một trận phong ba trong cái óc! Lập tức tôi nghĩ ngay ra một cái án ngoại tình… vợ thua cá ngựa, đành đem thân vàng ngọc hiến cho một ông lắm của để lấy tiền gỡ gạc ở trường đua.
Mà, tối nay, được tin một người bạn thân tín báo cho biết rằng người vợ đáng kính cẩn đã cắm sừng vào trán mình, bác sĩ đánh cá ngựa vội vã bảo tài xế mở hết máy chiếc xe Ford tám ngựa để bắt cho được gian phu dâm phụ. Thôi, tôi hiểu hết cả rồi. Bác Điển, − cái tên mà anh tài xế vừa trâng tráo hỏi tôi, − chỉ có thể là người đã chim bác sĩ bà mà thôi!
            Đích lắm.
            Một cái ô-tô tắt hết cả đèn đỗ ở cửa một nhà săm, người tài xế trâng tráo đi tìm một người đàn ông, hai ông âu phục ngồi im thin thít ở trong xe hòm đóng kín, như chờ đợi… Các ngài bảo đó không phải là một cái “mi-dăn-sen” [3] để diễn một tấn bi hài kịch “Bắt vợ ngoại tình” thì còn có thể là cái gì?
            Bạn đọc! hãy cùng tôi chứng kiến cái tấn kịch sầu lòng đó.
            Gió lạnh lùng. Đường vắng. Trong sự im lặng rùng rợn, ở Bách Thú đưa ra hai tiếng chuông ngân dài ra và chết đi rồi lại ngân dài ra: hai giờ.
            Tiếng chuông đó lúc báo hiệu một cái chết thảm khốc ở trong những bài tuồng rùng rợn của Sa-sĩ-bỉ.[4]
            Chúng tôi đã toan khóc thương cho người đàn bà nhẹ dạ, vì cá ngựa mà phải đem tim ra hiến mũi dao con. Đích lắm rồi: Tôi chờ trông thấy máu.
            Chứ không ư?
            Ba giờ sáng. Ở săm không có một người đàn bà nào đi ra cả. Mà cũng chẳng có một người đàn ông nào đi ra cả. Mấy thằng bồi phòng ngồi hút thuốc lào vặt, nói chuyện với nhau về “phỉnh lậu” với “phỉnh vàng”[5] Tôi lại gần họ nói chuyện. Đêm ấy, săm Ngọc Hà không có khách.
            Không có khách? Lạ! Thế thì bác sĩ đợi ai? Đợi ai?
            Một ngọn gió bay qua như khóc cái âu sầu của đêm tối.
            Ba giờ mười lăm. Chiếc xe Ford tám ngựa, sơn mùi cánh chả vẫn đứng “không kèn không trống” ở trước cửa săm Ngọc Hà. Ông bác sĩ cùng với bạn vẫn thì thầm. Mà “thằng khốn nạn” của tôi vẫn trâng tráo đi tìm bác Điển.
            Tôi đã toan thương cho ba người đàn ông ấy phải rãi gió dầm sương suốt cả đêm ở dọc đường. Thì, bỗng đâu, ở đường Bách Thú đi lên ba cái xe “con lợn”. Người ngồi xe thứ nhất hát tây. Người ngồi xe thứ nhì ngủ gật. Người ngồi xe thứ ba lầm rầm như cố đạo đọc kinh. Hôm ấy là thứ bảy: bọn này chắc đi chè chén hay ở xóm chị em về nhà.
            Cánh cửa ô-tô mở đánh xình. Người bạn bác sĩ nhảy xuống đất nhanh như cái cắt.
            - Xe! dừng lại!
            Bác sĩ ra hiệu. Ba cái xe dừng lại. Và ba người ở trên xe bước xuống.
            Thôi chết! Một trận huyết chiến sẽ xẩy ra ở chỗ này. Tôi cầm chắc người tài xế sẽ ra tay trước nhất.
            Quả không sai. Bước lên xe, người tài xế ra tay vặn lái… Sau một câu chuyện rất đơn giản, ba người khách đi xe móc túi trả tiền xe rồi cùng bước lên ô-tô với bác sĩ và người bạn của ngài. Bom! hai cái đèn pha loé sáng.
            Ông hát tây lúc nãy phàn nàn:
            - Gớm! mệt quá!
            Ông ngủ gật:
            - Thôi tôi xin về.
            Ông cầu kinh:
            - Con Paladin ở cuộc đua thứ nhất kỳ này hỏng. Có lẽ con Rageur sơi cuộc đua thứ nhì…
            Ô-tô mở máy giở hết cả “sức ngựa” chạy về đường Carnot.[6]
            Thì ra cái án ngoại tình là cái án sống trong tưởng tượng của tôi. Bác sĩ Hoàng Văn X… còn có một việc đáng quan tâm hơn… vợ.
            Đó là con ngựa.
            Mà cái “mi-dăng-sen” vừa rồi chỉ là để lấy “chuy-ô”[7] cho cuộc đua lớn ngày mai.
            Tôi không cần phải dài lời. Độc giả đã biết ba người vừa đi xe đó là ba ông “dô-kề”.[8]
Bác Điển của tôi là một trong ba vị anh hùng đó.
            Có ai, trong một cái vé số Đông Dương, đã để ý đến một bức vẽ vẽ một người đàn bà bịt mắt dẫm chân lên trên một cái bánh xe có hai cái cánh trắng như bông? Bánh xe ấy là bánh xe của thần tài. Người đàn bà bịt mắt có ý nghĩa là sự may rủi.
            Tôi muốn xin hội đồng xổ số từ sau sấp đi sẽ chữa bánh xe đó ra là một cái vó ngựa thi. Như thế sẽ ý nghĩa hơn. Vì, hiện giờ đây, một cái vó ngựa thì được người ta chú ý nhiều hơn là một cái bánh xe, – dù bánh xe ấy là bánh xe thần của Bát Tý Na Tra đi nữa.
            Thực vậy.
            Cá ngựa! cá ngựa! cá ngựa! Từ kỳ sau, ngươi hãy sống lại cho ta xem những đoạn đời kỳ lạ của ngươi. Ta sẽ thuật lại cho độc giả yêu quý của ta để cho họ biết rõ một lối chơi vui hơn đánh bạc mà thần rủi may đã lắm khi tỏ ra rằng bất lực bất tài. Ngươi sẽ kể hết, kể hết, nghe không? Và ngươi sẽ không quên cả những người vì ngươi đã đầy đoạ, hiện giờ đây, đương nằm ép rệp ở trong xà-lim u tối.
            Ta là một người bàng quan!

II. Cô Kiều chơi cá ngựa

            Trường đua. Một giải đất mông mênh, cỏ xanh dợn như rồng xanh uốn khúc. Hàng rào gỗ trắng như bạc (đồng). Cổng ngõ quét một thứ vôi hồng, trông từa tựa như vàng mới trá. Đó đây, một vài cái thống trồng cây, nhác trông ngỡ mấy cái đỉnh trong những lăng tẩm chốn kinh kỳ gió bụi. Ngài đi vài bước nữa sẽ thấy “pa-đốc”[9] − nơi cân ngựa. Cuộc đua này cân năm con chạy ba; cuộc đua khác, cân mười ba mà chạy bẩy. Ba bước chân nữa, ta đã đến “ghi-sê”[10] mua vé.
A! thưa độc giả, tôi có lời xin các ngài đây. Nãy giờ, có phải không, tôi có vẻ một con người vật chất. Rõ xấu. Nhưng, xin chớ cười nhau: Tôi là một nhà phóng sự viết văn… “suyrêalít”! [11]
Một buổi chiều chủ nhật, vui bước lên chơi trên Quần Ngựa, các ngài cứ thử nhìn cái quang cảnh trường đua một lát mà coi: cái mà nó đánh vào mắt các ngài trước nhất không phải là trường đua rộng rãi hay đẹp đẽ. Mà là sự xa hoa thở ra tiền của những người, − ôi! lắm của, quăng từng tập giấy bạc vào những cái cửa ghi-sê, không phàn nàn.
            Tôi đã ngốt lên, khi thấy tiền bạc tràn ngập một cách rất thi vị ở chốn ăn chơi đó. Cỏ xanh, tường đỏ, chậu cây vàng, trước mắt tôi lắm lúc đã hoá cả ra tiền. Cái tường bạc vạn tuế! Thưa các ngài, tờ báo xã hội nào hò hét với Chánh phủ Bình dân rằng dân ta nghèo khổ là tờ báo khôi hài hay nhất.
            Tiền, vâng chỉ là tiền.
            Người ta kể chuyện rằng trường đua là một hội họp của khách phong lưu xa mã. Bên Pháp và Anh, đàn bà đến đó để khoe khoang những bộ áo mới may, mà đàn ông là để giở những lối xã giao nịnh gái.
            Ở đây, tôi đã được trông hết cả rồi.
            Mặt phấn ố hoen, cô gái nhà ai lấy gấu quần nhầu nát để quét bực “ti-buyn”[12] ; cạnh chỗ ghi-sê, ông phán ở sở nào không biết, đương thích cánh một bà đài các, để tranh vào trước, mua 10 lần một cái jumelé 4x6? [13]
            Lịch sự là một chữ thừa. Ở những nơi bạc bịp hay cò con, khách chơi nào cũng lấy tâm trí để thoả tâm trí, − như lời Balzac. Nghĩ về tiền nhiều quá, kết cục người ta khổ vì tiền. Cũng như cặp trai gái mê nhau, những ước ao chăn loan đệm thuý, mà rút cục đến phải yêu nhau trên một tấm giường gỗ mọt!
            Hỡi khách đi đánh cá ngựa! Tôi xin hỏi có ai người không mê tín dị đoan không?
            - Miễn là ta được.
            Một nhà cộng sản chính tông mà đánh cá ngựa, tôi đoan chắc cũng ước mong có trời. Để phù hộ cho con ngựa mình chơi về nhất. Trời, vì vậy, thành ra cái phao để cho những người sắp chết bám vào. Mà cũng vì vậy, thành ra không phải người đánh cá ngựa nữa, nhưng là… trời đánh.
            Trời đánh, thánh dạy… Vì chính thánh cũng dạy người ta đánh cá. Thưa các bà, tôi chẳng phải là đứa vô tôn giáo như các bà tưởng tượng đâu.
            Đánh cá ngựa mà trông ở trời, phật, thần, thánh, ừ thôi, thế cũng tạm được đi! Vì cái óc dân mình đánh chết cũng chưa hết tin rằng trời phật là hai vị tối cao đã xếp đặt cả những công việc trong trần giới.
            Tôi đã thấy các bà đi đánh cá ngựa ngày mai, hôm nay ra thì thà thì thụp lễ ở đền Hàng Trống. Cô tiểu thư muốn cho con Pommard được nhất ở trong giải des Pins xin quẻ thẻ cầu may; bà cụ thân sinh ông ký L. ở Finances, [13] vì thua luôn cá mấy kỳ, gội đầu sạch sẽ để “ăn chay nằm mộng”.
            Y như những con chiên, đi trẩy hội La Mecque,[14] hay những bà tín đồ của cái nạn Phật giáo, tiết xuân đầm ấm, nhẹ lướt con thuyền đi trẩy hội chùa Hương.
            A-di-men lạy đức Chúa Lời chúng tôi là kẻ có tội. Lạy đức Phật ngồi trên tam bảo, con là người đánh cá ngựa thua!
            Những cái đó tuy vậy chưa làm cho ta giận lắm. Điều đáng giận nhất một số người đánh cá, ấy là cái nhẫn tâm bắt một người đã chết phải đứng dậy ra trường đua chơi hộ mình.
            Tôi cần phải kể sự tích một đôi câu tóm tắt.
            Người đã chết ấy, không phải Quan Công đã nổi tiếng vì biết xem tướng con Xích Thố! Không phải Châu Xương, người ấy cũng chẳng phải là người đã vẽ ra tranh “La chevauchée des Walkyries”.[15] Người ấy chỉ là Vương Thuý Kiều, đời Gia Tĩnh, triều Minh vậy.
            Truyện rằng: Kiều là một cô gái giăng hoa, một buổi du xuân, ăn giọng với anh chàng Kim Trọng. Gia biến. Bán mình. Làm nhà thổ. Rồi lại về với chàng Kim. Suốt trong 300 trang thơ mĩ miều của Nguyễn Du, tôi cá một cái giải triple évent [16] với người nào tìm thấy cô Kiều đi ngựa, chơi ngựa, hay đã làm lái ngựa. Không. Vậy chẳng hiểu làm sao nhiều người hiện giờ đây, cứ mỗi buổi tối thứ bảy, lại phụ cô Kiều sống lại, để báo cho mình cách đánh cá ngày mai?
Hãy cùng tôi vào nhà ông Th… Một buổi chiều thứ bảy. Cơm xong, ông chúi mũi vào một quyển sổ “bà đầm” viết chi chít những số, những tên, những chuồng! Bà ngồi bên cạnh, nhìn ngọn bút chì của ông gạch những tên Pompéi, Wanda, Hirondelle, Rose Marie với một con mắt lơ đãng u buồn, vì mấy kỳ nay thần may rủi đã phụ lòng vợ chồng bà, mà riêng bà, bà thua mất một bát họ ngót nghìn của nhà cái, là bà Tham H…
            Tối nay buồn. Bà Th… nhắm con mắt vào cái ngày mai mù mịt.
            Ông chồng vẫn cắm cúi tính sổ như đương làm sổ “anh- văng-te” cho một hãng buôn to; bà vợ, lục ngăn kéo rút lấy một quyển Kiều bìa đỏ, giơ lên áp vào sống mũi, suỵt soạt mấy cái rồi lầm bầm khấn lạy “lục bộ” cái ả “đĩ ngựa” − nói theo lối Nam Kỳ − của triều Minh, ứng cho một quẻ thực hay, để bà biết, ngày mai đây, trong cái giải double-évent, con ngựa nào được mà con ngựa nào không được.
            Ông chồng gác bút chì, nghé nhìn vào trang Kiều mà bà vợ vừa lật ra. Đôi tay trắng mịn run lên vì cảm động. Hai cái đầu xanh cúi xuống. Bà vợ đọc bằng một giọng du dương như đàn bà con gái hồi 1924 đọc văn “Khóc chồng”:
            Áo xanh đổi lấy cà sa,
Pháp danh đổi lại tên ra Trạc Tuyền.
            Người chồng gật đầu ra vẻ một nhà thông thái đương tìm một cái “ê-qua-xông” (équation), nhưng không nói gì. Bà vợ, quấn quyển Kiều lại cầm tay, đọc khẽ lại câu văn ban nãy:
            - Áo xanh… áo xanh… à, thôi tôi hiểu rồi. Ngày mai, double évent có bảy ngựa chạy trong số đó có Promesse mà tên cưỡi nó lại bận áo xanh. Còn “cà sa lại đổi tên ra Trạc Tuyền… Cà sa lại đổi”…
            Bà vợ tán:
            - Cà sa có lẽ là mùi nâu. Giô-kề cưỡi con Brin d’amour vẫn mặc áo mùi nâu. Thế thì, chắc đánh con Promesse “suya” (sur) con Brin d’amour tất được.
            - Tán Kiều ra thế thì xoàng quá. Theo tôi, cà sa là chỉ một vị tu hành. Vị tu hành thì đầu trọc. Vậy ta tìm một tên giô-kề nào đầu trọc mà đánh, tất thế nào cũng phải ăn.
            - Biết kiếm ra thế nào được anh đầu trọc? Giô-kề hết thảy đều húi rẽ hay chải phi-lu-dốp.
            - Cũng phải… Cà sa… Cà sa. À! phải! Tôi nghĩ ra rồi. − Ông Th… vỗ vào đùi kêu đét. Một tia chớp loé ra. − Cà sa, mợ ơi! Thôi đích là cái chuồng Casa… nova rồi. Tôi phải đánh con ngựa ở chuồng ấy là con Passion mấy được.
            Tán rộng, đã gọi là tán rộng, thì thế nào mà lại không nghĩa lý? Tôi không phải là một nhà viết báo chuyên bàn việc thế giới. Nên rất khâm phục hai vợ chồng ông Th… Nhưng tôi sẽ nói, tôi lại khâm phục một người hơn thế: cô Kiều. Vì lần ấy, cô Kiều nói đúng.
            Giải double évent, hai vợ chồng bà Th… đánh con Promesse (suya) Passion (4x5) được hai trăm tám mươi hai đồng sáu hào bốn xu.
            Ôi! mỉa mai của may rủi!
            Double évent, mà bói Kiều, tán ra được như thế, đã là điều hãn hữu. Cô Kiều, không ngờ lại là một kỳ tài, có phép nhiệm bằng mười thế nữa. Cô chỉ nói hai câu rất nhỏ, mà lại còn chỉ bảo được cho người ta đánh triple évent nữa ư?
            Đây này, câu chuyện. Ông P. Đ., chủ một xưởng gỗ lớn ở Hà Thành, một hôm, thấy người ta bói Kiều, đánh được, cũng viết giấy mượn tôi một quyển truyện bất hủ của cụ Tiên Điền Nguyễn Du. Cũng suỵt soạt, cũng khấn lục bộ cô Kiều với Mã Giám Sinh. Giai tay trái, gái tay phải. Này này, trông tôi giở:
            Sương in tuyết ngựa câu ròn,
     Cỏ pha màu áo, ruộm non da trời.
            Một cuộc bàn tán của mấy tay sành sỏi trong nghề. Sương in tuyết? Đích là Boule de neige! Huống hồ, người cưỡi nó lại mặc áo màu xanh da trời. Nên họ nhất định lấy Boule de neige vây xuống tất cả những ngựa chạy giải tư, để đánh triple évent. Hôm sau trên trường đua, ông P. Đ. có bao nhiêu vốn liếng đem ra cúng cả vào cái triple évent. Nhưng hỏng ngay từ cuộc đầu, vì có lẽ cô Kiều hôm ấy không thiêng, nên con Boule de neige đã bị con Libellule hạ một cách đích đáng. Ông P.Đ. ví có muốn thắt cổ hôm đó cũng không còn tiền để mua lấy một cuộn giây thừng ba xu nữa.
            “Đúp” và “tờ-ríp” xong rồi, bây giờ đến “duy-mơ-lê”.
            Người anh hùng, bói Kiều, lần này là một kẻ cũng theo đòi nghiên bút. Than ôi, tôi xin tự giới thiệu một cách rất ai oán: người ấy là tôi vậy.
            Hôm ấy, tôi tập dấn thân vào trong trận chiến tranh của may rủi. Muốn biết nghề, phải làm nghề, tôi theo đúng lời của người hiền, phải vậy không, các ngài? Vậy, trước khi lên chuồng đua, tôi cũng bắt chước những người đi trước. Thế là tự tri. Tôi cầm một quyển Kiều, sáng rõ tinh sương, nghĩa là bụng còn thanh khiết, ra giữa trời mà vái lạy Hoàng Thiên, rồi kính cẩn mở lấy một trang tay trái:
            Bốn bề bát ngát xa trông,
    Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia,
            Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
   Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
            Tôi hút thuốc lào. Tôi bóp đầu nghĩ ngợi. Cô Kiều đã rốc hết cả bầu tâm sự mà nói chuyện với tôi đêm ấy. Thưa các ngài, cô Kiều là một gái nói ra có lắm ý tứ thâm trầm. Tôi nghĩ… Tôi hút thuốc lào!.. Tôi lại nghĩ!... Có phải: Cát vàng là con Pompéi của chuồng Nguyễn Huy Hợi, jockey mặc áo màu vàng, mà bụi hồng là con Wanda, ở chuồng Casabianca, người cưỡi mặc áo đỏ? Vậy nhất định cái jumelé ngày mai sẽ nghĩa là:
Cát vàng x Bụi hồng
Pomper x Wanda
            Wanda hồi ấy nhất đàn ngựa hạng B. Mà con Pompei chưa có tiếng như bây giờ. Tôi đoán thiên hạ sẽ đổ xô nhau mà đánh Wanda x Pompei. Nhưng đối với tôi thì phải hết nhé! Đời nào tôi dại. Mai tôi sẽ đánh: Pompéi x Wanda. Nhất là Pompei lại đeo số 1. Nửa tình, nửa cảnh… hai nửa chẳng là một, là gì? Ấy thế!... Chỉ cần ngược một chút, nếu con ngựa mà người ta tưởng chỉ có thể về được nhì mà rồi nó về được nhất, thì phải biết!!..[17]
            Tôi khôn thực. Câu ấy quả là câu sấm. Giải jumelé kết cục: Pompéi sur Wanda đúng như nhời tôi đoán. Tôi ăn một cách rất nhũn nhặn: một trăm hai mươi đồng.
            Thưa cụ Nguyễn Du là người đã sáng chế ra cô Kiều! Cụ thực là ông Trạng Trình thứ hai, có cái tài biết trước rằng hôm ấy, giờ ấy, giải ấy có những con ngựa ấy chạy.
            Cụ làm bốn câu văn kia không phải là để làm một cái quốc hồn quốc tuý như ông Phạm Quỳnh đã nói. Tôi bảo cụ chỉ là một tơợc-phít. Ngày xưa cụ làm Truyện Kiều thì ra chỉ cốt để bàn về đua ngựa, như mấy tờ báo hàng ngày năm trước. Xin cụ nhận cái bắt tay cảm tạ của một bạn đồng nghiệp về “cá ngựa” là tôi!
            Lại một cái ví dụ nữa.
            Cụ Bảng B. là một người đánh sóc đĩa ngồi đã mòn không biết bao nhiêu là chiếu của con nhà người ta. Lên trường đua hôm ấy, cụ thấy cái pari [18] jumelé trước (nhất nhì) là 3x4, chẳng hay cụ lẩm nhẩm nói với mình những thứ tiếng lăng nhăng gì không biết, cụ hích vào mạng mỡ một ông bạn già:
            - Bác cứ đánh cho tôi. Thể nào cũng được.
            Rồi cụ Bảng và ông bạn chung nhau tiền mà lại đánh vào 3x4 nữa. Ấy thế mà được thật. Chết chưa? Cụ bảo là nước bạc rền [19] đấy! Ngờ nghệch, lắm khi lại ăn người.
            Ở Quần Ngựa, tôi đã thấy, như ở giữa cuộc đời, những anh khôn quá lại thành ra hỏng bét. Chữ tài liền với chữ tai. Ở đây, tôi lại bái phục cụ Nguyễn Du thêm một lần.
            Các ngài muốn hỏi vặn tôi chăng? Này, nghe tôi kể:
            Chủ nhật ấy, chuông đồng hồ chưa đánh hai giờ, đường Thụy Khuê và Bách Thú đã tấp nập những ô-tô và xe kéo. Vẩn vơ ở trong vườn ông Bảy, một người đàn bà tay mang một cái hộp Nhật Bản xinh xinh và một cái ô hoa đào, đi đi lại lại ở chung quanh hồ để hết xem chuồng khỉ lại sang xem chuồng nhím.
            - Họ đi đâu mà đông thế, hở ông?
            - Họ đi đánh cá ngựa, thưa bà.
            Vừa ở tỉnh lạ về Hà, hai chữ “cá ngựa” như gợi trí tò mò bà khách lạ. Bà theo con đường dốc Thụy đi lên.
            Ồ! đẹp! Ồ! đông! Ồ! lạ! Một đồng. Ông cho cái vé. Bà khách lạ vào chơi quần ngựa. Thấy mọi người đi lại ghi-sê mua vé, bà cũng lảng vảng lại xem.
            Rồi, thưa các ngài, trong mình người ta, dù đàn bà hay đàn ông, ai cũng có một con lợn ngủ. Con lợn ấy bỗng thức dậy; bà khách lạ giở hào bao ra lấy tiền mua vé. Vừa may. Cuộc đua ấy có bán cả vé pari jumelé. Bà mua văng ngay con số một sẽ nhất, mà con số hai sẽ nhì. Chơi hú hoạ đó thôi! Đã chết ai chưa nào?
            Không chết ai thực. Vì, hôm đó, con Picador (số 1) lại bắt đầu sung sức mà con Passe Partout (số 2) vừa mới trội lên. Thành thử con số 1 về nhất mà con số 2 về nhì thật!
            Cả làng đánh con Quadrant của chuồng Nguyễn Huy Hợi và con Peiping của chuồng Hợp Ký. Hai con này về ba, tư. Thành ra bà khách lạ sơi ngon ơ hơn nghìn đồng.
            Hôm sau tôi hỏi thăm ra thì bà khách lạ này vốn ở Lao Kay về Hà Nội lần thứ nhất. Mà cũng đánh cá ngựa lần thứ nhất.
            Từ đó nhẫn nay, đường xa thẳm như buộc chân bà khách lạ, trường đua vắng hẳn bóng tri âm, bạn đánh cá nhìn đã mòn con mắt, nhưng cùng với nghìn bạc kia, bà khách nọ của ta:
            Một đi từ biệt trường đua,
Có về đâu nữa, đất Hà từ đây!

III. Nausicca, mày giết chết cha tao nhé!

            1932. Hồi ấy, làm phóng viên cho một tờ báo hàng ngày, tôi xin thú thực là chưa để chân lên Quần Ngựa. Hàng tuần, cứ đến chiều thứ bảy thì một phong thư ở hội đua lại gửi đến tận tay tôi. Uể oải giở ra, lần nào tôi cũng thấy hai tờ giấy đánh máy: một tờ nói rõ về những giải ngày mai, còn tờ thứ hai thì là lời bàn con nào sẽ được nhất ở cuộc Gargantua hay con nào sẽ hỏng ở cuộc đua Desportes…
            Bức thứ hai thường ký tên là Dô-kề. Nhưng sự thực là của hội đua ngựa viết. Viết ra để gợi cái tính tò mò của các người đọc báo, nghĩa là làm quảng cáo cho hội đua. Các báo hàng ngày, hồi ấy, thôi tha hồ mà đăng vào trang ba và trang tư, ấy là chưa kể báo Đông Pháp có bữa lại đăng lên trang nhì là khác. Mới biết các ông chủ báo hàng ngày ở nước này khinh lợi thực! Đăng quảng cáo cho trường đua mà không cần lấy một đồng xu nhỏ!!
            Nhưng chính lúc quảng cáo nhiều như thế, hội đua ngựa lại vắng khách đến chơi. Hồi ấy, dân mình chưa ham cái thú chơi ngựa, và chưa chịu vứt tiền đi lắm, tuy rằng các báo hàng ngày quảng cáo hoài một cách vô tình cho hội cá ngựa. Xảy ra một vụ đánh bạc ầm lên ở Hà thành. Trường đua mở một cuộc xổ số Cash-swep. Một đồng một vé, giải độc đắc ăn 400$, ai muốn chơi thì chơi! Mọi người xô nhau đánh. Vì người mình thua kém gì thì thua kém, chứ đánh bạc thì quyết chẳng kém mũi nào. Thú vị nhất là người nào mua vé Cash-swep lại có quyền vào cửa không phải trả tiền, hôm xổ số ở trường đua!
            Bà Liên ở sau hội chợ là một người trong những người đó. Thần tài, trong một tháng ấy, đã gõ cửa vào nhà những hai lần. Lần thứ nhất vào dịp mở số Tombola. Bà Liên trúng số độc đắc, được một cái ô-tô hơn hai nghìn. Là một người làm ăn buôn bán cần cù chẳng cần đến ô-tô làm gì cả, bà muốn bán lại. Nhưng trước khi để lại, chẳng nhẽ lại không biết mùi cái ô-tô của mình hay sao? Bà hãy vặn đi chơi cái đã. Hôm ấy mở số Cash swep. Bà lên chơi Quần Ngựa để cho biết trường đua và nhân thể để xem cái vé của mình mua có cái nào trúng không.
            Trường đua! trường đua! Hồi ấy trường đua chưa đông khách như bây giờ. Nhưng nói thế không phải là để nói rằng chưa có những công tử, tiểu thư lên đó để thả tình thi tứ. Này là một cậu có cái áo smoking, khoe khoang cái quần rayé, này là một cô mặc áo kiểu hoa khế hoa sen khoe những nét lồi lõm ưa nhìn trong thân thể. Đối với bọn này, trường đua là một chỗ “trưng xướng”. Nhưng không ai cấm họ, mỗi lúc ngựa về, cũng la cũng hét cũng cười rộ cũng tiu nghỉu buồn rầu như đi đưa đám tình nhân. Làm như thể mình là tay chơi sành sỏi lắm.
            Bà Liên khác thế. Bà cần sự hồi hộp ở trường đua như anh và tôi. Không đến thì thôi, chứ đã đến thì phải chơi! Nhưng biết chơi ra thế nào? Bà ta bèn hỏi một người đứng cạnh. Cái ông bạn nhất thời kia lại tưởng bà hỏi đánh double vào cuộc đua nào. Ông ta bèn trả lời gọn là kỳ 4 và kỳ 5. Bà Liên nghe nhầm là nên đánh con số 4 và con số 5, liền vào ghi-sê mua luôn vé 4x5. Ngờ đâu con 5 ở cuối thứ năm hôm đó là con Nausicca, đã lâu chỉ bì bà bì bạch lạch đà lạch đạch (như ông đốc tờ Chương) và về bét hoài; hôm ấy, sắp chạy, trời lại đổ mưa rào. Nausicca vốn là một con ngựa già, chịu được mưa gió, nên cứ thế là phóng một mạch về… trúng cử nghị viên – tôi muốn nói là con Nausicca về nhất. Tiếng hò! Tiếng hét! Tiếng than phiền! Tất cả trường đua, từ tribune đến pelouse [20] đều thua cuộc. Vì dù rằng có nhiều người cá trúng cuối trên là con 4, nhưng cuối sau thì ai ai cũng chọn con 3, con 2, con 6, thành thử cuộc double évent hôm đó chỉ có một mình bà Liên được cuộc.
            Hồi ấy hãy còn ít người chơi. Nếu phải bây giờ, cái double évent ấy, phải ăn đến 2 nghìn đồng là ít. Bà Liên chỉ ăn có hơn bốn trăm đồng. Nhưng vào hồi ấy, thế đã là một cái “cá” ăn to, nên tất cả trường đua đều lác mắt trông bà Liên mang số bạc khá đồ sộ kia lên ô-tô về. Trong khi ấy, bọn công tử và tiểu thư ở tribune bấm chí nhau mà nhìn một cách thèm thuồng, có kẻ lại chán nản giơ hai tay lên trời mà kêu: “Nausicca! mày giết chết cha tao nhé!” và có anh tiếc của nằm lăn ra bãi cỏ, như muốn ăn vạ với Hội đua.
            Từ đó, lòng tham của các khách chơi sôi nổi như nước triều hôm. Già trẻ lớn bé xô nhau đến đánh cá, những tưởng kiếm bạc ngàn, nhưng đời người dễ mỗi lúc người ta được may mắn như bà Liên và bà lái ở Lao Kay về Hà Nội?
            Các báo hàng ngày được tin, nay một người thụt két, mai một người tự tử, mỗi ngày một tỉnh ngộ dần ra, và không làm quảng cáo cho hội đua ngựa nữa. Nhưng hơi muộn.
IV. Mẹ ơi, con hết vốn rồi. Con ơi, mẹ cũng đến ngồi nhà pha
            1932-1938. Sáu năm trời, bao nhiêu cuộc đổi thay ở trên trường đua ngựa. Và bao nhiêu người đánh cá méo môi sò, vì bị thua cay. Này là một ông bán ba cái nhà ở Cột Cờ vì những con Raspoutine với Solitaire; này là một bà sơi đã lắm con Rayon d’Espoir, nhưng ăn hết lương chồng và cơm con, vì đã ngộ tưởng con Velleda II to lớn và mịn lông tất phải khoẻ dai và có nước rút lớn. Sự tưởng tượng giết người! Cô ơi, cô tưởng cứ con ngựa nào dài đuôi mà đánh cá, thì cô sẽ dễ chịu ư? Không! Nghề chơi cũng lắm công phu, cô ạ. Mà sở dĩ nhiều người bị thân tàn ma dại vì cá ngựa cũng chỉ vì lấy trường đua làm một cái sòng bạc to được phép mở công nhiên, ấy là chưa kể Nhà nước lại còn đắp điếm, bù trì cho là khác. Họ thua là tự họ. Nhà nước và hội đua mở ra cái thú chơi này, có bắt họ đến chơi đâu? Mà đã nói đến Hội đua và Nhà nước, tôi đố ai tìm được một lẽ cỏn con gì để phàn nàn được đấy!
            Bút tôi như muốn ngừng. Đã cho Quần Ngựa là một sòng bạc lớn, những người đánh cá tất phải tin ở đỏ đen. Tôi đã biết những người bói Kiều. Tôi đã biết những người đi lễ các đền chùa để cầu may. Tôi đã biết những bà cụ “ăn chay nằm mộng”. Hôm nay, tôi xin dắt các ngài đến chơi một người bạn tiêu biểu cho một hạng đàn ông tin đen đỏ ở trên trường đua ngựa. Một căn nhà vào hạng trung lưu. Đấy, các ngài xem, chủ nhân của nó là một ông tham Công chính, có cái vẻ gì là vẻ Đình Dù [21] đâu. Vậy mà, xin nói ngay là ông đó tin dị đoan lắm nhé!
            Hai kỳ trước đây ông ấy mượn két [22] của sở một số tiền nhũn nhặn là 150 đồng để lên gỡ gạc. Thua cay! Mà tiền thì cuối tháng này phải trả. Các ngài có biết ông ta làm thế nào không? Thưa các ngài, ông ấy về bắt vợ mặc áo tân thời cẩn thận, đánh phấn vào, bắt đi… Xin đừng có những ý nghĩ bi quan mà tưởng là ông bắt vợ ông đi… khách. Việc ấy có thể được lắm, nhưng đâu đã vội đến thế.
            Ông Tham tôi chỉ bắt vợ đi lên Quần Ngựa (không nói bóng) mà thôi. Để đánh. Mà không đánh không được. Vì ông tin rằng thần tài hay đãi kẻ khù khờ, và đàn bà sẽ có may hơn. Đàn bà chẳng may hơn tí gì cả. Nhưng ông Tham của chúng ta không thế. Gọt cho trọc đầu ông đi, ông Tham vẫn cứ tin ở dị đoan, nên tuần sau ông lại cho con đi. Một cô con gái mới 12 tuổi, sự đời chưa biết mà vô tình đã bị bố vỡ lòng cho biết những bài học hay… về ngựa. Cho mới biết những sách giáo khoa của nha học chính dạy con trẻ chớ nên đánh bạc, lắm khi vô dụng lạ.
Nhưng ông Tham không nản, tuy cô con gái của ông đánh cũng thua. Làm sao bây giờ? Con thua mà vợ cũng thua? Thì về nhà mời bà mẹ đi bói cho một quẻ cầu tài. Rồi mời mẹ đi gỡ cho một buổi. Thần phật chắc hẳn sẽ độ cho các cụ già vì các cụ ra vào cửa phật luôn. Và nhất là bởi các cụ già… chay tịnh!
            Có ai đã trông thấy những ngày chủ nhật, trên những chuyến xe điện đi lên Bưởi, một bà cụ già, cái khăn vải đỏ cầm tay, ngồi nói chuyện hết về con Risque-Tout lại đến con Gigolette? Các cụ ấy đi đánh cá ngựa. Mà đánh cá máu mê như bọn trẻ. Có khi hơn!
            Tôi đã thấy những cụ già, chỉ còn đợi đông đủ con cháu là yên lòng nhắm mắt đi về với tổ tiên, mà trên quần ngựa, cũng lê đôi guốc lộc cộc, sổ cái ruột tượng màu xanh, rồi giơ cái bàn tay gân guốc ra vốc từng vốc hào để chung với các bà, các mợ, đáng tuổi cháu dâu và chắt dâu mình. Các cụ ấy, như ngọn lửa lòng hãy còn bùng bùng cháy mạnh, nói chuyện cá ngựa rất sốt sắng, nào con số 1 nào con số 3, và cũng biết những thành tích của con Quaker hay về đường ngắn mà khô, con Limier có nước rút rất tài, nhưng phải cái tội chỉ hay về đường lội.
            Tôi đã trông thấy ở quần ngựa những bộ áo nâu bạc vai, cái quần vải láng ống thấp ống cao, những đôi guốc long sơn, những cái ruột tượng bạc mầu của các cụ sắp về cõi thọ. Còn gì đau đớn cho bằng những con mắt trẻ lại phải nhìn thấy những vẻ mặt phờ phạc, lo buồn, những cái trán mồ hôi tuôn sối làm bệt những mớ tóc trắng như sương tuyết.
            Các cậu bé cô bé đứng ở đầu này của cuộc đời, mỗi khi mách nước không trúng bị bố mẹ mắng cho tàn tệ: Chỉ được cái bẻm mép! Chỉ được cái láo thì không ai bằng! Tin miệng trẻ ranh có ngày chết! Thành ra những lúc đánh thua, bị bố mẹ mắng, cái cô bé cậu bé ấy tiu nghỉu, cũng cần phải chửi rủa lầm bầm, nài nọ kìm cương, hay nài khác gian, “chỉ được cái nghề bán giải”.
Như vậy, chưa chán. Ở quần ngựa, chán hơn hết là các bà các cô bị thua, phờ phạc mặt mày, phấn rơi ra từng mảng, cái quần mỏng mảnh ví có rách cũng không đủ tinh thần để biết.
            Mê ngựa! Người ta đã thấy nhiều người đi làm “người ngựa” để lấy tiền gỡ gạc ở trường đua. Bọn này mê ngựa hơn mê chồng và mê trai. Trong óc, họ ghi đủ những đức tính khoẻ và dai của ngựa. Nhưng không ghi những đức tính ấy của chồng. Tôi nghi rằng các bà các cô ấy cũng như “anh tài tử chơi chim” của La Bruyère,[23] nghĩ ngợi về ngựa nhiều quá, đêm nằm cũng thấy mình hoá ra ngựa cả! Thành thử chỉ khó nhọc các ông chồng có những bà vợ mê ngựa và mê cá ngựa.
            Tôi xin thề rằng nếu tôi có vợ như thế thì tôi… đã chết từ bao giờ rồi. Vì chỉ những nhời nheo nhéo bên tai, trong khoảng đêm trường, bàn về… ngựa cũng đủ làm cho tôi hết ngủ. Và, cứ như thế mãi, thân tôi rồi đến như con nhái bén. Còn gì?

V. Con chó mực, người đàn ông và miếng thịt

            Hôm nay, tôi xin kể cho độc giả nghe một câu chuyện về cá ngựa vừa làm sôi nổi dư luận các bà tham, bà đốc và các bà vợ tây ở Hà thành, chuyện mợ Xa.
            Bà con phố Hàng Bát lấy làm lạ về chuyện mợ Xa rục rịch dọn về Thanh Hoá ít lâu nay, chủ nhật trước lại đổi ý kiến, lấy một người tây lai bán máy. Chuyện như sau này.
            Mợ Xa là một gái con nhà thế phiệt nhưng vì dại trai nên gặp phải bước lỡ lầm. Mợ hút thuốc lá, mợ nhẩy đầm, cuộc đời lên ngựa xuống xe làm cho mợ đã quá một lần gặp quá một ông nhân ngãi. Đến ông đốc Xa là người tình thứ năm, mợ tìm được chốn yên thân, mợ nhất định “cai” hết cả các thứ chơi để làm một người vợ biết bổn phận, một người vợ tốt, một người vợ trong khuôn mẫu. Một người vợ lẽ. Vì ông đốc Xa đã có vợ cả ở Thanh. Mợ tuy là lẽ mọn, nhưng sống với chồng một cuộc đời đầy đủ trong 3 năm trời với ông đốc ở giữa Hà thành văn vật. Mà ở trong Thanh thì bà vợ cả ông Đốc và thân phụ ông Đốc là cụ Kiểm Hai vẫn không hay chuyện gì.
            Bỗng mấy tháng nay, ông đốc Xa nhận được hết thư này thư khác của “ông via” gửi tới. Thôi! Thúc ông đã biết việc này rồi, Sinh và Kiều phen này, nếu không đến nỗi phải cúi đầu trước cửa công, thì ít ra cũng nhừ đòn một chuyến và nhạn nam én bắc chớ không còn mong gì xum họp nữa.
            Không đâu. Việc chưa đến nỗi nào. Thúc ông tân thời, không biết nghe ai hót chuyện đã biết cả chuyện giăng gió của con. Nhưng ông kín chuyện lắm. Ông viết thư khuyên con “không nên say đắm nguyệt hoa” và ngỏ ý nếu chuyện “lấy con hai đã ăn sâu quá lắm rồi thì cũng nên lấy người ta, tội nghiệp!” Nhưng vợ chồng mới lấy nhau chớ nên vì mê nhau quá mà phao phí nhiều tiền. Ông già kia lại nghĩ thương con dâu cả của mình, bèn ngỏ ý với con trai nên thu xếp cho mợ hai về ở Thanh mấy tháng để mợ cả ra ngoài Hà Nội rồi cứ “cắt tua” nhau như thế, mỗi người ở vài tháng hầu hạ đức ông chồng bác sĩ.
            Hôm nay, bác sĩ về kể hết cả đầu đuôi với vợ hai. Khóc lóc, nũng nịu, ôm ấp. Sau hết, mợ hai cũng nghe lời. Và hứa trong năm hôm nữa, mợ sẽ thu xếp xong để về Thanh với Thúc ông để cho người vợ cả ra thu xếp! Mợ hai phải thu xếp thật. Vì mợ ở riêng, không phải ở chung với chồng. Cái lối đàn bà nửa ra nhân ngãi, nửa ra gái “a-bon-nê” [24] mà lại!
Bàn ghế mợ bán. Tủ áo mợ bán. Xe nhà mợ bán. Con chó Nhật yêu của mợ, Lily, mợ cũng bán nốt lấy 30 đồng, thành ra lúc rũ tay mợ có một cái vốn hơn ba trăm, những mong về Thanh Hoá thì đem ra buôn bán hay làm ăn gì đó.
            Thì câu chuyện cá ngựa tự nhiên ở đâu đến làm tan nát cuộc đời của mợ.
            Mợ Hai vốn là một người rất ghét cờ bạc. Từ bé, có lẽ mợ không ngồi đến bàn bạc bao giờ. Trên trường đua cũng vậy, mợ không hề biết ngựa chạy ra thế nào, giải ăn như thế nào. Ấy thế mà mợ hỏng cả cuộc đời vì cá ngựa. Mà nguyên do chỉ tại một giấc mê vô nghĩa. Mợ Hai từ trước đến nay rất tin mộng. Mà mộng, từ trước đến nay, bao giờ cũng có một con chó mực làm chủ động. Con chó mực cắn người, ở trong nhà có người ốm; con chó mực gẫy răng, trong nhà có người chết; con chó mực nhẩy lên vui mừng, trong nhà có việc mừng. Mợ nghiệm đúng lắm.
Lần này, có ba trăm bạc trong tay, mợ cũng nằm mộng thấy con chó mực. Mợ thấy như thế này: Mợ đến một chốn ồn ào những tiếng người cười nói. Con chó mực ở đâu tiến lại với một người đàn ông đã già. Người đàn ông ấy rút ở bọc ra một miếng thịt nướng thơm lừng giơ ra cho con mực ăn xong lại lấy miếng khác đưa cho ăn và cứ như thế mãi. Mà con mực ăn nhưng vẫn không tỏ vẻ vui mừng, ngoe nguẩy cái đuôi một lúc nào.
            Giấc mộng ấy làm mợ Hai băn khoăn đến sáng. Mợ đoán nhiều lắm. Sáng hôm sau, một cô bạn đến chơi, cầm một chương trình cá ngựa, mợ lấy xem, và, có trời hiểu mợ đã đoán giấc mộng làm sao, chiều chủ nhật ấy mợ lên trường đấu mã. Đánh. Đánh lần đầu. Và không biết đánh cá thế nào, mợ cứ hỏi những bạn quen và thấy họ bảo sao thì đánh thế. Và mợ thua. Thua ngót 50 đồng, mợ tái mặt đâm lo, gỡ gạc đến sáu giờ chiều thì món tiền ba trăm nọ chỉ còn trơ 80 đồng.
            Ngày xưa, trong những cuộc chơi đố chữ, những giấc mộng hoang đường đã làm hại nhiều người. Bây giờ, có bao nhiêu người cũng đã chết vì những giấc mộng, ở trên trường đấu mã?
            Tôi đã biết nhiều người như thế! Nhưng không vụ nào làm cho tôi cười thầm bằng vụ mợ đốc Xa. Thì ra mợ đốc Xa đoán giấc mộng của mợ như thế này: người đàn ông kia là ông chủ quần ngựa, con chó kia là… mợ, mợ đương sống cuộc đời bình tĩnh thì tự nhiên có người đem thịt đến nhử miệng mèo − à, miệng chó, − mời ăn. Thì tội gì chẳng ăn, − mợ nghĩ.
            Mợ nghĩ thế là lầm.
            Con chó kia, sau khi thua cá ngựa, đã mở mắt mợ, − tiếc thay, hơi muộn. Mợ không phải là con chó. Mợ là người đàn ông trong giấc mộng, có thịt, tự nhiên đem đến mời chó xơi. Mà con chó, thì tôi không phải dài lời nói.
            Mợ Hai hôm ấy buồn tha thiết. Mợ về nhà, gặp chồng, không nói gì. Mợ không dám về Thanh nữa. Và người đàn bà định hoàn lương đó, ngày lại ngày, thành ra bị sa ngã, và một đêm trăng đẹp, người ta thấy đi chơi bước một với một người cai tây.
            Đó là một chuyện khác.
Bây giờ, người ta chỉ biết mợ Hai không lên cá ngựa lần nào nữa. Mợ lấy chồng tây rất sung sướng, nhưng mợ buồn, lúc nào cũng buồn bã ủ ê như thương tiếc một giấc mộng vui tươi đã vỡ.
Tôi cũng buồn. Chẳng muốn viết tiếp thêm thiên phóng sự này làm chi.

Dư luận, Hà Nội, 27/6/1938; 4/7/1938; 11/7/1938; 25/7/1938; 1/8/1938; 22/8/1938; 26/9/1938.
[1] có lẽ là một từ tiếng lóng về giới cá ngựa; chưa rõ nguồn gốc từ này.
[2] săm (âm chữ Pháp chambre = buồng, phòng): phòng cho thuê, thường ám chỉ nơi chứa đĩ điếm.
[3] mi-dăn-sen (chữ Pháp: mise en scène): sự dàn cảnh, sự sắp đặt, bố trí.
[4] Sa-sĩ-bỉ: tên của nhà văn Anh Shakespeare (1564-1616) đọc theo lối Hán hoá.
[5] Phỉnh lậu là đĩ không có giấy; Phỉnh vàng là đĩ có giấy (nguyên chú)
[6] Đường Carnot: nay là đoạn đường Phan Đình Phùng nối với đường Hoàng Hoa Thám, cạnh vườn Bách Thảo, Hà Nội.
[7] chuy-ô: từ tiếng Pháp tuyau (nghĩa đen là “ống”) được dùng như tiếng lóng để chỉ “nguồn”, “đường dây”.
[8] dô-kề (chữ Anh jockey): người cưỡi ngựa đua.
[9] paddock (chữ Anh): bãi quây ngựa.
[10] guichet (chữ Pháp): cửa giao dịch, cửa bán vé, cửa thu tiền.
[11] surréaliste (chữ Pháp): người theo chủ nghĩa siêu thực.
[12] tribune (chữ Pháp): khán đài, nơi ngồi xem thi đấu thể thao.
[13] jumelé (chữ Pháp): cặp đôi
[13] Finances (chữ Pháp): sở tài chính; trụ sở cơ quan tài chính Đông Dương (nay là trụ sở Bộ ngoại giao) được người Việt đương thời gọi là “sở Phi-năng”.
[14] La Mecque tức Mecca hay Makkah (tên đầy đủ: Makkah al Mukarramah) là thành phố thánh địa của đạo Hồi; mỗi tín đồ phải ít nhất một lần trong đời hành hương về đó.
[15] “La chevauchée des Walkyries” (chữ Pháp): Cuộc dạo chơi của nữ thần Chiến Tranh.
[16] triple évent (chữ Pháp): một ăn ba.
[17] Trong lời nói thông tục trước đây, “phải biết” mang hàm nghĩa như là “ra trò nhé!”
[18] pari trong ngữ cảnh này nên hiểu là “cuộc đua”, “lần đua”, “trận đua”.
[19] rền: tình trạng lặp lại liên tục, quá lâu hoặc quá nhiều so với bình thường (Từ điển tiếng Việt, 2006, của Viện ngôn ngữ học).
[20] pelouse: bãi cỏ (ở đây trỏ những người đứng dưới sân trường đua, phân biệt với những người đứng trên khán đài)
[21] ý nói, người này (ông tham Công chính) không phải kẻ quê mùa khờ khạo (“Đình Dù” ở đây là nói tắt của “Lý Đình Dù”, một cách gọi đương thời, trỏ đám hương chức quê mùa khờ khạo khi ra thành phố).
[22] “két” (âm chữ caisse): hòm, tiền mặt, ngân quỹ.
[23] La Bruyère, Jean de (1645-96), nhà văn Pháp.
[24] abonnée : được bao; gái abonnée: gái bao.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com