Vũ điệu của ngôi
nhà
Phương Trinh
Tưng tứng tưng từng… từng tưng từng
tưng… Nhạc báo thức của điện thoại reo lên inh ỏi. Tôi úp mặt vào gối nhưng vẫn
không trốn được âm thanh. Tối qua tôi trằn trọc mãi mà không ngủ được, bây giờ
thì con mắt rã rời không chịu mở ra. Tôi đưa tay quờ tìm cái điện thoại trong
khi đôi mắt vẫn nhắm nghiền. Để xem trên bàn có không nào… tập này… đồ chặn giấy
này… một vài cái bao bánh ăn xong mà chưa vứt này… ối trời ơi sao lại có cái
khăn tay ở đây… Xoảng! Lần này thì âm thanh đã xé toạc giấc ngủ của tôi như xé
cái kén của con ngài. Tôi lừ đừ chui ra từ cơn buồn ngủ. Mắt vẫn chưa mở, tôi
thả chân xuống đất… Úi da! Có cái gì đó đâm vào chân tôi. Tôi mở bừng mắt dậy.
Lấy kiếng trong túi áo đeo vào. Thì ra cái bình hoa vỡ tan tành trên mặt đất.
Ui… da… pực...! Rồi, tôi đã gỡ miếng miểng ra khỏi gót chân. Tôi đưa mắt nhìn
quanh. Hừ, thấy cái điện thoại rồi. Tôi tắt máy. Bây giờ thì việc kế tiếp là phải
kiếm bông gòn. Chân tôi đang rịn máu. Trước đây thì bông gòn và nước sát trùng ở
trong phòng này. Còn bây giờ nó ở đâu, tôi không biết. Cũng như cái khăn tay lại
ở trên bàn làm việc mà tôi cũng không biết lý do. Tôi ở đây một mình. Ngày trước,
tôi ở trọ cùng các bạn. Nhưng tốt nghiệp xong, các bạn tôi về quê hoặc chuyển
chỗ trọ gần nơi làm việc. Tôi cũng định đi, từ đây đến cơ quan tôi rất thuận lợi
nhưng tôi không thích ơ ûtrong một ngôi nhà to lớn như thế này khi chỉ có một
mình. Tôi không thích và túi tiền tôi cũng không thích. Nhưng bà chủ nhà có cảm
tình với tôi. Bà bảo tôi cứ ơ ûđây một mình, bà giảm tiền cho, cứ coi như tôi
canh nhà cho bà, bà không thể sang đây thường xuyên được. Bà bảo rồi sẽ có người
khác đến thuê nhà, tôi không phải ở một mình lâu. Tôi đồng ý. Thường thì khi có
ai đó tin tưởng tôi, tôi sẽ cố gắng làm bất cứ điều gì người ấy muốn. Tôi đi
làm và được trả lương hàng tháng nhưng không phải tháng nào tôi cũng được trả
những niềm tin. Hai tháng nay, bà chủ nhà đã trả tôi niềm tin đó mỗi khi vội vã
đến đây và vội vã đi. Tôi rất ít bạn và hầu như không xem ai làbạn thân, kể cả
những bạn cùng phòng trọ trước đây. Thế là tôi một mình sống trong căn nhà này.
Ngoài bà chủ nhà ra hầu như không có ai đến viếng thăm. Ban đầu, mọi vật dụng của
tôi đều ở đúng chỗ của nó. Nhưng rồi tôi phát hiện ra ngăn nắp để làm gì khi chẳng
có ai nhìn thấy, chẳng có ai ở đây ngoài tôi ra. Hơn nữa, sự bừa bộn của tôi
không làm bà chủ nhà bực tức. Tôi có thể
mang một tô mì lên bàn làm việc và để quên nó ở đo ùsau khi ăn xong. Tôi có thể
đem quyển sách xuống bếp vừa nấu nướng vừa đọc và cẩn thận cất nó trên chiếc chạn
úp chén. Có thể bạn cho rằng việc thường không tìm thấy vật mình muốn tìm là một
rắc rối. Với tôi thì rắc rối đó được đền
bù xứng đáng bằng sự ngạc nhiên. Tôi đã cảm thấy hết sức thú vị khi phát hiện
ra điện thoại của mình có lần được cất trong tủ quần áo và cho đến bây giờ tôi
vẫn thắc mắc không hiểu vì sao nó lại có thể chui vào tủ quần áo cho được. Một
lần khác tôi lại phát hiện ra bóp tiền mà tôi đinh ninh là mất nằm chễm chệ
trong phòng tắm. Tất cả những điều đó đem đến cho tôi một sự ngạc nhiên trong
căn nhà không có sự ngạc nhiên. Hãy tưởng tượng tất cả đều ở đúng chỗ của mình
và tôi trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. Căn phòng im ắng, gọn gàng, tẻ
nhạt, hôm nay cũng thế và ngày mai cũng thế. Ít ra, sự bề bộn cũng tạo cho tôi
cảm giác rằng: hôm nay, căn nhà khác hôm qua và khác cả ngày mai.
Tôi cà nhắc bước xuống lầu. Đưa tay dụi
dụi mắt vì cơn buồn ngủ vẫn còn theo đuổi. Nhà dưới tối quá. Tôi với tay bật
công tắc lên. Ối! Tôi không quen đứng một chân trên cầu thang và cái với tay
làm tôi mất thăng bằng. Tôi thấy mình đang trượt từ trên cầu thang xuống. A… a…
Mắt kiếng của tôi, nó rơi đâu mất rồi? Dừng lại… dừng…! Tôi bám được một cái gì
đó. Xoảng…xoảng… Đôi mắt lờ mờ của tôi cảm thấy có một dòng thác bướm đang tuôn
chảy xuống. Những cánh bướm trắng tinh khiết, mong manh và huyền hoặc bay đổ xuống
từ chiếc kệ đựng ly. Cả gian phòng như bừng sáng. Tôi mò tìm cái kiếng của
mình. Nó đây rồi. Sàn nhà ngổn ngang những chiếc ly thuỷ tinh tan nát. Ánh đèn
chiếu vào thuỷ tinh. Ánh sáng lọc qua thủy tinh trở nên lấp lánh hơn, kỳ diệu
hơn. Ánh sáng bồng bềnh khắp gian nhà. Tôi rón rén, cẩn trọng bước trên sàn nhà
để không giẫm phải những mảnh thuỷ tinh. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người… cà
nhắc bằng hai chân chưa nhỉ? Hơn nữa, tôi đang bước trên một cái sàn ánh sáng
run rẩy. Những bước chân mạnh e sẽ làm ánh sáng tan đi. Tôi nhìn những bước
chân mình. Quái quỷ! Máu bắt đầu nhỏ xuống! Tôi chợt nghĩ đến nàng tiên cá nhỏ
trong truyện cổ Andersen và mỗi bước chân tình yêu rướm máu. Bông gòn, băng keo
cá nhân và nước sát trùng đây rồi. Tôi băng cái chân lại. Việc tiếp theo của
tôi là dọn dẹp sàn. Vừa dọn dẹp tôi vừa nghĩ đến việc làm và việc học của mình,
nghĩ đến những bài tiểu luận. Tôi cảm thấy rất hưng phấn mỗi khi ngồi vào bàn
viết một cái gì đó, kể cả tiểu luận. Nhưng đó là chuyện trước đây. Còn bây giờ,
tôi thấy mình thật ngao ngán và đành phải làm đại cho xong những bài tiểu luận.
Không biết đến bao giơ øthì cảm giác chán chường này mới phóng thích tôi. Cách
đây một tháng, một người bạn gọi cho tôi. Tôi hỏi bạn ấy đi làm tốt không. Bạn ấy
bảo: “Tất cả đều tốt đẹp nhưng cứ thế này mãi thì rồi mình sẽ không còn là con
người nữa, Trinh ơi!” Câu nói của bạn ám ảnh tôi. “Không còn là con người nữa”
mà lại “tất cả đều tốt đẹp” ư? Ha! Cứ như để “tất cả đều tốt đẹp” thì chúng tôi
phải “không còn là con người”. Hàng ngày, chúng tôi đi làm đúng giờ quy định,
chúng tôi phải ăn nói và xử sự theo những khuôn mẫu của một người lịch sự, một
người có học thời đại mới. Có những lúc tôi rùng mình khi cất lời theo thói
quen: “chiếc áo đẹp quá” lúc nhận ra một đồng nghiệp mặc áo mới, tôi đáp ngay
“mừng cho anh” khi một người bạn báo tin anh lấy vợ. Đầu dây bên kia, hình như
người bạn sững sờ. Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ chúc mừng nhau kiểu ấy,
chúng tôi reo lên và trêu đùa nhau. Ba chữ “mừng cho anh” chẳng tội tình gì vậy
mà tối hôm đó tôi lại khóc thầm. Tôi mơ hồ nghĩ đến một ngày không xa nào đó,
chúng tôi sẽ biến thành những cái gạch đầu dòng trong văn bản cuộc đời, những
cái gạch đầu dòng không cảm xúc.
Ào… ào… hình như có tiếng nước chảy? Tôi
đứng dậy đi vào trong. Nhà bếp lênh láng nước. Khu nhà tôi thường cúp nước vào
buổi tối và đến sáng mới có nước lại. Đêm qua, tôi đã mở nước mà quên không
khóa. Hay thật! Tất cả các phòng đều cósự cố! Bây giờ thì tôi lại phải tiếp tục
bỏ dở đống ly vỡ ngổng ngang để bắt tay vào dọn nhà bếp. Tôi tắt nước và lấy giẻ
lau thấm nước. Khi giẫm chân lên sàn bếp mát lạnh, tôi lại nghĩ mình là nàng tiên cá nhỏ đang bơi lượn giữa đại
dương đồng thời cũng nghĩ về số tiền nước mà cuối tháng này mình phải trả. Nước
đã rút hết rồi, nàng tiên cá với tay lấy cây lau nhà. Nó đang được để dựa vào
chạn úp chén. Keng! Oái! Thôi nào, không có gì xảy ra đâu. Nó tốt hơn rất nhiều
so với việc nước tràn và ly vỡ. Vừa nghĩ, nàng tiên cá vừa gỡ cái vương - miện
– nồi ra khỏi đầu, máng nó trơ ûlại vào đinh. Nhà bếp sạch sẽ rồi, tôi cảm thấy
mình kiệt sức. Hình như người tôi đang run lẩy bẩy. Chắc phải kiếm cái gì đó
lót dạ. Tôi nhớ là mình còn một hộp sữa. Tôi mở tủ lạnh ra nhưng hộp sữa không
có ở đó. Tôi phải tìm hộp sữa ở đâu nhỉ? Trong… phòng tắm hay… trong tủ quần
áo? Tôi bước trở lên lầu. Đây rồi, hộp sữa đang nằm lẫn trên kệ sách. Khốn khổ,
sách để chồng lên nhau không theo một trật tự nào. Chỗ bình hoa thủy tinh vỡ vẫn
chưa dọn nên tôi phải cẩn thận để không đạp phải mảnh vỡ lần thứ hai. Tôi đưa
tay cầm lấy hộp sữa, nó bị đè dưới những quyển sách dày cộm… Nào… cẩn thận nào…
Ầm… ầm… bịch… Ôi trời ơi! Khi những quyển sách thi nhau mà rơi tung toé xuống
sàn, tôi buông người xuống và ôm mặt khóc. Một ngày tan vỡ, rủi ro! Tôi khóc
như cô bé Lọ Lem lúc phát hiện ra chẳng có phép mầu nào quanh mình và chiếc áo
dạ hội lộng lẫy trở lại thành chiếc áo cơ hàn rách rưới. Tôi khóc như Mỵ Châu cô đơn lúc biết sau lưng mình là giặc,
trước mặt mình là Thần Kim Quy vừa thét bảo An Dương Vương: “Giặc ở sau lưng
nhà vua đó”. Tôi khóc như mình cũng sẽ tan ra thành nước mắt.
Cuối cùng thì tôi ngừng khóc. Tôi đưa
tay chùi nước mắt và bỗng nhiên cảm thấy buồn cười vì đã lâu lắm rồi tôi mới lại
òa lên nức nở thế kia. Tôi khóc thật thoải mái, không cần phải nín nhịn, nghẹn
ngào. Tôi hạnh phúc hơn chính mình của ngày hôm qua. Tôi hạnh phúc hơn biết bao
nhiêu người không được một lần thõa lòng mà khóc. Tôi vươn vai và cảm thấy nhẹ
cả người. Thật kỳ lạ! Tôi bật cười. Tiếng cười của tôi vắt vẻo trên bậu cửa sổ, nằm lẫn vào những mảnh vụn
thuỷ tinh. Ơ này, hãy nhớ lại xem, đầu tiên là tiếng điện thoại reo, rồi tiếng
bình hoa vỡ, những chiếc ly thuỷ tinh nhảy múa trước khi rơi xuống đất và vỡ
tan tành, tiếng nước chảy và nước nhảy vũ điệu long lanh của mình trên sàn bếp,
kế đó là tiếng sách rơi, tiếng khóc và tiếng cười. Tôi đột ngột nhận ra ngôi
nhà của mình là một cây đàn vĩ đại mà tôi chạm vào đâu tiếng nhạc cũng ngân
vang. Ngôi nhà của tôi còn là một nghệ sĩ vừa chơi đàn vừa nhảy múa. Tôi dọn dẹp
lại đống sách bừa bộn, thu gom những mảnh vụn thuỷ tinh, rồi cũng đến lúc tôi
phải thu xếp cuộc đời mình sao cho ngăn nắp lại. Tôi uống sữa và nhẹ nhàng đi
xuống cầu thang, dọn sạch đống ly vỡ.
Tôi mở nhạc. Chiếc màn cửa rung rinh
trong gió. Tôi nhón chân lên và cử động đôi tay. Người nghệ sĩ – niềm vui - gõ
vào tôi và phím đàn – tôi nhảy múa! Chao ơi! Hạnh phúc của cõi đời ngổn ngang
này lắm khi giản dị và buồn cười đến thế này ư?
Hôm
ấy, chủ nhân của những ngôi nhà xung quanh mở to đôi mắt tò mò bên khung cửa sổ.
Họ ngạc nhiên nghĩ thầm: “Hình như ngôi nhà đó đang khiêu vũ và mỗi vuông gạch
đều nhảy múa, hát ca”.
http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/truyen-ngan/phuong-trinh-vu-dieu-cua-ngoi-nha.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com