Thần đồng
Thomas Mann
Nguyễn Đình Đăng dịch
Thần đồng bước ra. Khán phòng trở nên yên lặng.
Khán phòng trở nên yên lặng rồi khán giả bắt đẫu vỗ tay, vì từ đâu đó, ở mé bên, một xếp sòng của công chúng, vốn là một người có tài tổ chức bẩm sinh, đã vỗ tay trước. Khán giả tuy chưa nghe thấy gì, song họ vẫn cứ vỗ tay vì một tổ chức quảng cáo hùng mạnh đã thông báo về thần đồng và khán giả đã bị thôi miên, bất kể họ có nhận thức được điều đó hay không.
Thần đồng bước ra từ sau một bức bình phong lộng lẫy thêu các tràng hoa đế vương và hoa cách điệu, nhanh nhẹn bước mấy bậc thang đi lên sàn diễn, đắm mình trong tiếng vỗ tay như ngụp trong bồn tắm, hơi lạnh lùng và hồi hộp một tí, song tỏ vẻ thân mật như đang gặp người quen. Cậu tiến ra sát mép sân khấu và nở nụ cười như thể để cho người ta chụp ảnh; cậu cúi chào bẽn lẽn nhưng duyên dáng như một bé gái.
Thần đồng bước ra từ sau một bức bình phong lộng lẫy thêu các tràng hoa đế vương và hoa cách điệu, nhanh nhẹn bước mấy bậc thang đi lên sàn diễn, đắm mình trong tiếng vỗ tay như ngụp trong bồn tắm, hơi lạnh lùng và hồi hộp một tí, song tỏ vẻ thân mật như đang gặp người quen. Cậu tiến ra sát mép sân khấu và nở nụ cười như thể để cho người ta chụp ảnh; cậu cúi chào bẽn lẽn nhưng duyên dáng như một bé gái.
Cậu vận một bộ đồ toàn bằng luạ trắng từ đầu tới chân khiến khán giả mê mẩn. Chiếc áo vét nhỏ màu trắng được cắt may lạ kiểu có một dải băng cuốn bên dưới, và đến đôi giầy của cậu cũng được làm bằng lụa trắng. Thế nhưng cặp giò trần của cậu ta lộ màu rất nâu tương phản với đôi tất trắng, bới vì đó là một cậu bé Hy Lạp.
Người ta gọi cậu là Bibi Saccellaphylaccas. Và đấy chính là tên thật của cậu. Chẳng ai biết vì sao lại có cái tên cưng ấy, chẳng một ai ngoài ông bầu, và ông ta coi đó như một bí mật kinh doanh. Bibi có mái tóc đen mượt dài chấm vai, được rẽ ngôi lệch về một bên, chải về phía sau vầng trán hẹp và lồi, rồi được buộc túm lại bằng một chiếc nơ lụa nhỏ. Cậu mang vẻ mặt ngây thơ bậc nhất thế giới, với cái mũi chưa phát triển hết, cái miệng vô tội. Vùng dưới đôi mắt đen láy như mắt chuột nhắt của cậu đã hơi mỏi mệt, hằn rõ nếp nhăn. Trông cậu có vẻ như lên 9 tuổi, nhưng thực sự mới 8 tuổi, và được khai là mới 7 tuổi. Thật khó nói rằng có nên tin điều này hay không. Có lẽ mọi người đều đã biết cả nhưng vẫn tin, như từng xảy ra với bao nhiêu chuyện khác. Người tầm thường hay nghĩ rằng phải có một tí ti giả dối thì mới hay ho. Chúng ta lấy đâu ra hứng khởi từ cuộc sống hàng ngày của mình nếu không muốn giả vờ một chút? Và những người tầm thường đã rất chí lý, trong khuôn khổ những cái sọ não tầm thường của họ!
Thần đồng vẫn cúi chào cho đến khi dứt tiếng vỗ tay, rồi cậu tiến về phía chiếc đại dương cầm, trong lúc khán giả ghé mắt nhìn qua chương trình biểu diễn một lần cuối. Mở đầu là bản Hành khúc trọng thể, kế đến là Mơ mộng, rồi Con cú và bầy chim sẻ - tất cả đều do Bibi Saccellaphylaccas sáng tác. Toàn bộ chương trình là của cậu, gồm toàn sáng tác của cậu. Cậu không thể viết ra thành nốt nhạc, dĩ nhiên rồi, nhưng cậu đã ghi nhớ toàn bộ sáng tác trong cái đầu bé bỏng phi thường của cậu, và tất cả các tác phẩm này đều có tầm quan trọng thực sự về nghệ thuật. Có vẻ như ông bầu đã phải tranh đấu vất vả với óc phê phán của mình để chọn ra những tác phẩm in trong chương trình.
Thần đồng ngồi xuống chiếc ghế xoay và giẫm thử bàn đạp, đã được một thiết bị thông minh nâng lên để Bibi có thể với chân tới. Chiếc dương cầm là của chính Bibi, đi đâu cậu cũng mang nó theo. Chiếc đàn được kê lên mấy cái đôn bằng gỗ, và nước bóng của nó đã bị xây sước do vận chuyển thường xuyên – song tất cả những thứ đó chỉ khiến cho sự kiện trở nên hấp dẫn hơn.
Bibi giẫm chân đi giầy lụa lên bàn đạp; cậu ngẩng khuôn mặt nhỏ bé, làm ra vẻ nghệ sĩ, nhìn thẳng về phía trước, rồi nhấc tay phải lên. Đó là một bàn tay trẻ con, màu nâu, nhưng cổ tay khỏe, và có khớp xương to, không như tay trẻ con.
Bibi làm bộ mặt nghệ sĩ cho khán giả bởi cậu biết rằng cậu phải chiều họ một chút. Nhưng cậu cũng có cái khoái trá cho riêng cậu, cái khoái trá mà cậu không thể giãi bày với bất cứ ai. Đó là cái khoái cảm nhoi nhói, cái rùng mình thầm kín của niềm sung sướng, chạy suốt cơ thể cậu mỗi lần cậu ngồi trước chiếc dương cầm mở nắp – cảm giác lúc nào cũng đồng hành với cậu. Lại vẫn là phím đàn đây rồi, bảy quãng tám trắng và đen, mà bao phen cậu từng lạc giữa chúng trong những cuộc phiêu lưu ly kỳ vô cùng tận – vậy mà lúc nào phím cũng luôn sạch bóng như chưa có ai đụng đến, tựa như cái bảng đen vừa được lau chùi. Đó là vương quốc của âm nhạc đang mở ra trước cậu. Nó trải rộng như đại dương đang mời gọi, nơi cậu có thể gieo mình xuống và sung sướng bơi tung tăng, để mặc cho sóng nâng lên, cuốn đi, trong đêm đen và bão tố, nhưng vẫn giữ vững tài nghệ của mình: sự tự chủ và tính kỷ luật – cậu nhấc tay phải lên và giữ nó lơ lửng trong không trung.
Yên lặng nín thở bao trùm khán phòng – khoảnh khắc căng thẳng trước lúc vang lên nốt nhạc đầu tiên… Bắt đầu sẽ như thế nào? Như thế này. Và Bibi, dùng ngón tay trỏ, bóc nốt nhạc đầu tiên ra khỏi chiếc dương cầm, một nốt nhạc rất bất ngờ từ khoảng giữa phím đàn, vang lên như tiếng kèn trumpet. Các nốt khác nối tiếp theo, hoà thành khúc mở đầu – khán giả chùng xuống.
Buổi hoà nhạc diễn ra tại đại sảnh của một khách sạn thời thượng hạng nhất. Các bức tường được phủ kín gương có khung chạm khắc hoa văn, xen giữa các bức bích hoạ của một trường phái hồng hào lắm xác thịt. Các cột trang trí chống đỡ trần nhà, nơi trưng bày cả một vũ trụ của bóng đèn điện, treo thành chùm, phóng ra những tia sáng chói hơn ban ngày, khiến toàn đại sảnh ngập chìm trong làn ánh sáng mỏng, lung linh như kim nhũ. Không một ghế nào trống, nhiều người đứng lố nhố trên các lối đi ở hai bên và phía sau. Chỗ ngồi ở những hàng ghế đầu có giá 12 Mark, vì ông bầu tin rằng tất cả những gì đáng có đều đáng tiền. Giới thượng lưu chiếm trọn các hàng ghế đầu, vì lẽ dĩ nhiên các tầng lớp trên thường bao gồm những người nhiệt tình hăng hái nhất. Có cả một số trẻ em, bẽn lẽn đong đưa chân dưới ghế, ngước những đôi mắt long lanh chăm chú nhìn người đồng niên bé nhỏ, tài năng, vận đồ trắng.
Phía sau, ngồi ở hàng đầu cánh trái là mẹ của thần đồng, một người đàn bà mập thù lù, hai cằm bự phấn, tóc cắm một cái lông chim. Cạnh bà là ông bầu, một người đàn ông mang diện mạo Á Đông, cổ tay áo cài cúc vàng trông bắt mắt. Công chúa ngồi chính giữa hàng ghế đầu tiên – một bà công chúa già bé nhỏ, nhăn nheo khô héo, nhưng vẫn là một nhà bảo trợ nghệ thuật, đặc biệt cho những gì mang đầy tính đa cảm. Bà ta ngự trên một chiếc ghế bành sâu bọc nhung, một tấm thảm Ba Tư trải dưới chân bà. Bà ngồi khoanh tay trước ngực áo lụa kẻ sọc xám, đầu nghiêng về một bên, biểu thị một vẻ bình thản tao nhã trong khi xem thần đồng trình diễn. Ngồi cạnh bà là một thị nữ vận đồ lụa kẻ sọc màu lục. Vì chỉ là một thị nữ, cô này luôn phải ngồi lưng rất thẳng trên ghế của mình.
Bibi kết thúc trong đại cao trào. Cậu lùn tí xíu đó phang nhừ tử phím đàn với một sức mạnh kinh người! Khán giả khó có thể tin vào tai mình. Chủ đề hành khúc, giai điệu nhịp nhàng dễ lây lan, lại vang lên một lần nữa, hài hoà hoàn toàn, táo bạo và phô trương. Cứ mỗi lần chơi một nốt nhạc, Bibi lại nảy người ra phía sau như thể cậu đang nhịp bước trong đoàn quân chiến thắng. Cậu kết thúc bằng fortissimo[1], cúi mình về phía trước, tụt xuống ghế về phía bên, rồi đứng thẳng người đợi tiếng vỗ tay hoan hô.
Và tiếng vố tay nổ tung ra, đồng loạt, cuồng nhiệt. Cậu bé nhún chân bẽn lẽn cúi chào, duyên dáng như một trinh nữ và khán giả ngồi ở hàng ghế đầu nghĩ: “Xem kìa, cái hông của nó mới thon thả làm sao! Bộp, bộp! Hoan hô, bravo, thằng oắt con. Saccophylax hay tên mày là gì cũng được! Đợi tí, để tao tháo găng tay ra đã nào - đúng là một thằng quái con!”
Từ sau bức bình phong Bibi phải quay trở lại sân khấu ba lần trước khi khán giả ngừng vỗ tay. Một số người đến muộn, tiến vào phòng và nháo nhác tìm chỗ của mình. Thế rồi buổi hoà nhạc tiếp tục. Bản Mơ mộng của Bibi gồm toàn các quãng rải thì thầm, trên nền đây đó nổi lên một giai điệu, khe khẽ vỗ cánh. Kế đến là Con cú và bầy chim sẻ. Nhạc phẩm này thành công rực rỡ, gây ấn tượng mạnh. Đó là một tưởng tượng rất phong phú và rõ nét của tuổi thơ. Bè trầm diễn tả con cú ủ rũ đậu trên cành đang đảo cặp mắt mờ, trong khi bè cao láy tiếng những con sẻ vừa khinh suất lại vừa sợ sệt. Khi kết thúc, Bibi được khán giả hò reo tán thưởng, và phải ra chào bốn lần. Người phục vụ khách sạn mặc áo cài cúc lấp lánh bê lên sân khấu ba vòng nguyệt quế lớn và đứng một bên để tặng trong lúc Bibi gật đầu cảm ơn. Đến bà công chúa cũng tham gia hoan hô, ép hai bàn tay vào nhau một cách thanh nhã không phát ra tiếng.
Chà, con người bé nhỏ láu lỉnh kia thực biết cách làm cho người ta vỗ tay! Cậu nán lại sau bức bình phong, khiến người ta phải chờ đợi; cậu ngập ngừng chút xíu trên bậc thang sân khấu, ngắm nghía mấy cái đuôi nheo dài thắt trên các vòng hoa - mặc dù thực ra những thứ này giờ đây đã làm cậu chán ngấy đến tận cổ. Cậu cúi chào cực kỳ quyến rũ. Cậu cho khán giả khá nhiều thời gian để họ nguôi đi, bởi vì các tràng vỗ tay là quý giá và không được cắt ngắn. “Con Cú là con át chủ bài của ta,” cậu nghĩ, - cậu học được câu này từ ông bầu. “Bây giờ ta sẽ chơi bản Fantaisie, bản này dĩ nhiên hay hơn Con Cú nhiều, nhất là đoạn chạy Đô thăng. Nhưng lũ ngu độn các người vẫn mê Con Cú như điếu đổ, cho dù đó là bản nhạc đầu tiên và ngớ ngẩn nhất mà ta từng viết.” Cậu tiếp tục cúi chào và mỉm cười.
Tiếp đến là khúc Trầm tư và sau đó là một Etude – chương trình thật toàn diện. Trầm tư khá giống Mơ mộng – tức là hết chê – còn Etude phô bày toàn bộ kỹ thuật điêu luyện của Bibi, tuy rằng dĩ nhiên đã làm tính sáng tạo vốn có của cậu bị giảm đi nhiều. Sau đó đến Fantaisie. Đây là bản nhạc cậu thích nhất. Mỗi lần trình diễn cậu lại biến tấu nó đi một tí, tự thả lỏng hoàn toàn và đôi khi, trong những đêm diễn may mắn, chính cậu cũng ngạc nhiên vì tài sáng tạo của mình.
Cậu ngồi chơi đàn, bé bỏng, trắng tinh và ngời sang trước chiếc đại dương cầm đen to đùng, ưu tú và đơn độc, bay trên cái biển mơ hồ lộn xộn những bộ mặt, bay trên linh hồn của đám đông vô cảm, mà vì nó cậu đã gắng sức lao động bằng cả tâm hồn độc đáo của riêng cậu. Lọn tóc đen mềm mại buộc nơ trấng của cậu đã xoà xuống trán, hai cổ tay nhỏ bé xương xẩu của cậu giã lên giã xuống liên hồi, cơ mặt nổi rõ trên đôi má trẻ con của cậu.
Ngồi đó đôi khi cậu cảm thấy những khoảnh khắc mình bị lãng quên và cô đơn, khi ánh mắt kỳ lạ đen như mắt chuột nhắt và thâm quầng của cậu nhìn lạc qua sân khấu sơn son đắm chìm vào không gian chứa đầy những con người với những cuộc đời mơ hồ lạ lẫm. Rồi liếc nhìn lại khán phòng, cậu lại quay về với khán giả.
“Niềm sung sướng và nỗi đớn đau, các tầm cao và các chiều sâu – đó là bản Fantaisie của ta,” cậu âu yếm nghĩ. “Hãy nghe đây, đây chính là đoạn chạy Đô thăng.” Cậu chơi giãn nhịp một chút khi gần đến đoạn chạy, tự hỏi không biết họ có nhận ra tí gì chăng. Nhưng không, tất nhiên là không, làm sao họ nhận ra được? Và cậu đưa mắt lên tận trần nhà để ít nhất những con người kia có cái mà nhìn.
Tất cả những con người kia đang ngồi đó trong các hàng ghế ngay ngắn, xem thần đồng chơi đàn, và nghĩ ngợi lung tung trong những cái sọ não ngay ngắn của họ. Một lão thượng lưu râu bạc, ngón tay đeo nhẫn có gắn con dấu, đầu hói sưng lên một cái bướu, một khối u nếu quý vị muốn, thầm nghĩ: “Nhục nhã thật.” Lão chưa bao giờ chơi trên dương cầm được cái gì khó hơn bài “Kìa anh, Augustin thương mến nhất đời, và bây giờ lão ngồi đây, một lão già tóc hoa râm, nhìn cậu bé tí hon vận đồ trắng trình diễn các phép mầu. Phải rồi, phải rồi, đó là năng khiếu Trời cho, chúng ta phải nhớ lấy điều đó. Trời ban cho năng khiếu, hoặc từ chối không ban cho, và không việc gì phải cảm thấy xấu hổ khi làm một người bình thường. Như với Chúa Hài Đồng ấy. – Ta có thể quỳ gối trước một đứa trẻ mà đâu có thấy nhục nhã gì. Thật lạ là những ý nghĩ đại loại như vậy lại làm lão cảm thấy rất thỏa mãn – thậm chí lão có thể nói ra là chúng ngọt như mía lùi, nếu lối nói này không quá ngớ ngẩn đối với một lão già cứng rắn như lão. Dù sao thì lão cũng đã thầm nghĩ như vậy.
Nghệ thuật… gã thương gia có cái mũi mỏ vẹt nghĩ. “Đúng, nghệ thuật tô điểm thêm cho cuộc sống, thêm tí lụa trắng đẹp, thêm tí chát-xình-chát-chát-bùm. Nó chơi thật không đến nỗi quá dở. Kín năm mươi chỗ, mười hai Mark một chỗ, vị chi là sáu trăm Mark – chưa kể những thứ khác. Trừ đi tiền thuê khán phòng, tiền điện và tiền in chương trình, phải lãi đến một ngàn Mark là cái chắc. Kể cũng đáng.”
“Nó đang chơi Chopin,” bà giáo dạy dương cầm có cái mũi nhọn hoắt nghĩ. Bà ta ở cái độ tuổi khi hiểu biết trở nên sâu sắc còn mọi hy vọng thì đã tiêu tan. “Nhưng không độc đáo lắm – ta sẽ nói điều này sau. Tiếng đàn nghe được. Còn thế tay của nó thì hoàn toàn nghiệp dư. Phải đặt được một đồng xu lên mu bàn tay khi chơi đàn mà đồng xu không rơi xuống đất thì mới gọi là đạt. Vào tay ta thì đã ăn mấy cái vụt thước kẻ.”
Rồi đến một cô gái trẻ ở cái tuổi thẹn thùng e ấp và xanh lướt như cớm nắng của cuộc đời khi tư duy hay nảy sinh những ý tưởng khó nói ra nhất. Cô nghĩ thầm: “Cậu ta chơi bài gì vậy nhỉ? Cậu biểu hiện tình yêu mê say, tuy vẫn còn là đứa trẻ con. Nếu cậu ta hôn mình thì cũng tựa như thằng em mình hôn mình vậy thôi – hoàn toàn không phải là hôn. Liệu có cái gọi là tình yêu tự thân không, không cần bất kỳ một vật trần tục nào làm trung gian, một loại tựa như một tình yêu tối giản ấy mà? Tầm bậy quá! Mình mà nói những điều này ra chắc người ta sẽ nghĩ mình bị thâm thần mất. Đời là thế mà.”
Một tay sĩ quan đứng dựa cột, ngắm thành công của Bibi và nghĩ: “Đúng, cậu quan trọng và tôi quan trọng, mỗi người một kiểu.” Vì thế y rập hai gót giầy vào nhau để chào Bibi theo cách y chào các tai to mặt lớn.
Rồi đến một nhà phê bình, đã luống tuổi, khoác áo choàng đen bóng, quần xắn móng lợn dính bùn. Ông ta ngồi ở hàng ghế miễn phí và nghĩ: “Trông cái thằng ranh ăn mày Bibi kìa. Cá tính của nó thì vẫn còn cần phải phát triển tiếp, xong nó đã là một điển hình trọn vẹn, một nghệ sĩ tiêu biểu nhất. Nó có tất cả các cảm hứng trào dâng của nghệ sĩ cũng như những cái hoàn toàn vô giá trị, những ngón bịp bợm cùng với lửa thiêng, sự khinh bỉ cực độ lẫn niềm say mê thầm kín. Tất nhiên, ta không thể viết tất cả những nhận xét này ra, không khéo lại thành khen nó quá mức. Tất nhiên, nếu ta không nhìn rõ chân tơ kẽ tóc mọi thứ như thế này thì ta cũng đã thành nghệ sĩ rồi.”
Rồi thần đồng ngừng chơi và bão tố nổi lên trong khán phòng. Cậu phải liên tục đi từ sau bức bình phong ra chào. Người phục vụ mặc áo cúc sáng lấp lánh mang thêm các vòng hoa lên sân khấu: bốn vòng nguyệt quế, một cây đàn lyre kết bằng hoa tím, một bó hoa hồng. Anh ta không đủ tay để trao tất cả các tặng phẩm đó, ông bầu phải lên sân khấu để trợ giúp. Ông ta quàng một vòng nguyệt quế lên cổ Bibi, âu yếm xoa mái tóc đen của cậu, và đột nhiên như thể mất tự chủ, ông ta cúi xuống tặng Bibi một cái hôn, một cái hôn kêu, đúng giữa miệng. Thế là cơn bão biến thành trận cuồng phong. Cái hôn chạy suốt khán phòng như một luồng điện, chui thẳng vào tủy sống khán giả khiến họ rùng mình lạnh toát sống lưng. Họ bị tiếng ồn hỗn loạn thúc ép xô đẩy. Những tiếng hú hét quện với tiếng vỗ tay như điên dại. Vài người bạn khán giả nhỏ tuổi của Bibi ngồi dưới vẫy vẫy khăn tay. Nhưng nhà phê bình lại nghĩ: “Tất nhiên cái hôn này phải có – trò hề cũ rích. Đúng, Chúa ơi, giá mà ta không biết tỏng mọi thứ như thế này.”
Và buổi hoà nhạc đi đến hồi kết. Buổi diễn bắt đầu lúc bảy rưỡi và kết thúc lúc tám rưỡi. Sàn diễn chất đầy các vòng hoa và hai bình hoa được đặt trên giá nến của chiếc dương cầm. Bibi chơi bản nhạc cuối cùng - bản Rhapsodie Hy Lạp của cậu, có phần cuối chuyển thành quốc ca Hy Lạp. Nếu không có các khách khứa oai vệ ngồi quanh thì những người đồng hương của Bibi trong đám khán giả đã sung sướng hát theo cậu rồi. Họ bù lại bằng những tiếng ồn cực lớn, những tiếng la ó rùm beng, một biểu hiện tinh thần dân tộc đầy nhiệt huyết. Và nhà phê bình luống tuổi lại nghĩ: “Đúng, cũng phải có cả bài quốc ca này nữa. Tụi nó phải khai thác mọi nguồn cảm hứng - quảng cáo không được phép bỏ qua bất cứ cách gì nhằm đạt mục đích cuối cùng. Có lẽ ta sẽ phê phán cái này là phi nghệ thuật. Nhưng có thể ta sai, có thể đây mới là cái nghệ thuật nhất trong tất cả. Nghệ sĩ là gì? Chẳng qua là một con rối. Phê bình luôn ở tầm cao hơn. Nhưng ta không nói thế được.” Và ông ta bỏ ra về trong cái quần dính bùn của mình.
Sau khi đã ra chào tới chín hoặc mười lần gì đó, thần đồng không đi ra từ sau bức bình phong nữa mà đi xuống chỗ mẹ cậu và ông bầu ngồi dưới khán phòng. Khán giả đứng cả dậy hoan hô, chen nhau tới để gặp Bibi. Nhiều người cũng muốn gặp bà công chúa. Hai đám đông dày đặc hình thành, một đám vây quanh thần đồng, đám kia vây quanh bà công chúa, và khó mà nói ai trong hai người được công chúng tôn sùng hơn. Nhưng cô thị nữ được lệnh tới gặp Bibi. Cô ta vuốt nhẹ cái áo vét lụa của cậu cho tề chỉnh để ra chầu, rồi dắt tay dẫn cậu đến chỗ bà công chúa ngồi, và long trọng ra hiệu cho cậu hôn tay bà. “Con làm thế nào mà chơi được như vậy?” bà công chúa hỏi. “Có phải mọi thứ hiện ra trong đầu mỗi khi con ngồi vào đàn?” “Oui, madame,”[2] Bibi trả lời và thầm nghĩ: “Ôi, thật đúng là một con mẹ công chúa già ngu dốt!” Rồi cậu quay lưng, bẽn lẽn và chẳng lễ nghi gì, đi về phía gia đình mình.
Một đám đông tụ tập trong phòng gửi áo ở bên ngoài. Khán giả đưa số và dang tay nhận lại cổ lông, khăn san, giầy ủng. Bà giáo dạy dương cầm đứng đâu đó giữa đám người quen và lên tiếng phê phán. “Nó chơi không độc đáo lắm,” bà ta nói to rồi nhìn quanh.
Một phụ nữ trẻ thanh lịch mặc áo dài dạ hội, chân đi giầy lông, đứng trước một trong mấy cái gương lớn để hai em trai, hai trung uý, khoác áo cho mình. Cô ta có một vẻ đẹp thanh thú, với đôi mắt xanh ánh thép, và khuôn mặt sáng sủa, gia giáo. Quả là một phụ nữ quý phái. Sau khi mặc áo xong xuôi, cô đứng đợi hai em mình. “Đừng chiếm gương lâu quá, Adolf,” cô nói khẽ với một cậu em, đang ngắm không tài nào dứt ra được vẻ mặt giản dị, trẻ trung và điển trai của chính mình. Còn trung úy Adolf thì nghĩ: “Đồ thô bỉ!” Anh ta vẫn tiếp tục cài cúc áo khoác trước gương, như cũ. Sau đó họ đi ra ngoài đường nơi ánh đèn toả những quầng sáng leo lét xuyên qua màn sương trắng đục. Trung úy Adolf, hai tay đút túi, cổ áo khoác dựng đứng, khẽ nhảy một điệu vũ da đen trên tuyết giá cho ấm người.
Một cô gái tóc bù xù, hai tay vung vẩy, đi cạnh một thanh niên có bộ mặt rầu rĩ, bước ra sau họ. “Một đứa trẻ!” Cô ta nghĩ “Một đứa trẻ thật đáng yêu! Nhưng trong khán phòng cậu ta đã diễn tấu truyền cảm kinh người…” rồi cô ta cất giọng yếu ớt nói: “Nghệ sĩ chúng ta, tất cả đều là thần đồng.” “Trời, lạy thánh mớ bái!” lão già chưa bao giờ chơi được bài nào khó hơn bài Augustin nghĩ. Bây giờ lão đã đội mũ che đi cái bướu trên đầu. “Tất cả cái đó có nghĩa gì? Cô ta nói cứ như thánh phán vậy.” Nhưng chàng thanh niên rầu rĩ thì hiểu. Chàng chậm rãi gật đầu. Rồi họ im lặng và cô gái tóc bù xù nhìn theo ba chị em nhà sĩ quan. Lẽ ra thì cô khinh bỉ họ, nhưng cô lại nhìn theo họ cho đến khi họ rẽ khuất sau góc phố.
[1] Fortissimo: thuật ngữ trong âm nhạc dùng để biểu thị cách chơi rất mạnh. Fortissimo (tiếng Ý): mạnh nhất.
[2] Vâng, thưa bà. (Tiếng Pháp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com