Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
26/6/12

Láng ban đêm - Vũ Bằng

Năm 1940
Phóng sự

Láng ban đêm
Vũ Bằng
            Bắt đầu từ bảy giờ tối, con đường ấy đã vắng người đi lại.
            Từ đầu ô cho đến dốc đi về Cót, thỉnh thoảng lắm mới thấy một vài cái xe bò cọc cạch đi về, vài bác thợ giặt gánh những gánh quần áo vải vàng và những người đàn bà đi chợ muộn rủ nhau họp thành bọn để cùng đi cho đỡ sợ. Bởi vì ở đấy những người đi tối về khuya vẫn gớm bọn cướp của giết người, bọn yêu, tạ lảng vảng ở núi Bò và ở chỗ bán tre. Những người làm ăn lương thiện đó cắm cúi mà đi, nói chuyện thực to và đôi khi những cô con gái xúc cảnh sinh tình thì lại đồng thanh hát những câu đồng dao để phá cái cảnh tĩnh mịch có phần rùng rợn. Chùa Thái Bình âm u hình như lúc nào cũng có những oan hồn đứng nói thầm với nhau ở sau những rặng chuối bụi găng; những cái xe bò chứa những cây tre dài dằng dặc, nằm một cách bí mật ở trên bờ ruộng; những cái bóng tối ở trên những cánh đồng bao la không biết đến đâu là hết     …Bao nhiêu điều làm cho người ta dễ hãi hùng! Huống chi ở đó – Bãi Sậy- xưa nay lại vẫn có tiếng là nhộn lắm, quân gian vẫn rình mò để “làm ăn”, tuy mấy năm nay cũng đã đỡ hỗn đi được một chút thực, nhưng những cảnh cướp rựt đôi ba khi vẫn còn thấy, – mà hình như hầu hết đều là do bọn “anh chị” ở đầu ô Cầu Giấy gây ra vậy.
            Bọn “anh chị” này, thường xơi nhau vì tiền nhưng xơi nhau vì tình nhiều hơn. Họ tranh cướp nhau một ả gái quê mà cầm cả dao bầu ra để doạ mổ bụng kẻ tình địch của mình; ở trước cái rạp hát chèo ở đầu làng Kim Mã không tối nào là không có những gã tranh nhau “lơn” đào mà chẳng sinh những chuyện đổ máu và bị bắt…
            Đứng đầu bọn này là một tên Khách lai lấy một mụ vợ độc long chuyên làm nghề dắt gái. Gái cũng chẳng lấy gì làm thú lắm nhưng mà đắt tiền cũng không kém gái thị thành; nhất là ở một cái nhà chứa ở rạp hát chèo trông sang, thì giá lại càng cao lắm, gái và buồng có khi tính đến vài đồng bạc. Nhà Tư Chín và nhà tên Khách lai thường hiềm khích nhau vì tranh khách của nhau nên những chuyện đôi co nhau, chửi bới nhau thường thấy xảy ra ở con đường lên núi Bò. Chắc các độc giả nhiều ngài còn nhớ cách đây không bao lâu, các báo hàng ngày thường phải đăng lời phàn nàn nhà chuyên trách trừng trị bọn anh chị đó. Không được bao nhiêu lâu đâu! Chỉ yên ổn được một dạo, ô Cầu Giấy lại loạn lên những chuyện hiềm khích giết nhau vì dắt gái. Ngay như ở chỗ Tám Mái là xóm cô đầu cũ cũng không tối nào là yên ổn.
            Có nhà ba chị em cùng đi khách mà vì ghen tuông ra lăng mạ nhau ở giữa đường; có nhà vì tức có người cản trở, một mặt thì cho người ra đánh nhau một mặt thì cho đứa ở dắt vội khách đi vào nhà trong ngõ ông Năm Diệm.
            Nói đến ngoại ô, tôi tưởng ô Cầu Giấy là một cái ô cờ bạc, đĩ bợm và hỗn nhất trong bốn cửa ô ở Bắc Kỳ.
            Những quân trộm cướp không ngại thi hành thủ đoạn ở ngay dưới mũi những ông lính khố xanh. Cách đây không lâu, độc giả tất hãy còn nhớ có một bọn ba người đàn bà nhà quê buổi sáng sáu giờ đem tiền lên chợ Bưởi mua lợn mà bị quân gian cướp hết. Rựt mũ, cướp ví, cắp ô…những chuyện tạp nhạp ấy xảy ra rất liền liền, nhiều khi có những cặp trai gái dắt nhau đi tới trước mặt bọn anh chị kia, chúng chế giễu chửi xỏ, nếu cặp trai gái mà nói lôi thôi gì với chúng thì chúng xô ra đánh liền. Thành thử những người làm ăn chân chỉ rất sợ cái tổ của quân gian đó. Duy có những bọn trai gái ở trên phố dắt nhau về đó để thề thốt và “lơn” và “soạng” nhau thì hình như không sợ hãi gì hết cả. Có ai, một đêm trời đẹp, đã về ở chỗ đầu ô uống một chén nước chè tươi để nhìn những lứa đôi ấy dắt nhau đi về phía “con đường tình” hay không? Họ trông vui vẻ lắm. Cặp nào cặp nấy, tay chân quấn lại với nhau y như thể một người; họ cười họ nói hình như không biết họ còn có một… ngày mai nữa. Bóng tối giúp sự vui vẻ của họ tăng lên, những chuyện cướp rựt không làm cho họ nghĩ tới bao giờ hết. Le lói, đôi ba nơi le lói một ngọn đèn. Cảnh Láng thực nên thơ, từ ở khỏi dãy cô đầu Kim Mã đi lên, bóng tối bao bọc ta và có vẻ che chở cho ta, hoa lá rì rào ở khắp chung quanh mình như muốn reo lên cùng lòng ta và những tâm sự ta giãi bày cùng bạn gái.
            Một cái xe sắt thỉnh thoảng lại lọc cọc đi lại phía ta ngồi. Ba bốn người chất ở trên xe nhìn những cặp trai gái giải nhật trình ngồi ở lề đường bằng một con mắt tò mò. Họ nói với nhau gì vậy? Họ ôm lấy nhau ở đâu vậy? Chỉ có bóng tối là biết, chỉ có bóng tối mới có thể trả lời cho ta.
            Xa xa, ở dưới bóng cây kia, một ả quần trắng áo là đương bá cổ một cậu bồi mà hôn hít như thể nếu không hôn gỡ cho thật nhiều thì cậu bồi đó sẽ hoá ra hơi bay đi mất.
            - A! a! có người nằm…
            Một bọn trẻ con ba đứa chỉ trỏ nhau. Thì ra đó là một cặp cậu mợ đã thuê đâu được cái chiếu giải ngay ra ở xế cửa chùa Thái Bình, bởi vì chỗ này tối lắm, để nói chuyện với nhau một cách yên ổn và tình tứ hơn. Tình tứ hơn bởi vì mợ thì nằm vào đùi cậu mà cậu thì cúi xuống ngực mợ, có lẽ để nói cho gần trái tim của mợ hơn và nhân tiện đớp một con châu chấu hay con cào cào gì đó nó ranh mãnh đã bấu vào ngực mợ. Thú quá! Thú quá! Những phút đắm say của ái tình, người ta tưởng như thấy mợ hát khe khẽ ở bên tai cậu:
Yêu nhau đi, chiều hôm tối rồi,
Cứ nói lên ngàn tiếng yêu đương
Ôi! Say sưa chiều nay khắp đời
Gió bấc cuốn, đêm thu về ngàn sương…
………………………………………
Người ta yêu có một lần…
………………………………………
Người ta yêu có một lần, em ơi,
hãy ngồi sát vào cạnh anh, ngồi sát nữa và trông ra phía cây muỗm ở gần bãi tha ma nọ: một cái ô-tô sơn màu cánh kiến không đèn không lửa đỗ ở đó đã lâu mà sao chẳng thấy một người nào vậy? Khách cố đứng chờ: không có một người. Đương bâng khuâng mình lại tự hỏi mình đó có phải là một cái ô-tô của quân gian nào đánh cắp rồi mang đến bỏ đó không, thì này lạ chửa, “pha” tự nhiên bật sáng. Tiếng động cơ sình sịch nổi lên, một cặp nhân tình, nét mặt như suốt đời sung sướng, vặn lái đi về Hà Nội. Thì ra cái xe ô-tô nọ đỗ đến một tiếng đồng hồ ở đó, kính vặn cả lên, cái ô-tô đó là một cái ô-tô có người, - người ngồi nói chuyện, hay là nằm thì ai biết? - nói chuyện ở trong bóng tối âm thầm vậy.
            Chao ôi! Cái ô-tô! Cái ô-tô! Nó dùng được bao nhiêu việc mà ta không thể nào tưởng được.
            Dãy bán tre ở cổng làng Giảng Võ có đôi ba cặp tình nhân áo cộc nói chuyện với nhau một cách thẹn thùng. Đom đóm lập loè bay qua những đồng ruộng, những bụi cây; đôi mèo gào ở trên nóc một cái quán bán cơm; những con Vện, con Vàng chạy nhông ở giữa đường, con mắt sáng rực như khao khát tìm bạn tri kỷ vậy. Đêm… giờ của ái tình làm việc. Đêm… giờ của linh hồn đi tìm một “cái linh hồn chị em”.
            Cứ cố tiến lên vài bước nữa đi, bóng tối còn dành cho ta nhiều cái lạ tai lạ mắt.
            Cặp kia có những tâm sự gì bí ẩn mà phải đem nhau ra tận giữa bãi tha ma ở xế chùa Thiên Mã rầm rì, rên rỉ với nhau? Lại cặp anh chị nọ làm gì mà cứ lúng túng ở cái cột đèn ở chính chỗ xe điện tránh? Thực là thơ mộng thực là trẻ trung vui vẻ.
            Một cái xe sắt kéo giờ uể oải đi qua. Ông cụ già kéo xe còng lưng xuống để kéo một trăm cân thịt, – một người đàn bà và một người đàn ông – có hề ngửng lên đâu mà biết bọn khách của mình làm những cái trò gì? À, à, à, chớ có tưởng lầm, họ là những người thanh lịch đấy, họ yêu nhau bằng tinh thần đấy… Người đàn ông bế bạn tình của mình để lên đùi là để… là để giữ người đàn bà cho chặt chứ không thế thì sợ người đàn bà trốn mất!
            Yêu nhau đi, chiều hôm tối rồi…
            Láng thực nhiều thi vị. Láng thực là trẻ trung vui vẻ.
            Người ta càng trông, người ta lại càng muốn sống đời: những cặp trai gái ấy yêu nhau quá, yêu nhau quá, thậm chí có cặp không muốn rời nhau ra nửa bước.
            - Em ơi, anh có thể chết vì em.
            - Anh ơi, em cũng vậy, xa anh em nhớ quá, em không muốn xa một phút nào, mấy hôm không gặp mặt, em nghĩ có thể tự tử cho rồi đời.
            Chao ôi! Ái tình! Ái tình mới biết nó có cái nghĩa thiêng liêng thực. Ái tình cao quý lắm, ái tình vạn tuế! Ái tình vạn tuế!
            Một trăm bài thơ hay không thể tả một ly cái đẹp của ái tình; một trăm cái mặt trăng rằm không thể đọ với một cặp tình nhân kề má mà thề bách niên giai lão.
            Yêu nhau đi, chiều hôm tối rồi!
            Phải, phải… Yêu nhau đi…
            Trăng lên cao. Trăng đẹp quá, trời đẹp quá. Con đường Láng lung linh một thứ ánh sáng trong vắt như pha lê, gió mát thổi nhẹ nhàng, từ chỗ cặp kia ngồi, những đồng lúa đưa một hương thơm ngào ngạt lên mũi người đi chơi phiếm.
            Chắc hẳn cái hương thơm đó là hương thơm của ái tình, không sai.
            Yêu nhau đi! Yêu nhau đi! Hương của ái tình thơm ngát quá, thấm thía quá, ai mà không thấy tâm hồn rung động?
            Kìa đây…
            Một ông dược sĩ cùng một bà cắt tóc lối móng lừa thoăn thoắt đưa nhau vào một cái phòng cho thuê.
--------------
[1] Bài phóng sự này đăng kèm một số hình minh hoạ của Mạnh Quỳnh vẽ tại Láng, Voi Phục; và kèm theo hai ảnh do Võ An Ninh và Nguyễn Duy Kiên chụp, có ghi chú mô tả:
Ảnh 1: Thẹn thò. Mới gặp gỡ nhau lần thứ nhất, câu chuyện của cậu mợ còn đôi chút thẹn thò. Cử chỉ còn nhiều e lệ. Cậu vừa nói vừa ngắm chiếc xe đạp thuê giờ. Còn mợ, mợ liếc nhìn đôi quang thúng: tất cả của cải của mợ.
Ảnh 2: Vui vẻ. Lại hai cậu mợ “thôn dã” nữa! Chiếc thúng bỏ bên cạnh có đựng nhiều bánh giò, chuối tiêu và khoai sọ. Ái tình tuy cần thiết nhưng lát nữa đói bụng, cậu mợ sẽ ngừng chuyện ái tình lại để chè chén cho no…
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com