Cháo cóc
Vũ Bằng
Mùa này, vào những buổi chiều sẫm tối có
cơn dông, tôi vẫn thường nhớ đến một căn nhà thấp ở phố Hàng Gai, Hà-nội, quanh
năm ẩm thấp, hễ có mưa rào thì nước dâng lên mấp mé chân giường. Nhà ấy là nhà
của cụ tôi, sau để lại cho thầy mẹ tôi. Có lẽ vì sợ làm mếch lòng các cụ, thầy
tôi không dám sửa lại, thành thử mỗi khi mưa thì nhà dột đất ẩm, nửa đêm chợt tỉnh
giấc nồng, cứ nghe ồm ộp bên tai tiếng cóc nhái kêu gào như thể mình đương nằm
giữa cánh đồng: ghét quá! Tôi còn nhớ có đêm, mất ngủ, tôi lén thức dậy thắp một
cây nến nhỏ đi soi ở dưới gậm giường, bắt cóc, đem hành phạt. Mẹ tôi mắng:
"Bắt nó phải thì tội chết". Và mẹ tôi lại bảo: "Mình nó có nhựa,
chạm phải, hóa hủi, không thể nào chữa được". "Con cóc là cậu ông trời,
Hễ ai đánh cóc thì trời đánh cho". Từ đó, tôi không dám đánh cóc, giết cóc
nữạ Và cũng từ đó, tôi yên trí rằng nhựa cóc sẽ sinh bệnh hủi cho mãi tới bây
giờ... để thú thực rằng tôi đã ngạc nhiên và kinh sợ hết sức khi thấy có người ở
đây ăn cháo cóc. Cóc ai mà lại còn không biết nó? Xấu đến thế là cùng! Nó nặng
nề, ì ạch, lúc nào cũng ngồi chồm hỗm, mắt cứ giương ra trừng trừng, mà da thì
đen mai mái, lại sù sì, tởm quá. Nhìn bát cháo cóc mà tưởng tượng lại cái thân
hình như thế, thực tôi không hiểu sao người ta có thể ăn uống "lẩm cẩm"
như thế được... Nhưng đến khi liều chết, húp thử vài miếng xem sao thì mình
cũng thấy nó có một hương vị lạ, ngon ngọt, thơm thơm, man mát như thể thịt có
ướp hoa bưởi vậy. Thử cho mà biết như thế cũng hay. Có một thuở nào xa xưa lắm
rồi, tôi đã ở trong rừng với người Chàm, lấy lá đu đủ nấu canh, ăn ốc ma leo ở
hàng rào ẩm cả tháng mà không làm sao hết, trái lại vẫn cứ ngon... Có người sống
hàng năm trong rừng ăn kiến, ăn gián còn ghê hơn tôi, mà có làm sao đâu? Còn ở
tỉnh thành, ai mà không ăn ốc nhồi, ốc vặn, ai mà lại không ăn rươi, ăn ếch? Thế
thì tại sao không thể bắt con chằng hiu nhắm rượu chơi, nướng con dế cơm lên lửa
ăn với củ lạc rang và rửa con cóc cho sạch nhớt, lột da, chặt đầu nấu cháo ếch
và cóc cùng thuộc loài "lưỡng thể động vật".
Người Tây phương ăn ếch chiên, ếch xào
lăn với hành và nuôi ếch "to thế này này" đóng hộp để xuất cảng thì
nghĩ cho kỹ, cóc cũng chỉ thế mà thôi. Người ta sợ ăn cóc chỉ vì có thành kiến
về da nó, nhưng có ai đã được xem làm một mẻ cóc rồi mới biết "tắt đèn nhà
ngói cũng như nhà tranh", thịt ếch cũng chẳng hơn gì thịt cóc. Cho tới bây
giờ chưa có một ai bảo cho tôi biết da cóc có truyền bệnh hủi đích thực hay
không, những trông một mẻ cóc chặt đầu, lột da rồi, để trên thớt chờ làm thịt,
ta thấy thịt cóc hấp dẫn như thịt "ba dọi" vậy. Thịt ấy màu trắng
ngà, thớ nhỏ, đanh mà ráo rẻ đáo để. Thử tượng tượng để cho khô nước, chiên
hành tỏi cho dậy mùi rồi bỏ thịt cóc vào mà xào, cái thơm tho tiết ra trong
không khí quyễn rũ khứu giác của người ta biết chừng nào! Ông nào nhậu, chờ cho
thịt chín vàng, xúc ra đĩa, gia thêm sả, hạt tiêu, ớt vào mà nhắm nhót có thể
thấy thích thú hơn ăn thịt gà mái tơ. Thịt dê dai lắm, mà thịt thỏ thì xác quá,
không thể đem ra so sánh được với thịt cóc, mềm, mà nhai sừn sựt, ngọt nhưng ý
vị, đậm đà, chớ không trơ trẽn như thịt ngan, thịt ngỗng. "Bẩm các cụ,
chúng tôi xin lỗi, chớ ăn cóc như thế này, ngon nhất món gì?" Tôi đã hỏi ý
kiến nhiều người sành ăn ở đây thì cóc ăm sướng nhất là món cháo.
Thịt cóc luộc với cháo, ăn thanh cảnh mà
không ngấy. Nhưng phần đông thích ăn cháo với thịt cóc xào. Ăn kiểu này, cũng
như "cập tầy" hay "kê ạp chúc", nghĩa là để cháo với thịt
riêng ra, duy khác một chút là cá thì để tái, gà thì luộc "lòng đào",
còn cóc thì xào lên trước. Lúc ăn, trút thịt cóc vào cháo, quậy lên. Ai ăn được
mà đầu, rẩy một chút lên cho thêm thơm, thêm béo; nhưng nếu không có thì cũng
chẳng sao, bởi vì riêng thịt cóc, cũng đã thơm và ngọt lắm rồi. Vừa húp, vừa ngẫm
nghĩ, ta có cảm giác cái thơm, ngọt đó tựa như cái thơm ngọt của tôm he và bào
ngư hòa hợp với nhau để tạo thành một "lực lượng thơm thứ ba" vừa
lành vừa mát. Thực thế, nhiều người bảo tôi rằng cháo cóc mát lắm, trẻ con, người
lớn ăn vào giải nhiệt; hơn thế có ông lại bảo nó trừ được cả một vài chứng
kinh, sũng và chứng khóc "dạ đề" của trẻ mới sinh - chẳng biết có
đúng hay không? Nói thì nghe sướng lắm, nhưng bởi mình mới "tập sự"
ăn cháo cóc nên vẫn cứ thấy rờn rợn, sợ một cái gì... Thì ra là mình sợ chết.
Chớ sao! Đọc báo hàng ngày, người ta há chẳng thấy đôi khi có đăng tin ăn thịt
cóc chết người là gì đấy! Một ông bạn bảo tôi:
- Có thế thực, ăn cóc có khi chết người,
nhưng chết là tại người ta làm lòng không kỹ.
Lúc làm cóc cần nhất là phải sạch, đừng
để cho dập mật, đừng để cho sót trứng vì nếu trứng cóc làm không kỹ, nó dính
vào mỡ, ăn vào dễ chết như chơi. Mật lấy không hết cũng vậy. Người ta bảo rằng
một nồi cháo cóc mà để xót mươi cái rứng ăn vào chỉ nửa tiếng đồng hồ thấy xây
xẩm mày mặt lại, quỵ luôn. Các ông già, bà cả lại còn nói rằng thịt cóc tối kỵ
củi cà và khoai mì. Nấu thịt cóc với rõ cây cà tím phơi khô hay ăn thịt cóc lẫn
với khoai mỳ cũng độc lắm, dễ chết người. Nghe thấy mà bắt ớn! Song le những
người ưa thưởng thức món ăn ngon khôn g vì thế mà chịu thôi thịt cóc. ờ phải, cứ
vào vụ mưa này đây, có ai về chơi thăm những vùng quê Cái-bè, Cần-giuộc, ở lại
nghỉ đêm ở Tân-phước hay Chợ Gạo mới thấy người ta ham bắt cóc ăn đến chừng nào.
Mấy thằng nhỏ cởi trần trùng trục, đóng khố, lội mưa, xách một cái đèn đi lùi
lũi vào vườn nhà người ta rón rén tìm đến chỗ cóc kêu lấy xiên xiên từng con hoặc
nằm xoài ra để chộp cho vào trong một cái giỏ đeo ở bên sườn. Nhưng đấy chỉ là
những tốp người lẻ tẻ đi bắt cóc vô tổ chức. Muốn hiểu thế nào là bắt cóc
"chân chính", ta phải đi ra ngoài, đi quan sát dưới trời mưa, ở ruộng,
hay dọc một con đê. Hoàng hôn vừa lả xuống trên nội cỏ, đồng cây từ Laođung qua
Trà-bến, từ Long-thành đến Lái-an từ Cồn-lát đổ về, từ bờ sông cái vọng sang,
tiếng cóc ì à ì ộp liên thanh bất chỉ như một bản nhạc thô kệch nhưng xúc tích
hương cau, mùi lúạ Từng nhóm người bận áo đen quần cụt, lầm lầm lũi lũi đi ở
trên bờ ruộng, vểnh tai lên nghe xem tiếng nhạc cóc từ nơi nào vọng rạ Chỉ một
giây, họ biết ngay nơi cóc "hội". Thường thường, đó là một cái gò cỏ
rậm hoặc một lu đất bên cạnh những vũng nước dơ. Chiếu một ánh đèn vào đó mà
coi: chúng "bắt cặp" với nhau kỹ lắm; ánh đèn vừa chiếu vào, léo mắt,
cặp nào cặp nấy nhảy đì đà đì đạch, nhưng cấm có cặp nào chịu rời nhaụ Một cuộc
bố ráp diễn ra, làm cho kẻ bàng quanh tưởng tượng như mình đương chứng kiến một
cuộc bố ráp ở Chuồng Chó hay Ngã ba chú íạ Mười cặp thì cả mười bị tóm! Người
"chuyên viên" thong thả giơ từng cặp bắt được, đưa lên ánh đèn dầu để
coi nở một nụ cười khoái trá khi bắt được cặp cóc đen và mập. Cái giống cóc bụng
đỏ là cóc bệnh, ăn chẳng ra cái chết gì, chỉ để dành trong nhà ăn với nhau, chớ
không bán được tiền.Cóc được ưa chuộng phải là cóc "bự", có nhiều
"mụt" đen ở trên lưng, chân "no" mà sáng. Người ta cho tất
cả vào trong một cái vó tre hay thùng thiếc đem về, lột da rồi đưa ra chợ. Các
chợ Sài-gòn, Phú-nhuận, Ngã ba ông Tạ... thường vẫn bán cóc cho người thủ đô
mua xài. Hỡi cô Hai, cô Ba, Cô Sáu, cô Bảy... cô Chín, cô Mười ơi! Gà nhúng
hèm, ăn mãi bứ; chạo tôm, gỏi sứa, bì cuốn, dùng luôn cũng ngán! Hôm nào thử ra
chợ mua một mẻ cóc về làm vài món ăn chơi, các cô sẽ thấy chồng bớt khó tính
đi, và các ông sẽ vừa thưởng thức miếng ngon vừa kể những câu chuyện hay hay
đáo để:
- Em có biết tại sao về cữ mưa này, người
ta bắt được nhiều cóc không?
Nguyên giống cóc, cũng như giống ếch
nhái, là một loại động vật vùa nước mà vừa cạn. "Cái trứng nở ra như mộ thứ
ấu trùng, có mang để thở, ở dưới nước như loài cá. ít lâu sau, mang nó rụng đi,
chân mọc ra, đồng thời cái đuôi mất nốt". Cứ vào cữ mưa thì cóc dưới nước
lên trên bờ ở, nhưng cũng chính vào lúc đó, những cóc dậy thì, cũng như các cóc
nạ giòng, lớn tuổi nằm trong những đồng ruộng đầy sao rụng, mơ chuyện ân tình,
thi nhau làm công việc truyền tử nhươc tôn. "Những tiếng kêu oai oái, có
lúc như đau đớn, có lúc như thở dài, có lúc như rên rú, có lúc như nhõng nhẽo,
chính là tiếng nói của tình yêu đấy, em thương ạ!" Vậy mà, tội nghiệp,
đang lúc cóc mến thương trao nhịp thở chung tình với nahu trong đêm xanh mát rượi
thì loài người từ khắp nơi đổ đến, vơ cả lũ rồi ném cả vào thùng. Hú vía! Có
con sây sát cả mình; có con gãy đùi, sứt trán; lại có cặp bị dứt ngang ra,
nhưng đa tình thay là giống cóc! Bị sa cơ đến như thế, cặp nào cặp nấy vẫn
không chịu rời nhau, nhất thiết khắng khít cho đến chết. "Yêu là chết ở
trong lòng một ít" có phải nhà thi sĩ đã viết như thế phải không, em? Với
loài cóc, yêu là chết thực sự, chết đứ đừ, chết "toàn diện", chết giẫy
lên đành đạch; nhưng không hề gì, ở trong thùng, trong vó chùng vẫn "song
ca" bản nhạc mê ly. Vì thế, đừng tưởng ăn thế này là chỉ ăn thịt cóc mà
thôi, nhưng chính là ta ăn hương thơm đồng ruộng, ăn... những bản nhạc dân ca,
ăn... bao nhiêu cuộc ân tình ra rít? vào lòng...Ỏ Người chồng nói tới đó, đưa mắt
nhìn vợ, thì thấy long lanh cặp mắt lá khoai, hồng lên đôi má mịn màng... Đêm ấy,
bên chùm dạ lý hương, hai mái đầu xanh sát lại... Đâu đây, có mùi hoa bưởi thơm
thơm...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com