Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
27/6/12

Những chuyện cổ về giăng - Vũ Bằng

Những chuyện cổ về giăng
Vũ Bằng

Thằng Cuội
(cổ tích Tàu)
            Có hai anh em nhà kia, một năm trời làm đói kém mất mùa phải rủ nhau đóng một cái bè nhỏ để vào rừng đẵn củi. Trong khi người anh mò mẫm vào rừng và lặn suối trèo đèo tới được chỗ nhiều cây thì người em ngồi ở bờ lau để canh bè và bỗng trông thấy một con hổ nhỏ. Con hổ đó, anh ta lại tưởng là con chó, bèn bắt liền và đem vặt trụi lông để đem thui. Thì vừa may lúc ấy người anh đi kiếm củi về, biết đó là con hổ, anh ta bèn bắt em đem ngay lại chỗ bụi lau vứt đấy, kẻo con hổ mẹ về thấy mất con nó oán thì nguy hiểm lắm.
            Người em vâng lời anh dặn đem con hổ con giả lại bụi lau, thì ngay lúc ấy con hổ mẹ vừa về và trông thấy con nằm giãy chết mà lông thì bị cạo. Lập tức con hổ mẹ bèn ngứt mấy cái lá cây xuống nhai rồi nhổ vào xác con con: một lát sau, con hổ con sống lại và hai mẹ con con hổ đem nhau vào rừng, để lại chỗ lá cây còn thừa ở đó.
            Ngồi rình từ nãy ở trên một ngọn cây cao, người đàn ông kia để cho hai con ác thú đi rồi, bèn leo xuống và nhặt lấy chỗ lá cây kia, trở lại chỗ anh chờ nhưng tuyệt nhiên không kể lại một tí gì về những cái mà anh ta vừa thấy. Chiếc bè lại rẽ sóng mà đi, hai gã thanh niên nọ ra khơi và cứ thẳng đường mà tiến thì bỗng nhiên thấy ở trên mặt nước một con chó chết bập bềnh trôi theo dòng nước trong xanh, mình đã trương lên mà lưỡi thì lè ra, xanh lét như là rêu nước vậy. Tức thì người em cho mấy cái lá cây vào miệng nhai, nhai rồi rịt cho con chó: con chó sống lại liền và theo hai anh em nhà nọ đi về nhà.
            Con chó ấy là một con chó tinh khôn lắm. Một hôm nó nghe thấy một ông lão phú gia than khóc một người con gái vừa mới mất, ông già ấy kể lể rằng nếu ai làm cho con gái mình sống lại thì bao nhiêu của cải sẽ đem biếu hết và gả con gái cho là khác. Con chó bèn về nhà tìm chủ và cắn cái tà áo lôi đến nhà ông lão nọ. Người con gái ông lão sống lại liền, và ông lão giữ lời hứa gả con cho anh chàng nọ và tặng hết cả tiền tài châu báu.
Anh ta bèn dắt vợ về nhà. Và ở giữa sân nhà anh ta, anh ta lấy chỗ lá còn thừa lại đổ giồng xuống đất. Chẳng bao lâu, một cái cây xanh tốt mọc lên, cái cây ấy chính tên là cây đa vậy. Anh ta dặn vợ phải chăm chút cây đa và ngày nào cũng phải tưới, nhất là những ngày anh ta có việc phải đi xa vắng.
            Một hôm anh ta vắng nhà, hàng xóm láng giềng nhân có tính đố kỵ và vẫn thù ghét anh ta vì có cây đa thần cải tử hồi sinh được người đời, họ bèn bảo nhau đến giết vợ anh ta để xem anh ta có cách cải tử hoàn sinh chính vợ mình hay không. Thì y như rằng, anh ta cải tử hoàn sinh được vợ anh ta thực; những người ở chung quanh đấy sợ thất đảm, bèn bảo nhau lánh cả đi, nhưng chẳng bao lâu, họ lại rình giết được người đàn bà khốn nạn đó lần thứ hai và lần này thì cẩn thận hơn lần trước, họ lại mổ bụng ra lấy cả ruột gan đem vứt một chỗ thâm sơn cùng cốc. Đến khi người chồng về thấy vợ chết một cách dữ dội như thế thì trơ ra không biết làm cách nào để cứu sống lại nữa, nhất là nghĩ mãi cũng không ra cách gì để thay gan ruột khác cho người bạc mệnh kia.
            Sau cùng, anh ta gọi con chó lại mà rằng: “Chó ơi, tao nuôi mày và chăm chút mày như thể bố tao; tao cứu sống mày; tao có công ơn với mày. Bây giờ đây vợ tao bị chết một cách rất đau thương, gan ruột đều mất hết, vậy tao xin mày một điều này: mày nằm xuống để tao lấy gan ruột của mày để thay gan ruột của vợ tao”.
            Con chó vâng lời chủ. Chủ nó lấy lá đa rịt cho vợ, làm cho vợ sống lại và viên đất thó giả làm gan ruột cho con chó giả làm gan ruột nó và làm cho nó sống lại cùng một lúc.
            Một hôm người chồng lại có việc phải vắng nhà, anh ta lại dặn vợ phải tưới cây đa nhưng vợ anh ta lại quên bẵng mất và đến tận khi chồng về, mới lấy nước ra tưới cây đa thần nọ. Chẳng ngờ từ khi mang bộ lòng của con chó, người đàn bà kia mất cả sự trong trắng ở trong người, thành ra ô uế, nên vừa ngồi xuống gốc cây một lát thì cây đa thần vù vù rẽ gió bay lên chín từng mây thẳm.
            Thực là tai hại!
            Người chồng không thể nào cứu vãn kịp cái tai nạn gớm ghê kia. Anh ta lấy rìu ra định đẵn lấy vài cành đa để sau này giồng lại, nhưng không được, cái rìu nọ đã mắc vào hẳn thân cây mất rồi, mà chính anh ta cũng theo cây mà bay vút lên mây và hoá ra thằng Cuội ngồi ở dưới gốc đa trong mặt trăng trên trời.
            Từ đó thằng Cuội đâm ra thù ghét người đời vì “cứu vật thì vật trả ân, cứu nhân thì nhân báo oán”, anh ta cải tử hoàn sinh cho con chó thì nó đền đáp công ơn, còn một khi cứu vợ thì vợ anh ta làm mất cây đa than nọ.
            Anh ta tiếc cây đa vô cùng nên quanh năm ngày tháng chỉ ra công mà đẵn lấy vài cành để giữ. Cây đa đó vẫn cứ trơ với phong sương, duy mỗi năm vào ngày rằm tháng tám thì một chiếc lá lại rơi xuống bể và trôi vào miệng ông Hà Bá.

Con ngọc thỏ
(cổ tích Tàu)
            Ngày xưa, từ thủa chưa khai thiên lập địa, Hằng Nga ở cung trăng một hôm sai con chấy xuống dưới trần và mang cái hoả bài này cho người đời: “Người đời đến tuổi già sẽ lột xác và sống mãi không bao giờ chết cũng như là trăng vậy. Chỉ có giống rắn là lúc già không lột được mà phải chui tọt vào săng thôi”.
            Bất ngờ đi đến nửa đường, con chấy gặp một con thỏ, hai con vật ấy lân la trò chuyện với nhau một hồi lâu rồi ăn cắp cái hoả bài của Hằng Nga. Con chấy mù mịt không còn biết ăn nói ra làm sao cả, con thỏ bèn thong dong bảo con chấy rằng: “Anh cứ đi nói to với người đời rằng: Rắn già thì rắn lột, người già thì người không lột mà người chui tọt vào săng”.
            Con chấy cứ theo thế mà rao lên, cho nên từ đấy con rắn sống thiên niên mà chỉ có giống người là chết.
            Hằng Nga thấy vậy giận lắm cho hỏi cả khắp chư tiên ở trên trời thì lúc ấy con thỏ mới nhảy ra nói hết đầu đuôi tự sự.
            Hằng Nga giận không để đâu cho hết, tiện tay có cái chén ngọc ném mạnh vào mõm con thỏ tinh khôn kia và bắt giam nó một chỗ không cho đi đâu nữa.
            Từ đó cái môi trên con thỏ bị thương tích rạch đôi ra và suốt đời cứ phải ở cung giăng không chạy nhảy đi đâu được nữa.

Tại sao giăng đêm rằm lại sáng?
(cổ tích Ấn Độ)
            Người ta kể chuyện rằng thuở trước có vợ chồng nhà kia sinh được một cô con gái rất đẹp và lấy làm yêu quý lắm. Họ định xây cho cô ta một cái lầu rất thần tiên và họ sai người đi vào rừng đẵn những cây gỗ thật quý để cất cái lầu cao quý đó.
            Chẳng may trong rừng đó lại có ba con chó chết: con thứ nhất trắng, con thứ nhì vàng, còn con thứ ba thì đen. Sau khi chúng nó chết rồi, giời hoá kiếp chúng nó thành ra một cái cây có ba thứ hoa, mầu xanh mầu trắng và mầu đỏ.
            Khi người nhà và cả hai vợ chồng người kia trông thấy cây gỗ ấy thì chồng bảo vợ rằng: Cái cây này quý lắm. Khi nào chúng ta cất xong lầu cho con gái quý của chúng ta rồi, chúng ta phải nhớ đánh nó về làm cảnh.
            Hai vợ chồng người đó đánh cây ấy về làm cảnh thực, nhưng ác thay, cây đó lại đứt mất rễ cái nên chẳng bao lâu héo hắt đi rồi chết; người ta đành phải lấy gỗ cây ấy làm then cửa chính.
Bất ngờ trong cái then cửa ấy lại có một con tinh, nó hiện về và đêm chỉ toan hiếp người con gái kia; cô ta hết sức cự tuyệt, nhưng con tinh cũng không chịu thôi, nó hớp hồn cô ta và chẳng bao lâu thì cô ta ốm nặng rồi lịm đi hơn một ngày. Đến khi tỉnh lại thì đành ép lòng để cho định mệnh nó muốn xoay ra thế nào thì xoay. Thân phụ cô nghe thấy tiếng động ở trong buồng con gái bèn rón rén bước lại phòng để xem sao thì con tinh kia lại bắt nốt lấy hồn ông lão và mãi tận lúc con tinh đi khỏi thì ông già kia mới tỉnh lại và kêu lên một tiếng. Nhưng mà từ đó trở đi, ông ta không dám bước chân vào phòng con gái nữa.
            Ít lâu sau, có một thư sinh thi hỏng buồn tình dạo gót lãng du đi lạc lối qua nhà cô con gái bị ma làm và xin ngủ đỗ lại một đêm. Chàng thư sinh ấy hoàn toàn có cái vẻ của con tinh đã bắt hồn cô con gái nọ nên chủ nhà thoái thác rằng nhà không đủ chỗ để người ngoài ở đỡ. Chàng thư sinh bèn nói rằng:
            - Tôi là người đây cụ ạ. Cụ đừng sợ.
            Ông già xua tay vội đáp ngay:
            - Không, không, tôi biết, chính ông, ông đã giết tôi và lại làm cho tôi sống lại. Tôi hãy còn nhớ mặt ông, tôi không thể tiếp ông đêm nay được.
            Chàng thư sinh lại nói:
            - Tôi xin cam quyết với cụ, tôi là một học trò lỡ độ đường. Nếu cụ có việc gì muốn nhờ tôi, tôi xin hết sức giúp cụ, không dám mong gì lợi lộc.
            Ông cụ già bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện đã xảy ra ở nhà ông và đưa tay dắt chàng thư sinh nọ sang buồng cô con gái.
            Lại nói chuyện về ba con tinh ở cửa nhà ông lão khốn nạn kia; con đen thì nằm dài ở lối đi canh giữ, con trắng thì hiện ra hình người mặc quần áo rất sang trọng và ở luôn trong buồng cô gái.
            Thấy chàng thư sinh đi đến, con đen bảo con trắng: “Này, này, đây là một quý nhân đây, chúng ta phải liệu tìm đường tẩu thoát kẻo không có khó mà toàn tính mạng”.
            Ba con tinh nói thế xong bèn tìm đường tẩu thoát liền, nhưng chàng thư sinh nhanh mắt chém đứt chân được một con và đưa cái chân ấy cho ông cụ xem cho biết.
            Ông cụ vui mừng khôn xiết, không biết lấy gì để đền đáp ơn chàng; chàng chỉ xin ông cụ cho cái then cửa và chàng lấy cái then cửa ấy dắt vào trong giây lưng đeo mình rồi cáo lỗi ra đi.
Tháng ngày qua đi được một ít lâu thì ba con tinh ở trong cái then cửa dắt trong mình gã thư sinh thấy bức bối vô cùng, không chịu được bèn van lạy gã thư sinh tha tội và hứa nếu tha ra, chúng sẽ tạ gã thư sinh đó một cái mặt trời, một con ngựa và cái mặt giăng rằm thực sáng. Gã thư sinh bằng lòng và nhận ba cái tặng vật kia. Thì quả là ba vật quý.
            Con ngựa ấy chạy nhanh như gió và đưa gã thư sinh đi khắp chợ thì quê, sau đến đế kinh để thi đỗ bảng vàng, xong lại đem gã về với vợ ở quê nhà để nghỉ ngơi chốc lát.
            Chẳng may bố mẹ gã thư sinh đó ở một cái nhà xóm khác cũng gần ngay ở đấy không biết con về, lại tưởng rằng con dâu mình ở nhà đã bầy trò trên bộc trong dâu với gã trai nào, ông cụ bà cụ kia bèn nộ khí lên chạy đến nhà con dâu vặn hỏi đầu đuôi và tuy rằng người con dâu ấy hết sức nói rằng người đàn ông kia là chồng mình, sáng hôm nay hắn đã phải từ biệt để về triều sớm. Tuy vậy ông cụ bà cụ vẫn không tin là sự thực. Nhưng đêm hôm ấy gã thư sinh lại phóng ngựa về nhà, ông cụ bà cụ thấy tận mặt con bèn hết cả nghi ngờ và hỏi con trai tại sao mà lại có phép về nhanh như thế được.
            - Thưa cha mẹ, con có một con ngựa phóng như là gió vậy. Hồ [1] bảo nó đi đâu thì nó đã tới nơi liền. Con sung sướng lắm, con đã thi đậu rồi, hôm nay con về hầu cha mẹ và khao làng nước đây.
            Người bố thấy nói con ngựa lạ muốn thử xem cho biết bèn trèo lên mình ngựa đi thử một lát. Còn bà mẹ, bà mẹ cũng muốn thử tài ngựa thế nào, cũng định trèo lên thì chẳng may đàn bà ô uế, con ngựa ấy mất hết cả phép thần, cứ đứng trơ ra đấy, không tài nào chạy được.
            Vị tân khoa tiến sĩ lo sợ lắm bởi vì nếu không có con ngựa thì chàng khó mà vào kịp đế kinh bệ kiến. Chàng bèn cầm cái mặt trời mà con tinh đã tặng chàng rồi ra đi; cái mặt trời con còn ở trên tay chàng lúc nào thì ngày còn cứ kéo dài ra đến đó và vì thế, gã thư sinh nọ đến đế kinh còn vừa kịp. Đến lúc ấy, chàng mới cất cái mặt trời đi và đến lúc ấy đêm mới xuống.
            Tuy gã thư sinh nọ đến kinh kịp thực đấy, nhưng vẫn chậm. Nhà vua muốn phạt chàng, liền đem đầy chàng đến một cái làng cô quạnh kia vẫn có tiếng là có lắm tà ma lẩn lút. Những con tinh con ma ở đó làm hại những vị quan đến trọng nhậm ở đấy, duy có vị tân khoa tiến sĩ này có phúc đức nhiều vả lại là một quý nhân nên những con tinh đó không làm gì chàng được.
Những người dân ở trong làng đem gạo bánh và hoa quả đến mừng rất đông, nhưng vị tân khoa đó không nhận của ai cả; chàng cho một người đi theo rình xem bọn người dân kia sẽ xử sự ra thế nào.
            Thì ra những người đó là tinh cả, chúng nó đi đến một cái giếng nọ và chui cả xuống. Người đi theo rình thấy thế vội về phi báo với vị tân khoa và ngay hôm ấy, vị tân khoa sai lính ra tát giếng. Bao nhiêu công trình đều vô ích; không những cái giếng ấy đã không tát cạn được mà thôi, trái lại trời lại còn thảm đất lại còn sầu rồi khắp cả một vùng đó đều bao la một mầu tang tóc, rồi đêm tối thăm thẳm bao trùm cảnh vật với một giải màn đen dằng dặc.
            Vị tân khoa tiến sĩ kia, nhớ đến bọn ba con tinh khi xưa đã tặng mình ba của báu, bèn giở cái vật thứ ba ra cầm ở trên tay; đó là cái mặt trăng.
            Mặt trăng sáng như gương, vị tân khoa hồ cầm ở trên tay thì bóng tối biến đi hết. Cảnh vật lại sáng sủa, nhưng sáng khác hẳn ban ngày, một cái ánh sáng linh lung khả ái hơn, một cái ánh sáng nên thơ hơn và quyến rũ lòng người hơn.
            Người ta còn nhớ đêm đó là một đêm rằm. Thành thử ngày rằm thì mặt trăng sáng rội lên, nhất là ngày rằm tháng tám thì trăng lại càng sáng lắm, càng nên thơ lắm.
            Bọn lính của vị tân khoa tiến sĩ, nhờ có ánh trăng sáng sủa nên hùa nhau lại tát nước giếng lần nữa nhưng cũng vẫn không được, họ bèn quay ra ngủ cả ở dưới ánh sáng giăng thơ mộng.
            Một con tinh, nửa đêm, bèn hiện ra và báo mộng cho một tên lính rằng:
            - Này này, tôi bảo cho các anh biết nhé. Các anh không tài nào tát cạn được cái giếng nước này đâu trừ phi người nào cầm tinh con rồng và tên là Long mới có thể làm nổi công việc ấy.
            Bấy giờ vị tân khoa tiến sĩ lại tuổi thìn mà tên là Vương Long. Người ta bèn về báo với chàng như thế, và quả đúng như lời của con tinh đã nói lúc đêm khuya, Vương Long tát cạn giếng nước một cách dễ dàng và trông thấy ở dưới đáy giếng hai vợ chồng con rắn.
            Hai con rắn ấy nói rằng:
            - Lạy tiên sinh, tiên sinh tha chết cho chúng tôi, chúng tôi ngay ngày hôm nay chúng tôi xin đi nơi khác chứ không dám quấy nhiễu nơi đây nữa.
            Vương Long nghĩ thương tình tha chết cho vợ chồng con rắn và từ đó, cái hạt ngài trọng nhậm không còn bị yêu tinh tác quái như trước nữa.
Trung Bắc chủ nhật, số Trung thu, Hà Nội, s. 29 (16/9/1940)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com