Công dụng lớn lao của chiếu bóng
Vũ Bằng
Về phương diện xã hội và mỹ thuật
Trong một bức thư của nhà dàn cảnh [1] André Lang gửi cho bạn là ông chủ báo Cinémonde ở Pháp, chúng tôi có đọc thấy một đoạn này: “Anh ơi, những nhà đạo đức râu dài trong thế giới chỉ lo sợ hão huyền đó mà thôi. Thực ra, như anh đã biết đấy,- bởi vì kỳ nào tôi chẳng viết ý kiến của riêng tôi trên mặt báo? - tôi không tin rằng chiếu bóng lại có một hiệu lực gì đâu. Tôi nhìn điện ảnh giới như Somerset Maugham nhìn văn giới vậy, nghĩa là rất bi quan. Theo ý riêng tôi thì chiếu bóng chỉ là một trò giải trí trong chốc lát. Xem một phim khôi hài, người ta có thể cười rung bụng; xem một phim cảm động, người ta có thể khóc như mưa; nhưng đó chẳng qua chỉ là những cơn sốt rét mà thôi, ở nhà chớp bóng ra, người ta lại bình tĩnh trở lại với cuộc sống hàng ngày, người ta làm việc hay là lại trở về với những cốc rượu khai vị ở cao lâu tửu quán.
Bảo rằng những người đi xem chiếu bóng sẽ học được điều hay là lầm. Mà cho rằng họ xem những phim mạo hiểm thì một khi trở về với cõi đời thực tế, họ sẽ bắt chước những tay tướng cướp rút súng ra bắn pan! pan! cũng là lầm nốt. Những người đi xem chiếu bóng không bắt chước gì cả. Có bắt chước chăng là bắt chước lối ăn mặc của Robert Taylor, Albert Préjean hay Gary Cooper, là bắt chước lối vẽ lông mày của Marlène Diétrich, là bắt chước lối tô môi của Joan Crawford, Mae West mà thôi vậy. Tôi nghiệm ra rằng khi nào ở Mỹ châu tung ra ở thị trường điện ảnh một cuốn phim nào mới thì ở các hiệu cạo, ở các hiệu bán len, bán dao cạo, bán giày, bán cravate, bán mũ, bán khăn san ở Nữu Ước từng đội quân trẻ tuổi và lịch sự xông vào để mua hàng hoá”.
Lời nói của nhà dàn cảnh đượm một vẻ buồn yếm thế thay! Nhưng nếu ta xét kỹ thì không phải không có đôi ba phần sự thực. Vâng, tôi cũng nhận như André Lang rằng kỹ nghệ chiếu bóng quả cũng có giúp ích nhiều lắm cho kinh tế, bởi vì cái kỹ nghệ đó không nói thì tất ai cũng đã biết rằng nó nuôi sống bao nhiêu là nghề, bao nhiêu là người. Nhưng tất cả một đoạn trên bức thư của nhà dàn cảnh có tiếng kia không khỏi làm cho nhiều người phải nghĩ ngợi phân vân và nghi ngờ về công dụng của chiếu bóng. Sự thực, đó chỉ là ý kiến của một người ở trong nghề mà thôi. Mà đã ở trong nghề thì bao giờ chẳng vậy, người ta cũng chỉ nhìn thấy cái thấp kém, cái chưa đạt được của nghề! Vậy những ý kiến của nhà dàn cảnh ở trên kia không thể hoàn toàn đúng cả và cứ theo ý riêng của kẻ viết bài này thì lại còn lầm lẫn là khác nữa.
Chiếu bóng, phàm một người nào bình tĩnh nhìn nó mà phê bình, có ai lại không thấy công dụng của nó hiện nay tràn lan trên thế giới? Một phần công dụng đó, các bạn đọc đầu số báo này [2] của bạn tôi, anh Văn Lang, tất đã hội ý được đôi phần và biết qua ảnh hưởng của nó đối với các dân tộc trên thế giới.
Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin nói về công dụng của chiếu bóng trong phạm vi xã hội thôi, một phạm vi tưởng cũng chẳng lấy gì làm hẹp.
Trước hết, trước khi nói về công dụng của chiếu bóng, thiết tưởng ta cũng nên biết cái dụng ý của hai anh em ông Lumière là hai ông tổ sinh ra chiếu bóng.
Cũng như các vị bác sỹ, kỹ sư trên thế giới, hai ông Lumière lúc nghĩ ra chiếu bóng không ý gì là giúp ích cho đời, đem sự ích lợi phổ vào sự giải trí; chứ không bao giờ lại muốn xây đắp một triều đại của sự ngông cuồng lố lỉnh, ấy là chưa nói đến những sự quá đà mà sau này người ta thường dựa vào chiếu bóng đem cho người ta mục kích những cảnh, chao ôi, bỉ ổi, ghê sợ, đáng nên chê trách.
Vậy cho nên khi ta nói về chiếu bóng, ta nên tìm biết ý chính của người phát sinh ra nó, chứ không nên dựa vào những người đã làm hỏng nghề mà bình phẩm, mà chê bai; cũng như với nghề báo cũng vậy, có ai lại dám rồ dại đem những con chiên ghẻ lở trong trường văn trận bút ra bình phẩm rồi kết luận một câu rằng: “Nghề báo là một nghề xấu xa đê tiện?”
Biết thế rồi, chúng ta bây giờ nên tìm cho biết những công dụng của chiếu bóng trong xã hội.
Thực vậy, trong một xã hội, sau vấn đề báo chí, thực không còn vấn đề nào đáng cho ta chú ý bằng vấn đề chiếu bóng. Ảnh hưởng của nó rất lớn, ảnh hưởng nhất cho những người đã biết nghĩ, mà nói riêng ra thì ảnh hưởng vô cùng đến thanh niên, cái bọn người mà ông linh mục Fénelon đã bảo là trí óc y như một cục sáp dễ nặn và dễ in hình ảnh những cái gì thâu thái được.
Ở nước ta đây chiếu bóng chưa được mở mang lắm cho nên ảnh hưởng của nó chưa được rõ ràng và mạnh, chứ ở xã hội văn minh như Pháp, Anh, Đức, Ý, Nhật, v.v… chiếu bóng có một ích lợi thiết thực mà người ta trông thấy rất rõ là nó đã lôi kéo được bao nhiêu người ra khỏi những nơi trác táng rẻ tiền, rượu chè be bét… Những người bình dân, những người giai cấp thấp kém trong xã hội vì chiếu bóng sẽ bắt chước được trong phạm vi của họ những người ở giai cấp trên, và thử hỏi còn cách nào cổ động vệ sinh, lịch sự và danh dự của nòi giống hơn là ở nhà chiếu bóng?
Chiếu bóng với công việc giáo dục
- Những ảnh hưởng ấy rõ rệt nhất là đối với trẻ con, cho nên đã lâu, ở khắp các nước văn minh người ta đã nghĩ cách đem chiếu bóng làm một môn giáo dục. Bởi vì phàm trẻ em nào cũng vậy đều muốn học muốn biết, vì vào cái tuổi thơ ngây, người ta vẫn giàu tính tò mò. Cái ảnh hưởng về tinh thần của chiếu bóng đối với trẻ em, vì đó, rất sâu xa, cho nên những nhà soạn truyện phim và những nhà sản phim thường phải tinh khôn lắm và tìm cách hiểu biết linh hồn của trẻ em một cách thấu đáo vô cùng vậy.
Ở Pháp về loại phim giúp ích trẻ em này chia ra làm hai thứ: một thứ phim chuyên dạy học và một thứ phim giáo dục nhi đồng; hai thứ này lại còn chia ra nhiều loại khác, nhưng đại khái thứ nào cũng chỉ quy vào có một mục đích là mở rộng linh hồn của học sinh.
Phim dạy học chỉ chuyên dùng trong lớp học. Các ông giáo dạy học trò đến đoạn nào cần phải có hình vẽ thì cho chiếu ngay lên màn ảnh những cái hình đó ra. Những cái hình đó cố nhiên là phải đẹp và rõ để có thể gây trong trí óc của học trò không những là sự khoái lạc mà thôi, nhưng còn khiếu về thẩm mỹ nữa bởi vì cái tính của trẻ con là vậy, bao giờ cũng thích tranh ảnh trong sách hơn là những chữ, những chữ rỗng tuếch và đen trùi trũi.
Phim giáo dục thì có thể chiếu không những chỉ riêng cho học sinh xem mà thôi đâu, nhưng mà là cho tất cả mọi người, bởi vì những loại phim ấy diễn tả tất cả những vấn đề về xã hội, về đạo đức, về luân lý về vệ sinh. Ở nhiều nước châu Âu, người ta lại còn soạn riêng một loại phim gọi là “phim vệ sinh” (film d’hygiène) dạy người ta ăn ở cho sạch sẽ, khoẻ mạnh: nếu người ta khoẻ mạnh người ta sẽ yêu đời vậy. Khi người ta yêu đời, người ta sẽ không có tư tưởng bậy bạ, đớn hèn. Chiếu bóng vì vậy có một cái trách nhiệm ngang với sách vở, báo chí; mà có khi hơn thế nữa: nó bầy ra trước mắt khán giả những cảnh dịu lòng, những đoạn hy sinh, một cuộc đời cần lao, phần thưởng đích đáng tặng những người có công sáng chế; cái đẹp của vũ trụ, của cuộc đời ta sống.
Những phim như loại này, tiếc thay, lại hiếm lắm. Muốn đem một phim ra làm chứng cớ, chúng tôi xin kể phim La Maternelle của Jean Benoit Lévy, tác giả thực đã thâm hiểu linh hồn con trẻ. Những phim có giá trị như thế, không phải ai cũng làm được, cho nên hiếm là phải lắm. Ở đây, chúng tôi nên lấy làm buồn mà nhận rằng những nhà chiếu bóng của ta không để ý đến nhi đồng, thấy trẻ con thích lạ chỉ ra công mà chớp cho học sinh xem những phim ăn cướp, bóc lột, v.v…, và còn với hạng thanh niên nam nữ thì hầu hết đều tặng những phim tình cảm; mà đàn ông thì mê gái đến không xấu hổ, mà đàn bà thì bao giờ cũng có vài người nhân tình trẻ tuổi.
Trong khi ấy thì ở khắp thế giới, nhất là nước Nhật, người ta tìm hết các cách khuếch trương việc sản xuất những phim có tính cách giáo dục người dân trong nước. Bà Dreyfus Barney trưởng ban tuyên truyền giáo dục điện ảnh về vấn đề này đã tuyên bố với ông Clara Simon, bỉnh bút báo “Vu” của nước Pháp như sau này:
“Từ năm 1928, ở La-mã, kinh đô nước Ý, người ta có lập ra một “Quốc tế giáo dục điện ảnh viện” và lấy đó làm cơ quan chính thức của Hội Quốc Liên. Vấn đề bảo hộ nhi đồng đã gây cho người ta cái ý tưởng “bảo hộ” chiếu bóng và hội Quốc Liên nhất định mở ra một “Điện ảnh viện”. Chính phủ Ý- đại-lợi có một cái ý rất tốt là đem biếu ngay “Điện ảnh viện” một toà lâu đài lớn nhất ở kinh đô La-mã, ngay ở sát biệt thự của thủ tướng Mussolini. Hiện nay, toà “Điện ảnh viện” đó đã có bóng vang đến khắp hoàn cầu vì hiện nay ai ai cũng nhận thấy những công dụng lớn lao của chiếu bóng với việc giáo dục và ảnh hưởng to tát của chiếu bóng với thanh niên và quần chúng.
Bao nhiêu vấn đề có quan hệ đến chiếu bóng đều đem ra khảo xét ở viện này; một quyển kê khai những thứ phim giáo dục và dạy học nên xem, viết ra bằng năm thứ tiếng; các nhà mô phạm và bác học lại chung lưng đấu cật viết những bài bình phẩm nữa”.
Hội Urania ở Áo, chuyên về chiếu bóng giáo dục hiện nay có 50.000 hội viên. Hội quán có tất cả tám buồng chiếu bóng và diễn thuyết. Không ngày nào không chiếu phim giáo dục trong học đường.
Ở Bỉ, có một hội chiếu bóng giáo dục quốc gia. Ở Chili, ở Brésil, người ta dùng chiếu bóng để dạy học và cử một ban sang Tàu để chấn chỉnh và mở mang việc học của Trung Quốc. Ở Hoa Kỳ, bao nhiêu cao đẳng học đường đều dùng phim chiếu bóng trong việc học.
Tây-ban-nha cũng để ý đến việc giáo dục học sinh bằng chiếu bóng. Ở Barcelone, có một lớp học chuyên dạy về chiếu bóng. Ở Đức chiếu bóng giáo dục bành trướng lắm, cũng như ở Anh và ở Nga. Riêng ở Anh, chính phủ cho phát 2000 cuốn phim giáo dục và trong năm 1932, người ta tính đổ đồng thì mỗi tuần lễ có tới 10.000 trẻ con đến xem chiếu những phim giáo dục, những phim tài liệu.
Chiếu bóng với công việc y học
- Về y học chiếu bóng cũng giúp ích cho người ta vô cùng, nhất là về khoa mổ xẻ. Giáo sư Gosset công nhận rằng chiếu bóng là một phương pháp thần diệu nhất trong việc dạy về khoa mổ xẻ. Những nhà mổ xẻ tương lai đều phải xem diễn những phim mà trong đó có ghi những việc mổ xẻ quan hệ của những nhà bác học lừng danh. Những vị mổ xẻ tương lai đó sẽ học và sẽ thấy người ta phải làm như thế nào, bởi vì chiếu bóng chỉ cho người ta xem cả những chỗ sai lầm, chẳng bao lâu những vị đó sẽ có một nền học chắc chắn và chẳng mấy lúc có thể đem cái học ấy ra thực hành.
Chiếu bóng với công việc mỹ thuật
- Theo ý chúng tôi thì chiếu bóng và mỹ thuật đều có một nguồn gốc chung. Người ta không bao giờ lại có thể quan niệm được một phim chiếu bóng hay mà không đẹp: cái đẹp nhiều khi lại là phần cốt yếu trong phim nữa. Chiếu bóng là một cái gì hoạt động, là cái gì in cái vẻ sống của cuộc đời, vì vậy, âm nhạc cần cho nó lắm. Về mặt mỹ thuật, chiếu bóng lại còn ảnh hưởng lớn đến cách xếp đặt và đến cách trang điểm nữa. Nó gây cho người ta, nhất là cho đàn bà, một lòng yêu mỹ thuật rất tha thiết và thử hỏi thế không đủ rồi hay sao.
Theo ý chúng tôi, thì mỹ thuật là một vấn đề cần thiết lắm. Biết yêu cái đẹp đã, rồi muốn nói gì hãy nói. Bao nhiêu tính tình cao thượng đều là do ở lòng biết yêu cái đẹp mà ra, xem ngay như tổng thống Đức Hitler, nếu không biết yêu cái đẹp, trọng cái đẹp thì chửa chắc đã làm nên những sự nghiệp lớn lao trên đời.
Bao nhiêu công dụng của chiếu bóng về phương diện xã hội, kinh tế và mỹ thuật, tôi thiết tưởng nói thế đã tàm tạm đủ rồi. Chắc các bạn không thể không nhận rằng chiếu bóng hiện nay là một động lực mạnh nhất cho sự tiến bộ vậy. Nếu ta có một đôi điều phàn nàn thì chỉ có thể phàn nàn rằng người ta đã lợi dụng chiếu bóng nhiều quá, thành ra ít lâu nay nó dở đi, những người có trách nhiệm tưởng cũng nên nghĩ cách “tẩy uế nó, làm cho nó thoáng khí” - như lời của ông André Brann Larrieu đã nói. [3]
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, số đặc biệt về chiếu bóng, 1941.
[1] “Nhà dàn cảnh”: như từ “đạo diễn” đang dùng ngày nay.
[2] Số báo TBCN này là số đặc biệt về chiếu bóng; lưu ý: tôi chụp lại qua vi phim nên không rõ số và ngày tháng ra số báo này; chỉ tin chắc số này ra trong năm 1941.
[3] In kèm bài này có 2 ảnh. Ảnh 1: Autant en emporte le vent [Cuốn theo chiều gió], một cuốn phim Mỹ rất dài và hay nhất năm ngoái chiếu ở Mỹ. Clark Gable, đóng vai chính, cùng bà Margaret Michell, người viết truyện, đang dắt tay nhau đến khánh thành buổi dạ họi chiếu phim này. Ảnh 2: Diễn viên Dorothy Lamour.
Lại Nguyên Ân. Vũ Bằng: Các tác phẩm mới tìm thấy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
namkts57@gmail.com