Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
5/3/13

Khi đứa trẻ khóc - Aziz Nesin

Khi đứa trẻ khóc
Aziz Nesin
Đỗ Quyên dịch

Thằng con trai tôi, phải nói là tuyệt vời nhé! Anh khoe. 
- Cầu trời cho cháu khoẻ mạnh! - Tôi đáp. 
Chúng tôi cùng làm một sở và hàng ngày gặp nhau hai ba lần. Và lần nào gặp, anh cũng khoe đứa con trai của mình.
- Nó không phải là đứa trẻ bình thường, mà là cả kho trí tuệ. Thằng bé rất tinh nghịch.
- Cầu Đức Ala phù hộ cho cháu.
- Không lúc nào nó để cho chúng tôi yên.
- Cầu mong cho cháu mạnh khoẻ!
Bản thân tôi cũng có bốn đứa con, nên tôi biết rõ có nhiều ông bố bà mẹ hay khoe con cái mình đến mức lố bịch. Tuy thế, tôi vẫn muốn được thấy đứa con trai của anh bạn Gavít của tôi. Hơn nữa lần nào gặp nhau anh cũng mời tôi về nhà anh chơi.
Hôm ấy ngày thứ bảy, hết giờ làm việc tôi đến nhà anh. Khi cửa vừa mở, từ trên cầu thang có một vật nặng gì đó lăn huỳnh huỵch xuống, lộn mấy vòng rồi rơi ngay dưới chân tôi. Rồi một hình hài kỳ lạ, nửa người nửa ngợm đứng dậy trước mặt tôi.
Anh Gavít giới thiệu:
- Đây là con trai tôi. Anh thấy thế nào?
- Rất khá. - Tôi trả lời.
Anh dẫn tôi vào phòng khách giới thiệu tôi với vợ anh, bà mẹ vợ và cô em vợ anh. Chúng tôi ngồi vào bàn. Tay tôi đang cầm tách trà nóng thì bỗng nghe thấy “tõm” một tiếng, có vật gì đó rơi xuống tách trà. Nước trà nóng bỏng bắn tung toé vào tay, tôi chưa kịp kêu đau thì có vật gì đó choàng lên đầu tôi. Không hiểu điều gì xảy ra với tôi. Tôi cố gỡ vật đó ra khỏi đầu thì vừa lúc cuộc rượt đuổi tán loạn bắt đầu. Anh Gavít và cả gia đình anh chạy theo thằng bé. Nó chạy lắt léo trong phòng, thi thoảng quay ngoắt đột ngột làm cho những người rượt theo nó va vào nhau, ngã quay xuống sàn nhà. Sau đó là cuộc đánh lộn. Những người trong nhà thỉnh thoảng lại vồ phải nhau. Tôi phải ngó nghiêng một lúc mới tìm được chỗ trốn sau cánh cửa để thoát khỏi cảnh hỗn loạn này, đó là giải pháp an toàn và kịp thời, bởi vừa chạy trốn bố mẹ, thằng bé vừa tóm bất cứ thứ gì để ném ra tứ phía. Cuối cùng thì cuộc vây ráp cũng thành công. Bố, mẹ, bà và dì thằng bé ép được nó vào góc phòng. Bí quá, nó lấy cả mười ngón tay cấu vào mặt dì là người gần nó nhất. Đoạn, y hệt như một con khỉ, phốc một cái, nó nhảy tót lên nóc tủ và vơ lấy tất cả những gì có trên đó ném tới tấp xuống đầu “đối phương” ở dưới. Khi nó ném hết mọi thứ, mẹ nó nói như van:
- Con yêu, con quý hãy xuống đi con! Con xem bác đến chơi nhà mình kìa. Xuống đi, kẻo bác bảo con là đứa không nghe lời dạy bảo. Đáp lại, không nói không rằng, thằng bé nhổ liền mấy bãi nước bọt vào mẹ nó. Bố nó nổi giận thực sự.
- Xuống ngay, quân mất dạy!
Câu trả lời đốp lại ngay lập tức:
- Cả bố cũng là đồ mất dạy!
Sau đó thằng bé dùng đến thứ vũ khí đã từng được thử nghiệm: nó đái một bãi vào người bố nó. Người bố chỉ còn biết nói:
- Được rồi, cho mày ngồi đấy.
Người mẹ nhìn tôi có vẻ mắc lỗi:
- Bác thông cảm cho.
Chúng tôi lại ngồi vào chỗ. Tôi lấy khăn tay lau chỗ nước trà dây vào quần. Hóa ra nước trà nóng làm bỏng cả một chỗ trên chân tôi.
Gavít nháy mắt tôi vẻ tự mãn:
- Thế nào anh, tôi kể có đúng không? Tôi không phóng đại chút nào phải không?
- Trái lại… Cháu lên mấy rồi?
- Cháu gần sáu tuổi.
- Cầu trời cho anh lòng kiên nhẫn.
Tôi khẽ đánh mắt nhìn trộm thằng bé ngồi trên nóc tủ. Mái tóc xoăn loà xoà rủ xuống mặt, che lấp cả cặp mắt thằng bé. Những tấm kính cửa sổ trong phòng chúng tôi ngồi trông như bị những mảng tạc đạn bắn vào. Chiếc đèn năm chùm trên trần nhà chỉ còn một chùm nguyên vẹn có bóng điện. Cánh cửa phòng mất tay nắm. Rõ ràng tất cả “vụ việc” này đều do tay thằng bé gây nên.
Anh Gavít nói:
- Tôi thề với anh là trong đời tôi chưa từng thấy thằng bé nào như thế này. Liệu anh có tin không, chứ từ bé đến giờ nó chưa khóc một lần nào cả!
Bà mẹ vợ khẳng định lời anh Gavít:
- Thằng bé nhà chúng tôi cừ thật đấy! Không có gì làm nó khóc được. Hôm qua bác có biết xảy ra chuyện gì không? Nó lấy cái rìu đút vào gầm tủ lạnh, bẩy cật lực, cái tủ đổ kềnh ra đè lên người nó. Lúc tôi vào phòng, nó vẫn nằm dưới chiếc tủ, không hề kêu la một tiếng, mặc dù trán bê bết máu. Tôi phải gọi người gác cổng giúp sức mới lôi được nó ra.
Gavít nói:
- Tôi không biết sau này cho nó làm nghề gì? Hay là cho nó vào lính?
Mẹ thằng bé nói:
- Ai cũng phải sửng sốt. Bởi chưa từng thấy đứa trẻ nào lại không hề khóc bao giờ. Ngày hôm kia nó rượt đuổi con mèo suốt một tiếng đồng hồ liền. Con mèo nhà em cứ thấy nó là chạy. Thằng bé liền đuổi theo nó. Con mèo sợ quá liền nhảy từ ban công xuống vườn. Rồi sự việc diễn ra thế nào, bác có biết không? Thằng bé liền nhảy xuống theo con mèo… Mà ban công cao cỡ đến bốn mét.
- Cháu có bị chấn thương không? - Tôi hỏi.
- Chắc có - Người mẹ đáp - Chúng em không bắt được nó để xem. Mất mấy ngày nó đi tập tễnh, sau đó thì khỏi.
Đúng lúc đó có một vật nặng gì đó đổ ụp vào người tôi, suýt làm tôi gãy gập cổ. Hoá ra thằng bé nhảy từ nóc tủ xuống thẳng đầu tôi rồi cưỡi trên lưng tôi nhong nhong, miệng la to:
- Phóng nhanh!
Bố thằng bé vội chạy đến, giáng cho nó hai cái tát trời giáng mà người lớn cũng khó mà đứng vững được. Nhưng, lạ thật, thằng bé vẫn cười khanh khách cứ như không có việc gì xảy ra.
Thú thật, thoạt đầu tôi cứ tưởng bố mẹ thằng bé cưng chiều, không đánh nó bao giờ, nên nó sinh hư như thế. Nhưng khi chứng kiến cảnh bố nó dạy nó bằng những cú tát “nẩy lửa” ban nãy mà nó vẫn cứ nhơn nhơn như không, thì tôi nghĩ rằng mình đã nhầm. Gavít túm lấy thằng bé, kẹp giữa hai đầu gối, lấy tay gạt những mớ tóc phủ lòa xòa trên mặt nó. Thằng bé có khuôn mặt tròn, trông như củ khoai tây. Chỉ vào chỗ sưng trên đầu, to bằng nắm đấm, anh Gavít nói:
- Tối hôm qua nó làm rơi cái lọ hoa vào đầu, anh xem bây giờ nó sưng to thế này.
Mẹ thằng bé chữa lại:
- Chỗ sưng ấy không phải tại lọ hoa, mà do ấm samôva. Lúc ấy trong ấm samôva đang chứa nước sôi.
Bà thằng bé tiếp tục chữa:
- Chỗ sưng do ấm samôva ở chỗ khác, sau gáy cơ. Còn chỗ sưng trên đầu là do nó ngã từ cầu thang xuống đống đá.
Thằng bé giãy giụa giữa hai đùi người bố. Gavít bảo vợ:
- Em mang cho anh lọ iôt. Nhân thể giữ được nó, mình xoa vào những chỗ bầm tím kẻo nó lại chạy mất.
Vợ anh mang iôt và bông đến. Khắp người thằng bé chỗ nào cũng thấy vết xước, vết bầm tím… Gavít thấm iôt vào bông rồi xoa những chỗ sưng tấy cho thằng bé. Tôi khẽ rùng mình vì đau, có cảm giác như chính tôi đang bị bôi iôt vào người. Thế nhưng thằng bé không hề nhăn mặt. Tôi nghĩ thầm, có khi nó đã bị mất xúc giác. Rồi, để ra về trong khi cái đầu còn nguyên vẹn, tôi đứng dậy chào chủ nhà. Trong lúc tôi ra đến cửa, thằng bé còn kịp làm đổ thêm vài đồ vật nữa.
Lúc chia tay, tôi dại dột nói:
- Mời anh chị có dịp đến tôi chơi.
- Thứ sáu chúng tôi sẽ đến - Họ đáp.
Tôi đã thấy lo lo trong bụng.
Về đến nhà tôi bảo mọi người trong nhà:
- Chuẩn bị tinh thần, thứ sáu này nhà ta sẽ gặp họa đấy. Hãy cất giấu tất cả những thứ gì có thể vỡ, gãy, chảy.
Hôm sau tôi hỏi Gavít:
- Anh chị cho cháu đến chơi chứ?
- Ấy chết! Làm sao cho nó đi cùng được.
Tôi mừng quýnh đến nỗi lỡ mồm buột ra:
- Không, không. Chúng tôi sẽ giận đấy. Nhất định anh chị phải cho cháu đến chơi.
- Không được đâu ạ. Không bao giờ tôi cho nó đến. Thằng bé sẽ lật nhào mọi thứ trong nhà cậu.
Nói thế nhưng rồi Gavít vẫn cho con trai đi cùng. Hoá ra lúc ra khỏi nhà, họ đã khóa trái thằng bé trong buồng tắm. Nhưng nó đã chui qua cửa sổ buồng tắm, theo ống máng tụt xuống sân, đuổi theo họ rồi tương hòn đá cảnh cáo vào ông bố.
Lúc bước vào gian sảnh, thằng bé vấp ngã, bị xây xát nhẹ, không đau lắm. Với cú ngã như thế, không nói gì đến một đứa trẻ cứng cỏi như nó, ngay cả đứa bé còm nhom, gầy yếu cũng chẳng khóc. Nhưng mẹ tôi vừa hét lên vừa chạy vội đến thằng bé:
- Ôi, thương cháu quá!…
Thằng bé lúng túng.
Vợ tôi kêu toáng lên:
- Ôi, cháu cưng của bác!… Cháu có đau lắm không? ái, a, ai… Rõ thật không may!… Có lẽ nó bị dập thương chỗ nào rồi…
Tôi cũng hoà theo:
- Sao lại thế này? Ngã đau không cháu bé? ái, a, ai. Cô giúp việc cũng chạy vào, kêu toáng lên từ ngoài ngưỡng cửa.
- Có bị sái chân không, hay bị gãy chân? Ôi - ôi - ôi. Tôi đi gọi bác sĩ nhé? Làm thế nào bây giờ?
Hai bà phụ nữ đến chơi nhà tôi cũng chạy đến chỗ thằng bé. Thế là những người phụ nữ xúm xít quanh nó, tranh nhau đưa ra những lời xót xa thương hại.
Thằng bé lúc đầu còn nhìn họ một cách ngạc nhiên, lát sau môi dưới nó run run rồi bỗng gào khóc nức nở. Và cứ thế nó khóc, khóc mãi không tài nào ngăn được.
- Ai tự ngã thì người ấy không khóc. - Chúng tôi bảo thằng bé.
- Đàn ông ai lại khóc!
- Coi như không có chuyện gì xảy ra chứ!
Tất cả đều vô ích. Thằng bé vẫn gào khóc đến nửa tiếng đồng hồ. Bố mẹ nó tròn mắt, lấy làm lạ.
Chỉ đến khi khát nước quá, thằng bé mới thôi khóc. Cô phục vụ vừa đưa cho nó cốc nước, nó tuột tay rơi, cốc vỡ tan. Những người phụ nữ lại rối rít hỏi:
- Cháu có bị đứt tay không?
- Cháu có đau lắm không?
- Đem lọ iôt lại đây nào!
Môi dưới thắng bé lại bắt đầu rung rung, cái mặt xị ngay xuống, tiếng gào khóc lại bật ra tức tưởi. Nó khóc nửa tiếng đồng hồ nữa. Buổi chiều hôm ấy nó khóc cả thảy bốn lần, nhưng không làm đổ vỡ vật gì.
Bây giờ cứ mỗi lần gặp Gavít, tôi lại hỏi thăm con trai anh.
- Giờ nó thôi không quậy phá nữa - Anh nói - thôi hẳn rồi. Nhưng lúc nào cũng khóc. Mãi về sau tôi mới biết anh trách vợ chồng chúng tôi qua một người bạn khác: - Họ làm hỏng thằng con trai tôi!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com