Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
17/3/13

Lễ - Triển Tĩnh

Lễ
Triển Tĩnh
Hoàng Thị Mai Hương dịch

Hai nhà Triệu, Vương cùng dọn đến nơi ở mới, hai căn hộ đối diện nhau qua cái hành lang. Tục ngữ nói Thân xa không bằng láng giềng gần. Láng giềng gần không bằng đối diện. Hai bên cùng có tính nết ôn hòa, đều thông nghĩa hiểu lễ, nên có mối quan hệ khá tốt.
Nhà Triệu thích ăn rượu nếp, cứ khoảng tuần lễ, chậm nhất là chục ngày lại ủ ủ ngâm ngâm. Làm xong, bao giờ vợ Triệu cũng đem biếu nhà Vương một bát. Nhà Vương lại khoái món sủi cảo, cũng hay vê vê nặn nặn. Lễ thường có qua có lại, hễ khi nhà họ Triệu biếu rượu nếp thì chỉ sau một hai hôm nhà Vương lại tặng sủi cảo. Tới lui như vậy thành ra thắm thiết lắm. Thời gian càng trôi hai nhà càng cảm thấy rất vừa ý đẹp lòng.
Rồi sự việc bỗng có chút thay đổi.
Hôm đó, vợ nhà Vương làm xong sủi cảo, đã xếp đầy bát, đã bưng lên tay, song khi vừa dợm chân bước đi thì ông chồng đứng bên bỗng nói:
“Chậm đã”.
“Sao?”. Bà vợ đưa mắt nhìn.
“Hôm qua bà không để ý là nhà Triệu biếu mình rượu nếp đầy hơn bình thường ư?”.
Bà vợ gật gù: “Đúng, có đầy hơn thật”.
“Vậy… hãy làm bát to hơn đi. Phong khí xã hội bây giờ là vậy. Trả lễ phải trọng hơn lễ. Bà quên à? Tháng trước, con trai lão Lý ở cơ quan vào trung học trưởng điểm chúng mình cho nó 20 tệ. Mấy hôn sau con mình trúng vào đại học, lão Lý cho nó 30 tệ, hơn mình những 10 tệ. Sủi cảo này thì đáng gì, đừng khiến họ nghĩ mình bủn xỉn”.
Bà vợ liền đổi bát to hơn.
Cỡ chục ngày sau, như thường lệ, nhà Triệu lại biếu rượu nếp. Cả vợ lẫn chồng nhà Vương đều nhận thấy bát này còn to hơn so với bát họ biếu lần trước.
Ông chồng nói: “Bà xem, người ta rất hiểu lễ. Ngày mai bà băm một cân thịt ngon hơn, và bát sủi cảo đem sang cũng phải to hơn bát họ vừa biếu mới được”.
Hôm sau, làm sủi cảo xong, bà Vương lục khắp hòm tủ mới tìm được cái bát vừa ý, chìa ra như khoe với chồng. “Ông giương mắt ra mà xem, đây là cái bát to nhất nhà ta. Hết cỡ rồi. Cứ thế này rồi lấy gì mà biếu”.
Ông chồng ngậm điếu thuốc, im lặng.
Đâu khoảng mười mấy hôm nữa, nhà Triệu mang sang biếu nguyên liễn rượu nếp. Liễn rất to, có thể đựng cả con gà. Vợ chồng nhà Vương nhìn mà thộn mặt ra. Người ta dùng liễn, nhà mình dùng cái gì đây? Ông chồng hoa tay nói. “Mình dùng nồi. Nhà mình đâu phải không có chiếc nồi nào nhỉnh hơn cái liễn đó?”.
Hai ngày sau, bà vợ nhà Vương mang nồi sủi cảo đi, lúc về nói với chồng. “Tôi thấy như là vợ chồng nhà Triệu không vừa ý lắm”.
“Sao, họ không thích à?”.
“Không phải là không thích, song… cũng thật khó cho họ, lần sau họ không biết đựng rượu nếp bằng cái gì để mang biếu nhà ta? Ông thật lắm chuyện. Lễ với chả lạt”.
“Đàn bà thì biết gì. Lễ nhiều, người không trách. Vả lại, chúng ta có gì sai đâu”.
Mười mấy hôm sau, vợ nhà Triệu bưng sang cái nồi nhôm cỡ vừa đầy tú hụ rượu nếp. Vợ chồng nhà Vương trong lòng không yên nhưng vẫn phải nhiệt tình tiếp nhận.
Khi đóng cửa lại, hai vợ chồng thở dài, ngây người nhìn món quà.
Bà vợ bỗng la lên: “Hỏng bét rồi, họ đem tất cả rượu nếp sang biếu nhà ta. Tôi đã thấy vò rượu nếp nhà họ, nó cũng chỉ to thế này thôi”.
Ông chồng khoát tay: “Việc này hay đây, hay đây”.
Bà vợ thở dài. “Chắc họ nghĩ nhà mình chết thèm chết nhạt rượu nếp nên mới nhịn ăn mà biếu mình. Việc này kết thúc sẽ thế nào đây hả ông, tôi thì thấy nên thôi đi, mình đừng biếu gì họ nữa”.
Ông chồng gạt phắt, kiên quyết: “Không được, cứ biếu tiếp, và không thể thua họ”.
Ngày thứ ba, hai người bận suốt tối, mãi hơn 9 giờ mới làm xong.
Bà vợ vừa khệ nệ bê cái nồi nhôm cỡ đại đựng sủi cảo vừa nói. “Cho hết người ta à? Thế này là kiểu gì đây. Làm ra bao sủi cảo mà ăn không đủ dính chân răng, làm bao rượu nếp mà không có cái gì nhét vào mồm”.
Ông chồng mắng: “Lôi thôi quá, đàn bà chỉ nghĩ đến ăn thôi!”.
Vợ cong lưng bê cái nồi đi.
Lúc sau bà về, ông vội vàng: “Thế nào?”.
“Cái gì thế nào? Còn thế nào nữa. Tống táng như vậy, khóc không ra khóc, cười chẳng ra cười”.
“Kệ họ, chúng mình tận lễ là được rồi”.
“Vâng, lại là kiểu lễ của ông. Họ ăn cả tuần cũng không hết”.
Cả hai đều im lặng.
Lúc sau, bà vợ nói: “Tôi thấy nhà họ có một cái ang đen đựng gạo, tôi lo họ sẽ khiêng cái ang sang mất”.
“Cái gì? Họ dám làm thế?”.
“Thì họ cũng giống ông thôi, cứ đợi xem”.
“Hư… ừm…”.
Sau đó, hai người phấp phỏng lo, chỉ sợ nhà Triệu khiêng cái ang sang.
Quá mười ngày, rồi lại mười ngày nữa, rồi hai tháng qua đi.
Trong hai tháng này, hai nhà thường vẫn gặp nhau ở cầu thang, hoặc ngoài đường, và cả hai bên vẫn cười chào nhau, nhưng đều không nói gì.
Riêng vợ chồng họ Vương tự cảm thấy căng thẳng quá mức, hễ cứ vào nhà, đóng cửa là giày vò nhau. Bà vợ vừa nhăn nhó vừa ngờ vực. “Mẹ ơi, có thể không lâu đâu”.
Rồi sự việc cứ qua đi.
Nhưng sau bữa tối hôm đó…
Cốc cốc cốc… vang lên tiếng gõ cửa. Tiếp đó là giọng của vợ nhà Triệu. “Bác Vương, mở cửa ra”. Sau đó lại nghe thấy cả tiếng ông Triệu.
“Lão Vương mở cửa ra, chúng tôi đến biếu hai bác rượu nếp đây”.
Vợ chồng nhà Vương vừa nghe đã có cảm giác run rẩy. “Mẹ ơi, hai người đã khiêng cái ang đến”. Nhưng không thể không mở cửa. Hai người, một trước một sau, đi ra. Bà vợ từ từ mở then. Nhà Triệu xuất hiện, và cả hai đều nheo mắt cười. Chỉ là bát rượu nếp bình thường trên tay vợ nhà Triệu.
Lời bàn: Lễ vốn là việc tốt. Ta cứ hình dung Lễ là một người phong nhã, tốt, có giáo dục. Giống như hai nhà Triệu – Vương hòa khí, lễ lạt qua lại, hàng xóm tốt biết bao. Song phàm cái gì cũng có độ của nó, chỉ cần vượt qua cái ngưỡng một tấc thôi thì sẽ đi đến sai lầm. Nói Lễ nhiều người không trách là đúng, song nhiều đến mức không chịu đựng nổi thì lại trở thành phiền nhiễu. Nói Anh kính tôi một thước, tôi kính anh một trượng đâu có sai, nhưng anh kính tôi tới mười trượng thì lại là chuyện khó cho tôi rồi.
Thế mới thấy nỗi khổ của hai nhà Vương – Triệu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com