Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
25/3/13

Đi chúc Tết - Tư Quá

Đi chúc Tết
Tư Quá
Đinh Mỹ Linh dịch

Ngôi nhà tường đất lợp ngói đã nhiều năm tuổi rồi, tường bốn phía đều nứt nẻ như rắn rết bò lung tung, gió bắc giá buốt tung hoành lùa qua những khe tường này, thổi tung cát bụi trên nền nhà và tro than của bếp than tung toé.
Mùa đông năm nay, rét hơn những năm trước rất nhiều. Ông già Vương thực ra cũng không thể coi là già, chỉ mới 42 tuổi, chỉ vì nhiều tháng năm làm ruộng vất vả, mưa gió dập vùi, cho nên trông ông già hơn tuổi thực tế rất nhiều.
Trời tối đen rồi, ăn cơm tối xong, hai vợ chồng ông già Vương đang cùng ngồi quây bên bếp lò đắp bằng đất sưởi ấm.
Trên nóc bếp lò khoảng hai mét, treo hai cái chân giò lợn đã nướng vàng ươm. Đây là phương pháp thường dùng của người vùng này, thịt lợn nướng bằng bếp lò than, ăn thơm ngon hơn nhiều so với phơi nắng.
Nhà ông già Vương thịt một con lợn, bốn chân đều chặt rất to, trong đó hai cái chân giò đã bán bớt đi để lấy tiền đóng học phí học thêm cho cậu con trai. Hai vợ chồng chỉ có một cậu con trai, vì thiết tha mong muốn con học hành tấn tới, sau này ăn nên làm ra, lo lắng chất lượng dậy học của trường trung học của xã này thấp kém làm ảnh hưởng đến tiền đồ của con trai, nên ba năm trước, ông già Vương đã cắn răng cắn lợi, đưa con đến trường trung học trọng điểm trên huyện lị xa ngoài 50 cây số, hiện con đang học lớp 8. Chẳng thế, mà vừa hết năm học, con trai đã trở lại trường học thêm rồi.
“Lập xuân đã qua mấy ngày rồi, hôm nay trời vẫn rét như thế này, lại không có tiền, nếu khôn thì bức tường này đã phải sửa chữa rồi!” Bà vợ nói.
“Chờ đến sau khi con tốt nghiệp, sẽ bàn vậy, không biết đến khi nào mới hửng nắng đây, tôi còn cần phải lên huyện lị đã!”
“Hay là mang bán thêm một cái chận giò này đi, để lại cái kia để chúng ta ăn.” Với giọng tâm tình bàn bạc, bà vợ nói ông Vương.
“Bà thì hiểu cái gì nào? Việc học hành của con là đại sự, muốn ăn sau này thiếu gì cơ hội chứ!”
Bà vợ không nói gì nữa, vì con cái, gian khổ bao nhiêu cũng chịu được, hà tất lại suy nghĩ đến mấy miếng thịt này.
Sáng tinh mơ hôm sau, mặt trời còn chưa nhô lên. Ông già Vương đã dầm mình trong gió rét thấu xương, đeo chiếc làn đựng hai cái chân giò được nướng vàng ươm, ngồi lên xe khách xốc xáo đi lên huyện lị. Ông không còn bụng dạ nào ngắm cảnh ngựa xe như nước trong huyện lị, đi thẳng đến trường của con.
Ông không đi tìm con, mà tìm đến nhà của thầy giáo chủ nhiệm của lớp con. Đây là một gian nhà nhỏ khép kín. Sau khi do dự mười mấy giây, cuối cùng ông Vương dùng tay phải căng thẳng đến nỗi phát run lên, gõ nhẹ vào cánh cửa mấy cái.
Cửa mở, một người phụ nữ chạc 36, 37 tuổi đứng ở trong cửa. Chị là vợ của thầy Triệu Chính Hỉ, giáo viên chủ nhiệm lớp của con ông Vương. Chị tên là Tôn Bình, cũng là giáo viên của trường trung học trọng điểm này.
Nhìn thấy một người lạ mặt mày lọ lem đứng bên ngoài cửa, cô giáo Tôn Bình vội lịch sự nói: “Thưa cụ! Cụ tìm ai ạ?”
Nghe thấy câu nói “Cụ”, ông Vương  nét mặt ngường ngùng, vội vàng đặt chiếc làn đang đeo xuống, nói: “Tôi tìm thầy Triệu Trung Hỉ, thầy có nhà không ạ?”
“Thầy Triệu Trung Hỉ đang lên lớp,  mời cụ vào trong nhà, ngồi xuống ghế, có việc gì cháu sẽ nói lại với thầy.” Cô giáo Tôn Bình vừa nói vừa nghiêng người mời ông vào trong nhà, rồi đóng cửa lại.
Ông Vương đi đến trước bộ sa lông mới tinh, ngần ngừ một lát, chưa dám ngồi xuống, ông sợ quần áo của mình làm bẩn sa lông.
“Mời cụ ngồi!” Cô giáo Tôn Bình khách khí nói.
“Cho tôi đứng một lát, vừa ngồi mãi trên xe mệt quá đi!”
Cô giáo Tôn Bình liên tục mời ông ngồi xuống, ông Vương cẩn trọng rụt rè ngồi xuống mép chiếc sa lông nọ. Cô giáo Tôn Bình mời ông một cốc nước, và tự giới thiệu đôi nét.
Ông Vương nói: “Thưa cô Tôn Bình, tôi là bố của Vương Lâm. Giáo viên chủ nhiệm lớp của Vương Lâm chính là thầy Triệu Chính Hỉ.”
“Dạ! Mời cụ ở đây đợi anh ấy, hơn nữa cũng sắp hết giờ lên lớp rồi, cháu đi mở truyền hình. ”Cô giáo Tôn Bình vừa nói vừa đứng dậy đi tìm chiếc điều khiển vi tính.
“Ô! Không được đâu, tôi cũng có việc, còn phải trở về ngay. Muộn quá sẽ không có xe nữa.!”
Sau khi hai người chuyện trò một lát, ông Vương lấy trong làn ra một cái gói, đặt xuống nền nhà, và nói: “Thưa cô Tôn Bình! Đây là đặc sản địa phương của nhà chúng tôi. Thầy Triệu Chính Hỉ đã vất vả nhiều vì trò Vương Lâm. Đây là một chút tâm ý của chúng tôi. Người nhà nông cũng chẳng có cái gì tốt hơn, nên chỉ mang một chút quà nhỏ mọn chúc tết thầy Triệu Chính Hỉ!”
Cô giáo Tôn Bình lập tức hiểu ra ý tứ của ông Vương, nói: “Không không! Cụ ơi! Cụ chớ khách sáo như vậy! Những thứ này cụ mang về đi, giáo dục trẻ em là công tác của chúng tôi, là nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng tôi mà! Sao cụ lại làm như vậy?”
Thấy ông Vương nhất mực muốn làm như vậy, sau một hồi  đưa đẩy, cô giáo Tôn Bình nói cảm ơn, rồi cũng nhận quà.
Từ nhà thầy Triệu Chính Hỉ đi ra, ông Vương muốn đến thăm con, hỏi han tình  hình học hành của nó, song nghĩ đến việc vừa làm này sẽ làm mất mặt con, nên ông đi thẳng đến bến xe.
Tiễn ông Vương đi không lâu, thầy Triệu Chính Hỉ đã về đến nhà. Cô giáo Tôn Bình nói rõ việc của ông Vương, rồi nói với chồng: “Hai cái chân giò ấy đã nướng bằng bếp lò than củi, mùi vị nhất định rất tốt, tối nay chúng mình hầm nó lên, anh xem thế nào?”
Thầy Triệu Chính Hỉ  không nói gì. Thầy cởi bộ complê dính đầy bụi phấn, treo lên mắc áo.
“Anh làm sao thế? Không vui phải không?” Cô giáo Tôn Bình quan tâm hỏi.
Thầy Triệu Chính Hỉ vẫn không nói, thầy châm một điếu thuốc lá thơm, hít một hơi, rồi chậm rãi nói: “Anh thấy món này chúng mình không thể ăn.”
“Tại vì sao?” Cô giáo Tôn Bình hỏi.
Thầy Triệu Chính Hỉ nói: “Anh biết mùi vị rất ngon, song chúng mình không thể ăn, mà phải mang món này đi chúc tết thầy giáo chủ nhiệm của con chúng mình!”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com