Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
16/3/13

Cao thủ - Trung Thôn

Cao thủ
Trung Thôn
Hoàng Thị Mai Hương dịch

Con đường đất vàng quạch lúc ẩn lúc hiện trên đỉnh núi cây cỏ rậm rạp, tươi tốt. Khi ấy là mùa hè, mặt trời như thiêu như đốt, ve kêu râm ran. Trên đường có hai bóng người, một đến từ phía đông, một đến từ phía tây, song đều leo lên một con dốc lớn, đều thở phì phò, mồ hôi ròng ròng. Rồi không hẹn mà cùng tới gốc cây to nghỉ ngơi uống nước.
Trên đỉnh núi hoang dã chỉ có hai người đồng hành cùng nhau. Người từ hướng đông nhỏ bé, gầy gò, gánh trên vai bộ đồ cắt tóc. Người từ hướng tây đến thì vạm vỡ mạnh khỏe, vác một cái bao nặng trịch. Đã cùng ngồi nghỉ dưới gốc cây bóng mát thì không thể không chuyện trò. Người to lớn sau vài lần đưa mắt sang đồng hành, bèn hỏi: “Ông anh cắt tóc à?”.
Người kia nheo mắt cười: “Ba cái đồ này còn để dùng làm gì nữa?”.
Người to lớn im bặt, lúc lâu không tìm được lời nào để nói, bèn hỏi: “Ông có biết tôi làm nghề gì không?”.
Người cắt tóc lại nheo mắt cười: “Tôi biết”.  
“Làm gì nào?”.
“Ông ấy à? Không phải là quan, cũng không phải người trồng hoa màu, càng không phải dân buôn bán… nhưng ông có tiền. Ông kiếm tiền không mất sức, chỉ là lúc nửa đêm canh khuya, người ngon giấc thì qua lại tất bật. Ông làm như vậy là moi đầu óc giắt vào cạp quần…”.
“Ha… ha…” người to lớn bật ra chuỗi cười như sấm, “ông anh… tôi không nhìn ra, ông anh thật tuyệt vời”.
Người thợ cắt tóc ngồi trên gánh đồ lề vẫn chỉ nheo mắt cười.
Người to lớn xoa xoa râu tóc rậm rì của mình, bên trong đẫm mồ hôi. “Dù ông anh biết tôi làm nghề gì thì cũng xin cắt tóc hộ tôi”, rồi vỗ vào cái bao bên hông, “tôi theo giá trả tiền, có dám không?”.
Người cắt tóc đứng dậy, vẫn mỉm cười như cũ. “Thợ cắt tóc thì coi cắt tóc là một thiên chức, sao lại có chuyện không dám”.
“Ồ tốt, làm đi”.
“Để tóc hay là cắt trọc?”.
“Trọc, cắt trọc cho thoải mái”.
Người cắt tóc đến cái vũng gần đó múc nồi nước rồi lấy đá đánh lửa đun lên, gội rửa sạch đầu người to lớn kia rồi lấy khăn mặt lau kỹ, sau đó để ngồi vào chiếc ghế gấp đan bằng dây lưới, choàng cái khăn trắng quanh cổ rồi mới bắt đầu vào việc chính. Soạt soạt soạt soạt, tóc như tuyết đen tới tấp rơi xuống.
Cắt tóc xong, người thợ mở rộng chiếc ghế gấp để người to lớn có thể nằm dài ra, rồi tỉ mỉ cạo từ quanh miệng đến khắp mặt, cổ. Người to lớn cảm thấy lưỡi dao sắc lạnh lướt êm trên da mình, vòng đi vòng lại, vèo vèo như gió, lướt đi như gần mà lại như xa, gây cảm giác ngưa ngứa, dễ chịu, và khoan khoái nhắm mắt lại.
Tóc đã cắt xong, người thợ cầm gương cho khách xem, hỏi: “Thế nào?”.
Người to lớn thấy râu tóc rậm rịt thường ngày của mình biến mất, trong gương xuất hiện một quả hồ lô nhẵn thín mà ngay cả mình cũng không nhận ra, bất giác sờ lên đầu mình. “Hà hà… không tồi chút nào. Xem ra tay nghề của ông anh cũng không đến nỗi. Bao nhiêu tiền?”.
“Hai mươi nhăm đồng”.
“Cái gì?”. Người cao lớn giật thót mình. “Hai mươi nhăm đồng? Ông anh không nói đùa đấy chứ?”.
Người cắt tóc vẫn với đôi mắt nheo nheo và cái miệng mủm mỉm: “Không nhiều đâu!”.
“Sao không nhiều? Cắt một mái tóc nhiều nhất là hai hào. Cứ cho là tóc tôi khó cắt đi, trả gấp đôi là bốn hào. Vậy mà ông dám đòi hai mươi nhăm đồng?”.
Người cắt tóc vẫn bộ dạng cũ: “Không đâu, quả thật không nhiều đâu”.
“Dù tôi trả gấp mười lần thì cũng không quá hai mươi đồng, ông đòi hai mươi nhăm đồng mà còn nói không nhiều?”.
Người thợ cầm con dao ném lên không, lưỡi dao như bánh xe gió quay vù vù, lóe nắng mặt trời rất lâu sau mới rơi xuống. Người thợ nhẹ nhàng đỡ lấy. “Hãy nhìn kỹ xem nhiều hay không, ông em!”. Người thợ vừa đùa với lưỡi dao vừa nheo mắt cười với người cao lớn.
Gã kia chợt tỉnh ngộ. Người ta đã biết về con người mình, cũng biết trong bao kia là cái gì rồi. Vừa rồi, khi cạo râu, lưỡi dao cứ lượn lờ quanh cổ, nếu có lòng dạ nào, hắn ta chỉ cần đưa một đường vào cổ thì tính mệnh mình… ô hô. Mấy trăm đồng trong cái bao này sẽ hoàn toàn thuộc về hắn. Ở cái nơi không bóng người này, giết người thật dễ như trở bàn tay.
Người cao lớn thấy luồng khí lạnh từ đôi bàn chân mình dâng lên đùi, rồi lại từ xương sống xông thẳng lên não. Chân tay gã lạnh toát.
Hai nhăm đồng một mạng người? Gã run lập cập, lẩm bẩm: “Không nhiều, không phải là nhiều…” rồi lấy tiền từ trong bao ra trả. Người thợ nhận tiền, mỉm cười. “Ông em đi nhé”. Rồi nhấc gánh đồ lề đi về phía đông. Đi một lúc, đột nhiên nghe người cao lớn gào đằng sau. “Ông anh chậm thôi”. Người thợ quay lại, thấy người cao lớn hổn hển chạy theo, đến trước mặt quỳ sụp xuống, đập đầu nói: “Đại ca, ông thật là cao thủ”. Người thợ mỉm cười không nói tiếng nào, quay mình lướt đi chỉ để lại “cái gáo múc nước” sáng loáng đờ ra trên đỉnh núi hoang dã.
Lời bàn: Cao thủ – chủ đề của tác phẩm lộ ra ở trạng thái mông lung mơ hồ, không dễ nhìn rõ nhìn thấu được. “Cao thủ” rõ ràng là người thợ cắt tóc. Vấn đề ở chỗ: cao ở chỗ nào? Về thân phận mà nói, anh ta cùng loại với tay cao lớn nhơ hổ kia, đều là công việc đem não giắt vào cạp quần, “kiếm tiền không phí sức”, chỉ có phương pháp thao tác cụ thể không giống nhau mà thôi.
Tay cao lớn hành nghề vào đêm, tất tả với việc trộm cắp. Còn tay thợ cắt tóc thì dùng lưỡi dao bé tí, cắt tóc với giá cắt cổ, cũng chẳng khác gì ăn cướp, tống tiền. So sánh hai người thì tay thợ cắt tóc có thể nói là “kỹ năng số một”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com