Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
13/3/12

Catherina - Alberto Moravia

Catherina
Alberto Moravia

            Tôi lấy vợ năm mười tám tuổi. Liệu lúc bấy giờ tôi có thể thấy trước rằng tính tình Catêrina sẽ đổi khác như thế được chăng? Không, gì thì gì chứ cái đó thì không.
            Ngày ấy Catêrina là một cô gái không có gì nổi bật, tóc mềm, mượt, để ngôi thẳng. Khuôn mặt cô đều đặn, các nét cân đối, nhưng không gợi cảm, vô vị và nhợt nhạt. Toàn bộ vẻ đẹp của cô là ở đôi mắt: hai con mắt to, hơi ánh lên nhưng mềm dịu. Các đường nét cơ thể cô không phải đẹp lắm, nhưng tôi ưng cỡ người cô: bộ ngực to, mông nở, còn tay chân và vai mảnh dẻ và mềm mại như một cô bé gái. Giá trị nhất ở cô không phải là sắc đẹp mà là tính dịu hiền, nhu mì, và tôi nghĩ là tôi yêu cô vì thế.
            Ai không biết Catêrina những năm ấy sẽ không tưởng tượng được đây đã từng là một con người dễ thương đến chừng nào. Những động tác của cô nhẹ nhàng, uyển chuyển, trông cũng đã đủ thấy yêu. Không bao giờ có một câu to tiếng, một cái nhìn thiếu thiện chí. Trong mọi lúc và mọi việc cô đều chiều ý tôi, tin tưởng ở tôi, trước khi làm cái gì thường bao giờ cũng nhìn tôi như để xin phép. Thậm chí đôi lúc cái đó làm tôi bối rối. Đôi khi tôi trộm nghĩ: không, tôi không xứng đáng có một người vợ như thế. Một người phụ nữ biết nhẫn nhục, chịu nhịn, chung thủy và biết đối xử, niểm nở biết bao!
            Cả khu nhà đều biết tính nết dịu hiền, đoan trang của cô. Ở chợ, các bà nói chuyện với mẹ tôi:
            - Con trai bà thật có phúc…lấy vợ tiên.
            Đến nỗi đôi lúc tôi muốn cô đừng hiền quá như thế.
            Tôi hỏi đùa cô:
            - Catêrina, lẽ nào trong đời em chưa hề nói một câu thô tục hoặc làm một việc gay gắt bao giờ sao? –Có những khi tôi muốn cô cứ nói một cái gì hay làm một cái gì khác thường xem sao.
            Sau khi cưới, hai chúng tôi ở ngay tại ngôi nhà mẹ tôi ở trong ngõ Chinquê. Ở đó có mấy cái gác xép bỏ không. Mẹ tôi ở phòng dưới. Còn ở tầng một là hiệu bán bánh mì và mì sợi của chúng tôi. Như vậy là cả nhà cùng sống và làm việc trong một ngôi nhà. Hai năm đầu Catêrina hiền lành và ít nói như những ngày chúng tôi quen nhau, có khi còn hiền hơn nữa kia, bởi vì cô yêu tôi, và biết ơn tôi đã lấy cô, đã cho cô nhà ở và lo tạo cho cô những điều kiện tốt nhất để sống. Cô hiền lành với tôi và cả với mẹ chồng, kể cả khi cô chỉ có một mình, không ai trông thấy cô cả, cô cũng không hề đổi khác. Những buổi trưa, tôi từ cửa hàng về, đi rón rén thẳng vào trong bếp xem cô dọn dẹp, sắp xếp các việc trong bếp, trên nhà ra sao. Tôi thích đứng ngắm cô thong thả, khoan thai đi những bước nho nhỏ, nhẹ nhàng trong bếp, nấu nướng mọi thứ không hề hấp tấp, không hề nhăn nhó, bực tức, luôn luôn cẩn thận, tỉ mỉ và lặng lẽ. Như không phải cô đang đứng trước bếp ga trong bếp, mà đang đứng trước bàn thờ thánh trong nhà thờ. Tôi bèn bất ngờ chạy vào ôm chầm lấy cô. Cô hôn tôi, mỉm cười và nói bằng một giọng thanh thanh dịu dàng pha chút trách móc: -Anh làm em sợ quá!
            Hai năm sau khi chúng tôi cưới nhau, thấy rõ là Catêrina không có con. Bây giờ tôi khẳng định như vậy, còn khi chưa kết luận ngay được như vậy. Hai chúng tôi mong có một đứa con, mà mãi chẳng có. Lúc đầu chúng tôi bàn cãi mãi về vấn đề này trong gia đình với nhau, sau đó bảo nhau đi khám bác sĩ, hết bác sĩ này đến bác sĩ khác. Catêrina chữa chạy ít lâu, tốn kém khá nhiều tiền, nhưng rốt cuộc chúng tôi thấy rằng tất cả những cái đó đều vô hiệu. “Thôi đành vậy, tôi bảo, làm thế nào được…Chẳng ai có lỗi cả…Có lẽ số phận nó như vậy”. Một thời gian có cảm tưởng như là Catêrina cũng đành lòng với việc đó. Nhưng mà ở đời không phải bao giờ cũng làm được như mình muốn –có thể cô cũng muốn “đành vậy” nhưng không được. Chính do đó mà tính tình cô bắt đầu thay đổi.
            Có lẽ, trước hết là sự thay đổi bề ngoài. Cái nhìn của cô, trước đây âu yếm là thế, nay trở nên cau có, môi hơi trề ra, và bên cạnh miệng xuất hiện hai nếp nhăn nhỏ trông ang ác. Giọng nói trước đây vang như tiếng nhạc, nay thành gay gắt. Có thể cô cũng có cố tự kiềm chế, nhưng thường thế, những thay đổi bên ngoài thể hiện lại cả ở trong tính cách. Không còn dấu vết gì còn lại của cái tính dịu dàng, nhu mì ngày trước, rồi thì ở cô sinh ra tính thù hằn, độc địa, hung hăng. Có những lúc đột nhiên câu trả lời của cô khiến tôi giật thót mình: “Anh thích hay không thích đối với em cũng thế thôi”, “Quỷ tha ma bắt…”, “Thôi, em chán lắm rồi”, “Hãy để cho em yên”. Thời gian đầu, dường như chính bản thân cô cũng ngạc nhiên về sự thô bạo của mình, nhưng rồi sau đó tự thả mình đến mức hầu như chỉ toàn nói năng kiểu như thế. Cô bắt đầu có thói quen hễ động có chuyện bực mình gì dù là nhỏ nhặt, là đóng cửa đánh sầm. Trong nhà chúng tôi chốc chốc lại nghe tiếng đóng sầm cửa. Và mỗi lần như vậy tôi có cảm giác như bị một cái tát. Trước kia cô gọi tôi bằng đủ thứ từ ngữ âu yếm mà những người phụ nữ thường dùng khi họ yêu: nào “anh thân yêu”, “anh yêu quí của em”, “cục vàng của em”. Còn bây giờ thì còn thấy “vàng” với “bạc” gì đâu nữa! Chỉ thấy: ngốc, khờ thật, đồ đểu, đồ ngu, có khi còn tệ hơn thế. Cô không chịu nổi bất cứ sự phản đối nào, có khi tôi chưa kịp mở miệng, cô đã bồi luôn:
            - Thôi im đi, đồ ăn hại, chẳng hiểu cái gì cả.
            Khi đang yên lành, chẳng có cái gì để mà cãi cọ nhau, cô cũng lại kéo tôi vào câu chuyện cãi cọ. Thật uyển chuyển và phong phú biết bao những lời lẽ xóc móc ác độc của cô! Nếu những lời lẽ ấy của cô không có tính chất xúc phạm đến như thế, có lẽ tôi chỉ ngạc nhiên mà nghĩ: ở đâu ra cái tinh xảo, cái sắc bén như thế trong ngôn ngữ của cô. Cô biết –như người ta thường nói- bắt đúng mạch: đã bao nhiêu lần tôi tự nhủ: “Cắn răng lại, đừng đối đáp gì cả, vờ như cái đó đối với mình không có nghĩa lý gì cả”, nhưng cô đều tìm được một câu nào đó đánh đúng chỗ đau của tôi, khiến tôi giận tím mặt, buộc phải nói lại.
            Khi thì cô nói chuyện gia đình nhà tôi: cứ theo lời cô nói thì gia đình tôi chỉ là loại “cuối hạng”, còn cô là con nhà công chức (thực ra mà nói, bố cô chỉ là một người cạo giấy ở hội đồng thị chính, cả đời chỉ kiếm đủ ngày ba bữa ăn). Khi thì cô quay sang bình phẩm hình thức bên ngoài của tôi. Một mắt tôi không nhìn rõ, có vết gì ở trong con mắt, như máu tụ- vậy mà cô dẩu môi lên bảo tôi:
            - Đừng có lại gần tôi…Trông cái mắt đến phát ghét, y như cái trứng ung vậy.
            Mà không có gì khó chịu hơn khi người ta bị soi mói chuyện gia đình hoặc bị đả động đến chứng tật nào đó của cơ thể. Thật vậy, tôi đã mất hết bình tĩnh, quát tướng lên. Cô đáp với nụ cười cay độc trên đôi môi nhợt nhạt:
            - Đấy, thấy chưa, chưa chi đã quát tháo lên rồi… Không thể nào nói chuyện được với anh. Anh chỉ biết quát tháo thôi. Một khi không biết cư xử cho đúng mực, thì đó không phảo là lỗi của tôi.
            Tôi không còn cách nào khác là đi khỏi nhà. Tôi đi lang thang một mình trên bờ sông Têverơ, uất ức và lủi thủi.
            Nhưng tôi không thể căm ghét cô. Tôi còn thương hại cô, vì tôi hiểu rằng điều đó mạnh hơn cô, ngoài ý muốn của cô, và chính cô là người khổ vì nó trước tiên. Cô đau khổ vì bệnh tình của mình, và do đó hay cáu bẳn. Điều đó đặc biệt thể hiện ở dáng đi và ánh mắt của cô: cái nhìn của cô trở nên nặng trĩu lo âu, tham lam, hung dữ như cái nhìn của một con thú đang tìm kiếm một cái gì đấy mà không thấy. Khi cô đáp lại tôi bằng sự thô bạo, trong giọng nói của cô không phải chỉ có sự giận dữ và oán ghét; không, giọng nói ấy giống như tiếng gầm gừ của con thú bị đau mà không biết vì sao lại đau, đem trút hết tất cả sự hung dữ vào những người không có tội tình gì với nó.
            Sự phỏng đoán của tôi về tính tình Catêrina thay đổi do không có con đã được bà mẹ cô xác nhận. Một lần nọ, sau khi nghe tôi phàn nàn, bà kể với tôi rằng hồi nhỏ trò chơi yêu thích của Catêrina là ru búp bê ngủ, và cô cứ khăng khăng đòi để cho cô trông mấy đứa em nhỏ. Khi Catêrina lớn lên, cơ thể cô phát triển đúng với tính chất một người phụ nữ phải có nhiều con, Catêrina cũng biết điều đó và chờ đợi. Nhưng mãi chẳng có con, và thế là cô không tự chủ được nữa.
            Chúng tôi sống với nhau như thế được năm năm nữa. Công việc buôn bán của chúng tôi phát đạt, mọi việc trôi chảy, nhưng tôi thì bất hạnh: tôi đâu có phải là sống. Catêrina ngày một tệ, nói năng với tôi bây giờ chỉ là nhiếc móc, xúc phạm. Hàng xóm láng giềng không còn bảo tôi lấy được vợ tiên nữa, mà bây giờ ai cũng thấy không phải là người ngợm, tiên phật gì mà là tôi rước quỉ về nhà. Bà mẹ tội nghiệp của tôi cố tìm cách an ủi tôi: có thể rồi đây –bà bảo- đứa con sẽ ra đời, và Catêrina sẽ trở lại hiền dịu như xưa. Nhưng tôi không hy vọng điều đó. Nhìn cô đi lại trong nhà, măth nghênh nghênh, ủ dột và dữ tướng, tôi sờ sợ và nghĩ bụng một lúc nào đó cô ta có thể giết tôi, như giết một con chó dữ hóa điên xông vào cắn chủ.
            Tất cả cái cảnh đó như một con đường dài mà cuối đường còn chưa thấy. Tôi thường đi vơ vẩn một mình dọc theo bờ sông, nhìn xuống dòng sông và nghĩ: tôi hai mươi lăm tuổi, có thể nói là còn trẻ, hoàn toàn trẻ, mà cuộc đời tôi hầu như đã hết, không còn một hy vọng nào đối với tôi cả…Có lẽ số tôi là phải sống những ngày còn lại của đời mình với quỉ. Tôi biết rằng tôi sẽ không thể nào lìa bỏ cô ấy được, vì tôi yêu cô, và với cô, ngoài tôi ra cũng không có ai khác cả; đồng thời tôi lại cũng cảm thấy rằng nếu tôi cứ ở lại với cô thì sống cũng sẽ không ra sống.
            Từ những suy nghĩ ấy, lòng tôi trĩu nặng đến mức muốn nhảy xuống sông tự tử…
            Một đêm, tôi trở về nhà cũng không nhớ là như thế nào nữa. Tôi đi theo những bậc thang bẩn thỉu xuống bờ sông Têverơ, chọn một chỗ khuất dưới chân cầu, cởi áo vét, cuộn lại bỏ xuống đất, rồi hí húi trong bóng tối viết mấy chữ vào một mảnh giấy nhét vào bên trong áo vét. Tôi viết: “tôi tự tử vì vợ” và ký tên.
            Bấy giờ là vào đầu mùa đông, nước sông Têverơ dềnh lên, trông phát sợ dòng nước đen ngầu, lẩn rác và tạp chất các loại, gió lạnh thổi lại như từ trong hang. Tôi định nhắm mắt nhảy ùm xuống sông, nhưng bỗng thấy sợ. Tôi bật lên khóc.Và vừa khóc vừa quay lại, lên cầu thang chạy một mạch về nhà. Tôi vào thẳng buồng ngủ, nắm lấy tay Catêrina. Cô đang ngủ. Tôi lay cô dậy và nói:
            - Đi với tôi.
            Lần này cô hốt hoảng đi theo tôi không có một tiếng. Có thể cô nghĩ rằng tôi định giết cô, vì đến cầu thang cô cố gỡ ra khỏi tay tôi. Nhưng trời tối đen, xung quanh không một bóng người, tôi dùng sức ép cô xuống. Chúng tôi đi trên bờ sông –cô đi trước, tôi chỉ mặc áo sơ mi và gilê, đi sau. Đến chân cầu, tôi cho cô xem cái áo vét, lấy mảnh giấy ra, đưa cô đọc và nói:
            - Xem đây này, cô đã đưa tôi đến nông nỗi này đây…Catêrina, tại sao em thay đổi quá lắm vậy? Trước kia em hiền, tốt như thế mà bây giờ thật chẳng khác gì quỉ dữ…Tại sao vậy?
            Nghe tôi nói, cô cũng thốt nhiên khóc òa lên, ôm lấy tôi và nhắc đi nhắc lại mấy lần rằng sẽ cố tự kiềm chế. Sau đó, cô giúp tôi mặc áo vét vào, rồi hai chúng tôi đi về nhà.
            Tôi kể điều đó để nói rằng tôi đã tuyệt vọng đến mức nào. Nhưng Catêrina vẫn không sửa đổi tí nào.Trái lại, từ ngày ấy cô ấy còn cười giễu tôi là khôn đủ can đảm tự kết liễu đời mình.
            Năm 1943, sau những trận ném bom đầu tiên bà cụ tôi quyết định phải đóng cửa cửa hàng, đi về quê Vanlêcôrxa, vùng Chôcharia. Catêrina vẫn như mọi bận, khi thì đồng ý đi, khi thì lại bỗng dưng không đồng ý. Những ngày ấy, cô thật làm tôi phát điên. Tuy vậy, cuối cùng cả gia đình tôi cũng đã lên đường; chúng tôi đi nhờ một chiếc xe tải chở bột mì và thực phẩm khác đem bán ở chợ đen.
            Chúng tôi ngồi trong khoang sau xe, vali xếp ngay dưới chân. Nắng gay gắt. Qua Phrôzinônê, xe đến vùng đồng bằng, núi đồi đã ở lại tít phía sau, bốn bề là cánh đồng trải rộng. Nóng bức làm tôi mệt lử, và cứ thế thiu thiu ngủ. Bỗng xe dừng phắt ngay lại, tiếng người lái xe kêu to:
            - Máy bay…Xuống bờ ruộng tất cả đi!
            Còn chưa trông thấy máy bay, nhưng tiếng rít đầy sắt thép, khốc liệt, xé tai nghe đã rất gần đâu đây rồi. Ven đường có trồng một hàng bạch dương và những cây gì to cao, tiếng máy bay từ phía ấy dội lại –có nghĩa là máy bay đang ở phía sau rặng cây.
            Tôi bảo Catêrina:
            - Xuống mau lên.
            Nhưng cô nhún vai trả lời:
            - Tôi cứ ở lại đây.
            - Ơ kìa, xuống đi –tôi quát lên- cô muốn chết hả?
            - Tôi thế nào cũng được.
            Tôi nghe câu trả lời của cô khi tôi đang đứng ở dưới đường. Tôi nhảy ào xuống bờ ruộng…Và tự nhiên bầu trời như bị một đám mây đen che khuất: chiếc máy bay hiện ra. Tiếng rú của động cơ chói tai như tiếng sấm. Trong tiếng rú rít, tôi phân biệt ra tiếng một tràng liên thanh. Chiếc xe vận tải đỗ giữa đường và trên đó là Catêrina. Tràng súng liên thanh làm bốc lên một đám bụi bên đường rồi mau chóng tản đi. Chiếc máy bay bay đi, khuất sau lùm cây. Bây giờ nó lấy độ cao và như một con chuồn chuồn trắng, bay tít về xa giữa vòm trời nóng bỏng.
            Còn chiếc ô tô vẫn đỗ trên mặt đường. Catêrina ở trong khoang xe đơn độc một mình. Tôi chạy lại gọi cô, cô không trả lời. Tôi trèo lên xe…Cô đã chết.
            Thế là hai mươi lăm tuổi đầu, tôi là người góa vợ. Cuôc đời tự do, rộng mở mà tôi hằng mơ ước những lần đi lại trên bờ sông đang trải rộng trước tôi. Nhưng tôi yêu Catêrina và rất lâu không nguôi nhớ thương. Tôi thường nghĩ: cô đã đau khổ như thế nào, đã từng khắc khoải vươn tới một cái gì, tìm đến một cái gì mà tự mình cũng không biết và vì không tìm thấy nên trở thành ác nghiệt, dù không muốn thế. Nhưng cô nào có tội lỗi gì. Cuối cùng, thay cho cái mà cô đi tìm, cô đã tìm thấy cái chết. Và chúng ta đã không thể làm gì được. Catêrina đã thay đổi và đã chết vì những nguyên nhân không phụ thuộc vào cô, và vì chính những nguyên nhân mà lúc đầu tôi đã đau khổ rồi sau đó được giải thoát khỏi nó. Sự hiền dịu mà tôi đã từng yêu say đắm ở cô, cô đã nhận được như một món quà, cũng giống như tính ác nghiệt, và như cái chết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com