Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
12/3/12

Giây phút cuối cùng của chiếc tàu Sémillante - A. Daudet

Giây phút cuối cùng của chiếc tàu Sémillante
Alphonse Daudet
TTBG dịch

            Kể từ cơn gió mạnh của đêm hôm kia đã đưa chúng tôi đến vùng bờ biển xứ Corse này, tôi xin kể bạn nghe một câu chuyện khủng khiếp về biển cả mà các dân chài ở đây thường nhắc lại với nhau trong những buổi tối. Một cách tình cờ, tôi cũng được biết nhiều chi tiết lạ lùng về câu chuyện này.
              Cách nay hai hoặc ba năm.
            Tôi vượt biển Sardaigne với bảy hay tám thủy thủ. Thật là một chuyến đi khó khăn cho một người mới bắt đầu đi biển như tôi. Suốt tháng Ba, chúng tôi chẳng có được một ngày thoải mái. Ngọn gió đông cứ bám theo sau và biển cả không ngừng cuồng nộ.
            Một đêm khi chạy trốn trước khi bão đến, tàu chúng tôi tới ẩn trú trong eo biển Bonifacio, giữa một đám đảo nhỏ. Quang cảnh nơi đây chẳng có gì hứa hẹn: Toàn các tảng đá lớn trơ trụi đầy chim, vài bụi nhủ hương, và, đó đây, trong bùn lầy, là những mảnh gỗ mục rữa. Nhưng, thú thật, để trải qua đêm bên những tảng đá quái gở này thì cũng còn khá hơn trú lại trong căn phòng trên boong với lớp sóng biển tràn vào thỏa thích, và chúng tôi rất lấy làm hài lòng.   
            Vừa bước lên bờ, trong khi các thủy thủ nhóm lửa nấu súp, vị chỉ huy gọi tôi, chỉ cho tôi thấy một khoảng đất nhỏ có rào kín màu trắng khuất lẫn trong sương mù ở cuối đảo.
            “Ông có muốn đến nghĩa địa không?” Ông hỏi.
            “Nghĩa địa à, ông Lionetti? Chúng ta đang ở đâu vậy?”
            “Quần đảo Lvezzi, thưa ông. Đây là nơi an nghỉ của sáu trăm người trên chiếc tàu Sémillante, ngay ở nơi mà cái chiến hạm của họ đã bị chìm, mười năm trước… Thật là tội nghiệp! Chẳng mấy người tới thăm viếng họ; ít nhất chúng ta cũng nên đến chào họ một tiếng vì chúng ta đã đến đây…” 
            “Rất sẵn lòng, thưa ông.”       
            Nghĩa địa của tàu Sémillante trông buồn thảm làm sao!... Tôi vẫn còn thấy bức tường thấp và cánh cổng sắt của nó, han rỉ, khó mở; căn nhà nguyện lặng lẽ, và chừng vài trăm cây thánh giá màu đen lẩn khuất trong cỏ…  Không một vòng hoa, không một ghi nhớ nào! Không điều gì cả… A! Những người chết bị quên lãng đáng thương, hẳn là họ phải lạnh lắm trong những ngôi mồ bất chợt!
            Chúng tôi quỳ ở đó chốc lát. Ông trưởng đoàn cầu nguyện to giọng. Những con hải âu to lớn, những kẻ duy nhất canh giữ nghĩa trang, lao vòng đi trên đầu chúng tôi, hòa nhập những tiếng kêu vang rền của chúng vào với tiếng rền rĩ của biển cả.
            Cầu nguyện xong, chúng tôi buồn rầu quay về góc đảo nơi chiếc tàu của chúng tôi neo lại. Trong khi chúng tôi vắng mặt, các thủy thủ đã không để phí thì giờ. Chúng tôi thấy một đống lửa sáng rực được đốt lên khuất sau một tảng đá, và một cái nồi đang bốc khói. Mọi người ngồi chung quanh, chân quay về phía đống lửa, rồi chẳng mấy chốc từng người có trên đầu gối họ, trong một cái tô bằng đất nung, hai khoanh bánh mì với đầy đủ gia vị. Bữa ăn lặng lẽ: chúng tôi đều bị ướt, đói và đang ngồi kề bên một nghĩa trang… Tuy nhiên, khi những cái tô đã trống, chúng tôi đốt ống điếu và bắt đầu gầy chuyện một chút. Tự nhiên là ai cũng nói về chiếc tàu Sémillante.
            “Cuối cùng, chuyện xảy ra thế nào?” Tôi hỏi vị trưởng đoàn lúc đó đang hai tay ôm đầu, nhìn vào ngọn lửa với ánh mắt nghĩ ngợi.
            “Chuyện xảy ra thế nào ư?” Lionetti tốt bụng đáp lời tôi trong một tiếng thở dài thườn thượt. Thưa ông, không ai trên đời có thể nói rõ được điều ấy. Tất cả những gì chúng tôi được biết là chiếc Sémillante chở một đoàn binh đến Crimée, khởi hành từ Toulon tối hôm trước trong một thời tiết xấu. Đêm đó còn tệ hơn nữa. Gió to, mưa lớn, biển cả thét gào như chưa từng thấy… Buổi sáng hôm sau, gió có dịu đi một chút, nhưng mặt đại dương thì vẫn như cũ, thêm lớp sương mù quỷ quái đến nổi cách chỉ bốn bước cũng không thể nào phân biệt nổi một ngọn đèn…
            Lớp sương mù đó, thưa ông, còn ai không biết là hiểm ác… nhưng cũng không hề gì, mà tôi nghĩ rằng chiếc Sémillante đã mất bánh lái sáng hôm ấy; bởi vì, nếu không có sương mù hoặc nếu tàu không bị hư hỏng thì viên thuyền trưởng sẽ không khi nào để cho tàu đụng vào vách đá. Tất cả chúng tôi đều biết ông ta là một truyền trưởng dày dạn. Ông đã chỉ huy hải trạm đảo Corse ba năm, và ông rành rẽ bờ biển như tôi là người không biết thứ gì khác nữa.
            “Vào lúc mấy giờ thì tàu Sémillante bị lâm nạn?”
            “Chắc là lúc giữa trưa; vâng, thưa ông, lúc giữa trưa. Nhưng khốn thay, với thứ sương mù trên biển thì giữa trưa cũng chẳng hơn gì đêm tối. Một nhân viên quan thuế ở bờ biển đã kể lại với tôi rằng hôm đó, khoảng mười một giờ rưỡi, khi đi ra ngoài nhà để buộc lại cánh cửa, nón anh đã bị gió cuốn bay và anh đã bò cả hai tay hai chân dọc bờ biển để đuổi theo chiếc nón, bất chấp điều có thể bị sóng cuốn trôi. Ông biết, nhân viên quan thuế không giàu có gì, và với họ, một chiếc mũ cũng đắt tiền lắm. Thế rồi, hình như có lúc anh ngẩng đầu lên và trông thấy sát bên mình, trong sương mù, một chiếc tàu lớn không buồm đang chạy dưới gió về phía quần đảo Lavezzi. Nó chạy rất nhanh, nhanh đến nỗi anh ta chỉ kịp nhìn thấy nó, nhưng có đủ l‎í do để tin rằng đó là chiếc Sémillante, vì nửa giờ sau, người chăn cừu ở đảo đã nghe tiếng va chạm trên đá. Thưa ông, đây chính là người chăn cừu tôi đã nói; ông ta sẽ tự kể lại sự việc. Chào Palombo! Tới sưởi ấm một chút đi, đừng sợ.”
            Một người đàn ông đội mũ trùm đầu mà tôi đã thấy lảng vảng gần đống lửa tự nãy giờ --và tôi tưởng là một trong các thủy thủ vì tôi không biết có một người chăn cừu trên đảo-- tới gần với vẻ sợ sệt.
            Đó là một ông già mắc bệnh phong hủi, gần như đần độn. Tôi không biết chứng hoại huyết nào đã làm môi ông sưng to lên và lòng thòng, trông rất gớm ghiếc. Phải khó nhọc lắm mới giải thích cho ông hiểu được chuyện gì. Thế rồi, lấy ngón tay nâng cái môi lên, ông già kể, quả là ngày đó, từ trong lều, ông đã nghe tiếng va chạm kinh khủng trên các mỏm đá. Vì đảo ngập nước, ông không ra ngoài được. Chỉ hôm sau khi mở cửa, ông mới thấy bờ biển đầy mảnh tàu bể và tàu thì bị sóng đánh dạt lên. Ông kinh hoàng nhảy lên chiếc xuồng nhỏ để đi Bonifacio tìm người.
            Mệt vì nói nhiều, người chăn cừu ngồi xuống và ông đoàn trưởng nói tiếp:
            “Thưa ông, chính ông già tội nghiệp này đã tới cho chúng tôi hay. Ông gần như điên lên vì sợ, và trí não của ông vẫn còn rối loạn vì chuyện đó. Mà thật, chuyện quả đáng sợ. Ông hãy hình dung sáu trăm xác chết chồng chất lên nhau trên bãi cát, lẫn lộn với mảnh tàu vỡ và mảnh buồm rách… Tội nghiệp chiếc Sémillante!... Biển cả đã nghiền nát nó, đến nỗi ông lão chăn cừu Palombo khó nhọc lắm mới tìm được trong đống bể nát đủ số gỗ để làm thành một hàng rào quanh lều.
            Còn con người thì gần như biến dạng, gãy đứt hết. Thấy họ vướng vào nhau từng chùm mà thương xót! Chúng tôi tìm thấy thuyền trưởng mặc lễ phục, Cha Tuyên úy quàng khăn lễ trên cổ; trong một góc, giữa hai tảng đá, một thủy thủ tập sự mở mắt trao tráo. Có thể tưởng là cậu còn sống, nhưng không. Không ai thoát chết cả.”
            Tới đây ông đoàn trưởng bỗng dừng lại.
            “Nardi, coi chừng lửa tắt!” ông bảo.
            Nardi ném lên đống than hồng hai, ba mảnh ván trét dầu hắc và chúng cháy bùng lên. Lionetti kể tiếp:
            “Có chi tiết đáng buồn nhất trong chuyện này là ba tuần lễ trước, một chiếc hải hạm cũng đi Crimée và đã đắm gần như cùng một chỗ như chiếc Sémillante. Chỉ có điều là lần đó chúng tôi đã cứu được thủy thủ đoàn và hai mươi người lính quân nhu đi theo tàu. Những người lính đáng thương này không có công việc gì trên tàu nên chúng tôi đưa họ tới Bonifacio và giữ họ lại hai ngày ở đó. Khi đã khô ráo và tỉnh táo lại, họ từ giã chúng tôi, trở lại Toulon và ít lâu sau người ta lại cho họ lên tàu đi Crimée.”
            “Ông có đoán được họ đi trên chiếc tàu nào không?”
            “Chiếc Sémillante. Chúng tôi gặp lại tất cả hai mươi người lính ấy trong số những người chết, ngay chỗ chúng ta đang ngồi bây giờ đây. Chính tôi nhặt xác của một viên đội đẹp trai để râu mép, một thanh niên tóc vàng người Paris mà tôi đã cho ăn ngủ nhờ ở nhà tôi, lúc nào cũng kể chuyện làm cho chúng tôi cười được. Thấy anh ta ở đó, tôi đau lòng quá… A, Santa Madre!”
            Ông Lionetti quá xúc động, giủ tro trong ống điếu ra, cuộn tròn mình lại trong chiếc áo mưa và chúc tôi ngủ ngon. Các thủy thủ kia còn trò chuyện nho nhỏ với nhau một lúc nữa. Rồi các ống điếu lần lượt tắt. Người ta bắt đầu ngủ. Ông lão chăn cừu bỏ đi. Và một mình tôi mơ màng giữa các thủy thủ ngủ say.
*
* *
            Vẫn còn bần thần vì câu chuyện buồn thảm vừa nghe, tôi cố dựng lại trong trí hình ảnh chiếc tàu và lúc cuối cùng của nó. Thật đáng thương, chỉ những con hải âu chứng kiến giây phút hấp hối đó. Có vài chi tiết làm tôi xúc động mạnh. Thuyền trưởng mặc lễ phục, Cha tuyên úy, hai mươi người lính quân nhu, tất cả đã giúp tôi phỏng đoán mọi diễn biến của thảm kịch. Tôi thấy chiếc chiến hạm rời cảng Toulon trong đêm tối, thẳng hướng đại dương. Biển động, gió dữ dội, nhưng thuyền trưởng là một nhà hàng hải tài ba nên trên tàu ai cũng an tâm.
            Buổi sáng, sương mù từ biển dâng lên. Người ta bắt đầu lo ngại. Tất cả thủy thủ lên boong. Thuyền trưởng không rời khỏi đài chỉ huy.
            Chỗ trú của hai mươi người lính quân nhu là trong hầm tối, không khí nóng bức. Có vài người mắc bệnh, nằm trên túi quân trang. Tàu tròng trành kinh khủng, không ai đứng vững được. Từng nhóm ngồi bệt xuống sàn, tay bám vào ghế dựa, trò chuyện; họ phải hét lớn mới nghe nhau được. Có người đã bắt đầu sợ. Nghe này! Tàu thường bị đắm trong vùng biển này. Ở đây có các người lính quân nhu làm chứng, và những điều họ kể không làm người ta yên tâm. Nhất là viên đội, một dân Paris lúc nào cũng bỡn cợt, nói những câu đùa nghịch khiến đám bạn càng thêm hãi sợ:
            “Một vụ đắm tàu! Nhưng vui lắm, một vụ đắm tàu. Chúng ta chỉ phải tắm trong băng, rồi người ta sẽ đưa chúng ta về Bonifacio để ăn thịt chim sáo ở nhà ông trưởng nha quan thuế Lionetti.”
            Cả đám quân nhu cười ồ.
            Thình lình, một tiếng răng rắc vang lên. Cái gì vậy! Có chuyện gì?
            “Bánh lái vừa gãy” –một thủy thủ người ướt mem, vừa chạy qua hầm tàu vừa nói.
            “Thượng lộ bình an!” Viên đội khích động hét to, nhưng không ai cười được nữa.
            Trên boong hỗn loạn. Sương mù quá dầy, không ai thấy rõ mặt ai. Các thủy thủ chạy tới chạy lui, hốt hoảng, mò mẫm. Bánh lái không còn nữa! Không thể điều khiển tàu. Chiếc Sémillante trôi giạt, như bay. Đó là lúc mà người nhân viên quan thuế thấy nó chạy qua; mười một giờ rưỡi trưa. Ở mũi chiếc thuyền, người ta nghe tiếng gầm như đại bácc nổ. Đá ngầm! Đá ngầm! Thế là hết, không còn hy vọng gì. Con tàu đang đâm thẳng vào bờ. Thuyền trưởng xuống phòng riêng. Một lúc sau, ông trở lại đài chỉ huy, mặc đại lễ phục. Ông muốn làm đẹp để chết.
            Trong hầm tàu, những người lính quân nhu lo âu, nhìn nhau, im lặng. Những người bệnh cố ngồi dậy. Viên đội không cười nữa. Lúc đó cửa mở ra và Cha tuyên úy xuất hiện ở ngưỡng cửa, tay cầm khăn lễ.
            “Quỳ xuống các con!”
            Mọi người vâng lời. Giọng ngân vang, linh mục bắt đầu bài kinh của người hấp hối.
            Bỗng mọi người nghe một chấn động ghê gớm, một tiếng kêu thét, một tiếng duy nhất, rền rĩ; những cánh tay đưa thẳng những bàn tay co quắp, những ánh mắt hoảng loạn trong đó hình ảnh Thần Chết thoáng qua như ánh chớp.
            Xin Chúa xót thương!
            Tôi đã mơ mộng như vậy suốt đêm, gọi hồn của chiếc tàu chết cách đó mười năm mà mảnh vụn bấy giờ còn vương vãi quanh tôi. Trong eo biển đàng xa, bão đang gào thét; ngọn lửa rạp xuống dưới làn gió; và tôi nghe chiếc thuyền của chúng tôi đang nhảy nhót trong sóng nước dưới chân vách đá, dây neo kêu kẽo kẹt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com