Truyện ngắn dịch
       
Thơ
       
Thơ dịch Truyện ngắn khuyết danh Truyện ngắn Truyện dịch cực ngắn
       
12/3/12

Món rượu thuốc của ngài Gaucher - Alphonse Daudet

Món rượu thuốc của ngài Gaucher
Alphonse Daudet
Đoàn Văn Khanh dịch

            - Hãy nhắp thử món này đi, ông láng giềng của tôi; rồi ông sẽ thấy nó ngon cỡ nào.
            Và, từng giọt một, với sự cẩn trọng tỉ mỉ của một người buôn ngọc đếm các hạt ngọc, vị linh mục chánh xứ Graveson rót cho tôi độ hai lóng tay một thứ rượu màu xanh lục rực rỡ, âm ấm, sáng lóng lánh, tuyệt ngon... Tôi cảm thấy ruột gan như phừng lên.   
            - Đó là món rượu thuốc của cha Gaucher, niềm vui và sức khoẻ của xứ Provence chúng tôi, vị cha xứ hiền lành bảo tôi với một vẻ hoan hỉ; người ta chế tạo nó tại tu viện của các cha dòng Prémontrés, chỉ cách cái cối xay gió của ông chừng hai dặm… Có đúng là thứ rượu này đáng giá hơn tất cả các loại rượu do các nhà dòng sản xuất trên thế giới không?... Và phải chi ông biết được lai lịch của món rượu thuốc này thì lại càng thú vị hơn nữa! Thôi thì cứ nghe đây...
            Thế rồi, trong căn phòng ăn của ngôi nhà xứ rất hiền hòa và rất yên tịnh với những bức tranh nhỏ của Chặng đường Thánh giá và những tấm màn cửa sáng sủa được hồ cứng như những chiếc áo lễ, vị tu sĩ bắt đầu kể cho tôi nghe một cách hoàn toàn hồn nhiên, không hề có ngụ ý ranh mãnh, một mẩu chuyện nhỏ hơi có vẻ khó tin và thiếu tôn kính, theo kiểu mấy câu chuyện của Érasme hoặc của Assoucy:  
            - Cách nay hai mươi năm, dòng Prémontrés, hay nói đúng hơn các cha dòng áo trắng, như người dân xứ Provence thường gọi, bị lâm vào cảnh túng quẫn. Nếu như ông thấy được ngôi nhà của họ lúc bấy giờ, ông cũng phải đau lòng.
            Bức tường lớn, ngọn tháp Pacôme bị sụp đổ thành từng đống. Khắp xung quanh tu viện tràn ngập cỏ dại, những dãy cột hành lang nứt nẻ, những tượng thánh bằng đá đổ nhào trong các khung bệ thờ. Không còn tấm kính màu nào của các cửa kính còn đứng nguyên, không một cái cửa nào được sơn phết. Trong nhà chơi, trong nhà nguyện, ngọn gió sông Rhône thổi như trong cánh đồng Camargue, làm tắt những ngọn nến, làm bể chì những khung cửa kính, làm đổ các bình nước thánh. Nhưng điều đáng buồn nhất là cái lầu chuông của tu viện, cứ yên lặng như một cái chuồng bồ câu bỏ trống, và các cha dòng, vì thiếu tiền để mua một cái chuông, đã bắt buộc phải rung chuông lễ sáng với những cái sênh bằng gỗ cây hạnh!...
            Tội nghiệp cho mấy cha dòng áo trắng! Tôi như còn thấy lại họ trong đám rước kiệu ngày lễ Đức Chúa Trời, người tái mét, gầy gò, nuôi sống bằng những thứ rau dưa, diễn hành một cách buồn thảm trong những chiếc áo choàng vá víu, và sau họ là ngài tu viện trưởng, đầu cúi xuống khi đi, rất xấu hổ phơi bày trước ánh sáng mặt trời cây trượng vàng loang lổ và cái miện len trắng bị mối mọt gặm. Các bà của mấy hội đoàn đã phải nhỏ nước mắt thương hại khi đi trong hàng, và mấy ông khoẻ mạnh cầm phướn thì cười khẩy nho nhỏ với nhau trong khi chỉ cho nhau xem những tu sĩ nghèo:
            - Những con sáo đá trở nên ốm đói khi đi thành đàn.
            Sự thực thì ngay cả những cha dòng áo trắng bất hạnh cũng đã đi đến chỗ tự hỏi phải chăng đã đến lúc mỗi người phải tìm cách tự bay nhảy ngoài đời và tự kiếm sống lấy phần mình.
            Nhưng một hôm, trong khi vấn đề nghiêm trọng này đang được thảo luận trong cuộc họp của cộng đoàn thì người ta báo cho vị tu viện trưởng có thầy Gaucher muốn xin cộng đoàn lắng nghe ý kiến của thầy... Để ông hiểu rõ hơn về thầy Gaucher này thì phải nói đây chỉ là một mục tử của tu viện; nghĩa là hàng ngày chỉ biết lùa hai con bò cái gầy còm đi phía trước, lang thang tìm cỏ gặm ở những kẽ đá lát đường hết hành lang này qua hành lang khác trong nhà dòng. Vốn từ nhỏ cho đến năm lên 12 tuổi được nuôi nấng bởi một bà già điên ở xứ Baux mà người ta gọi là dì Bégon, sau đó được các cha dòng tiếp nhận, kẻ mục tử bạc phước này chưa bao giờ được học hành ngoài việc chăn mấy con bò và học đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng La tinh mà bấy giờ hãy còn đọc bằng thổ ngữ xứ Provence, bởi vì thầy có một đầu óc chậm lụt và trí khôn ngờ nghệch như một anh chàng ngốc. Nói cho cùng thì thầy vẫn là một con chiên ngoan đạo, mặc dù hơi ảo tưởng, thoải mái khi bị đánh bằng cái thắt lưng roi hãm mình, và tự hành xác với một niềm tin vững mạnh!...   
            Khi người ta thấy thầy ngớ ngẩn và cục mịch, chân trước chân sau bước vào phòng họp cúi chào cộng đoàn, ngài tu viện trưởng, các vị phụ tá, ngài thủ quỹ, tất cả mọi người cùng bật cười. Đây là điều vẫn thường xảy ra bất cứ nơi nào có cái khuôn mặt chất phác, tóc hoa râm với bộ râu xồm và đôi mắt hơi tàng tàng xuất hiện; và thầy cũng không hề lấy đó làm điều khó chịu cho mình.
            - Thưa quý cha, thầy Gaucher nói bằng một giọng khép nép trong khi xoắn đi xoắn lại xâu chuỗi bằng hột ô liu, người ta rất có lý khi nói là chính những cái thùng rỗng mới khua to. Xin các ngài hiểu cho, nhờ cố gắng đào sâu cái đầu đáng thương vốn rỗng tuếch, con nghĩ là con đã tìm được cách để kéo chúng ta ra khỏi sự cùng cực.
            Cách đó là như thế này đây. Quý ngài biết rõ dì Bégon, người đàn bà dũng cảm đã nuôi nấng con hồi con còn nhỏ. (Cầu xin Chúa cứu vớt linh hồn bà ấy, bà già ranh mãnh đó! bà ta hay hát những bài ca nhảm nhí sau khi uống rượu.) Con xin thưa rằng, thưa quý cha đáng kính, rằng là dì Bégon lúc còn sống có biết nhiều thứ cây cỏ trên núi còn hơn cả một con sáo già đảo Corse. Thậm chí, vào cuối đời mình, dì ấy đã chế biến được một loại rượu thuốc không có gì sánh bằng nhờ biết pha trộn năm hay sáu loại dược thảo mà chúng ta sẽ cùng đi thu thập trong núi Alpilles. Chuyện đó cũng đã nhiều năm qua rồi; nhưng con nghĩ với sự giúp đỡ của thánh Augustin và sự cho phép của ngài tu viện trưởng của chúng ta, con có thể - trong khi cố lục lọi trở lại - sẽ tìm được cách chế tạo thứ rượu thuốc thần kỳ đó. Đến lúc ấy, chúng ta chỉ còn có việc vô chai, và bán với giá hơi đắt một chút, điều đó sẽ giúp cho cộng đoàn làm giàu một cách êm thắm, cũng giống như các thầy bên nhà dòng Trappe và dòng Grande...  
            Thầy Gaucher không có thời giờ để nói hết. Ngài tu viện trưởng đứng dậy nhảy đến ôm cổ thầy. Các vị phụ tá nắm lấy tay thầy. Ngài thủ qũy còn xúc động hơn những người khác, hôn luôn cái viền cánh tay áo trùm te tua của thầy một cách kính cẩn...  Sau đó mỗi người trở về ghế ngồi của mình để nghị luận, và tất cả đã quyết định luôn trong buổi họp là sẽ giao ngay mấy con bò cho thầy Thrasybule trông coi để cho thầy Gaucher có thể dành hết thì giờ vào công việc hoàn thành món rượu thuốc.
            Bằng cách nào ông thầy dòng hiền lành này đạt kết quả tìm lại được cái công thức pha chế của dì Bégon? bằng cái giá của những nỗ lực nào? Truyện không nhắc đến. Chỉ biết một điều chắc chắn, ấy là chỉ không đầy sáu tháng, món rượu thuốc của các cha dòng áo trắng đã trở thành rất phổ biến. Trong suốt vùng Comtat, trong khắp các xứ thuộc Arles, không một trang trại nào, một kho lẫm nào mà lại không có trong hầm chứa của mình giữa những chai rượu vang cất và những vại dầu ô liu, một lọ nhỏ bằng đất nung màu nâu đóng dấu khằn xứ Provence, với một ông thầy tu xuất thần trên cái nhãn hiệu màu bạc. Nhờ vào sự thịnh hành của món rượu thuốc của thầy Gaucher, ngôi nhà của các tu sĩ dòng Prémontrés giàu lên một cách nhanh chóng.. Người ta xây dựng lại ngọn tháp Pacôme. Ngài tu viện trưởng có một cái giáo miện mới, nhà thờ có những cửa kính màu mỹ thuật, và vào một buổi sáng lễ Phục sinh, giữa cái lầu chuông trang trí bằng những giải ren mịn màng, vang vang lên cái âm thanh của cả một bộ chuông đầy đủ các cỡ lớn nhỏ.   
            Về phần thầy Gaucher, ông thầy thất học đáng thương mà cách hành xử vụng về từng chọc cười cộng đoàn trong buổi họp thì không còn vấn đề gì để nói nữa trong tu viện. Từ nay trở đi người ta chỉ biết có ngài Gaucher, người có đầu óc và sự hiểu biết rộng rãi, sống hoàn toàn tách biệt không còn bận tâm tới những công việc phụng sự vốn dĩ  rất nhiều và rất chi li của tu viện, và tự giam mình suốt ngày trong lò nấu rượu, trong khi ba chục tu sĩ lùng sục trên núi để hái những thứ hương thảo cho ngài. Cái lò nấu rượu, nơi không một ai, kể cả vị Bề trên chủ quản đều không có quyền bước vào, là một căn nhà nguyện bỏ hoang ở tận cuối khu vườn của các cha. Sự mộc mạc của các cha dòng hiền lành đã biến chỗ đó thành một nơi huyền bí và kinh khủng; và nếu như tình cờ một chú tu sinh trẻ nào đó bạo gan và tò mò bám vào các dây nho bò lủng lẳng leo lên tới khuôn kính hoa thị trên cửa chính nhà nguyện thì cũng phải sợ hãi, vội vã tụt xuống cho nhanh vì thấy cha Gaucher với bộ râu thầy pháp, cúi người trên những cái lò lửa, cái tửu độ kế trong tay; rồi thì khắp xung quanh là những cái chỏm bằng sành màu hồng, những nồi chưng khổng lồ, những ống xoắn bằng thủy tinh, cả một đống ngổn ngang kỳ quái sáng rực lên một cách ma quái trong ánh sáng đỏ của những tấm kính màu.    
            Vào lúc ngày tàn, khi chuông báo hiệu giờ thánh lễ chiều rung lên, cánh cửa chốn huyền bí này mở ra một cách kín đáo, và vị cha khả kính đi lên nhà thờ để tham dự buổi lễ chiều. Phải nhìn xem mới biết cha được tiếp đón như thế nào khi đi ngang qua tu viện! Các thầy dàn thành hàng khi cha đi qua, người ta bảo nhau:    
            - Suỵt !... ngài có điều bí mật !...
            Ngài thủ qũy thì đầu cúi thấp đi theo và nói chuyện với cha... Giữa những sự tâng bốc này, cha vừa bước đi vừa chặm mồ hôi trán, cái nón ba góc rộng vành lật ngược về phía sau như một cái hào quang, nhìn ra xung quanh mình với một vẻ hài lòng cái sân lớn được trồng những cây cam, những mái nhà màu xanh trên đó có những cái chong chóng gió mới, và trong tu viện sáng bừng lên một màu trắng - giữa những dàn cột hành lang đẹp đẽ và đầy bông hoa - các tu sĩ mặc áo mới sắp hàng đôi bước đi với nét mặt an vui.
            - Chính là nhờ ta mà họ có được tất cả những thứ ấy! vị cha khả kính tự nhủ thầm; và cứ mỗi lần cái ý tưởng này đến lại làm cha phồng mũi lên niềm kiêu hãnh.
            Con người đáng thương đã bị trừng phạt thích đáng. Ông sẽ thấy...
            Ông hãy thử tưởng tượng có một buổi chiều nọ trong giờ thánh lễ, cha đến nhà thờ trong một vẻ  khích động khác thường: mặt mày thì đỏ kè, hơi thở hổn hển, chiếc áo dòng xốc xếch, và cử chỉ thì lúng túng đến nỗi trong khi chấm tay vào bình nước thánh, cha đã nhúng ướt luôn cả hai tay áo của mình đến tận cùi chỏ. Thoạt tiên người ta tưởng rằng cha bị xúc động vì đến trễ; nhưng khi  thấy cha cúi mình cung kính trước cây đàn đại phong cầm và cái tòa giảng thay vì bàn thờ chính, lướt ngang qua nhà thờ như một cơn gió, đi lang thang trong cung thánh trong vòng năm phút để tìm ngăn ghế ngồi của mình, rồi sau khi đã ngồi xong thì hết nghiêng mình qua phải lại qua trái và mỉm cười với một vẻ ngây ngô, khắp các dãy trong lòng nhà thờ nổi lên một sự thì thầm ngạc nhiên và người ta cứ xầm xì trong khi đọc hết kinh này qua kinh khác:    
            - Chuyện gì đã xảy ra cho cha Gaucher của chúng ta vậy?... Chuyện gì xảy ra cho cha Gaucher của chúng ta vậy?
            Đã hai lần cha bề trên sốt ruột, phải nện cây giáo trượng trên nền đá lát để ra lệnh yên lặng... Tận phía ca đoàn dưới kia, những bài thánh ca vẫn liên tục, nhưng giọng hát thì thiếu mất niềm hăng say...
            Thình lình, giữa lúc xướng kinh  Ave verum, thì kìa cha Gaucher ngã lăn ra trong ngăn ghế của mình và hét vang lên bằng một giọng oang oang:
            Trong thành phố Paris có những ông cha dòng áo trắng
            Pa ta tanh, pa ta tăng, ta ra banh, ta ra băng...
            Thật là một sự kinh hoàng cho mọi người. Ai nấy đều đứng dậy. Người ta la lên:
            - Hãy mang ông ta đi... ông ta bị quỷ ám rồi!...
            Các cha phụ tá làm dấu thánh giá. Cây giáo trượng của ngài bề trên nện lia lịa... Nhưng cha Gaucher không nhìn thấy gì cả, không nghe gì cả, và hai tu sĩ lực lưỡng bắt buộc phải lôi cha ra khỏi cung thánh bằng một cái cửa nhỏ, trong khi cha vùng vẫy như một kẻ bị quỷ nhập và tiếp tục la thật lớn mấy câu Pa ta tanh và ta ra băng... của mình.
            Qua hôm sau, vào sáng sớm, kẻ vô phước đến quỳ gối trước toà giải tội của ngài bề trên và đọc kinh ăn năn tội bằng cả một suối nước mắt.
            - Thưa ngài, chính cái rượu thuốc đã bắt con, cha nói trong khi tự đấm ngực. Và khi thấy cha buồn bực như thế, ăn năn như thế, ngài bề trên nhân lành cũng thấy mình xúc động.
            - Nào! nào! cha Gaucher, hãy bình tĩnh lại, tất cả những cái ấy rồi cũng sẽ tan đi như sương khô ráo dưới ánh nắng mặt trời...   
            Và nói cho cùng ra thì cái gương xấu đó cũng không đến nỗi to lớn như con nghĩ. Chỉ có cái bài hát là hơi có vẻ ... hừm ! hừm !... Sau hết hy vọng là mấy chú tu sinh nhỏ chưa nghe được... Bây giờ thì, để xem nào, hãy nói cho ta biết bằng cách nào sự việc đó lại xảy ra cho con... Cái đó do trong khi thử rượu thuốc, có phải vậy không? Có lẽ con đã hơi nặng tay... Đúng , đúng, ta hiểu... Cái đó cũng giống như thầy Schwartz , người phát minh ra thuốc nổ: con là nạn nhân của sự phát minh của con... Và hãy nói cho ta biết, con dũng cảm của ta, có quả thực cần thiết là chính con phải tự mình nếm thử cái thứ rượu thuốc khủng khiếp đó?    
            - Vâng, thật là không may, thưa ngài...  cái ống nghiệm cho con biết nồng độ rượu, nhưng về cái độ hoàn hảo, cái vị dịu ngọt thì con chỉ tin vào cái lưỡi của con thôi...
            - Thật vậy sao? được rồi… Nhưng hãy lắng nghe kỹ thêm một chút điều ta nói… Khi con nếm món rượu thuốc như thế vì lý do cần thiết, cái đó có làm cho con cảm thấy dễ chịu không? Con có cảm thấy khoái lạc trong đó không?...
            - Than ôi! vâng, thưa ngài, ông cha khốn khổ đỏ cả mặt trả lời... Đã có hai chiều con gặp được cái hương vị, cái mùi thơm của rượu!... Phải nói đúng là qủy dữ đã chơi khăm con vố này... Con cũng đã dốc lòng từ nay chỉ dùng ống thử nghiệm thôi. Bất kể rượu có đủ hương vị hay không, bất kể nó có trong như ngọc hay không...
            - Để yên xem nào, ngài bề trên ngắt lời một cách nhanh nhẩu. Đừng có để xảy ra cái việc khách hàng không hài lòng... Bây giờ tất cả những gì con phải làm để cho con được che chở trước, đó là con phải cảnh giác... Để xem nào, con cần phải có cái gì để nhận xét?... Mười lăm hay hai mươi giọt, có phải vậy không?... cứ cho là hai mươi giọt đi... Qủy sứ sẽ không bắt nổi con khi chỉ có hai mươi giọt thôi. Đàng khác, để ngăn ngừa mọi tai nạn, ta sẽ miễn cho con từ nay khỏi phải vào nhà thờ. Con sẽ đọc kinh lễ chiều ngay tại lò nấu rượu... Và bây giờ, hãy ra về bình an, cha khả kính của ta, và nhất là... hãy đếm kỹ số giọt.        
            Than ôi, vị cha khả kính đáng thương dù có đếm kỹ từng giọt... qủy sứ vẫn bắt ông ta, và không bao giờ buông tha ông ta ra nữa.
            Chính cái lò nấu rượu là nơi có những buổi kinh nguyện kỳ dị.
            Ban ngày, mọi sự vẫn hãy còn bình thường. Ông cha vẫn bình tĩnh: sửa soạn lò, các nồi nấu, lựa chọn cẩn thận các thứ dược thảo, tất cả những dược thảo của Provence, có thứ mịn mảnh, có thứ xám xịt, có thứ có khía, có thứ khô nồng với mùi hương và ánh nắng mặt trời... Nhưng vào buổi chiều, khi các dược thảo đã được sắc xong và rượu thuốc âm ấm trong các chậu bằng đồng đỏ, cuộc khổ nạn của con người đáng thương bắt đầu.   
            - ... Mười bảy... mười tám... mười chín... hai mươi !...
            Những giọt rượu rơi từ cái ống hút vào trong cái ly màu hồng ngọc. Hai mươi giọt đó, cha ực một hơi, dường như không thỏa mãn. Chỉ có cái giọt thứ hai mươi mốt mới làm cho cha thèm thuồng. Than ôi! cái giọt thứ hai mươi mốt đó!... Bấy giờ, để thoát khỏi sự cám dỗ, cha bèn đi đến tận cuối phòng nấu rượu qùy gối và đắm mình trong việc đọc kinh Lạy Cha. Nhưng từ cái rượu hãy còn âm ấm bốc lên một làn hơi đượm mùi hương thơm cứ bay đến lảng vảng xung quanh cha và dù muốn dù không cha cũng đã bị nó dẫn trở lại với mấy cái chậu.... Rượu một màu xanh lục óng ánh thật đẹp... Nghiêng mình trên đó, lỗ mũi nở ra, cha khuấy nhè nhẹ với cái ống hút, và trong những cái vệt nhỏ sáng lóng lánh mà những làn sóng của chất ngọc bích nhỏ xuống, cha hình như thấy đôi mắt của dì Bégon cười với cha và long lanh trong khi nhìn cha.
            - Nào! còn một giọt nữa!
            Và từ giọt này sang giọt khác, kẻ bạc phước đã kết thúc bằng một ly đầy tràn tới miệng, trong khi tự nói thật nhỏ với một sự hối hận đầy thú vị:
            - Ôi! tôi tự đày đọa mình... tôi tự đày đọa mình...
            Điều kinh khủng hơn nữa, đó là tận cùng của thứ rượu thuốc qủy quái này, cha đã nhớ lại được,  không biết do một bàn tay phù phép nào, tất cả những bài hát nhảm nhí của dì Bégon: Đó là ba mụ đàn bà nhỏ nhiều chuyện, bàn tính nhau làm bữa tiệc đưa tiễn... hoặc : Bergerette của ông chủ André, đã bỏ đi một mạch vào rừng....  và luôn luôn cái điệp khúc nổi danh của các cha dòng áo trắng: Pa ta tanh và ta ra băng...
            Hãy nghĩ xem ngày hôm sau cha xấu hổ đến mức nào, khi các cha cùng phòng nói với cha một cách ranh mãnh :
            - Này! Này! Cha Gaucher, ngài có mấy con ve kêu trong đầu tối qua trong khi ngủ.
            Thế là bấy giờ thôi thì nào là nước mắt, sự thất vọng, sự ăn chay, và sự đánh đòn tự hành xác. Nhưng không gì có thể chống lại con qủy của rượu thuốc; và cứ mỗi buổi chiều, vào cùng một giờ, sự ám ảnh lại bắt đầu.
            Trong thời gian đó, phiếu đặt hàng cứ như mưa bay đến nhà dòng, như thể một ơn lành. Nó đến từ Nimes, từ Aix, từ Avignon, từ Marseille... Ngày này qua ngày khác tu viện hơi có vẻ trở thành một cơ sở chế tạo. Có những tu sinh gói hàng, những tu sinh dán nhãn hiệu, một số khác lo viết sổ sách, số khác nữa lo vận chuyển, việc phụng sự Thiên Chúa thì chỗ này lơ là, chỗ kia thiếu mất vài tiếng chuông rung; nhưng những con người đáng thương của xứ này không mất mát gì cả, tôi đoan chắc với ông như vậy...
            Và rồi, một sáng chủ nhật đẹp trời, trong khi ngài thủ qũy đọc kết toán tài chánh cuối năm trước cuộc họp cộng đoàn và các vị phụ tá nhân lành lắng nghe với đôi mắt sáng và nụ cười trên môi thì kìa cha Gaucher nhào vào giữa phòng họp và la lên:
            - Thôi đủ rồi... con không dính dáng vào chuyện này nữa đâu... Hãy trả lại mấy con bò cho con.
            - Có chuyện gì vậy hả, cha Gaucher? ngài tu viện trưởng hỏi vì nghi ngờ lại có chuyện gì đó nữa xảy ra cho cha rồi.
            - Có chuyện gì à, thưa ngài? Có chuyện là con đang sửa soạn cho con một cuộc sống đời đời trong lửa hỏa ngục và hứng chịu những cái chỉa ba của qủy dữ... Đã có chuyện là con uống rượu như một kẻ khốn nạn...
            - Nhưng ta đã dặn con là hãy đếm số giọt mà.
            - Than ôi! vâng, đếm số giọt của con! Chính là phải đếm bằng ly bây giờ... Vâng, thưa quý cha đáng kính, con đã đến cỡ này rồi. Ba ly cối mỗi buổi chiều... Quý ngài hiểu là điều này không thể nào kéo dài nữa... Lại nữa, hãy sai người nào khác mà quý ngài muốn lo việc chế rượu thuốc.... Lửa trời sẽ thiêu đốt con nếu con còn lăn mình vào đây!   
            Giờ thì cộng đoàn không còn cười nữa.
            - Nhưng mà, khổ thay, con sẽ làm chúng ta bại sản! cha thủ quỹ la lớn trong khi vung quyển sách to tướng lên.
            - Thế ngài muốn cho con bị án phạt đời đời sao?
            Lúc này, ngài bề trên đứng dậy.

            - Các cha đáng kính, ngài nói trong khi duỗi bàn tay trắng có đeo chiếc nhẫn hàng giáo phẩm  sáng chói, có một cách để dàn xếp ổn thỏa tất cả... Đó là vào buổi chiều, có phải vậy không, con thân yêu của ta, là quỷ dữ mới cám dỗ con?...
            - Vâng, thưa ngài tu viện trưởng, thường là vào tất cả mọi buổi chiều... Cũng như, bây giờ đây, khi con nhìn thấy bóng đêm, con xin ngài thứ lỗi, con toát cả mồ hôi , giống như con lừa của Capitou khi nhìn thấy người ta mang cái yên thồ tới.      
            - Khoan đã nào, hãy trấn tĩnh lại... Kể từ nay, tất cả mọi buổi chiều, trong giờ thánh lễ, chúng ta sẽ vì con mà đọc bài kinh cầu nguyện của thánh Augustin, bài kinh khi đọc lên sẽ được ơn toàn xá... Với điều đó, dù cho có chuyện gì xảy ra nữa, con vẫn được che chở... Đó là sự xóa tội trong khi phạm tội.
            - Ồ! Vậy thì may quá! con xin cám ơn ngài tu viện trưởng!      
            Và, không đòi hỏi gì hơn, cha Gaucher trở về với mấy cái nồi nấu rượu của mình, cũng nhẹ nhàng như một con chim sơn ca.
            Hiệu lực kể từ ngay lúc ấy, tất cả mọi buổi chiều, vào cuối giờ kinh chiều, vị chủ tế không bao giờ quên đọc thêm:
            - Chúng ta hãy cầu nguyện cho cha Gaucher đáng thương của chúng ta, kẻ đã hy sinh linh hồn của mình vì lợi ích của cộng đoàn... Oremus, Domine...    
            Và trong khi trên những cái áo choàng trùm màu trắng qùy gối trong lòng nhà thờ, bài kinh lan truyền đi trong cái rùng mình như một ngọn gió buốt thổi trên tuyết, thì dưới kia, tận đầu cùng của tu viện, sau những tấm kính màu le lói của lò nấu rượu, người ta nghe tiếng cha Gaucher hát oang oang:   
Trong thành phố Paris có một ông cha dòng áo trắng,
Pa ta tanh, pa ta tăng, ta ra banh, ta ra băng;
Trong thành phố Paris có một ông cha dòng áo trắng,
Làm cho các thầy tu nhảy múa lăng nhăng 
Trin, trin, trin, trong một khu vườn:
Làm cho các thầy tu nhảy múa...  
            ... Đến đây vị linh mục chánh xứ ngừng lại đầy kinh hãi:
            - Lạy Chúa lòng lành xin thương xót! mong là các con chiên của tôi không nghe được câu chuyện tôi vừa kể!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

namkts57@gmail.com